Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, June 16, 2017

AN LƯU LÀNG TÔI VÀ HUYỀN THOẠI THẦN ĐÁ - Trần Quốc Phiệt



(Cổng tam quan nhà thờ tộc Trần, An Lưu)



Theo cách nghĩ thông thường thì cái gì cũng phôi pha nhạt nhòa theo thời gian,chưa hẳn mọi chuyện đều như vậy. Có rất nhiều điều hầu như gắn liền với đời người dù cho thời gian và hoàn cảnh đổi thay xoay chiều xuôi ngược, nhất là khi nó được ghi vào ký ức của tuổi thơ trong trắng.Với tôi đó là những kỷ niệm hồn nhiên dẫu là vui buồn hay chua xót, vậy thì ngôi làng nơi gia tộc tôi đã trải qua bao nhiêu đời và đến thế hệ tôi sinh ra, lớn lên rồi cất bước đi xa, dù thời gian được sống ở làng rất ít so với tuổi đời, mà lại là nơi luôn canh cánh bên lòng chưa hề nguôi ngoai thương nhớ.

Thật khó để giới thiệu cho rõ nét đặc thù về làng tôi, trong trí tưởng của người viết thì đó là một ngôi làng tuy nhỏ nhắn nhưng xinh xắn, có tổ chức đạc địa từ căn bản, nên về sau dù qua bao thế hệ, biết bao nhiêu khê thăng trầm thì hình thái làng vẫn còn giữ được như vậy.

Đến tuổi xế chiều nghiêng bóng, đã đi đây đó khắp mọi miền đất nước, đã được đọc nhiều văn thơ, thưởng thức nhiều sáng tác nghệ thuật tả cảnh làng quê, điểm lại không thấy ngôi làng nào giống làng của tôi cả. Cậu học trò ngoài sáu mươi quyết định ngồi làm lại bài luận văn tả ngôi làng của chính mình, nơi đó tôi đã sinh ra, nơi đó tôi có những ngày tuổi thơ vui buồn, có cả khổ đau không thể phai mờ trong tiềm thức.

An Lưu, một địa danh thuộc vùng đất Chợ Cạn, xã Triệu Sơn, quận Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, làng tôi hiền hòa nằm sau lũy tre xanh, những con đường cái nằm ngang, đường đi nằm dọc, chia ra thành từng khu ruộng đồng, từng xóm, nhà nọ nhà kia  trên những mảnh vườn diện tích hầu như không khác nhau lắm, đi lên đi xuống, đi qua, đi  về một vòng người ta có thể phỏng đoán rằng những bậc khai canh khai khẩn thuở nào đã dùng tri thức về hình học để vẽ họa đồ ngay từ những ngày đầu đến định canh định cư nơi đây.

Làng tôi không có cây đa cao ngất từng xanh, không có con sông xanh lơ lững vờn quanh, nhưng có cái dáng dấp thuần túy Việt Nam với lũy tre làng, ruộng vườn, ao cá, mái tranh với khói lam chiều nhẹ nhàng ùn lên  êm đềm theo cánh gió lay động ngọn cau cạnh những mái nhà dân giả rồi tàn phai nhạt nhòa trong bóng hoàng hôn.

Ngôi làng thật gọn gàng, theo sơ đồ ngăn nắp, nhà trước, nhà sau, sắp xếp theo từng xóm, những con đường dọc ngay thẳng đi gìữa hai hàng tre của các vườn hai bên, bóng tre mát dịu dàng, có thể nghe đâu đó tiếng chim hót trên cành hay tiếng kẽo kẹt chạm vào nhau của những cây tre già chênh bóng.

Những con đường làng quê tôi không mang tên danh nhân hay số mục, cái tên đó có từ lâu, cũng không nghe ai kể lại là được đặt ra khi nào, có thể suy đoán là những cái tên được gọi theo cách hình thành, theo điạ thế hoặc mục đích như đường Đựng, đường Bắt, đường Bạn, đường Quan, đường Kiệt, tất cả đều được đắp ngay thẳng, được tu bổ hàng năm, đặc biệt vào những dịp có tế lễ, mà nhất là ngày Tết âm lịch.

Theo cách hiểu của người viết bài này thì ngoài những con đường xóm nằm trong làng, trước làng có hai con đường ngang lớn trên cùng gần bìa làng là đường Bắt, đây là đường dân làng đắp lên, được tu bổ hằng năm trở thành lớn nên mới có tên đường Bắt, theo thổ ngữ Quảng Trị chữ bắt có nghĩa là đắp.

Con đường song song với đường Bắt, cũng chạy từ đầu Đông đến đầu Tây theo bề dài làng là đường Bạn, nghe nói rằng hằng năm đến mùa gặt có những nhóm thợ gặt từ những nơi khác đến gặt thuê, đi thuê người gặt từng nhóm như vậy, gọi là kêu “bạn cắt”, cho nên mới có tên đường Bạn, con đường này cũng là nơi đi lại trong vùng và phụ cận, không đi xuyên qua làng.

Ba con đường nối từ đường Bạn lên đường Bắt, một ở giữa và hai ở hai đầu rất cân đối đều được gọi tên là đường Đựng, theo thứ tự Đông, Tây và Giữa theo tiếng địa phương thì đứng có nghĩa là dọc, theo cách phát âm thiên về dấu nặng đặc biệt của Quảng Trị, như vậy gọi đứng thành đựng lâu ngày thành quen .

Những con đường trước làng, trong làng đã nói đến, điều đang thắc mắc là còn một con đường khác, cũng chạy song song với hai con đường chính trước làng là đường Bắt và đường Bạn, con đưòng này có cái tên rất hay là đường Quan mà lại nằm sau lưng làng, thay vì đường cái Quan là con đường trọng đại, làng tôi dấu con đường Quan đằng sau, trong lúc trâu bò không được leo lên những đường chính trước làng,  chỉ được dùng đường Kiệt và đường Quan để trở về chuồng sau một ngày cày xới hoặc gặm cỏ ngoài đồng.

Câu hỏi chẳng có câu trả lời, xưa bày nay làm, cứ thế mà dùng, cứ thế mà gọi, làng tôi ngôi làng thân thương nghèo nàn đó âm thầm những bước đi theo thời gian, ngày qua ngày, năm qua năm, thế hệ này qua thế hệ khác, phong tục tập quán được lưu truyền, đó là nét văn hóa đặc thù, tình cảm mặn mà với ruộng lúa bờ tre, cần câu ao cá ngọn bèo, cọng rong..

Các cụ xưa nói “nhất cận thị, nhì cận giang”, làng tôi có cái nhất mà mất cái nhì, phía Đông làng giáp xóm Phường của thôn Đạo Đầu, đó là chợ Cạn, chợ nhỏ kiểu nhà quê, nhưng tên thì nổi tiếng trong những lần binh lửa, không có sông, thay vào đó hai con khe ở hai đầu làng - người làng tôi gọi là “trong”-nước chảy bốn mùa, tưới cho cánh đồng lúa tốt tươi.

Sau lưng làng là rú, không có những loại cây to lớn, phần nhiều trầm bù và tràm, một số nương khoai, đất rú hầu như toàn cát trắng nên không thích hợp cho những loại cây khác, chỉ có thể trồng dương liễu hoặc sầu đâu, nếu có điều kiện kỷ thuật cao chắc là có thể trồng được nhiều loại cây hữu ích khác nhưng làng tôi chưa được như vậy, cho nên rú khá rộng, đa phần làm nghĩa điạ cho người quá vãng. Bên cạnh đó có những đụn cát vàng, dân làng thường gọi “đôộng” giữa” độ cao thấp tùy năm, tùy mùa theo chiều gió mà xoi hoặc bồi, vì thế đụn cát khá linh hoạt về hình thể cả màu sắc.




Trước làng là đồng ruộng lúa, chia ra ba loại: gần trong cùng là ruộng “nẩy”, kế là ruộng sâu, phần rìa còn lại ở những vùng đất cao là ruộng cạn, số đất còn lại gọi là nương. Các loại ruộng và nương có công dụng trồng tỉa khác nhau cho từng loại nếp, lúa, mạ khoai sắn hoặc hoa màu.

Ngôi đình làng tọa lạc trên một mảnh đất cao nằm phía trước chính giữa làng, nơi đó dùng để hội họp, chung quanh quang vắng, theo những người già kể lại thì trước kia ở đó có lùm cây với nhiều cây cao bề thế, tất cả đã bị triệt hạ trong cuộc chiến chống Pháp (45-54).

Hai ngôi nhà thờ của hai họ Lê, Trần bề thế ở hai đầu, lộ hẳn tiền đường, tam quan ra phía trước, trước kia còn có nhà thờ họ Nguyễn, đã bị sập đổ trong chiến tranh trước 1954, sau này họ Nguyễn rất ít dân số, phần lưu lạc vào Nam lập nghiệp sau 1975, nên bàn thờ được đặt phía đầu Tây của làng, trên đất hương hỏa của gia đình họ Nguyễn.

Theo trong gia phả lưu lại, khi từ miền ngoài (Nghệ An) vào thì ba vị gồm ba họ Nguyễn, Lê, Trần là tiền khai khẩn, hậu khai canh của làng An Lưu, hiện tại có thêm gia đình họ Trịnh, họ Trịnh là họ “ngụ”, bắt đầu có từ khi người ở trông coi chùa của làng, làm nhiệm vụ ông từ, nhang khói và giữ chùa làng, ngôi chùa đã bị sập đổ theo chiến tranh, ông từ họ Trịnh trở thành cư dân làng từ đó.

Khác với các làng mạc miền Nam, đình làng là nơi thờ thần hoàng, ở làng An Lưu của tôi nói riêng và xứ tôi nói chung, thần hoàng thờ trong nghè làng, nghè làng được xây cất trang trọng và uy nghiêm, trước có tiền sảnh, để nhóm họp, bày biện lễ vật, kế tiếp là chánh điện nơi đặt hương án, bài vị có đủ tước phong, phẩm trật của vua ban.

“Không thiêng ai gọi là thần”, theo những câu chuyện truyền khẩu thì thần hoàng làng tôi rất linh thiêng, hằng năm, đặc biệt vào ngày đầu năm Tết âm lịch, dân làng mang lễ vật đến nghè tế lễ thần hoàng trước, sau đó mới đi tế lễ các nhà thờ họ, vào ngày đầu năm không phải họ nào tế lễ họ nấy, mà các trưởng tộc phải đi dự lễ tế mừng tuổi tân niên các vị khai khẩn của làng.

Từ thuở nào nghè An Lưu đã nằm trong khu rú phía Tây của làng, trước kia rất cổ kính, sau những cuộc chiến tranh dai dẳng, khốc liệt hư hại đi rất nhiều, nay đã được xây dựng mới hoàn toàn.

Nghè làng tôi đặc biệt ngoài thờ cúng thần hoàng, còn thờ một vị thần khác mà dân làng ai cũng biết chuyện đó, nhưng thần gì, tên gì thì người viết không nắm vững, chỉ nghe người lớn tuổi hơn nói lại là thần đá, chính người viết không những nghe kể tận tai mà còn từng vài lần đến thăm thần đá tận mắt, câu chuyện được lược kể thế này.


Vào ngày nọ có một ngưòi Phương Sơn, là làng nằm cạnh An Lưu về phía Tây, cách nhau chỉ  con đường dọc và bờ tre, người nầy đi “dủi” cá trên vùng đất thuộc An Lưu, trong trời đông lạnh buốt anh ta “dủi” hoài mà chẳng được gì, anh liền khấn cầu xin cho “dủi” được một ít mang về cho gia đình dùng bữa, lần “dủi” kế đó anh thấy nặng tay, mừng thầm trong lòng nhưng khi cất lên là một hòn đá, ném hòn đá đi anh tiếp tục, nhiều lần như vậy, cũng chỉ hòn đá như trước, liền mang hòn đá lên bờ, để ngay ngắn và khấn: nếu linh thiêng cho tôi “dủi” đầy một “oi” cá thì sẽ mang về thờ, chỉ một lần “dủi” kế đó,”oi” cá của anh đã đầy, vô cùng kinh ngạc, anh mang hòn đá về nhà để lên bàn thờ, chuyên cần nhang khói.

Từ ngày thờ hòn đá trong nhà, làm ăn trở nên khấm khá, anh liền lập một bàn thờ trước nhà, bàn thờ quay mặt ra hướng đồng lúa của làng, trong khi nhà anh càng ngày càng khá giả thì đồng lúa của làng năm nào cũng bị cháy, có người hay chuyện báo ra làng, làng liền đến thương lượng thỉnh hòn đá về thờ trong nghè, gọi là thờ thần. Đến nay người dân làng vẫn gọi là hòn đá, nhưng nêu quan sát kỷ ta thấy đó là một phù điêu, có lẻ từ phù điêu có vẻ bác học quá nên ít người dùng. Nghè Phương Sơn quay mặt về hương Tây, tức làng Linh An, cũng từ đó làng Linh An hằng năm bị hỏa hoạn, phải đắp một gò cao trên gò có “yểm” con ngựa sắt mới yên.

Người viết bài này đã đôi lần đến thăm phù điêu thần đá, khá lớn, tượng hình ngồi, lối điêu khắc và hoa văn mang dáng dấp cổ Chàm, một cánh tay bị gãy được nối lại, lý do nào sẽ nói sau đây.

Trong khi đó, làng An Lưu biết được nguyên lai hòn đá nằm trên đất của mình, bèn nhân ngày mùa, Phương Sơn bận lo gặt lúa, An Lưu tổ chức một đội trai tráng khoẻ mạnh qua cướp về, khi  đi qua con khe là ranh giới hai làng, phù điêu đá trì lại không cách nào khiêng đi nỗi, còn “hộ” vào một người khác nói với một người đàn bà Phương Sơn “chạy cá”: “ báo cho dân Phương Sơn biết, An Lưu qua cướp ta về bên đó, mau mau tiếp cứu…”, được tin, trai tráng Phương Sơn dưới đồng chạy về, hai bên giành nhau, bất phân thắng bại, đến nổi phù điêu đá bị gãy một cánh tay, thần đá liền “hộ” lên mà xử rằng: “hai làng đều kính trọng và yêu quý ta, để cho công bằng từ nay một bên thờ vong, một bên thờ xác”, do đó Phương Sơn vẫn tiếp tục thờ xác, An Lưu lập bàn thờ trong nghè làng thờ vong. Tục lệ cứ ba năm tế thần một lần luân phiên, bên này tế thì bên kia cử người sang dự, với những quy định lễ nghi kiêng cử có khuôn phép cho những ai được làng cắt đặt hầu lễ thần.

Đây không phải là một chuyện thờ cúng mê tín dị đoan, mà là một nét đặc thù văn hóa địa phương, cho nên nói đến An Lưu và Phương Sơn vùng chợ Cạn mà không nhắc đến thần đá theo tôi là một thiếu sót,  sự kiện này chắc chắn các nhà nghiên cứu rất cần đến, với khả năng chuyên môn nghề nghiệp họ có thể tìm sâu và biết nhiều hơn như vậy.

Khi ngồi hồi tưởng để ghi lại hình ảnh làng tôi, bao nhiêu kỷ niệm lại quay về như những đoạn phim dĩ vãng, từ ngôi đình làng, nghè thờ thần hoàng, từ đường họ, đền âm hồn, những lăng mộ các bậc khai khẩn khai canh, nhà thờ Công giáo, chùa làng, am miếu, những khu mả mồ dù xưa hay mới đều đã và sẽ là di tích để mãi về sau.

Những đập ngăn nước, mương khe cống rảnh, những gò đống giữa đồng, những tên gọi từng khu đồng sâu ruộng cạn, nương vườn đây đó đều hiện lại đầy đủ trong trí nhớ đặc dày qua hình ảnh mưa dầm giá lạnh hay nắng cháy khô cằn, gió lào gay gắt, hay mưa phùn gió bấc, lầy lội trơn trợt đường quê, hay nứt nẻ ruộng khô nắng hạ.

Còn nghe văng vẳng bên tai tiếng chim sơn ca réo gọi tầng cao giữa đám ruộng rạ trơ sau mùa gặt những buổi chiều hè oi ả khô khan, tiếng dế vang vang buổi bình minh hai bên “dường” ruộng, con cá thia thia sủi bọt dưới gốc lúa trổ đòng đòng, hay vẩy mống cá rô trong ao đìa lặng gió, phất phơ đôi cánh bèo màu tím nhạt lục bình rung rinh.

Tất cả ở trên là bức tranh tổng quát làng tôi trong nỗi nhớ của  một người từ lâu sống tận phương xa nhưng trong lòng còn bao khắc khoải luyến lưu, và kỷ niệm thuở tuổi đời thơ ấu, hồi tưởng về xóm làng dấu yêu với tất cả thâm tình dấu kín đáy lòng, dẫu ngôn từ nào cũng không thể diễn đạt cho cùng.

Trần Quốc Phiệt
 November - 2008
hathaius@yahoo.com
READ MORE - AN LƯU LÀNG TÔI VÀ HUYỀN THOẠI THẦN ĐÁ - Trần Quốc Phiệt

MỘT NGÀY QUI MÃ - thơ Phan Minh Châu



MỘT NGÀY QUI MÃ

Cũng có thể mai này anh qui Mã
Cũng có thể không cũng có thể nằm chờ
Cũng có thể đôi lần em đã rớt
Qui Mã ngọt ngào nhưng cũng lắm chanh chua
Anh chỉ muốn đôi ngày bên bè bạn
Cũng như em kiếm giây phút trãi lòng
Gần ba mươi năm một hình bóng mẹ
Qui Mã gần sao lại quá xa xăm
Chín mươi tuổi như lá vàng sắp rụng
Đợi con qua ôi thăm thẳm mịt mờ
Không phải lỗi tại con lỗi này do Qui Mã
Thăm đôi người ...một thoáng cũng không cho
Thăm đôi ngày Qui Mã lại so đo
Lại tính toán cho bao điều vớ vẫn
Sợ em ở... không về nơi cố quận
Bám miếng đất vàng mong chút mộng
Sinh sôi
Riêng phần mình anh cũng khổ em ơi
Mừng đại hội mong một ngày Qui Mã
Qua thăm lại những bạn bè quen lạ
Những tấm lòng và những trái tim thơ
Anh sẽ tìm về lại những ngày xưa
Tìm cái thuở bọn mình chung trường lớp
Chung bóng phượng mùa hè tươm bóng lửa
Chung mua thu hiu hắt sắt se buồn
Chung những người năm tháng sắt se thương
Và chung cả cho khoảng trời mộng ước
Anh sẽ đi mặc dù chưa định trước
Nước mỹ ra sao? Ai cũng bảo thiên đường
Qua Cali anh tìm về xứ bắc
Thung lũng vàng hoa nở rộ quanh năm
Qua nam Ca Li khu phồn hoa phố hội
Cứ mỗi năm đại hội mở đôi lần
Có NÚI NHẠN CHIM VỀ thăm mỗi buổi
Có HẢI NGOẠI buồn thương NGUYỄN HUỆ xa xăm
Nếu có thể mai này anh Qui Mã
Cũng có thể không! đâu biết để dè chừng...
Em cũng vậy biết đâu lường trước được
Lỡ rớt lần này thêm một chút rưng rưng
Ôi nước mỹ mịt mù xa xôi quá
Ngày mai này lỡ em được anh thua
Được Qui Mã cho anh lời thăm mẹ
Khất một nỗi buồn dấu kín mấy năm qua ... 

 PHAN MINH CHÂU

 Nha Trang
READ MORE - MỘT NGÀY QUI MÃ - thơ Phan Minh Châu

VĂN TẾ ÂM HỒN THẤT THỦ KINH ĐÔ (23.5. Ất Dậu) - Nguyễn Phúc Vĩnh Ba



Ảnh từ trang khamphahue.com.vn


Nguyễn Phúc Vĩnh Ba

VĂN TẾ ÂM HỒN THẤT THỦ KINH ĐÔ 
(23.5. Ất Dậu)


Than ôi!

Tim óc bùi ngùi,
Ruột gan tê tái.
Hơn thế kỷ trôi qua trước mắt, anh linh thiên cổ còn đây,
Mấy bi thương chất kín trong lòng, hương hoả tứ thời ngát mãi.
Nhớ Ất Dậu Kinh thành thất thủ, đám sanh linh phải bao nỗi thương vong,
Nay Quý Tỵ Thuận Hoá thanh bình, phường tử đệ vẫn một niềm ái ngại.
Dẫu biết lẽ tử qui sinh ký, đời ngắn tấc gang,
Nhưng xét hồi quốc phá thân vong, nghĩa dài sông núi.
Phận cháu chắt tháng ngày nhớ tưởng, lòng kính yêu dễ mấy nguôi khuây,
Tình bà con hôm sớm quẩn quanh, bụng nuối tiếc khó mà bỏ trái.
Trước thưa sau gởi, đỉnh trầm kỳ hương khói vọng tiền nhân,
Xưa bày nay làm, lễ truy điệu cỗ bàn hầu trưởng bối.

Nhớ linh xưa,

Năng nỗ tháng ngày;
Dịu dàng sớm tối.
Ham việc ham công, ham đồng ham ruộng, trai cuốc cày gắng sức chăm lo,
Vui vườn vui tược, vui cửa vui nhà, gái bếp núc hết lòng vun xới.
Có đâu ngỡ nước nhà cơn hoạn nạn, lũ Tây dương qua lấn chiếm giang sơn,
Không may thay làng xóm trận can qua, đất Nam quốc hẹp thu dần biên giới.
Ách thực dân đè cổ, ngẩng cổ lên nào thấy trời mây,
Xiềng đô hộ tróng đầu, cúi đầu xuống chỉ là đá sỏi.
Thân mấy mà cam,
Lòng đâu chịu nổi.
Từ nam chí bắc, mấy lớp nghĩa binh thua trận, quân Văn thân vẫn quyết chí chẳng lùi,
Trong phủ ngoài triều, bao viên mãnh tướng bỏ mình, lính Phấn nghĩa chẳng nề tâm xông tới.
Rựa sắt kiếm cùn, hoả mai con cúi, giết được thù cho thoả dạ hiếu trung,
Dao tu mã tấu, gậy gỗ tầm vông, phá tan giặc là mát lòng địch khái.
Vua nước mất phẫn uất đời nô lệ, họp mưu thần lập kế phản công,
Dân nhà tan thù hận kiếp tôi đòi, kết nghĩa đảng hợp đoàn quật khởi.
Đêm Hăm hai súng thần công nã Chánh toà Khâm sứ, bẽ bàng thay thuốc yếu rơi ngang,
Rạng Hai ba quân hoả dược đốt Tiểu trấn Bình Đài(1), oái oăm thật lửa tàn tắt vội.
Lang sa lê dương(2) xung phong vô Thượng Tứ(3), săng-đá giày(4) dẫm nát mù u,
Mã tà ma ní(5) đột nhập vượt Lương Y(6), bụp-xoà súng(7) bắn tiêu cai đội.
Bàng hoàng quá, vua xuất cung tị loạn, đa đoan văn võ quân thần,
Hoảng hốt thay, dân tẩu lộ cầu sinh, lộn xộn lão nhi phường hội.

Thảm ơi hỡi thảm!

Thành cửa nhỏ đâu dễ chen,
Hào đáy sâu sao khó lội.
Dân tan tác như ong vỡ tổ, đạp lên nhau già trẻ chết chùm,
Binh tán loạn tựa rắn mất đầu, dìu với chắc thấp cao bước mỏi.
Ơi ới, mẹ hú con chồng kêu vợ, thảm thiết sao tiếng khóc bi ai,
Hù hu, em dắt chị cháu níu ông, bi thương thật lời than khắc khoải.
Sáng đã chết, mù(8) càng mau chết, đâm bổ xuống hào,
Nghèo thiệt thân, giàu cũng thiệt thân, té nhào mép hói.
Tên bay đạn lạc, súng thằng Tây tìm kẻ ngây thơ,
Lê thọc kiếm đâm, thịt dân Việt làm mồi lang sói.
Thây nghĩa sĩ ngổn ngang đường Thành Nội, dồn đống xóm Âm hồn,
Máu lương dân vung vải cửa Đông Ba, xông tanh cầu Gia Hội.

Ngao ngán thay!

Tay cung kiếm mà đền nợ nước, đành ngàn sau công trạng lừng vang,
Phận rác rơm lại bỏ thân tàn, khổ một kiếp tử thi rửa thối.
Nào gái, nào trai, nào già, nào trẻ, xác chất chồng xóm vắng làng thưa,
Ấy non, ấy khoẻ, ấy mẻ, ấy lành, xương vất vưởng nắng phơi mưa gội.
Thôi thôi chi nhiều kể lể, chốn tuyền đài linh hãy đến mau mau,
Thảm thảm ôi mấy oán than, cuộc siêu thoát hồn trông sao hối hối.
Man mác đám mây chiều phiêu dạt, người dương gian thêm chạnh nỗi hàn ôn,
Lạnh lành cơn gió chướng hắt hiu, khách âm cảnh còn vương tình trần giới.

Nay kính dâng,

Bát cháo thánh hầu ấm thân cô độc, trên đường xa mù mịt bốn phương,
Tấm áo binh đỡ lạnh gót lạc loài, giữa lối thẳm âm u chín suối.
Nước chè nhạt cũng tình quyến luyến, khát vơi dần miệng kẻ thác oan,
Củ khoai cằn ấy nghĩa thân quen, no đôi chút bụng người chết tủi.
Bông chuối cau trầu đủ thứ, lỡ khi cùng không thiếu vật tuỳ thân,
Giấy tiền vàng bạc sót chi, gặp lúc ngặt có thừa đồ trao đổi.
Tội sớm tha, công thưởng lớn, nguyện cầu vía yên hàn vượt thoát, đêm âm ty ám ám lưới sương giăng,
Oan thì giải, nghiệp trả dần, cầu khấn hồn thanh thản ra đi, chiều dương thế mù mù luồng khói nổi.
Đốt nén nhang ngan ngát, mặc ngậm ngùi xin chớ ngó lui,
Vẫy chén rượu thơm tho, dù ấm ức hãy mau bước tới.
Tâm thành lễ bạc, bàn phẩm vật trên dưới sơ sài,
Ngôn thiểu ý đa, câu ai điếu ngắn dài vụng dại.

Ai tai!

Hồn có hiển linh;
Niệm tình thụ bái.                                      
                                                                   Tháng 6/2013                 
          
Chú thích:

1. Tiểu trấn Bình Đài: Đồn Mang Cá nhỏ, nơi lính Tây đóng quân.
2. Lang sa lê dương: Quân viễn chinh Pháp
3. Thượng Tứ: Cửa thành Đông Nam dẫn vào khu Tam toà và trường Quốc tử giám kế cận với Đại Nội Huế
4. Giày săng-đá: Giày da của lính Pháp
5. Mã tà: Tiếng Mã lai là cảnh sát. Ma ní: Manila: Thủ đô của nước Phi Luật Tân. Lính cảnh sát Pháp người Phi luật tân, có thể chỉ chung bọn lính đánh thuê của Pháp.
6. Lương Y: Một cống nhỏ trên đường Thượng Thành dọc bờ thành dẫn tới cửa Đông Ba (cửa Chánh Đông)
7. Súng bụp xoà: Súng bắn phát một, nghe ra “cắc bụp cắc xoà” của lính Pháp.

8. Ở Cầu Kho có một xóm thầy bói mù, khi chạy loạn rớt xuống hồ ao, chết rất nhiều.


                                                                                                   NPVB
READ MORE - VĂN TẾ ÂM HỒN THẤT THỦ KINH ĐÔ (23.5. Ất Dậu) - Nguyễn Phúc Vĩnh Ba

LÀNG TRẠNG NÓI CHI LẠ... - Phạm Xuân Dũng



LÀNG TRẠNG NÓI CHI LẠ...

Phạm Xuân Dũng

 “Ga ni ga mô/ ga mô ri eng/ ga ni ga chi/ O ni đi mô/ o mô đi ra, o mô đi vô/ đi vô ga mô ri...”. Mới thoạt nghe một loạt câu nói trên dễ nhầm tưởng là người... Nhật đang nói chuyện, nhưng thật ra đó là một nhóm dân Vĩnh Hoàng đang đi trên tàu chợ!

Thật tiếc là chỉ có thể ghi lại chữ chứ không thể đưa cái phần ngữ âm lên báo. Bởi với chất giọng đặc sắc ấy, cộng với phương ngữ của vùng đất này, chỉ cần nghe giọng Vĩnh Hoàng cất lên đã thấy vui, chưa nói đến một khả năng ứng tác chuyện trạng dân gian như một di sản văn hóa riêng có.


Ông Trần Hữu Chư đã lưu lại những câu chuyện trạng của làng bằng những bức tranh vẽ - Ảnh: H.QUÂN

Thật ra cái câu nghe như tiếng Nhật nói trên chỉ đơn giản là các cách nói của câu hỏi “Ga (xe lửa) này là ga nào đây... Cô này định đi đâu... Cô nào đi chuyến tàu vào... cô nào theo chuyến tàu ra... Tàu sẽ vào ga nào đây...”.

Tiếng Pháp cộng tiếng Nhật (!?)

Dân Quảng Trị thấy ai nói khoác (tất nhiên pha chút hài hước) thể nào cũng bảo: “Tay này chắc quê gốc Vĩnh Hoàng”. Cái vùng đất phía đông huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian lưu tâm nghiên cứu.

Ngôi làng này là chiếc nôi của những câu chuyện trạng nổi tiếng từng được ví như làng Gabrovo trứ danh của nước Bulgaria. Tính nết khôi hài cùng với thổ ngữ là lạ đã sinh ra biết bao câu chuyện trạng cười “bể bụng”.

Ví như câu nói “ga mô ri eng?” hay “ga mô ri o?”, là cư dân khu 4 (vùng Thanh Nghệ Tĩnh - Bình Trị Thiên) ai cũng hiểu được nội dung, nhưng đưa nó thành chuyện trạng thì chỉ có thể là...Vĩnh Hoàng!

Một người kể: “Bựa nớ đi tàu bay ra nác ngoài, chộ cái dà ga đại chang bang, bơ hỏi một đực: “Ga mô ri eng?”. Đực ta nọ ư hự răng, trặc sang cái mụ tê hỏi “Ga mô ri o?” cụng nọ ư hự, sau cả mấy đực chụm trốc hội ý rồi hỏi lại dà choa là câu trước nghe dư tiếng Pháp, câu sau nghe dư tiếng Nhật mà nỏ phải tiếng Nhật hay tiếng Pháp, cả tàu bay nỏ ai biết miềng nói cấy chi!”. Hóa ra đơn giản chỉ đi máy bay ra nước ngoài, thấy cái nhà ga quá to, mới hỏi: Ga này là ga nào hả anh? Nhưng người ta không trả lời được, quay sang hỏi một chị: Ga này là ga nào chị? chị ấy cũng không trả lời được, sau đó tất cả bọn họ chụm đầu hội ý để đoán xem hai câu hỏi là ngôn ngữ nước nào, nghe như tiếng Pháp và tiếng Nhật nhưng không phải vậy!

Về Vĩnh Hoàng, có thể nghe hàng trăm câu chuyện liên quan đến phương ngữ của dân làng như chuyện “Kí lộ chao cặng mô ri o?” (cái chỗ rửa chân ở đâu vậy hả cô?). Chuyện hỏi cung tù binh Mỹ bằng giọng Vĩnh Hoàng hồi chiến tranh, chuyện “Bọ mạ mi mô”...Trong số những người làng có năng khiếu kể chuyện trạng phải kể tới hai ông Trần Đức Trí và Trần Hữu Chư.

“Rứa chú mi đã nghe chuyện Lợ một buội cay”(Lỡ một buổi cày) chưa?”, ông Trần Đức Trí - một nghệ nhân chuyện trạng Vĩnh Hoàng ở làng Huỳnh Công Tây thuộc xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), mở đầu câu chuyện với một cái giọng rất... trạng. “Bựa nớ, dà có mấy méng rọong, tui ưng đi cày sớm nên dặn vợ chủn bị cơm nác.Trời đạ sáng chi mô,vợ tui đạ mần sặn một bù nác chè đặc với một mo xôi xáo vợi khoai, bay mùi ra chi thơm.Tui nghe đạ khoái, liền lùa bò một mạch tận rú. Chộ trời chưa rạng, tui cho bò ăn một chặp. (dịch: Bữa đó, nhà có mấy mảnh ruộng, tui thích đi cày sớm nên dặn vợ chuẩn bị cơm nước. Trời đã sáng gì đâu, vợ tôi đã làm sẵn một bầu nước chè đặc với mo cơm nếp xáo với khoai, bay mùi ra thơm lắm. Tôi nghe đã thích liền lùa bò một mạch tận rừng. Thấy trời chưa sáng, tôi cho bò ăn một lúc).

Cứ thế, ông vừa kể bằng giọng Vĩnh Hoàng, còn chúng tôi ghi lại qua người phiên dịch. Câu chuyện tiếp tục rằng sau đó, ông chọn một con trong đàn bò rồi buộc vào cày và bắt đầu cày ruộng. Cày một hồi đến khi mặt trời lên mới biết cái con đang kéo cày không phải là bò mà là... cọp. “Sặn rạ trung tay, tui phắt một lát thiệt năng, niệt cày đứt mần đôi. Lạo cọp khiếp, chạy một mạch vô rú khôông dòm lại. Rứa là tui lợ một buội cày!” (sẵn cái rựa trong tay, tôi chặt một nhát thật mạnh, cày đứt đôi. Lão cọp khiếp, chạy một mạch vô rừng, không nhìn lại. Vậy là tôi lỡ mất một buổi đi cày).

Giọng ông nặng trịch, người Quảng Trị gọi là nặng cạy cạy. Thanh hỏi, thanh ngã đều biến thành thanh nặng, thanh ngang và huyền khi mờ khi tỏ. Lại thêm phương ngữ Vĩnh Hoàng, từ cổ và từ đệm thoắt ẩn thoắt hiện trong câu chuyện. Cùng với cái giọng nhấn nhá lên xuống, lúc nhanh lúc chậm của một cao thủ kể chuyện trạng Vĩnh Hoàng. Dù đã nghe đến cả ngàn lần vậy mà dân làng vẫn thích ngồi nghe ông kể và cười ngả nghiêng như mới nghe lần đầu. Tôi hỏi một đồng nghiệp ở cách đó mấy cây số: “Ông hiểu gì không?”. “Vừa nghe vừa đoán nhưng cũng như vịt nghe sấm”.




Bức tranh Cãi cọp mà cày của ông Trần Hữu Chư - Ảnh: HOÀI QUÂN

Gìn giữ di sản cho làng...

Chuyện trạng Vĩnh Hoàng từng được cố tiến sĩ văn học Võ Xuân Trang dày công sưu tầm,biên soạn và in thành sách. Sở Văn hóa thông tin tỉnh Bình Trị Thiên (cũ) đã từng tổ chức hội thảo về chuyện trạng Vĩnh Hoàng. Những câu chuyện trạng đậm đặc tính cách Quảng Trị “cười quên khổ” và thứ thổ ngữ “nặng hơn cả Quảng Trị”, dẫu chỉ nghe một lần cũng thật khó quên.

Đã có một giai đoạn Phòng Văn hóa thông tin huyện Vĩnh Linh tổ chức hội thi kể chuyện trạng nhằm phát huy sự sáng tạo của người dân với những câu chuyện đặc thù Vĩnh Hoàng, nhiều nghệ nhân dân gian đã nổi lên từ những hội thi như thế, tuy nhiên chỉ được một thời gian phong trào lại lắng xuống. Những câu chuyện của người làng Vĩnh Hoàng vốn được sinh ra để mang lại tiếng cười lạc quan cho nhau bên ấm chè xanh, bên nồi khoai lang bở chứ không phải để hội hè thi thố, và dường như khi cuộc sống càng sung túc, bớt phần cơ cực, những câu chuyện trạng đầy ắp lạc quan càng vắng dần. Duy có ông Trần Hữu Chư sợ rằng những câu chuyện một thời mất đi, ông đã giữ lại bằng cách vẽ những câu chuyện ấy thành những bức tranh, mỗi bức tranh là một câu chuyện ấm áp hồn hậu và lạc quan của đời dân, đời làng qua bao dâu bể thời gian...


Vùng đất này xưa có thành ngữ “ăn cơm bữa diếp” - nghĩa là hai ngày mới được ăn một bữa cơm, hỏi ăn cơm chưa nghe trả lời ăn từ “bữa diếp” nghĩa là ăn cơm từ... ngày kia. Cuộc sống cơ cực ngày xưa như vậy đã khiến người dân lạc quan như một tính cách được hình thành từ chính hoàn cảnh sống. Những năm chiến tranh, đây cũng là vùng đạn bom khốc liệt, truyền thống “trạng” càng được nối tiếp, thành một thứ năng lượng tinh thần động viên dân làng vượt lên thử thách mà sống, mà chiến đấu.Và đấy là thứ hương hỏa tinh thần vô giá, đã lặn vào máu thịt đời dân nơi đây, và họ mang theo, dù đến chân trời góc bể nào đi nữa!

Phạm Xuân Dũng
READ MORE - LÀNG TRẠNG NÓI CHI LẠ... - Phạm Xuân Dũng

HAI CHỮ ANH HÙNG (CHUYỆN KHỞI ĐẦU TỪ HAI BÀI ĐƯỜNG THI) - Nguyên Lạc





HAI CHỮ ANH HÙNG               
(CHUYỆN KHỞI ĐẦU TỪ HAI BÀI ĐƯỜNG THI)                                
                                           Nguyên Lạc         
                                                                                     
                                                                                   

I.  BÀI THƠ DỊCH THỦY TỐNG BIỆT
Bắt đầu từ bài thơ tiễn đưa KINH KHA qua sông Dịch đi hành thích  TẦN THỦY HOÀNG:

"Phong tiêu tiêu hề, Dịch thủy hàn,
Tráng sĩ nhất khứ hề, bất phục hoàn."

Dịch:
Gió hiu hiu hề sông Dịch lạnh
Tráng sĩ một đi hề không trở về.

Lạc Tân Vương đã viết bài thơ: "Dịch Thủy Tống Biệt":

Dịch Thủy Tống Biệt

Thử địa biệt Yên Đan
Tráng sĩ phát xung quan
Tích thời nhân dĩ một
Kim nhật thủy do hàn.
(Lạc Tân Vương - đời Đường)

Tiễn  Biệt Trên Bờ Sông Dịch

Đây chỗ biệt Yên Đan
Tóc dựng khí căm gan
Anh hùng xưa đã khuất
Nước lạnh hận chưa tan.
(NGUYỄN HIẾN LÊ dịch)

Đất này ly biệt Yên Đan
Giận run; tráng sĩ.,mặt ran; tóc xừng! 
Lận dao trủy thủ, lên đàng
Ngày này Sông Dịch, ngổn ngang lạnh hoài!
(Laiquangnam dịch)

II.  VẤN ĐỀ KINH KHA

Kinh Kha đi hành thích Tần Thủy Hoàng là chuyện có thật trong Sử Ký của Tư Mã Thiên. Anh hùng hay không đang trong vòng bàn cãi ! Rất nhiều người khen ông ta, nhưng Nguyên Lạc tôi không nghĩ vậy. Nhân vật này rất tầm thường nếu so với các anh hùng Việt Nam. Tại sao chúng ta người Việt lại ca tụng ông ta quá mức vậy?
Hãy đọc kỹ sẽ thấy KINH KHA bất tài, vô trí; chỉ là một con rối bị người mua chuộc, lợi dụng. Võ lược cũng chẳng ra gì! Này nhé:

1. Nguyễn Du chê bai Kinh Kha.

Trong SỬ KÝ của Tư Mã Thiên có chép:
 "...Thái tử Đan tôn  Kinh Kha lên làm Thượng Khanh, xây một biệt thự đối diện với biệt thự  Phàn Ô Kỳ, gọi là Kinh Quán để Kinh Kha ở. Thái tử Đan ngày ngày đến thăm, cung phụng đúng mức, hiến đủ thứ, ngựa xe và gái đẹp.

Hôm nọ Kinh Kha cùng Thái tử Đan đi chơi ở Đông Cung, thấy dưới ao có con rùa lớn nổi lên. Kinh Kha nhặt viên ngói  ném rùa, Thái tử Đan liền lấy thoi vàng đưa Kinh Kha thay viên ngói. Một hôm hai người cùng thi cưỡi ngựa, Thái tử Đan có con ngựa quí đi ngàn dậm. Kinh Kha bỗng nói:
- Gan ngựa ăn ngon lắm.
Thái tử Đan lập tức giết ngựa lấy gan cho Kinh Kha ăn. Thái tử Đan lại giới thiệu Phàn Ô Kỳ với Kinh Kha. 

Lại một hôm Thái tử mở tiệc đãi Kinh Kha ở Hoa Dương Đài, có cho mỹ nhân hầu hạ, gảy đàn giúp vui. Kinh Kha thấy hai bàn tay của mỹ nhân trắng muốt, thoan thoát chạy trên những đường tơ, vội buộc miệng khen:
- Thật là tay tiên. Đẹp làm sao !
Lúc tan tiệc, nội thị dâng Kinh Kha một hộp ngọc. Kinh Kha mở ra xem, thì đó là hai bàn tay của mỹ nữ mà Thái tử Đan sai chặt, đem biếu Kinh Kha.
Kinh Kha than:
-  Thái tử Đan đãi ta như thế ấy, dẫu chết cũng chưa trả được ơn sâu!"

Ngày nay đọc đoạn văn ấy, chúng ta không thấy xúc động như Kinh Kha, mà nổi giận vì tại sao Thái tử Đan tàn bạo đến thế. Thái tử Đan tàn bạo có kém chi Tần Thủy Hoàng. Thủy Hoàng sai bỏ con của Lao Ái và mẹ mình là Triệu Cơ vào bao, rồi đập chết, còn có lý do. Thái tử Đan vì muốn Kinh Kha trả thù cho mình, chỉ vì một lời khen bàn tay đẹp mà giết mỹ nhân vô cớ, thật tàn bạo?  Sao Thái tử Đan không tặng Kinh Kha mỹ nữ, mà lại chặt tay mỹ nữ như con ngựa, con heo vậy?  Đâu là lòng nhân ?!

 Nguyễn Du chê Kinh Kha không bằng Dự Nhượng. Dự Nhượng hy sinh thân mình báo thù cho chủ, còn Kinh Kha đi thích khách Tần Thủy Hoàng chỉ vì có người biết đến mình, và vì sự đối đãi thừa mứa. Kinh Kha chỉ là một con rối, hành động không vì tấm lòng trung dũng (diệt kẻ tàn bạo, phò người đức độ) đâu có hy sinh vì dân tộc, mà hành động chỉ vì sự mua chuộc và kích động của Điền Quang, của Thái tử Đan. Hành động của Kinh Kha không có  Trí,  mà chỉ vì Danh. Không có lòng Nhân, mà chỉ có Bạo lực  đối với Bạo lực. Cái Dũng của Kinh Kha chỉ là cái dũng của kẻ bị  mồi ngon thừa mứa, cám dỗ mà hành động.

Đây là trích đoạn bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du, phần chê bai Kinh Kha.

Thần dũng nghị nhiên duy độc quân.
Đồ đắc Điền Quang khinh nhất vẫn.
Khả liên vô cô Phàn Ô Kỳ,
Dĩ đầu tá nhân vô hoàn thì.
Nhất triêu uổng sát tam liệt sĩ,
Hàm Dương thiên tử chung nguy nguy.
(KINH KHA CỐ LÝ - Thơ chữ Hán Nguyễn Du)

Liều thân chỉ vì kẻ biết mình,
Huống được Điền Quang tự đâm cổ.
Khá thương Phàn Kỳ chẳng tội chi.
Đem đầu cho mượn chẳng hoàn gì.
Một sớm chết oan ba liệt sĩ.
Hàm Dương, Thiên tử vẫn uy nghi.
(Nhất Uyên dịch)
(Theo Tiến sĩ  Phạm Trọng Chánh)

2. KINH KHA võ lược tầm thường

Trong SỬ KÝ của Tư Mã Thiên có chép:
[... Tần Thủy Hoàng:
-  Lấy bàn đồ Vũ Dương cầm đưa lên đây.
Kinh Kha  dâng lên. Vua Tần lần mở ra xem, mở gần hết thì lòi chuôi con dao trủy thủ. Kinh Kha thừa dịp, tay trái nắm tay áo vua Tần, tay phải cầm trủy thủ đâm. Nhát đâm hụt. (hành động của Kinh Kha không dứt khoát, thủ pháp không chính xác).  Vua Tần hoảng sợ,  đứng phắt dậy, tay áo đứt rời. Vua Tần tuốt kiếm, kiếm dài vướng vỏ. Lúc bấy giờ hoảng hốt, kiếm lại chặt quá nên không rút ra ngay được. Kinh Kha đuổi theo vua Tần, vua Tần chạy quanh cột trụ (vua trang phục thường rườm rà, nên không nhanh nhẹn vậy mà Kinh Kha cũng không thể nào đuổi kịp, chứng tỏ thân pháp của Kinh Kha có vấn đề, không linh hoạt). Bọn triều thần đều kinh ngạc, vì sự việc xảy ra bất ngờ nên không ai giữ được bình tĩnh. Theo phép nước Tần, các quan chầu trực ở trên điện không được mang theo binh khí. Các Lang Trung cầm binh khí đều đứng sắp hàng ở dưới điện, nếu không có chiếu gọi thì không được lên. Bấy giờ đang lúc gấp, không kịp gọi những người cầm binh khí ở dưới. Vì vậy Kinh Kha đuổi theo vua Tần, các quan cuống quýt, không có gì để đánh trả lại, chỉ lấy tay không mà đánh Kinh Kha. Lúc bấy giờ viên thầy thuốc đứng hầu, tên là Hạ Vô Thư, lấy túi thuốc cầm trong tay ném Kinh Kha. Vua Tần cứ vòng quanh cái cột mà chạy, cuống quýt không còn biết phải làm thế nào. Bọn tả hữu nhắc:
- Đại vương, đẩy kiếm ra phía sau lưng.
Vua Tần đẩy kiếm ra sau lưng, tuốt chém Kinh Kha, chặt đứt đùi bên trái. Bị thương, Kinh Kha phóng con dao trủy thủ, nhưng không trúng vua Tần (lại thêm một chi tiết rất đắt giá phản ánh rõ nét nhất về thủ, cước pháp của Kinh Kha, cứ cầm dao chạy theo, không hề có phản ứng của quyền cước), trúng cái cột đồng (ngày nay trong các bức họa Kinh Kha thích Tần đều vẽ cây trủy thủ ghim vào cột là thế). Vua Tần chém tiếp, Kinh Kha bị tám vết thương, tự biết công việc không xong bèn tựa vào cột mà cười, ngồi xổm mà mắng:
-  Việc này không thành là vì ta muốn bắt sống nó (lời nói rất ngạo mạn, khoác lác), buộc nó phải nhận lời trả lại các đất đai đã chiếm của chư hầu, để ta được báo đáp Thái tử. ]

Qua những lời trên, rõ ràng chúng ta thấy Kinh Kha chỉ là tên khoác lác, võ thuật  tệ hại !

III. LUẬN ANH HÙNG

"Anh hùng là hành động của một người vì đại cuộc không xem sự sống chết của mình là quan trọng tuyệt đối, sống vì tha nhân, hy sinh vì dân tộc, cho dù có phải chết thì vui lòng đón nhận. Khi bàn đến hai từ “anh hùng” thì ý niệm thành công không nằm trong thuộc tính định nghĩa cho từ đó. Thử tra hai từ Heros trong các bộ Encyclopedia thì biết. Đông Tây đều định nghĩa như thế"  (Laiquangnam)(1)

 Suy gẫm chuyện  KINH KHA, ta thấy ông ta đâu phải là người anh hùng. Như Nguyễn Du đã chê bai: Kinh Kha đi thích khách Tần Thủy Hoàng chỉ vì có người biết đến mình và vì sự đối đãi thừa mứa. Kinh Kha chỉ là một con rối, hành động không vì tấm lòng trung dũng  (diệt kẻ tàn bạo, phò người đức độ), đâu có hy sinh vì dân tộc, mà hành động chỉ vì sự mua chuộc và kích động của người khác.
Tại sao ông ta  lại được nhiều người làm thơ, hát ca để ca tụng, vinh danh?!
Anh hùng là như Đặng Dung của VIỆT NAM ta đây:

Quốc thù vị báo đầu tiên bạch
Kỷ độ Long Tuyền đái nguyệt ma. 
(Đặng Dung)

Thù trả chưa xong đầu đã bạc,
Gươm mài bóng nguyệt biết bao rày.

Xin mời các bạn tìm hiểu kỹ về vị ANH HÙNG đáng kính này cùng bài thơ CẢM HOÀI (Nỗi niềm hoài bão) của ông. (1)

Mặc dù vua Trần Giản Định Đế đã u mê giết tướng Đặng Tất, cha Đặng Dung, thế mà ông vẫn vì nước quên thù nhà, lãnh đạo cuộc kháng chiến chống lại cuộc xâm lặng của Trương Phụ (tướng nhà Minh)
Sử liệu cho biết:
"Minh Thành Tổ Vĩnh Lạc chỉ đạo cho Trương Phụ (năm 1406), trong lần xuất binh thứ hai,   huy động 80 vạn quân dân binh các loại, quyết tâm làm cỏ nước ta và xóa sạch đất nước này trên bản đồ thế giới.
Các vị anh hùng (dưới sự lãnh đạo của Đặng Dung) đã đánh nhau ròng rã trên dưới bảy năm (1407-1413) với một binh lực hơn hẳn mình. Có lúc họ cũng đã thắng nhiều trận lẫy lừng, tưởng chừng như đã thắng, nhưng dài hơi thì cuộc đọ sức đã không cân sức. Than ôi! họ đã bại trận! Trên đường bị bắt đưa về Yên Kinh (Bắc Kinh ngày nay) để làm nhục, vua tôi Đặng Dung đã ca hát như không có chuyện gì xảy ra, thắng bại là lẽ thường tình đối với người tráng sĩ một khi họ đã toàn tâm toàn ý, hết lòng, hết sức vì dân tộc. Đặng Dung, trong vai trò lãnh đạo cuộc kháng chiến, đã ngâm cho vua tôi nghe khúc ca cảm khái này, vừa ngâm vừa gõ nhịp xuống ván gỗ thuyền, cùng vui và sẵn sàng đón nhận mọi sự trả thù tàn bạo của kẻ thù. Dân tộc ta đâu còn lạ gì sự tra tấn đầy thú tính của người Tàu đối với dân bị trị.

Sử kể rằng: Đặng Dung vốn coi cái chết nhẹ như lông hồng, ông thường ngâm vang cho các chiến hữu cùng nghe bài thơ này. “Nhóm quý Ông” cùng nhau gõ ván thuyền giữ nhịp. Lính canh xem Họ khác gì như cá nằm trên thớt, nay cam đành số phận. Họ không còn mấy ngày trên thế gian. Bọn lính canh lơ là và trở nên dễ chịu là lúc "quý Ông" lập mưu, xin lính canh đựợc chút không khí để thở, do bởi có người đang ốm. Bất ngờ, kẻ trước người sau, cùng nhào xuống biển từ trầm qua ô cửa vừa mở ra.

Một thiên anh hùng ca lẫm liệt, một cái chết của một tập thể kiêu hùng trong dòng sử Việt. (Laiquangnam)(1)

Đây là  bài thơ CẢM HOÀI (Nỗi niềm hoài bão) của Đặng Dung.

 Bài thơ này là một bản anh hùng ca mang tâm trạng về thế sự, trong ấy thể hiện rõ phong cách của người tráng sĩ, người anh hùng trong cơn quốc nạn.

 CẢM HOÀI
Thế sự du du nại lão hà 
Vô cùng thiên địa nhập hàm ca
Thời lai đồ điếu  thành công dị
Vận khứ  anh hùng ẩm hận đa 
Trí chúa hữu hoài phù địa trục 
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà 
Quốc thù vị báo đầu tiên bạch
Kỷ độ Long Tuyền đái nguyệt ma.

Tạm dịch nghĩa:

NỖI NIỀM HOÀI BÃO
Thế sự mang mang lại tuổi già
Thiên hạ thì vô cùng hãy nhập vào mà hát hàm ca
Thời đến bọn đồ tể, bọn câu cá cũng thành công dễ dàng
Thời qua anh hùng cũng đành nuốt hận
Hết lòng vì chúa có hoài bão xoay trục đất
Rửa giáp binh không lối kéo ngược dòng sông ngân hà
Thù nước chưa báo thì đầu bạc trước
Bao thời qua đội trăng mà mài kiếm long tuyền.

Đặc biệt là câu 3 và câu 4:

Thời lai đồ điếu* thành công dị
Vận khứ anh hùng ẩm hận đa
...........
* đồ điếu:  đồ là người đồ tể, chỉ Phàn Khoái, chiến hữu của Hán Lưu Bang; điếu là người đi câu, chỉ Hàn Tín, đại tướng của Lưu Bang. Cả hai giúp Lưu Bang xây dựng nhà Hán (dưới mắt Đặng Dung cả hai đều là bọn bần tiện, đồ tiểu tốt)
...........
- "Thời lai đồ điếu thành công dị": Truong Phụ thoát chết là nhờ may mắn khi Đặng Dung nhảy lên thuyền cùng toán người nhái, vì nhìn không ra ai là Trương Phụ nên hắn đã thoát.

Sử liệu chép:
"Chuyện khó tin trong binh sử thế giới, trường hợp hy hữu này duy chỉ có trong quân sử Đại Việt. Khi vị tướng tư lệnh lại là cầm đầu toán người nhái cảm tử rất gọn nhẹ đánh thẳng vào sào huyệt kẻ tử thù. Việc tổ chức đã xong đợi ngày G sẽ đến. Cơ hội đến, vào tháng 9 được biết quân Trương Phụ vào đến Thuận Hóa, và kéo binh tập kết vào ngã ba sông này để tổ chức cuộc săn đuổi vua quan Hậu Trần đang đóng quân ở trên bờ. Quan thái phó Nguyễn Súy và quan đại tư mã Đặng Dung nửa đêm chia quân đến đánh Trương Phụ. Quan thái phó Nguyễn Súy dùng thuyền nhẹ đánh nghi binh, giặc Minh trào về phía Nguyễn Suý, và thừa lúc đó Quan tư mã Đặng Dung lao mình xuống nước trước, hơn mươi chiến sĩ cảm tử quân lao theo sau. Họ bơi nhanh về phía thuyền lớn nhất, sáng nhất trên sông. Từ dấu hiệu của Đặng Dung, bọn họ leo lên được thuyền của Trương Phụ, dùng đoản đao thịt lẹ các tên lính trên sàn. Họ nhào vào tên mập mạp nhất, phương phi nhất và đã bắt sống tên này, lôi y xuống nước. Y la lên. Do vì không biết thường ngày tên Trương Phụ mặc quần áo gì, do chưa thấy mặt kẻ thù lần nào, nên họ đã bắt lầm. Thừa cơ Trương Phụ lập tức nhảy xuống sông lấy cái thuyền con mà chạy thoát."
(Laiquangnam)(1)

- "Vận khứ anh hùng ẩm hận đa":   Người Đại tư mã , Tổng tư lệnh mà chịu dẫn quân đi thích khách kẻ chỉ huy địch, xưa nay trên chiến trường chưa hề có , đó là hành động anh hùng .

Xin lập lại nghĩa hai câu trên:

Thời đến bọn đồ tể, bọn câu cá cũng thành công dễ dàng
Thời qua anh hùng cũng đành nuốt hận

Chính câu 3 và câu 4 trong nguyên tác đã gây biết bao nhiêu cảm xúc cho người thời nay. Cụ Phan kế Bính năm xưa đã dịch:
Bần tiện gặp thời lên cũng dễ,
Anh hùng lỡ bước ngẫm càng cay. (Phan kế Bính )
Đặng Dung cũng cho Trương Phụ, người đã thắng ông, và cả đất nước của Trương Phụ cùng là xứ sở bần tiện cực kỳ." (2)

Vị anh hùng của Việt Nam ta tài đức vẹn toàn như thế sao chúng ta không hát ca để vinh danh, mà lại đi ca tụng một ông "nước lạ" tầm thường!

Về chuyện các vĩ nhân tầm cỡ quốc tế như NGUYỄN TRÃI (tiễn cha) (3) , BÀ TRƯNG (trả thù chồng) (4) Trần Hưng Đạo (quên thù riêng), Lý Thường Kiệt (bản hùng văn Hịch Tướng Sĩ)(5). v.v..chúng ta nên suy gẫm, trân trọng và vinh danh.

IV. HỌA THƠ ĐƯỜNG

Từ bài "Dịch Thủy Tống Biệt", nhiều bạn thơ, trong đó có thi sĩ kiêm nhà bình thơ Diên Hồng Dương họa, rồi thách Nguyên Lạc họa theo. Nguyên Lạc tôi bắt buộc phải hoa lại. Đây là thơ họa:

Xin được ghi lại nguyên tác
Dịch Thủy Tống Biệt

Thử địa biệt Yên Đan
Tráng sĩ phát xung quan
Tích thời nhân dĩ một
Kim nhật thủy do hàn.


1. Diên Hồng Dương họa thơ:

Khứ niên tráng sĩ biệt
Dịch Thủy hàn căm căm
Kim nhật vọng cố quốc
Bạch đầu tâm bất trầm.

Anh hùng xưa ra đi
Nước sông Dich lạnh căm
Hôm nay nhớ cố quốc
Bạc đầu lòng không an
(Nguyên Lạc lược dịch)

2. Nguyên Lạc họa thơ:

Khứ niên mạc sĩ biệt
Đông hải hàn căm căm
Kim nhật vọng cố quốc
Cố nhân hề vô âm!

Kim nhật vọng cố quốc
Cố nhân ... bất khả tầm!

CÙNG SĨ  xưa ra đi
Nước biển Đông lạnh căm
Nay nhớ về cố quốc
Người xưa giờ biệt tăm

Nay nhớ về cố quốc
Người xưa ...ơi nơi nào?! (không thể tìm!)

(Nguyên Lạc lược dịch)

3. Họa thơ TÔ ĐÔNG PHA

31. Thi sĩ Nguyễn Hàn Chung:
"Vọng mỹ nhân hề thiên nhất phương"
(Tô Đông Pha )
(Ngóng người đẹp trời chỉ một phương)

32. Nguyên Lạc họa thơ: 

"Vọng cố  nhân hề địa đa phương
Mạc anh hùng hề nhân vô phương !"
(Nguyên Lạc )

Ngóng người xưa đất nhiều hướng                       
Người anh hùng khốn cùng không còn nơi nào để đi!
(Nguyên Lạc lược dịch)

Chú ý đến 3 chữ THIÊN, ĐỊA và NHÂN. Trời trên, đất dưới và người ở giữa ( Quẻ CÀN)(6)

[ Quẻ CÀN là quẻ tốt, hạnh thông. Người (NHÂN) mà không có trời (THIÊN), đất (ĐỊA) (trời đất = QUÊ HƯƠNG) thì làm sao vui vẻ, hạnh thông (CÀN) được?! ]

Qua trên, Nguyên Lạc tôi họa  Đường thi chơi cho vui cùng với bạn thơ. Tuy nhiên những dòng này cũng là tâm sự của kẻ tha hương:
Kim nhật vọng cố quốc
Cố nhân hề vô âm!
Kim nhật vọng cố quốc
Cố nhân ... bất khả tầm!

V. KẾT
Việt Nam đã sống dưới "tầm phủ sóng", dưới và trong cái "bóng mờ" của Trung Quốc quá lâu rồi. Họ hưởng trọn những tia nắng ấm, làn gió mát ...; còn chúng ta, vì ở dưới, vì núp bóng nên chỉ "ăn theo", "ăn tàn", chỉ "hưởng sái"(*). Cái "sái" này cũng không thơm tho gì như ai cũng đã biết. Nếu không có chọn lựa, chẳng thà hưởng "sái" của Phuơng Tây chắc còn khá hơn nhiều! Tại sao không thoát ra ?
Hàn quốc (Korea), Nhật (Japan) đã làm được, tại sao Việt Nam ta không?! Họ đã THOÁT và bây giờ là ÔNG CHỦ của công nhân Trung Quốc. Đất nước họ thế nào chắc ai cũng rõ !
Còn Việt Nam thì sao?
Xin các bạn hãy THOÁT TRUNG và trở lại với Việt Nam yêu dấu của mình! Tại sao vẫn chịu mang cái VÒNG KIM CÔ mãi thế? Phải tháo ra ! Phải vượt lên, chứng tỏ ƯU ĐIỂM  riêng của VIỆT NAM ! Hãy THOÁT TRUNG !
Xin nói rõ, chúng ta nên phân biệt giữa THOÁT TRUNG với BÀI TRUNG. Thoát Trung nghĩa là chúng ta phải dùng trí óc phân tích cho kỹ, đừng theo "chủ nghĩa bầy đàn".  Không phải cái gì của Trung Quốc là hít hà khen ngợi, cũng làm răm rắp theo. Phải chọn lọc, giữ lấy cái hay (nó là tài sản chung của nhân loại) và loại bỏ cái dở, cái gì không hợp với Việt Nam.   
Thoát Trung  không phải là Bài Trung, kỳ thị người dân Trung quốc. Chỉ những kẻ kém hiểu biết mới làm việc nầy!
Rất mong thay!

Nguyên Lạc          2017



Tham khảo:  Sử Ký Tư Mã Thiên (bản dịch của Nguyễn Hiến Lê), Đại Việt sử ký toàn thư, Laiquangnam, TS Phạm Trọng Chánh, Nguyễn Đức Ngọc Phương, Thi Viện, Wikipedia...

Ghi chú:
(*) Sái: dùng theo nghĩa "Sái thuốc phiện": phần chất đen còn lại khi người ta đã hút hết thuốc  (hút hết cái tốt, cái ngon)

(1) LUẬN ANH HÙNG
http://www.art2all.net/tho/laiquangnam/lqn_luananhhung1.htm

(2) Cảm Hoài  (Nỗi niềm hoài bão) - Đặng Dung:
http://chimviet.free.fr/vanhoc/laiquangnam/lqn_DangDung_CamHoai_P1_056.htm

(3) Khi cha (Nguyễn Phi Khanh) bị giải sang Trung Quốc, Nguyễn Trãi đã theo cha lên cửa ải và tỏ ý muốn đi theo hầu hạ, nhưng Nguyễn Phi Khánh không đồng ý và khuyên ông nên về lo cứu nước báo thù nhà. Sau NGUYỄN TRÃI đã giúp LẼ LỢI đánh tan quân Mình, giành độc lập cho đất nước. (Wikipedia)
(4) Do chính sách đồng hóa gắt gao và bóc lột hà khắc của nhà Đông Hán đối với người Việt tại Giao Chỉ đương thời, các Lạc tướng người Việt liên kết với nhau để chống lại nhà Hán. Trưng Trắc kết hôn với con trai Lạc tướng ở Chu Diên là Thi Sách, hai nhà cùng có chí hướng chống Hán. Khoảng năm 39-40, nhằm trấn áp người Việt chống lại, Thái thú Tô Định giết Thi Sách.

Trưng Trắc và các Lạc tướng càng căm thù, cùng Trưng Nhị mang quân bản bộ về giữ Hát Giang nay là xã Hát Môn huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Sau một thời gian chuẩn bị, tháng 2 năm 40, Trưng Trắc cùng Trưng Nhị chính thức phát động khởi nghĩa chống lại nhà Đông Hán. Cuộc khởi nghĩa được sự hưởng ứng của nhiều đội quân và nhân dân các nơi thuộc  u Lạc và Nam Việt cũ. Quân Hai Bà đánh hãm trị sở Luy Lâu. Tô Định phải chui trụ đồng trốn chạy về Trung Quốc. Các quận Nam Hải, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng. Hai bà lấy được 65 thành ở Lĩnh Nam.  Trưng Trắc tự lập làm vua, xưng là Trưng Nữ Vương (hay Trưng Vương). (Wikipedia)

(5) Hịch Tướng Sĩ - Lý Thường Kiệt
 http://chimviet.free.fr/vanhoc/laiquangnam/lqnt071_namquocsonha.htm

(6) Nguyên Lạc – Quẻ Dịch: Cách Lập Và Giải Đoán
https://khoahocnet.com/2016/12/13/nguyen-lac-que-dich-cach-lap-va-giai-doan-bai-1/








READ MORE - HAI CHỮ ANH HÙNG (CHUYỆN KHỞI ĐẦU TỪ HAI BÀI ĐƯỜNG THI) - Nguyên Lạc