Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, June 6, 2017

NÍU, BUÔNG, XẢ... - Thơ La Thụy


     
                             Tác giả La Thụy


       NÍU
       Níu mây dừng bước phiêu linh
       Níu trời hẹp bớt mông mênh tình sầu
       Níu trăng ngơ ngẩn đêm sâu
       Níu tình huyền mộng bên cầu sắc không

       BUÔNG
       Buông thân đẫm bụi ta bà
       Buông tình sóng cuộn hải hà giận yêu
       Buông hồn theo gió phong phiêu
       Trí buông xuôi nốt tàn chiều vô ngôn

       NÍU BUÔNG
       Níu, buông… mòn mỏi dặm về
       Níu: còn nuối tiếc cơn mê
       Buông sao rời rã mệt mề tình xa
       Ừ thì tin nhạn la đà
       Níu buông, buông níu… yên hà huyễn hư

       XẢ
       Xả lòng vơi nhẹ tục căn
       Suối nguồn xả gột trần tâm não phiền
       Xả tình hồn trí an nhiên
       Xả hương tục lụy xuôi miền vô ưu

                                         LA THỤY

READ MORE - NÍU, BUÔNG, XẢ... - Thơ La Thụy

ĐƯỜNG THI – CHỦ ĐỀ BIÊN TÁI (KÌ 4) - Nguyễn Ngọc Kiên chọn dịch và giới thiệu thơ

   
               Tác giả Nguyễn Ngọc Kiên


ĐƯỜNG THI – CHỦ ĐỀ BIÊN TÁI (KÌ 4)


VƯƠNG XƯƠNG LINH
Tiểu sử: Vương Xương Linh là người Kinh Triệu, Trường An (nay thuộc tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc).
Năm Khai Nguyên thứ 15 (727) đời Đường Huyền Tông (ở ngôi: 712-756), ông thi đỗ Tiến sĩ.
Bảy năm sau (734), ông lại đỗ khoa Bác học hoành từ, lần lượt trải chức: Bí thư sảnh, Hiệu thư lang, huyện úy huyện Dĩ Thủy [3].
Năm Khai Nguyên thứ 28 (740), vì phạm lỗi ông bị giáng làm Giang Ninh thừa. Rồi vì những vụn vặt, ông lại giáng làm Long Tiêu úy.
Cuối năm 755, tướng An Lộc Sơn dấy binh chống triều đình. Sau đó, Vương Xương Linh trở về làng thì bị viên Thứ sử ở địa phương tên là Lư Khưu Hiển giết chết vì tư thù  khoảng năm 756.
Số thơ của Vương Xương Linh để lại hiện còn hơn 180 bài, một nửa là tuyệt cú.
Ngoài ra, theo thiên "Nghệ văn chí" trong Tân Đường thư (Sử nhà Đường bộ mới), thì ông còn viết sách lý luận có nhan đề là Thi cách (Khuôn phép của thơ, gồm 2 quyển) và Thi trung mật chỉ (Ý sâu kín của thơ, gồm 1 quyển); nhưng nay chỉ còn quyển Thi cách do người đời Minh chép, nhưng có người nghi là sách giả, không phải nguyên bản
(Theo Từ điển Wikipedia mở tiếng Việt)

塞上曲 -王昌齡
蟬鳴空桑林, 
八月蕭關道。 
出塞復入塞, 
處處黃蘆草。 
從來幽并客, 
皆向沙場老。 
莫學遊俠兒, 
矜誇紫騮好。

Phiên âm:

TÁI THƯỢNG KHÚC – VƯƠNG XƯƠNG LINH
Thiền minh không tang lâm, 
Bát nguyệt Tiêu Quan đạo. 
Xuất tái phục nhập tái, 
Xứ xứ hoàng lô thảo. 
Tòng lai U Tinh khách, 
Giai hướng sa trường lão. 
Mạc học du hiệp nhi, 
Căng khoa tử lưu hảo.

Dịch nghĩa:

KHÚC CA TRÊN ẢI -  VƯƠNG XƯƠNG LINH 
Ve kêu trong rừng dâu đã rụng hết lá 
Tháng tám ở cửa ải Tiêu Quan 
Ra khỏi ải rồi lại vào ải 
Đâu đâu cũng chỉ thấy cỏ lau đã úa vàng 
Xưa nay những người ở U châu và Tinh châu 
Đều sống chết một đời ở sa trường 
Xin đừng học thói người hiệp sĩ du hành 
Khoe khoang con ngựa xích thố oai hùng của mình

Dịch thơ:

KHÚC CA TRÊN ẢI -  VƯƠNG XƯƠNG LINH 
Ve kêu dâu hết lá
Tháng tám ải Tiêu Quan.
Ra vào nơi cửa ải
Cỏ lau đã úa vàng.
Người U,Tinh Châu đó,
Một đời trên sa trường
Xin đừng như hiệp sĩ
Đem xích thố khoe khoang!

塞下曲其二 -- 王昌齡)
飲馬渡秋水, 
水寒風似刀。 
平沙日未沒, 
黯黯見臨洮。 
昔日長城戰, 
咸言意氣高。 
黃塵足今古, 
白骨亂蓬蒿。

Phiên âm: 

TÁI HẠ KHÚC KÌ II – VƯƠNG XƯƠNG LINH
Ẩm mã độ thu thuỷ, 
Thuỷ hàn phong tự đao. 
Bình sa nhật vị một, 
Ảm ảm kiến Lâm Thao. 
Tích nhật Trường Thành chiến, 
Hàm ngôn ý khí cao. 
Hoàng trần túc kim cổ, 
Bạch cốt loạn bồng mao.

Dịch nghĩa:

KHÚC HÁT DƯỚI ẢI (KÌ II) – VƯƠNG XƯƠNG LINH
Cho ngựa uống nước, qua sông thu
Nước lạnh, gió như dao cắt. 
Trên bãi cát phẳng, mặt trời chưa lặn, 
Nhìn thấy Lâm Thao mờ mịt xa xa. 
Ngày xưa, chiến đấu ở Trường Thành, 
Mọi người đều biểu lộ ý khí cao. 
Bụi vàng đủ hết chuyện xưa nay, 
Chỉ còn xương trắng lẫn lộn trong cỏ dại.

 Dịch thơ:

KHÚC HÁT DƯỚI ẢI (KÌ II) – VƯƠNG XƯƠNG LINH 
Sông thu, ngựa uống nước
Nước lạnh, gió cắt da
Bãi cát phẳng  chưa tối
Lâm Thao mờ mịt xa 
Trường Thành xưa chiến đấu
Ý chí biểu lộ ra
Nhìn bụi vàng đủ biết
Cỏ dại trắng xương pha

LÍ BẠCH
Tiếu sử: (Xem thêm kì 3)

 塞下曲其一 李白
五月天山雪, 
無花祇有寒。 
笛中聞折柳, 
春色未曾看。 
曉戰隨金鼓, 
宵眠抱玉鞍。 
願將腰下劍, 
直為斬樓蘭。

Phiên âm: 

TÁI HẠ KHÚC KÌ I – LÍ BẠCH
Ngũ nguyệt Thiên sơn tuyết, 
Vô hoa chỉ hữu hàn. 
Địch trung văn "Chiết liễu", 
Xuân sắc vị tằng khan. 
Hiểu chiến tuỳ kim cổ, 
Tiêu miên bão ngọc an. 
Nguyện tương yêu hạ kiếm, 
Trực vị trảm Lâu Lan.

Dịch nghĩa:

KHÚC HÁT DƯỚI ẢI (KÌ I) – LÍ BẠCH
Tháng năm núi Thiên Sơn vẫn còn tuyết phủ 
Chẳng thấy hoa chỉ giá rét lạnh lùng 
Tiếng sáo thổi nghe bài "Chiết liễu" 
Chưa từng thấy cảnh sắc mùa xuân 
Buổi sớm đánh nhau nghe theo hiệu trống 
Ban đêm nằm ngủ ôm chiếc yên ngọc 
Muốn tuốt gươm bên lưng 
Thẳng chém chúa Lâu Lan

KHÚC HÁT DƯỚI ẢI (KÌ I) – LÍ BẠCH
Tháng Năm Thiên Sơn tuyết
Không hoa, rét tê người
Nghe sáo thổi “Chiết liễu”
Cảnh sắc xuân đâu rồi?
Sớm đánh theo hiệu trống
Đêm ôm yên ngủ thôi! 
Muốn tuốt thanh gươm nọ
Chém Lâu Lan làm đôi! 

塞下曲其二 
天兵下北荒, 
胡馬欲南飲。 
橫戈從百戰, 
直為銜恩甚。 
握雪海上餐, 
拂沙隴頭寢。 
何當破月氏, 
然後方高枕。

Phiên âm:

TÁI HẠ KHÚC KÌ 2 – LÍ BẠCH
Thiên binh há bắc hoang, 
Hồ mã dục nam ẩm. 
Hoành qua tòng bách chiến, 
Trực vị hàm ân thậm. 
Ác tuyết hải thượng xan, 
Phất sa lũng đầu tẩm. 
Hà đương phá Nguyệt Chi, 
Nhiên hậu phương cao chẩm.

Dịch nghĩa:

KHÚC HÁT DƯỚI ẢI KÌ 2 – LÍ BẠCH 
Binh trời xuống cõi Bắc 
Ngựa Hồ muốn uống nước bờ Nam 
Ngáng giáo xông pha trăm trận 
Chỉ vì được đội ơn sâu 
Trên bể, vốc tuyết ăn 
Bên ruộng, phủi cát ngủ 
Bao giờ đánh tan được Nguyệt Chi 
Mới nằm gối cao yên giấc

Dịch thơ:

KHÚC HÁT DƯỚI ẢI KÌ 2 – LÍ BẠCH
Thiên binh xuống cõi bắc
Ngựa Hồ uống bờ Nam
Cầm gươm đánh trăm trận
Mong được báo hoàng ân
Trên bể, vốc tuyết uống
Ruộng cát ngủ ấm thân
Khi nào tan giặc Nguyệt
Kê gối cao, yên nằm!

 塞下曲其三 - 李白
駿馬如風飆, 
鳴鞭出渭橋。 
彎弓辭漢月, 
插羽破天驕。 
陣解星芒盡, 
營空海霧銷。 
功成畫麟閣, 
獨有霍嫖姚。

Phiên âm:

TÁI HẠ KHÚC KÌ III – LÍ BẠCH
Tuấn mã như phong biều, 
Minh tiên xuất Vị Kiều. 
Loan cung từ Hán nguyệt, 
Sáp vũ phá thiên kiêu. 
Trận giải tinh mang tận, 
Doanh không hải vụ tiêu. 
Công thành họa Lân các, 
Độc hữu Hoắc Phiêu Diêu.

Dịch nghĩa:

KHÚC HÁT DƯỚI ẢI  (KÌ III) – LÍ BẠCH
Tuấn mã chạy như gió 
Ra roi thẳng Vị Kiều 
Giương cung từ tạ trăng Hán 
Mũi tên cắm lông bắn phá giặc trời 
Trận tan, tia sáng trên sao tắt 
Doanh vắng, khói biển tiêu tan 
Lập công được vẽ tượng trên gác Kỳ Lân 
Chỉ có quan Phiêu Diêu họ Hoắc

 Dịch thơ:

KHÚC HÁT DƯỚI ẢI  (KÌ III) – LÍ BẠCH
Tuấn mã vút như gió
Rời Vị Kiều ra roi
 Giương cung biệt trăng Hán
Mũi tên phá giặc trời
Trận tan, sao sáng tắt
Doanh vắng, khói biển trôi
Vẽ Kì Lân công trạng
Chỉ Hoắc Phiêu Diêu thôi!


LẠC TÂN VƯƠNG 駱賓王 (640?-684)

Tiểu sử tóm tắt:    
Lạc Tân Vương người Nghĩa Ô tỉnh Chiết Giang, nổi tiếng thơ hay từ năm bảy tuổi. Ông ra làm quan đời vua Cao Tông, Võ Hậu nhưng bất mãn xin thôi. Khi Từ Kính Nghiệp nổi lên chống lại triều đình có dùng ông làm chức phủ thuộc. Ông có thảo bài hịch kể tội Võ Hậu. Cuộc biến loạn thất bại, ông bỏ trốn và mất tích. Theo Cựu Đường thư thì ông bị giết năm 684
Các tác phẩm được phát hành trước ngày 1 tháng 1 năm 1923 của tác gia này đã thuộc phạm vi công cộng trên toàn thế giới vì tác giả đã mất hơn 100 năm trước. Những bản dịch hoặc lần tái bản phát hành sau ngày đó vẫn có thể có bản quyền. Các tác phẩm được phát hành sau khi tác giả mất có thể có bản quyền tùy thuộc vào chúng đã phát hành được bao lâu tại từng quốc gia và lãnh thổ cụ thể.
(Theo Từ điển Wikipedia mở tiếng Việt)

易水送別 - 駱賓王
此地別燕丹, 
壯士髮衝冠。 
昔時人已沒, 
今日水猶寒。

Dịch nghĩa:

DỊCH THỦY TỐNG BIỆT – LẠC TÂN VƯƠNG
Thử địa biệt Yên Đan, 
Tráng sĩ phát xung quan. 
Tích thời nhân dĩ một, 
Kim nhật thuỷ do hàn.

Dịch nghĩa:

TIỄN BIỆT TRÊN SÔNG DỊCH – LẠC TÂN VƯƠNG 
Nơi đây từ biệt Thái tử Đan nước Yên
Tóc tráng sĩ (2) dựng ngược đội cả mũ lên
Người xưa đã khuất rồi
Nước sông nay còn giá lạnh (3)

Dịch thơ:

TIỄN BIỆT TRÊN SÔNG DỊCH (1) – LẠC TÂN VƯƠNG 
Đây biệt Thái tử  Đan nước Yên
Tóc tráng sĩ dựng ngược mũ lên
Người xưa nay đã đi đâu khuất
Sông nước nay còn giá lạnh nguyên!

(1) Thuộc tỉnh Hà Bắc Trung Quốc
(2) Kinh Kha vâng mệnh Thái Tử Đan nước Yên đi mưu sát Tần Thủy Hoàng
(3) Nhắc lại lời Kinh Kha đêm chia tay "gió hiu hắt, sông Dịch lạnh ghê . Tráng sĩ một đi không trở về."

                                                                                                                                                              NGUYỄN NGỌC KIÊN

READ MORE - ĐƯỜNG THI – CHỦ ĐỀ BIÊN TÁI (KÌ 4) - Nguyễn Ngọc Kiên chọn dịch và giới thiệu thơ

TẠP LỤC THI 2 - Chu Vương Miện


              Nhà thơ Chu Vương Miện


TẠP LỤC THI 2

hết ?
anh nghĩ gì ?
khi đám bụi bay qua
chợt nhớ ra rằng em vốn m.h
anh tới trễ
còn em đứng đó
em sống nhăn răng
mà ngỡ là con ma ?


tóc trắng rồi tóc xanh
sòng đời trôi bất tận
tròn thêm nơi định mệnh
y chim hót trên cành
mới ngày vừa nhú sáng
thoáng đó đã tàn canh
thời gian qua chớp nháng
mờ mờ rồi chạng vạng
quá giờ trống canh ba
chưa chợp mắt đã gà
gáy làm xàm ba tiếng
sống mãi đời bận rộn
ta vẫn chả là ta
ngồi lẩm cà lảm cẩm
tình gần lại tình xa ?

con chó theo chủ tới mãn đời
anh theo em một lúc rồi thôi
con chó còn có tình chủ tớ
mình lỡ lơ nhau ? lỡ mất rồi ?


em nơi đó còn ta nơi đây ?
hai nơi toàn rặt lá phong đầy
lớp vàng lớp đỏ phơi trên cỏ
mà chỉ một loài bông cỏ may
ta ở đây còn em ở đó
sầu đâu ? bốc mãi tại Giang Tây
tràng giang mộ giải chia lắm ngả
mà nước Tiêu Tương cạn thế này ?

CHU VƯƠNG MIỆN

READ MORE - TẠP LỤC THI 2 - Chu Vương Miện

ĐƯỜNG DÀI – CÂU CHUYỆN TÌNH ĐƯỢC KỂ RẤT THẬT - Bùi Đồng



             Tác giả Bùi Đồng



ĐƯỜNG DÀI – CÂU CHUYỆN TÌNH ĐƯỢC KỂ RẤT THẬT

Lâu rồi mới được đọc bài thơ thật đến vậy. Cách gieo vần thoáng khoát, lối ngắt câu hợp lý với tâm trạng phiêu phiêu, bảng lảng, trăn trở, níu kéo, giằng xé đã chạm vào nỗi riêng tư của từng người đọc. 
Vừa xem vừa lo hết và lại mong xem kết cục thế nào. 
Ta cũng hổn hển, gấp gáp, luống cuống theo tác giả từ mạch thơ. Hình như tác giả viết một hơi, sợ không ghi kịp ý đang dồn dập tuôn trào trong tâm thức.
Đừng mà ở lại đi em
Ngoài kia trời đã buông rèm từ lâu.
Bắt đầu từ lời cáo từ giã biệt. Tác giả cuống quýt lo cho cái buổi vui ngắn chẳng đầy gang trôi mất! Chàng vội năn nỉ, níu kéo chỉ sợ Em đi mất nên nêu một lý do chẳng thuyết phục tý nào. 
Ngược lại, trong tình yêu thì người nữ luôn tỉnh táo, thực tế hơn: 
Chúng mình đến chẳng được đâu
Anh còn khuấy sóng bể dâu làm gì
Thôi thì cứ để em đi
Mười lăm năm nữa còn gì nét xuân 
Cô gái cũng nói vậy thôi để giải phóng tình thế dùng dằng khó dứt nhưng cũng đầy ắp tiếc nuối và muốn ở bên nhau mãi mãi. 
Con người vốn hay mâu thuẫn, tự tạo phức tạp cho mình, cho hoàn cảnh để rồi đi cũng dở, ở không xong.
Với cách gieo vần khoáng thoát, cách nhả câu hợp lý cùng tâm trạng rất tâm trạng làm cho người đọc bị cuốn theo lúc nào không biết.
Càng lúc lời cô gái càng tha thiết, phân tích có tình có lý: 
Anh dù vì nghĩa chả cần
Ngó ngơ chi lũ dở đần dở khôn
Trái tim sợ lắm bước dồn
Thôi em về, kẻo lời đồn khổ anh.
Khen anh đấy, vì em mà chẳng thèm để ý đến cái lũ người chả giống ai cả. Chính em cũng giống anh, vẫn thấy khó quyết định đi hay ở lại. Do đó đến lượt em nêu ra lý do cũng kém thuyết phục: sợ lời đồn! Ai đồn? Sao lại khổ anh khi anh đang vui những phút như bất tận thế này.
Và EM ở đây là ai nhỉ? Càng cố tìm hiểu càng thấy bảng lảng, liêu trai! Mình cứ thấy EM phảng phất, bồng bềnh, mờ nhân ảnh. Dù vậy, nhưng khối tình lại rất thật, thật như dao cau cật nứa, sắc lẻm, ngọt ngào làm người đọc thấy như tứa máu......
Cuộc gặp gỡ nghe ra đượm sắc liêu trai, mộng mị nhưng rất nặng tình người. Người đọc bất giác thèm được như vậy. Thương lắm, yêu lắm, gần lắm mà cũng xa lắm. Thì ra dặm trường là vậy! Từ cõi thực đến cõi hư vô có một khoảng cách cảnh giới! 
Đọc đến đây bỗng thấy thương tác giả, thương cô gái và... thương mình. 
Thế giới ta đang sống là thế giới lẫn lộn đồng cư của hư thực, yêu ghét, tốt xấu, hạnh phúc và bất hạnh. Thôi thì hãy gạn đục khơi trong, hãy tử tế, nhìn ra quy luật để mà hoàn thiện. 
Cô gái còn nói nữa, đã chào em về mà mãi chưa dứt nổi: 
Nhà nghèo duyên phận mỏng manh
Em neo chữ nghĩa chữ tình với son
Anh dù chẳng vợ còn con
Cố chen em chỉ nước non phận hèn
Dằn lòng rồi cũng phải quen 
Thôi em về kẻo mờ đèn phố xa...
Cảm xúc vỡ oà. Rõ ràng âm dương cách biệt nhưng tình người chan chứa, thật đáng trân trọng. Thà gần hình bóng còn hơn vạn lần xa mặt cách lòng. 
Bất giác không còn khoảng cách âm dương nữa. Một cách sống, một nghĩa tình đã neo nhau lại bởi nghĩa, tình son sắt.
Ờ thì em trở lại nhà 
Khăn đây em quấn ngõ xa đường dài...
Đến đây tác giả mới nói. Câu nói như nghẹn ngang cổ họng, lo lắng cho khoảng cách em đi ..
Bài thơ khép lại rồi mà tôi vẫn thổn thức, buồn vui lẫn lộn nhưng rõ ràng thấy mến tác giả vì sự thật lòng qua tiểu phẩm hay và nặng. 
*.
Thành Nam, 16 tháng 05.2017
BÙI ĐỒNG
Địa chỉ: 3/176 Phan Đình Phùng, t/p Nam Định.
Email: hatbuinhangian.db@gmail.com
Điện thoại: 090.219.18.04


ĐƯỜNG DÀI 
(Yêu mến tặng Huyền Thương)

- Đừng mà.
Ở lại đi em
Ngoài kia
Trời đã buông rèm từ lâu.

- Chúng mình đến chẳng được đâu
Anh còn khuấy sóng bể dâu làm gì
Thôi thì cứ để em đi
Mười lăm năm nữa còn gì nét xuân
Anh dù vì nghĩa, chả cần
ngó ngơ chi lũ dở đần dở khôn
Trái tim
sợ lắm bước dồn
Thôi.
Em về.
Kẻo lời đồn
khổ anh
Nhà nghèo
duyên phận mỏng manh
Em neo chữ nghĩa chữ tình với son
Anh dù chẳng vợ còn con
Cố chen em chỉ nước non phận hèn
Dằn lòng rồi cũng phải quen
Thôi.
Em về
kẻo
mờ đèn
phố xa

- Ờ ...
Thì...
Em trở lại nhà
Khăn đây
em quấn
Ngõ xa
đường dài.

Hà Nội, đêm 13 tháng 05.2017
ĐẶNG XUÂN XUYẾN

READ MORE - ĐƯỜNG DÀI – CÂU CHUYỆN TÌNH ĐƯỢC KỂ RẤT THẬT - Bùi Đồng

ĐỨNG TRƯỚC “CĂN PHÒNG BÍ MẬT” CỦA TRẦN HẠ VI - Phạm Đức Nhì

      
                  Phạm Đức Nhì


ĐỨNG TRƯỚC “CĂN PHÒNG BÍ MẬT” CỦA TRẦN HẠ VI

   Tôi đã chọn và đưa Căn Phòng Bí Mật của Trần Hạ Vi vào danh sách những bài thơ sẽ bình từ khá lâu. Những lúc rảnh rang hoặc đầu óc trống vắng tôi lại đem bài thơ ra nhâm nhi, nghiền ngẫm. Tôi cũng mường tượng một vài bài viết khác – liên quan đến thơ - lấy ý tứ của CPBM làm điểm tựa. Có thể nói đây là bài thơ “làm phiền” tôi nhiều nhất. Có độ tôi đã “ăn ngủ” với nó cả mấy ngày liên tiếp để cố gắng tìm ra thế trận hợp lý, có hiệu quả cho bài bình của mình. Nhưng rồi vẫn thấy chưa vừa ý – duyên chưa đến - nên lại cho qua.

Hôm nay, ngồi ở sau nhà thả hồn theo những đám mây bay rồi lẩm nhẩm đọc lại CPBM, chợt thấy cái duyên ngầm của nó, bèn hứng chí chạy vào nhà mở máy gõ mấy lời bình để mời bạn đọc cùng bước vào một góc của thế giới thơ Trần Hạ Vi.

CĂN PHÒNG BÍ MẬT 

Có những điều sẽ chẳng nói ra
cho dù chúng ta
có yêu nhau đến thế nào chăng nữa
mấy ngàn ngày... 
và có thể mấy vạn ngày tiếp lửa
chuyện anh
chuyện em
vẫn ẩn chứa bí mật của mỗi người

Có những góc tối ở trong hồn
của riêng ta
không bao giờ chia sẻ
chẳng phải vì niềm tin không vẹn vẽ
nhưng vì đó là căn phòng bí mật
chẳng nên mở bao giờ

Con yêu tinh ngày xưa có một yêu cầu đơn sơ
cô gái sẽ sống mãi trong bạc vàng nhung gấm
chỉ đừng bao giờ mở cánh cửa cấm
ai cũng cần một góc nhỏ cho riêng mình (1)

Chúng ta ân ân ái ái
tan chảy ân tình
nhưng mỗi người chỉ có thể là riêng một
một anh
một em
dù ngọt ngào chung hưởng
đắng cay chia sớt
nhưng em là em
và anh vẫn là anh

Phòng chứa bí mật của phù thủy vẫn sẵn dành (2)
để chúng ta cất giữ những ước mơ ngông cuồng hoang dại nhất
tình yêu này sẽ luôn luôn có thật
khi em được là em
và anh được là anh
với căn phòng bé nhỏ của riêng mình.

27.08.2016/THV
#thotranhavi

(1) Truyện cổ tích
(2) Harry Potter và phòng chứa bí mật

Thơ Hay Là Vè?

CPBM bàn đến một đề tài rất lớn và khó hiểu (a). Dùng thơ để mô tả, chuyển tải một ý niệm trừu tượng, nặng tính triết học, rất dễ đi đến chỗ khô khan, làm người đọc chán ngán. Nếu không khéo “thơ” sẽ biến thành vè một cách dễ dàng. Bởi vậy, việc đầu tiên phải chẩn đoán xem nó có vượt qua được cửa ải “vè” chưa? Nếu chưa thì đành xếp bút, đưa bài thơ khác lên bàn mổ chứ ai lại đi bình một bài vè. 

Cũng may, Trần Hạ Vi đã tạo ra một khung cảnh thơ hợp lý. Đọc hết bài thơ tôi có cảm tưởng chị đang tâm sự với người yêu của mình lúc được yêu cầu trải tất tật lòng ra với nhau khi đã thực sự yêu. Chị không đồng ý và lời lẽ phản đối của chị nhẹ nhàng nhưng quyết liệt. Ở đây tâm đã đối cảnh và đã có cảm xúc, đã là thơ.

Tứ Thơ
Bài thơ không có phép ẩn dụ toàn bài nên tứ với ý là một: Tác giả dùng hình ảnh “căn phòng bí mật” để nói đến những góc tối trong tâm hồn không thể sẻ chia dù với người thân yêu nhất.
Thụy Khuê, khi bàn về trường phái Siêu Thực, cũng có nhắc đến CPBM, nhưng với cái tên thật của nó.

“Freud chia hoạt động tâm thần làm ba khu vực: Vùng vô thức tức là cái đó (le ça trong tiếng Pháp, Es tiếng Đức) chứa đựng toàn bộ những nhu cầu bản năng bị dồn nén, cấm kỵ không được phát lộ ra ngoài. Vùng ý thức tức cái tôi (le moi, ego), hay ý thức xã hội, cái tôi xã hội, chứa đựng những gì đã được thanh lọc bởi lý trí và đạo đức xã hội, sẵn sàng trình làng. Và cái siêu ngã (le sur moi) có trách nhiệm kiểm duyệt.

Theo Freud, cái vô thức mới là bộ mặt thật, là cái tôi đích thực của con người. Nó chi phối mọi hoạt động. Còn cái tôi ý thức chỉ là bộ mặt bề ngoài, giả dối và ngụy tạo.”(b)

Nhưng cái tôi ý thức – mà trong một vài bài khác tôi gọi là cái tôi văn hóa - mới chính là cuộc sống thực tế của con người. Con người tương tác, giao tiếp với nhau hoàn toàn bằng cái tôi văn hóa. Cái tôi đích thực bị “cầm tù” trong vùng vô thức mà Trần Hạ Vi gọi là CPBM. Nếu vì một lý do gì đó CPBM bị bung khóa, những góc tối của tâm hồn lộ ra giữa thanh thiên bạch nhật, thì con người sẽ không còn niềm tin vì nhìn đâu cũng thấy dối trá, lừa lọc. Lúc ấy vô số thần tượng sẽ sụp đổ, trật tự sẽ đảo lộn, xã hội sẽ rối loạn. Con buôn gian dối thì không nói làm gì, vì đó là “chuyện thường ngày” của họ. Nhưng các bậc mô phạm mặt cũng khắc đầy những chữ “xạo” to tổ bố. Các đấng Quân Vương của thời đại mới - Tổng Thống, Chủ Tịch Nước, Thủ Tướng - “xạo” thì cũng thường tình, vì có thế họ mới có thể mị dân, giữ ngai vàng, giữ ghế. Nhưng ngay cả những vị chức sắc cao nhất của các tôn giáo – khi “những ước mơ ngông cuồng hoang dại nhất” từ “những góc tối của tâm hồn” lúc còn thơ trẻ hiển hiện trước mắt người đời – ít ra, chắc cũng sẽ ngượng ngùng cúi mặt.  

Kỹ Thuật Thơ

    1/ Thể Thơ: tác giả viết theo thể thơ mới, số chữ trong câu tùy tiện, không theo một nguyên tắc bó buộc nào.
    2/ Vần Và Dòng Chảy Của Tứ Thơ: vần liên tiếp, khá đều đặn, nhưng không có hội chứng nhàm chán vần. Có lẽ do có vài chỗ thoát vận và nhịp điệu khác lạ nhờ những cụm từ:
          a/ chuyện anh/ chuyện em (đoạn 1)
          b/ một anh/ một em,  nhưng em là em/ và anh vẫn là anh (đoạn 4)
          c/ khi em được là em/ và anh được là anh (đoạn 5)
Dòng chảy của tứ thơ trơn tru, nhẹ nhàng, thoải mái.
    3/ Ngôn Ngữ Thơ: tương đối đẹp, có một số hình tượng khá độc đáo:

cho dù chúng ta
có yêu nhau đến thế nào chăng nữa
mấy ngàn ngày... 
và có thể mấy vạn ngày tiếp lửa
Cụm từ “tiếp lửa” lạ và hay

Có những góc tối ở trong hồn

của riêng ta
không bao giờ chia sẻ
chẳng phải vì niềm tin không vẹn vẽ

Tĩnh từ “vẹn vẽ” vừa rất “bắc kỳ” vừa đắt.

Chúng ta ân ân ái ái
tan chảy ân tình
là câu thơ có sức “gợi”mạnh, rất hợp với khung cảnh đoạn thơ.

    4/ Thế Trận: hợp lý, hoàn thành nhiệm vụ chuyển tải tứ thơ.

Cảm Xúc:

    1/ Tầng 1: người đọc thả tâm trí theo dòng chảy của tứ thơ, có cảm tình với cái đẹp văn chương (ngôn ngữ, hình tuợng) và mới chỉ khám phá được một phần ý tứ của tác giả nên cảm xúc nếu có, cũng không nhiều
.
    2/ Tầng 2: ở cuối bài, khi thế trận của chữ nghĩa đã phát huy hiệu quả, tác giả đã dồn hết sức mạnh của tình yêu và lời thơ của mình vào đoạn cuối, bài thơ đã được đẩy đến cao trào với rất nhiều cảm xúc.

    3/ Tầng 3: hồn thơ không có.

Sự Trùng Lặp Hay Một Cách Nhấn Mạnh Khéo Léo.

Ở lần đọc bài thơ đầu tiên tôi có cảm giác tác giả đã phạm một lỗi lớn: ý tưởng trùng lặp quá nhiều. Bài thơ có 5 đoạn mà đoạn nào tác giả cũng - bằng cách này hay cách khác - cắt nghĩa, giải thích vai trò của CPBM đối với con người.

Đến khi đọc hết bài rồi lại đọc thêm vài lần nữa tôi mới nhận ra dụng ý của sự lập đi lập lại ấy. THV đã lỡ “yêu” phải một tứ thơ quá cứng. Trước năm 1975, ở lớp cao nhất của bậc trung học (Đệ Nhất) học sinh mới bắt đầu làm quen với Triết Học trong đó  Vô Thức là một ý niệm khó nhai và khó nuốt nhất. Sau đó nếu không học Văn Khoa hoặc Đại Học Sư Phạm Văn, ngay cả những người học thức, khi bàn đến “những góc tối của tâm hồn” cũng không ai dám nhận là đã hiểu đến nơi đến chốn. 

Tôi có cảm tưởng chị đã mời 5 “tay búa” tập trung đập vào một khoảnh nhỏ trên bức tường ngăn cách giữa thi sĩ và người đọc. Chỉ có một khoảnh tường nhỏ nhưng 5 tay búa thì, từ vóc dáng đến cách quai búa, mỗi người một vẻ khác nhau. Và với 2 nhát búa mạnh mẽ sau cùng, bức tường ngăn cách đã ngã đổ và chị đã tuôn ra được những điều đáng nói nhất với người yêu của mình: căn phòng bí mật là nơi “cất giữ những ước mơ ngông cuồng hoang dại nhất”



“tình yêu này sẽ luôn luôn có thật...
khi em được là em
và anh được là anh
với căn phòng bé nhỏ của riêng mình”

Chị muốn nói với người yêu bằng tất cả sự tự tin và tình yêu tha thiết từ trái tim:
“Chỉ khi cánh cửa CPBM luôn đóng kín thì – không phải lo cái tôi đích thực của mình bị lộ ra - em được là em và anh được là anh (trong bộ áo của cái tôi văn hóa) - vâng, chỉ lúc ấy tình yêu mới trở thành hiện thực và có cơ đứng vững.”

Độc giả không cảm thấy chán ngán dù phải gặp hình tượng CPBM đến mấy lần là vì thế. Và chức năng truyền thông của bài thơ, có thể nói, đã thành công.

Nhận Xét Chung Cuộc

Trước khi bình bài thơ này của THV, theo thói quen, tôi đã đọc hầu hết thơ của chị trên FB. Chị cũng gởi cho tôi một số những bài thơ tuyển mà chị rất tâm đắc. Không hiểu sao tôi lại chọn CPBM. Một thằng bạn cũ cũng chơi FB, khi được hỏi ý kiến đã phán “Mày tinh mắt đấy! Bài này trội nhất. Những bài khác (của THV) không sai phạm chỗ này cũng sơ xuất chỗ kia.” Tôi chỉ dám nhận là mình may mắn, đã “phải lòng” một bài thơ không tệ.


Có thể nói CPBM khá tròn trịa, “đẹp” ở nhiều mặt. Tứ thơ hay, biểu lộ cái nhìn sâu sắc của tác giả về con người, cuộc sống. Kỹ thuật thơ khá vững. Cách sử dụng vần khéo léo, đúng liều lượng, tạo vị ngọt vừa phải, giúp dòng chảy của ý tưởng, cảm xúc suôn sẻ, không có những mô gò làm người đọc khựng lại, mất hứng. Thế trận hơi lạ nhưng rất hiệu quả, dẫn đến đoạn kết đầy ấn tượng. Nhờ vậy cảm xúc ở tầng hai khá mạnh, đặc biệt ở hai đoạn cuối. Tuy vậy, chưa thấy xuất hiện hồn thơ.

Kết Luận

Trần Hạ Vi đã đứng về phía đại đa số những người ủng hộ lối sống Phương Tây. Đó là lối sống rất nhiều nước trên thế giới đã chấp nhận hoặc đang học hỏi để “bắt chước”. Nhưng cũng có nhiều triết gia ở chính Phương Tây cho rằng lối sống ấy đã làm cho con người “vong thân” (đánh mất chính mình) (c), làm nô lệ cho một “kẻ xa lạ” (d) đang chiếm hữu thân xác mình vì đã để cái tôi văn hóa che khuất cái tôi đích thực. Dĩ nhiên mỗi người có quyền có quan niệm sống riêng của mình. Qua CPBM, Trần Hạ Vi đã ra sức biểu dương cái tôi văn hóa. Và theo tôi - bằng kỹ thuật thơ và nhiệt tình cháy bỏng - chị đã làm rất đông người đọc mỉm cười mãn nguyện vì cảm thấy và tin rằng sự lựa chọn của mình là đúng.

CHÚ THÍCH:

   a/ Tôi không biết tác giả “mượn” hình tượng Căn Phòng Bí Mật từ đâu - từ Harry Potter, từ một truyện cổ tích nào đó, hay từ trải nghiệm rút ra trong quá trình đọc của mình? Ở đây tôi không làm công việc truy tìm nguồn gốc ý tưởng mà chỉ “bàn” một chút về khả năng đưa ý tưởng ấy vào thơ.
   b/ (http://thuykhue.free.fr/stt/s/breton.html)
   c/ Jean Paul Sartre.
   d/ Albert Camus

                                                         Phạm Đức Nhì
                                                  nhidpham@gmail.com

READ MORE - ĐỨNG TRƯỚC “CĂN PHÒNG BÍ MẬT” CỦA TRẦN HẠ VI - Phạm Đức Nhì