Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, June 4, 2017

CHÙM THƠ TỊNH ĐÀM



                   Tác giả Tịnh Đàm



ĐỢI EM
Biết là phương ấy xa xôi,
Đợi em 
Lòng những bồi hồi... vì nhau.
Miếng trầu têm sẵn cùng câu,
Để duyên ước hẹn thắm màu
                                 Sắt son.

HOA YÊU THƯƠNG
Nhận từ em những yêu thương,
Anh đem gieo ở bên đường vẫn qua.
Đi về bao nỗi thiết tha,
Anh tin rồi sẽ nở hoa... đẹp đời.

DUYÊN NHỚ 
(Gửi Kim Chi)
Người đem mộng gởi cho tôi,
Bao năm rồi vẫn xanh chồi ước mơ.
Cái duyên gặp gỡ đâu ngờ,
Kết thành một mối tình thơ đẹp lòng.
                          TỊNH ĐÀM
                   (Hóc Môn, TPHCM )

READ MORE - CHÙM THƠ TỊNH ĐÀM

NẮNG NÓNG QUÁ ! THĂNG LONG ƠI... - Thơ Nguyễn Khôi



          Nhà thơ Nguyễn Khôi




Thơ vui:

NẮNG NÓNG QUÁ ! THĂNG LONG ƠI...
  (Tặng Nhà thơ Phạm Đức Nhì)
                  
Vừa viết xong "Chân dung..."
 mời Lê Mai ẩm tửu
cái cụ Thương binh này 
"Văn" gì ...
        cũng có "đéo"...?
tục tĩu .
              
Thôi, trời nóng 47 độ
có đứa bảo :
-Xưa, cái thời Trịnh Sâm
có thằng Đặng Mậu Lân
làm Trời "căm"
phát NÓNG ! 
              
Ôi, văn thơ xoàng xĩnh
thua cả cụ Bút Tre
lên sông Thao tắm mát
thoát Kinh thành cháy da...
               
Chà, rượu là phải tay ba
tiếc quá
thiếu cụ Nguyễn
Thần Đồng chẳng ghé qua
"Chim" thui
Khét mùi "Bướm"...
                
À thôi,  này Lê Mai
gọi lão Vũ Ngọc Tiến
có "Quỷ Vương" ngồi đây
đập phá...
Nắng lửa Kinh thành
cũng phải biến...
     
 Hà Nội, 4/6/2017, ngày nắng nóng 47- Oc
      NGUYỄN KHÔI

READ MORE - NẮNG NÓNG QUÁ ! THĂNG LONG ƠI... - Thơ Nguyễn Khôi

TẠP LỤC THI 1 - Thơ Chu Vương Miện


              Nhà thơ Chu Vương Miện



TẠP LỤC THI 1

thế sự như diệp đa
hắc như cẩu khẩu
trên bảo
dưới không nghe ?
nhậu quất cần câu
cho chó ăn chè

trảm phụ thế sự
hai tai chưa điếc
nhưng
làm không được
huề

con cò con trai
con cò vừa đi vừa bay
con trai chỉ nằm yên một chỗ
thật quá khổ
được bạc thất tình
được tình thua bạc
huề vốn
làm thinh
chỉ là chim
chỉ là bướm
chỉ là thế thôi ?
mà khốn khổ khốn nạn
một kiếp người

Tôn Ngộ Không
một tay thiết bảng
một tay kính chiếu yêu
nam chinh bắc thảo
mệt bở hơi tai
chuyện dài dài
Trư Bát Giới
chỉ ăn uống ngủ
chuyện thiên hạ
chuyện ruồi bu
ngoài tai ?

còn sống còn thở
còn thở còn làm thơ
làm cho chính mình
cho tỉnh không mơ
không cần cho mai sau ?
dòng sông dòng đời
y như nước qua cầu ?

CHU VƯƠNG MIỆN

READ MORE - TẠP LỤC THI 1 - Thơ Chu Vương Miện

CHIỀU HÈ - Thơ Nhật Quang





CHIỀU HÈ

Chiều nghiêng bóng ngả bên đồi
Nhớ thời thơ ấu vui chơi chốn này
Năm mười...bắt bướm, nhẩy dây
Con ve sầu hát ru say áng chiều

Chơi vơi gió níu cánh diều
Mênh mang sáo vọng dặt dìu tiếng thơ
Triền đê đồi cỏ xanh mơ...
Gió lay phượng ngát, thẩn thơ lối về

                                   Nhật Quang
                                    (Sài Gòn)

READ MORE - CHIỀU HÈ - Thơ Nhật Quang

TRẦN MẠNH HẢO, MÌNH ANH TRONG MỘT THẾ GIỚI - Nguyễn Đức Tùng


        
                                  Tác giả Nguyễn Đức Tùng


    TRẦN MẠNH HẢO, 
          MÌNH ANH TRONG MỘT THẾ GIỚI 

Thơ dung chứa nhiều khả năng biểu hiện của ý thức công dân. Trong khi ngày nay, thơ trữ tình không khai thác những khả năng ấy, việc các nhà thơ tìm cách lần lượt tránh né đề tài thời sự, chứ không phải là việc họ nổi loạn về bút pháp hay phá phách về ngôn ngữ, đặt thơ ca về phía bên kia của đời sống, ngoại vi hóa các tác phẩm văn học. Nhà thơ không tìm cách giải quyết các vấn đề chính trị, nhưng họ mang cho người đọc sự hiểu biết, lòng xúc cảm, sự phẫn nộ trước bất công, sự thương xót đối với số phận cá nhân và tập thể. Nhà thơ không thể nói thay người khác, chỉ có thể nói cho chính mình, nhưng một khi biết chia sẻ gánh nặng của cộng đồng, số phận và tiếng nói của người ấy đôi khi cũng là số phận và tiếng nói của người khác. Từ cõi riêng tư.
Ở đó, Trần Mạnh Hảo có những câu thơ lạ, đẹp mong manh:

Tôi nghe trời lạnh về trong lửa
Nắng bỗng gầy hơn em nhỏ hơn

Thường thì thơ anh chân phương hơn, trực tiếp, mạnh mẽ hơn. Khi chúng tôi, sáu người, lần đầu tiên gặp nhau vào mùa hè năm 2007 ở Sài Gòn, anh đọc nhiều bài thơ dài của mình. Đọc thuộc lòng. Giọng ấm, khoẻ, nồng nhiệt.

Phải ta đã cùng em mười lăm năm đất Bắc 
Gió bấc ăn dần từng mái tranh 
Đêm mọt kêu rụng tóc 
Sợi rau muống buộc đôi ta bền chặt 
Pho sách thánh hiền không đổi được miếng ăn 

Trang giấy lặng như đồng chiêm trắng 

Câu thơ ta bắt ốc mò cua 
Củ khoai không vùi trong bếp 
Củ khoai vùi trong giấc ta mơ 
(*)

Thơ như thế có thể thuyết phục đám đông. Một trong những nhà thơ có tiếng nói sớm đối với các vấn đề xã hội sau năm 1975. Nhà thơ của công chúng. Có nhiều người viết về Kiều, nhưng bài trên đây của anh đặc sắc, giọng đôn hậu, hình ảnh xúc động. Đó là thơ trữ tình-lịch sử. Trong một xã hội bế tắc nhiều mặt, ngôn ngữ được sử dụng như phương tiện tuyên truyền, sau nhiều năm trở thành khô cứng, sẽ phát sinh khuynh hướng trở lại với giá trị văn hóa truyền thống. Người làm thơ đi tìm nguồn suối nước trong của mình trong di sản thơ ca, trong những tâm hồn Á Đông khổng lồ: Nguyễn Du, Đỗ Phủ, Nguyễn Trãi, Lý Bạch. Họ tìm thấy ở đó không những tài năng ngôn ngữ mà còn số phận con người trong xã hội nhiễu nhương, tao loạn. Đọc thơ có nhiều hình thức, đọc im lặng, đọc lớn lên, đọc diễn cảm, ngâm, hay hát. Càng về sau những cách đọc lớn tiếng hay ngâm càng ít phổ biến. Đó là sự thiệt thòi cho thơ và người đọc. Vì vậy công chúng yêu quý các nhà thơ có thói quen đọc hay ngâm thơ, những người này ngày càng thưa thớt. Trở về với thói quen đọc trước đám đông đòi hỏi cuộc vận động khác, vượt ra ngoài văn học, đòi hỏi điều kiện xã hội thuận lợi. Chúng ta lắng nghe không những các chữ mà còn các nhịp điệu, dòng chảy, hơi thở của tác giả, của nhân vật, lắng nghe tâm sự của thời đại mình. 

Chân dung văn học của Trần Mạnh Hảo, tuy vậy, có những nét đậm nhạt khác nhau, có lúc mờ ảo, có lúc rõ ràng. Quan điểm của anh về một số vấn đề xã hội hay văn chương, như được thấy trong những bài luận văn hay bút chiến, hình như cũng thay đổi qua thời gian. Sau cùng, anh chung thủy với thơ tình, và trong những bài thơ viết về sau, vẫn thấy trái tim sôi nổi, những suy nghĩ có khi đằm thắm có khi day dứt như thời trẻ, một ngôn ngữ của cảm xúc.

Em bước ra từ trong cơn dông
Sao em tan loãng với hương đồng
Em trong tay đó mà cơn lốc
Ta chợt ôm choàng cả khoảng không

Ôm cả chiều mưa hụt hẫng tay

Em đây từng mất hút bao ngày
Bão giông số phận mai này hỡi
Đừng cuốn em vào với rủi may 
(Cơn Dông) (**)

Dáng vẻ tự nhiên, thon thả, cách dùng chữ trong sáng mà hiệu quả, các câu thơ đều đặn, gọn ghẽ. Hình ảnh so sánh gần gũi nhưng bất ngờ, đồng quê quen thuộc mà hiện ra mới mẻ. Em là người nữ, nhưng cũng là thiên nhiên, đứa con của trời, về với đất. Như thế là cái tôi trữ tình, tác giả, hiện ra một lần, còn lại là cái tôi nhân vật, như nhân vật mang mặt nạ. Chúng ta không nhìn thấy người nữ ấy, từ câu cuối của đoạn một, người ôm lấy khoảng không, đến câu đầu của đoạn hai, ôm cả chiều mưa; không phải đời sống mà sự thoáng qua, không phải hình ảnh mà mùi hương, rồi cũng tan loãng với hương đồng. Chúng ta không nhìn thấy khuôn mặt mà thấy lòng bao dung, sự ẩn hiện mênh mông, sự phán đoán, ký ức. Chúng ta học được cách nhìn ra trời đất, cách nhìn ra số phận, từ một người đàn bà. Trong tám câu mà có sự sinh thành, biến mất, trở lại. Thơ tình của anh cũng chuộng hình thức lục bát. 

Ngủ đi người của anh ơi
Xin nhờ ngọn gió ru nơi em nằm
Anh ngồi thức với xa xăm
Tới em phải vượt hàng trăm tinh cầu

Trong sáng, các liên hệ văn phạm hợp lý, không có những đổi chỗ quan trọng, không có pha di lệch bất ngờ. Vì vậy hình ảnh trong thơ đẹp nhưng không kỳ lạ, thuyết phục nhưng không huyền ảo, đáng yêu nhưng không ngạc nhiên. Hình ảnh không phải là tả cảnh mà là tả tình, cảnh trở thành một môi trường chuyển đi các thi ảnh, như phương tiện truyền cảm xúc. Tính độc đáo (originality) là rõ ràng, không bắt chước ai, nhưng gần với ca dao và ngôn ngữ dân gian. Hiện thực pha lãng mạn; với một hình thức chừng mực, tuân thủ các quy luật về vần điệu, Trần Mạnh Hảo vẫn có sự phóng túng về tư tưởng, thái độ rõ ràng, sự cảnh tỉnh sắc bén đối với tai họa của con người. Trong một ngôn ngữ như thế, ta bắt gặp nụ cười hóm hỉnh hay mỉa mai lém lỉnh của anh, lối châm biếm, tự trào cổ điển. 

Hỡi những búp bê béo tốt
Sao để con người còi cọc trước đồ chơi? 

Nhưng chính hơi thở của đời sống thổi rì rào trên trang giấy mang lại cho ngôn ngữ tính kêu gọi, giục giã, bày tỏ. Khi nói về đất nước ít người có những hình ảnh đặc biệt như:

Những con đường như những lằn roi
Lịch sử quất lên mình đất nước
Khi anh khai triển thêm, và có lẽ dưới áp lực của vần điệu, cách nói không thuyết phục nữa, không tránh khỏi khiên cưỡng:

Những nẻo đường trên xứ sở tôi

Như nước mắt của người yêu chảy suốt
Đường vồ lấy tôi như mèo vồ chuột

Những lằn roi là hình ảnh độc đáo, sáng tạo, nước mắt người yêu là hình ảnh thông thường, nhưng hợp lý, đến mèo vồ chuột thì chưa thuyết phục lắm.
Đó là bí ẩn của phép ẩn dụ trong thơ.
Sự biết trước trong thơ cũng như trong kịch trong khi không tạo ra bước ngoặt về nhận thức lại tạo ra mong đợi. Sự thỏa mãn mong đợi là tính chất căn bản của thơ có vần, của mỹ học cổ điển, đạt tới cái đẹp cân bằng, nền móng của chủ nghĩa hiện đại. Trước một người bạn nằm xuống, anh nói về cô độc.

Khi chưa có mùa thu 
Hoa phượng còn dang dở 
Bạn nằm xuống lưng đồi 
Mùa thu dừng lại đó 

Đâu chỉ vì cô gái 

Tên trùng với tên mùa 
Đâu phải loài hoa ấy 
Nở ven rừng bâng quơ 

Chưa ai yêu mùa thu 

Như bạn mình mơ mộng 

Sự rung động của người đọc là nhờ chia sẻ suy nghĩ, như khi bạn đến gần bí ẩn của người khác, sự bày tỏ gần như một phát hiện ở người khác, sự lập lại, hình ảnh như lời cầu nguyện. Thi sĩ có một điều gì để nói, nói trong những ước chế của vần điệu, nói một cách chân thành, nghệ thuật, có tính thuyết phục. Nhưng thi sĩ còn là người đẩy lùi giới hạn của ngôn ngữ, mở rộng thể thơ, vui đùa với chữ nghĩa. Không chỉ nội dung của thơ mới nói lên điều ấy mà cả ngôn ngữ và nghệ thuật thơ ca đều có chung công việc. Trong một thời kỳ đen tối, rối loạn, như nước Mỹ những năm cuối thế kỷ 19, chính Walt Whitman cũng nghĩ rằng chỉ có hình thức tự do không ràng buộc, một ngôn ngữ không giới hạn, gián đoạn, rời rạc, như nước vỡ bờ mới thể hiện được tinh thần của thời đại mình. Nghệ thuật của một xã hội trong một thời điểm cụ thể là tiêu biểu cho xã hội ấy, và không thể lẫn lộn với nghệ thuật của những thời điểm khác, xã hội khác. Mặc dù nhiều người cho rằng nghệ thuật là không biên giới, phi thời gian, thật ra chỉ có tính đặc trưng thời đại mới làm cho một tác phẩm tồn tại. Một bài thơ hay một tiểu thuyết chỉ có giá trị vì trước hết nó là đặc trưng của hoàn cảnh mà từ đó tác phẩm sinh ra. Như thế một bài thơ vừa là tài năng vừa là kết quả của sự tương tác giữa tác giả và hoàn cảnh.

Tự do hỡi! Người làm tôi muốn khóc 
Muốn gầm lên lay động núi rừng thiêng 

Khả năng hóa thân vào số phận của nhân vật tất nhiên là khả năng của nhiều người viết, nhưng mức độ có khác nhau, vừa là vấn đề tâm lý vừa là vấn đề của thi pháp. Càng hóa thân thành nhân vật, càng hiện thực và trữ tình. Sau những xung đột với kẻ khác, nếu bạn có khả năng, dù chỉ trong chốc lát, đứng về phía họ, bạn sẽ có khả năng nhìn vào khuôn mặt khác, phía sau, của cuộc đời, dù tốt hay xấu. Nhận thức về thế giới càng cao, một bài thơ hiện thực càng có giá trị. Về mặt thi học, một nhà thơ càng sống trong xúc cảm của nhân vật, càng có tính trữ tình và lý tưởng. Lòng thương xót và sự cảm thông chính đáng là kết quả của khả năng đồng cảm: thơ trữ tình lịch sử sinh ra từ đó. Dòng thơ ấy có khả năng mang người đọc ra khỏi cái tôi, sự ích kỷ, hẹp hòi, kêu gọi sự giao tiếp không những giữa người và người trong hiện tại mà còn giữa quá khứ và hiện tại, không những xuyên qua biên giới của thời gian, mà còn xuyên qua biên giới của các chiến tuyến, chủ nghĩa, lòng hận thù. 

Trên đường pháp trường con dâu ta trở dạ 
Tiếng cháu thét chào đời như tiếng nghìn chim lợn báo tang 
Đội ơn vua ban tã lót 
Để cháu khỏi bị chém trần truồng trên thớt! 
(Nguyễn Trãi trước giờ tru di)

Trước các bài thơ này, trường ca của Trần Mạnh Hảo nằm trong khuynh hướng và bối cảnh chung của những nhà thơ miền Bắc, những năm 1980, trước và sau hòa bình lập lại, với những đề tài: chiến tranh, mất mát, tình yêu tổ quốc, đời sống nông thôn, tình mẫu tử, những hy sinh, với giọng bi tráng, hào hùng, nhưng thương yêu đằm thắm. 

Con thương mẹ con thương bếp lửa
Tro trấu mà nướng chín củ khoai
Con chim khách sao mày kêu trước cửa
Có ai vào mang tin đứa con trai
*
Con thương mẹ con thương lưỡi cuốc
Suốt cả đời chưa được ngó đầu lên
Những nhát cuốc như mỏ gà bới đất
Cánh đồng sâu chân mẹ quánh phèn

Trong thơ, anh dành nhiều tâm huyết cho sự tương tác với độc giả, tranh luận, thuyết phục. Đó là một khuynh hướng văn hóa trong thơ ca. Nhà văn Daniel Deardorff viết: văn hóa đối với một xã hội cũng như tâm hồn đối với một thân xác. Kêu gọi, tố cáo, xúc động, nhiều phán đoán, có một phần hài hước, thơ Trần Mạnh Hảo ngày càng chứng tỏ là thơ trữ tình chính trị, là tấm gương phản ảnh những vấn nạn của đất nước mấy mươi năm qua. Đó là lịch sử mà tâm tình, tâm tình mà lịch sử, có thể đọc trước nhiều người, nhưng vẫn giữ tiếng nói riêng, thì thầm. Thơ trải rộng nhiều chủ đề, tình yêu nam nữ, tình gia đình, tình người trong chiến tranh. Và nhất là lịch sử. Ít có nhà thơ nào có khả năng phơi bày tội ác lịch sử rõ ràng hơn anh. Tác giả bắt được mạch đi của thời đại, như thể anh đứng ngay ở cánh cửa, một bên mở vào chiều dài của quá khứ, một bên mở vào tương lai bất trắc nhưng hy vọng. 

Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ
Uống say mà gọi cố nhân ơi
Cố nhân mắt trắng như ngân nhũ

Thi sĩ đã viết những vần thơ ấy, ngờ đâu hai mươi năm sau đã chết buồn bã thế này: 

"Đêm sao sáng" cạn hoàng hôn 
Bút đào huyệt giấy mà chôn mình dần 
Một đoàn bươm bướm đưa chân 
Hai hàng lục bát khiêng phần mộ thơ...

Trần Mạnh Hảo chú thích dưới bài thơ của mình: Nhân ngày giỗ thứ 40 của nhà thơ Nguyễn Bính - chết vì đói! 
Tính chất kết hợp hay liên tưởng trong thơ được nhiều nhà phê bình nhấn mạnh. Khi sự liên tưởng không tuân theo các lề thói thông thường, ở giữa hai sự vật dường như không có sự gần kề liên tục, ta gọi đó là bước nhảy. 

Gió chạy ven đường như trẻ con
Mùa thu như giấy lá khô giòn

Gió như trẻ con, mùa thu như giấy, là những liên tưởng rất mạnh, gần với phóng túng. Nhiệt tình thánh thiện và hoang dã, ngọn lửa lãng mạn và ướt đẫm tình dục, sự ham muốn rộng lớn và sự trở về khiêm cung, sự chuyển hóa, đều có thể tìm thấy đây đó trong thơ tình Trần Mạnh Hảo. Suy tưởng của anh tràn ngập những niềm tin, tin vào đất nước, vào nhân dân, vào người phụ nữ, vào sự sáng suốt của trái tim. Bởi vậy, Trần Mạnh Hảo hoàn toàn thuộc về chủ nghĩa hiện đại. Anh chống lại sự pha trộn, sự mập mờ, sự phá rối, tính chất vô mục đích của chủ nghĩa hậu hiện đại. Thoạt nhìn thơ có tính biểu hiện, có tính xã hội, nhưng thực ra đó cũng là sự phản kháng nội tâm, lời nói của cái tôi sâu thẳm. 

Có chiều nào như buổi chiều nay
Cây ôm trời xuống để em đầy
Mơ mơ lời cỏ chân mày phố
Chiều nhớ thương chiều cây nhớ cây

Nghiêng cả chiều nay bông hồng vàng

Giọt chiều trên má lá chiều loang
Em hóa cánh buồm trên mặt đất
Xanh khoảng trời em mới chở sang

Có lẽ nào tôi lại khói sương

Chiều sa đêm mới nhận ra đường
Trăng sao từ độ sinh thành ấy
Chiều có em rồi hoa mới hương

Áo tím chiều ơi nắng gió ơi

Mênh mông là chỗ có em ngồi
Xin cho một chấm trong trời đất
Để vịn qua chiều em dắt tôi.
(Chiều sinh ra, Tặng Tôn Nữ Giáng Tiên) (***)

Trong khi chúng ta đối diện với hiện thực, những đau khổ rất có thật của đồng bào, thì chúng ta cũng nhận ra thế giới kỳ diệu đến đâu, thế giới mà chúng ta bỗng nhiên được sinh ra như phép lạ. Tôi thấy Trần Mạnh Hảo nhận ra điều ấy từ sớm. Trong thơ, anh nhắc đến niềm tin tôn giáo. Thơ Trần Mạnh Hảo từ những năm 90 thế kỷ trước, có nhiều âm hưởng của bi kịch. Bi kịch là sự chia sẻ, thương xót, nỗi bàng hoàng đau đớn, là những tác động tâm lý lên đám đông. Có một số ám ảnh sau đó, sự xúc động tập thể, sự đồng cảm gần như huyền thoại. Xúc động của người đọc trước loại nghệ thuật này là xúc động của khán giả trước sân khấu, không phải chỉ của người đọc hay người nghe, mà của khán giả, và chúng đến không phải từ sự hồi hộp mà đến từ sự đọc đi đọc lại, xem đi xem lại. Đọc lại: đó là văn học.
Người đọc, người nghe của nhà thơ công chúng dễ dàng đồng hóa bản thân với tác giả, với các nhân vật, với những nỗi buồn và niềm vui của thơ ca. Sự tự động hóa ấy là bí quyết của sức mạnh ngôn ngữ. Chúng cho người đọc tham dự vào, cùng chia sẻ gánh nặng quá khứ, sự phẫn nộ hôm nay, và hy vọng của ngày mai. Những tình cảm ấy kêu gọi hành động. Trước hết vì chúng chân thật.

Nửa đêm chợt thức, mơ đâu mất 
Tỉnh ra chỉ thấy ướt mi thôi 
Cả đời khi thức không hề khóc 
Nằm ngủ say rồi, lệ mới rơi

Những nổi loạn về ngôn ngữ, như thi pháp hậu hiện đại, phương pháp siêu thực, quá trình ngoại vi hóa và phân mảnh, sự pha trộn và chồng chéo, kỹ thuật phim ảnh và lắp ghép, đa giọng điệu, những phương pháp mới ấy có lẽ hãy còn xa lạ với anh. Trần Mạnh Hảo tỏ ra không quan tâm lắm, có lẽ vì anh tin chắc vào giá trị căn bản của thơ ca hoặc có lẽ anh muốn dành nhiều năng lượng cho những điều cần nói, cái cần nói, không có người dám nói, hơn là nói bằng một ngôn ngữ mới mẻ như thế nào. Tuy vậy, gần như bằng trực giác, anh vượt qua nhiều thứ, từ góc nhìn của một người tham gia chiến tranh nhưng sẵn sàng vượt qua cuộc chiến, từ sớm đã nhìn nhận lại những vấn đề dân tộc, đã thay đổi quan điểm một cách triệt để, và vượt qua nhiều người cùng thời về tư tưởng xã hội, quan điểm chính trị, ý thức lịch sử. Tất cả những điều ấy, tuy chưa phải là thơ, chưa phải là ngôn ngữ, trước sau sẽ chiếu rọi ánh sáng của nó lên hàng chữ, vào giữa các hình ảnh, phía sau câu thơ. Thơ xúc cảm không phải là thơ giác quan. Vì vậy thơ anh gây xúc động dễ dàng nhưng không tạo cảm giác dây dưa, phân vân, bứt rứt khó xử. Nỗi ám ảnh của thơ ca là một điều gì khác, khó diễn tả, như một điều dở dang, khó giải thích, vượt ra ngoài khái niệm hay hoặc dở, đứng ở ranh giới giữa cái thực và ảo, nghiêng về phía ảo, nhưng không hoàn toàn biến mất. Đôi khi có những bài thơ giản dị nhưng chứa những phức hợp, những lựa chọn khó khăn; giữa những mô tả, tự sự, là những câu hỏi không lời. Sự đảo lộn cấu trúc văn phạm, tạo ra ngạc nhiên, sự ngắt dòng bất ngờ, tạo ra tính kỳ thú, những điều ấy hãy còn ít gặp trong thơ Trần Mạnh Hảo.

Tôi dựng nhiều gương trong chỗ ở
Thêm bóng mình vui đỡ lẻ loi.

Những câu ấy cũng còn lẻ loi trên trang thơ của anh. Khi còn trẻ, chúng ta tin vào các lý tưởng cao đẹp, tin rằng con người có thể làm cho thế giới này trở nên hoàn thiện trong một vài thế hệ. Khi lớn lên, trải qua thành bại, con người trầm tĩnh hơn, tuy không hẳn từ bỏ hoàn toàn những quan niệm ban đầu, nhưng không còn lạc quan và tự tin nữa. Chúng ta trở thành dè dặt, khiêm tốn, im lặng. Thật ra dè dặt và khiêm tốn là những đức tính quá thừa thãi ở người Việt, chẳng nên lấy đó làm điều. Đôi khi cũng phải bốc đồng, phẫn nộ, to tiếng. Như những người nhận lấy trách nhiệm của mình trước xã hội. Vai trò thì khiêm tốn nhưng trách nhiệm thì lớn. Không có gì có thể xảy ra mà thiếu tác động của lịch sử cộng đồng trong mấy mươi năm qua. Bạn trở thành một phần của quá khứ nhưng bạn không biết. Bạn chiến đấu cho một điều gì bạn tưởng là mình biết rõ. Thật ra không phải vậy. Cho đến khi bạn tìm được hình dạng của sự thật ấy, hình thức của một ý tưởng, câu thơ của một tứ thơ. Đối với một ngôn ngữ, bạn cần biết lắng nghe. Bạn lắng nghe âm nhạc của nó.
Bằng lòng trong những thể thơ mà anh sở trường, Trần Mạnh Hảo vẫn tìm ra lối nói lạ, hấp dẫn. Bạn nhận ra thơ anh dễ dàng, dù là thơ tình hay thế sự, sắc sảo, đầy ý kiến, đầy tính chủ quan, với một số người là hoàn toàn thuyết phục, với một số người khác là khó đồng ý. So với nhiều nhà thơ cùng thời, ý thức về sự thật lịch sử, về lẽ công bằng, trong thơ Trần Mạnh Hảo, theo tôi là mạnh mẽ và không hề thay đổi:

góc rừng năm bảy ba ( 1973)
một tiểu đội quân Bắc Việt.
một tiểu đội lính Việt Nam cộng hòa
trận đánh giáp lá cà
họ xiết cổ nhau cùng chết
hai bên quên lấy xác
hòa bình rồi
người gác rừng chôn cất
lẫn lộn xương cốt hai phe
vô danh bốn nấm đất
tôi đến thắp nhang
thương bốn nấm mồ hoang

Có nhiều cách khác nhau để đứng vào vị trí người khác, để sống số phận của nhân vật, như Kiều hay người lính hai bên chiến tuyến, nhưng rõ ràng có những cách khó khăn hơn, đau xót hơn. Khi đối diện bởi thi sĩ, nỗi đau tạo thành tác động, khả năng bao dung, dẫn chúng ta đến ngọn nguồn của bạo động tập thể, tập cho chúng ta khiêm tốn, nhẫn nại. Trên bề mặt, lịch sử là rời rạc, sâu bên trong, dân tộc là nối kết. Cũng như, chiến tranh chia rẽ chúng ta, bài học của nó đoàn kết chúng ta. Thơ tìm kiếm lẽ phải, công bằng, sự thật. Ba điều ấy tuy khác nhau nhưng là một. Lẽ phải nói về lương tâm, công bằng nói về lý trí, sự thật nói về ý thức lịch sử. Ý thức của ba điều ấy sáng rõ ở thơ Trần Mạnh Hảo. Thời đại chúng ta, thơ có giọng tâm tình, lối nói trực tiếp, ý nghĩa xã hội minh bạch, không phải là những phẩm chất được ca ngợi nhiều. Đó là điều đáng tiếc. Thơ ngày càng gián tiếp, ngày càng cá nhân, sự lên tiếng của nhà thơ ngày càng thầm thì, kín đáo, bí ẩn, gần như nhút nhát, cánh cửa của thơ khép lại trước công chúng. Các dấu hiệu chỉ về những ngả đường khác nhau, tính chất đa nghĩa, một mặt tạo ra những hiệu ứng ngôn ngữ không thể bác bỏ, mặt khác, dù với bất kỳ động lực nào, giảm thiểu trách nhiệm cá nhân của nhà thơ. Trong bối cảnh như thế, một loại thơ như của Trần Mạnh Hảo có tác động cảnh tỉnh, thông báo, tiên đoán. Đâu là ranh giới giữa thơ vì tình yêu ngôn ngữ và thơ viết cho nhân dân, giữa thơ uyên bác và thơ công chúng, tôi không biết rõ. Thật ra các nhà thơ không giải quyết những vấn đề, họ chỉ nêu lên các vấn nạn, kêu gọi chú ý. Tuy thế, trong một thời kỳ hỗn loạn, giữa những thông tin nhầm lẫn, khuynh hướng tinh thần, niềm tin, sự phản kháng, chống lại suy đồi, bao giờ cũng giữ nguyên giá trị. Những bài thơ thành công nhất của Trần Mạnh Hảo mang hai đặc tính: tương tác với độc giả, đi gần tới những sự thật được phơi mở, trong khi vẫn giữ sự gần gũi, ngọn lửa tình yêu, thân mật, ấm nóng của tâm hồn. Thơ ca tạo nên ảo tưởng về thời gian bằng nghệ thuật kể chuyện và mô tả sự vật trong thứ tự xáo trộn. Đọc một bài thơ là tiên đoán về những khả năng, và sự tiên đoán ấy trở thành năng lượng, trở thành tác động của người đọc lên văn bản. Khi bắt đầu, người đọc có khuynh hướng đoán trước, đọc câu sáu sẽ đoán câu tám, đọc một câu đầu bảy chữ, sẽ nghĩ đến câu kế cùng vần, vân vân. Sự đều đặn của nhịp điệu, sự không đổi của số chữ trong câu làm một bài thơ lục bát hay bảy chữ trở nên cân đối, thành một cấu trúc vững chãi. Đôi khi một nhà thơ tìm cách thay đổi cấu trúc ấy, làm xáo trộn các chờ đợi. Trần Mạnh Hảo cũng làm thế, nhẹ nhàng  hơn so với người khác. Thơ có vần, nhưng các thể thơ được sử dụng thoáng đãng, không gò bó. Tạo ra những chỗ trống. Sự trống rỗng tràn đầy ý nghĩa, nhiều hơn khẳng định và ca ngợi. Để phản chiếu sự im lặng nội tâm, để lắng nghe tiếng động của im lặng ấy, nhà thơ cần mang lại cho nó một tiếng nói, một hình thức. Như vậy thơ ca là tiếng nói, là hình thức của im lặng. Nhưng thơ anh cũng kêu gọi tương thông, cái tôi trở thành môi trường chuyển tiếp giữa hồn thơ của tác giả và tâm hồn của người khác.

Tim mình trong ngực người ta
Tim người ta đập rung da thịt mình

Tất nhiên thơ tình, nhưng không phải chỉ thơ tình. Trần Mạnh Hảo có các chủ đề hay thể loại sau: thơ tình, thơ chiến tranh, thơ thế sự, chính trị. Thơ thế sự được cấu trúc chặt chẽ, nén đầy năng lượng, điển hình cho trữ tình tự sự, lối kể chuyện biểu cảm, với nhân vật và hình ảnh trung tâm, với những câu hỏi lập đi lập lại, những câu trả lời, sự thắc mắc, nghi vấn, tiên đoán, sự đánh giá, sự nâng lên thành ý thức, trong một ngôn ngữ trong sáng, trực tiếp. Có một vết thương ngấm ngầm bên trong những câu thơ đẹp của anh, sự chấn thương lịch sử, trò chơi, những ngày hạnh phúc, tiếc nuối, phản tỉnh. Ít có phân vân mờ ảo, ít có thắc mắc siêu hình. Lòng can đảm mà anh mang lại cho thơ ca trong mấy mươi năm nay là đặc biệt và có lẽ chưa được đánh giá đúng mức. Ngôn ngữ của anh trong sáng, nhiều câu tự nhiên đến nỗi như thốt ra mà không chuẩn bị, nhưng chính sự dễ dàng ấy là cái bẫy: có câu xuất thần, người khác không viết được, nhưng cũng có câu dễ dãi, gần như anh có thể viết lại. Thái độ của anh đối với khuynh hướng cách tân ngôn ngữ, thể hiện trong những bài luận chiến, không thể không ảnh hưởng đến phương pháp sáng tác của chính người viết, ngay cả khi người đó có khả năng thẩm thơ rất cao, tức là tự tách mình ra để đánh giá chính mình. Cần hiểu rằng chọn thể thơ vần điệu hay tự do là một chọn lựa mang tính thi pháp, chiến lược, vì một bài thơ có vần và một bài thơ tự do được đánh giá trong hai khung tham chiếu khác nhau. 
Thật ra, nhà thơ nào cũng là một đứa trẻ trước tình yêu và cuộc đời, nông nổi và say đắm, sai lầm và vô tư như tuổi thơ:

Em nhìn tôi luyện lại anh 
Dửng dưng nào cũng cháy thành tình yêu 
Cám ơn em, cám ơn nhiều 
Khơi trong anh biết bao điều chưa hay 

Thơ lục bát như vậy, tôi nghĩ, có thể đứng được lâu dài với thời gian. Hầu hết các bài thơ của Trần Mạnh Hảo bắt đầu với một câu hỏi và kết thúc bằng sự trả lời, hay ngược lại. Một bài thơ đơn giản có thể tạo ra những hiệu ứng phức tạp: quá trình ấy được xem là tính phức hợp của một ẩn dụ. Thơ bộc lộ nỗi cô độc thầm kín, nhưng đó là sự cô độc mời gọi chia sẻ. Trần Mạnh Hảo là người làm chứng của xã hội mà anh đang sống, của quá khứ mà anh gánh trên vai, của những vấn đề hiện tại như một người đương thời. Thơ anh căm ghét sự bất công, dối trá, chống lại các ảo tưởng, đòi hỏi sự thật được nhìn nhận lại. Những bài thơ thành công thách thức sự im lặng vâng lời, sự tầm thường của một xã hội, tìm trong quá khứ những giá trị phôi pha, kêu gọi làm mới và trở lại. Một bài thơ được sinh ra từ nhu cầu tương tác, giao cảm: thơ là viết cho mình nhưng cũng viết cho người khác, là đọc trong im lặng nhưng cũng đọc trước đám đông. Thơ trữ tình công dân. Thơ để thay đổi. Như tất cả các nhà thơ khác, anh có những bài rất hay và những bài chưa tới, nhưng bao giờ ở chúng cũng toát lên ngọn lửa ấm áp. Đó là nhiệt độ của lòng yêu đời, sự phản kháng, lòng tin, sự căm phẫn và hạnh phúc. Thứ nhiệt độ ấy theo anh mãi, giữ anh trong vòng tay của chúng, đưa anh đi qua một thế giới, đôi khi giữa những người khác, đôi khi một mình.
                                                            Nguyễn Đức Tùng
                                                      (trong loạt bài Đọc Thơ)

Chú thích:

(* ) trích bài thơ Đêm viết Kiều. Mừng vui còn có hôm nay- talawas: http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=10144&rb=11
(**) Trần Mạnh Hảo, Mình Anh Trong Một Thế Giới, NXB Hội Nhà Văn, 1991. 
(***) Trần Mạnh Hảo, Giáng Tiên, NXB Trẻ, 2002.

READ MORE - TRẦN MẠNH HẢO, MÌNH ANH TRONG MỘT THẾ GIỚI - Nguyễn Đức Tùng

CÀ PHÊ - Truyện ngắn của Thủy Điền


       
                           Tác giả Thủy Điền


     CÀ PHÊ

     Vừa dừng xe ngay cổng biên giới Pháp- Bỉ. Ngài Cảnh sát bảo: Xin anh và các người đồng hành trong xe cho chúng tôi xem Hộ chiếu. Hắn vui vẻ móc ví ra và xoay lưng ra phía sau, tất vả hãy trình giấy cho nhân viên Cảnh sát thì mới qua biên giới được. Mọi người ngoan ngoãn đưa giấy tờ tùy thân cần thiết cho hắn và hắn trao tiếp cho ông ta, rồi cùng nhau chờ đợi. Ngỡ kiểm tra xong ông sẽ trả lại và được đi tiếp tục. Ai ngờ ! Khoảng hai mươi phút sau ông mới lù lù ra, chẳng trả lại giấy tờ mà đứng im ru như không có vấn đề gì. Hắn hỏi?
-Thưa ông, giấy tờ chúng tôi ông kiểm tra xong chưa ạ?
Ông trả lời vắn tắt.
-Cà Phê.

     Hắn chẳng hiểu ông ta muốn cái gì, mình hỏi một đường, còn ông thì trả lời một nẻo, bực bội. Hắn hỏi tiếp? Nếu hợp lệ thì xin ông cho chúng tôi đi, còn không thì chúng tôi trở lại. Lằng nhằng như thế mất thời gian vô cùng hơn nữa bây giờ trời cũng đã khuya rồi. Ngài Cảnh sát gằn giọng.
-Cà Phê.
-Cà phê gì? Thưa ông.
-Anh chậm tiêu quá ông bạn à.

     Phía sau có một người lanh trí hô to. Ổng muốn hố lộ đó, chi cho ổng một trăm France là xong chứ gì. Hắn nghe lời ngưới phía sau và đút gọn vào tay ông một trăm Fance. Ông mở miệng: Đây giấy tờ các anh hợp lệ cả và có thể đi tiếp tục, chúc mọi người bình an, vui vẻ.

     Mùa hè, trời nắng đẹp, ấm, cuối tuần hắn chẳng biết làm gì với số thời gian rảnh rổi . Thôi, rủ mấy người bạn láng giềng đi Paris chơi vài ngày hãy về. Nơi đó mình ghé qua quận mười ba, khu China Town ăn hàng một trận cho đả miệng. Thiên hạ đồng ý và cùng nhau bỏ tiền ra mướn chiếc xe rồi nhờ hắn lái đi Paris.

     Chiều mười lăm giờ từ Đức khởi hành, dự định là đúng sáu hoặc bảy giờ sáng là sẽ có mặt tại Paris, còn sớm, dễ tìm chỗ đậu xe và ghé ăn hủ tiếu hoặc phở điểm tâm rồi tha hồ đi vòng quanh Paris thăm điện Élysée- Khải hoàn Môn- Tháp Aiffel v...v...một thể.

     Khi đi ai cũng ngỡ giấy tờ mình hợp lệ, đến biên giới Pháp họ chỉ kiểm tra sơ và cho đi, chứ chưa ai nghĩ trong đầu sẽ có những chuyện gì khác xãy ra.

     Nhưng than ôi, khi đến biên giới thì mới vỡ lẽ ra cái xứ tây nầy cũng chẳng thua kém gì với cái xứ Việt nam ta. Xứ ta nghèo, nhân viên nhà nước lương không đủ sống nên người ta sanh ra tánh xấu, làm mọi cách để kiếm tiền thêm. Biết, chuyện ấy là chuyện không hay, nhưng thỉnh thoảng cũng còn thông cảm và châm chế được. Đàng nầy xứ Âu châu và là nước Pháp giàu nhất, nhì, ba thế giới mà vẫn còn có những vụ việc Cà phê- Thuốc lá vụn vặt nghĩ cũng nực cười. Dù biết nực cười, nhưng họ vẫn làm gì một đêm có năm, bảy xe ngoại quốc đi ngang qua là họ kiếm được cử ăn sáng mà không cần đụng đến số tiền lương cố định và người đi qua đường được dễ dàng hơn mà chẳng mất bao nhiêu tiền.

     Trong đời hắn từ lúc ở Việt Nam rồi sang định cư tại Đức hắn chưa bao giờ biết hố lộ hay lo lót cho ai. Thế mà hôm nay hắn bị lọt vào vòng tay ông tây bằng hai chữ " Cà phê " Mà hắn phải nhớ suốt đời và mỗi lần khi đi du lịch sang Pháp hắn đều để một trăm France vào lòng Hộ chiếu.

                                                                              Thủy Điền
                                                                             04-06-2017

READ MORE - CÀ PHÊ - Truyện ngắn của Thủy Điền

VÀI CẢM XÚC VỚI BÀI THƠ “MEN ĐẮNG” CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN - Nguyễn Thành



                           Nguyễn Thành


VÀI CẢM XÚC VỚI BÀI THƠ “MEN ĐẮNG” CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN

Vô tình đọc được bài thơ “Men đắng” của tác giả Đặng Xuân Xuyến, tôi phải đọc đi, đọc lại vài lần cho chất men ủ 15 năm nó thấu tâm can, luồn vào những ngõ ngách của quá khứ với những trắng đen của nhân tình thế thái để tận đáy lòng bật ra những rung cảm cùng một chút xót xa, một chút nuối tiếc, một chút ngậm ngùi… để những cảm xúc đó trộn lại và thấu hiểu nỗi đau của tác giả đã trải vào thơ.
Bản chất cố hữu của người đàn ông, hầu như chẳng thể nào quên được những dĩ vãng dù nó cay đắng như thế nào đi nữa, trong lòng họ luôn mang theo trong suốt cuộc đăng trình của cuộc đời cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay. 15 năm mới chỉ là một quãng đường để nhìn lại, một lúc nào đó ta cảm thấy trống vắng cô đơn nơi một góc nhỏ, bất chợt trong góc khuất của tâm hồn bị tác động bởi một cơn mưa, bởi một buổi chiều nắng ráng hiu hắt những tia nắng mỏng manh cuối chiều lùa trên những ngọn cỏ úa vàng hay một cơn gíó xào xạc cuốn những chiếc lá vàng rơi chao trong chiều thu hoang tịch lạnh lẽo… đánh động ký ức trỗi dậy như cuốn phim chiếu chậm mà cứ ngỡ sự việc mới xảy ra ngày hôm qua. Đôi khi chỉ ta với chiếc bóng quạnh hiu bên chén rượu cay nồng, chất men đắng đậm thêm bới chất men của dòng đời 15 năm thấm vào huyết mạch đánh thức bộ nhớ để cho ta bất ngờ thấy hụt hẫng với vòng tay trống lạnh như tác giả đã khởi đầu:
Đây men rượu hơn 15 năm trước
Chót nhấp môi ta trượt bước xuống bùn
Ngoái đầu nhìn vẫn hồn lạc chân run
Thon thót sợ vô tình gặp lại.
Muốn quên nhưng không thể quên được vì những ngày xưa đã trở thành một vết hằn trong tâm thức. Ta tung hoành ngang dọc, phỉ chí tang bồng, đội đá vá trời lấp biển chẳng có gì có thể cản bước nhưng lại mềm nhũn dưới cái bóng của người đàn bà, cứ ngỡ đôi bàn tay mềm mại sẽ xoa dịu những vết chai sần trong trái tim bởi khắc nghiệt của sóng gió bể dâu, cứ ngỡ là nơi bình yên sau những phong ba để ta đi về tìm những phút giây yên bình… nhưng ngờ đâu:
Ừ ly nữa. Cớ chi phải ngại
Ta cứ say. Mặc thiên hạ phỉnh lừa
Cạn ly này có quên được chuyện xưa?
Đau thương đấy đến ngày nào lành sẹo?
Vết thương có thể lành, nhưng vết sẹo thì theo ta mãi và nó cứ khơi lại những vết đau lòng âm ỷ, có khi nó quật ngã cả một cuộc đời nếu như ta buông thả bất cần đến ngày mai và những gì hiện hữu chung quanh mình:
Ừ thì cứ trách ta bạc bẽo
Cứ rêu rao ta ân ái hững hờ
Quá thật thà ta ra kẻ ngu ngơ
Ngớ ngẩn cược đời mình nơi kẻ chợ.
Khi ta chấp nhận hy sinh và bỏ lại sau lưng những tráo trở của lòng người với chấp ngã sân si, để đằng sau sự im lặng là tiếng đời gán cho ta những đốn mạt đớn hèn… Chấp nhận để buông bỏ và ta cảm thấy mình ở một tầm cao khác nhưng ta vẫn cảm thấy hụt hẫng vì những điều không thể ngờ tới
Đau. Đau lắm. Lặn ngược dòng lệ rỏ
Trời cao xa dung dưỡng lũ yêu hồ
Cố vẫy vùng thoát xa khỏi chốn nhơ
Ta chết lặng nửa đời không phân tỏ.
Rồi ta đau, vì kẻ đã cùng ta một thời nồng ấm, ta đau vì một thời đã chẳng tiếc sự hao mòn thể lực và trí tuệ để vun vén một tổ ấm, cứ ngỡ trăm năm tuế nguyệt viên mãn đi đến tận chân trời hạnh phúc nào ngờ chết lặng giữa đường đời không lời phân tỏ… Nhưng với tác giả tôi tin rằng anh đã và sẽ tiếp tục tiến lên phía trước với tấm lòng bao dung quảng đại. Như tôi đã nói, tâm trạng tác giả chỉ là một lúc bộc phát bởi ngoại cảnh chi phối, anh có thể say mềm trong đêm nay để quá khứ vật vã, nhưng rồi mai anh sẽ lại đứng lên tiếp tục cuộc hành trình của mình…
Ừ ly nữa
Ừ thêm ly nữa
Ừ thì say! Ừ quên quãng sống thừa
Quên bóng tà lẩn khuất phía song thưa
Ta cạn chén đón bình minh trước cửa.
Bài thơ hay không phải vì cách dùng từ ngữ bay bướm hay kỹ thuật điêu luyện tung hứng con chữ. Bài thơ chỉ dùng từ ngữ đơn giản nhưng bắt nguồn từ những cảm xúc thật trải đều lên con chữ theo nhịp điệu thổn thức từ những nỗi đau, sự trăn trở từ một con tim chân thành và như một lời tự sự đầy day dứt… khiến ai đọc cũng nao lòng. Tôi không phải là người chuyên bình thơ, tôi chỉ là bạn thơ của tác giả nên cảm nhận không đủ sức đào sâu thêm vào những ngõ ngách sâu thẳm khác, với riêng tôi bài thơ đã đạt được cái nhân sinh hiện hữu để có một giá trị nhất định trên con đường sáng tác của Đặng Xuân Xuyến…

Sài Gòn, 16 tháng 05.2015
NGUYỄN THÀNH
Địa chỉ: 158/15S Hòa Hưng, phường 13, quận 10, TP.Hồ Chí Minh
Email: rose61186nt@gmail.com
Điện thoại: 0903385141



MEN ĐẮNG

Đây men rượu hơn 15 năm trước
Chót nhấp môi ta trượt bước xuống bùn
Ngoái đầu nhìn vẫn hồn lạc chân run
Thon thót sợ vô tình gặp lại.

Ừ ly nữa. Cớ chi phải ngại
Ta cứ say. Mặc thiên hạ phỉnh lừa
Cạn ly này có quên được chuyện xưa?
Đau thương đấy đến ngày nào lành sẹo?

Ừ thì cứ trách ta bạc bẽo
Cứ rêu rao ta ân ái hững hờ
Quá thật thà ta ra kẻ ngu ngơ
Ngớ ngẩn cược đời mình nơi kẻ chợ.

Đau. Đau lắm. Lặn ngược dòng lệ rỏ
Trời cao xa dung dưỡng lũ yêu hồ
Cố vẫy vùng thoát xa khỏi chốn nhơ
Ta chết lặng nửa đời không phân tỏ.

Ừ ly nữa
Ừ thêm ly nữa
Ừ thì say! Ừ quên quãng sống thừa
Quên bóng tà lẩn khuất phía song thưa
Ta cạn chén đón bình minh trước cửa.

Hà Nội, đêm 10 tháng 12.2016
ĐẶNG XUÂN XUYẾN

READ MORE - VÀI CẢM XÚC VỚI BÀI THƠ “MEN ĐẮNG” CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN - Nguyễn Thành

NGƯỜI EM VÙNG TẠM CHIẾM - Thơ Sĩ Chương



                 Tác giả Sĩ Chương


  NGƯỜI EM VÙNG TẠM CHIẾM

  Từ đó tháng tư tàn chiến cuộc
  Lòng ta thương nhớ mãi không nguôi
  Làm sao gặp lại em vùng chiến
  Để Hỏa Châu rơi sưởi ấm lòng

  Đêm cuối cùng, anh rời chiến trận
  Ta còn chung bóng Hỏa Châu rơi
  Tay cầm tay cho tình thêm chặt
  Dẫu mai sau góc biển chân trời
  
  Gian khổ chiến trường ta đã thấy
  Tình chúng mình càng quý phải không em ? 
  Sự dối gian, lừa lọc khó moi tìm
  Nên chẳng nỡ, xa em vùng tạm chiếm
  
  Em hỡi em, người em vùng lửa đạn
  Bữa cơm chiều thắp sáng Hỏa Châu
  Anh vẫn về vui cùng em chung bữa
  Vượt băng sông, em đứng ngóng bên cầu

  Cũng từ đó, anh lê thân ngã ngựa
  Qua bao nhiêu cửa chốn lưu đầy
  Lật lấy đất, tìm cơm trong sỏi đá
  Nghe lòng mình rưng rức nổi niềm đau

  Đến bây giờ hồn thức tỉnh đắng cay
  Anh trở lại, tìm em vùng tạm chiếm.

                                      Sĩ Chương 
                                         4/2017

READ MORE - NGƯỜI EM VÙNG TẠM CHIẾM - Thơ Sĩ Chương

BIẾT MÌNH - Thơ Nguyễn Lâm Cẩn



        Tác giả Nguyễn Lâm Cẩn


BIẾT MÌNH

Gốc già lá giả vờ xanh
Chim nghênh mỏ hót trên cành líu lo
Gió thơm trái chín thập thò
Lắt lay trời đất còn cho chút đời

Nhặt lên chiếc lá vàng rơi
Thời gian thu lại không lời trên tay
Ngọt, bùi, dắng, chát, chua, cay
Thả cho gió thổi vèo bay về trời

Thảnh thơi nhặt ánh ngày vơi
Gủi vào vần điệu mà chơi với tình
Gửi vào những nụ cười xinh
Ủ men cất rượu môi mình còn say

Cửa thiền tâm tự ăn chay
Chuông khua trong dạ ăn mày chân tu
Tự mình hát, tự mình ru
Nghểnh tai
Ờ điếc!
Mắt mù
Ờ đen!

Đêm đêm thắp lửa sáng đèn
Soi vào nhân thế bon chen, lọc lừa
Nhân danh cuốc xẻng, cày bừa
Đua nhau tụng niệm khi chưa biết thời

Tâm an nhìn thấu lẽ đời
Đất lành đất ở làm nơi dưỡng mình
Cuồng chân với cuộc mưu sinh
Rồi ra còn một CHỮ TÌNH mà thôi

Hà Nội, 5-6-2017
NGUYỄN LÂM CẨN.

READ MORE - BIẾT MÌNH - Thơ Nguyễn Lâm Cẩn

ĐƯỜNG THI – CHỦ ĐỀ BIÊN TÁI (KỲ 3) - Nguyễn Ngọc Kiên chọn dịch thơ và giới thiệu

        
                       Tác giả Nguyễn Ngọc Kiên



ĐƯỜNG THI – CHỦ ĐỀ BIÊN TÁI (KỲ 3)

-  李白

Tiểu sử: Lý Bạch (chữ Hán: 李白; 701- 762), biểu tự Thái Bạch (太白), hiệu Thanh Liên cư sĩ (青莲居士), là một trong những nhà thơ theo chủ nghĩa lãng mạn danh tiếng nhất thời Thịnh Đường nói riêng và Trung Hoa nói chung.
Suốt cuộc đời của mình, ông được tán dương là một thiên tài về thi ca, người đã mở ra một giai đoạn hưng thịnh của thơ Đường. Ông cùng người bạn Đỗ Phủ trở thành hai biểu tượng thi văn lỗi lạc không chỉ trong phạm vi nhà Đường, mà còn trong toàn bộ lịch sử Trung Hoa, thậm chí toàn bộ khu vực Đông Á đồng văn. Do sự lỗi lạc của mình, ông được hậu bối tôn làm Thi Tiên (詩仙) hay Thi Hiệp (詩俠). Giới thi nhân bấy giờ thì rất kính nể tài uống rượu làm thơ bẩm sinh, nên gọi Lý Bạch là Tửu Tiên (酒仙) hay Trích Tiên Nhân (谪仙人). Hạ Tri Chương gọi ông là Thiên Thượng Trích Tiên (天上謫仙).
Ông đã viết cả ngàn bài thơ bất hủ. Hơn ngàn bài thơ của ông được tổng hợp lại trong tập Hà Nhạc Anh Linh tập (河岳英靈集), một tuyển tập thơ rất đồ sợ thời Vãn Đường do Ân Phan (殷璠) chủ biên vào năm 753, và hơn 43 bài của ông được ghi trong Đường Thi Tam Bách Thủ (唐诗三百首) được biên bởi Tôn Thù (孫洙), một học giả thời nhà Thanh. Vào thời đại của ông, thơ của ông đã xuất hiện các bản dịch tại phương Tây, chủ đề của ông nhấn mạnh tán dương mối quan hệ bạn bè, sự thần bí của thiên nhiên, tâm trạng tĩnh mịch và thú vui uống rượu rất đặc trưng của ông.
Cuộc đời của ông đi vào truyền thuyết, với phong cách yêu rượu hiếm có, những truyện ngụ ngôn và truyền thuyết về tinh thần trượng nghĩa, cũng như điển tích nổi tiếng về việc ông đã chết đuối khi nhảy khỏi thuyền để bắt cái bóng phản chiếu của mặt trăng.
Đường Văn Tông ngự phong tán dương thi ca của Lý Bạch, kiếm vũ của Bùi Mân, thảo thư của Trương Húc, gọi là Tam Tuyệt (三絕).
                   (Theo từ điển Wikipedia mở tiếng Việt)

 

  Phiên âm:

Quan san nguyệt

Minh nguyệt xuất Thiên San,
Thương mang vân hải gian.
Trường phong kỷ vạn lý,
Xuy độ Ngọc Môn quan.
Hán há Bạch Đăng đạo,
Hồ khuy Thanh Hải loan.
Do lai chinh chiến địa,
Bất kiến hữu nhân hoàn.
Thú khách vọng biên sắc,
Tư quy đa khổ nhan.
Cao lâu đương thử dạ,
Thán tức vị ưng nhàn.

Dịch nghĩa :

TRĂNG QUAN SAN

Trăng sáng mọc trên núi Thiên San
Trong cảnh mênh mông giữa mây và biển
Gió bay mấy ngàn dặm về
Thổi đến cửa ải Ngọc Môn
Nhà Hán đồn binh ở lộ Bạch Đăng
Rợ Hồ ngấp nghé ở vũng Thanh Hải
Xưa nay vẫn là bãi chiến trường
Không thấy có ai được trở về
Người lính thú nhìn đăm đăm cảnh sắc xa xa
Lòng nhớ nhà gương mặt lộ vẻ buồn khổ
Đêm nay có ai đang ngồi trên lầu cao
Hẳn phải than thở mà không dám nhàn nhã


Dịch thơ:
TRĂNG QUAN SAN 
Đỉnh Thiên Sơn trăng sáng soi
Chiếu mênh mông giữa biển trời, nước mây.
Mấy ngàn dặm gió thổi bay,
Thổi tận đến cửa ải này Ngọc Môn.
Bạch Đăng quân Hán đóng đồn
Vùng Thanh Hải ngấp nghé luôn Rợ Hồ.
Đây bãi chiến địa từ xưa
Người đi chinh chiến sao chưa thấy về?
Lính thú nhìn cảnh sắc kia
Rầu rầu khuôn mặt nhớ về quê hương.
Đêm nay trong nỗi đoạn trường
Lầu cao, than thở mà không dám nhàn.

--崔塗

 Tóm tắt tiểu sử: Thôi Đồ 崔塗 (854-?) tự Lễ Sơn 禮山, người nay thuộc Phú Xuân, Chiết Giang, không rõ năm sinh và năm mất. Ông đỗ tiến sĩ vào năm Quang Khởi thứ 4 đời Đường Hy Tông. Cuối đời phiêu bạc, từng chu du khắp dải Tứ Xuyên và Thiểm Tây. Thơ đa phần lấy đề tài sinh hoạt phiêu bạc, thơ 1 quyển.

                   (Theo từ điển Wikipedia mở tiếng Việt)

 


Phiên âm: 

CÔ NHẠN  - THÔI ĐỒ

Kỷ hàng quy tái tận,
Niệm nhĩ độc hà chi ?
Mộ vũ tương hô thất,
Hàn đường dục hạ trì.
Chử vân đê ám độ,
Quan nguyệt lãnh tương tuỳ.
Vị tất phùng tăng chước,
Cô phi tự khả nghi.

Dịch nghĩa:

NHẠN LẺ

Mấy hàng nhạn bay về tận cửa ải
Cứ nghĩ mày sao chỉ có một mình
Cơn mưa chiều, gọi nhau không được
Ao lạnh muốn xuống cũng chậm thôi
Bến mây thấp chẳng qua nổi
Trăng lạnh cửa ải còn rõi theo
Chưa hẳn đã gặp tên bắn theo
Một mình bay mà luôn ngờ vực

Dịch thơ:
NHẠN LẺ
 Đàn  nhạn bay về ải này
Cứ nghĩ, sao chỉ mày bay một mình
Cơn mưa chiều gọi lặng thinh
Ao lạnh muốn xuống cũng dành chậm thôi!
Bến mây thấp, chẳng qua rồi
Trăng lạnh cửa ải vẫn còn rõi theo
Chưa hẳn gặp tên bay vèo
Một mình giang cánh, nghi theo phận mình.


Tóm tắt tiểu sử: Vương Xương Linh là người Kinh Triệu, Trường An (nay thuộc tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc).
Năm Khai Nguyên thứ 15 (727) đời Đường Huyền Tông (ở ngôi: 712-756), ông thi đỗ Tiến sĩ.
Bảy năm sau (734), ông lại đỗ khoa Bác học hoành từ, lần lượt trải chức: Bí thư sảnh, Hiệu thư lang, huyện úy huyện Dĩ Thủy.
Năm Khai Nguyên thứ 28 (740), vì phạm lỗi ông bị giáng làm Giang Ninh thừa. Rồi vì những vụn vặt, ông lại giáng làm Long Tiêu úy.
                                           

Cuối năm 755, tướng An Lộc Sơn dấy binh chống triều đình. Sau đó, Vương Xương Linh trở về làng thì bị viên Thứ sử ở địa phương tên là Lư Khưu Hiển giết chết vì tư thù  khoảng năm 756.
Số thơ của Vương Xương Linh để lại hiện còn hơn 180 bài, một nửa là tuyệt cú.
Ngoài ra, theo thiên "Nghệ văn chí" trong Tân Đường thư (Sử nhà Đường bộ mới), thì ông còn viết sách lý luận có nhan đề là Thi cách (Khuôn phép của thơ, gồm 2 quyển) và Thi trung mật chỉ (Ý sâu kín của thơ, gồm 1 quyển); nhưng nay chỉ còn quyển Thi cách do người đời Minh chép, nhưng có người nghi là sách giả, không phải nguyên bản.
                (Theo từ điển Wikipedia mở tiếng Việt)

 


Phiên âm:

XUẤT TÁI KÌ 1  - VƯƠNG XƯƠNG LINH

Tần thời minh nguyệt Hán thời quan,
Vạn lý trường chinh nhân vị hoàn.
Đãn sử Long Thành phi tướng tại,
Bất giao Hồ mã độ Âm san.

Dịch nghĩa:

RA CỬA ẢI (Kì 1)

Vẫn là vầng trăng sáng của đời Tần và quan ải của đời Hán,
Mà người chinh chiến nơi nghìn dặm vẫn chưa trở về.
Nếu như có vị phi tướng ở tại Long Thành,
Thì sẽ không cho ngựa Hồ vượt qua núi Âm sơn.

Dịch thơ:
RA CỬA ẢI (Kì1)
Trăng sáng đời Tần, ải Hán xa
Muôn dặm trường chinh chửa lại nhà

Phi tướng ở Long Thành  còn sống,
Âm Sơn ngựa Hồ chẳng thể qua!


                                                        Nguyễn Ngọc Kiên

READ MORE - ĐƯỜNG THI – CHỦ ĐỀ BIÊN TÁI (KỲ 3) - Nguyễn Ngọc Kiên chọn dịch thơ và giới thiệu