Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, May 3, 2017

CHÙM THƠ THÁNG TƯ CỦA HUY UYÊN





THÁNG TƯ TRỞ VỀ

Tháng tư trở về với những cây muồng già tội nghiệp
em còn ở đó không ?
đã tàn phai rồi những cuộc tình
để một đời tưởng tiếc.

Mới đó tháng tư về nằm ngủ bên hiên
đời người mãi những ký-ức buồn
người ở lại tóc xưa bạc trắng
hỏi có còn nhớ tiếc gì không ?

Đâu đây vọng lời kinh-cầu tháng tư
ký ức sầu sân ga, phi-trường, cảng biển
vạn ngàn người đi không đưa tiễn
chết trong lòng ảo-vọng phiêu du.


Tháng tư đi qua cúi đầu
giọt đau cú đêm từng hồi rúc
thời chôn đời cay cực
đám tang nghĩa-địa đau sầu.

Ôi tháng tư đành đoạn nhớ
con bé thơ ôm vú mẹ lìa trần
cha chết người trên tay đầy súng đạn
chị chết người không manh áo che thân !

Mới đó mà bốn-mươi-hai-năm.

Em ở Pennsyl có buồn
ra đi để hồn ở lại
bao năm rồi cầm hái
héo chín nụ hôn chạnh lòng
cả hai ta một đời khốn khó.

Tháng tư hỏi em có buồn không ?
có lảng quên đời dọn mình
chuyến tàu về bên Chúa
bên kia đại dương : bầu trời vĩnh-hằng.


SÀI GÒN 42           

Dại lòng chi trong hai mắt em
con đường nào xưa đến cùng tận
bên kia đường hầm trống lạnh
tình xưa mọc cánh
chiều thăm thẳm dịu-dàng sắc không.

Thôi đêm bỏ đi không xà xuống
đọng sầu trên mắt môi người
phương trời em đổi thay vờ trôi
tôi vây quanh bến bờ ảo tưởng.

Về cùng người
với đớn đau xót xa hoài niệm
tình chết non từ tháng tư gảy súng
nguyền rủa trọn đời.

Đắng chát quạnh hiu
quanh đây lẫn khuất rừng chiều
đợi chờ ai một lần quay lại
người xưa vết thương mãi mãi
xát lòng băng bó tình-yêu.

Đóng kín 42 năm con tim thổn thức
thoáng bước qua hồn ngàn vạn dấu chân
áo giày saut nón sắt
đã chôn sâu nghĩa địa chiến trường.

Có vắt lệ theo từng nỗi nhớ
mắt rưng tim thức nỗi đau
một khi nào em về lại đó
gọi tên Sài-Gòn của nhau.

42 năm quay lại Sài-Gòn
vẽ lên mặt người ngơ ngác
tình giờ thôi còn được mất
thác máu ngược dòng kêu thương !

Ai còn đứng lại bên đường
"dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo"(*)
em theo tiếng gọi trời giông bão
hết thôi Sài-Gòn vội vàng chôn.


KỂ TỪ THÁNG 4-75

Anh chiêm bao trong trái tim người
để cầm tù nhau mãi mãi
trái hạnh-phúc đôi ta chưa kịp hái
cũng đành thôi trả lại nhau thôi.

Cũng sương mây chiều, trời bảng lãng
cũng biệt ly từ tạ một đời người
sao mong chờ chi ngày chi tháng?
sao còn chi tình mật đắng trong tôi?

Thời hoa điệp-vàng-đắng-cay vội vã
đưa tay anh hái giọt lệ buồn
tháng tư rụng queo như đời lá
vết thương người ai nỡ vội đem chôn.

Đêm bò qua hoang-mê dài ký-ức
Sài-Gòn đã chết từ lúc ra đi
người lính xưa cay xót mộng xuân thì
đã chết rồi cầm trên tay súng gảy.

Hơn nửa đời anh quay tìm dĩ-vãng
Buổi quay về xót đăng cuộc trăm năm
khi chết đi không trọn một chỗ nằm
bốn mươi hai năm sông dài biển rộng.

Gươm cùn treo hoài ngang mặt
chỉ còn lại anh với nỗi buồn
tương tư đêm ngày xuôi ngược
kể từ tháng tư bảy lăm.

Khi quay đi bỏ lại dặm đường trần 
giữa chợ chiều còn một hình với bóng
dấu tích đau còn giữ mãi ngàn năm
tháng tư về điêu tàn rồi mặt trận.

                               Huy Uyên
                                  (2017)

READ MORE - CHÙM THƠ THÁNG TƯ CỦA HUY UYÊN

TÌNH NGƯỜI TRÍ THỨC NGHÈO - Lâm Bích Thủy

                
                              Tác giả Lâm Bích Thủy



                     TÌNH NGƯỜI TRÍ THỨC NGHÈO
                     (Hồi ức về Nhà thơ Quang Dũng)

Trong cuộc đời làm nghệ thuật của ba tôi; tôi cảm nhận được cái chất người trong ông vô cùng thánh thiện vì biết cư xử và biết yêu thương. Dẫu trong sáng tác của mình, ông là người bị mất mát và bị thiệt thòi nhiều nhất; nhưng bù lại, ông có rất nhiều người bạn tốt. Trong những người bạn tốt của ông tôi luôn nhớ về chú Quang Dũng hơn cả. Nhớ về chú, tức là nhớ về cái tình ba tôi dành cho chú và ngược lại. Đó là tình cảm của những trí thức nghèo cùng bị hàm oan trong cái gọi là phản động ở thời Nhân Văn Giai phẩm. Tình bạn của họ trong thời gian này không có tiệc tùng bia rượu chỉ có tình người với những đồng lương ít ỏi mà vẫn biết sẻ chia cho nhau     
- Ra Bắc, những năm 55-70 của thế kỷ 20, nhà tôi ở 37 Hàng Quạt, Lần đầu gặp chú Quang Dũng, tôi hết sức kinh ngạc và tỏ ra lúng túng. Tôi thầm nghĩ:- “sao ba dám đưa người nước ngoài về nhà riêng?” Thời đó, nếu cán bộ nhà nước mà quan hệ mật thiết với người nước ngoài nhất là Tây mủi lỏ mắt xanh thì rầy rà lắm, bị hàng xóm dòm ngó, theo dõi và có khi cảnh sát khu vực đến thẩm tra. Ba tôi nhận ra vẻ lo lắng của tôi, ông phì cười “đây là chú Quang Dũng, không phải ông tây đâu mà con sợ”.

Thế rồi tôi nhìn dáng người cao, to chắc nịch, khỏe khoắn của chú mà phân bác vào loại hình “Thô săn”.  Dựa vào trực giác, tôi thấy bác có hệ thần kinh cân bằng tốt. Cử chỉ nhanh nhẹn, tính tình vui vẻ, chân thật không sáo rỗng lại và dễ gần. Không thấy dấu hiệu ức chế như chú Xuân  Diệu. Tóc chú có vài sợi bạc chen lẫn tóc đen như muối tiêu. Ánh mắt chứa chan tình cảm, màu xám tro. Nhìn kỹ thì chú giống tây Ấn Độ hơn tây Pháp.

Có điều gì đó, rất đặt biệt mà tôi cảm nhận được ở cái tình từ hai con người này dành cho nhau. Ba nói “bác Dũng tội lắm…” Chẳng thế mà có lần trên báo Tuổi Trẻ có tâm sự của ba về chú Quang Dũng: 
“Gia đình tôi rất  thân với anh Quang Dũng. Dũng người to lớn, trông như võ sĩ nhưng tính thì hiền, nghe chuyện buồn lại hay mau nước  mắt. Thời đó, mỗi  tháng cán bộ chỉ được mua 13 ký gạo, tôi và bà nhà tôi ăn ít, nên vừa đủ. Còn anh Quang Dũng to, khỏe, ăn nhiều, nên anh thường xuyên bị đói. Mỗi lần anh đến nhà chơi bà nhà tôi đều lặng lẽ đong cho anh túi gạo chừng dăm ba cân, để anh ăn, lần nào nhận gạo anh cũng khóc.”
Tôi còn biết hoàn cảnh nhà chú: Cũng như bao cán bộ khác ở Hà Nội thời chiến, song hoàn cảnh nhà chú khó khăn hơn, vì vợ là người dân tộc Tày, vụng việc nội trợ và tính toán, cái khổ càng kiên trì đeo bám vào tới tận ngóc ngách nhà chú. Thật trớ trêu, bác thì to lớn, con đông, thế mà hàng ngày chỉ chui ra chui vào ở căn phòng nhỏ, trên gác ba của ngôi nhà cuối phố Bà Triệu. Cầu thang lên xuống vốn đã hẹp mà còn đèo bồng đủ thứ linh tinh, nào chai lọ, rổ rá dọc lối lên xuống, nên việc đi lại rất rầy rà bức bách. Thế mà chú chăm lắm. Việc nước, việc nhà chú đều chu toàn: Được cái nhà gần công viên Thống nhất, ngoài giờ làm việc ở cơ quan, ngày hai buổi sáng, chiều chú tranh thủ ra đó quét lá về đun cho đỡ tốn tiền mua chất đốt. Tối về, chú bảo con sắp hàng lấy nước. Phải mất hàng giờ mới lấy được thùng nước đầy; khi con gọi, chú xuống lầu một, mỗi tay một thùng xách lên tới lầu ba nhà .
Tội lắm! Rãnh lúc nào chú lại xách cái túi bằng vải thừa đuôi thẹo, trong có cây bút chì và bút máy Trường sơn, có sổ công tác đã ghi chi chít chữ và dấu gạch bỏ lem nhem, đến với ba tôi để trao đổi. Ba tôi có thơ về bác:
Tàu điện xa dần phía chợ Mơ
Phòng văn được phút lặng không ngờ
Họa mi ai nhốt sau lồng trúc
Vọng tiếng rừng sang góp ý thơ
(Họa mi trong lồng- 10-1973)
Ba tôi không phải là họa sĩ nhưng ông biết nhận xét cái thần hồn của họa sĩ phả vào tranh. Thỉnh thoảng tôi nghe hai người vừa cười vừa khen bài thơ của ông này hay, bài thơ của chú kia có chỗ cần sửa lại vài từ. Chẳng là vì hai người làm chung phòng và cùng là biên tập... Đôi lần tôi nghe ba khen thơ chú Dũng có hình ảnh, có nhạc điệu, dung dị nhưng rất sâu đậm tình người. Thơ chú khiến người đọc nhìn được tâm can chú trong mỗi câu thơ viết ra. Thật vậy, có người nhận xét “Cái ông ấy, viết chữ nào ra chữ ấy. Nó như kẹo bột, như nước chè xanh, đố mà lẫn được!”.
 Đấy! chú Dũng là như thế. Chẳng ai lạ lẫm cái cơ cực mà chú đã nếm trải trong suốt mấy thập niên qua. Nhưng có lẽ chưa hoặc ít ai chứng kiến cái duyên hài ở chú. Thế mà tôi vô tình chứng kiến được. Lần nọ, tôi về thăm nhà, đúng lúc chú đến chơi. Vừa bước chân đến cửa chú vui vẻ khoe:
“Anh chị Lan biết không; tôi vừa được uống nước dừa mà không tốn một xu, thế có hay không chứ?” rồi chú cười hà hà kể lại:
“Thấy bà gánh dừa đi qua, tôi trêu: Trời ơi! Cau nhà bác trồng cách nào mà tốt trái vậy, bác đứng lại cho tôi hỏi thăm chút kinh nghiệm. Ở quê, nhà tôi cũng có vài cây mà quả chỉ bằng ngón chân cái của tôi thôi” Bà ta tưởng tôi là “Anh Pha mới lên tỉnh” nên chẳng phân biệt được cau hay dừa là phải; chứ ở Hà Nội thì có ai lạ gì thứ quả này, Bà đặt gánh xuống, thật thà phân giải “Thứ quả này không phải quả cau đâu bác ạ, nó là quả dừa từ Miền Nam mới đưa ra đấy!” Tôi quyết không chịu nghe:
“Quả này mà bác bảo không phải quả cau, bác chớ thấy tôi quê mùa mà phỉnh nha. Hay bác không muốn phổ biến kinh nghiệm, sợ người khác lấy cắp... ” Thế là tôi và bà bắt đầu cuộc cãi vả lý thú: “Cau, dừa; dừa, cau” Thấy tôi to lớn nhưng có vẻ  ngây ngô chẳng biết gì, bà ta tin tôi.  Cuối cùng để chứng minh mình đúng, bà đành hy sinh một qủa. Bà cúi nhặt lên một quả, lấy dao phạt miếng vỏ ở đầu; khối nước trong vắt lộ ra trông phát thèm. Bà vừa nói vừa ấn nó vào bụng bự của tôi:
 -  “Này! Uống đi cho biết thứ quả này. Người miền Nam gọi là quả dừa chứ không phài quả cau đâu mà bác cứ cãi mãi”. Rồi bà nhìn tôi không chút khách sáo thưởng thức hết khối nước trong ruột trái dừa với vẻ cảm thông về sự ngây ngô của anh Pha tôi, lần đầu lên tỉnh”

Chú Quang Dũng còn là người rất khiêm tốn học bạn. Tới nhà, thấy ba tôi khéo tay, tự làm mọi thứ bằng những nguyên liệu rẻ tiền mà trông sang và nghệ thuật. Chú đi ngang, đi dọc để ngắm cái kệ sách ba vừa làm bằng 5 cái porte- bagage xe đạp người ta bỏ và mấy miếng bìa cứng. Bác khen lấy khen để rồi xin tờ giấy vẽ lại kiểu, dáng. Nói với ba “về sẽ làm cho nhà một cái như thế”.  Không biết sau này chú có làm được gì từ việc học ở ba tôi hay không mà chăm lắm, cái gì cũng ghi ghi, chép chép đầy vào sổ công tác.

Mãi sau này, tôi mới được nghe má kể về bức tranh “Đường làng của chú tặng ba. Chẳng là thế này: Cuối năm 1957, khi ba tôi có món tiền nhuận bút là 80 đồng, vừa nhận được của tập thơ “Những ngọn đèn”. Không quên hoàn cảnh của bạn, ba tôi đã chia làm hai, cho chú Dũng một nửa là 40 đồng, dặn: 
- “Anh cầm về mà mua gạo cho trẻ, đừng để trẻ đói, tội!” 
Tuy thiếu thốn nhưng cầm tiền của người bạn mà hoàn cảnh không hơn mình là mấy, chú thấy khó xử, lưỡng lự mãi. Ba tiếp: “một miếng khi đói, bằng một gói khi no”. Anh cầm lấy, lúc nào có đưa lại cũng được mà, đừng khách sáo chi”. 
Cầm khoảng tiền lớn (bằng cả tháng lương hồi ấy), chú Dũng không nói được câu nào, chỉ nhìn ba tôi mà ứa nước mắt và từ biệt để đi mua gạo cho con.
Sau đó vài ngày, chú khệ nệ mang đến tặng ba bức tranh “Đường làng”. Có lẽ chú muốn  “Cục đất ném đi, cục chì ném lại” mới yên lòng hay sao ấy!
Sau 1975 ba tôi mang bức tranh về Nam, treo tại phòng khách. Bọn trẻ chúng tôi không am hiểu về lĩnh vực hội họa, càng không có thời gian để ngắm cái xa, cái gần của bức tranh. Vì lúc đó, cuộc sống còn nhiều thứ chi phối, lấy đâu thời gian đứng ngắm tranh, thành ra bài thơ “Cảm tác về một bức tranh treo ở nhà” làm chú Dũng buồn.
Treo lâu sơn thủy cảnh thu suông
Bụi bặm thời gian đã phủ dồn
Để đó vào ra không kẻ ngắm
Cất đi còn ngại mặt tường trơn
(8/1975)

Bài thơ ẩn chứa tâm trạng của người con xa quê lâu ngày trở về, qua nét thâm thúy ở sự hiểu biết về hội họa. Ông viết nó chỉ sau 2 tháng, khi đã thực hiện về ở hẳn tại quê nhà. Thời gian mới về, cảnh xưa người cũ không còn mấy! nhiều người lạ ở đâu về thay. Bao năm họ sống trong chế độ cũ chưa hòa nhập được với lối sống của chế độ xã hội chủ nghĩa, khiến tâm trạng ba buồn nhớ Hà Nội; nhớ các con đang sống ở ngôi nhà 37 Hàng Quạt, mà ở đó đã có những người bạn cùng cảnh ngộ, thường viếng thăm để chia sẻ buồn vui trong thời bao cấp. Còn bức tranh của chú Dũng; nếu ai có óc thẩm mỹ về hội họa thì nhận ra ngay cái tình của  tác giả qua một góc nhìn về cảnh làng quê ở nông thôn. Nhìn tranh ta thấy ở đó có cuộc sống thật êm đềm và thanh bình với gam màu nõn chuối. Có cánh đồng xanh xanh, con đường dẫn vào làng, xa xa lơ thơ một cây chuối, một bụi tre, một con bò ngẩn ngơ nhai lại. Tuy không thấy bóng người, nhưng nhận ra cuộc sống ở đây vẫn đang tiếp diễn. Càng nhìn càng thấy đam mê vẻ đẹp của làng quê mà chỉ có ở nông thôn Việt Nam mà thôi.

Vậy mà con ông, những người khách qua lại, ít ai để mắt tới! Họ chả hiểu gì về bức tranh quí mà ông cất công đem từ Hà Nội về!
 Tại thủ đô Hà Nội, đọc bài thơ đăng trên báo. Chú Quang Dũng giận lắm, đã tâm sự với bạn. Lời trách móc của chú đến tai ba tôi. Ông vội thư ra giải bày; rằng bây giờ, những người quanh ông ít nhận ra cái đẹp ẩn, thờ ơ với nghệ thuật, rằng họ chỉ chăm chăm kiếm tiền, lúc nào cũng chỉ tiền mà thôi!..

Qua thư, chú Dũng đã hiểu được cái tình rất nặng trong người bạn xưa. Bác thư vào xin lỗi: “Tôi mừng và hiểu anh, cho dù giờ đây cách núi, sông ngăn, nhưng tình anh đối với tôi vẫn tròn như xưa…”
  Lại mới đây, một người bạn của ba đột nhiên hỏi “Nhà con còn giữ bức tranh của ông Quang Dũng tặng không?” , “Dạ còn” Tôi hờ hững trả lời. Chú tiếp: “Cố mà giữ con ạ,! Nó quí lắm đấy! nó chứa cái tình của người nghệ sĩ dành cho nhau.” Tôi giật mình và nhận ra sự thiếu hiểu biết bấy lâu của mình. Tôi chưa hề để ý đến giá trị tư tưởng và nghệ thuật của bức tranh “Đường làng” trong khi người đời vẫn lưu tâm!

Giờ, nhớ tới chú Quang Dũng, tôi thấy tâm đắc vô cùng. Từ khi có nghị quyết V của Bộ chính trị về công tác văn học nghệ thuật thì cách nhìn đối với người đời về chú và ba tôi có khác thật đáng mừng. Các bạn trẻ đọc thơ chú nhận ra “Cảnh trong thơ Quang Dũng không phải là cảnh khô cứng, nó có sức sống cuồn cuộn ở bên trong”:  Đôi khi thơ ông làm chấn động đời sống tinh thần của tôi”...
 Và  bài “Tây tiến” đã một thời làm khổ chú lại được xếp vào 100 bài thơ hay nhất thế kỷ. Quê hương của chú đã rất tự hào về chú. Tại trường học thuở ấu thơ của chú, nhà trường đã dành nơi trang trọng nhất cho bức tượng bán thân của bác, nhà thơ “Tây tiến” -  Quang Dũng. Tất cả những điều người ta làm hình như để bù đắp lại khoảng trống mà lẽ ra chú đã được đong đầy trước đó vài thập kỷ kia! ./.
  
                                                                    Lâm Bích Thủy

READ MORE - TÌNH NGƯỜI TRÍ THỨC NGHÈO - Lâm Bích Thủy

TỨ VÀ CẤU TỨ TRONG THƠ - Đỗ Đình Tuân



         TỨ VÀ CẤU TỨ TRONG THƠ

Trong bình luận văn chương, nhất là trong lĩnh vực thơ ca, nhiều người đã sử dụng khái niệm "tứ thơ" nên mới nói đến chuyện "cấu tứ", "siêu cấu tứ", "cấu tứ lỏng"...Nhưng "tứ" là gì, "ý" khác "tứ" ở chỗ nào thì còn rất ít người chính thức bàn tới. Vì thế mà nhiều người yêu thơ, muốn tìm hiểu thơ ca thường nảy sinh thắc mắc. Có lần một bạn đọc đã hỏi trên báo chí và được một nhà thơ giải đáp đại ý "tứ là một dạng tồn tại cụ thể của ý". Đây là một gợi ý rất tốt để chúng ta có thể phân biệt giữa ý và tứ. Như vậy thì "ý" có tầm khái quát và trừu tượng hơn tứ. Nó chỉ tồn tại trong ý niệm con người. Còn "tứ" thì đã được hiện hình trong một hình ảnh, một biểu tượng có vai trò như một sinh thể. Hiểu thế thì có thể xem những câu "nước chảy đá mòn", "mài sắt nên kim"... là những "tứ" vì nó đều là những dạng tồn tại cụ thể của cái ý chung "lòng bền bỉ phấn đấu của con người có thể dẫn đến những thành công khác thường"; những câu " gần mực thì đen, gần đèn thì rạng", "ở bầu thì tròn, ở ống thì dài"... là những tứ của cái ý chung "hoàn cảnh và môi trường sống có ảnh hưởng đến con người"
Từ đây có thể suy ra cấu tạo của một "tứ thơ" bắt buộc phải có một "ruột ý" có vai trò như một "linh hồn" được gói trong một hình ảnh cụ thể làm thân xác và thực chất của việc làm thơ chính là quá trình hình thành và sáng tạo ra những "tứ thơ" chứ không phải chỉ thuần túy là việc diễn ý hay kể việc... Cái phần "thân xác" của tứ thơ thường cũng là những sự kiện, những hình ảnh của cuộc đời mà nhà thơ từng chứng kiến (hoặc do cuộc sống gợi ý mà tưởng tượng ra) và cái phần "linh hồn" cũng thường là những tâm sự, những nỗi niềm được tích tụ trong quá trình sống mà nhà thơ có nhu cầu muốn giãi bày chia sẻ.
Đọc một số bài thơ tình của Hoàng Cầm cũng có thể gỡ mở thêm được chút ít. Hoàng Cầm vốn là một thi sĩ vừa đa tài vừa đa tình. Khi còn rất ít tuổi đã dính vào một mối tình trái khoáy: yêu đơn phương một người con gái lớn hơn mình nhiều tuổi. Trong hồi ký của mình Hoàng Cầm viết: "Chị ấy tên là Vinh. Bố mất sớm, nhà rất nghèo. Chị ở cùng mẹ và một đứa em lên năm tuổi. Họ cất một gian nhà ở phố để bán hàng kiếm ăn. Suốt từ năm 8 đến 12, 13 tuổi, lúc nào đi theo chị được là tôi đi ngay, không rời nửa bước. Cũng nhờ đi theo chị, tôi mới có những kỉ niệm để sau này trở thành Lá diêu bông. Trong một buổi tối thanh niên, trai gái ở làng tụ họp nhau để hát đối, chị vịn lấy vai tôi mà hát. Rồi chị bảo bọn trẻ chúng tôi: "Đứa nào tìm được lá diêu bông, ta sẽ gọi là chồng". Nghe thấy thế, mặt tôi đỏ lên. Rồi một hôm nắng vàng giời lạnh, buổi chiều tha thẩn ra sân, tôi thấy chị đi ra phía cánh đồng liền cũng đi theo. Giữa đồng, chị một mình mê mải vạch từng cái lá, cành cây như đang tìm một cái gì đó. Tôi liền hỏi: "Chị Vinh ơi, chị tìm cái gì đấy?". Chị nhìn tôi đáp lời: "Ờ, chị đi tìm cái lá...(chị nói tên một cái lá gì như là lá thuốc)".
Câu chuyện tình ấy đã được Hoàng Cầm "thâm canh" trong nhiều bài thơ tình nổi tiếng của ông. Đầu tiên đó là bài Cây Tam cúc:
Cỗ bài tam cúc mép cong cong 
Rút trộm rơm nhà đi trải ổ 
Chị gọi đôi cây 
Trầu cay má đỏ 
Kết xe hồng đưa Chị đến quê Em.
Nghé cây bài tìm hơi tóc ấm 
Em đừng lớn nữa Chị đừng đi 
Tướng sĩ đỏ đen chui sấp ngửa 
Ổ rơm thơm đọng tuổi đương thì.
Đứa được 
Chinh chuyền xủng xoẻng 
Đứa thua 
Đáo gỡ ngoài thềm 
Em đi đêm tướng điều sĩ đỏ 
Đổi xe hồng đưa Chị đến quê Em.
Năm sau giặc giã 
Quan Đốc đồng áo đen nẹp đỏ 
Thả tịnh vàng cưới Chị võng mây trôi 
Em đứng nhìn theo Em gọi đôi.
Những kỷ niệm của Em về Chị còn tươi nguyên và ấm áp, cho dù kết thúc có xót xa. Ở đây Em vẫn còn dõi theo và tiếc chị. Nhưng đến Quả Vườn ổi thì câu chuyện kể khác:
Em mười hai tuổi tìm theo Chị 
Qua cầu bà Sấm, bến cô Mưa 
Đi... 
ngày tháng lụi 
tìm không thấy 
Giải yếm lòng trai mải phất cờ 
Cách nhau ba bước vào vườn ổi 
Chị xoạc cành ngang 
Em gốc cây 
- Xin chị một quả chín! 
- Quả chín.. 
quá tầm tay 
- Xin chị một quả ương 
- Quả ương 
chim khoét thủng 
Lẽo đẽo Em đi vườn mai sau 
Cúi nhặt chiều mưa dăm quả rụng.
Điểm nhấn của bài thơ không còn là những kỷ niệm tình yêu nữa mà đã là vị trí và thân phận khác nhau giữa Em và Chị. Chị vào vườn ổi trước, chị đỏng đảnh leo cao và xài những quả ngon. Còn Em thì chỉ được "Cúi nhặt chiều mưa dăm quả rụng". Đến Lá Diêu bông thì chuyện kể lại càng khác:
Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng 
Chị thẩn thơ đi tìm 
Đồng chiều 
Cuống rạ
Chị bảo 
Đứa nào tìm được Lá Diêu bông 
Từ nay ta gọi là chồng
Hai ngày Em tìm thấy Lá 
Chị chau mày 
Đâu phải Lá Diêu bông
Mùa đông sau Em tìm thấy Lá 
Chị lắc đầu 
trông nắng vãn bên sông
Ngày cưới Chị 
Em tìm thấy Lá 
Chị cười xe chỉ ấm trôn kim
Chị ba con 
Em tìm thấy Lá 
Xòe tay phủ mặt Chị không nhìn
Từ thuở ấy 
Em cầm chiếc Lá 
đi đầu non cuối bể 
Gió quê vi vút gọi 
Diêu bông hời... 
... ới Diêu bông...!
                          - Rét 1959 -
Vẫn là câu chuyện tình giữa Em và Chị, nhưng điểm nhấn ở Lá Diêu bông hình như lại là những "chiêu lừa" của Chị. Lợi dụng tình yêu của người Em chị đưa ra một lời hứa "Đứa nào tìm được Lá Diêu bông / Từ nay ta gọi la chồng". Nhưng đó chỉ là một lời hứa suông bởi trong thâm tâm người Chị vẫn coi như không có lời hứa ấy. Chị vẫn mặc nhiên đi lấy chồng và sinh con đẻ cái với người khác. Chỉ tội nghiệp cho người Em, vì yêu chị mà suốt đời lận đận thực hiện cho bằng được yêu cầu của Chị. Nhưng chả lần nào được người Chị chấp nhận. Lần thì Chị chau mày gắt gỏng, lần thì Chị lắc đầu lạnh nhạt, có lần Chị lại bật cười đến khó hiểu và cuối cùng thì Chị phủ nhận thẳng thừng và sạch trơn "Xòe tay phủ mặt Chị không nhìn". Đến đây thì người Em đã hoàn toàn tuyệt vọng, thất thểu như dở điên dở dại, tay cầm chiếc Lá đi khắp đầu non cuối bể cất tiếng gọi cùng gió quê "Diêu bông hời... ới Diêu bông...!". Cái tiếng gọi ấy nghe như một tiếng kêu cầu cứu mà vô vọng. Có lẽ vì thế mà nó khá ám ảnh và vang động mãi trong tâm tưởng người đọc chăng?
Trong thực tế thơ ca ta thấy có rất nhiều những tứ thơ gần như diễn tả cùng một ý, chẳng hạn những câu:
- Yêu thì củ ấu cũng tròn 
Không yêu thì quả bồ hòn cũng vuông 
- Yêu nhau nghèo khó chẳng chê 
Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng 
- Không ưa thì dưa có ròi 
- Lỗ mũi mười tám gánh lông 
Chồng yêu chồng bảo tơ hồng trời cho...
Cái "ý trần" của cấc tứ này là "Yêu thì nên tốt, ghét thì nên xấu". Như vậy có nghĩa là từ một ý có thể sáng tạo ra nhiều tứ nếu như tìm được những hình ảnh mới thích hợp để diễn tả nó. Có thể gọi cách này là cách "Rượu cũ, bình mới". Không thiếu những tứ thơ đã được sáng tạo ra theo cách này. Chẳng hạn để diễn tả cái hiện tượng "những người thân quen, gần gũi dễ xem thường nhau hơn nên khó ảnh hưởng đến nhau", tục ngữ đúc kết bằng những câu "Dao sắc không gọt được chuôi", "Bụt chùa nhà không thiêng". Đến thơ Trần Đăng Khoa ta lại thấy xuất hiện một tứ thơ mới trong bài Ghi chép về cây đèn dầu:
Lặng lẽ trên bàn mà cháy 
Mà soi sáng xung quanh 
Chỉ thương cây đèn ấy 
Không sáng nổi chân mình.
Ngược lại ta cũng thấy trong thực tế thơ ca có rất nhiều những tứ thơ khác nhau nhưng vẫn có cái thân hình giống nhau. Chẳng hạn cùng một hình ảnh tằm với tơ, ca dao viết:
Dã sinh ra kiếp con tằm 
Dẫu không nhả kén cũng nằm trong tơ
Những Truyện Kiều thì lại viết
Dù cho sông cạn đá mòn 
Con tằm đến thác hãy còn vương tơ
Những tứ thơ này chỉ khác nhau trong nội dung ý nghĩa. Có thể gọi nó là kiểu "Bình cũ rượu mới". Theo cách này thì từ một hình ảnh quen thuộc vẫn có thể sáng tạo ra những tứ thơ mới nếu như ta biết thổi vào trong đó những ý nghĩa mới và mang sinh khí mới. Trong Chí Linh phong vật chí có giới thiệu một giai thoại kể về một cuộc xướng họa giữa sứ Tầu Mao Bá Ôn và quan trạng Giáp Trung. Mượn đề tài đám bèo Mao Bá Ôn thì viết:
Mọc theo ruộng nước dáng như kim 
Từ trước chơi vơi gốc chẳng im 
Không có củ thân không có lá 
Dám sinh chi tiết dám sinh tim 
Biết đâu tụ lại không khi tán 
Chắc hẳn nổi lên có lúc chìm 
Gặp lúc trời chiều cơn gió táp 
Sớm vô hồ bể biết đâu tìm. 
                    (Chưa rõ người dịch)
Còn Giáp Trung thì lại viết:
Vẩy gấm ken dầy khó lọt kim 
Kết liền lá rễ vững và im 
Thường cùng mây trắng tranh làn nước 
Há để trăng thanh lọt đáy tim 
Sóng đánh ngàn tầng mà chẳng vỡ 
Gió đưa muôn trận vẫn không chìm 
Cá rồng nhiều ít nương trong đó 
Lã Vọng buông câu hết kế tìm. 
                         (chưa rõ người dịch)
Thế là cùng một hình ảnh đám bèo nhưng sứ Tầu Mao Bá Ôn thì thổi vào đó cái thái độ ngạo mạn coi thường dân tộc việt và hàm chứa cả một lời đe dọa. Còn quan trạng Giáp Trung thì lại thổi vào đó cái khí phách kiên cường bất khuất, tinh thần đại đoàn kết dân tộc của con người Việt nam trước mọi cuộc xâm lăng. Cũng là cánh bèo, có lần Nguyễn Du đã mượn để diễn tả cuộc đời trôi nổi của Thúy Kiều sau mười lăm năm lưu lạc với một tâm trạng mệt mỏi muốn yên thân:
Nghĩ mình mặt nước cánh bèo 
Đã nhiều lưu lạc lại nhiều gian truân 
Bằng nay chịu tiếng vương thần 
Thênh thang đường cái thanh vân hẹp gì.
Nhưng đến Phùng Cung thì nó còn lênh đênh ngay cả khi đã dạt vào ao cạn ? Chính sự phi lý này mới diễn tả một cách kỳ diệu cái nỗi đau cùng cực của phận người:
Lênh đênh muôn dặm nước non 
Dạt vào ao cạn vẫn còn lênh đênh
Từ một hình ảnh mà có thể sáng tạo ra nhiều tứ thơ hoàn toàn khác nhau là như vậy.
Nhưng quan trọng hơn vẫn là việc sáng tạo ra những tứ thơ hoàn toàn mới cả về ý vẫn về hình, nghĩa là "Rượu mới và bình cũng mới". Chỉ xin dẫn ra đây vài ví dụ nhỏ. Chẳng hạn như trong Bài Ca Vỡ Đất, Hoàng Trung Thông đã sáng tạo ra một tứ thơ ca ngợi sức lao động của con người rất đặc sắc:
Bàn tay ta làm nên tất cả 
Có sức người sỏi đá cũng thành cơm.
Trong ca dao xưa cũng từng có những tứ thơ nói về lao động: "Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần" nói lên giá trị của hạt gạo và sự vất vả của nghề nông sản xuất ra hạt gạo; hoặc "Đừng than phận khó ai ơi / Còn da lông mọc còn chồi nảy lông" nói niểm hy vọng lạc quan của con người lao động. Nhưng dù sao thì về sự bừng sáng và độ hàm súc vẫn khó sánh được với cái tứ thơ "sỏi đá cũng thành cơm".
Đọc thơ ca dân gian xưa thấy những tứ thơ nói về tình cảm vợ chồng thường chưa tương xứng với thực tế cuộc đời "Sống gửi thịt, thác gửi xương". Tình cảm của người chồng đối với người vợ thì chỉ là "nắng quái chiều hôm". Thậm chí còn chỉ là "cơm nguội đỡ khi đói lòng". Tình cảm của người vợ đối với người chồng cảm động hơn những cũng chỉ là mảnh chăn tấm áo của nhau thôi: "Áo xông hương của chàng vắt mắc / Đêm em nằm em đắp lấy hơi"...Nhưng đến Đôi Dép của Nguyễn Trung Kiên thì tình vợ chồng đã được gói ghém trong một tứ thơ mới lạ và tương xứng. Khai thác từ đặc điểm của đôi dép: tuy khác nhau "mỗi chiếc ở một bên phải trái", nhưng lại gắn bó bên nhau: "chẳng rời nhau nửa bước", cùng đồng cam cộng khổ "...sánh bước những néo đường xuôi ngược / Lên thảm nhung xuống cát bụi cùng nhau"... Chúng bình đẳng và phụ thuộc lẫn nhau để cùng tồn tại : "Số phận chiếc này phụ thuộc chiếc kia":
Hai mảnh đời thầm lặng bước song song 
Sẽ dừng lại khi chỉ còn một chiếc 
Chỉ còn một là không còn gì hết 
Nếu không tìm được chiếc thứ hai kia...
Những đặc điểm ấy sao mà tương đồng với tình cảm vợ chồng đến vậy:
Giống như mình trong những lúc vắng nhau 
Bước hụt hẫng cứ nghiêng về một phía 
Dẫu bên cạnh sẽ có người thay thế 
Mà trong lòng nỗi nhớ cứ chênh vênh
Tóm lại, một câu chuyện, một cử chỉ, một hình ảnh, một mùi hương... có ngụ tình và ngụ ý ở bên trong thì đều có thể tạo ra một tứ thơ mới. Chẳng hạn ở Hương Thầm, Phan Thị Thanh Nhàn đã khéo léo ngụ vào trong mùi thơm hoa bưởi một câu chuyện tình rất Việt Nam và rất thời chống Mỹ. Ngay từ đầu, cái "ngan ngát hương đưa" dường như cũng đã nhiễm một chút tình ý rồi:
Cửa sổ hai nhà cuối phố 
Không hiểu vì sao không khép bao giờ 
Đôi bạn ngày xưa học cùng một lớp 
Cây bưởi sau nhà ngan ngát hương đưa
Rồi đến ngày người con trai ra trận. Người con gái thấy mình không thể vắng mặt và đã gửi lòng mình vào một chùm hoa bưởi:
Dấu một chùm hoa trong chiếc khăn tay 
Cô gái ngập ngừng sang nhà hàng xóm 
Bên ấy có người ngày mai ra trận.
Không vắng mặt, nhưng tình yêu thì vẫn ủ kín không bộc lộ:
Nào ai đã một lần dám nói 
Hoa bưởi thơm cho lòng bối rối 
Anh không dám xin 
Cô gái chẳng dám trao 
Chỉ mùi hương đầm ấm thanh tao 
Không dấu được 
Cứ bay dịu nhẹ.
Nhưng hình như càng dấu diếm nhau thì họ lại càng nhận ra nhau đến tận cùng hơi thở:
Rồi theo cùng hơi thở của anh 
Hương thơm ấy 
thấm sâu vào lồng ngực 
Anh lên đường 
hương sẽ theo đi khắp
Thế là lời thì chưa ngỏ, nhưng tình thì đã trao và đã nhận:
Họ chia tay, vẫn chẳng nói điều chi 
Mà hương thầm theo mãi bước người đi.
Hương thầm nhưng chính là tình thầm. Tình thầm nhưng lại vô cùng ngào ngạt, lan tỏa và thấm sâu...Tứ thơ Hương thầm cứ man mác khắp bài thơ y như sự lan tỏa của hương thơm hoa bưởi vậy, vừa độc đáo, vừa kỳ diệu, giầu thi vị đến lạ lùng. Thơ là sự thăng hoa của cuộc sống, của tình đời, tình người có lẽ là như vậy đây chăng?
Cũng là kể chuyện, nhưng trong Viếng Chồng Trần Ninh Hồ lại cô đúc tứ thơ vào trong một chi tiết. Bài thơ kể chuyện một người vợ liệt sĩ đi viếng mộ chồng. Chị mang từ quê đi một vòng hoa. Cố nhiên là định để dặt lên mộ chồng. Nhưng đến nơi thì bên cạnh mộ anh lại có mộ một đồng đội nữa. Tình huống này đã đặt ra trong chị một sự lựa chọn "đặt vòng hoa trên nấm mộ nào cho đẹp?". Và chị đã đặt vòng hoa lên mộ người đồng đội nằm bên cạnh mộ chồng. Cử chỉ này của chị đã khiến anh chiến sĩ đưa đường tưởng chị đặt nhầm nên mới nhắc nhở:
Mộ anh ấy ở bên tay trái 
Chỉ có một vòng hoa chị mang từ quê lại 
Hoa viếng mộ bên này đã có chúng tôi.
Nhưng chị đã giải thích ngay:
- Chị hiểu ý em rồi 
Xin cho chị đặt hoa trên mộ đó 
Cả cánh rừng chỉ có hai ngôi mộ 
Viếng mộ anh có chị đến đây rồi.
Đến đây thì người đọc vụt nhận ra tấm lòng nhân ái giàu sẻ chia của chị. Không ít người đã rưng rưng nước mắt vì xúc động và cảm phục. Sau cử chỉ này chị bỗng biến thành HOA, không chỉ là bông hoa riêng viếng mộ chồng mà còn là bông hoa lung linh trong tâm trí người đọc.
Trên đây chỉ là loáng thoáng vài ví dụ về những cách cấu tứ đã từng thấy trong thơ. Cố nhiên là không thể nào đầy đủ được. Nhưng điều quan trọng là nó gợi ý ra một số cách tìm tòi, gỡ mở các tứ thơ khi thưởng lãm. Còn với người làm thơ, thì cái "cú hích" ban đầu để họ làm thơ chỉ là cảm hứng. Nói như Huy Cận thì "Trước hết là một nỗi niềm, ùn ùn trước ngực, rạo rực tâm hồn". Lúc ấy chính là những cơ hội để "ý" có thể gặp "hình" mà hình thành ra tứ thơ. Rồi sau đó tứ sẽ tìm lời, tìm chữ. Tức là "câu chữ đến sau, lời sẽ đến sau" (Huy Cận). Cảm hứng có thể là kết quả của một quá trình tích lũy dần dà, đến một lúc nào đó đủ độ chín thì nó xuất hiện. Cũng có thể chỉ do một gặp gỡ ngẫu nhiên nào đó mà tức thời bùng phát. Nó cũng giống như tình yêu trai gái vậy. Có những mối tình thì phát sinh theo kiểu "lửa gần rơm lâu ngày cũng bén". Nhưng cũng có không ít những mối tình lại chỉ qua một ánh nhìn thoát kiến là lập tức đã thành bền chặt không rời nhau được nữa. 
*.
ĐỖ ĐÌNH TUÂN
Địa chỉ: nhà số 9, ngõ 4, phố Tôn Đức Thắng,
KDC Nguyễn Trãi 2, phường Sao Đỏ,
thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương

READ MORE - TỨ VÀ CẤU TỨ TRONG THƠ - Đỗ Đình Tuân