Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, April 26, 2017

“CON VỀ NGÕ NHỎ”: BÀI THƠ MỚI QUEN - Phạm Đức Nhì




“CON VỀ NGÕ NHỎ”: BÀI THƠ MỚI QUEN

Khi bắt đầu viết bài này tôi chỉ mới biết Ngọc Mai, tác giả bài thơ, khoảng một tuần trên Facebook. Chỉ mới quen biết, chưa kết bạn. Chị thường ghé vào bình luận những bài viết của tôi. Lời bình ngôn ngữ lịch sự, biểu lộ một sự hiểu biết về thơ khá vững. Nhắn tin qua lại mấy ngày chị tiết lộ “Em cũng làm thơ nhưng thơ chỉ nói về gia đình, làng xóm, quê hương, không có gì mới lạ đâu.” Chị rất ngại ngùng nhưng tôi khuyến khích chị gởi tập thơ của chị cho tôi đọc. Sau hai ngày du ngoạn trong thế giới thơ của Ngọc Mai, tôi chọn Con Về Ngõ Nhỏ để viết lời bình.

Con Về Ngõ Nhỏ

Con về ngõ nhỏ thoảng hương
lối vào vẫn lát vàng ươm nắng chiều
đâu rồi bóng mẹ liêu xiêu
đâu rồi dải yếm rất nhiều gió hong

còn đâu chổi quét lá bòng
còn đâu bông bưởi trắng trong rụng đầy
chẳng còn hoa khế tím cây
chẳng còn vai mẹ hao gầy gió sương

mơ màng khói bếp còn vương                      
thoáng hơi nước vối tỏa hương ngọt ngào
gạo khuya ai giã đêm sao
thèm nghe tiếng mẹ ho bào canh thâu

Trăng non (*) khóc đẫm lá trầu
kìa như tay mẹ chải đầu cho trăng!
(Ngọc Mai)
(*) Tác giả ví mình như vầng trăng non, lúc còn bé thơ thường đứng bên giàn trầu của mẹ mà

khóc dỗi hờn để được mẹ dỗ dành và chải đầu cho.

Tứ Thơ:
Không có ẩn dụ nên ý với tứ là một – tác giả qua ngõ nhỏ về thăm nhà, chỉ thấy quang cảnh cũ gợi lại biết bao kỷ niệm êm đềm, còn mẹ già đã khuất bóng.

Thể Thơ:
Thơ lục bát ngắn, 14 câu nhưng tác giả gieo vần nghiêm túc quá nên hơi “cứng”. Có 13 cặp vần thì đến 12 cặp là chính vận (y boong), chỉ có một cặp thông vận (hương, ươm). Giá tác giả bớt đi vài cặp chính vận thì âm điệu nhẹ nhàng hơn. Cũng may, bài thơ liền mạch, tứ thơ chảy thành dòng từ câu đầu đến câu cuối, chưa có hội chứng nhàm chán vần thì bài thơ đã hết.

Ngôn Ngữ Hình Ảnh:

Ngôn ngữ bình dị, dễ cảm, dễ thương, những hình ảnh dân quê, gần gũi đầy dấu tích, kỷ niệm của mẹ như: dáng mẹ liêu xiêu, giải yếm, chổi quét lá bòng, bông bưởi, hoa khế, nước vối, tiếng giã gạo, tiếng ho … đã được nữ thi sĩ liệt kê một cách rất nghệ thuật. Nói chung, ngôn ngữ, hình ảnh rất đậm “mùi” Nguyễn Bính nhưng ở tầm thấp hơn.

Những Câu Thơ Hay:

     a/ Lối vào vẫn lát vàng ươm nắng chiều
Câu thơ tả cảnh lối vào trong nắng chiều thật đẹp.

     b/ Mơ màng khói bếp còn vương
         thoảng hơi nước vối tỏa hương ngọt ngào
Chỉ là hình ảnh ấm nước vối sôi trên bếp nhưng những con chữ kết hợp khéo léo đã vẽ lên một bức tranh rất thơ, có cả hương thơm ngọt ngào lan tỏa trong không gian.

Đoạn Kết Hay

Trăng non khóc đẫm lá trầu
kìa như tay mẹ chải đầu cho trăng

Đọc chú thích của “trăng non” mới hiểu được niềm mơ ước đơn sơ nhưng thấm đậm nỗi nhớ thương mẹ hiền của tác giả. Hai câu kết vừa đẹp, vừa nên thơ, tạo ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc.

Cảm Xúc

Quang cảnh của “ngõ nhỏ” vắng lặng quá. Nhưng sức mạnh của những hình ảnh trong ký ức hiện về làm sống lại những kỷ niệm thân thương với mẹ hiền. Tác giả đã khéo léo đem niềm nhớ thương và nỗi buồn man mác ấy rải đều trên mỗi bóng hình của thời son trẻ, thơ dại. Phải nói bài thơ khá nhiều cảm xúc, nhưng hình như từ trong sâu thẳm của vô thức có một tiếng nói vô hình nào đó thì thầm, chỉ dẫn để dòng cảm xúc trong thơ chỉ ở mức vừa phải chứ không dậy sóng tràn bờ.

Theo tôi, Con Về Ngõ Nhỏ tròn trịa, không sai sót, có thể nói là bài thơ hay nhưng khi đọc lên vẫn không thấy cái gì đó thật đặc biệt. Nó như một viên đá quý, không tì vết nhưng lại không có nét riêng để hấp dẫn những tay chơi ngọc sành sõi. Nói rõ ra, Con Về Ngõ Nhỏ là bài thơ thiếu cá tính nên không gây ấn tượng mạnh mẽ cho người đọc.

“Hoa đẹp nằm khuất trên giàn
Em xinh đứng lẫn trong hàng, ai hay?” (PĐN)

Vâng! Bài thơ như một cô gái đẹp. Các chuyên viên thẩm mỹ nhìn cô - từ khuôn mặt đến vóc dáng -  không nhìn thấy điểm nào không vừa ý để chê bai. Nhưng cách ăn mặc, cách giao tiếp làm cho cô chìm khuất giữa đám đông. Giá cô biết thỉnh thoảng ăn mặc khác thường một tý (nhưng đừng lố lăng) và đứng ở một chỗ riêng biệt để vẻ đẹp của mình lộ diện, nổi bật trước mắt mọi người, thì chỉ cần thế thôi, cô sẽ có trong tầm ngắm của mình vô số những chàng trai hào hoa phong nhã, biết thưởng thức sắc đẹp và nét duyên dáng của phụ nữ, miệt mài săn đón.

Tôi chọn bình Con Về Ngõ Nhỏ vì quý một tài thơ chưa phát huy hết sức mạnh của mình. Ngọc Mai có kỹ thuật thơ nhuần nhuyễn, hồn thơ nhạy cảm nhưng còn e thẹn, ngại ngùng, chưa dám mở tung cánh cửa tâm hồn để những cảm xúc, những khát khao cháy bỏng của “cái tôi đích thực” đổ ập xuống trang thơ.

Kết Luận

Con Về Lối Nhỏ là bài thơ “mới quen”.  Tác giả của nó là người thơ ở mãi tận Bắc Giang chưa hề gặp. Ngay cả tấm hình trên Facebook để biếtmặt mũi ra sao cũng không có. Thôi thì cứ như Hoài Thanh, qua thơ,  “lấy hồn ta để hiểu hồn người”. Hiểu rồi thì viết mấy lời bình phẩm.  Nếu tác giả đọc bài viết này và dám “nghe lời xúi dại”, tôi tin rằng chị sẽ ung dung bước vào làng thơ với túi hành trang trên vai trong đó chứa nhiều bài thơ còn hay hơn nữa.

Phạm Đức Nhì
nhidpham@gmail.com
phamnhibinhtho.blogspot.com


READ MORE - “CON VỀ NGÕ NHỎ”: BÀI THƠ MỚI QUEN - Phạm Đức Nhì

HOA QUỲNH ĐỎ - Ảnh của Chu Vương Miện



 



 



 



 



 

READ MORE - HOA QUỲNH ĐỎ - Ảnh của Chu Vương Miện

ĐỂ ÔNG ĐÓN - Truyện ngắn Lê Hứa Huyền Trân



Ảnh tác giả


 ĐỂ ÔNG ĐÓN

Lê Hứa Huyền Trân

Kể từ khi ông Na dẫn thằng Du về nhà thì trong nhà không khi nào ngớt tiếng thở dài. Nhiều người cho rằng ông già rồi, dở người, không có việc gì làm nên sinh nông nổi, cố tạo cho mình bận rộn bằng việc nhận một đứa mồ côi làm cháu. Còn con cháu trong nhà thì không ngớt phản đối, đương không phải thêm một miệng ăn, có phải ông không có cháu đâu, cũng cháu con đề huề đó thôi. Rõ vẽ chuyện. Mặc cho ai có nói gì, ông vẫn như đinh đóng cột tuyên bố thằng Du là cháu ông, không chỉ thế ông còn tỏ ra cương quyết:
-Đây là quyết định của tao. Tao nuôi nó, tao không lấy bất cứ đồng tiền nào của tụi mày đâu mà tụi mày phải sợ.

Nghe ông cương quyết thế người trong nhà cũng bớt tiếng, chỉ thi thoảng cũng hục hặc, cũng kháo nhau với xóm làng: "Mình vẫn phải bỏ tiền vào chứ chẳng lẽ làm con mà không giúp ba mình, người ta nhìn vào, người ta cười thối mũi”. Nói đến quyết định của ông nó cũng đột ngột như chính tính tình ông vậy. Ngày trước ông lên phố tạo dựng sự nghiệp từ hai bàn tay trắng, tiền nong rủng rỉnh, con cháu cũng được nhờ. Đùng một cái ông bỏ phố về làng, bảo: "Tuổi già thì chỉ muốn về nguồn cội”, con cháu đứa muốn đứa không cũng lục tục kéo về theo. Miếng đất ông mua ban đầu cất đâỳ những nhà. Chẳng phải chúng nó thảo, mà vì chúng nó biết ông tuổi gần đất xa trời, đi theo phụng dưỡng những ngày cuối đời, biết đâu ông chia chác khi nhắm mắt xuôi tay.

Ông có ba người con, cũng sáu bảy đứa cháu, nhưng tụi nó cứ quen mặt phố, về làng mấy tháng rồi mà cứ chê này chê kia, hết phân trâu phân bò um đầy đường đến việc bóng tối nuốt trùm cả xóm nhỏ khi hãy còn sớm, chẳng ai ra đường. Thế rồi, ông lên trên trại mồ côi tỉnh, dẫn một đứa nhóc về và tuyên bố với cả nhà đó là cháu của ông. Thằng nhóc ấy được ông đặt tên là Du. Nó bằng tuổi đứa cháu nhỏ nhất của ông, năm nay mới lên mười.

Ngày nó mới về nhà, chẳng ai ưa. Một phần vì nó là một đứa không ruột thịt máu mủ gì, phần khác vì nó lầm lì ít nói, lúc nào cũng im lặng, chui rúc một xó trong phòng, chẳng mở lời nói chuyện với ai, chỉ cất tiếng duy nhất với ông. Du ít nói đến độ gương mặt nó lúc nào cũng lạnh tanh, nhưng tận sâu trong tim nó luôn có trái tim ấm áp, tôi biết rõ điều đó vì tôi là bạn thân của nó. Nhà tôi và nhà ông Na cách nhau chỉ mỗi bụi tre, rào qua rào lại bởi những nhánh tre khô, bà tôi hay bảo tôi qua chơi với đám nhỏ nhà ông Na vì tụi nó từ phố về làng chẳng có bạn. Tính tôi hiếu động, lại đầu têu đám nhóc trong xóm nên dễ kết bạn, thế nhưng đám nhóc nhà ông Na tôi chẳng ưa tẹo nào, tụi nó chảnh. Cho đến khi ông Na dắt thằng Du về, tôi lại cảm thấy có gì đó gần gũi. Tính nó im nhưng tốt. Lúc nó mới về, ông ra ngoài có việc, nó ngồi tiu nghỉu một góc thềm, tôi ngó qua thấy nó dóng hỏi:
-Sao mày ngồi đó? Đang ăn cơm ở trỏng mà.
-Mày mặc kệ tao.
-Ơ, thằng này hay, bố láo. Tao có lòng mà mày chảnh à?
-Mày có lòng nhưng tao không có mượn.
Rồi nó nhích qua bên kia thềm ngồi. Tôi nghĩ bụng: "À, hóa ra thì thằng này cũng chảnh như đám nhóc kia”.

Tôi thấy ông Na về, nó nhảy chân sáo từ thềm ra ôm chầm lấy ông, không hiểu sao trong giây phút đó, tôi thấy trong đôi mắt ông như ánh lên nụ cười và có cảm giác, ấn tượng ban đầu của tôi về nó không còn tệ lắm. Tối, tôi đi bắt đom đóm chơi, đi chụp ếch khuya cùng đám nhóc lọ mọ mới về nhà, thấy ông đang ngồi hút tẩu, ông ngoắc tôi vào sân nói chuyện :
-Con thấy thằng Du thế nào?
-Nó chảnh, y hệt mấy đứa kia. Nó còn lầm lì nữa. Ai ưa nó nổi ông? Con không hiểu sao ông lại nhận nó về làm gì.
-Không phải nó chảnh đâu. Vì nó sợ bắt đầu một mối quan hệ, nó sợ ai đó sẽ bỏ nó đi như ba má nó.
-Uả, không phải nó mồ côi hả ông?
-Nó bị ba mẹ bỏ lại tại trại mồ côi, từ đó nó sợ người, ông cũng phải mất một khoảng thời gian dài mới thân được nó. Nếu được, con có thể gắng làm bạn với nó không?
Tôi gật đầu. A, thì ra thằng nhóc này có vết thương lòng đến vậy. Mấy hôm sau, tôi hay rủ nó đi chơi, ban đầu nó vẫn “chảnh”, vẫn “khó gần” nhưng tôi vẫn chai lì, sau dần chẳng biết từ lúc nào hai đứa chẳng mấy khi rời xa nhau nửa bước. Rồi nó đi học, trường cách nhà khá xa, đa số lũ trẻ trong xóm đều có xe đạp đi hoặc người nhà chở, chỉ có nó vò võ đi bộ mất cả tiếng mới đến được trường. Chẳng phải vì tôi không muốn đi chung với nó mà vì tôi cũng là phận đi nhờ không giúp gì được. Bẵng đi ít hôm tôi nghe bên nhà ông Na tiếng cãi nhau í ới, ông Na đề nghị một người trong nhà chở nó đi học, tất cả đùn đẩy nhau, thậm chí to tiếng :
-Tụi con đứa cũng bận đi làm, đứa cũng chở con cái, hơi đâu lo cho thằng người dưng?
-Ai người dưng của tụi mày? Tụi mày sẵn chở con tụi mày đi đèo thêm nó.

Tiếng cãi nhau vẫn không dứt, chỉ có thằng Du lầm lũi kéo áo ông "con tự đi được mà ông”, ông vuốt tóc nó rồi nhìn đám con của mình bất lực “ con cứ lo học đi, việc đón con cứ để ông”. Từ đó mỗi ngày tôi đều thấy hinh dáng một người đàn ông gầy gò chở đứa cháu của mình trên con đê sớm, chưa khi nào trên môi hai người đó bớt những nụ cười. Khi nó vào cấp ba, trường vẫn xa nhà, ông mua cho nó chiếc xe đạp nhưng nó vẫn vòi ông chở, tôi hay mắng nó:
-Mày cứ vẽ chuyện, ông lớn rồi, mày bắt ông chở thế rồi sao ông có sức, tướng mày lại cao to tồng ngồng thế kia.
Nó chỉ cười không nói gì, mãi sau khi tôi đi học sớm tôi mới để ý, sáng nào nó đi học cũng thấy ông đứng bồn chồn không yên, nửa cứ muốn theo, miệng ngập ngừng : "Để ông đưa đón”, thì ra thói quen mỗi sáng chở nó đi ông không dứt được. Nó hiểu ý luôn để ông chở đi, nhưng cứ một lúc nó lại giành chở. “Như thế vẫn là ông đưa đón cháu mà”. Tôi phục cái tính biết nghĩ của thằng bạn tôi dữ lắm. Đùng một phát học hết cấp ba nó được học bổng đi du học tận trời Tây, ngày nó quyết định đi hay không nó suy nghĩ dữ lắm, ông không nói không rằng cũng thức trắng một đêm, hôm sau nhất quyết bảo:
-Con đi học đi, thành tài rồi về, con không đi, ông từ mặt con.
Nó bàng hoàng, cả buồn. Nhưng nó hiểu ông làm thế vì tốt cho nó. Vì ngày nó đi ông cũng buồn dữ lắm. Ngày nó lên xe vào phố để bay sang chốn xa xôi ấy chỉ có tôi và người ông lúc nào cũng cất tiếng quen thuộc “để ông chở đi” tiễn, người thân trong nhà chẳng ai ló dạng. Tôi buông miệng “ bạc bẽo đến thế là cùng” nhưng nó suỵt: "Các cô chú nghĩ du học lần này là ông bỏ tiền ra cho đi chứ không phải học bổng”, tôi vùng vằng: "Mày học giỏi là thế” nhưng nó chỉ cười.

Không hiểu sao kể từ khi nó đi nhà ông đổi vận. Bao nhiêu của cải của ông con cháu chia chác bán cho hết rồi cũng thiếu tiền. Khi ông không còn khả năng chu cấp ông bỗng thành “của nợ”, thậm chí cứ mấy tháng một lần ông lại được “sang tay” cho người con này người con kia nuôi mà chưa bao giờ thoát khỏi cái nhíu mày, cái ánh nhìn tỏ vẻ phiền muộn khi phải nuôi một người già mắt mờ tai điếc. Nó đi học xa, vẫn hay nhắn nhủ tôi qua chăm ông mỗi khi ông lại nhà, nhưng nhìn ông tôi không dám nói những gì ông đang gặp phải. Ông dặn tôi giấu để nó bớt lo. Thế mà nó cũng đi đằng đẵng suốt mấy năm trời, nó từng bảo với tôi chỉ khi nào thành công nó mới về. Rồi thi thoảng tụi tôi liên lạc, tôi cũng nghe nó đã kiếm được công việc tốt bên đó, chỉ đợi ngày về.

Và thế rồi đùng một phát nó thông báo nó sẽ về. Có vẻ trong đám cháu con nhà đó nó giống ông ở cái tính bất chợt đó. Tôi qua thông báo với ông, những người thân của nhà vội tụ tập lại, bu lấy tôi: "Nó về hả con? Khi nào nó về?”, “Nó có nói nó về khi nào không con? Có bảo về làm gì không con?”, “Chắc nó đi làm bên đó rồi đó, bên đó nhiều tiền lắm đó”. Tôi nhìn mấy người đó không tránh khỏi thất vọng, chỉ có ông đôi mắt ươn ướt im lặng không nói. Hôm nó về, nó vẫn thế, chỉ cao lên, sang hơn, chững chạc hơn chứ làn da ngăm và cái tính ít nói vẫn còn. Vừa nhìn thấy nó người thân họ hàng bu lại nắn tay nắn chân vốn như thân thiết lắm, cốt ý để mong có một suất bảo lãnh sang Tây hưởng phúc phận người giàu. Nhưng nó nhìn ông, tiến thẳng về phía ông, ông đã già rồi, gần như lẫn rồi nhưng thấy nó ông vẫn cười như nhận ra, nó ôm lấy ông: "Ông ơi, con về rồi, giờ đã đến lúc con đón ông đi rồi đấy. Ông đi với con nhé?” Tôi bật cười, thằng Du bật cười, ông cũng bật cười. Tới tận giờ, tôi vẫn rất phục thằng bạn thân của mình, nó chưa bao giờ quên những gì người ta đã làm với nó.

Tác giả  : Lê Hứa Huyền Trân
Hội viên Hội VHNT Tỉnh Bình Định
Mọi thư từ phúc đáp xin chuyển về địa chỉ : Lê Hứa Huyền Trân, Hội VHNT Tỉnh Bình Định, 103 Phan Bội Châu, thành phố Quy Nhơn, Tỉnh Bình Định



READ MORE - ĐỂ ÔNG ĐÓN - Truyện ngắn Lê Hứa Huyền Trân

ĐẤT QUÊ, ĐÂU CŨNG TÌNH - thơ Trúc Thanh Tâm



ĐẤT QUÊ, ĐÂU CŨNG TÌNH


Em dòng sông êm ả

Chở nắng vàng bình minh

Thời gian chờ ở bến

Đất quê, đâu cũng tình!


Tóc em dài sóng lượn
Nghiêng đời với nghìn xưa
Ướp tình anh hương gió
Em nói gì trong mưa!

Sông Bình Di uốn khúc
Sương sớm lá đời xanh
Nhịp tim hòa nhịp thở
Mắt em cười mắt anh!

Vẫy tay chào biên giới
Phố Châu Đốc lên đèn
Hoa nhà ai hương thoảng
Tương tư anh và em!

Bờ mi em khép lại
Là lúc anh mở lòng
Là lúc ta đắm đuối
Không gian nầy mênh mông!

TRÚC THANH TÂM
( Châu Đốc )
READ MORE - ĐẤT QUÊ, ĐÂU CŨNG TÌNH - thơ Trúc Thanh Tâm

Mùa Hè Tới (Phạm Anh Dũng) Thái Hiền (4K)

READ MORE - Mùa Hè Tới (Phạm Anh Dũng) Thái Hiền (4K)