Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, April 24, 2017

NHƯ MỚI HÔM QUA - Truyện ngắn của Thủy Điền


  


NHƯ MỚI HÔM QUA
 
 
   Lâu lắm, 42; 43 năm rồi. Thời gian đâu phải là ngắn, trên dưới nửa đời người. Vì cuộc sống bôn ba nơi hải ngoại, dường như đã làm cho tôi quên mất những cảnh cũ, xưa mà tuổi xuân tôi từng trải. Nhưng trong tiềm thức thì còn. Bởi nó là kỹ niệm. Hôm nay Chúa nhật, đường phố vắng lặng, lộ ít xe chạy, mọi người gần bên hình như còn ngủ nướng. Bỗng tiếng chuông nhà ngân lên- mở cửa, thì ra bạn tôi Nhà văn, Nhà thơ Lê Thanh mang đến tặng tôi hai bức ảnh về Mỹ Tho xưa (Quê hương của chúng tôi) Đó là ảnh một bến xe Lam nơi mà thời học sinh tôi và Thanh mỗi ngày lên và xuống để về một quận lỵ cách Mỹ tho 12 cây số và ảnh cây cầu Quây được bắt ngang qua sông Bảo Định là cầu nối giữa thành phố Mỹ tho và xã Tân Mỹ Chánh nơi chúng tôi theo học. Nơi ấy chính là trường trung học Nông Lâm Súc Định Tường.
Tôi vui mừng chào Thanh và hỏi ?
-Hôm nay mầy ngủ không được sao mà tìm đến tao sớm thế ?
Thanh cười.
-Ngủ ngon, nhưng tao vừa tìm được hai bức ảnh hay quá, chẳng lẽ xem một mình nên vội mang tặng mầy để cùng xem cho vui.
-Thế thì tuyệt, vào đi Thanh. Tao làm hai cốc Cà- phê tao với mầy uống nhá.
-Ừ.
 
     Hai thằng vừa uống vừa ngắm ngía hai bức ảnh rất vui thú, như hai thằng nhóc con không khác. Thanh thì nhận diện một đường, còn tôi thì nhận diện một ngã thật buồn cười. Nhưng cuối cùng cũng đi đến kết luận chung và chính xác nơi chúng tôi thường qua lại.
 
     Suốt ba năm dài, khi hai tôi chuyển từ trường Nông Lâm Súc Tân Hiệp về NLS Định tường để học, ngày nào hai thằng cũng cho hai chiếc xe đạp lên mui và đi xe lam đến Mỹ Tho, rồi từ đó chạy tiếp hơn bốn cây số nữa để đến trường và chiều về ngược lại cũng y như thế.
 
     Hồi ấy còn trẻ cũng khá vui, bạn bè thường gọi tôi và Thanh là hai nhà thơ “Bồ Đề “. Nhiều lúc cũng giận, nhưng nhiều lúc tôi nói với Thanh họ nói cũng đúng. Từ hai đối lập ấy hòa lẫn với nhau nên chúng tôi lờ đi, ai gọi gì thì gọi, tùy họ. Tại sao họ lại gọi chúng tôi như thế ? Bởi, dân học Nông Lâm Súc là dân mặc áo màu nâu hơn nữa đoạn đường từ thành phố Mỹ tho về trường hồi ấy hai bên đường có rất nhiều quán Hủ tiếu chay của người đạo Dừa từ cồn Phụng  ở Bến Tre sang, bán rất rẻ và ngon khoảng 150 đồng (Thời ấy) Một tô còn mấy quán Hủ tiếu thịt thì mắc hơn, nên tôi và Thanh thường hay ăn Hủ tiếu chay vào những buổi trưa để cầm hơi và vào học tiếp cho mãi đến chiều. Ngoài ra những lúc thực tập nông trại ngoài hiện trường tôi và Thanh hay làm những bài thơ tình trêu ghẹo những cô bạn gái cho vui. Trong nhí nhỏm nầy chúng tôi chưa bao giờ nhận được lời phiền trách mà ngược lại họ rất thích vô cùng nên họ ban tặng cho chúng tôi cái tên khá hay đó là nhà thơ “Bồ Đề” Danh hiệu nầy suýt chút nữa nếu không đi vượt biên ở nhà chắc hai tôi ế vợ luôn.



     Qua Tây rồi cũng thế, thằng Thanh có bản tính đùa dai, hay gợi lại chuyện cũ ngần mấy năm trời và vô tình để lọt vào tai một ít người. Tôi thấy ngại nên bảo: Thanh mầy làm ơn chuyển hướng và tắt cái đài mầy giùm tao không khéo nơi mơi nó lan tràn hết nước Đức có môn hai thằng xin vô chùa ở luôn. Nó hỡ là cười. Thì đâu có sao đâu, vào đó bọn mình còn sướng hơn, khỏi lao động và còn gặp rất nhiều Tài tử- Giai nhân nữa là khác. Và, ta tha hồ làm thơ ca tụng.
 
 
     Nói chung chuyện xưa, tích cũ nếu kể thì kể sao cho hết. Nhưng ấn tượng nhất là khi nhìn lại hai bức ảnh mà Thanh mang tặng, tự dưng cảm giác tôi  nghĩ về nó như vừa mới hôm qua.
 
                                                                                        Thủy Điền
                                                                                       23-04-2017

READ MORE - NHƯ MỚI HÔM QUA - Truyện ngắn của Thủy Điền

CHẤP CHỚI - Thơ Đặng Xuân Xuyến





CHẤP CHỚI

Có người líu ríu theo chồng
Buông lơi lời hát
Bỏ ngày xuân ngăn ngắt
Thúc nhịp trống dồn...

Se sắt buồn
Ơi người “xe chỉ luồn kim”
Ơi người nhớn nhác đi tìm
Đầu ghềnh cuối bãi
Lời xưa có còn mê mải...

Tìm ai...
Kìa ai...
Lừng chừng câu hát
Gió gằn ràn rạt
Trời mưa...
Chấp chới cánh diều.

Làng Đá, 21 tháng 04.2017
ĐẶNG XUÂN XUYẾN

READ MORE - CHẤP CHỚI - Thơ Đặng Xuân Xuyến

MẶT TRỜI XANH - Truyện ngắn của Lê Mai

 
            Nguyễn Ngọc Kiên và Lê Mai (từ trái sang)


MẶT TRỜI XANH

Có tiếng gõ cửa rụt rè. Ông Nhân nhẹ nhàng đỡ vợ nằm xuống giường rồi vội vàng ra mở cửa. “Ai thế nhỉ?” Ông tự hỏi mình. Gần 20 năm nay, từ ngày ngưng nghỉ “chèo đò”, ông đã quá quen với cảnh bến mình đìu hiu, quạnh vắng.
Trước mặt ông là một người khách lạ, người gày gày, da mai mái nhưng thần thái vẫn rực lên những nét quyền uy, lịch lãm.
- Thầy có phải là thày Nhân không ạ? Người khách lạ rụt rè hỏi.
- Vâng. Tôi là Nhân. Ông gặp tôi có việc gì ạ?
- Thầy không nhận ra em sao? 
Ông Nhân chăm chắm nhìn người khách rồi khẽ lắc đầu. Nhưng vẫn có những nét gì ngờ ngợ trong ông. Từ ngày về hưu tới giờ, thi thoảng ông vẫn có trò cũ tới thăm, nhưng đa phần những trò đó thủa nhỏ đều là những học sinh cá biệt, không ai có thần thái oai phong chững chạc như người khách này. Song nét mặt này.... Ông cố lục trong ký ức....Rồi ông bật lên câu:
- Ông... Ông có phải là giáo sư tiến sĩ THIỆN TÀI.....trưởng....trưởng ban.... Ông...vẫn lên vô tuyến nói...nói hay lắm....nói hay lắm......
- Thiện Tài là danh xưng thôi. Em là thằng Thất còm, con ông Chánh Đức ở Đậu Xá - Mỹ Xuyên, học trò cũ của thầy ở trường Quyết Thắng đây mà, thầy còn nhớ không?
- Ối giời....Nhớ! Nhớ chứ! Đúng là vật đổi sao dời....Vào nhà đi! Vào nhà đi! Làm quan to đến thế này mà còn nhớ tới thày là quý lắm, hiếm lắm đó! 
Ông Thiện Tài hớn hở bước vào nhà. Ông đưa mắt nhìn quanh cái không gian mờ mờ ẩm thấp. Đúng như ông dự đoán: nhà thầy nghèo, nghèo quá! Đồ vật duy nhất trong căn nhà này còn có thể bán được cho đồng nát là chiếc Tivi LG 14 inch đã cũ, cũ lắm. Còn các vật dụng khác thì....cho cũng khó có người nhận. Thương thày, mắt ông Thiện Tài bỗng nhoè đi. Ông thầm nghĩ: Biết làm sao được... Người lao động lương thiện....Lương ba cọc ba đồng lại còn tính thương người....
Ông Thiện Tài lễ phép đón chén nước ông Nhân đưa bằng hai tay rồi khẽ đưa lên miệng nhấp nhấp vẻ hài lòng. Ông Thiện Tài kín đáo nhìn cái chén và cả thứ nước trong chén. Ông mủm mỉm cười, nghĩ: Có lẽ đến vài chục năm nay chưa ai có đủ dũng cảm mời ông uống nước như thế này. Đợi cho ông học trò đặt chén nước xuống bàn, ông Nhân mới thủng thẳng nói:
- Đời tôi, đến hôm nay đã ba lần đổi tỉnh, sáu lần đổi nhà mà anh vẫn biết tôi ở đây thì cũng tài. À mà, Thiện Tài cơ mà. Thiện tới đâu, Tài tới đâu mà làm quan to thế?
- Danh xưng hão thôi mà thày. Thày còn lạ gì thói đời, thiếu cái gì thì khát cái đó. Thiện tài gì đâu mà thày hỏi cho em xấu hổ. Nói thầy thông cảm, suốt cuộc đời này chưa có lúc nào em dám quên ơn thày. Ngày đó không có mươi lon gạo thầy cho, không có lời dặn của thầy: Khó mấy cũng không được bỏ học thì em đâu có được như bây giờ. Vì bận mưu sinh chưa đến thăm thầy cô được, em rất hối hận. Nhưng mỗi bước biến đổi của thày em đều biết rõ. Bệnh của cô có khá lên được chút nào không thầy? Thày cho em vào thăm cô ít phút.
- Bà ấy vừa chợp mắt. Chúng mình đừng làm phiền bà ấy. Mươi năm gần đây bà ấy cứ quên quên, nhớ nhớ; người ngợm chân tay cứ run run, rẩy rẩy. May mà tôi về hưu có thời giờ săn sóc không thì....Nghĩ cũng thấy xót xa, anh ạ. Giá mà mình có tiền thuốc thang, bồi bổ tốt hơn thì...Nhưng đào đâu ra anh. Lương hưu trong cái thời gạo châu củi quế này, khoẻ mạnh còn khốn khó thì nói gì đến ốm đau.
Ông ngừng nói, hai mắt nhắm nghiền như đang lạc vào cõi mộng. Rồi ông bỗng như bừng tỉnh, nở một nụ cười mụ dạy, ngượng nghịu nói tiếp:
- Xin lỗi anh, kể lể miên man. Bệnh của tuổi già mà. Thôi, nói chuyện khác đi
- Vâng! Thưa thày, gần năm chục năm nay em cứ canh cánh trong lòng câu hỏi: Ngày ấy, thày dám sai thằng Dũng mang gạo và lời nhắn tới cho nhà em, thày có sợ không? Trí - Phú - Địa – Hào đào tận gốc, trốc tận rễ cơ mà. Đã trí thức lại còn tiếp tay cho phong kiến đế quốc thì cầm chắc tru di tam tộc rồi.
- Sợ chứ anh. Ngày ấy, người ta còn dám vận động con dâu tố bố chồng hiếp dâm man rợ khác gì tội đốt sách chôn học trò của Tần Thuỷ Hoàng, thì việc gì họ không dám làm. Thân bại danh liệt là cái chắc. 
- Cuộc cách mạng diễn ra trên một nền văn hoá phong kiến, lại còn bị thực dân đế quốc ngu dân thì tránh sao khỏi những biến tướng trở thành quái thai của lịch sử. Trong bối cảnh ấy, dám hy sinh thân mình để cứu những người không máu mủ ruột rà, không dây mơ rễ má thì thật lá khí phách, thạt là dũng cảm. Ơn ấy, nghĩa ấy em làm sao trả nổi.
- Đừng phức tạp hoá sự việc lên như vậy. Hành động của tôi đối với gia đình anh lúc đó có gì là anh hùng, nghĩa hiệp, đâu dám sánh với khí phách anh hùng, hào kiệt của kẻ: Giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha. Nó chỉ đơn giản là: Người lương thiện thấy người lương thiện sa cơ lỡ vận thì gồng mình, tái mặt mà giúp, được đến đâu hay đến đó, thế thôi. Tình người mà anh. Theo tôi biết, bố mẹ anh là người có học, học cao là đằng khác, lại là người nhân đức chỉ trị bệnh cứu người. Tổng mình lúc bấy giờ  nếu lôi lão đội Nhương ra tố thì sẽ ít oan hơn, ít ức hơn. Tôi nói vậy vì thực chất lão đội Nhương cũng chỉ là kẻ phu phen tạp dịch ở bên Tây. Về nước có chút của cải hơn những người nông dân kiệt quệ ở làng, lại do ít học nên nhiều lúc lão ra vẻ ta đây ngông nghênh, lấc cấc nên có nhiều người khinh, người ghét. Nhưng chẳng hiểu sao, đúng lúc đó lão ấy lại bỏ làng ra đi. Thế chẳng nhẽ lại là tôi à? Thế là bố mẹ anh phải vào thế chỗ. Việc nó chỉ thế thôi. Mà tôi hỏi khí không phải: Hôm nay anh sang tôi chơi hay còn có việc gì?
- Có. Em còn muốn nhờ thầy giúp cho một việc. Chẳng biết thày có sẵn lòng giúp cho không?
- Có việc gì anh cứ nói. Tôi không có thói quen rào trước đón sau. Giúp được đến đâu tôi sẽ cố đến đấy.
- Việc của Dũng thày ạ.
- Dũng nó có việc gì?
- Thưa thày, dạo này Dũng nó ốm lắm. Chung quy chi tại cái nghèo thôi thầy ạ. Bệnh nó, nếu có tiền thuốc men chu đáo thì đâu đến nỗi. Nhưng nhà nó nghèo lắm, nghèo đến mức chi có ruồi muỗi đến chơi thôi. Em có tiền muốn giúp nó, nhưng biết nó sẽ không nhận. Chết nó cũng không nhận, khái tính lắm. Thày ạ! Em muốn nhờ thày lấy số tiền em đã chuẩn bị để thuốc thang tẩm bổ cho nó. Chỉ có cách duy nhất này mới cứu được nó thôi. Em biết, vợ chồng nó không dám từ chối sự giúp đỡ của thày đâu. Thày giúp em cứu nó nhé.
- Của người phúc ta. Tiền của anh, ơn tôi được. Tôi không bao giờ làm thế đâu.
- Thày ạ, cứu bệnh như cứu hoả. Nó khỏi bệnh rồi, thày trò mình cùng nói cho nó rõ, có gì thày phải lăn tăn.
- Ừ.... ừ...Thế cũng được.
- Em cảm ơn thày! Vừa nói ông Thiện Tài vừa thò tay vào cặp, rút ra một bọc nilon to cỡ chừng vài viên gạch, hai tay lễ phép đưa ông Nhân.
Không giơ tay đón gói quà, ông Nhân dè chừng hỏi:
- Gói gì đấy anh?
- Thưa thày, gói tiền.
Ông Nhân trợn tròn mắt nói:
- Tiền! Tiền mà nhiều thế này sao? Anh mang về đi. Sau này cần dùng tới đâu ta mang theo đến đó cho gọn anh ạ.
- Nhưng... Nhưng mai em phải đi công tác xa rồi. Dăm bữa nửa tháng nữa em mới về.
- Đưa tiền cho vợ con giữ, khi nào đi công tác về, đến đây ta cùng đi.
Mặt ông Thiện Tài bỗng nhiên buồn rười rượi. Ông nói nhỏ và chân thành:
- Thày ạ. Vợ con em đã bỏ em lâu rồi. Hiện nay họ đang làm ăn ở Mỹ. Giàu lắm. Giàu tới mức không còn tình người. Khi thong thả em sẽ thưa hết chuyện để thày rõ. Em sống độc thân đã lâu rồi.
Ông Nhân khẽ thở dài, nói:
- Thôi, đưa tôi giữ cho. Công việc xong nhớ đến đây ngay ta cùng đi anh nhé. Nhớ đến ngay đấy. Để tiền nhiều trong nhà tôi sợ lắm. Anh thông cảm cho tôi.
Đợi thầy nói hết câu, ông Thiện Tài đột ngột đứng dậy, khẽ ghì thày vào lòng, mắt ông nhoè lệ. Rồi cũng đột ngột ông chào thày ra về. Có một cái gì đó tồi tội, thê lương.....
***
Hơn 2 tháng nay, ông Nhân không dám đi đâu lâu, tưới rau cũng vội vàng, đi chợ cũng quáng quàng vội vã. Ông lo. Thời gian đầu ông lo đống tiền lù lù trong tủ, nhỡ mất cắp thì mang tiếng cả đời. Đào đâu ra tiền mà trả. Rồi còn căn bệnh của Dũng. Dũng nó mắc bệnh gì? Cứu bệnh hơn cứu hoả. Nhanh một ngày. Chậm một ngày....Rồi thời gian sau ông lo sang Thiện Tài. Công tác gì mà lâu thế? Có trục trặc gì không? Cỡ quan ấy  nếu gặp mệnh hệ gì thì thiên hạ đã ầm lên rồi. Ông ngồi nhà đợi trò mà long như thiêu như đốt. Ngu quá! Dốt quá! Sao hôm ấy ông không ghi lại số điện thoại của Thiện Tài, không hỏi địa chỉ cơ quan, không hỏi địa chỉ nhà ở.....Giờ đây ông chẳng biết liên hệ với ai. Ông chỉ còn cách ngồi chờ...chờ....và chờ...
Có người đến. Ông lao ra cửa. Người khách lạ nhìn ông từ đầu xuống chân rồi nhẹ nhàng hỏi:
- Thày có phải là thày Nhân không ạ?
- Vâng. Tôi là Nhân. Anh đến có việc gì?
- Dạ. Có lá thư anh Thiện Tài gửi thày.
Người khách đưa lá thư cho ông rồi về ngay. Ông Nhân lập cập đeo kính rồi mở thư ra đọc. Lá thư viết:

“ Thưa thày! Khi thày cầm trên tay lá thư này thì em đã vĩnh viễn đi xa. Em đã chết.”

Luồng dương khí thoát nhanh khỏi cái cơ thể vốn đã già, lại còn suy dinh dưỡng của ông Nhân. Ông rã rời tay chân. Ông lặng người, mặc mấy giọt cặn lệ nhoè tan đi trong đôi mắt. Lặng người một lúc, ông run rẩy đọc tiếp:

“ Cái chết đối với em không đột ngột. Nó đã được các giáo sư lừng danh dự đoán chính xác tới tận ngày.
Thưa thày! 
Lần vừa rồi em đến thăm thày, thày có hỏi “Thiện đến đâu, Tài đến đâu mà làm quan to thế?” 
Thày ơi, thời này có phải thời Lê Thánh Tông đâu mà thày nhắc đến Thiện, Tài. Quan trường là chiến trường khốc liệt, vì chính nó đẻ ra quyền lực - tiền tài - danh vọng. Ở đó không có chỗ cho lương thiện, hiền tài. Đời em là  một chuỗi dài các sự dối trá. Như lẽ tự nhiên, càng làm quan to lời nói dối càng đậm nét chân thành. Chắc thày còn nhớ ngày em đến thăm, em có gửi thày một số tiền để thày trò mình chuẩn bị đến thăm Dũng. Đó là lời nói dối cuối cùng của đời em đấy. Dũng nó đã hy sinh từ năm Mậu Thân, chưa vợ, chưa con. Biếu được số tiền để thày cô phần nào bớt được sự khốn khó trong cuộc sống chồng chất khó khăn này làm sự ra đi mãi mãi của em trở nên thanh thản. Đời mình cũng có lúc làm được việc nghĩa nhân, theo mong muốn của thày.
Thày ơi! Đến lúc chết em mới hiểu lời dạy của thày: Học để làm Người chứ không phải học để làm Quan.
Làm Người thì ií tiền, ít quyền và khốn khổ.
Làm Quan thì nhiều tiền, nhiều quyền nhưng khốn nạn.
Nếu có kiếp sau, phải lựa chọn hai cái khốn, thì em xin vui lòng đứng vào phe những người khốn khổ. Khốn đấy! Khổ đấy! Nhưng thanh thản, thấm đẫm tình người. Còn khốn nạn thì....Chỉ nghĩ tới đó em đã rùng mình...
Để minh chứng cho sự giác ngộ của mình, em có gửi cho anh em trong cơ quan bài thơ sau, thày xem có được không nhé:

MẶT TRỜI XANH
Đừng cho phủ hoa lên mộ của Anh
Đó là sự dối trá.
Cả đời Anh chưa một lần vinh quang tử tế
Sao hôm nay hoa nhiều đến thế?
Tầng tầng – lớp lớp đè tức ngực Anh.
Em hãy xem
Những bông hoa biết thẹn
Những vòng hoa biết xộc xệch héo tàn
Đốt cho anh nén nhang
Đốt càng nhiều càng tốt.
Lửa sẽ làm cạn khô những giọt nước mắt cá sấu
Lửa sẽ thiêu cháy những lời nói dối chân thành
Lửa sẽ làm môi trường quanh anh thanh sạch.
Lần đầu tiên trong đời, Anh thấy: MẶT TRỜI XANH.

Thày ơi! Những kỷ niệm ấm áp về thày, tình thày, đời thày đã mở cho em (một ông quan - một kẻ đang hấp hối), một cuộc đời mới với trang đầu bằng lá thư này,với những lời nói thật...”
Đặt lá thư xuống bàn ông Nhân thờ thẩn ngứơc cặp mắt hoen rỉ nhìn vào khoảng không mờ ẩm trước mặt. Không gian bổng chuyển màu ngọc bích xanh suốt mang mang ... và phía xa, xa thẳm của không gian ngọc bích một đốm sáng nhập nhoà nhấp nháy như vẩy như gọi ông ... mông lung, mờ ảo. Ông vật người ra nghế cố ghìm tiếng thở dài. Tiếng thở buồn, tê tái như hơi thở của rừng già heo hút.

LÊ MAI
p 703 – N5A khu đô thị Trung hoà Nhân chính phường Nhân chính  
quận Thanh xuân- Hà nội 
đt : 0422153125

READ MORE - MẶT TRỜI XANH - Truyện ngắn của Lê Mai

CHÙM THƠ HOÀNG YÊN LYNH




Quẩn Quanh Cũng Chỉ Với Rừng

Ta với rừng - rừng với ta
Tỉ tê suối gọi sương sa lưng đồi
Túp lều vắng ánh trăng soi
Người xưa có nhớ có ta bên đời
Thôi thì năm tháng đầy vơi
Ta con chim lạc lẻ loi cuối trời
Tóc đời cũng đã trắng rơi
Mà tin xuân cứ chơi vơi chốn nào
Nẻo đi mòn gót lao đao
Lối xưa níu gọi nôn nao chốn về
Cuối trời còn có cố quê
Cuối đời ta vẫn đam mê vọng tình
Với vầng trăng cũ chông chênh
Hỏi ai, ai nhớ hỏi mình - thôi quên...


Ra Phố

Đi ra phố ngóng người dưng
May ra còn một chút tình thế nhân
Ngược xuôi lấm bụi phong trần
Cố tri cũng chẳng,nợ nần cũng không
Đời không nên cũng nhẹ lòng
Mới hay dâu bể ai lường đổi thay
Ai người tỉnh ai người say
Lầm trong quá khứ đắng cay với người
Ra phố tìm giấc mơ thôi

Ơi tình ơi bạn... biết người tri âm...

                       Hoàng Yên Linh


READ MORE - CHÙM THƠ HOÀNG YÊN LYNH

TÍNH CÁCH CỦA ... ỚT - Phạm Xuân Hùng



Hình từ Internet


Tính cách của ... ớt!

 Phạm Xuân Hùng

Folklore hiện đại kể rằng ở một đô thị lớn nhất nhì trong nước xảy ra vụ tai nạn giao thông khủng khiếp. Người bị tai nạn không có giấy tờ tùy thân nên không xác định được danh tính. Do vậy trước khi khâm liệm, chôn cất người ta mời pháp y giám định để hòng tìm ra mạnh mối. Bác sĩ pháp y sau khi mổ và xem xét nội tạng đã khẳng định như đinh đóng cột rằng người bị nạn quê ở Quảng Trị bởi biên bản ghi rõ: Ruột của nạn nhân chỉ toàn là ớt.

Chuyện khác nữa kể rằng: Một chị quê ở Quảng Trị đưa con nhỏ ra theo học một ngành gì đó ở thủ đô. Trường mẫu giáo đạt chuẩn quốc gia nhưng các cô giáo chẳng làm sao dỗ được đứa bé ăn uống mặc dù cháu đang ở độ tuổi ăn dặm, bú dặm. Đến khi hỏi phụ huynh thì chị quê Quảng Trị điềm nhiên bảo: Nhờ các cô khi pha sữa hoặc khuấy bột cho nhiều nhiều ớt vào cháu mới ăn.

Đó là hai trong số rất nhiều câu chuyện dân gian hài hước mà nội dung đều nói rằng người Quảng Trị ăn cay, cay đến mức… khủng khiếp. Tại sao lại ăn cay, ăn cay có nghĩa là ăn nhiều ớt, vậy thì liệu có hình thành một tính cách ớt của người Quảng Trị không? Tôi nghĩ đây cũng là một vấn đề thú vị.

Nhân loại từ khi có lửa, đã biết tìm cách chế biến, nấu nướng thức ăn. Ăn không chỉ để no mà còn để đưa dưỡng chất cần thiết vào cơ thể nên cùng với nguyên vật liệu chính người ta phải nêm nếm vào đó nhiều thứ. Hẳn nhiên, đầu tiên là muối. Cơ thể mà thiếu muối thì bải hoải, da dẻ bủng beo rồi phù thủng mà chết. Sau đó, người ta nhận ra rằng ăn không chỉ để no mà còn phải ăn ngon. Thế là sau muối người  ta phải thêm vào thức ăn nhiều thứ tạo vị thơm, ngọt, chua, cay như đường, dấm, ớt, hồ tiêu…

Nghĩa là khi con người biết ăn ngon thì gia vị bắt đầu lên ngôi. Nhưng ớt có từ bao giờ và nguồn gốc từ đâu? Theo tài liệu mới nhất của một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế, trong đó có nhà khảo cổ học Scott Raymond của Canada sau khi phân tích hóa thạch tinh bột trên những mảnh đá dùng để đâm hạt ớt cổ nhất từ trước đến nay đã đi đến kết luận rằng các hạt ớt cổ nhất có niên đại đến….6.000 năm.

Và căn cứ vào địa điểm thu mẫu vật hóa thạch cùng những nghiên cứu liên quan, các nhà khoa học cho rằng, khác với điều người ta nhầm tưởng xưa nay là tổ tiên của các nền văn minh lớn ở vùng cao như người Inca, người Aztec là những người đầu tiên trồng ớt, bằng chứng cho thấy ngược lại, cây ớt trồng có nguồn gốc từ miền nhiệt đới và vùng thấp thuộc châu Mỹ La tinh.

Tôi cũng thành thật nói rằng không phải vì tôi là người Quảng Trị mà cho rằng tính cách ớt thuộc về người Quảng Trị. Mà thôi, chuyện cũng dông dài, xin được trải lòng với bạn đọc sau. Nhưng trước hết, xin được thưa rằng, cả nước ăn ớt, cả miền Trung ăn ớt chứ không riêng người Quảng Trị. Nhưng rõ ràng, người miền Trung ăn cay nhiều nhất và nổi tiếng ăn cay hơn cả. Người miền Trung cũng là cách nói chung chung chứ tình thực, theo tôi, hay ăn ớt nhất cũng chỉ có người Quảng Trị, người Huế và người Quảng Nam, nhưng cách ăn thì mỗi nơi mỗi khác.

Người xứ Quảng hay dùng loại ớt xanh, thơm nhưng ít cay. Người Quảng cũng không ăn ớt tràn lan, chỉ một vài món đặc sản như mỳ Quảng kèm theo trái ớt xanh, ớt xanh vài miếng thả vào nước chấm dùng cho món bánh tráng cuốn thịt heo… Người Huế thì ăn ớt không chỉ là gia vị mà còn là chất liệu để trang trí mang tính mỹ cảm. Vì là chất liệu trang trí nên cái sự ăn nặng về thị giác.

Tô bún bò Huế bên cạnh màu trắng nà nõn của sợi bún, lớp màu mỡ màng của nước dùng, những cọng hành, rau thơm xanh non còn phải có nhứng lát ớt màu đỏ điểm xuyết. Hay như bánh bột lọc sau khi luộc xong người ta phi hành xóc đều cho lá hành thấm dầu bám vào từng chiếc bánh. Khi bày bánh ra dĩa, màu bánh trắng trong nhìn rõ nhân tôm màu đỏ, lá hành dính xung quanh thì nhất thiết phải có ớt xanh xắt lát rải lên làm mặt.

Nhìn cứ như tranh. Đại loại kiểu ăn của người Huế với nền văn hóa ẩm thực cao là thế. Còn người Quảng Trị ăn ớt thì khác với người xứ Quảng và đất thần kinh. Người Quảng Trị cũng dùng ớt làm chất liệu bày biện món ăn nhưng không nặng về trình bày, ăn ớt thì nhất quyết phải lấy sự cay làm trọng!

Vâng, đã quan trọng cái sự cay thì ớt phải… cay. Muốn có ớt cay thì phải tìm giống ớt cay để trồng. Người nhà quê không như thành thị, đất đai trồng hái thì khỏi phải lo, về quan hệ thì xóm trên có một người đỏ mắt cả xóm trên dưới đều hay. Nên chi nhà nào có giống ớt ngon, thơm, cay bao giờ cũng chọn vài trái để già héo trên cây, đặng làm giống, đặng đem cho hàng xóm. Cây ớt và giống ớt cay vì thế mà được nhân bản khắp nơi, từ làng này sang làng khác.

Về khoa học, tôi nhớ đọc đâu đó tài liệu cho rằng người ta đã lập bảng chia độ cay của từng loại ớt, độ cay cũng tính như độ cồn trong bia rượu, độ đạm trong nước mắm. Nghĩa là độ càng cao thì ớt càng cay. Tôi cũng không rõ các giống ớt cay của Quảng Trị thì bao nhiêu độ nhưng quả thật là có nhiều loại ớt đạt đến độ cay… khủng khiếp.

Xét độ cay từ thấp lên cao thì nhóm cuối bảng có ớt sừng (giống ớt xanh), ớt sáp, ớt chìa vôi, ớt kiểng… Loại này thường chỉ dùng để bày biện hoặc gia giảm vào các món ăn cho trẻ để tập chúng ăn cay. Cay hơn một chút là giống ớt đỏ, ớt chỉ thiên. Nhóm này thường trực trong các món ăn và được trồng phổ biến ở vùng quê.

Thuộc hàng “top” thì phải kể đến hai loại đó là ớt mọi và ớt de. Ớt mọi là ớt được đồng bào dân tộc vùng cao trồng sau đó di thực về vùng xuôi, loại ớt này cay đáo để, trái nhỏ bằng đầu đũa nhưng chỉ nửa trái cũng đủ làm bát nước mắm cay xè. Ớt de còn độc đáo hơn, trái chỉ lớn hơn hạt lúa một chút, nhưng cay thì tàn khốc.

Người không quen ăn cay thấy trái nhỏ tưởng bở ăn liền một miếng thì sau đó nhịn đói luôn vì mồm miệng bỏng rát. Giống ớt trồng qua mấy vụ thì thường thoái hóa, ít cay hơn. Để kiếm hạt giống người ta phải nhờ vào chim, nhất là loại vẹt. Những loại chim ăn ớt thường rất khôn, chỉ chọn loại ớt cay và những trái ớt chín đạt đến độ cay nhất. Nhờ vậy, người ta tìm phân của những con chim ăn ớt sau đó về rửa, đãi sạch lấy hạt giống về trồng. Cũng nói thêm, loại ớt này ngày xưa được bộ đội Trường Sơn gọi là ớt đại đội vì cho rằng chỉ cần một trái là đủ cho một đại đội dùng bữa (nghĩa là người ta không cần cắn, mỗi người chỉ quẹt trái ớt ngang lưỡi thì đủ cay cho cả bữa ăn!).

Người Quảng Trị ăn ớt cay nhưng không chỉ ăn ớt sống theo kiểu nhai ngang mà còn chế biến nhiều loại thức ăn. Cay thường đi với mặn. Món kết hợp cay mặn đó là muốn trắng giã với ớt, nước mắm xắt ớt thật nhiều và ruốc hấp trộn với ớt giả nhỏ. Cả ba loại trên vừa dễ chế biến, vừa hợp với gia cảnh thanh bần, ăn uống không cầu kỳ chỉ cần đưa cơm là được. Sang hơn một chút, trong các bữa ăn chính qui là cá kho ớt, thịt xào ớt. Cá kho ớt thì lượng ớt bỏ vào có khi bằng lượng cá.

Những loại cá kho ngon như cá biển (thu, ngừ, nục…) khi nấu người ta để nguyên hoặc bẻ đôi từng trái ớt thả vào. Kho càng lâu, vị thơm cay thấm vào cá, nước cá kho sánh lại quyện từng hạt ớt, nước này dùng để ăn cơm nóng hoặc bún thì quên cả trời đất. Đặc biệt trong các bữa ăn người ta rất quan tâm đến bát nước chấm.

Nước chấm dùng cho rau luộc, thịt luộc đều phải giã ớt tỏi thật nhiều, khi chấm da ớt và hạt ớt dính theo gắp rau, lát thịt mới gọi là đáo khẩu. Nhưng có lẽ trong các món ăn thì món mắm ớt mới thực sự độc nhất vô nhị. Ớt tươi sau thu hoạch đem rửa sạch phơi heo héo rồi xếp thành lớp trong vại giống như muối cà, giữa hai lớp là một lớp muối mỏng.

Đậy kín lại cất vào xó bếp vài tháng sau đem ra là đã có món mắm ớt. Lúc này vị muối hút nước trong quả ớt tạo thành thứ tương ớt cay xè và mặn mòi. Còn quả ớt sau khi rút nước teo lại đưa lên răng cắn nghe giòn tan, rất đã.

Nói chung, mùa nào thức nấy, nhưng với người Quảng Trị các bữa ăn quanh năm đều phải có ớt. Mùa thu hoạch ớt đại trà hoặc nhà nào có trồng vài cây ớt chỉ thiên ra quả quanh năm thì đến bữa trên mâm chí ít cũng phải có nắm ớt không dưới mươi quả. Mùa đông trời lạnh, cây cối nghỉ ngơi đã có hũ mắm ớt để dành. Không có ớt tươi hay mắm ớt người ta dùng ớt khô nguyên trái hoặc ớt bột cho vào thức ăn. Người lớn ăn cay, trẻ em cũng ăn cay, đứa nào chưa ăn được thì cũng phải ăn cho quen dần không thôi nhịn đói.

Ăn ớt nhiều nên người Quảng Trị chỉ nhìn trái ớt dù là ớt xanh cũng biết là ớt non hay ớt già, cay hay không cay. Ớt xanh non có màu xanh trong, ớt xanh già có màu xanh thẩm hơn, cuống ớt rụng bao xòe ra. Ớt non ngửi bên noài có mùi hăng của quả non, ớt già thì vị cay như chui ra khỏi vỏ xộc vào mũi.

Nói chuyện ớt đã nhiều bây giờ thì xin nói về tính cách ớt của người Quảng Trị. Tôi xin thử nêu mấy điểm trong tính cách của người Quảng Trị lên quan đến ớt.

Thứ nhất là đức tính chịu khó. Theo tôi, tập ăn cay buổi đầu phải chịu khó, trẻ em muốn ăn cùng thức ăn người lớn chẳng dễ dàng, cũng phải năm lần bảy lượt toát mồ hôi, long óc mới nuốt được miếng ớt. Lâu dần tính chịu khó ngấm vô người trở thành phản ứng tự nhiên lúc nào không hay. Dĩ nhiên đã chịu khó thì sẽ tình cách vượt khó, vượt khổ. Người Quảng Trị theo tôi có tính cách này.

Thứ hai là sống đơn gian, đạm bạc. Khi xưa nhà tôi nghèo, cả làng cũng vậy, nghèo lắm. Bữa ăn chẳng có gì ngoài mớ cá nhỏ bắt ở khe, trái khế trong vườn, đọt môn sau giếng. Nhưng bữa ăn nào cũng thấy ngon nhờ có ớt. Ớt như thứ doping kích thích người ta ăn xong bữa. Lâu dần thành nếp sống đơn giản, đạm bạc.
Thứ ba là giỏi nín nhịn và hay nổi nóng. Nghe có vẻ đối lập nhưng biện chứng. Ăn cay phải chịu khó, trên chịu khó là nín nhịn nhưng nhiều khi cay quá phải hít hà, phải nổi nóng. Từ nhỏ đã vậy lớn lên khắc thành tính cách.

Thứ nữa, nhiều lắm, cả xấu lẫn tốt, chẳng hạn: Thủy chung với bạn bè nhưng lại hay cà khịa, miệng nói tay làm nhưng hay nói trạng, chịu khó học hành, học giỏi nhưng cũng hay khoe chữ, cao ngạo… Tất cả nếu phân tích thấu đáo hẳn ít nhiều cũng liên quan đến ớt.

Viết đến đây nghĩ cũng hòm hòm về chuyện người Quảng Trị với ớt. Định nói thêm một câu kết luận rằng người Quảng Trị có tính cách… ớt, nhưng thôi. Nói dài, nói dai là nói dại. Với lại, kết luận như thế chắc có người xứ khác không đồng tình, bảo rằng tôi nói lấy được, nói trạng.

Biết làm sao được, cái nói lấy được, nói trạng của tôi cũng bởi tôi là người Quảng Trị. Một người Quảng Trị ăn ớt.

P.X.H


READ MORE - TÍNH CÁCH CỦA ... ỚT - Phạm Xuân Hùng