Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, April 7, 2017

KHẮC SÂU HÌNH BÓNG QUÊ NHÀ... - Nam Phan





KHẮC SÂU HÌNH BÓNG QUÊ NHÀ...

Phan Nam giới thiệu sách NẮNG VƯỜN XƯA của Đinh Vũ Ngọc và RỒI LẺ LOI NHƯ GIÓ của Hồ Huy Sơn.




1. “Nắng vườn xưa” là tập thơ Đường luật vừa mới được NXB Dân Trí ấn hành đầu năm 2017 của tác giả Đinh Vũ Ngọc (1935 - 2014), tập thơ được xuất bản với số lượng 1000 cuốn. Thơ Đường là thể thơ cổ hiện được giảng dạy chính thức trong nhà trường phổ thông, thế nhưng hiện nay trên thi đàn rất ít người mặn mà chọn thể thơ này để ra mắt. Việc cho ra đời tập thơ “Nắng vườn xưa” là tâm huyết của nhà văn Đinh Lê Vũ dành cho người cha quá cố của mình, nhà thơ Đinh Vũ Ngọc, tác giả của “nắng vườn xưa”. Và đặc biệt hơn khi đọc tập thơ này, những độc giả trẻ sẽ cảm nhận rõ hơn và sâu sắc hơn về cố hương trong vần thơ đầy mộc mạc nhưng cũng ẩn chứa nhiều nét “duyên” với tình cảm ngọt ngào đằm thắm. Những dòng thơ mềm mại uyển chuyển đã chạm vào trái tim người đọc để rồi khi cầm cuốn sách khó lòng mà đặt xuống, bởi vì trái tim khắc ghi tấm lòng của người muôn năm cũ, dù đã đi xa nhưng vẫn để lại con cháu tấm lòng son sắt với đời, với thi ca. Trong thơ Đường, rất khó để tìm những hình ảnh mới, cách thể hiện mới nhưng thông qua niêm luật chặt chẽ, độc giả vẫn có thể tìm thấy “đường cong” tuyệt mỹ của thi ca. Khi đọc tập thơ, tôi rất thích bài thơ “chiếc áo dài Việt Nam”: Chiếc áo quê hương dáng thướt tha/ Non sông gấm vóc mở đôi tà/ Tà bên Đông Hải lung linh sóng/ Tà phía Trường Sơn rực rỡ hoa...
Chỉ qua bốn dòng thơ thôi, ta đã thấy thi nhãn rất tinh tế của tác giả Đinh Vũ Ngọc, khi tác giả tìm được cái hữu ý và hồn cốt đất nước trên tà áo dài truyền thống. Chỉ cần qua hai câu thơ “tà bên Đông Hải lung linh sóng/ tà phía Trường Sơn rực rỡ hoa”, tác giả mở ra một khoảng không gian mênh mông bát ngát vô cùng tận trên quê hương “rừng vàng biển bạc”, đã nuôi sống biết bao thế hệ cha ông trong công cuộc xây dựng và giữ gìn đất nước. Qua hơn 90 bài thơ được gói ghém trong một tập thơ mỏng chỉ 100 trang in, nhưng đôi với tôi đây là thi phẩm rất đáng đọc và khám phá, bởi vì khi độc giả buộc phải đọc chậm rãi từng bài một để cảm nhận hết cái hay, cái tinh tế và đặc biệt là sự chiêm nghiệm sâu sắc trong những vần thơ. Một xúc cảm nhẹ nhàng qua từng nhịp, từng cung bậc, từng nấc thang với đầy đủ dư vị, tĩnh lặng và nhẹ nhàng. Cơ hồ như làn nước mùa thu nhưng độ lắng đọng thì phải qua một khoảng thời gian thưởng lãm, đắm chìm mới có thể tìm thấy hết nội dung nhà thơ gửi gắm. Ta cũng có thể cảm nhận hồn cố quận ăn sâu vào mạch thơ của tác giả Đinh Vũ Ngọc để tiếng thơ vang vọng muôn thuở.
Hình bóng quê nhà như ăn vào tiềm thức với những thi phẩm: Về thăm Huế, Hội An mùa mưa lụt, Đỉnh cao Bà Nà, Em đi qua chùa Cầu... Trong bài thơ “Hội An mùa mưa lụt”, tác giả viết: Hội phố bơ vơ hồn phố cổ/ Thu giang trăn trở mộng trường giang/ Nhịp cầu huyền thoại run thân gỗ/ Mộng, thực - hai bờ nối dở dang... Những con người đã trót thương, trót yêu, trót nhớ, trót gắn bó với Hội An chắc có lẽ mọi ngóc ngách phố Hội đều gắn chặt vào từng nhịp đập, hơi thở. Vì thế không ngoa khi nói rằng Hội An muôn đời đều đẹp, kể cả trong cơn lũ quyện đỏ phù sa. Nhẹ nhàng khép lại tập thơ “nắng vườn xưa”, hồn tôi lại một lần nữa rung rinh với những vần thơ sâu lắng viết về Đà Nẵng trong bài thơ “đỉnh cao Bà Nà”:
Đèn chong, Đà Nẵng đêm huyền ảo
Biển thức, Tiên Sa sóng dạt dào
Trước cảnh bao la hùng vĩ đó
Tình yêu đất mẹ lại nao nao.
2. Với một phong cánh sáng tác vô cùng phóng khoáng và hiện đại, tập thơ “Rồi lẻ loi như gió” (NXB hội nhà văn quý I/2016) tập hợp những bài thơ được tác giả Hồ Huy Sơn sáng tác trong khoảng thời gian đã lâu, thế nhưng cảm xúc thì vẫn vẹn nguyên như mới. Tập thơ được chia làm 2 phần rất rõ ràng: “cô đơn trong thế giới loài người” và “tôi là đứa trẻ hư” sẽ đưa độc giả khám phá một bản ngã của tác giả trẻ sinh năm 1985, sinh ra ở miền gió Lào cát trắng Nghệ An, và anh dấn thân vào thi ca như đang uống cạn huyết mạch suối nguồn. Lật mở từng trang thơ ta có thể thấy tác giả hoàn toàn làm chủ con chữ trong sự “vượt thoát” của nỗi cô đơn, trường liên tưởng rộng cộng với sự thành thật khi khai mở cảm xúc đã tạo nên nhiều bất ngờ cho độc giả, đặc biệt sẽ rất thú vị với các độc giả trẻ. Có thể thấy ngay từ bài thơ đầu tiên “ngày chủ nhật” được tác giả sáng tác vào ngày 14.03.2013 gây ấn tượng bởi tầm khái quát cho cả phần đầu của tập thơ, nghĩa là thơ tự vấn tâm hồn tác giả, và nhà thơ đối diện với lòng mình trong nỗi cô đơn đã trào dâng trong mầm mống của sự sáng tạo: vách tường bầy mối trễ nãi/ để mặc xác chữ ốm o/ câu chuyện cổ tích khép lại/ ta tự nhốt mình quá lâu/ trong căn phòng thiếu nắng/ trách sao ý nghĩ lụi tàn... Tác giả tự nhận “ý nghĩ lụi tàn” nhưng khi từ từ đọc và cảm nhận xác chữ hoàn toàn bay bổng trong một không gian mênh mông, tất nhiên là ấn chứa cái tôi cá nhân mãnh liệt của tác giả, đồng thời chính “cái tôi” ấy song hành cùng niềm đam mê và sáng tạo. Trong bài thơ “là lúc thơ tức nước vỡ bờ”, tác giả viết: thơ sống lại rồi!/ người ta xúm quanh/ “sao mà dại dột?”/ nhưng thơ im lặng/ hồ huy sơn cũng im lặng/ cái tên đành viết thường không chỉ ẩn chứa nỗi niềm cô đơn dằng vặc của một người làm thơ trẻ và nỗi buồn vùng vẫy khiến họ khao khát thoát khỏi cô đơn đang bủa vây khi khi đối diện với thi ca. Trong phần đầu tập thơ, tác giả có chủ ý đi tìm sức sống và sự tồn tại của thi ca trong đời sống xô bồ ngày nay, khi họ lên tiếng chính là bản lĩnh và trách nhiệm của người cầm bút. Và tất nhiên, trong dòng chảy của thời sự, có những dòng thơ bao dung rất lạ, nhường chỗ cảm xúc dâng trào:
Đường vẫn dài tít tắp
Tôi lẫn với hoàng hôn
Rồi lẻ loi như gió
Bạt ngàn trong ngày buồn
                        (Phía Bắc)
Làm sao biết gió lẻ loi, chắc có lẽ chỉ có mình tâm hồn tinh tế của thi sĩ mới tỏ tường, khi đường về vắng bóng giai nhân, những ngày tháng lạc nhau phải cần dùng đến “la bàn” để định vị. Thi ca không chỉ là cái duyên, cái nặng, cái nợ, cái nghiệp... mà còn là cái tình. Cái tình hiện diện rõ ràng trong giây phút “giãi bày”: thông thênh một nẻo về/ anh muốn được cùng em đi trên con đường dậy hương hoa sữa/ chúng mình rất yêu mùa thu/ cả anh và em đều tan ra trong mùi hương dịu ngọt/ bất chất những con gió lùa, thật thi vị, lãng mạng và trong veo như cơn gió len lỏi qua mái nhà mang theo hương hoa nồng nàn để rồi trao nhau nụ hôn đầu tiên. Rồi “ô cửa” mở ra và cũng chính từ đây khơi nguồn tư tưởng cho mạch thơ ở phần sau của tập thơ, tôi nghĩ đây là những câu thơ vô cùng độc đáo và đáng trân trọng: chúng ta đi ra từ cửa mình của mẹ/ rồi mắc kẹt giữa nhân gian/ với muôn vàn ô cửa... Trong phần hai “tôi là đứa trẻ hư” gồm 14 bài thơ với nhiều phân khúc về quê hương. Tác giả quay về nguồn cội với biết bao trăn trở, hoài niệm và dâng trào trong đó nổi bật là tình yêu sắt son với Tổ Quốc “rất thiêng liêng và đáng tự hào”. Tác giả nhớ về cánh đồng “xấp xõa cánh trắng”, ở nơi đó có “những giọt mồ hôi của cha đổ xuống/ tong tóc đường cày ban trưa”, và giấc mơ của đứa con: “ước/ vết chân chim thôi hằn lên vết mẹ/ ngày cuối năm không có người tới nhà đòi nợ/ mẹ về già cuộc sống ấm no”. Tác giả tự nhận mình là “đứa trẻ hư” nhưng khát khao về cánh đồng quê hương chưa bao giờ nguội tắt, phải chăng chính điều đó đã làm nên tên tuổi Hồ Huy Sơn trên thi đàn? Và còn nhiều, nhiều nữa nhưng điều đặc biệt khác trong tập thơ “rồi lẻ loi như gió”, tôi nghĩ đây không chỉ là cuốn sách dành cho người yêu thơ.
Đà Nẵng, tháng 04.2017
PHAN NAM.


--------------------------------------------------------
Tác giả: Phan Văn Nam, bút danh: Phan Nam.
Phone: 01686 642 109
Địa chỉ: Tổ 29, thôn Thanh Bôi, xã Tiên Châu, huyện Tiên Phước, Quảng Nam

READ MORE - KHẮC SÂU HÌNH BÓNG QUÊ NHÀ... - Nam Phan

TIÊU CHÍ 4: THỂ THƠ (PHẦN I) - Phạm Đức Nhì



TIÊU CHÍ 4: THỂ THƠ (PHẦN I) 

Làm thơ, có người chuyên về một thể loại; thí dụ: lục bát. Có người thể thơ nào cũng “thử” một đôi bài nhưng khi cao hứng gặp được tứ thơ hay thì sẽ chọn thể thơ mình thích nhất. Đọc thơ, tôi thường nghe những câu đại loại như “Tạng tôi không hợp với thơ ‘ông này’ mà gần với thơ ‘bà kia’ hơn.” 

Khi mới tập làm thơ thầy giáo dạy Việt Văn, khi được hỏi ý kiến nên chọn thể thơ nào, đã cho tôi lời khuyên: “Thấy thích, hợp thể thơ nào thì cứ chọn thể thơ đó. Có thích, có tự tin thì làm thơ mới hay. Hơn nữa, đó là quyền tự do của thi sĩ”. Sau này góp nhặt thông tin từ các bài bình thơ, các cuộc tranh luận về thơ, cộng với kinh nghiệm làm thơ của chính mình tôi đi đến kết luận:

Trên trang thơ của mình, đồng ý, thi sĩ là vua, có toàn quyền quyết định mọi thứ, nhưng đối với thể thơ, nếu cứ lẽo đẽo ở phía sau, không vươn lên cùng thời đại thì chính thi sĩ sẽ không được hưởng cái thoải mái tự do khi phóng bút mà bài thơ khi xuất xưởng sẽ bị giới thưởng ngoạn nhìn với đôi mắt thiếu thiện cảm. 

1/ Song Thất Lục Bát 

Đây là thể thơ truyền thống, một thời được bà Đoàn Thị Điểm dùng để dịch Chinh Phụ Ngâm từ chữ Hán sang chữ Nôm và được người đời khen ngợi là nhiều câu, nhiều đoạn “bản dịch còn hay hơn bản chính”. Nhưng cho đến bây giờ thể thơ STLB rất ít được dùng, có lẽ đang trên đường đi đến chỗ tuyệt chủng. Có người cho rằng thể thơ này tạo ra quá nhiều vần, vừa yêu vận, vừa cước vận; nếu bài thơ hơi dài một tý thì hội chứng nhàm chán vần rất nặng nề, đọc lên nghe rất … ầu ơ. Vì thế nếu ở thời điểm này thi sĩ nào chọn STLB để làm thơ thì bài thơ sẽ có nhiều cơ hội yểu tử. Ở cương vị người bình thơ, nếu gặp thơ song thất lục bát thì dù không muốn phụ rẫy nàng Thơ, cũng đành phải ngoảnh mặt làm ngơ. 

2/ Đường Luật 

Đường luật thất ngôn bát cú là một thể thơ có nhiều nguyên tắc khắt khe; vần đối niêm luật với những trói buộc của nó khiến thi sĩ luôn phải xoay ngang trở dọc đối phó nên ít có cơ hội chăm chút cho phần cảm xúc, hồn thơ. Dĩ nhiên, năm thì mười họa cũng có những bài thơ hay, nhưng ngay cả những bài thơ hay đó cũng có vẻ khô cứng so với thơ đương đại. 

Giờ đây Nàng Thơ đã có bộ mặt mới. Các thi sĩ đã cố công tìm tòi, thể nghiệm nhiều thể thơ “mới”, sao cho vừa giữ được vị ngọt của thơ ca, vừa cởi trói cho người làm thơ khỏi những luật lệ quá khắt khe, gò bó. Đâu là thể thơ tối ưu của thi ca đương đại? Công cuộc chọn lựa, tranh cãi còn chưa ngã ngũ. Nhưng chắc chắn đã có rất nhiều thể thơ, ở mức độ khác nhau, cho phép người làm thơ thời nay được thoải mái hơn, tự do hơn, thể hiện tứ thơ của mình, và nhờ đó, có thể dễ dàng đưa cảm xúc của mình, thả tâm hồn của mình vào thơ. 

Thơ Đường luật bỗng trở thành cô gái lỡ thì, thân hình khô cứng lại kênh kiệu, khó tính, bị những chàng trai trẻ ngoảnh mặt làm ngơ. Họ nhìn về hướng khác để tìm những cô gái đang xuân, vóc dáng, trang phục hợp thời hơn, hấp dẫn hơn, tính tình cởi mở hơn, gần gũi hơn với cái “gu” thẩm mỹ của thời đại mới. 

Đối với những vị chuộng thơ Đường luật, đã “quen” với thơ Đường luật, thích thù tạc xướng họa thơ Đường luật, thì chẳng việc gì mà phải từ bỏ cái thú vui tao nhã ấy. Xin cứ tiếp tục làm thơ để góp cho đời những bông hoa tươi đẹp. Xin cứ tiếp tục đọc thơ Đường luật để thưởng thức những cảm nghĩ, những rung động nhẹ nhàng, thanh thoát của người xưa. 

Những quý vị làm thơ Đường luật, theo tôi, như võ sĩ lên võ đài, rất ương ngạnh và oai hùng, chấp nhận chịu trói cả 2 tay, 2 chân để đấu với đối thủ. Khi bị bươu đầu sứt trán, hoặc nằm thẳng cẳng đo ván thì (dù không nói ra) thường cho là tại bị gò bó, trói buộc. Những quý vị đó quên rằng chính họ đã tình nguyện lên võ đài với tư thế ấy. 

Riêng tôi, nếu gặp thơ Đường Luật, “đọc thì cứ đọc nhưng bình thì không” 

3/ Lục bát 

Lục bát, cho đến khi tôi viết những dòng chữ này, có thể nói, là thể thơ “trẻ mãi không già”, rất thích hợp để chuyển tải tâm trạng, cảm xúc nhẹ nhàng nhưng thâm thúy, ý nhị. Non tay, thi sĩ sẽ đẻ ra những bài lục bát nếu không à ơi như vè thì cũng tẻ nhạt, không gây chút ấn tượng nào cho người đọc. Nhưng bên cạnh vô số những bài lục bát nhạt nhẽo, mờ nhạt lặng lẽ đi vào quên lãng ấy thỉnh thoảng vẫn có những bài xuất sắc. Nhờ đặc tính “trẻ mãi không già” đó lục bát, dù được xếp vào loại thể thơ truyền thống, không bị chi phối bởi luật đào thải trong tiến trình vận động của thi ca. 

Lục bát sử dụng cả yêu vận lẫn cước vận nên nếu bài thơ hơi dài (khoảng trên 20 câu) mà tình tiết không liên tục hấp dẫn thì đọc sẽ … ngán. Với thơ lục bát hội chứng nhàm chán vần luôn luôn rình rập, sơ hở một tý là “ầu ơ” ngay. 

Gặp thơ lục bát tôi thường đọc lớn để nghe độ ngân, độ vang vọng của nhạc trong thơ. Nếu nhạc đơn điệu, tẻ nhạt mà tứ thơ không đặc sắc, tình tiết không lôi cuốn thì cho qua. Nếu bài lục bát ngắn, nên đọc chậm để khám phá ý tứ thâm trầm, sâu lắng. Nếu bài thơ trung bình (khoảng 20 câu) mà đọc hết cũng chưa thấy ngán thì nên đọc lại – bài thơ chắc chắn có “cái gì đó” đặc biệt. Hoặc là tứ thơ hay, tình tiết hấp dẫn, hoặc là cảm xúc dạt dào, nóng bỏng. Nếu bài lục bát quá dài thì khoảng từ câu thứ 20 trở đi, giọng ầu ơ đã xuất hiện, càng về cuối đọc càng ngán. 


Tóm lại, lục bát, do hình thức của thể thơ, có độ ngọt rất cao. Bài thơ có hội chứng nhàm chán vần hay không? Câu trả lời sẽ cho phép người bình thơ nâng hoặc giảm giá trị bài thơ một cách đáng kể.

PĐN
READ MORE - TIÊU CHÍ 4: THỂ THƠ (PHẦN I) - Phạm Đức Nhì

NGÀY VẮNG VÕ XUÂN HUY - Phạm Xuân Dũng



Họa sĩ Võ Xuân Huy

NGÀY VẮNG VÕ XUÂN HUY
Phạm Xuân Dũng

Tôi có việc nhà phải ở lại Huế. Gần 5 giờ sáng đã tỉnh ngủ. Chợt nhận tin nhắn của nhà thơ Võ Văn Luyến ở Quảng Trị : “Họa sĩ Võ Xuân Huy mất rồi”. Lạ thật, nhớ lại cảm giác lúc ấy tôi bàng hoàng nhưng lại không quá bất ngờ. Hình như điều này đã lẩn khuất đâu đó trong linh cảm của mình. Tôi ngồi lặng, không khóc nhưng nước mắt cứ ứa ra. Đau nhói!

Tôi chuyển tiếp tin nhắn của anh Luyến một cách vô thức cho anh em bạn bè ở các nơi. Trần Tuấn từ Đà Nẵng thảng thốt kêu lên: “Vì sao như vậy Dũng ơi?!”  Xuân Hùng nói trong điện thoại: “Răng rứa, có biết vì răng không?” còn Lê Đức Dục (Báo Tuổi Trẻ) thì hỏi cớ sao Huy chết, rồi cho biết đang đi công tác ở Hà Giang, sẽ thu xếp để về gấp. Nguyễn Hoàn (PGĐ Sở Thông tin truyền thông Quảng Trị) từ Quảng Trị gọi vào hỏi chuyện… Ai nấy rã rời! Cái chết của Huy khiến nhiều bạn hữu bấn loạn. Minh Tự (Báo Tuổi Trẻ) kể mới gặp Huy hôm mồng 5 tết. Tự và Huy lên chùa Huyền Không mang theo nhiều tâm sự. Tưởng vẫn còn gặp lại. Vậy nhưng Huy đã không từ mà biệt. Vẫn thấy bất ngờ và chua xót. Cứ tưởng làm quan thì lắm khi mình không được là chính mình, ai hay nghệ sĩ cũng đa đoan thân bất do kỷ, phải không Huy?!

Minh Tự chạy vội sang nhà Huy ở Thành Nội Huế. Còn tôi cũng chạy theo việc của mình cho đến chiều gặp anh em Đà Nẵng: Nhà thơ Lê Diễn, Trần Tuấn (Báo Tiền Phong), Xuân Hùng và Huy Kha (VTV Đà Nẵng), Lê Trung Việt (Báo Phụ nữ TP HCM), Phan Bùi Bảo Thy (Báo An ninh thế giới) ở một quán nhậu. Lát sau có thêm Bùi Ngọc Long (Báo Thanh Niên) và Lê Chung một chàng trai trẻ măng Báo Gia đình và xã hội, người mới gặp Võ Xuân Huy một lần ở quán cà phê cũng chạy đến chia buồn. Chung lại lật đật, hỏi vội vàng: “Răng rứa anh, răng mau rứa anh?” Anh Huấn VTV Huế cầm theo chai rượu đến quán ngồi thừ ra rồi kể chuyện Võ Xuân Huy. Một lúc có thêm hai anh em sinh đôi họa sĩ Thanh-Hải cũng có mặt. “Cặp đôi hoàn hảo” này ngày thường hoạt náo lắm nhưng bây giờ cũng ngồi thẫn thờ thương tiếc.Vậy là trong nhóm họa sĩ Huế tặng tranh cho “Nhịp cầu Hoàng Sa” từ đây khuyết mất một người. Thật lạ, nhưng đã thành lệ, khi có người ra đi thì anh em mới có cơ hội gặp nhau đông đủ và thường chỉ có quán rượu mới chứa hết nỗi niềm. Thì mươi năm nay vẫn vậy, từ Nguyễn Xuân Hoàng (Huế) đến Nguyễn Trung Bình (Quảng Nam) rồi Võ Thìn (Quảng Trị) và nay là Võ Xuân Huy. Cả bàn có đến chục người mà không khí vẫn trầm buồn, nặng trĩu, những cái nhìn ngơ ngác, những chuyện trò rời rạc không đầu không cuối. Chỉ khi nâng ly là ai cũng muốn tự tay mình cụng vào ly bia dành cho Huy ở chính giữa bàn. Mỗi lúc càng thấm thía. Tội nghiệp và thương lắm những thằng đàn ông khi phải ngồi khóc bạn bè.

Gần đến 9 giờ tối , mọi người đã có mặt ở nhà Huy, đem theo hai câu viếng của Xuân Hùng. Ai cũng muốn vô nhìn mặt Huy trước giờ khâm liệm. Anh em ở Quảng Trị như Võ Văn Luyến, Nguyễn Hoàn sau nữa Bùi Huy kiến trúc sư và họa sĩ Hồ Thanh Thoan… cũng đã lần lượt có mặt. Lại những giọt nước mắt đau xót, lại những bàn tay ôm mặt nấc lên, lại những cái lắc đầu quầy quậy không chấp nhận thực tế đắng cay hay sự thật phũ phàng. Nhìn vợ con Huy ở lại, ai nấy lòng như đang bị chà xát muối.

Gần nửa đêm anh em kéo nhau về quán ở đường Hai Bà Trưng (Huế). Lại uống và lần ni thì hát đưa linh Huy cũng như bao lần tiễn biệt anh em bè bạn ra đi. Hát cho người chết thì bài nào cũng buồn, cũng da diết, ngậm ngùi trong tiếng guitare bập bùng ai oán. Mà không buồn sao được khi đã chết đi một người đáng sống như Võ Xuân Huy. Mắt ai nấy đỏ hoe. Trần Tuấn thì nấc lên từng cơn rồi gục đầu thê thiết. Hai giờ sáng, mọi người thất thểu về phòng trọ khi hồn xác rã rời.

Võ Xuân Huy là một họa sĩ tài năng, điều này đã hẳn, nhưng điều tôi muốn nhấn mạnh, anh còn là một trí thức đích thực. Có lần trò chuyện, tôi nhắc lại ý một nhà văn nước ngoài: trí thức có thể không phải là nghệ sĩ nhưng nghệ sĩ nhất thiết phải là trí thức. Nghe xong Huy có vẻ tâm đắc. Bởi vì chính anh đã có những phẩm giá rất đáng trân trọng của một người có học thực sự: ham đọc sách, trau đồi kiến thức, thích tìm tòi, trăn trở trong sáng tạo nghệ thuật, giữ được cốt cách của mình. Sự đọc của Huy bạn hữu đã biết nhiều. Khi gặp người tương tri, anh có thể cao hứng nói về triết luận Đông, Tây, các trường phái nghệ thuật đương đại hay chuyện cụ thể như văn hào hiện sinh Pháp Jean Paul Sartre bàn về vị trí của trí thức, văn nghệ sĩ trong chế độ xã hội đặc thù…Nhưng Võ Xuân Huy không phải là nhà lập ngôn kinh viện, thích trích dẫn mà anh còn là người dám dấn thân trong nghệ thuật. Những cuộc triễn lãm của anh ở quê nhà Quảng Trị không thôi cũng đã nói lên điều đó. “Ba biến thể của Võ Xuân Huy”, “Thăng hoa: xuống đất gặp trời”…đã đem lại tiếng nói riêng, độc đáo, đó là những thể hiện cá tính nghệ thuật không thể thiếu được đối với một nghệ sĩ có tài. Anh còn ấp ủ nhiều dự định. Nhiều lần anh thổ lộ, rằng nhất định sẽ ra làm một cuộc triển lãm ngay tại cầu Hiền Lương, chiếc cầu lịch sử không chỉ của quê hương Quảng Trị. Đây không chỉ là hoạt động nghệ thuật đơn thuần mà còn là gan ruột của anh dành cho Đất Mẹ. Cũng như anh nhiều lần hứa sẽ đến chơi nhà tôi để dân dã với món lòng heo, rượu gạo, chiếu cói và đàn thùng cùng bầu bạn sum vầy một bữa. Tất cả món nợ ân tình nay đã dang dở, mãi mãi lưng chừng. Tôi và mọi người biết hỏi ai đây, Huy ơi, khi bạn đã không từ mà biệt. Còn chăng một niềm an ủi, Huy đã về với quê nhà yên nghỉ như tên gọi một cuộc trình diễn nghệ thuật của anh : xuống đất gặp trời.



Vậy là tất cả đã qua rồi, qua thật rồi, kể cả sự vĩnh hằng như cái chết của Huy. Những người ở lại vẫn phải sống, hơn thế, phải sống thêm phần của Huy chưa kịp sống. Đừng ai ngả lòng vì Huy không muốn thế và cuộc sống vẫn không ngừng nghỉ theo quy luật của muôn đời vẫn thế. Khi nào nhớ nhau thì xin hãy ngẩng đầu nhìn lên trời xanh và mây trắng. Ở đó vẫn luôn có bạn hữu của mình một sớm ấy ra đi… 

PXD
READ MORE - NGÀY VẮNG VÕ XUÂN HUY - Phạm Xuân Dũng

NHIÊU CHO VỪA ĐỦ - Thơ Trương Thị Thanh Tâm


NHIÊU CHO VỪA ĐỦ 

Đêm mộng mị nghe cuộc tình xa lạ 
Chút duyên thừa sao cứ dán vào tim 
Bao yêu thương chưa đủ để đi tìm 
Chưa gói ghém hay nhiêu cho vừa đủ 

Trời còn xuân, nhưng đêm dài thế kỷ 
Mộng tan rồi nước mắt đã tràn mi 
Tình đã thấm giờ thành kẽ tình si 
Chân hối hả chạy theo dòng bụi phấn 

Con đường xưa vẫn còn nguyên ở đấy 
Mà người đâu đã biền biệt xa khơi 
Tình đã đến dù biết rằng quá vội 
Sẽ dễ tan như bong bóng mà thôi 

Anh đã đến nhưng bước chân quá nhẹ 
Tôi ngỡ rằng chiếc lá mới tàn rơi 
Từng giọt đắng gieo vào lòng tiếc nuối 
Giữ cuộc tình sao khó quá anh ơi!
             Trương Thị Thanh Tâm 
                         Mỹ Tho


READ MORE - NHIÊU CHO VỪA ĐỦ - Thơ Trương Thị Thanh Tâm

GẶP LẠI - Thơ Mặc Phương Tử


GẶP LẠI
Nhớ về ngày ấy.

Ngày ấy,
Cạn chén chơi vơi niềm ảo vọng
Một thoáng trôi về tình khúc phôi pha
Mùa xuân
Thanh âm sắc màu đi qua.


Đời mỗi phương
Nhìn nhau, chừ em ạ!
Về đâu, dòng trôi mênh mông
Như con thuyền sóng vờn bến lạ
Mắt đổi màu ngàn mây xa trông.


...Rồi từ ấy
Quê mình
Củ khoai, củ sắn
Giọt mồ hôi, giọt lệ vơi đầy
Bên miếng ruộng, miếng vườn
Bờ cau, liếp chuối
Thương đời mẹ,
Nghĩ bao đời em lầm lũi
Gió sương năm tháng trĩu vai gầy!


Cố xứ gặp nhau
Tình ta nhớ thuở...
Chạnh lòng bao mùa trăng quê hương
Trăng cũng ngậm ngùi
Như đời viễn mộng.
Cuộc lữ nào không rũ áo phong sương!


Màu xanh hôm nào
Vẫn xanh màu xứ sở
Những điệp khúc truông đời
Đã khuất vội bóng hoàng hôn,
Cả lau sậy cũng vui mùa hội ngộ
Cát bụi bình yên về ngủ bến rêu cồn.


Nay gặp lại em
Thời gian chảy dồn lên mái tóc
Ba mươi năm trước, cuộc tình se tuổi mộng
Điệu đàn mấy nhịp trổi cung xưa
Long đong thuyền cũ
Xuân về bến
Trời quê hương tình mây nước giao mùa.


                               MẶC PHƯƠNG TỬ.

READ MORE - GẶP LẠI - Thơ Mặc Phương Tử

TIỄN ANH - thơ Phan Minh Châu



TIỄN ANH
(Viết cho anh Trần Vạn Hạnh, phó chủ tịch hội thơ ĐƯỜNG LUẬT Phú Yên)

Vừa là bạn, vừa là anh
Sáu mươi bảy tuổi còn xanh nẽo đời
Bao lần gặp thấy anh vui
Câu thơ nhân ái sụt sùi đất quê
Anh như gốc rạ bờ tre
Hiền như trang giấy giữ lề sớm hôm
Ngặt nghèo con bịnh đeo mang
Chứng U ác tính trái gan đổi màu
Da vàng bụng trướng con đau
Vẫn da diết với một bầu túi thơ
Thỏa lòng chưa? Thoả lòng chưa?
Người vừa là bạn người vừa là anh
Mũi lòng con trẻ vây quanh
Vợ hiền côi cút lệ dành xót xa
Anh đi về phía không nhà
Nương theo mấy cỏi ta bà mà đi
Trời buồn mấy buổi phân ly
Anh đi bỏ lại sân si cõi trần
Bao năm khuya sớm tảo tần
Nay đi chưa kịp mấy vần thơ yêu
Gió hay cơn lốc buổi chiều
Mà nghe dậy sóng ít nhiều phong ba
Quanh mình tràn những vòng hoa
Câu thơ phúng điếu ruột rà nghĩa nhân
Tôi từ phố biển xa xăm
Về đây thắp nén nhang trầm tiễn anh
Ta bà dãi đất mênh mông
Về đâu anh hởi? dòng sông thảo hiền....
        PHAN MINH CHÂU
        Nha Trang Khánh Hoà


READ MORE - TIỄN ANH - thơ Phan Minh Châu

CÓ XA QUÊ MỚI THẤY LÒNG THỔN THỨC - thơ Trúc Thanh Tâm


    ( tranh Đinh Cường )

CÓ XA QUÊ
MỚI THẤY LÒNG THỔN THỨC

Tàn phượng già hai đứa mình trốn nắng
Vỉa hè buồn tênh những lúc mưa dầm
Miền Tây đó, một thời tôi đã sống
Em nõn nà nên phố cũng tình thân

Sông mỗi ngày có nước ròng nước lớn
Chỉ lục bình ngơ ngác khóc chiều rơi
Còn con tim nhưng làm người đâu dễ
Luôn thấy mình khác lạ trước gương soi

Đời là thật nhưng tình đời lắc léo
Gạn đục hoài cứ mãi nước cơm vo
Có xa quê mới thấy lòng thổn thức
Chợt nghe thèm bông súng với mắm kho

Mưa nắng đời tôi giấu vào tóc bạc
Tiếng ru xưa mùi rạ cháy đốt đồng
Trăng thôn dã và ánh đèn đô thị
Như lạc loài nhân nghĩa giữa mưa giông

Tôi bắt gặp nỗi buồn còn đâu đó
Xã hội lắm trò khóc mướn thương vay
Vết thương lòng sẽ lấy gì bù đắp
Sau tiếng cười rồi ai sẽ khóc ai!

TRÚC THANH TÂM
(Châu Đốc)


READ MORE - CÓ XA QUÊ MỚI THẤY LÒNG THỔN THỨC - thơ Trúc Thanh Tâm

CHUYỆN CỦA ĐÀN BÀ - Truyện ngắn của Nguyễn Khắc Phước



The Two Sisters, tranh của Mary Stevenson Cassatt


CHUYỆN CỦA ĐÀN BÀ
Truyện ngắn của Nguyễn Khắc Phước

Nhờ chị nhắc đến thằng cha Quân chồng con Huệ, em chợt nhớ đến chuyện này.

Vào một buổi tôí mùa hè năm ngoái, em đang ngồi soạn bài thì có một thằng cha xộc vào nhà hỏi: Có vợ tui ở đây không? Em hỏi: Vợ anh là ai, đến đây có việc chi? Trong bụng em nghĩ chắc là cha mẹ học sinh đến phàn nàn việc gì đó. Thằng cha ấy nói: Tui là Quân, chồng của Huệ, là bạn cùng lớp với chồng của chị, chị không nhớ hả? Em nói: Lâu rồi tui quên. Nhưng vợ anh đến đây có việc chi? Thằng cha ấy hùng hổ: Chị không biết chồng chị đã đeo đuổi vợ tui từ thời học sinh cho đến nay? Họ đã hẹn hò gặp gỡ nhau gần hai chục năm nay, từ hồi chồng chị còn làm ở bệnh viện miền núi. Hồi đó vợ tui lâu lâu lại nói về quê đám giỗ, kỳ thực là lên tận miền núi gặp chồng chị. Hai người đã làm chuyện gì với nhau, có trời biết. Thằng con đầu là con ai, có trời biết. Nhưng chưa hết. Mấy chục năm nay, đêm nào ngủ cũng mớ Quân, Quân. Vài ngày nay nó bỏ đi mất tiêu, không theo chồng chị thì theo ai? Em nổi xung lên,  la hắn: Tên chồng tôi và tên anh giống nhau. Mớ Quân Quân là mớ anh chớ phải mớ chồng tôi đâu? Để tôi nói cho anh nghe. Chuyện mấy người đó ngày xưa yêu nhau là chuyện tình yêu học trò, ai mà không có. Hồi học sinh chính anh cũng yêu đứa nầy đứa nọ, thử hỏi có chuyện gì bậy bạ không? Chồng tôi cũng vậy thôi, tôi tìm hiểu làm gì? Còn hồi chồng tôi làm bác sĩ ở quê vợ anh, giúp đỡ vợ anh thế nào chỉ có anh không biết hoặc biết mà lờ đi, còn tôi và bạn bè trong lớp chồng tôi đều biết hết. Vợ anh hồi đó đau bao tử, mình gầy như con mắm. Anh thì công nhân lương không đủ uống rượu lấy chi mà mua thuốc cho vợ. Nghe nói vậy anh ta nổi xung: Chị đừng có xúc phạm tôi nghe. Bây giờ tôi là phó giám đổc rồi nghe, không thua gì bác sĩ chồng chị đâu nghe. Nghe rồi. Nghe hết trơn rồi. Để tôi kể tiếp cho anh sáng mắt ra. Hồi ấy chồng tôi đã bỏ tiền lương bác sĩ mới ra trường để mua thuốc cho vợ anh uống cho đến khi lành bệnh. Chồng tôi nói hết với tôi. Vợ anh không nói với anh sao? Không hả? Tôi nghe một người bạn cùng lớp với anh nói anh đã kể chuyện này với anh ta mà? Sao hồi ấy anh hiền hậu dễ thương quá vậy, lịch sự quá vậy, mặc dù anh chỉ là công nhân nghèo? Bây giờ anh lên phó giám đốc rồi sao anh mất lịch sự quá vậy? Tự dưng anh xộc vào nhà tôi để kiếm vợ anh. Tôi giữ vợ anh làm gì? Anh ta la lối: Chị đừng có chưởi mắng tôi kiểu đó, nghe chưa? Tôi là chồng, tôi có quyền tìm vợ tôi bất cứ nơi đâu, lôi cổ nó ra để trị tội, trị luôn thằng cha nào quyến rũ vợ tôi, làm tan nát nhà tôi. Em cũng la lối: Anh là đồ ăn cháo đá bát. Chồng tui giúp vợ anh lành bệnh, tui biết và ủng hộ, anh còn không cám ơn, đằng này lại đến đây la lối ỏm tỏi. Chồng tui bây giờ đang tu nghiệp bên Mỹ, anh có muốn thì qua bên ấy mà tìm. Mẹ chồng em lên tiếng: Này cái anh kia, sao anh phó giám đốc mà khờ quá vậy? 
 Nếu vợ anh bỏ anh theo con tôi thì con dâu tôi nó tìm vợ anh để đánh ghen chớ mắc chi lại chứa chấp vợ anh ở đây. Con tôi đã đi Mỹ sáu tháng nay rồi còn vợ anh ở đâu thì ai mà biết. Hay là anh đang âm mưu chuyện gì đây. 


Thằng cha Quân đó hậm hực bỏ đi.

Mấy ngày sau em tới khu bán rau củ trong chợ để hỏi tin về Huệ và cuối cùng tìm được Huệ, thì đúng như bà mẹ chồng em nói, Quân đang âm mưu tìm cách ly dị Huệ bằng cách tung hỏa mù, như người ta nói: Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu đi. Anh ta đang có bồ nhí. Em hỏi Huệ bỏ đi đâu trong mấy ngày đó, nó nói đi tìm con mẹ cầm cái, làm chủ hụi. Đến ngày Huệ hốt hụi thì nó trốn mất tiêu, không có tiền để đưa cho Quân đi công tác. Em nói: Đi công tác thì có tiền của nhà nước chu cấp đầy đủ, chớ mắc chi lại lấy tiền bán rau củ của Huệ để chi? Huệ nói đã bắt được nhiều thư từ của con bồ nhí ấy, hai người định dẫn nhau đi chơi. Chồng Huệ dựng chuyện Huệ đã theo chồng em gần hai chục năm nay và hai đứa con của Huệ không phải là con của hắn. Làm gì có chuyện ấy được. Hồi tụi nó lấy nhau, anh Quân chồng em còn đang học ở Sài Gòn. Tụi em gặp nhau trong ấy và yêu nhau. Tụi em lấy nhau sau khi anh Quân tốt nghiệp và khi chồng em gặp lại Huệ ở miền núi thì nó đã có hai con rồi. Chồng Huệ nói bây giờ hắn có chục bồ nhí cũng không ai làm gì hắn. Bất cứ lúc nào Huệ về trễ là nó cứ hàm hồ cho rằng Huệ đi theo chồng em. Rồi nó đánh đập Huệ. Em nói nêú Huệ đưa cho cho chồng nó bao nhiêu tiền, nó cũng cho con bồ nhí ăn hết. Em bàn với Huệ cứ để cho Quân tự do với con bồ của nó nhưng đừng đưa đồng nào cho Quân hết. Nếu nó đánh đập cứ đến báo với công đoàn và thủ trưởng của cơ quan xong về nhà cha mẹ ở nhờ. Kết quả chị biết sao không? Quân bị con bồ nó lột sạch hết tiền, lại còn bị cơ quan tố cáo tội tham nhũng. Sau đó, bị thuyên chuyển công tác. Bây giờ hả? Hình như tụi nó đã trở lại với nhau.

Có lần trong một đám cưới, chồng Huệ thấy em, có lẽ nó xấu hổ nên bỏ đi nơi khác. Có điều lạ là chồng Huệ giống tên với chồng em. Có lẽ vì anh chàng kia có tên Quân nên Huệ mới lấy.  Cũng có lẽ Huệ chỉ yêu cái tên ấy thôi chứ Huệ chẳng yêu chồng và cái tên ấy đã làm Huệ khổ sở. Và cái anh chàng Quân ấy cũng dấu trong lòng một nỗi đau rằng vợ mình đã yêu một người khác trước khi lấy mình, dù chỉ là một mối tình học trò thơ ngây. Dấu mãi cho đến khi có cơ hội là dựng chuyện để phục thù.

Và không biết em có lỗi gì trong chuyện nầy không?

NKP



READ MORE - CHUYỆN CỦA ĐÀN BÀ - Truyện ngắn của Nguyễn Khắc Phước