Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, April 5, 2017

HƯƠNG TÌNH TRĂNG MƠ - Thơ Nhật Quang





HƯƠNG TÌNH TRĂNG MƠ

Đêm buông vàng ánh trăng ngà
Thềm vương vạt gió lùa tà áo bay
Mơn man nhẹ khúc Thu say
Hương đêm lơi lả ru mây lững lờ

Tim nồng thổn thức, vu vơ
Thuyền trăng êm ả bến mơ...dập dìu
Khẽ khàng vút mảnh hồn phiêu
Chơi vơi tình đắm trái yêu rụng đầy

Đêm sâu ngả bóng trăng gầy
Gió, mây nhấp cạn men ngầy ngậy yêu.

                                        Nhật Quang
                                          (Sài Gòn)

READ MORE - HƯƠNG TÌNH TRĂNG MƠ - Thơ Nhật Quang

CHÙM THƠ CHU VƯƠNG MIỆN



              Nhà thơ Chu Vương Miện


CON SÔNG

Chúng ta theo nhau đến một dòng sông
tắm chung với nhau lần tắm cuối
em bơi ngửa ra giữa dòng rất vội
nước thượng lưu đổ xối xả trên dòng
chúng mình vừa tắm quay lưng
vừa rửa mặt nhìn sông bờ đất lở
sông cũng dở dang người cùng dang dở
bờ sông thì bên lở bên bồi
tình mình bây chừ trắng toát hơn vôi
chỉ có lở không bồi chi cả
tắm xong bước lên mỗi ngườì mỗi ngả
quần áo thắt lưng dầy dép cũ
vất lại trên bờ
thì bây giờ ta lại tự do



BƯỚC TỚI ĐÈO NGANG

chốn đang Nghèo
chênh vênh vách núi đá tai mèo
nhìn lòi con mắt không nhà rợ
trại lính đồn xưa cũng vắng teo

Sông Gianh dưới núi khóc từng ngày
Hứng toàn vạ gió với tai bay
Trịnh Nguyễn hỡi ơi là Trịnh Nguyễn
luỹ Thầy luỹ Trưòng Dục xác ai đây ?

Hai trăm năm nồi da xáo thịt
Hai mươi mốt năm kéo nốt những đoạ đầy 
Xương máu hỡi ơi là xương máu
Thù nào ? Trả mãi đông hay tây ?

Bước tới đèo Ngang nơi Hoành Sơn
Nhìn tới ngó lui dạ căm hờn
Chăm Pa vương quốc giờ quá vãng
chả lẽ chốn này ? nước non Chiêm ?

tổ tiên để lại từng tấc đất
mơi sau ? liệu còn mất hay còn ?


TẠP THI

Người Lào hút thuốc lào
Ngườì Tây hút thuốc lá
Ngườì Cuba hút xì gà
Nhai trầu nhả bã
Hút thuốc phà hơi
Bã rơi xuống đất
Hơi bay lên trời


 TẠP THI

Trong nhạc có nhẻo
Trong cung bậc
Có thuốc rê thuốc lá
Trong âm giai có
Đô và la
Trong bụng anh đói
Nhìn cuốc hoá gà ?

CHU VƯƠNG MIỆN

READ MORE - CHÙM THƠ CHU VƯƠNG MIỆN

THÀNH PHỐ NHỎ CỦA TÔI - Truyện ngắn của Thủy Điền

           
                   Tác giả Thủy Điền




       THÀNH PHỐ NHỎ CỦA TÔI

   Sáng đi làm, chiều tan sở về ngày nào cũng thế, tay trái xách chiếc cặp da, tay phải che cây dù đi ngang qua cái Nghĩa địa lớn của tỉnh gần nhà hắn. Hắn thường hay dừng lại một chút nhìn về phía cây cỗ thụ xa xa trong Nghĩa địa và thầm bảo:  Có lẽ ! Chắc cuối đời, mình phải nằm dưới gốc cây của thành phố nhỏ nầy quá. Và, chắc chắn là như thế.

     Hắn sang Châu Âu nầy đến nay hơn ba mươi bảy năm rồi, được học hành đàng hoàng và có chỗ làm việc nhẹ nhàng như dân bản xứ. Hắn có một bà vợ tây, nhưng không có con cái gì cả. Cuộc sống của hắn rất thoải mái như một người tây thật sự. Nghĩa là hàng ngày chỉ biết đi làm tám tiếng, cuối tuần nghỉ, dẫn vợ du hí nơi đây, nơi đó và hàng năm được nghỉ phép thường niên cũng như những ngày lễ quốc gia hắn đều có một chương trình du lịch xa hẳn hoi. Chính vì thế mà hắn còn tồn tại với bà đầm cho đến khi qua đời. Còn như những anh chàng khác cũng lấy vợ tây và bắt bà Đầm mỗi ngày ngồi trước Tivi xem mấy ông chệt đánh Kung Fu thì hắn cô đơn lâu rồi.

     Năm nay hắn sáu mươi ba tuổi, chỉ còn hai năm nữa là đúng thời điểm hắn được nghỉ hưu. Số thời gian còn lại của cuộc đời sau đó,  hắn có thể làm bất cứ việc gì hắn muốn như: Về quê ở luôn hay đi du lịch vòng quanh thế giới mà vẫn có tiền xài cho đến khi qua đời. Ngược lại hắn không có ý định như thế mà cứ trầm ngâm suy nghĩ đâu đâu, rất nhiều lần bà đầm của hắn rất bực bội, thí điều muốn ly dị hắn. Nhưng bà nghĩ già rồi ai làm thế, đó là điều không nên. Vì bà không thể sống với một con người càng già, càng kỳ hoặc. Không bao giờ biêt nghĩ đến sự sung sướng, hưởng thụ mà toàn là là nghĩ đến cái chết và luôn chọn cho mình một chỗ yên thân thật tốt.

     Một buổi tối cuối tuần, hai vợ chồng đang ngồi ăn buổi ăn chiều muộn, vừa ăn xong. Hắn bảo: Mình nầy ta chọn một ngày nào đó mình sẽ đến thành phố đăng ký mua miếng đất nhỏ trong Nghĩa địa gần nhà để khi tôi qua đời có mà  chôn nhá mình. Bà đứng dậy nổi máu xung thiên quát cho hắn một trận: Ông có điên không? Ông thấy mình nói hơi lố, nên ngồi im lặng, mặc cho bà mắng thế nào thì mắng. Lẽ ra khi nói những điều mà bà không chấp nhận, ông nên dẹp bỏ những ý nghĩ ấy đi. Nhưng không ! Chiều nào vào buổi ăn xong, ông cũng điều bàn đến chuyện ấy. Nghe mãi nhàm tai, bà bỏ mặc. Kệ  ông, ông muốn làm gì thì làm, tùy . Đừng bàn chuyện nầy trước mặt tôi nữa.

     Và, để chìu chồng, một sáng thứ hai, hai ông bà đến Thành phố hỏi và đặt mua miếng đất trong Nghĩa địa, người ta đồng ý và đưa ông bà đến nơi để chọn lựa, ông không cần suy nghĩ rồi chọn ngay dưới gốc cây cỗ thụ mà bấy lâu nay ông hay đứng nhìn nó. Khi đã thỏa thuận giá cả ông chấp nhận và chỉ còn việc chuyển tiền trả vào tài khoản của Thành phố là miếng đất ấy thuộc quyền sở hữu của ông ngay..

     Khi ra về  ông rất là hớn hở, còn bà thì mặt bí xị như cái bánh bao chiều. Ông vừa đi, vừa gợi chuyện, nhưng riêng bà thì vẫn lặng thinh cho đến khi về đến nhà.

     Gần hơn một tháng trời hai vợ chồng chọi nhau như mặt trăng, mặt trời chẳng ai muốn đá động gì đến ai cả. Nhưng thời gian rồi cũng nguội dần đi. Bỗng một hôm bà nhớ lại chuyện cũ và hỏi? Sao ông lại làm thế ông Nhân? Ông vui vẻ trả lời: Tôi đã lấy bà hơn hai mươi lăm năm nay, bà là người sanh đẻ ở tỉnh nầy, cơ duyên tôi từ Việt nam đến đây tỵ nạn, gặp bà cũng ở đây, sống và làm việc trong thành phố lớn nầy và khi mất đi tôi muốn thu mình vào thành phố nhỏ thân yêu nầy để suốt một đời chung thủy với cả hai.

     Thật chuyện gì rồi cũng đến, sau khi nghỉ hưu được một năm, hai ông bà về Việt nam thăm quê được hai lần, rồi bắt đầu ngã bệnh và qua đời giữa một đêm trăng sáng. Để thoả nguyện lòng hắn bà làm y như những gì mà trước đó hắn đã dặn dò. Khi chôn cất Nhân xong bà bảo: Nhân thật là một con người chung thủy và đáng quý trên cõi đời nầy và than thở… còn mình mai mốt sẽ ra sao...!

                                                                             Thủy Điền
                                                                            01-04-2017  

READ MORE - THÀNH PHỐ NHỎ CỦA TÔI - Truyện ngắn của Thủy Điền

NHỚ CHÚ NGUYỄN ĐÌNH - Hồi ký của Lâm Bích Thủy


   
           Từ trái sang: 
           Nhà thơ Nguyễn Đình, Yến Lan, Mịch Quang
           Cậu bé đứng dưới là nhà thơ Lâm Huy Nhuận


NHỚ CHÚ NGUYỄN ĐÌNH

Hồi ức về nhà thơ trào phúng Nguyễn Đình

Nghe nói ngày xửa ngày xưa, chú dạy học tại một Trường Trung học ở thành phố Nha Trang. Chú nghe bạn bè đồn nhà số 12 Phố Chợ, nhà của thi sĩ Quách Tấn, là điểm hẹn văn hóa của giới tri thức trẻ. Lúc đầu, chú đến để nghe các thi sĩ trẻ vịnh thơ Đường. Dần dà chú mê thơ và nơi đây trở nên hấp dẫn chú ;  được gặp gỡ làm quen với nhiều thi sĩ đã ít nhiều có tên tuổi trên văn đàn.

Cũng ở đây, Yến Lan thường từ Bình Định vào giao lưu thi phú cùng bác Q.Tấn. Yến Lan – ba tôi, đến với bác Tấn có khi ông lưu lại nhà bác cả tháng. Thế rôi ba tôi gặp và quen thân với chú Nguyễn Đình. Bác Tấn  nhận thấy chú Nguyễn Đình là người có học vấn nhưng sống giản dị, nhất là phong cách rất dễ gần của chú đã làm cho bác-một người hơi có tính gia trưởng lại mến chú, nên đã tác thành chú với nhóm bạn của mình- đó là nhóm thơ nổi tiếng trên thi đàn lúc bấy giờ-nhóm «Tứ hữu Bàn Thành » quê Bình Định.

Theo ba tôi : Tuy không ở trong “Tứ Hữu Bàn Thành” nhưng chú Nguyễn Đình rất  tích cực tuyên truyền, quảng bá thơ của Hàn Mặc Tử sâu rộng trong nhân dân. Ngày mà nhóm bạn văn tổ chức giới thiệu thơ Hàn thì chính chú là người đứng lên diễn thuyết trước đông đảo người yêu thơ tổ chức ở Nha Trang và Qui Nhơn.
 Để làm nên chuyện này, bác Quách Tấn, chú Chế Lan Viên và ba tôi lo soạn về thân thế, sự nghiệp văn chương còn chú Nguyễn Đình được bác Tấn căn dặn “Cậu phải cố gắng học thuộc thơ và đọc thật kỹ mấy tập thơ của Hàn để buổi diễn thuyết trước công chúng được hoàn hảo và trôi chảy ”.

Bác Tấn cho biết “Những bài của Chế, Lan và tôi đã soạn đều giao cho Đình thay chúng tôi nói về sự nghiệp của Tử. Còn chúng tôi phân công nhau đọc thơ ; Chế đọc thơ Pháp, Lan đọc thơ Việt, tôi đọc thơ chữ Hán, rồi truyền cho nhau những “cái hay” đã tìm được trong thơ Hàn. Đình đóng vai trò dự thính”.

Với vai trò diển giả, chú Nguyễn Đình làm tốt công việc được giao ; kết quả rất khả quan làm vui lòng cả nhóm. Nhưng có một việc làm bác Quách Tấn giận (được kể trong Hồi ký của bác) rằng bác rất giận chú Vì chú Đình quen một cô gái mà bác Tấn cho là không chính chuyên nên khuyên không nên lấy về làm vợ. Chú không nghe, đã lấy cô ấy.

Khi tôi lên 5-6 tuổi, đã thấy chú hay đến chơi nhà. Chú bị hỏng một mắt, nhưng tính tình rất dễ thương Chú đến nhà ở thị Trấn An Nhơn-Bình Định cùng ba tôi bàn về thơ phú và công việc đánh Pháp giữ nước. Chị em tôi yêu quí chú Nguyễn Đình lắm.
 Những ngày tháng ấy, chú luôn kể chuyện vui mang tính trào phúng cao, khiến các chú khác cười thắc cả ruột. Bạn chú, ai cũng quí cái tình và tính vui nhộn, hài hước của chú. Lại nữa, tuy là người lớn nhưng chú không coi thường trẻ con, thường dành thời gian để giỡn với chị em tôi, nên đứa nào cũng thích chú.

Giờ đây, tôi muốn “lên án” cái tội hay kể chuyện ma với ba để tôi nghe lõm được thành “bệnh sợ”.. Chuyện ma quỉ của các chú tác động mạnh và hằn sâu trong óc, không có cách nào bóc ra khỏi tâm trí của tôi được nữa rồi! Nhưng chưa kịp “mắc đền” thì chú đã vội đi xa!
  
Tập kết ra Bắc chú trở thành nhà thơ trào phúng. Đời chú thật ngắn ngủi, so với bạn cùng thời, chú chỉ hưởng dương có 57 tuổi (1918-1975) . Tôi cũng chỉ mới biết năm chú mất đây thôi.

Cũng như các chú, bác khác, chú Nguyễn Đình không được loại trừ cách xếp hạng theo bài học của tôi. Tôi đã xếp chú vào danh sách loại hình “Thanh săn”- đó là loại hình lý tưởng. Tuy bị hư mắt trái, nhưng chú xứng đáng nằm ở vị trí này.
 Qua đôi mắt thiển cận của tôi thì chú là người sống và đối nhân xử thế trọn tình, trọng nghĩa, trước sau như một. Những năm sống trên đất Bắc, đúng lúc cuộc đấu tranh giữa hai phe những người  trong nhóm “Nhân văn giai phẩm” và những người “yêu nước”. Ba tôi là người được nhạc sĩ Văn Cao ca ngợi ở lời tựa cho tập thơ “Những ngọn đèn”, vì vậy có người trước đây đã từng sống ở nhà tôi hàng tuần thì lúc này sợ dính dáng với những người bị coi là “phản động” là “ kẻ thù” của nhân dân, có tên trong danh sách “Nhân văn giai phẩm” rất sợ vạ lây, thì chú Nguyễn Đình vẫn đều đặn, hàng tuần cùng ba tôi và bác Quách Tạo vẫn tới nhà 37 phố Hàng Quạt Hà Nội cùng ba tôi bàn luận về văn chương, thi phú, về thời cuộc với tình bằng hữu. Chú vẫn sống mộc mạc và chí tình chí nghĩa như ngày xưa.

Ngay cái việc làm hết sức đơn giản mà thấm đượm tình người của chú. Ấy là khi đến thăm một người bạn làm ở Bộ nội vụ, thấy có tập thơ “Giọt trăng” của bác Quách Tấn gửi cho em là Quách Tạo bằng đường hàng không từ Sài Gòn qua Paris và từ Paris đến Hà Nội, nhưng không được đến tay người nhận! Chú Đình lấy cớ mượn về nhà, thức trọn đêm để vẻ, chép lại y như bản chính để tặng bác Quách Tạo. Nghe ba kể lại chuyện này tôi thật xúc động và nghĩ tốt về chú ...

Ngày tôi lấy chồng, ba tôi mượn hội trường của Hội Nhà Văn, 51 Trần Hưng Đạo để tổ chức. Bạn của ba, có chú Nguyễn Đình, Trinh Đường, Tế Hanh, vợ chồng chú Nguyễn Thành Long, chú Phạm Hổ, vợ chồng chú Vương Linh, bác Khương Hữu Dụng, vợ chồng bác Minh Vĩ… và một số nhà thơ trẻ Nhà Xuất Bản Văn học, Hội Nhà Văn….
 Bạn bè, cơ quan của tôi đều ở xa nên cử đại diện đến dự. Họ nghe bàn tán đám cưới của tôi toàn nhà văn, nhà thơ, lại có 2 anh hùng lao động ( một trong số đó là anh hùng Hồ Giáo) nên chẳng ai dám mở miệng  “múa rìu qua mắt thợ” để chúc mừng cho ngày vui của tôi;  thành ra hôm ấy, tôi phải tự tặng cho ngày vui của mình bài hát “Mẹ ơi con muốn lấy chồng” nhạc và lời của Indonesia. 
  Bài hát có đoạn “Em đã yêu một anh chàng trong cuộc vui này. Chàng thật xinh trai nước da chàng ngâm ngâm đen. Càng nhìn càng yêu nhưng cố nén trong lòng … Em nói với mẹ chính con cũng muốn lấy chồng, để dự đám cưới thấy vui là vui trong lòng. Mẹ ơi! thế bao giờ con lấy chồng, chỉ sợ có ai đón biết mình muốn lấy chồng!”

Mấy hôm sau, chú Nguyễn Đình đến, thấy tôi còn ở nhà (tôi làm việc trên Nông trường Quốc Doanh Ba Vì Hà Tây), chú nhìn tôi vẻ hóm hĩnh, rồi như reo lên:
   “A! nhà Yến Lan có cô con gái rất dũng cảm trên phương diện tình cảm mà bấy lâu nay chẳng được ai biết đến!” Sau câu nói trêu của chú, ai có mặt trong nhà lúc ấy đều đớ người, nghệch mặt ra; chẳng hiểu chú định nói tới khía cạnh nào trong cuộc sống.
 Một thoáng, chú tiếp luôn: “Con Bích Thủy nhà anh khá thật! khá dũng cảm! khá mạnh mẽ! Từ khi cha sinh mẹ đẻ đến giờ, có lẽ hôm ấy, là lần đầu tiên tôi thấy cô dâu tự hát tặng cho mình. Mà dũng cảm hơn là dám tuyên bố với cả Hội Nhà Văn Việt Nam là “Mẹ ơi! con muốn lấy chồng”, rất là dũng cảm!”. Tới lúc này, mọi người mới té ngửa ra! 
         Tôi nhìn về phía ba tôi, thấy ông mỉm cười, vẻ hài lòng!
Và từ đó, mỗi lần gặp lại tôi, chú không tha, vẫn cứ trêu “Cô con gái nhà Yến Lan dũng cảm nhất nước của lĩnh vực tình yêu đây rồi!”
Đấy, chú Nguyễn Đình là người như thế, sao tôi lại có thể quên chú được! Thực ra, ở thế kỷ 21 này, hành động như tôi quá bình thường. Có gì mà chú Nguyễn Đình lại ngạc nhiên nhỉ ./.

                                                                  Lâm Bích Thủy

READ MORE - NHỚ CHÚ NGUYỄN ĐÌNH - Hồi ký của Lâm Bích Thủy

NGƯỜI THƯƠNG - Thơ bình thanh của Trần Mai Ngân



                            Tác giả Trần Mai Ngân


NGƯỜI THƯƠNG

Người thương... em về đâu
Ngày tan cơn mơ sầu
Duyên sao không bền lâu
Cầm lòng... thôi quên mau

Người thương như trăng sao
Bây chừ đành xa nhau
Tay rời tay hôm nào 
Còn đầy hương mê say

Người thuơng ơi hôm nay
Tên em cơn mơ dài
Người thương ơi người thương
Triền miên trong tơ vương...

              Trần Mai Ngân

READ MORE - NGƯỜI THƯƠNG - Thơ bình thanh của Trần Mai Ngân

SỐ PHẬN CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC Ở QUẢNG TRỊ TRONG THỜI CHIẾN - Hoàng Đằng


        
                         Tác giả Hoàng Đằng


      “Đêm chong đèn ngồi nhớ lại”

     SỐ PHẬN CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC 
       Ở QUẢNG TRỊ TRONG THỜI CHIẾN

Cái gì xẩy ra mà không ai ghi chép sẽ bị quên đi. Uổng! Vì vậy, tôi có ý định ghi chép những gì diễn ra có liên quan đến nhiều người mà tôi có trải nghiệm nhiều ít. Biết đâu đời sau có người cần tham khảo! Tuy nhiên, sự hiểu biết của tôi có hạn; bạn đọc thấy gì sai, sót, chỉ giùm, đừng ngần ngại! Tôi xin cảm ơn.
Hôm nay, tôi viết về số phận các trường trung học ở Quảng Trị, trong vùng thuộc quyền của Việt Nam Cộng Hoà, từ khi hình thành cho đến 1975. Còn trong vùng thuộc quyền Việt Minh trước đây và Mặt Trận Giải Phóng sau này, bạn nào có trải nghiệm, viết chia xẻ cùng bạn đọc với!

Bậc trung học ở Quảng Trị từ thời Pháp thuộc qua Đế Quốc Việt Nam (tháng 3/1945 – tháng 8/1945) đến Quốc Gia Việt Nam (1948 – 1955)
Theo thầy giáo Lê Chí Phóng – đã trên 90 tuổi - hiện ở làng Câu Nhi, xã Hải Tân, huyện Hải Lăng, vào cuối thời Pháp thuộc, trước năm 1945, ở tỉnh Quảng Trị, chỉ có một trường trung học tư thục duy nhất là trường Sainte Marie còn gọi là trường Sainte Marie Quảng Đức của Thiên Chúa Giáo mở vào những năm đầu thập kỷ 1940 (năm học 1942 – 1943 ?) ở tỉnh lỵ Quảng Trị. Trường chưa có khoá học sinh nào thi Cao Đẳng Tiểu Học (bằng Thành Chung) thì giải tán vì những biến cố chính trị dồn dập xẩy ra trong năm 1945: Nhật đảo chánh Pháp, nạn đói ở miền Bắc và Bắc miền Trung rồi Việt Minh giành chính quyền, rồi chiến tranh chống Pháp tái chiếm. Sau khi trường Sainte Marie Quảng Đức giải tán, dưới thời Đế Quốc Việt Nam do cụ Trần Trọng Kim làm Thủ Tướng, bác sĩ Phan Văn Hy - người làng Nhan Biều, Triệu Phong - làm tỉnh trưởng Quảng Trị, mở trường trung học tư thục Kỉnh Chỉ(tên hiệu của bác sĩ Phan Văn Hy) thay thế trường Sainte Marie Quảng Đức, nhưng không được bao lâu cũng giải thể vì Đế Quốc Việt Nam bị mất chính quyền về tay Việt Minh.
Khi chính quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà (Việt Minh) thành lập, một trường trung học công lập ra đời, đặt tại ty Tiểu Học (lúc ấy gọi là ty Kiểm Học). Chiến tranh Việt – Pháp bùng nổ; năm 1947, trường tản cư về vùng Triệu Phong(1).
Mãi đến năm 1950 (tính năm cụ Hồ Văn Hải mở trường), ở tỉnh Quảng Trị,  dưới chính thể Quốc Gia Việt Nam (Bảo Đại làm quốc trưởng) mới có mở một trường tư thục lấy tên là trường trung học tư thục Quảng Trị; qua năm 1952, trường này được công lập hoá và, sau đó, đổi tên là trường trung học Nguyễn Hoàng tồn tại cho đến năm 1975. Xin mở ngoặc, trừ các tỉnh lỵ lớn và các đô thị lớn đã có những cơ sở giáo dục trung học lập ra từ thời Pháp thuộc để lại, chính phủ Quốc Gia Việt Nam, đầu thập kỷ 1950, mới lên kế hoạch mỗi tỉnh mở một trường trung học. Trường Nguyễn Hoàng ra đời theo kế hoạch đó và ở giai đoạn đầu (1950 – 1954), chỉ mở bậc đệ I cấp (trung học cơ sở), ở giai đoạn sau (1954 – 1975), mở dần thêm các lớp bậc II cấp (trung học phổ thông).

Bậc trung học ở Quảng Trị dưới chế độ Việt Nam Cộng Hoà (1955 – 1975)
Sau hiệp định Genève, từ 1954 đến 1975, tỉnh Quảng Trị thuộc quyền Quốc Gia Việt Nam rồi Việt Nam Cộng Hoà, kể hết, có 09 quận (từ ngữ bây giờ là huyện): quận Trung Lương (1954 – 1967), quận Gio Linh, quận Cam Lộ, quận Hướng Hoá (giải tán năm 1968), quận Ba Lòng (1955 – 1964), quận Triệu Phong, quận Hải Lăng, quận Mai Lĩnh (lập năm 1965) và quận Đông Hà (lập năm 1968). Trong thực tế, những quận: Ba Lòng, Hướng Hoá, Trung Lương ở giai đoạn sau không còn vì chính quyền đã giải tán do mất an ninh; còn các quận: Đông Hà, Mai Lĩnh mới thành lập ở giai đoạn sau. Điều này xin được nhắc lại để bạn đọc khỏi thắc mắc khi chính phủ Việt Nam Cộng Hoà, vào cuối thập kỷ 1950 đầu thập kỷ 1960, chủ trương mỗi quận có một trường trung học mà ở tỉnh Quảng Trị số quận thì nhiều trong khi số trường trung học cấp quận lại ít – trước sau có 05 trường.
Chính thể Việt Nam Cộng Hoà được tuyên cáo 1955, vài năm sau mới tương đối ổn định để tính chuyện phát triển. Về giáo dục, tỉnh Quảng Trị mở những trường trung học cấp quận sau đây: trường trung học Gio Linh mở bậc đệ I cấp năm 1959; các trường trung học Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng mở bậc đệ I cấp năm 1960; trường trung học Đông Hà mở bậc đệ I cấp năm 1962. Qua đầu thập niên 1970, trường Hải Lăng, khi còn ở Diên Sanh, có mở được hai lớp 10 và 11 (2) ; trường Đông Hà mở lớp 10 vào năm học 1971 – 1972.
Ở các trường công lập kể trên, học sinh nam nữ học chung; đầu thập niên 1970, một trường nữ trung học ở tỉnh Quảng Trị đang vào thời kỳ chuẩn bị; một số lớp đệ I cấp chỉ học sinh nữ đã được hình thành ở trường Nguyễn Hoàng, đợi trường nữ ra đời thì chuyển qua; nhưng chiến tranh ùa tới, thôi, dẹp luôn chuyện mở trường nữ trung học Quảng Trị!
Ngoài các trường công lập ra, Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo, hội phụ huynh học sinh ở vài địa phương còn vận động mở các trường trung học tư thục.
Ở tỉnh lỵ Quảng Trị, có 3 trường trung học tư thục: trung học Bồ Đề, trung học Thánh Tâm và trung học Phước Môn(dành cho nữ học sinh). Trường Bồ Đề của Phật Giáo, trường Thánh Tâm của Thiên Chúa Giáo, ở giai đoạn đầu, chỉ mở bậc đệ I cấp, ở giai đoạn sau, mở thêm bậc đệ II cấp; trường Phước Môn của Thiên Chúa Giáo chỉ mở bậc đệ I cấp (3).  Trường Bồ Đề và trường Thánh Tâm hình như mở vào giữa thập kỷ 1950 (?); còn trường Phước Môn trong thập kỷ 1960 (?).
Ở thị tứ Đông Hà, có trường trung học bán công mở bậc I cấp năm 1956 do Hội Phụ Huynh đứng ra vận động, và đóng cửa năm 1969 vì thiếu học sinh; trường trung học Đắc Lộ bên Thiên Chúa Giáo mở năm 1962 bậc đệ I cấp, đến năm 1968 mở dần thêm các lớp bậc II cấp. Trường Bồ Đề Đông Hà bên Phật Giáo mở năm 1967 bậc I cấp và năm học 1971 - 1972 mở thêm lớp 10.
Ở quận Cam Lộ, trường trung học bán công mở năm 1959, đến năm 1966, trường đóng cửa vì thiếu học sinh.
Ở quận Triệu Phong, trường trung học tư thục Chân Lý bên Thiên Chúa Giáo mở vào những năm cuối thập kỷ 1950, đặt tại giáo xứ Bố Liêu; trường trung học Bồ Đề Triệu Phong bên Phật Giáo (4) mở trong thập kỷ 1960 trước ở làng Vĩnh Lại xã Triệu Phước, sau chuyển lên làng Võ Thuận xã Triệu Thuận; trường trung học tư thục Khai Trí (5) đặt ở làng Đại Hào, xã Triệu Đại, đặc biệt trường này do một cá nhân lập năm 1965, đó là cụ Trần Văn Thạnh, người làng Quảng Lượng, xã Triệu Đại – một nhân sĩ ở Quảng Trị. Cả 3 trường trung học tư thục ở quận Triệu Phong chỉ mở bậc I cấp (?).
Ở quận Hải Lăng, ở xã Hải Ba (trong địa phận làng Đa Nghi và làng Cổ Luỹ), có trường trung học tư thục Quảng Đức (6) do bên Thiên Chúa Giáo mở năm 1964; đến sau năm 1968 trường này đóng cửa. Ở quận Hải Lăng, trước năm 1972, còn có 03 trường trung học tư thục nữa: trường Minh Đức của Thiên Chúa Giáo ở Diên Sanh có đủ các lớp bậc I cấp, trường Tân Dân cũng của Thiên Chúa Giáo ở Mỹ Chánh mở 2 lớp 6 và 7; trường Bồ Đề Hải Lăng mở 2 lớp 6 và 7 (7);thông tin về các trường này còn quá ít ỏi.
Ở quận Gio Linh, khi dân dồn vào khu Quán Ngang, trường trung học tư thục Thanh Linh bên Thiên Chúa Giáo mở năm 1969.

Học sinh dù công lập hay tư thục đến trường mang đồng phục; nam thì quần xanh, áo chemise trắng, áo bỏ trong quần; nữ thì đa số áo dài, quần dài trắng; nam hay nữ mang dép có quai sau; khi trời tạnh, nắng, nam thì đội mũ hoặc đi đầu trần (từ ngữ lúc ấy gọi là “đầu dầu”), nữ thì đội nón lá. Phòng học, bàn ghế ở các trường tương đối đầy đủ, riêng về trường ốc, bên công lập ngó bộ thua bên tư thục: 06 trường (01 ở tỉnh lỵ và 05 ở các quận) chỉ có một dãy lầu ở trường tỉnh lỵ, còn lại là những dãy nhà trệt; trái lại, bên tư thục, trường Thánh Tâm, trường Bồ Đề ở tỉnh lỵ và trường Đắc Lộ ở Đông Hà là những trường có lầu.

Các trường trung học Quảng Trị tản cư vì chiến tranh
Năm 1967, trường trung học công lập Gio Linh giải thể vì khu phi quân sự và sát khu phi quân sự bạch hoá; thầy cô thuyên chuyển vào trường Nguyễn Hoàng ở tỉnh lỵ Quảng Trị, còn học sinh, tuỳ hoàn cảnh và điều kiện, muốn tiếp tục học ở trường công lập nào cũng được.
Đầu tháng 4/1972, quân giải phóng tràn chiếm tỉnh Quảng Trị từ mạn Bắc và Tây. Dân phần lớn tản cư vô các trại quanh thành phố Đà Nẵng; các trường trung học cũng tản cư vào theo dân.
Cả mùa hè năm 1972 là thời gian chạy của dân Quảng Trị: từ Quảng Trị vô Huế, từ Huế vô Đà Nẵng, Chu Lai ... Đặc biệt khi quân cộng hoà mở chiến dịch tái chiếm những phần đất đã mất vào tay quân giải phóng (từ tháng 6/1972 đến tháng 9/1972), số dân Triệu Phong và Hải Lăng chưa chạy cũng chạy; thầy cô và học sinh cứ chạy cùng dân, chưa có điểm dừng chân, vì vậy, năm học 1971 – 1972, dù thiếu một học kỳ, phải đành coi như xong.
Qua năm học 1972 – 1973, các trường khai giảng lại. Đặc biệt, trường Bồ Đề Quảng Trị mở trước (khoảng đầu tháng 9/1972) với 2 chi nhánh: một ở Hoà Khánh và một ở Hoà Long (?); cùng lúc, trường Hiền Lương nghĩa thục (8) mở ở Hoà Khánh và ở Hoà Long. Trường Hiền Lương và trường Bồ Đề mở cả hai bậc đệ I cấp và đệ II cấp; trường Hiền Lương không thu học phí ở học sinh nhưng thầy cô dạy có trả tiền giờ; ngân khoản do các tổ chức tôn giáo và các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lãnh vực từ thiện – nhân đạo giúp.
Sau hai trường Bồ Đề và Hiền Lương ít tháng là trường trung học tư thục Thanh Linh bên Thiên Chúa Giáo – nguyên ở Quán Ngang Gio Linh – phục hoạt ở Hoà Khánh (khu A); vào đây, trường Thanh Linh mở từ lớp 6 đến lớp 12.
Còn các trường trung học công lập đồng loạt mở khoảng cuối tháng 9 đầu tháng 10/1972, trách nhiệm vùng dân cư được phân bố như sau:
- Các trại bên Non Nước (Hoà Long): Trường Nguyễn Hoàng và trường Đông Hà trách nhiệm; trường Đông Hà chỉ mở đệ I cấp, còn trường Nguyễn Hoàng đủ cả đệ I cấp và đệ II cấp.
- Trại Hoà Cầm: Trường Hải Lăng trách nhiệm, mở từ lớp 6 đến lớp 10.
- Vùng liên trại Hoà Khánh: Trường Triệu Phong và trường Cam Lộ trách nhiệm; trường Cam Lộ đặt ở khu D Hoà Khánh(9), chỉ mở bậc đệ I cấp; trường Triệu Phong trong năm học 1972 – 1973 đặt ở khu E Hoà Khánh chỉ mở bậc đệ I cấp, sang năm học 1973 – 1974 dời qua trại F Hoà Khánh mở thêm bậc đệ II cấp đến lớp 11. Ở Hoà Khánh, năm học 1972 – 1973, còn có một chi nhánh của trường Nguyễn Hoàng bên cạnh trường Hiền Lương nghĩa thục, có mở bậc đệ II cấp.
Trong thời gian tản cư vào các trại quanh Đà Nẵng, trường đặt tạm ở các nhà lớn bằng tôn (nguyên là kho hay xưởng) của quân đội Mỹ để lại, được ngăn phòng bằng những tấm ván ép có giá đỡ; nói là phòng nhưng không kín đáo chút nào, học sinh hai lớp ở hai phòng kế cận có thể thấy nhau, hai thầy giảng bài ở hai phòng kế cận át giọng nhau. Năm học 1972 – 1973, học sinh đi học phải đem theo ghế tự đóng có gắn tấm ván cao trước mặt chỗ ngồi. Qua năm học 1973 – 1974, các trường bên công lập được bộ Giáo Dục ở Sài Gòn cung cấp bàn ghế đầy đủ, các trường bên tư thục hình như cũng sắm đủ bàn ghế (?).
Đặc biệt chỉ có trường Thanh Linh ngay từ năm học 1972 – 1973, đã sử dụng phòng ốc, bàn ghế tương đối đàng hoàng; trường Thanh Linh là một dãy nhà vách gỗ mái tôn mới dựng, ngăn phòng bằng những bức đố gỗ kín đáo.
Ở các trại, trường nào cũng nhận con em Quảng Trị tạm cư trong vùng không kể quận nào – “cận đâu xâu đấy”; chẳng hạn, trường mang danh là Triệu Phong, nhưng học sinh thì có thể từ Cam Lộ, Gio Linh, Đông Hà, Hải Lăng, tỉnh lỵ Quảng Trị ... chứ không nhất thiết phải từ Triệu Phong.

Các trường trung học Quảng Trị tái định cư trên đất Quảng Trị hay di cư đến tỉnh khác
Hiệp định Paris ký kết tháng 01/1973; trên nguyên tắc, tiếng súng ngừng nổ. Chương trình tản cư của dân Quảng Trị chuẩn bị chuyển qua chương trình tái định cư và khẩn hoang lập ấp.
Từ giữa năm 1973 đến giữa năm 1974, các trường dần dần rời khỏi các trại tạm cư.
Đầu tiên là trường Hải Lăng hồi cư về bản quán, có mở bậc đệ II cấp không, tôi đang tìm thông tin.
Trường Nguyễn Hoàng tái định cư tại khu tỉnh lỵ mới của tỉnh Quảng Trị ở bãi cát Hải Lăng. Trường Nguyễn Hoàng có từ lớp 6 đến lớp 12. Trường Đông Hà tái định cư trên vùng đồi Mỹ Chánh – nơi một số dân Đông Hà về định cư vì không thể hồi cư về Đông Hà đang thuộc quyền quản lý của chính quyền giải phóng; ở Mỹ Chánh, trường chỉ mở từ lớp 6 đến lớp 9.
Trường Triệu Phong tái định cư tại làng Ngô Xá Đông, thuộc xã Triệu Trung, không thể về địa điểm cũ tại làng Nại Cữu xã Triệu Đông được. Ở Ngô Xá Đông, trường Triệu Phong có từ lớp 6 đến lớp 11. Ngoài ra, trường Triệu Phong còn có một chi nhánh 05 lớp ở bãi cát Long Hưng, xã Hải Phú, quận Mai Lĩnh, gọi là chi nhánh Mai Lĩnh của trường Triệu Phong (10).
Chỉ có trường trung học Cam Lộ di cư theo dân Cam Lộ và Gio Linh vào khu khẩn hoang lập ấp Động Đền (tỉnh Bình Tuy cũ); vô đây, trường Cam Lộ có từ lớp 6 đến lớp 9.
Còn các trung học ngoài công lập thì trên đất Quảng Trị, giữa năm 1973, trường Hiền Lương nghĩa thục về mở đầu tiên trên vùng cát địa phận xã Hải Trường, huyện Hải Lăng (11).
Tiếp theo, trường Bồ Đề Quảng Trị về tái định cư thành 2 chi nhánh: chi nhánh 1 ở vùng cát Hải Lăng, chi nhánh 2 ở Mỹ Chánh (gọi là Bồ Đề Chánh Môn), dạy từ lớp 6 đến lớp 12(12).
Ở khu khẩn hoang lập ấp Động Đền (tỉnh Bình Tuy cũ) có trường trung học Thanh Linh của Thiên Chúa Giáo di cư vào. Trường này nguyên ở khu dồn dân Quán Ngang Gio Linh các năm học 1969 – 1970, 1970 – 1971, 1971 – 1972, ở trại tạm cư Hoà Khánh các năm học 1972 – 1973, 1973 – 1974 và nay ở Động Đền năm học 1974 – 1975; ở Quán Ngang, trường chỉ mở từ lớp 6 đến lớp 9; còn ở Hoà Khánh và Động Đền, trường mở từ lớp 6 đến lớp 12.
Ở khu khẩn hoang lập ấp Láng Gòn (tỉnh Bình Tuy cũ), có trường Đắc Lộ của bên Thiên Chúa Giáo di cư vào, mở năm học 1974 - 1975; trường này ở thị trấn Đông Hà Quảng Trị từ 1962 đến 1972; từ năm học 1962 – 1963 đến năm 1967 – 1968, trường chỉ có từ lớp 6 đến lớp 9; từ năm học 1968 – 1969 trở đi, trường mở dần bậc II cấp và đến năm học 1970 – 1971 có đủ các lớp từ 6 đến 12. Trong thời gian tản cư, trường nghỉ hai năm học 1972 – 1973 và 1973 – 1974. Khi khai giảng lại ở Láng Gòn, trường có từ lớp 6 đến lớp 12.
Các trường hồi cư hay về tái định cư trên đất Quảng Trị, dù công lập hay tư thục, đều có cơ sở được xây dựng tương đối kiên cố.
Tội nghiệp! Trường công lập Cam Lộ di cư vào Động Đền trong năm học 1974 – 1975 chỉ có cơ sở dựng tạm bằng tre lá. Trường tư thục Thanh Linh ở Động Đền có cơ sở, dù tạm, vẫn chắc chắn: nhà gỗ, vách gỗ, lợp tôn, đố gỗ ngăn phòng học. Trường sở kiên cố đang chuẩn bị xây dựng, thì ôi thôi! Chiến tranh lại tái diễn vào tháng 03/1975.
Chỉ có trường tư thục Đắc Lộ ở Láng Gòn có cơ sở khang trang, kiên cố: một dãy nhà đúc.

Nhìn chung, giáo dục công lập ở Quảng Trị, trong đó có giáo dục trung học kể từ khi thành lập cho đến khi “tan hàng”, phát triển không bằng ở các tỉnh khác: các trường trung học công cấp quận đã ít lại, qua thập kỷ 1970, chưa có trường nào mở được bậc đệ II cấp hoàn chỉnh; từ cuối thập kỷ 1960, chưa có trường trung học công lập liên xã nào; trường sở  không được cấp kinh phí để xây dựng phòng ốc đàng hoàng khang trang; nói vậy để biết chính phủ Việt Nam Cộng Hoà không ưu đãi mấy cho giáo dục Quảng Trị. Có thể do tình trạng có thể bị bỏ rơi bất cứ lúc nào vì tỉnh sát vĩ tuyến 17.
Tháng 3 năm 1975, chiến tranh tái diễn, dân Quảng Trị rối như tơ vò: ở lại, chạy ra, chạy vô; các trường trung học cũng tan hàng dần cho đến những ngày cuối tháng tư (khi tỉnh Bình Tuy về tay quân giải phóng - 23/4/1975) thì không còn trường trung học gốc Quảng Trị nào tồn tại.
Con em Quảng Trị học trong chiến tranh, trường sở di dời nhiều lần, vậy mà sau khi thống nhất đất nước, rất nhiều người thành tài từ các ngôi trường ấy. Người Quảng Trị giỏi đáng nể!

                                              Hoàng Đằng
                                   31/3/2017 (04/3/Đinh Dậu)

.....................

(1) Thông tin do thầy giáo Lê Hữu Thăng cung cấp.
(2) Thông tin do thầy giáo Nguyễn Huy Vỹ cung cấp.
(3) Thông tin do cô học sinh cũ của trường Hoàng Thy Tuyết cung cấp.
(4) Trường Chân Lý và trường Bồ Đề Triệu Phong do thầy giáo Nguyễn Văn Quang cung cấp.
(5) Thông tin do ông Trần Văn Dật, con của cụ Trần Văn Thạnh, cung cấp.
(6) Thông tin do facebooker Nguyễn Đặng Mừng cung cấp.
(7) Thông tin do thầy giáo Nguyễn Huy Vỹ cung cấp.
(8) Thông tin do thầy giáo Đỗ Tư Nhơn cung cấp.
(9) Thông tin do thầy giáo Nguyễn Trường và facebooker Hoàng Phúc cung cấp.
(10) Thông tin do thầy giáo Nguyễn Văn Quang cung cấp.
(11) Thông tin do thầy giáo Trần Kiêm Đoàn viết trong bài “Tản cư” và thầy giáo Lê Hữu Thăng viết trong bài”Nhóm Thầy Giáo Trường Nguyễn Hoàng và Hiền Lương Nghĩa Thục (1972 – 1975).
(12) Thông tin do một học sinh cũ chi nhánh Bồ Đề Chánh Môn (Mỹ Chánh) là anh Hoàng Chất cung cấp.


READ MORE - SỐ PHẬN CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC Ở QUẢNG TRỊ TRONG THỜI CHIẾN - Hoàng Đằng

GÓC ĐỜI... Thơ Đan Thuỵ

Tác giả Đan Thụy


GÓC ĐỜI... 
Đan Thuỵ

Tôi đi qua bao mùa hạ nắng
Bỏ mặc nụ cười trôi về phía xa
Và đã thấy nỗi buồn gậm nhấm
Mùa gọi mùa thương chiếc lá long đong

Đêm nhớ ngày- ngày nhớ chuyện xưa
Để ký ức trượt dài bối rối
Cho tuổi thơ ngủ quên thời nông nổi
Tiếng mưa rơi khóc vỡ thật thà

Chỉ xin anh chút bình yên muộn
Nghe thì thầm lời gió trái tim
Dấu kín niềm đau dù là kết thúc
Nói ra thành vết sẹo trong nhau

Mái tóc rối ngủ quên thềm vắng- muộn
Sương mù bay qua góc phố chiều
Ngày sẽ qua và ngày mai có khác
Xiết tay nhau trống rỗng... nụ cười

ĐT




READ MORE - GÓC ĐỜI... Thơ Đan Thuỵ

NGUYỄN TRỌNG TẠO, MỘT CÂY SI VỚI MỘT CÂY BỒ ĐỀ - Nguyễn Đức Tùng



Hàng trước: Nguyễn Trọng Tạo, Dương Tường, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Đặng Mừng
Hàng sau: Đặng Thân, Nguyễn Hữu Liêm, Nguyễn Đức Tùng, Phạm Phương


NGUYỄN TRỌNG TẠO, MỘT
CÂY SI VỚI MỘT CÂY BỒ ĐỀ
Nguyễn Đức Tùng
Chúng ta đi tìm trong thơ tiếng nói của chính mình. Chúng ta nói trong những ước thúc chặt chẽ của ngôn ngữ và âm nhạc. Chúng ta nói chúng một cách tự do.
Khi chuyển hướng vào thời kỳ sau chiến tranh, những năm tám mươi, Nguyễn Trọng Tạo đi tìm tiếng nói ấy. Vang lên từ một thế giới không ổn định, mà biến động, đầy những ráp nối của hy vọng và tuyệt vọng, của trữ tình và thế sự.
không có số đo chuẩn mực cho tình yêu buồn thương thù hận
anh viết văn làm thơ theo chuẩn mực nào đây
Anh nổi tiếng là người phóng khoáng, thích vui chơi, nhẹ nhõm, nhưng trong thơ, anh cẩn trọng và sắc bén. Chống lại suy đồi của một xã hội xuống dốc, không một nhà thơ có lương tâm nào còn có thể viết mãi một loại thơ hiền lành lãng mạn như tiền chiến, hay có chất lý tưởng như trong chiến tranh. Nhiều bài thơ của anh ghi dấu ấn kêu gọi, tố cáo, xung đột, chứa đựng sự bùng vỡ.
kẻ tái diễn những vinh quang nhàm chán
người ngửa tay tái diễn nỗi buồn câm
Lòng yêu đời của anh là một khuôn mặt khác của khả năng cảnh tỉnh xã hội. Lòng yêu đời ấy gồm hai phẩm chất: tình yêu một bên, và khả năng dung nạp, tích hợp cái cao cả và cái tầm thường, lý tưởng và bé mọn, một bên. Phong cách của Nguyễn Trọng Tạo sinh ra từ giao kết này, cũng như tình cảm và lý trí nâng đỡ nhau. Không phải khi nào anh cũng thực hiện được thăng bằng ấy. Khi đánh mất, anh rơi vào bẫy của sự hô hào dễ dãi. Khi đạt được, anh có những câu tự nhiên như không:
Tôi nghẹn nước miền Trung mùa lũ
Nghẹn phổi nghẹn tim nghẹn tiếng khóc đầy trời
Cây lúa nghẹn đòng nông dân nghẹn đói
Lãnh đạo nghẹn quy trình bụng bự như voi
Cảm thức xã hội đưa anh đi xa, có khi chạm vào nhận thức chính trị trong thơ, tức là một cấp độ mà nhiều nhà thơ Việt Nam hiện nay, nhìn chung, còn lâu mới đạt tới. Thơ có thể song hành với nhiều thứ như khoa học, tôn giáo, nhưng không thể song hành với chính trị thế tục: hoặc là nó được dẫn dắt bởi chính trị, hoặc trở thành lương tâm của chính trị. Muốn trở thành loại thứ hai, thơ phải có khuynh hướng tâm linh. Đó là loại thơ trữ tình cá nhân, viết về chính tác giả, một cách sâu thẳm, nhận thức những khía cạnh của ánh sáng và bóng tối, từ cá nhân mà nhìn thấy lịch sử, từ nỗi đau khổ hay hạnh phúc của một người mà đánh giá xã hội và toàn thể hệ thống. Thơ không có chọn lựa nào khác, không một lý luận nào có thể xóa bỏ được ám ảnh này của nhà thơ: mọi thứ hiện hữu thông qua hiện hữu của chủ thể, mọi giá trị của hệ thống chính trị phải được ca ngợi và phê phán bởi giá trị của một cá nhân. Một người có rủi ro hay may mắn sống với hoàn cảnh cực đoan, như chiến tranh, tai nạn, cái chết, sự hy sinh hữu ích và sự hy sinh vô ích, khi trở lại đời thường có vốn sống không sánh được. Các nhà thơ từng mặc áo lính, ở miền Bắc hay miền Nam, đều có vốn ấy. Chuyển hóa chúng thành ngôn ngữ của tâm linh, đặt cuộc chiến tranh vừa qua vào tầm nhìn của đời sống hôm nay là việc cần thiết. Tiếc rằng, ít người làm được. Quán tính giữ họ lại. Mặt khác, tác phẩm sinh ra như một vật thể, một sự kiện, không phải như một phát ngôn, lời tuyên bố, hồi ký chiến tranh. Thơ chỉ có thể trở thành nhân chứng khi nó không có ý định làm chứng trước tòa, không đại diện cho lập trường nào, nó chỉ đại diện cho một trường hợp duy nhất. Chính qua cái riêng mà nhân loại nhìn thấy cái chung.
Phố đỏ đèn mờ lơ mơ người xe
Ta khách phương xa dạo bộ vỉa hè
Có hai mắt nhìn có hai tai nghe
Có hai bàn chân nửa đi nửa về
Có hai con người một già một trẻ
Nửa muốn nửa không cãi nhau chí chóe
Thơ anh có hai phía, buồn và vui, tốt và xấu, kiêu hãnh và hối hận. Các nhà phê bình nhắc đến khả năng đồng hiện trong thơ, tức là những hình ảnh thơ ca cùng xuất hiện một lúc, gồm mặt trái và mặt phải, những gốc tọa độ khác nhau. Đó là sự cùng tồn tại, cùng chiếu sáng. Nếu động lực của thơ ca được tạo thành trên các bước ngoặt, các chuyển hướng, thì trong thơ Nguyễn Trọng Tạo, các chuyển hướng ấy bắt nguồn từ những kết hợp và nối tiếp song đôi, nhiều khi trái ngược. Ví dụ, thơ tình Nguyễn Trọng Tạo nhắc nhở người đọc về sự phá hủy của thời gian, kêu gọi tự do, ca ngợi tính tự nhiên của tình cảm, và đó là sự chuyển hướng giữa tình yêu và triết lý. Chống lại bất ổn của thế giới, nỗi xao xuyến bất an của tâm hồn, thơ Nguyễn Trọng Tạo là lời kể bất tuyệt về tình yêu như một biểu tượng, tấm thảm dệt bởi những liên tục và những gián đoạn, mất mát và hồi phục. Thơ anh đằm thắm, không có nhiều ngạc nhiên, nên thỉnh thoảng ta mới nhận ra chất hài hước kín đáo.
Đêm lạnh lẽo và lòng tôi trống trải
Lá thư em gửi đến nỗi buồn đau
Tôi đốt đi và thấy lòng ấm lại
Chút lửa xanh nơi trang giấy nát nhàu
Xuyên qua tình yêu và tình dục:
Thèm được anh viết thơ lên cặp vú nóng ran
Nhũ hồng rân rấn
Thèm lưỡi anh chạm rốn
Thơ tình dục của Nguyễn Trọng Tạo hình như càng về sau càng táo bạo, vì vậy, chúng có ý nghĩa xã hội nhất định. Nhưng các nhà thơ cũng cần chú ý rằng thơ tình dục không nên chỉ dừng lại ở nhục cảm. Khi anh rời bỏ phương pháp hiện thực, chất thế sự lại tăng lên chứ không giảm đi.
Khiêm tốn một đời kiêu kỳ một lát
Chạm một kẻ hèn
Đêm buồn mòn đêm
Ẩn dụ là di chuyển ý nghĩa, sự giả vờ, cả tác giả lẫn độc giả đều biết và đồng ý về sự giả vờ ấy, khi cho rằng chúng giống nhau, ví dụ một người và một chai rượu. Ta chỉ nói về sự giống nhau trên một phương diện nào đó. Phương diện ấy gọi là bối cảnh của ẩn dụ. Nhiều nhà thơ mới viết không chọn được những ẩn dụ thuyết phục vì không chú ý chọn lựa bối cảnh. Bối cảnh ẩn dụ trong thơ Nguyễn Trọng Tạo thường đẹp và trong suốt, như trong bài Chia.
Chia
chia cho em một đời tôi
một cay đắng
một niềm vui
một buồn
tôi còn cái xác không hồn
cái chai không rượu tôi còn vỏ chai


chia cho em một đời say
một cây si
       với
               một cây bồ đề
tôi còn đâu nữa đam mê
trời chang chang nắng tôi về héo khô


chia cho em một đời Thơ
một lênh đênh
       một dại khờ
              một tôi
chỉ còn cỏ mọc bên trời
một bông hoa nhỏ lặng rơi mưa dầm...


Cách ngắt câu xuống hàng của anh trong lục bát không mới, nhiều người cũng đã làm. Theo tôi, sự ngắt câu ấy, dù tân kỳ đến đâu, vẫn không quan trọng. Lý do? Đối với các thể thơ có vần, như lục bát, giới hạn được quy định bởi luật về âm điệu là một không gian mở rộng, cho phép số lượng các phép toán tổ hợp tăng lên, gần như vô tận. Chính phương pháp ẩn dụ đặc biệt của Nguyễn Trọng Tạo mang lại giá trị cho bài này. Chủ đề chính có khuynh hướng biến mất giữa những khúc quanh của xúc cảm, rồi tái hiện một nơi khác trong bài thơ. Sự xuất hiện trở lại này quyết định khuynh hướng thẩm mỹ toàn bài. Cùng với cấu trúc, tứ thơ trong thơ tình của anh được giấu kỹ, một cách ý thức hoặc vô thức. Tác giả như người đi xa, lâu lâu trở về căn nhà tình yêu cũ, nhưng đó là sự ràng buộc tạm thời. Tôi nghĩ, chưa chắc anh đã có thể chết cho tình yêu, nhưng anh có thể chết cho nỗi cô độc mà tình yêu ấy, hay sự vắng mặt của nó, mang lại.
có anh hề đã nói với tôi
đời thằng hề buồn lắm anh ơi
Chú ý đến chi tiết trong đời sống bình thường, mà không bỏ qua những vấn đề xã hội lớn lao. Đó là trái tim say mê nhiều thứ, nhưng cặm cụi một mình thức dậy sau đêm dài, trước rạng đông. Thơ anh có đối thoại, sự trình diễn, kỹ thuật ghi lại, chụp cắt lớp, nhận xét bất ngờ, sự mô tả dưới nhiều góc cạnh. Hầu hết mỗi bài đều có một ý tưởng chủ đạo. Đó là thi pháp hiện đại, với cấu trúc vững chắc, tựa lên các bước ngoặt, các chuyển hướng giữa thế sự và trữ tình, giữa lịch sử và hiện tại, giữa mô tả và suy tư, giữa bài hát và câu chuyện kể. Nhưng ở bước ngoặt ấy, ngôn ngữ của anh còn thiếu sự nổi loạn tuyệt đối, bất chấp, đôi khi cần thiết trong sáng tạo. Anh đã tới gần sát những phát hiện độc đáo, nhưng rồi dừng lại, có lẽ vì tính cách hài hòa, yêu thích sự cân bằng, hay có thể vì anh có quá nhiều đề tài. Nhiều nhà phê bình gọi anh là "kẻ ham chơi", tôi cho rằng ở đây còn một ý khác, là trong sáng tác, anh cũng ham chơi, ít chịu dừng lâu một chỗ, tính cách của người giàu có chất liệu sáng tạo. Một suy nghĩ độc lập nhưng tự làm mờ đi các khía cạnh gai góc:
Lòng bộn bề và trời đầy mây
Khao khát tự do thì tự do bị trói
Khao khát yêu thương thì ba chìm bảy nổi
Sự thật thiêng liêng bị đánh tráo dối lừa
Vừa gặp thứ thơ bình thường:
Chỉ có vậy mà trời ơi, anh đếm
Đếm hoàng hôn rồi anh đếm bình minh
Anh đếm gió đếm mây anh đếm cây đếm lá
Thoắt một cái, lại thấy những câu gần như tuyệt bút, nói một điều giản dị, ai cũng tưởng mình nói được, mà không ai nói được ngoài anh:
Dân không được biểu tình. Những con chữ biểu tình
Những con chữ dàn hàng ngang hàng dọc
Quảng trường giấy, chữ sắp hàng dày đặc
Đó là ý thức công dân vững vàng của người cầm bút.
Và đặc trưng của linh cảm, cái lập tức của thơ. Sức thuyết phục nằm ở cảm xúc chính trị chân thật, mặc dù đó chỉ là điểm khởi đầu. Câu thơ tự nhiên, không bóng bẩy, cũng như khi anh nói về chuyện khác:
Thôi các em, sao cứ gắp mãi cho anh
Những thức ăn ngon
Và mẹ nữa
Sự khác biệt giữa bài thơ siêu thực và bài thơ lãng mạn là trong khi loại thứ hai cần đến yếu tố xúc động, nỗi vui mừng, sự phẫn nộ, thì thơ siêu thực vượt qua những thứ ấy, không đi sâu, mà vượt qua. Nguyễn Trọng Tạo thỉnh thoảng có một bài lạ, như bài Ngày chủ nhật rỗng.  
Sao anh thấy nàng xanh như nàng đang ốm nghén
Không phải siêu thực, nhưng câu thơ như đứng giữa hai bờ như ảo mộng.
Nguyên tắc hội tụ trong thơ: việc lập lại một vài chữ, xoay các câu thơ quanh một điểm là điều thường xảy ra trong thơ Nguyễn Trọng Tạo và được chấp nhận. Dấu vết lãng mạn vẫn còn, như ký ức thế nào cũng thành hoài niệm, như nỗi tao loạn của cuộc đời và tình yêu thế nào cũng tìm thấy giao phối dịu dàng.
Nay anh giết chữ Buồn, mai anh giết chữ Vui
Say và Tỉnh
Ghét và Yêu
Ngọt ngào và Cay đắng
Anh giết trụi cả rồi
Nhà thơ khi sáng tạo không nghĩ đến độc giả, nhưng người viết trường ca nghĩ đến. Vì trường ca, ngoài tiếng nói của tâm hồn nghệ sĩ còn là của cộng đồng, của lịch sử. Dân tộc không chỉ gồm có một lớp, một nhóm, một giai cấp độc giả. Thơ anh có cảm quan về không gian mạnh mẽ. Nơi chốn là tình yêu của anh. Không phải chỉ là nơi cất giữ kỷ niệm mà là nơi anh thường xuyên trở về, chiếc tủ áo bốn mùa, khăn quàng cởi ra mặc lại, là thao túng của kỷ niệm. Trường ca trong tiếng Việt, cho đến nay, bao giờ cũng là lịch sử. Điều này có thể không đúng trong tương lai. Lịch sử của anh là lịch sử khá hoàn tất, bất chấp cái nhìn phán xét và đôi khi có tính gây tranh luận. Đó không phải là một lịch sử lung lay, chưa thành, không phải là một hệ thống mất cân bằng. Không có nhiều tính đả kích, châm biếm, ngay cả những câu thế sự nhất cũng mang giọng tâm tình, hướng đến cái thuyết phục. Đó là một khuynh hướng song đôi, được mặt này thì mất mặt khác, hòa dịu thì thiếu sắc sảo, và ngược lại. Nhiều câu của anh chuyển động nhanh, sức nghĩ mạnh, hình ảnh chọn kỹ, đẹp, nhưng anh không đẩy chúng đi quá xa, không phải vì bài thơ không còn năng lượng, mà vì chúng chọn lối đi khác. Mỗi đoạn, mỗi chương trong một số trường ca của anh đều có trọng tâm, trung tâm của sức hấp dẫn. Cấu trúc chặt chẽ, nhờ sử dụng thể tự do với các câu thơ và các câu văn phạm không chia cắt, đảo lộn quá nhiều. Những người làm thơ có khuôn phép cũng cần nhận ra trong khi khuôn phép tạo ra âm điệu bền vững thì cũng đánh mất động lực: cấu trúc càng lỏng, động lực càng mạnh. Sự kết dính của bài thơ không hiển lộ rõ ràng. Sự bất ngờ tạo ra thú vị, sự chờ đợi tạo ra thỏa mãn. Người đọc yêu thích cả hai: bất ngờ và thỏa mãn các kỳ vọng. Cấu trúc lỏng lẻo đến mức nào, chặt chẽ đến mức nào là bài toán mà một nhà thơ phải giải quyết. Về chiến tranh, anh đã có những câu thơ đẹp nhưng đọc lên cũng giống người khác:
Hai người yêu nhau đi về phía đầu làng
trăng mười sáu theo đi lặng lẽ
Rồi sau đó anh vượt lên. Ai cũng biết, trong sáng tạo, tìm ra bút pháp riêng (style) là quan trọng nhất. Điều ấy xảy ra ở Nguyễn Trọng Tạo khá sớm. Tôi tưởng tượng, dù lắm đam mê, anh vẫn cẩn thận thu dọn một căn gác riêng, không khách khứa, một nơi không quá cao, không quá thấp, cho tâm hồn mình. Ở đó, khuya, khi mọi người đã ngủ, một mình trước trang giấy trắng, nhờ thế anh vẫn viết được, viết đều, không xuống phong độ. Trong nhiều bài lộ ra trầm tư, sự cân bằng giữa khả năng lột tả hiện thực dữ dội và lối trữ tình thiết tha, như trong bài Những Con Chữ Biểu Tình. Cũng vậy, giữa bữa tiệc đang vui, anh thả xuống chiếu một câu thơ buồn:
có cả đất trời mà không nhà ở 
có vui nho nhỏ có buồn mênh mông 
Thơ thế sự và thơ tình-yêu-thế-sự đã dành cho anh một chỗ đứng đặc biệt mấy mươi năm qua. Sự phối hợp giữa thức điệu (mode) mô tả và thức điệu suy tư, cũng như giữa tình cảm và thời thế, là độc đáo:
trong giấc ngủ ta thấy ta lang thang đường phố
cây thả xuống ta lá vàng
gió thả xuống ta mù sương
trộm cắp đâm nhau dưới đèn mờ
xích lô máu me cấp cứu
tham nhũng nâng ly mừng thắng lớn


Anh có lối liên tưởng chuỗi, trong tu từ pháp gọi là lối khai triển, khi thành công thì gây tác dụng thẩm mỹ lớn, nhưng thường khó tạo được mạch chảy hay năng lượng của cả đoạn thơ:
chợt đọc câu thơ đêm buồn dựng tóc
chợt đọc bài thơ râu xanh trắng cước
đọc trọn tập thơ không sao ngủ được
Biểu hiện khao khát đối với đời sống, để yêu và để được yêu, đối với thiên nhiên và phụ nữ. Trong khi anh cưỡng lại những mê tín và ảo tưởng, thơ vẫn có nhiều chấp nhận, khuyên giải, cân bằng. Anh sống tận cùng thực tại, mê đắm hiện hữu, mê quê hương, lịch sử, cái đẹp, say đắm bản thân mình. Phương pháp nghệ thuật của anh: ngợi ca, suy tư, hài hước, phản tỉnh, nhận thức và nhận thức lại. Có vẻ anh không ngại những xung đột vì tin rằng có thể giải quyết chúng, tất nhiên trong một bài thơ. Mô tả và trầm tư là cấu trúc song đôi đặc biệt trong thơ Nguyễn Trọng Tạo. Bằng cách mô tả, anh dựa vào những tình huống đặc biệt, những biến đổi có thật, sự di động giữa tâm trạng và quan hệ bên ngoài. Các nhà thơ lãng mạn và nhà thơ tượng trưng cũng dùng mô thức đôi này để chuyển đi các hình ảnh của ý thức. Những năm về sau anh có một số thể nghiệm.
Muốn nhận ra thơ có tính thể nghiệm, tôi dùng phương pháp này: đó là khi một nhà thơ bắt đầu một hoặc hai câu thơ mà không biết chúng sẽ dẫn tới đâu.
Tiếng lá rơi nặng như một xác người
Có khi anh quay trở lại, không đi thêm nữa:
Lá xanh
Lá vàng
Lá xám khô
Trường hợp khác, những bước bất ngờ:
Rồi ngày mai chẳng còn ta nữa
Ôi cái khỏa thân cát thủy tinh
Một nhà thơ thể nghiệm không biết trước sự đón đợi của độc giả, thực ra cũng không cần biết độc giả. Tính chất của thể nghiệm là làm ngạc nhiên chính người viết. Thi sĩ Derek Walcott lừng danh từng viết:
Cuối một câu thơ, mưa sẽ bắt đầu rơi
Hình ảnh đến ngẫu nhiên, choáng ngợp. Ngôn ngữ tất nhiên là phương tiện chuyên chở hình ảnh, nhưng cũng có thể ngăn cản sự phát lộ chúng. Khi một nhà thơ muốn kể chuyện, kể cho xong, hình ảnh trong thơ sẽ rối, mờ. Mặt khác hình ảnh không hoàn toàn phụ thuộc vào ngôn ngữ, chúng là những giao tiếp phi ngôn ngữ. Hình ảnh trong thơ cần chút hoang dại, vì nếu rõ ràng quá, như trong thơ hiện nay, hình ảnh sẽ chết, chỉ có câu chuyện kể là hưởng lợi. Đôi khi giữa những vần trữ tình đẹp, anh bị hấp dẫn bởi sự mất liên kết, sự nhảy vọt, và hướng bài thơ đến một góc quạnh quẽ của tâm hồn:
Rồi theo gió mây về chốn quê nhà
Dốc bầu rượu gạo tăm tăm cỏ hoa
Ngôn ngữ đẹp. Thơ đương đại ngày càng có khuynh hướng phân ly giữa thơ ngôn ngữ và thơ chủ đề. Thật ra không thể nào tránh được có khi lảo đảo giữa hai khuynh hướng ấy. Nguyễn Trọng Tạo dùng nhiều thể, từ lục bát đến bảy chữ, từ năm chữ đến tự do và sonnet, thơ có từng đoạn hai câu. Trong thơ tự do, thơ gần với văn xuôi mà vẫn giữ nhạc điệu, tính kịch và tính đối thoại. Khi nói đến tính kịch, tôi muốn nói đến nhân vật và vai trò của người phát ngôn. Mặc dù cái tôi của bài thơ thường là cái tôi tác giả, vẫn còn một số trường hợp người đọc không suy luận như thế:
Thôi em đừng nhắc lại cùng anh
Những mùa khô đốt rẫy một mình
Có nụ cười hài hước khó thấy trong những câu thơ buồn buồn vui vui của anh. Có thể gọi đó là độc thoại có tính kịch (dramatic monologues). Thường các độc thoại này xen kẽ vào đoạn diễn tả mang tính trữ tình, một giọng nói khác, sự chuyển giọng. Thơ không có mục đích tạo ra thay đổi, ngay cả thơ chính trị. Mục đích của thơ là thấu hiểu hoàn cảnh và chia sẻ ước muốn. Kẻ tỉnh thức, sống cùng thực tại của con người và đất nước, nhìn thấy tương lai ở đó, ở hiện tại.
Trong trường ca Biển Mặn (*) của Nguyễn Trọng Tạo, có thể thấy sự kết hợp của ba thứ, phương pháp hiện thực, chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa hiện đại. Đất nước, tình yêu tổ quốc, mối quan hệ giữa tình cảm cá nhân và nhiệm vụ công dân, những suy tư có tính sử thi, những câu chuyện được kể lại một lần nữa về những điều người khác đã nói, nhưng với giọng mới.
Tôi ăn biển hàng ngày từng hạt muối trắng tinh
Tôi ăn bình minh mọc lên nắng mặn
Tôi ăn gió thổi về từ biển
Tôi ăn rì rầm sóng
Và sữa Mẹ nhiều khi mặn đắng
Chan nước mắt biển Đông
Đôi vai cha lấp lánh lân tinh
Mồ hôi muối
Áo quầng quầng vết trắng
Bà nội nhai trầu đung đưa võng
Kể chuyện xửa chuyện xưa
Có ông tướng cụt đầu hóa núi đá cụt đầu cắm ngoài biển cả
Nước mắt vợ thành sông chảy ra biển tìm chồng
Nước mắt mặn từ lòng
Nước biển mặn từ yêu…
Những đứa con theo mẹ đi tìm cha
Tràn về phía biển
Những đứa con như cây lim cây sến
Từ rừng đổ xuống
Từ châu thổ trồi lên
Những đứa con xẻ gỗ đóng thuyền
Rút dây rừng đan lưới


Thơ có tính thời sự không những khó viết mà còn có nguy cơ bị lãng quên khi vấn đề thời sự qua đi. Nhưng chính ngôn ngữ, cấu trúc, chất trữ tình, tư duy vững chãi mênh mông của Biển Mặn, tôi nghĩ, sẽ giúp trường ca này tồn tại với thời gian. Tuy không ngại đối diện với bi kịch, Biển Mặn hướng tới một mục đích, ra đi từ một động lực rõ ràng, chứ không phức tạp.
Trong khi đó, giữa sóng tung bọt ở biển Đông, là mối quan hệ giữa anh và những lý tưởng của anh trước đây, là mối quan hệ cay đắng của hai quốc gia, và của hai thời đại: trước và sau sự tỉnh thức của dân tộc. Anh đã nói sớm về điều này:
Sau cái bắt tay xòe một lưỡi dao găm
Kẻ tình nguyện giữ nhà muốn chiếm nhà ta ở
Tấm ảnh Mao treo lẫn màu cờ đỏ
Tay ta treo đâu nghĩ có một lần
Khi anh viết về lịch sử cũng như về bạn bè, một nơi chốn, cuộc gặp gỡ, một sự kiện đương thời, bao giờ cũng toát lên cái riêng, cái nhìn, tấm lòng.
Không nhớ người lính nào đã đặt bước chân đầu tiên lên đảo
Chỉ nhớ Hải đội Hoàng Sa vâng lệnh Chúa lên đường
Những người lính chụm vai làm cột mốc
Tờ nhật trình Chúa Nguyễn vẫn lưu hương
Bốn thế kỷ đi qua cột mốc giữa trùng dương
Những Hải đội Hoàng Sa nhập hồn vào sóng nước
Nhập vào đá san hô
Nhập vào Tổ quốc
Viết về biển Đông, dường như chưa có một tác phẩm thơ dài hơi nào sánh được với Biển Mặn, xét về dung lượng và nghệ thuật. Cũng có khi Nguyễn Trọng Tạo dừng quá lâu trong thể cổ điển, chú trọng âm luật, thành ra cái tình của anh vẫn chưa bật hết độ rung cảm mà tôi tin anh có trong tiềm thức sâu xa.
ngác ngơ giữa phố
một thằng nhà quê
nhớ thương mộ tổ
biết bao giờ về
Anh có thể viết sâu hơn nữa, nếu vượt ra ngoài những quy ước, đẩy xa hơn những suy nghiệm triết học vốn là điểm mạnh của anh. Thơ là giây phút bừng tỉnh, xuất hiện trong hình thức của nhịp điệu, sự vận động giữa ý nghĩa của ngôn ngữ và sự tối tăm khó hiểu. Thơ chứa sự thông thái dân gian. Đó là tính nghi ngờ đối với hiện thực, sự tự tiết chế, khả năng nhìn nhận lại vấn đề. Nguyễn Trọng Tạo có năng lực vượt qua định kiến, nhìn thấy nhiều khía cạnh của sự vật mà người cùng hoàn cảnh không thấy. Bản chất của sáng tạo nghệ thuật là bạo liệt, cực nhọc.
Anh trở lại lơ ngơ em hai lần thị trấn
Viên sỏi hồng mùa lũ cuốn nơi nao
Hươu sao hươu sao
Bất cứ lời nói nào cũng biểu diễn một tương tác xã hội. Nếu nhà thơ quan tâm đến ngôn ngữ, anh buộc phải quan tâm đến xã hội mà trong ấy ngôn ngữ vận động.
Chữ biểu tình cho áo ấm cơm no
Chữ biểu tình cho dân giàu nước mạnh
Chữ biểu tình cho quyền được sống
Chữ biểu tình cho Độc lập Hòa bình
Hỡi đàn-cừu-con-chữ hãy đứng lên
Đứng dày đặc trên bản đồ Tổ quốc
Những con chữ mấy nghìn năm có được
Chữ là Dân – chữ không chết bao giờ
Chúng ta trở lại với Biển Mặn. Bạn có thể hỏi: tại sao một trường ca về biển Đông, về Hoàng sa và Trường sa, lại cần đến một ngôn ngữ mới mẻ hơn nữa? Nhiều người có thể nghĩ đó là khuynh hướng làm mới "tự thân" của thơ ca, và đòi hỏi ấy có tính chủ quan của nhà phê bình. Tôi tin rằng trên cùng một nền cảm xúc lịch sử, mà điều này ở tác giả là lớn trong thời điểm sáng tác, anh có thể triển khai những cấu trúc mới, mở rộng góc nhìn và tạo lập hình ảnh mới, để theo kịp và mô tả kịp tính phức tạp của lịch sử biển đảo, không những trong quá khứ mà trong hiện tại, tính hỗn loạn, bất ngờ, gần như không thể dự báo của tình hình biển Đông, và mô tả được tình cảm và ý chí của các thế hệ người Việt, mặt phải và mặt trái của lòng người, sự ca ngợi và sự phê phán, tình yêu nước và sự thờ ơ, cúi đầu. Không một dân tộc nào thoát khỏi mối giao thoa của hai khía cạnh sau đây: sự hy sinh vô bờ bến và sự hèn nhược đáng căm giận. Sự mất phương hướng, sự chóng mặt, tính phức tạp của tình hình địa chính trị, sự mờ đục của lịch sử, lẽ ra có thể được nhà thơ khai thác nhiều hơn.
Một trong những đặc điểm của thơ Nguyễn Trọng tạo là bút pháp truyện kể - bài hát. Bài thơ Trở Lại Huế tiêu biểu cho khuynh hướng này.
Trở lại Huế mưa vẫn mưa như cũ
màu trời buồn như thuở ra đi
bạn làm thơ giờ viết báo nuôi thơ
tổng biên tập Sông Hương mặt rầu như đá xám
những đứa em hiệp sĩ với chính mình
chợ Bến Ngự thêm vài ba người lạ
đêm ca Huế mấy nụ cười trượt giá
áo vẫn dài nón vẫn trắng mắt vẫn đen

Trở lại Huế dăm hè đường lát đá
tiếng lá rơi ngõ vắng cũng giật mình
(trích Trở Lại Huế)
Thơ xuống cõi thế, đầy giác quan, kinh nghiệm sống, có thể chạm tay. Anh dùng kỹ thuật trùng điệp. Thực ra trùng điệp vốn là kỹ thuật căn bản, chi phối hầu hết các tu từ, nhưng trong thơ anh, yếu tố ấy nổi bật. Trùng điệp có ba loại: về vần, về cấu trúc, về ý tưởng. Đó là sự lập lại cái chờ đợi, làm hài lòng cái chờ đợi. Đúng mức:
Có cánh rừng chết vẫn xanh trong tôi
Có con người sống mà như qua đời
Ngay cả khi dùng thể tự do, anh cũng trở đi trở lại, có lẽ do sở trường về âm nhạc.
Tôi bè bạn cùng mùa rau xứ lạnh
Cùng cải chua. Cà muối. Khô nai
Cùng rượu chat
Cùng đớn đau thông rụng
Khi người ta viết thơ tình thì cần thêm thứ khác nữa, những thứ ngoài tình yêu: hoài niệm văn hóa, lòng tin vào quá khứ, thăm thẳm triết học nhân sinh, chứ không phải chỉ tình yêu. Thơ làm mới không phải vì chỉ để làm mới, mà vì điều kiện sống không còn như hôm qua. Sự xuất hiện một bài thơ mới và hay bao giờ cũng hình thành một nhu cầu mới. Trước khi bài thơ ấy xuất hiện, không có nhu cầu ấy. Cũng như chiếc smartphone của bạn.
Nguyễn Trọng Tạo đi giữa say mê cái đẹp tuyệt đối và chấp nhận, dung nạp. Thật ra hầu hết nghệ sĩ đều thế, nhưng ở anh sự đấu tranh giữa hai thái cực ấy, và tình trạng thăng bằng động, là đặc biệt. Đôi khi trong những dòng dằng dặc, tôi nghe được một tiếng nói khác:
Bồng bế nhau mà nghẹn tình thân ái
Nghẹn nỗi niềm: chỉ dân biết thương dân
Một chữ thầm. Có thể đó không phải là chữ mà người đọc nghĩ ngợi nhiều, không phải là thứ mà nhà phê bình chú ý. Chưa chắc đã là một chữ quá tài tình. Nhưng tôi thấy ở đó tâm trạng của anh. Trong văn chương, tâm trạng là tất cả. Nó là cái chung nhất giữa người viết và người đọc, cõi chia sẻ. Mỗi bài thơ của Nguyễn Trọng Tạo đều như một câu chuyện nhỏ được kể lại. Mà anh kể có duyên. Một người tuân thủ các quy ước nhưng thỉnh thoảng bẻ gẫy chúng lúc bất ngờ nhất, có lẽ nhờ vào giác quan. Thơ tạo nên kết hợp tam giác: thơ tình, thơ thế sự, trường ca. Giọng nói thay đổi vì anh có khả năng đóng vai nhiều nhân vật, sử dụng nhiều mặt nạ nghệ thuật với chuyển động liên tục và đổi hướng. Bởi vì hình ảnh trong thơ xuất phát từ những giấc mộng, tính đa thanh, tính kịch của một đời sống mà anh đi qua nhiều lần. Đó là phức hợp giữa thơ hiện đại và thơ lãng mạn, giữa trữ tình và hài hước. Mối quan hệ của anh và người đọc là mối quan hệ vừa xa cách vừa gần gũi. Thơ duyên cớ (occassional poetry) được nhiều người viết, nhưng ít được nghiên cứu kỹ, và anh là một trong số những người viết nhiều loại thơ này. Khi về quê cũ Nghệ An,  khi tới Angkor, khi trở lại Huế, khi châu Âu, Bắc Mỹ, khi đi tàu hỏa khi đi máy bay. Những hoàn cảnh ấy thể hiện trong thơ thoạt nhìn như một thứ mô tả hay trang điểm, nhưng thực ra hoàn cảnh đã trở thành động lực trong thơ. Tôi không biết Nguyễn Trọng Tạo có đức tin tôn giáo hay không, nhưng thơ bàng bạc cảm giác tương giao, như một người đi giữa đất trời lồng lộng, thấy cái nhỏ và cái lớn, thấy trước và sau, biết sợ hãi cái vĩnh hằng. Bởi vì chúng ta sống không phải trong đời sống khách quan mà trong đời sống chúng ta tạo ra, tức là vừa khách quan vừa chủ quan, biến đổi.
Anh ngồi nhìn trang giấy
Rất lâu nhìn rất lâu
Giấy trắng trong đến nỗi
Thơ không thể bắt đầu
Một bài thơ đòi hỏi người đọc làm đầy những kẽ hở, mời gọi diễn dịch. Sự mở rộng càng lớn, khả năng thay đổi càng lớn, người đọc càng trở lại nhiều lần. Tôi tin rằng hành động sáng tạo của nhà thơ xuất phát từ ý muốn phát hiện và dâng hiến.
Rồi một ngày giả dối sẽ nổ tung
Bởi những hạt sự thật
Với tôi, sự thật là nguyên tử
Nguyễn Trọng Tạo không phải là nhà thơ chính trị, nhưng khuynh hướng giao hòa giữa thế sự và triết học làm thơ anh có năng lực chạm tới những vấn đề thời sự dễ dàng so với người khác. Anh có thể chưa khai thác kỹ thuật phúng dụ, và ngôn ngữ chứa nhiều ấn tượng trực cảm. Tài hoa và trực cảm là hai đặc điểm của nhà thơ này. Phương pháp tuyến tính, tôn trọng các quy luật thời gian và các kết hợp mang tính lý trí, đặc biệt trong trường ca, như một người kể chuyện với ngôn ngữ trong sáng. Đã có một thời, nhà thơ tin vào các chân lý đơn phương và các khái niệm đúng và sai, bạn và thù, nhưng thời đó đã qua, ngay chính Nguyễn Trọng Tạo với bài thơ nổi tiếng "Tản mạn thời tôi sống" cũng đã mở đường cho những thế hệ sau, những người không còn tin vào sự đảo biên, cái tuyệt đối, không còn tin vào hoàn cảnh cực đoan, mà tin nhiều hơn vào chính bản thân, không phải cái tôi như của các nhà thơ tiền chiến, mà cái tôi như một tập hợp ngẫu nhiên, rối loạn, va đập, tìm cách vượt lên những bức tường che mất tầm nhìn.
Có bao người ước cuộc sống bình thường
Như một thuở xa xôi mình đã có
Thuở miếng ăn không phải bàn đến nữa
Thuở chiến tranh chưa chạm ngõ nhà mình
Nhắn gởi sâu xa. Ngôn ngữ thơ cần chính xác, nhưng đó là chính xác của tưởng tượng. Lý trí, giấc mơ, ký ức, làm nên phối trí dày đặc của trí tưởng tượng. Nguyễn Trọng Tạo dễ dàng bắt gặp và nắm giữ được điểm tương giao giữa thời gian và hiện thực, giữa lịch sử và hiện tại, giữa ký ức và ý thức phản kháng, giữa biểu tả và trầm tư. Đó là giọng nói riêng, nặng thuyết phục, nhẹ phân tích và phản đối. Sự chuyển hướng trong một bài thơ thể hiện tay nghề của người viết. Sự chuyển hướng ấy ở Nguyễn Trọng Tạo được chuẩn bị kỹ, như một người lái xe qua khúc quanh, không quá trì hoãn, không quá gấp, đủ để quay vòng. Ở khúc quanh ấy, anh sử dụng một trong những phương pháp: chuyển hướng giữa trữ tình và thế sự, giữa tình yêu và triết lý, giữa chiến tranh và đời thường, giữa cân bằng và ngạc nhiên.
Thật ra, các nhà thơ của chúng ta hiện nay thừa kế một ngôn ngữ bị tổn thương. Họ có nhiều đề tài hơn trước, di chuyển qua những góc độ khác nhau, đôi khi sử dụng nhiều giọng nói, kể những câu chuyện mỗi lúc một khác về lịch sử, là thứ không ai biết chính xác đã xảy ra thế nào. Giữa các nhà thơ ấy, Nguyễn Trọng Tạo nổi bật như một người giữ thăng bằng giữa cổ điển và cách tân, say đắm và phán xét, nghi ngờ và tin tưởng. Giữa thế tục và hư vô. Chính sự kết hợp các khía cạnh khác nhau nhiều khi đối lập ấy tạo nên giọng nói riêng biệt của một nhà thơ có nhiều thành tựu và, cho đến hôm nay, vẫn còn sáng tạo: người nghệ sĩ ham chơi hết mình và người trí thức- công dân.
Nguyễn Đức Tùng
(Trong loạt bài Đọc Thơ)
Chú Thích:
(*) Trường Ca Biển Mặn:
"Tôi viết trường ca này trong cấu trúc 5 chương và một vỹ thanh. 5 chương nói về lịch sử và tinh thần con dân Việt đối với biển đảo. Những cái gắn bó từ ngàn xưa cho đến nay mang theo tinh thần rất lớn về biển Việt Nam. Những trận hải chiến ở Hoàng Sa năm 74 và Gạc Ma năm 88 đều xuất hiện trong cuốn trường ca này. Việc này không phải dễ và không phải ai cũng có thể làm. Quan niệm của tôi biển đảo của tổ quốc hay từng tấc đất của tổ quốc thì chúng ta phải gìn giữ, bảo vệ nó để mà sống và xây dựng đất nước cho nó tốt đẹp.
Tôi viết trong vòng 1 tháng. Thường vào tháng 5 trời nóng lắm. Ở Hà Nội có ngày nóng trên 40 độ và thường xuyên như thế cho nên tôi thường dậy và viết vào buổi sáng, vào 3 giờ sáng. Lúc ấy nói chung thì yên tĩnh và cảm xúc của mình tập trung nhưng có hôm tôi viết tiếp thì không lấy lại được cảm xúc tôi lại không viết vào hôm nó. Viết trường ca cần những cảm xúc lớn, tinh thần mạnh mẽ và phải có tư tường chung bao trùm. Khi nào nối được cảm xúc tôi mới viết vì thế trong một tháng trường ca này mới hoàn thành."  
Nguyễn Trọng Tạo  (http://www.rfa.org/vietnamese/programs/LiteratureAndArts/nguyen-trong-tao-n-epic-of-salty-ocean-ml-12262015082025.html)

READ MORE - NGUYỄN TRỌNG TẠO, MỘT CÂY SI VỚI MỘT CÂY BỒ ĐỀ - Nguyễn Đức Tùng