Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, March 26, 2017

BỤI HỒNG TRẦN - Thơ Đào Duy Nguyên





BỤI HỒNG TRẦN

Em đã sống như chưa từng duyên nợ
Bụi hồng trần chẳng bận vướng gót chân
Chưa yêu ai dù đời nhiều cám dỗ
Những ân tình những mời mọc thiết than

Em đã cho đời bao lời khen tặng
Để nhận lại muôn vàn đóa hoa xinh
Lúc vui tươi đẹp màu hoa sắc thắm
Khi hương đời vẹn nghĩa ân tình

Hỏi em đã cho đời bao ý nghĩa
Đến nay nhận lại thấy được bao nhiêu
Hay đường trần vẫn còn nhiều nghiệt ngã
Chữ duyên còn vướng nợ biết bao điều

Hỏi em hương lòng liệu nay đã cạn
Mà hình như sắc nước cũng tàn phai
Mà con tim nghe buông lời mỏi mệt
Ngao ngán phận đời rũ bỏ ngày mai

Ta mong em dù còn hay đã mất
Mặc thời gian cứ mãi mãi qua đi
Bỏ qua trần gian chuyện buồn thế sự
Cứ sống như ta đang lúc xuân thì

                       Đào Duy Nguyên


READ MORE - BỤI HỒNG TRẦN - Thơ Đào Duy Nguyên

HUYỀN THOẠI HÒN BÀ – NÚI ÔNG - Thơ Đoàn Thuận



                              Hòn Bà (thị xã La Gi, Bình Thuận)


HUYỀN THOẠI HÒN BÀ – NÚI ÔNG
            (MIỀN THƠ BIẾC)

Dưới trăng xa lắm trong huyền thoại
Con bấc mênh mang, sóng bạc đầu
Đôi vần thơ biếc xanh trời đất
Như một lời nguyền để mai sau.

1.
Ngày xưa một chuyến bè sang biển
Núi tiễn đời Đảo nhỏ vào thơ
Mảnh Thiên Y choàng lên sóng biếc
Dòng sông Dinh hoa kết đôi bờ.


Đảo bé bỏng nơi miền biển nắng
Tưổi hồng thơm trăng nhỏ tròn đầy
Vần thơ biếc cho lời thứ nhất
Khi mùa về gió lạnh ngàn mây.


Những lá thắm thả theo dòng bích
Giữa rừng xanh và biển mộng mơ
Tin chưa đến, Đảo buồn dậy sóng
Dòng chưa trôi, Núi đã ngóng chờ.


Buổi xa cách lạnh sông nhạt nắng
Con gió nào làm rối tóc mây
Một chút muối mặn trên môi sóng
Giọt thu vàng xưa chợt vơi đầy



Thuở ban sơ, tự nhiên thơ mộng
Cũng thoáng buồn qua buổi đợi mong
Trong cách biệt có niềm chung thủy
Khi Đảo về giữa biển mênh mông.

2.
Từ dạo ấy, vẫn còn đâu đó
Một vầng trăng lặng lẽ thinh không.
Và năm tháng làm phai màu núi
Giữa ngàn non, Núi đã lên Ông.



Núi ghì chặt tình vào hồn đá
Những cánh rừng xanh thẳm lạnh băng
Dòng La Ngà tiếng đàn trầm lắng
Ru cõi bờ tím ngát bằng lăng.


Và như thế bao mùa rừng cũ
Tóc sương mềm trên vai lặng yên
Núi vẫn đứng ngóng trông về biển
Tinh đất trời đâu dễ nào quên



Đất La Gi biển rừng xanh biếc
Thoảng hương nguồn một thuở nên thơ
Núi và Đảo cùng phương trời nhớ
Tình nước non không thể phai mờ.


Chính tình yêu đưa xa gần lại
Cho núi sông thêm nghĩa yêu thương
Và hạnh phúc ở đâu cũng vậy
Rất đơn sơ trong cõi vô thường.


3.
Nằm trấn giử giữa muôn trùng sóng
Hòn Đảo xưa được gọi tên 

Vẫn thơ mộng một miền thơ biếc
Tình thủy chung đâu luận trẻ già.


Cũng từ đó nơi miền biển cũ
Dòng sông Dinh đưa nguồn về khơi
Động Tiên Sa lắng hồn lặng tĩnh
Của tình yêu rừng biển muôn đời.


Mây theo gió, mây về viễn xứ
Sóng ru bờ, bờ ngủ bao năm
Đàn chim biển ngang trùng dương biếc
Mang lời ru từ cõi xa xăm.


Trong lời gió có lời của biển
Của rừng xa và núi ngàn xưa
Đã thắm biếc đôi bờ dương liễu
Để ngàn sau nhịp võng đong đưa.


Ai rót mật cho lời mây nước
đêm ca dao có tự bao giờ
Mùa trăng sáng bắc cầu dải yếm
Chính tình yêu đã nén thành thơ.

4.
Huyền thoại nào chẳng từ sự thật
Cuộc tình nào chẳng có mưa ngâu
Cầu ô thước bắc qua dòng bích
Không tình yêu đâu có mai sau.

Đêm cổ tich không còn cổ tích
Khối tình Bà thành đảo Thiên Y
Nỗi nhớ Ông đã cao thành núi
Con sông Dinh dòng nối nguồn về.



Nơi hoa mộng chân trời xanh thẳm
Hương trăng xưa thơm thoảng ngàn năm
Lời thơ cũ ghi vào đá núi
Đời bên nhau từ lúc chưa rằm.


Đêm sao sáng thay vầng trăng khuyết
Ước mong thầm đời mãi dài lâu
Nếu đã có tình cao như núi
Cũng có tình  sóng vỗ bạc đầu.


                       ĐOÀN THUẬN
READ MORE - HUYỀN THOẠI HÒN BÀ – NÚI ÔNG - Thơ Đoàn Thuận

TÍM NHẶT TÍM RƠI - Thơ Hiệp Kim Áo Tím





TÍM NHẶT TÍM RƠI 

Chiều ni thấy giận ông trời 
Mưa chi cho phượng tím rơi ơi buồn
Thích trên cành hổng chịu buông 
Mà cơn gió ác chịu luồn đám mây

Để cho rung cả cành cây 
Phượng rơi lả tả cánh ngây thơ nhìn 
Một sân tím ủ rũ tình
Áo tím đi nhặt hoa xinh giữa đời

Xin đừng rụng nữa tím ơi
Ở trên cây ấy ngắm trời tự do
Chẳng còn phiền muộn âu lo 
Ngọt ngào đâu để chỉ cho riêng mình

Đừng vội tàn đón bình minh 
Sum xuê cành lá mới tinh nhoẻn cười
Thương cho một kiếp hoa rơi
Bàn chân dẫm nát chẳng lời thở than

Tím đi trên phố thênh thang
Góp nhặt hạt nắng để mang tặng người
Nơi này xin gửi nụ cười
Về nơi xa lắc- người ơi nhận giùm

                      Hiệp Kim Áo Tím 
                             27/3/2017

READ MORE - TÍM NHẶT TÍM RƠI - Thơ Hiệp Kim Áo Tím

ÂM THANH ĐÊM - Trần Mai Ngân





ÂM THANH ĐÊM

Đêm loanh quanh, chòng chành
Những âm thanh rạc rời, cô độc
Có những bước chân sớm, muộn nhọc nhằn 
Tiếng côn trùng chia chác dối gian
Có thinh lặng cùng hoang mang đợi sáng
Có nồng nàn trong gối chăn hạnh phúc 
Có lạnh lùng ở phía không tim
Đêm trăn trở lặng im...

                     Trần Mai Ngân

READ MORE - ÂM THANH ĐÊM - Trần Mai Ngân

NHÂN ĐỌC BÀI “ĐỌC THƠ HỒNG THANH QUANG” CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN KHÔI Nguyễn Ngọc Kiên



                         Nguyễn Ngọc Kiên




NHÂN ĐỌC BÀI “ĐỌC THƠ HỒNG THANH QUANG”
                CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN KHÔI

      Khi đọc bài của Nguyễn Khôi “Đọc thơ Hồng Thanh Quang” viết về chuyện Hồng Thanh Quang in cái gọi là thơ trên tờ TINH HOA (phụ san báo Đại Đoàn Kết của MTTQ Việt Nam), chúng tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của Nguyễn Khôi, nhưng xin nhà thơ nên cảm thông với Hồng Thanh Quang vì theo chúng tôi biết, người đầu tiên “phát minh” ra việc làm này là ông Hữu Ước – người trước kia vừa là thủ trưởng vừa là thầy thơ của ông Hồng Thanh Quang. Bốn câu thơ nhà mà Nguyễn Khôi muốn chia sẻ với Hồng Thanh Quang, nguyên văn như sau:
Sợ không có độc giả
         Báo mình in Thơ mình ?
        -Đồng Văn...tim hóa đá
         tự đá vào Trời xanh...
Chúng tôi xin mạo muội sửa lại câu đầu thành:
        Sẽ không có độc giả
        Báo mình in Thơ mình ?
       -Đồng Văn...tim hóa đá
        tự đá vào Trời xanh...
 Bốn bài gọi là thơ in trên tờ TINH HOA đã biến tờ báo này thành báo lá cải! Chúng  không thể gọi là thơ được bởi cả tất cả đều vô hồn, đều là làm xiếc chữ của một nhà ảo thuật có nghề. Bài “Từ chối Khau Vai” chứng tỏ ông không hiểu gì về bản chất của phiên chợ này. Chợ Khau Vai  là một nét đẹp văn hóa của đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Ở đây người đọc thấy Khau Vai chỉ là nơi mọi người đến để …ngoại tình!
       Chẳng tới Khau Vai đâu
       Tình yêu e thẹn lắm
       Ta cùng vào rừng sâu 
       Suối thơm cùng nhau tắm.
Theo chúng tôi, đọc xong bốn câu mở đầu trên chỉ nên đưa nhau vào … nhà nghỉ. Khổ 2, thể hiện tình yêu của một kẻ từng trải, lão luyện:
      Ta sẽ giấu nụ hôn
      Vào từng viên sỏi trắng
      Em rạng rỡ nhìn anh
      Qua bảy màu của nắng. 
Khổ 4 cho thấy Hồng Thanh Quang từng trải qua rất nhiều cuộc tình “từng bắt mình quắt quay”  và nó đã cho ông những kinh nghiệm để không sợ hậu quả những cuộc tình sau:
      Tạ ơn những người trước
      Từng bắt mình quắt quay
      Giọt  rượu thời quá vãng
      Giúp mình không hãi say.
Bài “Đêm Đồng Văn” phảng phất Đường thi:
     Tôi ngồi như đá rồi tôi đá
Không có gì mới lạ! Hình ảnh giống như trong bài “Đợi” của Hoàng Trần Cương:
      Mặt tôi buồn như đá
      Ai vần ra ngoài đồng
Đọc kĩ, nó lại có nét giống “Tạm biệt Huế” đã rất nổi tiếng của Thu Bồn:
       tạm biệt nhé với chiếc hôn thầm lặng 
       anh trở về hoá đá phía bên kia.
Hay trò làm xiếc chữ kiểu như trẻ con vẫn đố nhau: “Con ngựa đá đá con ngựa đá”. Ở đây, “tôi ngồi hóa đá rồi tôi đá” thì sao mà (đá) “nỗi buồn lên bám mảnh trăng trôi” được? Qua đây có thể thấy sự bế tắc về việc tìm tòi hình ảnh và câu chữ của Hồng Thanh Quang.
Trong bài “Đồng Văn” có những câu:
       Gặp em muốn gọi là con
       Để vòng tay siết chỉ còn nâng niu
       Chắc là muộn quá tình yêu
       Thôi đành nắng quái chẳng thiêu đốt tình.
Nâng niu gì khi gọi người yêu là con. Đúng là đầu óc của một kẻ ấu dâm! Đọc đến đây, người viết bỗng nhớ đến bài Hát Karaoke của lão thi sĩ xứ Thanh, ông vua lục bát Lê Đình Cánh:
       Ấy đừng gọi bố xưng con
       Đôi hàm răng giả vẫn còn hát hay!
Còn ở đây:
       Muốn hôn vẹt đá tai mèo
       Tuổi thơ vất vả đói nghèo vắng anh.
Câu thơ hết sức ngớ ngẩn! Thảo nào trẻ con bây giờ phát dục quá sớm!
Bài thơ “Phố núi”:
       Phố núi qua cầu em sớm mai
       Có nghe thung vắng thở hơi dài
       Em đi bước bước lưng chừng gió
       Để đúng tôi thành như vẫn sai.
Bài này cũng có hơi hướng của  Đường thi. Nhưng ông lại biến nó thành đường… hóa học mất rồi! Câu cuối “Để đúng tôi thành như vẫn sai” thật tối nghĩa, đánh đố người đọc. Phải chăng thơ phải bí hiểm, không ai hiểu gì mới là … thơ Hồng Thanh Quang!
Tóm lại: 
- Hồng Thanh Quang đang tập làm thơ Đường. Chúng tôi rất lo ngại về vốn Hán Nôm của ông, nên ông đã biến Đường thi thành … đường hóa học.
- Theo thiển ý, ông nên gửi những bài in trong TINH HOA cho HỘI NGƯỜI CAO TUỔI !

                                             Làng Mọc Nhân Chính, 26/3/2017
                                                        Nguyễn Ngọc Kiên

READ MORE - NHÂN ĐỌC BÀI “ĐỌC THƠ HỒNG THANH QUANG” CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN KHÔI Nguyễn Ngọc Kiên

CHÊ - Tuỳ bút của Lão Gàn


              
                       Tác giả Lão Gàn Hoàng Đằng



                  CHÊ
                                      Tuỳ bút của Lão Gàn
Chê là sự đánh giá tiêu cực về một người, một vật, một việc nào đó. Chê thể hiện bằng nói xấu, chống đối; nói xấu, chống đối những gì mà mình không thích, hoặc cho là sai trái. Dựa vào đâu để chê? Mỗi xã hội, mỗi nền văn hoá, mỗi thời đại đều có mặc định thế nào là sai trái để dựa vào mà đánh giá tiêu cực – chê – một sự vật. Sự mặc định ấy thủ đắc được nhờ thẩm mỹ học, đạo đức học, tôn giáo học ...
Tuy nhiên, chê vẫn thường xuất phát do cảm tính từng người mà người thì không ai giống ai từ mặt mũi, dáng dấp, bản tính, môi trường sống, trình độ văn hoá ..., vậy nên nhiều khi trước một sự vật, người này chê nhưng người khác thì không, thời trước chê nhưng thời này không, Tây phương chê nhưng Đông phương không.
Chê còn xuất phát từ thái độ thiếu thiện cảm; không thích người nào, việc gì, vật gì thì chỉ nghe nói đến chê ngay. Sự thiếu thiện cảm bắt nguồn từ sự tranh giành quyền lợi – tranh giành giữa cá nhân này với cá nhân khác, giữa phe nhóm này và phe nhóm khác; sự thiếu thiện cảm còn bắt nguồn từ mặc cảm tự tôn hay tự ti giữa người và người không cùng một tầng lớp xã hội; người ở tầng lớp xã hội cao khinh bỉ người ở tầng lớp xã hội thấp; người ở tầng lớp xã hội thấp ganh ghét người ở tầng lớp xã hội cao; người và người thiếu tình thương yêu nhau, từ đó “đấu tranh giai cấp” diễn ra.
Chê còn bắt nguồn từ thái độ ngã mạn và ái kỷ, nghĩ rằng mình luôn trội hơn người về tài năng, về kỹ năng, về hiểu biết; ngã mạn và ái kỷ là những thành tố của bản tính con người. Vì vậy, thấy ai làm cái gì dù tốt, người ta vẫn chê là chưa tốt, vì nếu cho là tốt thì sợ rằng người ấy đã bằng mình, hoặc hơn mình. Trong tu hành, ngã mạn và ái kỷ là xấu, cần phải diệt trừ; nếu không bị diệt, ngã mạn và ái kỷ sẽ chận đứng tính dung chấp khiến người sống với người thiếu sự hoà ái.

Tuân Tử, một lý thuyết gia của Nho Giáo, (313 -235 tr CN) chủ trương: “Người chê ta mà chê phải là thầy ta.” Nói vậy thôi, chứ theo tâm lý thông thường, dù bị chê đúng, cũng không ai muốn mình bị chê, người bị chê luôn cảm thấy tự ái bị xúc phạm.
Bởi thế, từ “chê” được thay bằng từ “góp ý”; thay vì nói:”Anh làm vậy xấu quá, dở quá”, người ta nói nhẹ hơn: “Anh làm vậy không tốt lắm, không hay lắm, phải làm khác cơ!”.
Trong ngôn ngữ chính trị bây giờ, từ “chê” được thay thế bằng từ “phê bình”; thật ra, phê bình, hiểu đúng nghĩa, là xem xét trong sự vật có gì tốt, có gì xấu, có gì phải, có gì trái rồi nói ra, viết ra. Tuy nhiên, từ “phê bình” không còn phần nghĩa tích cực mà chỉ còn phần nghĩa tiêu cực; phê bình tức là chê. Do ngôn từ bị cưỡng nghĩa, hành vi “phê bình” hầu như mất đi tính xây dựng, chỉ còn mang dáng dấp hù doạ, gây thù chuốc oán; thế nên, việc phê bình thường đưa đến tình trạng “ăn miếng trả miếng” - mình phê bình người ta thì người ta sẽ phê bình lại mình. Trong cuộc sống, ai cũng có khiếm khuyết; do đó, tốt nhất là giữ im lặng, theo chủ nghĩa “mặc kệ”. Những chính trị gia đưa ra việc phê bình nhằm mục đích giúp nhau tiến bộ; bây giờ không dám phê bình, tức là đánh mất động lực tiến bộ, và chấp nhận trì trệ.

Chê có thể biểu hiện dưới hình thái nặng nề hơn; một người thiểu năng trí tuệ, trong học hành, sự tiếp thu chậm; một thầy giáo đánh giá: “Em hiểu bài không được tốt lắmGắng lên nghen!”, ấy là góp ý, nếu đánh giá: “Em học kém quá!”, ấy làchê; còn nếu đánh giá: “Em ngu chi mà ngu dữ rứa!”, ấy làmạt sát. Góp ý mang tính xây dựng nghĩa là người góp ý muốn người được góp ý cố gắng khắc phục điểm yếu của mình; chê là nhận xét chung chung thực trạng yếu kém của đối tượng, không mang tính khuyến khích; còn mạt sát là dìm đối tượng xuống, đẩy đối tượng vào tình trạng vô vọng.
Vì vậy, chê và mạt sát là không nên. Chê và mạt sát làm cho đối tượng mất tin tưởng, nhụt chí. Ở đời, ít người nổi trội mọi mặt hay trì trệ mọi mặt; thông thường, người giỏi mặt này thì kém mặt khác và ngược lại, những người giữ vai trò phán xét nên xiển dương (khen) mặt mạnh, mặt tốt và góp ý xây dựng mặt yếu, mặt kém. Sống không phải để đạp đổ mà để vực dậy.
Con người sống là sống cùng, sống bên và sống với, không thể tránh khỏi “búa rìu của dư luận”. Khi bị dư luận nói này nói nọ, con người phải lắng nghe, nhưng đừng để bị động. Người ngoài chê mình thì mình cần bình tĩnh, giữ bản lĩnh vững vàng, dùng lương tri thiên phú và trí thông minh thủ đắc từ học vấn và trải nghiệm để nhận ra điều chê nào là đúng, điều chê nào là sai. Dựa theo điều chê đúng để sửa mình, và phớt lờ điều chê sai, sao cho người chê không đúng thấy tác dụng lời chê của họ là con số không.
Một giai thoại kể rằng hai cha con mua một con ngựa từ xa đem về nhà. Trên đường đi, hai cha con đi bộ dắt ngựa; người đi qua, thấy vậy, chê: “Hai cha con này dại dữ rứa! Sao không cùng cỡi lên ngựa cho đỡ mỏi chân!” Thấy ý kiến phải, hai cha con cùng trèo lên ngồi trên lưng ngựa, một người đi đường khác chê: “Hai cha con to lớn thế, con ngựa gầy thế, sao cả hai cùng ngồi lên lưng nó để nó chịu nặng nhọc, tội nghiệp thế!” Nghe ý kiến này cũng phải, người con trụt xuống, trên lưng ngựa chỉ còn người cha; người đi đường thứ ba chê: “Sao ông cha này đành lòng ngồi trên lưng ngựa mà để con mình đi bộ đường dài, nhọc thế! Đúng là “phụ bất từ” (làm cha mà không biết điều)!”. Nghe ý kiến này vẫn phải, người cha xuống ngựa để người con lên, người đi đường thứ tư chê: “Người con này sao đành lòng ngồi trên ngựa mà để người cha đi bộ, đúng là làm con mà không biết hiếu - tử bất hiếu”. Ôi cái “lưỡi thiên hạ không xương nhiều đường lắt léo”.
Vậy thì phải tỉnh táo trước lời chê. Bị động bởi lời chê, người chê có đà xông tới, người bị chê thế nào cũng sa lầy vào rối loạn; Văn Trung Tử viết: “Nghe lời chê bai mà giận là làm ngòi cho người gièm pha.

                                             Hoàng Đằng
                                       20/3/2017 (23/Hai/Đinh Dậu)


READ MORE - CHÊ - Tuỳ bút của Lão Gàn

NHỮNG THÀNH NGỮ CÓ XUẤT XỨ TỪ THƠ CỔ VÀ ĐIỂN CỐ (Kì 12) - Nguyễn Ngọc Kiên


           


NHỮNG THÀNH NGỮ CÓ XUẤT XỨ TỪ THƠ CỔ VÀ ĐIỂN CỐ (Kì 12)
                                                              
(29) 愚公移山 [ Ngu Công di sơn] (Ngu công dời núi)
 Thành ngữ chỉ chỉ người có ý chí kiên định , không sợ khó, sợ khổ. Nó có xuất xứ từ câu chuyện sau:

Xưa kia, có một ông lão sống ở vùng Hoa Bắc, tên gọi Bắc Sơn Ngu Công. Ở phía nam nhà ông có hai quả núi to Thái Hành và Vương Ốc chắn ngang nên giao thông đi lại rất khó khăn.
  Một hôm, lão Ngu cho gọi tất cả cháu con lại, bàn rằng:” Ta muốn cùng các người đồng tâm hiệp sức bạt phẳng hai ngọn núi phía trước, dời đi nơi khác có nên chăng? Khi đấy, chúng ta sẽ đến thẳng được phía Nam của Dư Châu và Hán Thủy”.
     Ai nấy đồng thanh hô to: “ Được ạ!”.
    Chỉ có người vợ thấy ngần ngại, liền hỏi vặn: “ Ông già yếu thế kia, sức không bạt nổi một cái gò, sao bạt được những hai núi to như thế kia? Mà đất đá sẽ mang đổ đi đâu?”.
 Mọi người đáp : “ Đem ra Bột Hải, phía bắc An Thổ”.
 Nói xong , Ngu Công và con cháu cùng ra phá núi, kẻ đục đá , người đào đất, cho vào sọt mang ra Bột Hải.
Láng giềng có đứa bé mới tám tuổi, con người đàn bà góa, cũng chạy theo giúp họ. Do đường xa vợi , từ đông đến hạ, họ chỉ có thể quay về một lần.
  Có người nọ thấy thế, can gián Ngu Công” Ông thật ngốc nghếch! Hay là dừng lại lúc chưa muộn, về an nghỉ tuổi già!”.
Lão Ngu bảo:” Ngươi xem ra còn không bằng người đàn bà góa và đứa trẻ dại! Ta già, ta chế, đã có con ta. Hết đời con ta, đã có cháu ta, hết đời cháu ta, đã có chắt ta, con cháu đầy đàn , núi dù cao, nhưng không thể cao hơn , lo gì không bạt nổi?”.

Lòng người vô hạn, còn núi thì có hạn, sao lại phá không xong? Nhưng để hoàn thành chí lớn này, con người phải trải rộng thế giới nội tâm của mình và vượt qua cả thế giới hữu hạn bó hẹp.   Ngu Công dẫn cả nhà, bất kể mùa hè nóng nực, hay là mùa đông giá lạnh, hàng ngày đi sớm về tối, không ngừng đào núi. Việc làm của họ cuối cùng đã cảm động Thượng Đế. Thượng Đế đã cử hai vị thần tiên xuống trần gian, dọn hai ngọn núi này, Thế nhưng chuyện Ngu Công dời núi luôn lưu truyền đến nay. Nó nói với mọi người, bất kể gặp phải việc khó khăn ra sao, miễn là có quyết tâm có nghị lực làm thì có thể thành công .

(30) 朝三暮四[Triêu tam mộ tứ] : Thành ngữ chỉ những kẻ không kiên định, không có chính kiến, không suy nghĩ kĩ, thường thay đổi chủ ý, hoặc cũng có thể chỉ người đang lừa gạt người khác
“Triêu” có nghĩa là buổi sáng , “Mộ” có nghĩa là buổi tối .
Thành ngữ này có xuất xứ như sau :
Nghe kể rằng vào thời Chiến Quốc , có một ông già rất thích khỉ , ông đã nuôi cả một bầy khỉ . Do hàng ngày ông tiếp xúc với khỉ , cho nên ông có thể hiểu được tính tình của khỉ , những con khỉ cũng hiểu được lời nói của ông .Những con khỉ mỗi ngày đều phải ăn rất nhiều thức ăn . Thời gian lâu dần , ông lão đã nuôi không nổi những con khỉ này nữa , ông phải giảm đi số lương thực của khỉ , nhưng mà lại sợ khỉ không vui . Ông nghĩ đi nghĩ lại , đã nghĩ ra được một cách hay Một hôm , ông nói với những con khỉ : “ Ta rất thích các ngươi , nhưng các ngươi đã ăn quá nhiều , tuổi của ta cũng đã lớn , không có cách kiếm tiền , cho nên bắt đầu từ hôm nay , ta phải giảm bớt lương thực của các ngươi rồi . Mỗi buổi sáng chỉ có thể cho các ngươi bốn hạt dẻ , buổi tối cho các ngươi ba hạt dẻ “.Bầy khỉ vừa nghe ông lão đòi giả bớt lương thực , thì rất không vui , nhảy loạn cả lên . Ông lão nhanh chóng nói : ‘ Thôi được , thôi được như vậy đi , buổi sáng ta cho các ngươi ba cái, buổi tối cho các ngươi bốn cái như thế thì được rồi chứ “

Bầy khỉ vừa nghe buổi tối cho chúng thêm một cái thì đều rất vui mà nhảy cả lên .

Thành ngữ “sáng ba chiều bốn” tương đương với thành ngữ tiếng Việt là “sớm nắng chiều mưa” mà chúng tôi đã nói ở kì 6. Thành ngữ này có thể tả thực, chẳng hạn khi nói về thời tiết Sài Gòn “sớm nắng chiều mưa, Còn giữa trưa thì chỗ mưa chỗ nắng.”
Nó thường được dùng để miêu tả tính khí thất thường của con người nhất là phụ nữ và sử dụng nhiều trong các đầu báo. Chẳng hạn: Sol Campbell: sớm nắng chiều mưa, (Việt báo, 31/7/2006); Bạn gái “sớm nắng chiều mưa” (Vnexpress, 17/10/2013).

Không những thế, “sớm nắng chiều mưa” còn được dùng để biểu thị sự thay đổi, diễn biến thất thường của sự vật. Chẳng hạn: Sớm nắng chiều mưa như… giá dầu, (Thái Nguyên online, 15/01/2009); Giá ớt “sớm nắng chiều mưa” (Tin tức nông nghiệp, 25/4/2014), sau đó được các báo “Công thương điện tử” và “NN thị trường” dẫn lại.
Thành ngữ “sớm nắng chiều mưa” cũng được sử dụng nhiều trong thơ ca.
Chẳng hạn, trong bài thơ sau của Tố Hữu:
Thù bạn đời nay có khác xưa,
Nghĩa tình e sớm nắng chiều mưa ?
Chợ trời thật giả đâu chân lý ?
Hàng hoá lương tâm cũng thiếu thừa ?
(Tố Hữu – Tâm sự)
Hoặc:
Anh đừng về nữa cánh đồng sim
Đã chín lịm nhưng người quên không hái
Em lang thang trong thực tại
Vơ vẩn trách trời sao sớm nắng chiều mưa.
Anh đừng về nữa những buổi chiều thưa
Nắng ngưng chảy bóng mình như mờ ảo
(Thuỳ Dương – Anh đừng về)
Các tác giả cũng thường hay hoán đổi vị trí các từ vì lí do hiệp vần. Chẳng hạn:
Tình em nắng sớm mưa chiều
Tâm em còn có bao nhiêu đường tròn
(Nguyễn Ngọc Kiên – Tình anh và em)
Khi để nói về những người hay thủ đoạn, tráo trở, lật lọng, người Việt cũng dùng thành ngữ “trở mặt như trở bàn tay”…
……………

(31) 兵不厌诈[Binh bất yếm trá]: Thành ngữ ý nói dùng mưu kế , sách lược đánh lừa đối phương , để giành được thắng lợi , nghĩa là không thể quá thật thà với kẻ địch được , phải dùng kế khiến cho kẻ địch không có sự đề phòng .
Thành ngữ này có xuất xứ như sau:
Thời Đông Hán , khi Hán An Đế tại vị ( năm 107-125 CN) một số bộ lạc tộc Khương ở phía Tây Nam thường xuyên quấy rối biên cương . Có một lần đã vây được quận Vũ Đô của triều Hán .Khi đó tình hình rất nguy cấp , An Đế vội vàng phong cho Ngu Hủ làm thái thú quận Vũ Đô , đem quân chống cự lại với quân Khương . Ngu Hủ dẫn mấy ngàn binh mã , ngày đêm tiến vào quận Vũ Đô. Khi quân đến dải đất Trần Thương , Hào Cốc thì bị quân KHương chặn lại. Ngu Hủ thấy quân địch đông mà quân mình ít , bèn lệnh cho quân binh dừng lại , sau đó nói rằng khi một đội quân lớn của triều đình được cứ đến thì sẽ lập tức hợp binh tấn công .Quân Khương không biết đó là kế sách , tin là thực , bèn chia quân bốn phía cướp giật lương thực , lực lượng phòng thủ vì thế mà bỗng chốc suy yếu . Ngu Hủ thấy quân địch đã phân tán bèn nắm lấy cơ hội, lập tức dẫn quân phá tan phòng tuyến địch,nhanh chóng tiến về phía quận Vũ Đô .Ngu HỦ lệnh cho quân sĩ gấp rút tiến lên , mỗi ngày hành quân hơn trăm dặm, đồng thời ra lệnh cho binh sĩ các đội đào hai hầm trong ngày đầu tiên , sau đó dần dần tăng lên gấp bội .Có tướng lĩnh không hiểu được ý nghĩa của việc đó , bèn hỏi : " Ngày xưa Tôn Tẫn dẫn quân hành quân tác chiến , mỗi ngày lại giảm số hầm để đánh lừa quân địch, hành quân ba mươi dặm,phía trước phía sau phối hợp với nhau thì có thể đảm bảo được an toàn . Chúng ta mỗi ngày đi hơn trăm dặm, những điều đó đều không hợp với quy tắc của tiền nhân !".
Ngu Hủ nói : " Dùng binh đánh trận phải căn cứ vào tình thế khác nhau mà có những sách lược khác nhau . Quân Khương rất đông , chí sĩ hừng hực; còn quân ta lại ít ỏi , không thể đối đầu với chúng được . Nếu như chúng ta hành động chậm, há chẳng phải sẽ bị quân Khương đuổi kịp ư ? Chiến tranh phải chấp nhận dối lừa, phải ngụy tạo để đánh lừa quân địch. Ngày xưa Tôn Tẫn giảm số hầm đào là để giả bộ quân đội suy yếu , còn chúng ta tăng thêm số hầm đào là để giả bộ quân sĩ rất hùng mạnh ".
Quả nhiên , quân Khương thấy số hầm của quân Hán ngày càng nhiều , cho rằng binh lực của quân Hán không ngừng được tăng lên , không dám tiếp tục truy đuổi . Bởi vậy,quân của Ngu Hủ mới được an toàn tiến vào quận Vũ Đô .
Khi đó , số quân Hán chiếm quận Vũ Đô không đến ba ngàn người , còn quân Khương thì có đến vài vạn , hiển nhiên là địch nhiều mà ta thì ít . Bởi vậy mà khi hai quân giao chiến với nhau , Ngu Hủ lệnh cho binh sĩ không được dùng cung tên bắn được xa mà chỉ dùng cung tên yếu chỉ bắn được rất gần . Quân Khương thấy cung tên của quân Hán yếu ớt thì lấy làm yên tâm . Ngu Hủ đợi cho địch tiến đến gần , lệnh cho binh sĩ dùng tên mạnh tập trung bắn liên tiếp , khiến cho quân Khương thương vong nặng nề , vội vàng tháo lui . Không ngờ , trên đường thoái lui lại bị tinh binh đã được mai phục của Ngu Hủ tấn công , kết quả là quân Khương đại bại .Sau khi quận Vũ Đô được giải vây , Ngu Hủ lại tập trung sức người xây dựng hai trăm tám mươi thành lũy dọc một dải biên giới , triệu tập những người dân chạy trốn trong chiến tranh , sắp xếp cuộc sống cho họ . Và quận Vũ Đô rối ren đã dần dần được ổn định.

(Còn nữa, kì sau đăng tiếp)                                                                                                                                      Nguyễn Ngọc Kiên  

READ MORE - NHỮNG THÀNH NGỮ CÓ XUẤT XỨ TỪ THƠ CỔ VÀ ĐIỂN CỐ (Kì 12) - Nguyễn Ngọc Kiên