Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, March 13, 2017

XUÂN ẨM ƯỚT - Thơ Nguyễn Khôi





XUÂN ẨM ƯỚT
(Tặng Đặng Xuân Xuyến)
                     
"Bóng ai trăng dãi thướt tha
Tiếng ai gió thổi gần xa đôi hồi"
   (Đông Hồ: Nhớ rằm tháng hai)
                       
Xuân ẩm ướt. Mưa phùn. Hoa tươi nở
Rằm tháng hai trăng đẫm tóc cô nàng
Hoa Anh Đào trưng vườn Lý Thái Tổ
Chút xuân hồng mang đến tự Phù Tang.
                      
Bao cô nàng hân hoan chụp ảnh cưới
Mơ đi Tây, sang Nhật "đổi đời" ?
-Là kỷ niệm thời yêu đương sôi nổi
Để mai ngày nhớ tiếc tuổi hai mươi .
                       
Xuân nay đẹp thêm Anh Đào trang điểm
Nắng trưa hừng cầu Thê Húc sắc son
Làn môi ấm cái hôn bừng má thắm
Người chen người như hội ở hồ Gươm.

                              Hà Nội 12/3/2017
                              NGUYỄN KHÔI

READ MORE - XUÂN ẨM ƯỚT - Thơ Nguyễn Khôi

ẨM TRỜI - Thơ Đặng Xuân Xuyến





ẨM TRỜI

Em gạ một đêm chồng vợ
Cho mùi da thịt khỏi ươn
Mấy ngày hôm nay mưa tợn
Ẩm trời, khó ở, thấy ghê.

Ừ thì, một đêm thôi nhé
Mai đừng, nữa gạ một đêm
Mùa này ẩm trời dài lắm
Da đây thịt đấy đến mòn.

Hà Nội, 13 tháng 03.2017
      Đặng Xuân Xuyến


READ MORE - ẨM TRỜI - Thơ Đặng Xuân Xuyến

CHÙM THƠ CHU VƯƠNG MIỆN VỀ BẠCH CƯ DỊ





BẠCH CƯ DỊ

trên con đường đầy ải
quá giang bến Tầm Dương
khách Giang Châu Tư Mã
hội ngộ lão giai nhân
một danh kỹ tài hoa
nực tiếng nơi kinh thành
"tam thập niên tiền
nhị thập tam"
người làm quan bị biếm
thương nữ hoa đã tàn ?
cuối đời thơ gặp nạn
hội ngộ chung một thuyền
tiếng tỳ bà thánh thót
ngoài khoang mưa từng cơn!
thi nhân ngồi đối ẩm
cung thương dốc thêm buồn
gió hiu hiu mặt nước
lau lách bờ buồn hơn!
hai ngừơi ba chung rượu
càng uống càng cô đơn
đất Giang Xin (Tây) đáo nhậm
xế chiều một chức quan
thân ngang ngang với phận
bườn cho một chức hèn
hai người già thiu ngủ
dửng dưng đêm Tầm Dương

                 chu vương miện


MẦN THƠ BẠCH CƯ DỊ

có người thành danh
có người không
có người làm quan
có người làm dân
có người tu đạo sĩ
có người làm cao tăng
có người ở lâm tuyền
có người ở thôn trang
có người làm đại gia
có người chăn nuôi gà
có ngươi đủ vợ con
có người độc thân
có ngườ nổi hơn cồn
có người vô danh

*
đời đáng chán ta đang đáng chán
chuyện giữa đường đem gán vào thân
chuyện xa rồi chuyện đến gần
làm quan, quan cách thế gian lạ gì ?
cũng đành khăn gói ra đi
bến Tầm Dương gặp cố tri thủa nào
đêm tà gẩy khúc li tao
Giang Châu Tư Mã lòng xao xuyến lòng
xót thương từng giọt tơ đồng
đau thương trút xuống lòng sông ngùi ngùi

                                        chu vương miện

LỠ ĐƯỜNG BẠCH CƯ DỊ

nơi Tầm Dương nghe tiếng rao tẩm quất
trăng vừa nhô heo hắt liễu ven sông
thuyền trọ đêm cũng vừa mới nhá đèn
tiếng so phiếm tiếng tơ tiếng trúc
lão quan già bị đày trên tay chiếc quạt
phất qua phất lại ở trong khoang
lão giai nhân nâng lại chiếc cổ cầm
miện ê a bắt đầu câu chúc phúc
chủ thuyền ra sau lo bếp núc
trong lòng khoang trơ lại mái đầu già
một vừa đàn vừa nhịp vừa ca
một im lặng nhấm từng giọt rượu
đủ thức ăn đặt trong lòng chiếu
rươu mươi be mươi nậm xếp chung quanh
thịt tả pín lù trong liễn mầu xanh
lạc chíu chương xì dầu hai tĩn
mì vịt tìm trong nồi có sẵn
đàn hát xong cứ vậy mà xơi
đêm trăng thanh gió mát đất với trời
đại thi hào đại danh kỹ hội ngộ
năm phương hướng kim mộc thủy hỏa thổ
trên Tầm Dương kẻ tù kẻ khổ gặp nhau ?
thôi banh ta lông chả nói chi nhiều
đàn xong cuộc mạnh ai nấy ngủ

                      chu vương miện


ĐƯỜNG  *ĐƯỜNG 

vòng vo với một chảo thơ Đường
Trương Kế Lý Bạch ngạt ngào hương
Đỗ Phủ sánh ngang Bạch Cư Dị
đạo nào mà lại Thục Đạo Nan
Thôi Hiệu vơí một bầy hoàng hạc
ngó quanh chấm nhỏ tếch non ngàn ?
Thôi Hộ lạc vườn đào hàm tiếu 
cát lầm một buổi sớm xuân sang!
khúc tỳ bà khẩy nghe não nuột
chau mày ngó mãi bến Tầm Dương
Đỗ Mục uống chơi không xỉn nổi
khúc Hậu Đình Hoa rực miên trường
bến Bạc Tần Hoài đầy rác rưởi
nằm yên phận đó đã bao thời ?
hoàng khuyển hoàng mai theo Tô Thức ?
sơn đầu minh nguyệt khiếu chưa vui ?
chiêm bao trở lại tràng an đó ?
gục giữa cầm đài một giấc chơi 
thung dung chi đó chàng Vương Bột 
Trần Tử Ngang đâu đó còn cười!


TRONG ĐỤC

nước trên nước giòng trong giòng đục
người giữa giòng kẻ đục người trong ?
người mặc áo kẻ cởi trần
người chân guốc dép, ngườì chân không giầy!
khi nhởn nhơ đi đây đi đó ?
khi vào tù chân bó lại thôi ?
kèn thổi ngược trống đánh xuôi ?
một vòng luẩn quẩn mấy hồi thế gian ?

                                chuvươngmiện

READ MORE - CHÙM THƠ CHU VƯƠNG MIỆN VỀ BẠCH CƯ DỊ

TƯƠNG LAI BUỒN - thơ Trương Thị Thanh Tâm


Trương Thị Thanh Tâm


TƯƠNG LAI BUỒN 
               
Tóc dài tôi cắt làm hai 
Để quên để xoá chiều dài tình yêu 
Khi yêu thì cho rất nhiều 
Nhận về chỉ có, bao nhiêu cho mình 

Trời mưa bất chợt thình lình 
Giọt to giọt nhỏ, thơ tình ướt trang 
Gieo chi giọt đắng vào lòng 
Từng trang thơ viết, sầu đông ngỡ ngàng 

Đâu ngờ tình quá phủ phàng 
Bao năm tôi đổi, lệ tràn như mưa 
Khi đi buổi sáng buổi trưa 
Nắng mưa gió phủ, đường xa bước về 

Thì thôi quên hết lời thề 
Tình cho không trọn, đam mê cạn nguồn 
Bây giờ mới thật là buông 
Yêu trong quá khứ, lại buồn tương lai.
           Trương Thị Thanh Tâm 
                      Mỹ Tho



READ MORE - TƯƠNG LAI BUỒN - thơ Trương Thị Thanh Tâm

“THẰNG CHÁU” TRONG MƠ - Đặng Xuân Xuyến

     
           


“THẰNG CHÁU” TRONG MƠ 

Trưa (23 tháng 02 năm 2014), ngủ, lại mơ lên 344 Đường Láng. Thấy bà Mùi và bà Tý cãi nhau hăng lắm. Bà Mùi xông vào quán, ôm đồ đạc của bà Tý vất đầy ra ngõ, rồi chỉ mặt, chì chiết, chửi bà Tý là con mụ béo, con nhà quê. Bà Tý hăng tiết, chửi lại bà Mùi là con nặc nô, con “a đầu” rẻ rách, rồi cầm cán chổi tới tấp đập vào đầu bà Mùi. Đau quá, bà Mùi lăn đùng ra ăn vạ. Bà giãy hăng lắm. Vừa lăn vừa gào nhưng mắt vẫn canh chừng cán chổi của bà Tý: - “Ới làng ới xóm mau cứu tôi với. Con Tý nhà quê nó đang định giết tôi đây này…”
Định ra can 2 bà nhưng ngại lại sảy ra hiểu lầm rồi mang vạ vào thân như năm nào nên tôi lẳng lặng vào nhà tránh mặt. 
Rõ ràng là đi lên tầng 2 nhà ở 344 Đường Láng, vậy mà khi bà Tý mang nước lên lại là cảnh tôi đang ngồi trên con đường đất mới mở, ở quê, không phải ở Hưng Yên, quen nhưng mà lạ lắm. 
Một cậu bé quãng 10, 11 tuổi, nước da trắng trẻo, khuôn mặt sáng đẹp đến chào tôi, đưa chiếc ghế nhựa, lễ phép mời tôi ngồi, rồi vạch “chim” định đái vào tường nhà. Tôi quát: - “Cháu không được tè bậy như thế. Chú cho no đòn đấy!”. Thằng bé khúc khích cười, đi vòng ra sau, ôm cổ tôi, tình cảm hệt như với người thân vậy, rồi lừa lúc tôi sơ ý, tè luôn vào tường ngôi nhà kế sau. 
Bực, định phát vào mông thằng bé thì bà Tý hề hề cười, bảo: - “Ô, thế bố Xuyến không nhớ thằng bé này là con ai à mà lại định đánh nó? Phải hỏi thân thế của nó xem sao đã chứ? Nhỡ may đánh nhầm phải người thân thì thế nào?”
Tôi sững người, chưa kịp trả lời thì thằng bé khúc khích cười, liến thoắng: - “Chú ấy già rồi, lẩm cẩm lắm nên không nhớ được gì đâu bà ạ! Đấy! Vẫn hấp tấp như mười mấy năm trước. Chả thay đổi gì cả! Chán!.” 
Nói xong, chạy mất hút vào ngõ.
Tôi quay sang hỏi bà Tý thằng bé ấy tên gì? Con nhà ai? Sao trông quen thế? Thì bà cụ tròn mắt hỏi lại: - “Ơ thế anh cũng không biết nó à? Cô tưởng anh với nó là chỗ thân tình? Thấy nó bảo là người “quen cũ” của anh, để nó mang nước lên cho anh nhưng cô sợ nó lóng ngóng, đánh vỡ ấm chén nên cô bê lên.”
Tôi đứng dậy, móc túi để trả tiền nước thì thằng bé lại xuất hiện. 
Nhìn tôi, nó buồn buồn hỏi:
- Thế chú không nhớ cháu thật à?
Tôi bảo:
- Ừ! Chú xin lỗi! Thật sự chú không nhớ cháu là ai? con nhà nào?
Nó ngước mắt nhìn tôi, rưng rưng lệ, ai oán trách:
- Người đâu mà vô tâm thế! Mới xa nhau có hơn mười năm, giờ gặp lại mà đã quên cả anh cả em rồi.... 
Tôi phì cười, mắng:
- Uầy. Hư nào cháu! Chú với cháu sao có thể là anh em được. Hư quá!.... 
Không đợi tôi hết câu, nó gào lên: - “Thằng anh mất dậy, bạc nghĩa bạc tình này! Kiếp trước, ngồi uống rượu với nhau bao lần mà quên em nhanh thế? Nhìn kỹ đi, rồi cố mà nhớ xem ngôi nhà này đã gặp ở đâu?”. Rồi lao vào đấm đá tôi túi bụi. 
Giật mình, tỉnh giấc.
Thấy giấc mơ lạ, chép lại để ngẫm xem sao.
*.
Hà Nội, 23 tháng 02 năm 2014
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
.
READ MORE - “THẰNG CHÁU” TRONG MƠ - Đặng Xuân Xuyến

TỨ TUYỆT NGUYỄN NGỌC KIÊN



                        Nguyễn Ngọc Kiên



VIẾT GIỮA ĐẦM SEN
Giữa vùng đầm trời và nước mênh mông
Em cứ mơn mởn thế làm sao anh chịu nổi!
Anh ngơ ngẩn cùng mây bay và gió thổi
Đứng chết lặng trên bờ em có cứu anh không?
                                         Hà Nội, 10/9/2013

KHÓM HỒNG TRƯỚC SÂN
Một khóm hồng xanh ở trước sân 
Mưa sa gió giật đã bao lần 
Sớm nay bỗng nở bừng dăm nụ
Kịp đón xuân về với chủ nhân.
 Hải Đường Hải Hậu, 1/ 2014

GHI Ở THÁNH ĐỊA MĨ SƠN
Giữa trưa hè về với Mĩ Sơn
Cô hướng dẫn viên ném vào tôi cái cười tinh nghịch.
Chợt thấy mình hóa thành phế tích
Trước vẻ đẹp hút hồn bất chấp cả thời gian!
                                Quảng Nam, 7/2013
                                Nguyễn Ngọc Kiên

READ MORE - TỨ TUYỆT NGUYỄN NGỌC KIÊN

NHÀ THƠ QUÁCH TẤN VIẾT VỀ BÀI THƠ "QUA ĐÈO NGANG" CỦA BÀ HUYỆN THANH QUAN - Nguyễn Khôi



                        Nhà thơ Quách Tấn


NHÀ THƠ QUÁCH TẤN VIẾT VỀ BÀI THƠ 
"QUA ĐÈO NGANG" CỦA BÀ HUYỆN THANH QUAN
                          
  Nhà thơ Quách Tấn (1010-1992), quê thôn Trường Định, huyện Bình Khê (nay là xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn) tỉnh Bình Định. Cụ là Nhà thơ nổi tiếng trong phong trào "Thơ mới", đồng thời là một Nhà văn chuyên khảo về Thơ vào loại hàng đầu ở nước ta... về "Thơ toàn bích", theo Quách Tấn thì đó là Thơ được liệt vào Ưu đẳng Thượng hạng phải là những bài thơ hình thức cũng như nội dung, không ai bắt bẻ được, là những bài thơ hay tuyệt đỉnh, tức là hoàn hảo như thơ KHÓC CHỒNG của Hồ Xuân Hương (Trăm năm ông phủ Vĩnh Tường ơi... trong đó 2 câu "cặp luận" mà nhiều sách chép khác nhau :
          Nắm xương dưới ván chau mày khóc
          Hòn máu trên tay mỉm miệng cười
         (cán cân tạo hóa rơi đâu mất ?
          Miệng túi càn khôn thắt lại rồi ).
 Với Phạm Thái (1777-1813) là bài "Đề Nghĩa Lư" với những câu kiệt xuất như :
          - Cỏ biếc chẳng treo hồn Sở trướng 
            Trúc vàng thà điểm giọt Ngu cung.
          - Dệt gấm Thanh Nê câu nhất tiếu
            Thêu nền Thúy Ái chữ tam tùng.
  Với Bà huyện Thanh Quan (khoảng 1821)thì  bài "Thăng long thành hoài cổ " là hay tuyệt đỉnh nhưng chưa hẳn toàn bích :      
             Tạo hóa gây chi cuộc hí trường,
             Đến nay thấm thoát mấy tinh sương.
             Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,
             Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.
             Đá vẫn (dẫu) trơ (bền / sờn)) gan cùng tuế nguyệt,
             Nước còn cau mặt với tang thương.
             Ngàn năm gương cũ soi kim cổ,
             Cảnh đấy, người đây luống đoạn trường.
 Theo Quách Tấn thì bài thơ chưa hoàn toàn là viên "khuê bích vô hà" vì có tì vết, một tí thôi ở nơi cặp trạng :
             Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
             Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
"Bóng" đối với "hồn", "tịch dương" đối "thu thảo" về mặt tự dạng thì thật chỉnh. Nhưng về mặt ý nghĩa thì nặng nhẹ không được cân...bởi : Hồn là hoạt tự, Bóng là tử tự. Đối nhau không được chỉnh là vì vậy đó . Nhưng đó là lối trách bị hiền giả của kẻ "cầu toàn" chứ bài Thơ đó vẫn giữ giá "liên thành" mà từ xưa đã ấn định... qua đó cũng chứng minh "làm được một bài thơ toàn bích thật thiên nan vạn nan"... và cũng để nhủ thầm cùng bạn đồng thanh nên rộng rãi khi tuyển Thi, bởi ngọc nào cũng thường có tỳ vết.
  Thơ bà Huyện Thanh Quan còn truyền lại, bài được phổ biến sâu rộng nhất là bài :

              QUA ĐÈO NGANG
              Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà,
              Cỏ cấy chen lá, đá chen hoa.
              Lom khom dưới núi, tiều vài chú,
              Lác đác bên sông rợ (chợ) mấy nhà.
              Nhớ nước đau lòng con Quốc Quốc,
              Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.
              Dừng chân ngoảnh (đứng) lại : trời non nước,
              Một mảnh tình riêng, ta với ta.

  Các nhà Thi học đều khen là một bài thơ hay.
  Phạm Quỳnh trong một số Nam Phong ra năm 1917, phê bình : "Rằng hay thì thật là hay. Nhưng hay quá, khéo quá, phần nhân công nhiều mà về thiên nhiên ít, quả là một bức tranh cảnh vậy ".
  Trong bài Quốc Văn Diễn Giảng ngày 2/3/1939, Tản Đà tiên sinh viết :
"Thơ bà Huyện Thanh Quan, bài QUA ĐÈO NGANG, 2 câu tam tứ chúng ta thường nghe rằng : "Lom khom dưới núi, tiều vái chú / Lác đác bên sông, chợ mấy nhà". Mới đây tôi được nghe  một ông bạn thanh niên nói chuyện từng trông thấy một bản Chữ Nôm thời xưa chữ thứ 5 câu tứ (4) là chữ "rợ" chứ không phải "chợ". Tôi hỏi nữa thời nói : Nguyên văn viết  chứ "Nhân đứng" bên chữ "Trợ" . Như thế thì RỢ thực phải, mà RỢ đối với chữ TIỀU  mới cân, chỉnh hơn. Nhân nghĩ lại từ xưa, tôi riêng chê thơ bà Thanh Quan , văn tả cảnh không được sát thực lắm. Nay nghe  câu chuyện của ông bạn nói đó, mà tấm lòng đối với người trước, khinh trọng có thay đổi.
  Đọc mấy lời của Tản Đà tiên sinh, một túc nho đã từng qua lại Đèo Ngang là cụ Ngô Văn Nhượng ở Diên Khánh- Khánh Hòa nói rằng :
  "Dọc Đèo Ngang, một bên là núi, một bên là biển, chớ không có chợ, cũng không có sông. Cặp trạng trong bài thơ tôi nghe truyền là :
            Lom khom dưới núi tiều vài chú
            Lác đác trên dông rợ mấy nhà.
  Đứng về mặt thực cảnh thì câu "rợ mấy nhà" hơn câu "chợ mấy nhà". Câu "trên dông rợ mấy nhà" hơn câu "bên sông chợ mấy nhà". Song đứng về mặt văn chương, câu nào cũng không ổn đáng. Bởi vì vài chú tiều mà đảo trang thành "tiều vài chú"  thì rất xuôi tai, còn "chợ mấy nhà" (ai lại nói nhà chợ bao giờ?) "mấy nhà rợ" thì nghe thật trái tai (cũng như mấy nhà người Thượng - dân tộc thiểu số xưa- nói kiểu nay cho là miệt thị "man di mọi rợ") - NK xin bổ sung thêm là : Trước 1945, ta vẫn thường dùng "lính mọi - thơ Tố Hữu, "Mọi Kon Tum" - Les Bahnar de Kontum, cuốn về Dân Tộc học của Bác sĩ Nguyễn Kinh Chi.
  Huống nữa đề bài QUA ĐÈO NGANG mà cặp trạng không có gì là Đèo Ngang cả. Những cảnh vật "tiều lom khom dưới núi", "nhà lác đác bên sông" hay "rợ lác đác trên dông"... hễ nơi nào có nước, có non thì đều có, chớ có riêng gì Đèo Ngang ? Đã biết đây là Thơ tức cảnh, chỉ tả những gì chợt thấy trước mắt trong nhất thời, chớ không phải là Thơ tả cảnh hay vịnh cảnh mà phải nêu những cảnh đặc biệt và thường tồn của nơi mình tả mình vịnh. Tuy vậy, những gì mình thấy cũng phải mang một vài nét đặc biệt để khỏi lầm lẫn với những nơi khác. Chớ ở đây, muốn nói về con Đèo nào khác thì chúng ta chỉ bỏ tên ĐÈO NGANG thay tên con Đèo ấy vào thì "bức tranh cảnh" của ông Phạm Quỳnh trở thành bức trướng, đã thêu sẵn ở ngoài phố mua về điền vào lạc khoản, ngày tháng và tên tuổi của người mua, là có được một món quà hỷ lạ hay vật phúng điếu phổ thông.
   Được ca tụng nhất là cặp luận. Ca tụng cái khéo của sự chơi chữ "nhớ nước" đi với "Quốc Quốc". "Thương nhà" đi với "gia gia". Nhưng vì quá chú  tâm đến cái khéo mà không lưu ý đến chỗ vụng là hai chữ "mỏi miệng". Nhớ nước thì đau lòng là phải, chớ thương nhà sao lại "mỏi miệng" ? Hai chữ "mỏi miệng" vốn ngậm chứa ý nghĩa không tốt. Hai chữ đó thường dùng để tỏ lòng bất mãn vì lời nói tiếng kêu của mình không có hiệu quả, kêu không thấu, nói không ai nghe. Có gì đáng bất mãn trong việc "thương nhà " đâu mà phải thốt ra hai tiếng "mỏi miệng " ?
  Hai câu nhớ nước/ thương nhà không phải là hai câu độc sáng. Ý vốn toát nơi bài thơ chữ Hán của Trần Danh Án (bậc tiến bối đời Lê Trịnh) là lúc theo vua Chiêu Thống chạy sang Tàu lần thư nhất : Chúa một nơi/ Tôi một nơi :
    Giá cô tại giang nam
    Đỗ quyên tại giang bắc
    Giá cô minh gia gia
    Đỗ quyên minh quốc quốc
    Vi cầm do hữu quốc gia thanh
    Cô thần đối thử tình vô cực.
Bài thơ Tràn Danh Án (có trước) lời tự nhiên bình dị, tình lại chân thiết, thật dễ rung động lòng người đọc người nghe. Hai câu của bà Thanh Quan bị những nét tiểu xảo không mấy tinh vi làm giảm sức truyền cảm.
  Cho nên hai câu luận cũng như hai câu trạng bài QUA ĐÈO NGANG, không có gì đáng khen ngợi cho lắm.
 Thật đáng tán dương hai câu chuyển kết :
    Dừng chân ngoảnh lại trời non nước
    Một mảnh tình riêng ta với ta.
Cảnh bao la nơi Đèo Ngang và tình lẻ loi của người qua Đèo, gồm trọn vẹn trong 14 chữ  vừa điêu luyện vừa tự nhiên. Chính nhờ cặp chuyển kết mà bài QUA ĐÈO NGANG được bất hủ.
  Đọc bài Qua Đèo Ngang, tôi có cảm giác đi lên ngọn đồi trơ trụi, khô khan, khi tới đỉnh chợt thấy vọng cảnh rộng rãi xanh tươi, lại được một ngọn gió hương phảng phất.
  Nhưng các sách đã xuất bản từ trước đến nay đều chép là "Dừng chân ĐỨNG lại" cho nên câu thơ đã bị chế diễu là "giờ tí canh ba" . Nay đưa "châu về Hợp Phố" thì câu thơ đã không có chữ vô dụng mà ý thơ lại gia tăng "Qua khỏi Đèo không nỡ dứt tình đi luôn mà phải "Dừng chân ngoảnh lại" .
       -----
Làng Mọc Quan Nhân (quê Đặng Trần Côn) 2 giờ sáng 13/3/2017
nhân thức dậy đọc bài"Luận về chữ ĐỨNG..." của Lang Trương - Đà Nẵng...
Nguyễn Khôi xin chép lại một đoạn trong "Hứng phấn nâng hương" Thi Thoại của Thi hào Quách Tấn để các Bạn Thơ cùng đọc mà ngẫm nghĩ... cho vui.
Kính : NGUYỄN KHÔI (Nhà văn Hà Nội)
            
READ MORE - NHÀ THƠ QUÁCH TẤN VIẾT VỀ BÀI THƠ "QUA ĐÈO NGANG" CỦA BÀ HUYỆN THANH QUAN - Nguyễn Khôi

SỰ HI SINH THẦM LẶNG CỦA BA - Hồi ký


                            Tác giả Ngô Hương Thủy



                    SỰ HI SINH THẦM LẶNG CỦA BA 
                                                       Ngô Hương Thủy 

Khi tôi viết những dòng chữ này thì ba tôi đã an nghỉ trong lòng đất. Ba tôi thọ 84 tuổi. Những người đến chia buồn đều cho ông cụ đã thuộc vào hạng “xưa nay hiếm”. Nhưng trong tôi, đó là một nỗi mất mát lớn lao không gì thay thế được. 
Ba tôi là một nhà giáo nghiêm túc, hiền lành từ thời Pháp thuộc. Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã ý thức được mình có một gia đình hạnh phúc. Chưa bao giờ tôi thấy ba mẹ cãi nhau. Hai người xưng hô bằng từ “mình ơi” nghe rất dịu. Ba đi làm, mẹ nội trợ, sáu anh chị em cắp sách đến trường. Một khuôn mẫu của gia đình cách đây năm mươi năm trước. 
Năm tôi lên tám tuổi thì mẹ mắc bệnh. Một căn bệnh nan y mà đến giờ y học vẫn bó tay: ung thư. Mẹ tôi nằm sáu tháng tại nhà thương Huế. Dù bác sỹ giám đốc Lê Khắc Quyến đã lắc đầu nhưng ba tôi vẫn không chịu bó tay. Người xin nghỉ việc đưa mẹ vào Sài Gòn với suy nghĩ “còn nước còn tát”. Sáu anh chị em bắt đầu thấm thía nỗi côi cút trong căn nhà vắng. 
Rồi từ Sài Gòn mẹ trở về với làn da xanh mét, thân hình gầy guộc. Mắt ba sâu hơn, nụ cười thường nhật biến mất. Tất cả chỉ còn đợi thời gian…Ba đặt một chiếc giường song song cạnh giường mẹ. Trong giấc ngủ trẻ con, nửa đêm tỉnh giấc tôi vẫn thấy ba ngồi nghiêng mình bên mẹ chăm sóc, vỗ về. 
Mẹ tôi có một cái hộp bánh LU của Pháp. Trong đó người cất vòng xuyến, chuỗi ngọc hồi môn, những cái kiềng vàng của các con, tiền dành dụm của gia đình. Nhưng cái hộp càng lúc càng cạn dần. Tiền của lần lượt đội nón ra đi. Rồi vay mượn…Khi mẹ tôi mất thì gia đình hoàn toàn khánh kiệt. Suốt đời tôi chẳng thể nào quên cảnh ba ngồi khất nợ với một người bà con. 
Mội người đàn ông góa vợ lúc 48 tuổi và sáu đứa con dại! Bây giờ tôi mới thấm thía với nỗi vất vả của ba. Chúng tôi không còn người giúp việc. Ba lập một cái sổ thu chi hằng tháng. Chị Hảo chị Hà đi chợ hàng ngày.Tôi nhỏ nhất cũng có bổn phận dọn bàn, lau chén. Chẳng thể còn những món ăn ngon thời mẹ còn sống. Cái bàn tay vốn quen cầm bút của chị tôi chiên trứng thì trứng cháy, nấu canh bữa mặn bữa nhạt, vậy mà ba tôi không hề trách móc, than thở. Có hôm người xuống bếp thay mẹ bảo ban chị. Việc trường, việc nhà chất nặng trên đôi vai ba. 
Mất mẹ tôi ngủ với ba. Thói quen sờ vú của một đứa con gái út không dễ bỏ đi một sớm một chiều. Ba đã ôm ấp tôi, gối đầu tay cho tôi ngủ, cho tôi mân mê vú ba thay vú mẹ trong tiếng thở dài thầm kín. 
Và cứ thế, cuộc đời gà trống nuôi con của ba lặng lẽ qua đi. Ba trả nợ, ba thu xếp cho các con ăn học nên người với số lương còm cỏi của một giáo viên. Mỗi lần anh chị tôi đi thi, không bao giờ ba quên thắp nhang trên bàn thờ mẹ thầm vái van một sự độ trì. 
Năm tôi học đệ tứ- tương đương lớp 9 thời nay- qua sự thu xếp của ông chú, ba tôi có ý định tục huyền với một người quen cũ, nghe đâu cũng là một cô giáo. Các anh đã lớn không có ý kiến gì. Chị Hà vào bàn thờ mẹ khóc. Tôi quay mặt vào tường, đêm ấy không nói với ba một lời. Quá nửa khuya, tôi vẫn nghe tiếng ba trở mình. Và đó cũng là lần cuối cùng. Không bao giờ chúng tôi còn nghe ba có ý định lấy ai. 
Ôi, cái lòng ích kỉ tệ hại của tôi! Giá như ngày ấy chị em tôi biết nghĩ suy hơn một tí. Giá như tôi ý thức được rằng rồi mình cũng sẽ bỏ ba đi tìm một thứ gọi là hạnh phúc, thì hẳn rằng chúng tôi sẽ không ngăn cản ba có môt niềm an ủi khi chúng tôi lần lượt chắp cánh bay xa. 
Ngày ba về hưu thì tôi đang ở năm ba Đại học sư phạm, nối tiếp cái nghề truyền thống của gia đình. Các anh chị đã trưởng thành, mỗi người đều có một sự nghiệp tương đối trong xã hội.Tưởng đâu ba đã thong thả tuổi già, an nhàn trong sự bảo bọc của các con, mãn nguyện với hương hồn mẹ. 
Miền Nam giải phóng. Đất nước chấm dứt cuộc nội chiến nhưng gia đình tôi lại có nỗi đau riêng. Anh ruột và hai anh rể đi học tập. Ba tôi lại tất bật từ Đà Nẵng vào Quy Nhơn, từ Quy Nhơn lên Đà Lạt giữ cháu cho các chị tôi lăn lộn chợ trời, làm lụng kiếm sống. Còn một chút của cải phòng thân, người cũng ngắt ra giúp cho các chị thêm chút vốn liếng nuôi con. 
Sự hy sinh của ba to lớn quá mà chúng tôi nào có cơ hội đáp đền! Sau này khi cuộc sống dần khá lên, các anh chị có điều kiện xuất cảnh gửi tiền về chu cấp thì ba vẫn cứ một đời sống khiêm cung giản dị. Ba đến thăm nhà đứa con nào thì nhà ấy phong quang, sạch sẽ, hoa cỏ tốt tươi. Tám mươi tuổi ba vẫn hái cà phê. Ngăn không cho ba làm thì ba bảo có lao động mới khỏe. Ba già mà tính không chướng. Ba vui vẻ thăm hỏi mọi người từ trong làng ra ngoài xóm. Ai cũng khen ba phúc hậu, quắc thước , phong thái ung dung. Có lần đưa ba về Sài gòn dự buổi họp mặt của cựu học sinh Trường trung học Nguyễn Hoàng-Quảng Trị, ba tươi tắn biết bao nhiêu khi đón bó hoa tươi thắm mừng thọ của học trò, của các cô thầy đồng nghiệp. 
Vậy mà tự dưng ba bỗng yếu đi bất ngờ. Ba có nhiều câu lẩn thẩn. Ba bắt đầu nói về cái chết. Ba kể những câu chuyện 40, 50 năm về trước. Ba sống trong hồi ức xa xăm. Tôi đã có cái hạnh phúc được chăm ba những ngày cuối đời. Tôi bón cho ba thìa cháo, muỗng sữa. Tôi tắm cho ba, xoa nắn làn da mồi và những khớp xương gầy…Nhưng tôi vẫn chưa làm được những gì so với công ơn trời biển của ba. Trong những phút tỉnh táo ba vẫn băn khoăn, đau xót cho sự gãy đổ hạnh phúc của đời tôi. Anh chị đến đón, ba không về . Ba muốn sống và chết ở nhà đứa con út thiệt thòi nhiều thứ. 
Và đúng là “phụ tử tình thâm”. Cái sáng thứ hai ấy, đang dạy ở trường lòng tôi bỗng như lửa đốt. Tôi bỏ dở tiết dạy ra về và kịp chứng kiến sự ra đi của người cha yêu dấu. Tám mươi tư tuổi. Ba mươi sáu năm ở vậy nuôi con. Trải qua những biến cố thăng trầm, đời ba khổ nhiều hơn sướng. 
Đám tang của ba tôi có rất nhiều thầy cô giáo và học sinh. Học sinh cũ của ba và của tôi hiện tại. Một số ở xa cũng đánh điện chia buồn. Âu cũng là một niềm an ủi cho nghề giáo đạm bạc mà thanh cao. 
Ba ơi ! Nếu quả thật có một thế giới bên kia cực lạc thì con chắc chắn rằng ba đang ở đó. Và xin hương hồn ba ghi nhận tấm lòng tri ân của các con trước sự hi sinh thầm lặng suốt cuộc đời ba. 


                                                                            Ngô Hương Thủy


READ MORE - SỰ HI SINH THẦM LẶNG CỦA BA - Hồi ký