Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, March 7, 2017

LÁ BÙA LẮM GAI - Thơ Nguyễn Lâm Cẩn



            Tác giả Nguyễn Lâm Cẩn



THƠ TÌNH 8-3
LÁ BÙA LẮM GAI

Tưởng rằng chẳng nhớ gì đâu
Cái tên tôi cũng quên lâu lắm rồi
Bây giờ phải kiếp mồ côi
Bỗng dưng cái nhớ lại sôi lửa nồng

Giá như em chửa lấy chồng
Tôi không là gió trên đồng bơ vơ
Ngày lay lắt sống trong mơ
Đêm về thao thức làm thơ một mình

Em như quả táo sân đình
Tôi, người ăn rở đi rình của chua
Giá em đừng đội lên chùa
Tôi đâu mắc nợ lá bùa lắm gai

Con sông ngày ấy rất dài
Và tôi vẫn chảy ra ngoài hạt mưa
Vén trời mây vẫn ngày xưa
Tình giăng giắc kéo cò cưa cháy lòng.

                        Nguyễn Lâm Cẩn

READ MORE - LÁ BÙA LẮM GAI - Thơ Nguyễn Lâm Cẩn

BÀN THÊM VỚI ANH PHẠM ĐỨC NHÌ - Chu Vương Miện



     Nhà thơ Chu Vương Miện



BÀN THÊM VỚI ANH PHẠM ĐỨC NHÌ 

Đọc bài phân tích bài thơ của cô giáo Trần Thị Lam "Đất Nước Ta Ngộ Quá" của anh, chúng tôi xin được phép bàn thêm, có tính cách ngoài lề, không chen vào nội dung bài viết của anh, và các thân hữu liên hệ, mà chỉ được phép bàn riêng về từ NGỘ, để cho có tính cách thuyết phục, Chu Vương Miện xin được diễn giải đôi chút về Từ và Ngữ giai đoạn trước năm 1954, tức là giai đoạn 1945 của cụ Trần Trọng Kim làm Thủ Tướng và sau 1949 Đức Vua Bảo Đại làm Quốc Trưởng, danh từ hành chánh cũng đã thay đổi :

- Nhà Giây Thép - Ty Bưu Điện
- Nhà Thương     - Bệnh Viện
- Nhà Lục Lộ       - Ty Công Chánh 
- Nhà Thương Bạc - Ty Ngân Khố
- Nhà Học Chánh - Ty Tiểu Học
Nay xin nói tới Địa Danh của quê nội chúng tôi, xưa là Quảng An Châu, Lục Châu, Quảng Yên, Quảng Ninh, Hồng Quảng, sau chót bây giờ là tỉnh Hạ Long, có một địa danh ngay sát nách tỉnh Hạ Long "nguyên là Hồng Gai cũ" gọi là Vạ Cháy, bãi đất trống này rộng chừng 2 mét vuông, dùng để hun thuyền và đóng thuyền, sau được chuyển thành bãi tắm du lịch, thiên hạ gọi là Bãi Cháy, tuy nhiên ai gọi Vạ Cháy cũng không sao, hoặc những địa danh ở Châu Vạn Ninh (tức Móng Cái), nhà Lý cho một bộ phận của người Nùng nguyên quán gốc Quảng Đông sang định cư vào thế kỷ thứ 12 vì bộ phận này chống nhau với nhà Tống. Phần đất này có nhiều địa danh người Nùng đọc theo kiểu người Hán :
Âm Việt : Hà Tu, Hà Đầm, Hà Cối 
Âm Hán : Tu Hà, Đầm Hà, Cối Hà 
Quê ngoại của Chu Vương Miện ở huyện Thủy Nguyên thuộc tỉnh Kiến An, bây giờ là thành phố Hải Phòng, Huyện này cách bến đò Bính chừng 10 km, thường đựợc dân địa phương gọi chung là Thủy Nguyên, Núi Đèo hoặc Dẹo, đền thờ phò mã Dẹo, đền thờ Đức Trần Hưng Đạo Dẹo, quê mẹ của Chu Vương Miện ở làng Phục Phả, sau làng nhiều dân đinh chia làm hai, nửa trên gần tỉnh lộ là Phục Lễ, phần dưới tiếp với sông Bạch Đằng là Phả Lễ, phu nhân nhà thơ Nguyễn Khôi ở nơi đây. Phục Lễ và Phả Lễ chỉ là tên đơn vị Hành Chánh rất ít người biết và nói tới  
*
Xin trở lại từ NGỘ, trước năm 1954 chưa có xuất hiện danh từ Bệnh Tâm Thần, mà chỉ có từ Ngộ, Dại và Điên, cái bệnh này thường xuât hiện vào mùa Hè, vì trời nóng quá, nhất là cho loại Chó Ngộ, chó Dại là Chó mới bị bệnh Điên, có thể chữa cấp kỳ thì khỏi bệnh.
Người Điên là Điên rồi, chỉ còn cách đưa vào nhà thương Điên điều trị, còn mới bị Ngộ chẳng hạn như Ngộ Độc chữa ngay thì không sao, để chậm thì thành Dại và Điên, có nhiều vị học giỏi, được gọi là Ngộ Chữ, hay đi ra ngoài đường dơ chân chỉ tay nói tiếng Tàu, tiếng Pháp... nhưng qua mùa hè hết nóng lại trở lại bình thường, chẳng hạn như thi hào Bùi Giáng lang thang ở Sài Gòn thuộc vào loại Ngộ Cuồng chớ chưa Điên. Xin được đơn cử trường hợp của đại thi hào Tản Đà, được nhà đại phú Diệp Văn Kỳ  thỉnh mời vào Nam làm báo, cụ Tả Đàn đòi điều kiện là phải mời cho bằng được lão Tố "tức học giả Ngô Tất Tố" đi theo làm bạn, chớ không thì đất lạ quê ngừời buồn lắm, cụ Kỳ OK, đến nơi được vài ngày cụ Tản Đà bèn mượn xà beng, nạy khoảng chừng 2 mét vuông gạch đá hoa nền nhà, cụ Kỳ thấy ngộ qúa vòng tay hỏi : 
- Kính bẩm tiên sinh, làm chi vậy ?
- À , không làm chi hết, chẳng qua ăn thịt cá mà không có rau thơm nó nhạt miệng quá, nên đào một ít đất trống để trồng rau ngò, rau răm, rau húng vậy mà!
 Sau đó thì cái chuyện gì dễ và hay thì cụ Tản Đà làm, như dịch thơ Đường thì bài nào tuyệt cú mèo và thời danh thì cụ dịch, chẳng hạn như Hoàng Hạc Lâu, Phong Kiều Dạ Bạc. Còn ba cái bài có tính cách giáo khoa, dịch… giống như cụ Trần Trọng Kim, thì cụ Tản Đà phê ngay vào bài thơ "bài bày  để lão Ngô dịch", những lúc đối ẩm quá say sưa, thì cụ Tản bèn cầm quạt đánh nhẹ vào đầu lão Ngô, nếu lão Ngô cứ ngồi yên cho cụ đánh thì không sao, hoặc vô tình đứng lên chạy thì cụ Tản vừa chạy theo vừa đánh tới cùng, khi gia nhân trong nhà thấy hai cụ rượt nhau như vậy, bèn ba chân bốn cẳng chạy theo hai bên để bảo vệ những của gia bảo vật quí như đồ sành sứ Trung Quốc... cụ Ngô chạy trước ngoảnh đầu lại nói : "ngưng ngay lại đi, không thì thiên hạ họ cho chúng mình là hai đứa Ngộ, làm gì mà giống y như trong ciné vậy! cụ Tản chạy sau nhưng cố nói vọng to lên "anh tưởng chúng ta đang sống thật đấy à, cũng toàn là ciné cả đấy! " 
Trước năm 1954 thì chia đôi đất nước, và sau năm 1975 thì thống nhất đất nước. Đây là bà con của Chu Vương Miện nói chuyện với nhau :
Ngoài Bắc gửi thư vào Nam Nói :"Làm ơn mua giùm cái Đài!" trong Nam hỏi lại "Mua loại nào ? loại Mo Cau hay loại bằng Tôn ? vì nghĩ mua Đài (cái gàu) để tát nước hay múc nước dưới giếng. Ngoài Bắc trả lời :" Cái Đài là cái Radio đấy."
Chữ Ngộ không chỉ dừng ở Ngộ Nghĩnh dễ thương, mà còn nhiều nghĩa ngoại lệ nữa, chẳng hạn như có một cuộc chia tay của hai người tình như Phạm Thái, Quỳnh Như trong Tiêu Sơn Tráng Sĩ của Khái Hưng thì Quỳnh Như hỏi Phạm Thái :" Ngộ có ngày gặp lại ? 
Câu chuyện đến đây có thể tạm dừng được rồi, tuy nhiên nếu các thân hữu muốn trao đổi thêm thì người viết sẵn sàng!

                                                                      Chu Vương Miện

READ MORE - BÀN THÊM VỚI ANH PHẠM ĐỨC NHÌ - Chu Vương Miện

TRÊN NĂM ĐẦU NGÓN TAY CỦA MẸ - Nguyễn Trung Giang


Tác giả Nguyễn Trung Giang


TRÊN NĂM ĐẦU NGÓN TAY CỦA MẸ
Nguyễn Trung Giang

Ngày ấy, khi nhìn ngón tay cái của mẹ vân vê trên đầu những ngón tay còn lại, tôi nghĩ đó là một thói quen. 
Cha mất hồi tôi lên bảy. Ở cái tuổi ê a đánh vần, một vành tang nhỏ quấn ngang đầu, tôi chưa cảm nhận nỗi đau từ đây sẽ xa cha mãi mãi.
Cha đi rồi, ngôi nhà trở nên vắng lặng. Không gian hiu quạnh bao trùm cảnh vật. Mẹ gầy guộc hẳn. Biến cố đau thương ập đến như cơn lốc lạnh lùng xoáy tận tâm can, làm cho tấm lưng mẹ vốn đã còng bởi sức nặng khó nghèo, giờ càng còng xuống thấp hơn. Mẹ trầm ngâm ít nói và thường lặng lẽ ôm tôi vào lòng, đôi mắt đăm đắm nhìn về dòng sông phía sau lưng nhà trong những buổi chiều có ngọn gió nồm nhẹ thổi.
Tuổi thơ tôi, cậu bé nhà quê quen mùi bùn đất rơm rạ quẩn quanh trong xóm nhỏ bình yên. Tâm hồn trẻ thơ ngát hương như loài hoa dủ dẻ, hiền hòa như con sông, con hói và nao nức như bầy chim sẻ ríu rít dưới bình minh. Ngày tháng êm đềm nhẹ nhàng đi qua sau lũy tre xanh. 
Quê hương, khúc eo miền Trung hẹp quá, nên mỗi độ gió Nam lùa về mang theo hơi lửa vòng vèo dưới chân dãy Trường Sơn ồ ạt đổ xuống vùng đất thâm điền trước khi ra biển cả. Gió lồng lộng làm tốc mái các nếp nhà tranh, các cụm tre làng xơ xác chỉ còn trơ lại thân cây già cổi với gai nhọn đầy mình. Thời tiết khắc nghiệt, mưa nặng nhọc nhằn, miếng no, miếng đói chồng chéo lên nhau, thế mà mẹ vẫn chăm chút cho anh em tôi ấm áp trong trang vở học trò. 
Năm tôi đậu vào lớp đệ thất cả nhà rất vui mừng. Mẹ vay chạy mua cho tôi chiếc xe đạp. Chiếc xe mà cả gia đình chắt bóp không biết bao nhiêu ngày để lo cho tôi có phương tiện đến trường. Chiếc áo sơ mi trắng hơn, chiếc quần dài xanh chửng chạc hơn, đôi mắt mẹ ánh lên niềm vui thấy tôi như lớn lên trước ngưỡng cửa trường trung học. 
Trường quận ở xa nên đứa nào cũng mang theo cơm trưa. Cơm trưa được gói trong mo cau cột chặt lại trong như một cái bánh chưng, không được vuông vức cho lắm. Lớp áo phong phanh, heo may từng chặp, hơi lạnh thấm vào da thịt mới thấm thía gian nan của học trò ngày ấy. 
Làng tôi, vùng đất thâm điền nên mọi thứ đều trông cậy hạt lúa ở ngoài đồng. Mà hạt lúa thì có dễ đâu. Có năm lũ về sớm, lúa mới vào chắc thì đã chìm nghĩm trong làn nước bạc mênh mông. Xóm làng ngơ ngác, cái đói chực chờ. Mẹ ngồi trên bục cửa, đôi mắt lặng thầm nhìn biển nước mênh mông, làn môi lật bật mà trên năm đầu ngón tay vẫn lần mò bài toán nhẩm. Bài toán đi theo mẹ trên những sáng mù sương, những trưa hè ngập nắng hay những hoàng hôn gánh gồng bươn chải. Những ngày thu ảm đạm, bài toán đời vẫn theo bước chân mẹ trên đường ngang lối tắt. Chiếc bóng nhỏ nhắn vẫn sáng đi tối về mỏi mòn tìm cơm áo nuôi con. 
Xuân về, hoa cúc hoa mai nở vàng xóm nhỏ. Mẹ ngồi bỏm bẻm nhai trầu trên sạp gụ lòng ngậm ngùi nhìn bước chân thời gian đi qua thầm lặng. Đi qua thời con gái rồi lấy chồng sinh con đẻ cái. Gánh nặng cuộc đời mãi đè xuống trên đôi vai khô gầy bé nhỏ. Gian nan song hành cùng mẹ từ lúc gian nan cho đến tuổi xế chiều. 
Tôi đếm tuổi mình qua từng cái Tết, qua từng niên học thì mái tóc mẹ cũng đã bạc trắng tự bao giờ. 
Từng chặng, từng chặng những ngón tay chai dần. Đã đến lúc mẹ biết mình không còn đủ sức tiếp tục cuộc hành trình. Trong khoảng quạnh hiu ấy, nhìn tia nắng vàng sắp tắt lòng vẫn còn băn khoăn khi thấy dưới chân mình quang gánh đời còn bề bộn. 
Mẹ mỉm cười như nhìn thấy bóng cha vẫy gọi bên kia phương trời miên viễn, để rồi khi bài toán đời khép lại, mẹ tôi vĩnh viễn ra đi vào một chiều đông lạnh. 
Tôi đứng lặng người trước nấm mồ cỏ đã lên xanh. Khói hương bảng lảng bay trong gió chiều se lạnh. Lòng cồn cào nỗi nhớ thương đòi đoạn. Lần mò trên năm đầu ngón tay mình cũng chai khô giữa vòng xoáy cuộc đời.
Heo may run nhẹ. Bóng mẹ chập chờn. Trong tận cùng nỗi đau ấy, lòng tan bời nấc nghẹn. 
Mẹ ơi ...


Mùa đông 1978
NTG
READ MORE - TRÊN NĂM ĐẦU NGÓN TAY CỦA MẸ - Nguyễn Trung Giang

THÀNH NGỮ CÓ XUẤT XỨ TỪ THƠ CỔ ĐIỂN VÀ ĐIỂN CỐ (PHẦN 7) - Nguyễn Ngọc Kiên


     


THÀNH NGỮ CÓ XUẤT XỨ TỪ THƠ CỔ ĐIỂN 
                  VÀ ĐIỂN CỐ - PHẦN 7
                                 
(15)Vô cùng vô tận
Thành ngữ này có xuất xứ từ bài thơ Đạp sa hành (踏莎行) của Án Thù) (晏殊)  đời  Bắc Tống. Nguyên tác của bài thơ như sau:
踏莎行其二 
祖席離歌, 
長亭別宴, 
香塵已隔猶回面。 
居人匹馬映林嘶, 
行人去棹依波轉。 

畫閣魂消, 
高樓目斷, 
斜陽只送平波遠。 
無窮無盡是離愁, 
天涯地角尋思遍。

Phiên âm: 
Đạp sa hành kỳ 2 
Tổ tịch ly ca, 
Trường đình biệt yến, 
Hương trần dĩ cách do hồi diện. 
Cư nhân thất mã ánh lâm tê, 
Hành nhân khứ trạo y ba chuyển. 

Hoạ các hồn tiêu, 
Cao lâu mục đoạn, 
Tà dương chỉ tống bình ba viễn. 
Vô cùng vô tận thị ly sầu, 
Thiên nhai địa giác tầm tư biến.

Bản dịch của Nguyễn Phước Hậu:

Chia ly tiệc quán tiễn ngâm nga 
Ngoảnh ngắm bụi mờ khuất lối qua. 
Ngựa hí vang rừng người ở lại 
Chèo khua dậy sóng kẻ về xa. 

Lầu gác hồn tan mắt dõi theo 
Xa trông nước lặng sóng về chiều. 
Chia ly sầu thảm không bờ bến 
Góc đất chân trời dạ hắt hiu.

Trong tác phẩm Tây Du Kí của Ngô Thừa Ân, có viết:
“Đường sang Tây thiên vô cùng vô tận, khi nào mới tới được đây?”
                                                          Tây Du Kí- Ngô Thừa Ân
Trong truyện ngắn của mình Lỗ Tấn cũng dùng thành ngữ này:
“Trong lòng anh ta có cái gì đó kỳ lạ vô cùng vô tận, tất cả bạn bè của tôi không bao giờ biết được.”
                                                (Lỗ Tấn – Cố hương)
Theo Từ điển tiếng Việt Wikipedia mở, “vô tận” hay “vô cực’ là thuật ngữ dùng trong thần học, triết học, toán học cũng như trong cuộc sống hàng ngày. Vô tận theo nghĩa thông thường nghĩa là không giới hạn, không có xác định được kích thước hay số lượng cụ thể. Với ý nghĩa này, vô tận trùng với vô hạn, vô cùng. Trong toán học, vô cực được ký hiệu bằng ∞.
Các nghiên cứu về vũ trụ đưa đến một kết quả rằng, vũ trụ hay vũ trụ quan sát được của chúng ta là hữu hạn nhưng không có biên . Theo như kết quả hiện giờ vũ trụ vẫn còn nhiều bí ẩn. Sự vô biên hay hữu biên của vũ trụ chưa được chứng minh. Chúng ta nên biết hầu hết các hình ảnh về vũ trụ là ảnh của mô hình dự đoán (không phải do chụp thực tế mà có). Các nhà khoa học thể hiện mô hình cho dễ hiểu.

(16) Cưỡi ngựa xem hoa  (走马观花) [tẩu mã quan hoa]

Đây là một thành ngữ tiếng Trung Quốc. Chuyện rằng:
Có một cô nàng nọ đã đến tuổi cặp kê mà vẫn chưa có ai. Lý do là môi của cô có khuyết điểm, bị hở hàm ếch. Và ở vùng khác, cũng có một anh chàng kia, tuổi đã lớn mà chưa có người nâng khăn sửa túi vì anh bị tật ở chân. Cả hai đều nhờ đến mai mối, mong tìm được người thương. Bà mai mà hai người này nhờ lại là một người, bởi vậy câu chuyện mới tiếp tục và làm cho hai người xa lạ kia tiến gần lại với nhau. Bà xếp đặt cho hai người một cuộc hẹn. Đó là vào hội chợ hoa.
Chợ hoa lần ấy, người ta thấy một chàng thư sinh cưỡi chú tuấn mã thong dong vào vườn hoa. Laị còn thấy một cô gái thật đẹp nép nửa mặt vào trong cánh quạt, đang e lệ khẽ nâng từng cánh tầm xuân
Sau đó hai người hình như là quen nhau, dù hơi xấu hổ khi biết được khuyết điểm của nhau。
Câu "cưỡi ngựa xem hoa" ra đời từ đó.
Người Việt mượn câu này và dịch ra tiếng Việt với ý nghĩa là: Nói đến cách làm việc của một cá nhân nào đó chỉ lướt qua đại khái hay cho có chứ không muốn tìm hiểu sâu và chi tiết vào nó trong khi thực chất công việc đó đòi hỏi phải xem xét kĩ lưỡng. Giống như khi xem một đóa hoa đẹp, người ta phải lại gần, nâng niu và từ từ ngắm thưởng thì bạn lại ngồi trên ngựa mà ngó xuống, thử hỏi như vậy làm sao thấy hết đc vẻ đẹp của bông hoa. Giống như thành ngữ thầy bói xem voi chỉ vội vàng kết luận mà không xem xét kỹ toàn diện kĩ lưỡng.

                                                                       Nguyễn Ngọc Kiên

READ MORE - THÀNH NGỮ CÓ XUẤT XỨ TỪ THƠ CỔ ĐIỂN VÀ ĐIỂN CỐ (PHẦN 7) - Nguyễn Ngọc Kiên

TA VỚI NGÀN NĂM MÂY BAY - Thơ Hoàng Yên Lynh




READ MORE - TA VỚI NGÀN NĂM MÂY BAY - Thơ Hoàng Yên Lynh