Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, February 21, 2017

SAO KHÔNG TRÁCH? / NHỚ CON - thơ Võ Tấn Hùng

SAO KHÔNG TRÁCH?
( Gửi chị Vinh, Hà Nội)
(Ảnh chị Vinh, Hội viên Thi đàn VN)


Đọc mấy dòng thơ hoạ,
Nghe thương quá chị ơi!
Cớ chi không chịu trách,
Mà suýt nữa
                  Lạ chưa?


Mồng Năm ngày đẹp quá,
Đào thắm nắng la đà.
Chị ngồi nhà tiếp khách
Ngỡ Đống Đa em về?


Thèm ghê lời chị trách:
-Sao chẳng báo em ra,
Để chị đón lại nhà,
Cùng vui xuân Hà Nội?

   Bình Định,07.02.2017

    VÕ TẤN HÙNG


             NHỚ CON
Sáng nay
Sau ngày lễ Valentine
Những cành mai
Dọc đường quê
             Uốn quanh
                   Xốn xang
                       Nở muộn
                                  Rực vàng!
 Trời vẫn đang Xuân
        Se se
               Tê tê
                   Lạnh
                             Như Cao Nguyên
Không một giọt nắng!
Lên Thư viện
       ngồi đọc sách
Lãng đãng…
Nhớ con trai
       rất nhiều!
Nhớ cái cù lét của con
        nhột đến oằn người
Nhớ cái bực mình
       bởi tiếng súng đì đoàng con chơi game
đến nửa đêm
Nhớ cái ngứa mắt
                      bỡi con  ngủ nướng quá 11 giờ trưa…
Nhớ sáng nay
      Con lên giảng đường
         để vật lộn mớ kiến thức mơ hồ, lạ lẫm
                    để mai này vận dụng vào thực tế vì kế
mưu sinh
Vừa thơ mộng
Vừa dữ dằn đầy sóng gió?
Vẫn biết con đã lớn khôn
Nhưng trong mắt bố con vẫn còn quá bé nhỏ thơ ngây
giữa chốn phồn hoa đô thị?
Lắm thiên thần nhân hậu
Nhưng không ít ác quỷ lọc lừa xảo trá?
Bố luôn lo lắng, hồi hộp
Dõi bước chân con!
Nhiều đêm trở trăn thao thức…
Bất chợt nhìn ra khung cửa,
Bên kia đường
Những chiếc lá bàng chín đỏ
Cuối cùng
               Bịn rịn
                     Lìa cành
                           Lả tả rơi…rơi
Đâu đó
            Trên bộ khung cây bàng
                         Cỗi cằn
                             xương xẩu
                                       xù xì
                                              đen đúa
Đã nhú ra
                Những lộc non
                                      Ngơ ngác
                                                   Đáng yêu!
             Bình Định,15.02.2017

                VÕ TẤN HÙNG


READ MORE - SAO KHÔNG TRÁCH? / NHỚ CON - thơ Võ Tấn Hùng

DẤU VẾT CUỘC ĐỜI - ca khúc của Trầm Thiên Thu




 






READ MORE - DẤU VẾT CUỘC ĐỜI - ca khúc của Trầm Thiên Thu

ĐỪNG THỀ - Thơ Đặng Xuân Xuyến




ĐỪNG THỀ
Tặng Trần Hải Sơn 

Đừng khắc lời thề lên đá
Thời gian mưa nắng bào mòn
Lấy ai làm chứng nhân.

Đừng vẽ lời thề trên cát
Sóng duyềnh dan díu bước chân
Tình nhân thành kẻ lạ.

Đừng ghim lời thề vào lá
Tuyềnh toàng đám gió mồ côi
Lời yêu nghe đắng vội.

Hãy nghe vọng tiếng con tim!
Hãy thở nhịp đập trái tim!
Hãy đặt trong tim lời thề!

Hà Nội, ngày 18 tháng 02.2017
ĐẶNG XUÂN XUYẾN

READ MORE - ĐỪNG THỀ - Thơ Đặng Xuân Xuyến

BÌNH THƠ: PHẦN DẪN NHẬP - Phạm Đức Nhì

 
          Tác giả Phạm Đức Nhì


BÌNH THƠ: PHẦN DẪN NHẬP
                                            
Bình Thơ Là Gì?
Nói nôm na là đọc một bài thơ rồi phán nó Hay hay Dở, hay ở chỗ nào, dở ở chỗ nào, giải thích và chứng minh.
Nhưng làm sao biết nó Hay hay Dở? Người bình thơ phải “sắm” cho mình một bộ thước chuẩn - chữ chuyên môn là Những Tiêu Chí Để Thẩm Định Giá Trị Một Bài Thơ.
Có 3 Tiêu Chí Chính:
1/ Tứ Thơ  
2/ Kỹ Thuật Thơ
3/ Cảm Xúc/ Hồn Thơ.
Sau nhiều năm học hỏi và chơi trò bình thơ, người viết bài này đã từ 3 Tiêu Chí Chính “đẻ” ra nhiều tiêu chí khác. Đây chính là bộ thước chuẩn mà tôi (PĐN) luôn để trước mặt mỗi khi bình thơ. Hôm nay, sau khi trao đổi với anh Thái Hưng Nguyễn mấy ngày trước, tôi sẽ đem từng cây thước một tặng các bạn trẻ trong Thơ Ca Nghệ Thuật Đương Đại. Tôi cũng nhận lời mời của Trần Hạ Vi nên cũng gởi bài cho Thơ Ca Không Biên Giới.
Tôi sẽ cố gắng dùng ngôn ngữ đời thường, tránh từ chuyên môn nếu có thể được, để cây cầu thông cảm giữa kẻ viết và người đọc luôn rộng mở.
Tại sao cùng một bài thơ mà khi bình có người khen hay, kẻ chê dở?
Có 2 lý do chính (không kể khác biệt về tôn giáo, lập trường chính trị):
1/ Thước chuẩn của mỗi người bình thơ dài ngắn khác nhau.
     Thí dụ: Về Ngôn Ngữ Thơ, nếu người bình dễ dãi (thước chuẩn ngắn) thì có thể cho là ngôn ngữ Sang Trong; nếu người bình khó (thước chuẩn dài) sẽ phán ngôn ngữ của bài thơ hơi Sến
2/ Trình độ, vốn liếng của người bình thơ cao hay thấp, nhiều hay ít: Tôi tạm chia làm 3 loại:
     a/ Bình thơ tùy hứng; tùy theo cảm nhận của mình, chọn chỗ hay, dở của bài thơ rồi nương theo tứ thơ mà bình, mà tán. Người bình loại này không có cây thước chuẩn nào trong túi.
     b/ Bình thơ dựa vào một vài thước chuẩn riêng của mình, thường là thước chuẩn về tứ thơ, phép ẩn dụ, ngôn ngữ, hình ảnh …. Tuy vậy, cái nhìn của họ về bài thơ vẫn còn phiến diện, rất thường bỏ sót những điểm Hay, điểm Dở của bài thơ.
     c/ Bình thơ với bộ thước chuẩn chuyên nghiệp: Với khoảng trên 20 cây thước chuẩn (sẽ tăng thêm theo thời gian), người bình thơ ở đây có thể tiếp cận toàn diện tác phẩm, nếu gặp lúc cao hứng, lời bình bay bướm, có thể đưa giá trị của bài bình thơ lên rất cao. Khi viết các bài Luận Văn (Essay), Luận Văn có tra cứu (Research Paper) sinh viên đại học Mỹ thường sử dụng bộ thước chuẩn tương tự như bộ thước này.
Bình bài thơ nào cũng sử dụng trên 20 cây thước chuẩn đó hay sao?
Không hẳn như vậy. Mỗi bài thơ, tùy tay nghề của tác giả, chỉ cần đem 6 hoặc 7 cây thước chuẩn ra là đủ.(Có bài con số đó còn ít hơn nữa). Trước tiên, liếc mắt ướm thử xem những Tiêu Chí (thường áp dụng) của bài thơ so với thước chuẩn của mình có cách biệt nhiều không? Nhiều thì bình tán, ít hoặc bằng nhau thì cho qua. Thí dụ bàn về Cảm Xúc. Nếu bài thơ khô khốc (không cảm xúc) hoặc cảm xúc dạt dào, nóng bỏng thì chỉ ra, nói ra cho độc giả biết; cảm xúc bình thường thì lờ đi hoặc chỉ nói phớt qua.
Có bộ thước chuẩn trong túi, thi sĩ sẽ biết cách làm thơ hay hơn, độc giả thưởng thức thơ hứng thú hơn, và người bình sẽ bình thơ đúng và đầy đủ hơn.
Các bạn có thắc mắc, sẽ trao đổi qua comments.
Chúc các bạn thành công.

Phạm Đức Nhì

            TIÊU CHÍ 1: TỰA ĐỀ CỦA BÀI THƠ
Dẫn Nhập
Lẽ ra nên bắt đầu bằng Tứ Thơ nhưng Tứ Thơ là một tiêu chí lớn, hơi mông lung, không cụ thể. Tôi không muốn các bạn có tâm trạng hoang mang ngay ở bước đầu tiên rồi đi đến chỗ chán ngán nên chọn Tựa Đề là tiêu chí số 1. (Bài này có sử dụng vài đoạn Lời Bình Ngắn trong phamnhibinhtho.blogspot.com)
Tựa Đề Là Gì?
Xin gởi đến các bạn một định nghĩa, mà theo tôi, đơn giản nhất:
Tựa đề là một chữ hay một nhóm chữ chỉ ra cái cốt tủy của toàn bài.
Tựa đề có ảnh hưởng gì đến giá trị của bài thơ không? Tôi cho là có.
Nhiều bài thơ có tựa đề rất bình thường , đủ để hoàn thành nhiệm vụ “chỉ ra cái cốt tủy của toàn bài thơ”. Nhưng cũng có một số tựa đề dở và một số tựa đề hay. Tựa đề hay chỉ làm bài thơ hơi đẹp hơn một tý (nên khi bình ít ai nói đến), còn tựa đề dở sẽ khiến bài thơ xộc xệch hẳn đi, và dĩ nhiên, giảm giá trị nghệ thuật của nó khá nhiều. Cho nên trong bài viết ngắn này tôi sẽ chú ý đến một số trường hợp tựa đề dở.
1/ Tựa Đề Đi Lạc – Không Chỉ Ra Cái Cốt Tủy Của Toàn Bài

NIỀM TIN
Lại một NOEL nữa
Mấy mùa Giáng Sinh rồi
Anh ở đồn biên giới
Thuơng về một khung trời
Chắc Ðà lạt vui lắm
Mimosa nở  vàng                              
Anh đào khoe sắc thắm
Huơng ngào ngạt không gian
Mấy mùa Giáng Sinh truớc
Chỗ hẹn anh chờ hoài
Lần này không về đuợc 
Hồi hộp đợi tin ai
Em biết chăng đời lính
Nắng sớm với sương chiều
Gió rừng rồi mưa núi
Ðã làm anh vui nhiều
Radio mở sẵn
Ðón thanh lễ truyền thanh
Xin CHÚA ban ơn xuống
Cho em và cho anh
Cùng cầu cho thế giới
Cho nhân loại hoà bình
Cho đôi ta gặp lại
Trong một mùa Giáng Sinh
nhấttuấn (1960) Anh Linh phổ nhạc
Dựa vào nỗi niềm thương nhớ sâu đậm của tác giả - một người lính xa nhà - đối với người yêu ở hậu phương Đà Lạt, có thể nói Niềm Tin là một bài thơ, một bản nhạc tình. Tuy đoạn cuối có nhắc đến việc cầu nguyện:
Cùng cầu cho thế giới
Cho nhân loại hòa bình
nhưng mục đích chính vẫn là:
Cho đôi ta gặp lại
Trong một mùa Giáng Sinh.
Tạm giã từ giai điệu êm đềm, dễ thương của Anh Linh để trở về nguyên bản bài thơ của Nhất Tuấn tôi thấy khi phổ nhạc Anh Linh đã bỏ đi một đoạn:
Radio (Ra đi ô) mở sẵn
Đón Thánh Lễ truyền thanh
Xin Chúa ban ơn xuống
Cho em và cho anh
Việc bỏ đi đoạn thơ ấy làm bản nhạc hay hơn hoặc dở đi tôi sẽ bàn trong một dịp khác. Nhưng dù trở lại bài thơ nguyên gốc – có cả 2 đoạn cầu nguyện - Niềm Tin vẫn là bài thơ tình, nặng về nỗi nhớ thương của người lính với người yêu. Lời cầu nguyện không nhằm mục đích nhấn mạnh vào niềm tin tôn giáo mà chỉ tô đậm thêm cho chữ Tình của con người. Vì thế theo tôi, cái tựa Niềm Tin của bài thơ có vẻ xa cách, lạc với nội dung của tứ thơ, đã làm cấu trúc (thế trận chữ nghĩa) của bài thơ bị xộch xệch.

2/ Tựa Đề Làm Lộ Mạch Thơ
NHỚ  QUY  NHƠN
                        Không đủ ban ngày để nhớ nhau
                        Tối nằm chợp mắt đã chiêm bao
                        Nửa đêm trở dậy hương rừng thoảng
                        Tương biển Quy Nhơn gió thổi vào.
                                    (Vương Linh, 1921-1992)
Không rõ trước khi rời quê hương miền trung, tập kết ra bắc (1954), chàng thanh niên Lê Công Đao (Vương Linh) có được đọc và học thơ Trần Tế Xương không, chứ đọc Nhớ Quy Nhơn của ông tôi thấy rất đậm mùi … Sông Lấp.
Tú Xương “nghe” rồi “tưởng”:
Vẳng nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.
thì Vương Linh cũng “ngửi” và “tưởng”
Nửa đêm trở dậy hương rừng thoảng
Tương biển Quy Nhơn gió thổi vào.
Tuy không sử dụng phép ẩn dụ, Nhớ Quy Nhơn cũng dùng cách bày tỏ, diễn tả chứ không kể lể, biện giải dài dòng (show, not tell), cũng ngửi cái này, tưởng cái kia. Riêng mức độ tài năng thì cao thấp rất rõ nét. Thôi thì cứ cho hoàn toàn là do tình cờ mà hai bài thơ có hơi hướm giống nhau, chỉ riêng thủ pháp “show, not tell” đã cho người đọc thấy rõ sự “không khéo” của Vương Linh. Trước hết, thay vì dùng hình ảnh khác để người đọc liên tưởng đến Quy Nhơn thì Vương Linh lại bí bách đến độ ôm hai chữ Quy Nhơn, rất vụng về, nhét vào câu thứ tư:
                        Tưởng biển Quy Nhơn gió thổi vào
Rồi cái tựa Nhớ Quy Nhơn của bài thơ thì lại “lạy ông tôi ở bụi này”, khiến cái phương cách “show, not tell” trở thành “half-show, half- tell”, nửa đời, nửa đoạn.
Mấy thế kỷ trước Lê Quý Đôn đã viết về thi pháp như sau: “Lời kỵ thẳng, mạch kỵ lộ, ý kỵ nông, thi vị kỵ ngắn”. Mạch thơ của Nhớ Quy Nhơn đã bị lộ ngay từ cái tựa làm độc giả chưa đọc đã biết gần như chắc chắn ý định của tác giả. Tôi cho rằng sự “không khéo” này đã “cướp” mất cơ hội của độc giả được dùng khả năng liên tưởng của mình khám phá lộ trình và điểm đến của tứ thơ. Không tạo được sự ngạc nhiên bài thơ kém hẳn giá trị so với Sông Lấp.

3/ Tựa Đề Làm Lộ Sự Cường Điệu, Dối Trá

BÀI HỌC ĐẦU CHO CON
Quê hương là gì hở mẹ 
Mà cô giáo dạy phải yêu?
Quê hương là gì hở mẹ 
Ai đi xa cũng nhớ nhiều? 

Quê hương là chùm khế ngọt 
Cho con trèo hái mỗi ngày 
Quê hương là đường đi học 
Con về rợp bướm vàng bay 

Quê hương là con diều biếc 
Tuổi thơ con thả trên đồng 
Quê hương là con đò nhỏ 
Êm đềm khua nước ven sông 

Quê hương là cầu tre nhỏ 
Mẹ về nón lá nghiêng che 
Là hương hoa đồng cỏ nội 
Bay trong giấc ngủ đêm hè 

Quê hương là vàng hoa bí 
Là hồng tím giậu mồng tơi 
Là đỏ đôi bờ dâm bụt 
Màu hoa sen trắng tinh khôi 

Quê hương mỗi người chỉ một 
Như là chỉ một mẹ thôi 
Quê hương có ai không nhớ...
(Đỗ Trung Quân)
Ngay ở đoạn đầu tác giả cho đứa bé hỏi mẹ 2 câu hỏi với giọng rất ngây thơ về một ý niệm khá trừu tượng: quê hương.
Quê hương là gì hở mẹ
Mà cô giáo dạy phải yêu?
và:
Quê hương là gì hở mẹ
Ai đi xa cũng nhớ nhiều?
Người đọc có thể nhận ra ngay là nhà trường đã cố nhồi nhét quá sớm cái ý niệm “khó hiểu, khó cảm” ấy vào đầu óc ngây thơ của đứa bé mà không thành công. Vì thế đứa bé về nhà hỏi mẹ và người mẹ đã được tác giả nhờ cậy giải thích ý niệm về Quê Hương cho đứa bé. Và bà đã giải thích rất hay, rất tuyệt. Dựa vào ngôn ngữ từ 2 câu hỏi tôi đoán đứa bé đang học một lớp nào đó ở bậc tiểu học. Như vậy lời giải thích của bà mẹ - rất hay, rất tuyệt ấy – có vẻ hơi cao, hơi xa so với tầm hiểu biết của đứa bé.
Nhưng để ý đến cái tựa bài thơ thì tôi giật nẩy mình. “Bài Học Đầu Cho Con” có nghĩa là đứa bé mới học bài học đầu tiên, mới vào lớp vỡ lòng, còn thấp hơn mẫu giáo một bậc. Ở tuổi ấy làm sao có thể đặt một câu hỏi “nặng ký” như thế được. Rõ ràng câu hỏi của đứa bé đã được tác giả ngụy tạo một cách khá vụng về, và câu trả lời - tuy bà mẹ có thể đang nhìn thẳng vào mắt con để nói - đâu phải để giải thích cho đứa bé ngây thơ máu thịt của mình mà tâm hồn của bà đang nghĩ đến, nhắm đến những đối tượng khác, với mục đích khác.
Thơ là tiếng lòng, tiếng thổn thức của con tim mà ngay từ những giây phút ban đầu, từ cái tựa của bài thơ thi sĩ đã cho lý trí  bước vào đạo diễn một kịch bản “ba xạo” thì thật là “không tâm lý” chút nào. Chắc người đọc có thể thấy ngay là cái tựa không thật đó đã kéo độ khả tín của bài thơ xuống gần mức Zero. (1) 
Chú thích
1/ Tôi xin phép được lên tiếng “ca” cố nhạc sĩ Giáp Văn Thạch một câu. Khi phổ nhạc ông đã sáng suốt và tài tình bỏ cái tựa Bài Học Đầu Cho Con và bỏ luôn đoạn thơ có 2 câu hỏi của một “cụ non” nào đó mà thi sĩ Đỗ Trung Quân đã nặn ra để lấy cớ đưa vào bài thơ những bức tranh quê tuyệt đẹp. Bản nhạc phổ thơ của ông - với cái tựa Quê Hương – nghe “đã” hơn bài thơ gốc nhiều. Tiếc rằng đoạn cuối “bị biên tập” nên có cái giọng xấc xược, bố láo làm bực mình rất đông người Việt hải ngoại.

4/ Tựa Đề “Mới Quá Đà”
Con gái một người bạn thấy tôi đến chơi (cháu biết tôi hay bình thơ) đem bài thơ mới sáng tác ra khoe. Bài thơ tả khung cảnh và cảm giác sau một buổi tắm nắng sáng trước nhà nhưng có cái tựa rất giật gân: Em Bị Mặt Trời Hiếp Dâm. Cháu bảo cái tựa như thế sẽ lôi cuốn nhiều người đến với bài thơ. Chỗ thân tình nên tôi khuyên cháu chọn cái tựa khác hiền lành hơn. Đối với những bài thơ “đã ra lò” mà có cái tựa hơi “mới quá đà” (hiền hơn bài thơ của cháu gái) tôi thường làm ngơ - ngoại trừ trường hợp bị bắt buộc đối diện với nó. Tôi không muốn mình là người dội nước lạnh vào nhiệt tình tìm kiếm cái mới của các em và cũng không muốn dính vào những cuộc tranh cãi vô ích. Mà biết đâu thời gian thay vì tặng bản án tử hình (như tặng hàng vạn bài thơ dở khác) lại trao vòng nguyệt quế cho tác giả của chúng thì sao.

5/ Tựa Đề Hay
CHÂN QUÊ
Hôm qua em đi tỉnh về 
Đợi em ở mãi con đê đầu làng 
Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng 
Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi
Nào đâu cái yếm lụa sồi? 
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân? 
Nào đâu cái áo tứ thân? 
Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?
Nói ra sợ mất lòng em 
Van em em hãy giữ nguyên quê mùa 
Như hôm em đi lễ chùa 
Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh
Hoa chanh nở giữa vườn chanh 
Thày u mình với chúng mình chân quê 
Hôm qua em đi tỉnh về 
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều.
(Nguyễn Bính)
Tựa đề Chân Quê vừa hoàn thành nhiệm vụ “chỉ ra cái cốt tủy của bài thơ” lại vừa làm cái nền để giúp đoạn kết nổi bật và đẹp một cách rạng rỡ, đầy ấn tượng trong lòng người đọc.
Sử Dụng Tiêu Chí 1 Khi Bình Thơ.
Có thể nói đây là tiêu chí dễ sử dụng nhất. Người bình chỉ cần đọc kỹ bài thơ và xem Tựa Đề của nó có vướng vào 3 lỗi chính không. Nếu có thì viết mấy hàng chỉ ra rồi giải thích và chứng minh cho độc giả thấy. Nếu không thì để ý đến 2 trường hợp tựa đề “mới quá đà” và tựa đề hay. Chỉ trường hợp thật đặc biệt mới viết ra trong bài bình, còn không thì bỏ qua.
Kết Luận
Đây là cây thước chuẩn rất ít có cơ hội được sử dụng, và nếu có cũng hay bị bỏ sót. Vì thế, nếu bạn thấy được và “dám” dung nó, bài bình thơ của bạn sẽ đầy đủ và sáng hơn.

Phạm Đức Nhì

Phần Phụ Lục
Sau đây là 2 câu hỏi hướng dẫn để bạn test khả năng nhận định của mình. (Tôi để sẵn mấy cái links để bạn đỡ công tra cứu.)
1/ Bài thơ Nhà Tôi của Yên Thao được nhạc sĩ Anh Bằng phổ nhạc và đổi tựa đề thành Chuyện Giàn Thiên Lý. Theo bạn, trên khía cạnh văn chương, tựa đề nào đúng hơn?  http://suytu.com/bai-tho-nha-toi-yen-thao-va-nhac-pham-chuyen-gian-thien-ly
2/ Bài thơ Màu Tím Hoa Sim của Hữu Loan được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc và đổi tựa đề thành Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà. Theo bạn, trên khía cạnh văn chương, tựa đề nào đúng hơn?
http://phamduy.com/vi/viet-ve-pham-duy/phe-binh/5596-nhac-pho-bai-tho-mau-tim-hoa-sim

READ MORE - BÌNH THƠ: PHẦN DẪN NHẬP - Phạm Đức Nhì