Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, February 6, 2017

CÂY KEM - Truyện ngắn Nguyễn Đức Tùng




CÂY KEM 
Nguyễn Đức Tùng

Tôi mê ăn kem nhưng không được phép. 
Đúng ra, mẹ tôi chỉ cho tiền một hai tuần một cây. Không thấm tháp gì, nhất là vào mùa hè. Vừa hết năm học, bọn trẻ thám hiểm đồng quê, suốt ngày luồn trong những bụi rậm. Chơi bi, bẫy chim, bắt cào cào cho chim ăn, chia phe đánh nhau. Thời tiết mát, mùi hương lan đầy không khí, trong túi áo sơ mi của tôi bông cúc dại đã khô từ lâu. Khi tôi băng qua sân đình làng, thằng Hiển, ngồi đó từ bao giờ, đưa tay vẫy. Xung quanh nó, năm đứa khác. Hiển học trên tôi một lớp, nhưng lớn hơn nhiều tuổi, thường nghỉ học chăn trâu, cao lớn, ngăm đen, điểm đặc biệt: hàm răng dưới có hai hàm, do răng mọc không đều, khi cười mới lộ ra. 
Vừa lúc đó trên đường làng, một đứa trẻ bán cà rem (kem) mang trên lưng cái thùng màu xanh lá cây, vừa đi vừa rao. Nó đi khuất rồi, chúng tôi vẫn cố nhìn theo, không đứa nào có tiền trong túi. Kem hồi đó một cây năm đồng, đồng tiền kẽm có hình cây trúc: số tiền khá lớn.
Phép lạ xảy ra. Hiển ngúc ngắc đầu bảo: đứa nào chạy theo kêu nó lại. Một đứa đuổi theo. Thằng bé bán kem quay lại, nhanh nhẹn nhưng khép nép tiến gần chúng tôi. Hiển ra dấu, thằng bé mở cái nắp thùng. Sáu đứa chụm đầu nhìn vào. Làn khói trắng bốc lên thơm lựng. Trong đời, tôi chưa gặp mùi hương nào quyến rũ thế. Thùng đựng kem chia nhiều ngăn, những màu khác nhau. Xanh mùi bạc hà, nâu mùi sô-cô-la, vàng có rắc những hột đậu phụng lấm tấm, đỏ hồng mùi dâu. 
- Một cây cà rem bự, một thằng hô lớn. Ý nó gọi cho thằng Hiển.
- Thưa anh, loại gì? Thằng bé bán kem ngước nhìn Hiển, hỏi.
- Tao có tiền, đãi mỗi đứa một cây, cho bọn nó tự chọn, Hiển hất hàm.
Chúng tôi nhảy cẫng hò reo. Sáu đứa tất cả.
- Em cây xanh.
- Tao cây vàng.
- Có đậu phụng.
- Có bạc hà.
Nghe tiếng hô đã chảy nước bọt. Thấy tôi chưa kịp nói gì, thằng bé bán kem quay về phía tôi, ý hỏi. Tôi phân vân, mới đầu chọn cây xanh có mùi bạc hà, về sau đổi ý, thích cây vàng có rắc hột đậu phụng. 
Cả bọn nín thở chờ đợi. 
- Một cây sô-cô-la. Như chuyện thường xảy ra ở đời, khi người ta phân vân lưỡng lự quá lâu, phút cuối bao giờ cũng quyết định một cách đầy kinh ngạc, mà về sau sẽ hối hận. Tôi chưa kịp hối hận nhưng trong bụng đã bắt đầu tiếc mùi bạc hà.
Mỗi đứa một cây đứng mút giữa trưa trời nắng, chỉ Hiển là ngồi, vì nó là đàn anh, im lặng. Chúng tôi đi đi lại lại thưởng thức lạc thú giữa cơn khát. Một con chim cu về gù trên bụi tre trước sân đình. Trời nóng quá, ăn nhanh thì tiếc, ăn chậm thì kem chảy ra thành nước. Tôi cắn từng miếng nhỏ, chất ngọt, mùi thơm thấm vào kẽ răng; dịu dàng, gượng nhẹ dùng một cái lá chuối sạch hứng những giọt kem chảy xuống. Do kinh nghiệm, tôi học được cách thưởng thức trong lá chuối dư vị của thú vui êm ả. Khi những đứa kia vừa chén sạch, tôi đang ăn được hơn một nửa cây kem của mình, Hiển lại hô: mỗi đứa được kêu thêm một cây nữa. 
Lần thứ hai, tôi chắc chắn chọn cây kem có mùi bạc hà.
Đến lần này thì hộp kem vừa hết sạch, chỉ còn một cây dư ra, phần của Hiển. Như vậy nó ăn ba cây. Thằng bé đóng nắp hộp kem trống trơn, rụt rè tiến lại gần, bảo: anh cho em xin tiền. 
Hiển từ từ đưa mắt nhìn thằng bé một lúc, rồi ngoảnh mặt đi thật lâu. 
Mùi kem bạc hà bay phảng phất trong không gian.
Thằng bé nhắc nhiều lần. Hiển quay mặt lại, nhìn nó như mới gặp lần đầu, hỏi: tiền gì hả mày? Tôi không bao giờ quên được ánh mắt của Hiển vào lúc ấy. Hàm răng nó lộ rõ.
Tôi đang mút gần xong cây kem của mình liền nhả ra, đứng ngẩn người.
Thằng bé sợ quá, van xin: anh trả tiền cho em. Hiển đứng lên, phủi quần, bảo: mày có giỏi thì đòi tiền đi. Bọn tôi đều đứng im. Giọt kem cuối cùng trong miệng tôi đắng ngắt. Tôi lùi lại một bước.
Thằng bé nhìn trước nhìn sau, biết không làm gì được, liền xốc thùng đựng kem lên, dây vải xám to bản bị rách xơ một chỗ quàng ngang lưng nó, siết thật chặt giữa hai xương bả vai nhô ra, lủi thủi bỏ đi. Nó vừa đi vừa khóc. Thùng đựng kem rung lên theo nhịp bước.
Trong sáu đứa chúng tôi: hai đứa nhảy lên sung sướng hò reo, tôn vinh thằng Hiển làm lãnh tụ; một đứa nhổ toẹt một bãi nước miếng, không biết nó nghĩ gì; hai đứa khác len lén bỏ đi. Chỉ còn tôi đứng đó một mình giữa trưa nắng gắt. 
Tôi đứng đó rất lâu, phân vân không biết phải làm gì. Con chim cu trên ngọn tre trước sân đình gáy một hồi nữa rồi đổi ý, thất vọng, vụt bay đi, biến mất sau chân trời. 
Nguyễn Đức Tùng
READ MORE - CÂY KEM - Truyện ngắn Nguyễn Đức Tùng

XIN HÒA NHÃ TRONG TRANH LUẬN THƠ CA - Phạm Đức Nhì

Tác giả Phạm Đức Nhì

XIN HÒA NHÃ TRONG TRANH LUẬN THƠ CA
Phạm Đức Nhì

Mấy ngày qua có chút xao động trong nhóm “Giao Lưu Văn Chương Trên Mạng” mà tôi hân hạnh là một thành viên. Khởi đầu là bài viết Đầu Xuân Thì Thầm Với Nhà Thơ Nguyễn Khôi của ông Nguyễn Ngọc Kiên. Kế tiếp là thư của nhà thơ Nguyễn Khôi trả lời chủ trang web Đặng Xuân Xuyến về cảm giác “lấn cấn” của anh khi nhận được bài viết. Sau đó là Vài Lời Biện Hộ Về Thơ Nguyễn Khôi của nhà phê bình Châu Thạch đăng trên Văn Nghệ Quảng Trị. Đến sau nữa là thư có cái tựa rất dài của bác Nguyễn Bàng viết trả lời ông Nguyễn Ngọc Kiên. Nhận thấy cuộc đối thoại này đề cập đến một số điểm khá quan trọng của việc Bình Thơ tôi đã muốn góp vài lời bàn luận nhưng thú thật còn phân vân chưa biết “tiếp cận vấn đề” thế nào cho hợp lý và hiệu quả nhất. Cuối cùng không biết trời xui đất khiến thế nào tôi lại chọn đối thoại với bác Nguyễn Bàng về hai điểm ở ngoại biên. Còn tiêu điểm của cuộc đối thoại – Về Thơ Nguyễn Khôi và hai bài của Nguyễn Ngọc Kiên và Châu Thạch – xin hẹn một thời gian ngắn nữa.

Để mở đầu thư của mình bác Nguyễn Bàng viết:

Tôi không có một mẩu bằng Đại học nào chứ nói gì đến cả cái bằng Tiến sĩ Ngữ văn như ông Nguyễn Ngọc Kiên mặc dầu tôi biết ở xứ mình hiện nay sản xuất tiến sĩ như gà đẻ: Mỗi ngày một ‘tiến sĩ’”.

Trước hết, bác Nguyễn Bàng không nên “xách mé” cái bằng Tiến Sĩ Ngữ Văn của ông NNK như thế. Việc “xứ mình hiện nay sản xuất tiến sĩ như gà đẻ: Mỗi ngày một ‘tiến sĩ’” không phải là lỗi của ông NNK. Hơn nữa, đề tài chính của cuộc tranh luận này là nội dung bài viết Đầu Xuân Thì Thầm Với Nhà Thơ Nguyễn Khôi chứ không phải mảnh bằng Tiến Sĩ Ngữ Văn của ông Nguyễn Ngọc Kiên. Chúng ta không nên nhập nhằng “đối tượng đối luận” với “chủ thể đối luận”. Theo tôi, viết như thế bác Nguyễn Bàng đã gây căng thẳng không cần thiết cho không khí tranh luận.
Rồi bác Nguyễn Bàng kết thúc thư của mình bằng đoạn “… xin ông (Nguyễn Ngọc Kiên) hãy nhớ cho, ông còn trẻ hơn nhà thơ Nguyễn Khôi rất nhiều và ông đã là Tiến sĩ Ngữ Văn chắc ông thừa biết câu “Hãy kính trọng người già khi bạn còn trẻ”. Nếu còn thì thầm với nhà thơ lão thành Nguyễn Khôi, xin ông Nên hãy (thì) thầm những lời đúng và đẹp như hoa Xuân thì hay hơn, ông Tiến sĩ Ngữ Văn à!”

Bước vào sân chơi Bình Luận Thơ Ca dĩ nhiên phải có thái độ lịch sự, tôn trọng lẫn nhau, xưng hô cho phải phép. Nhưng những người trẻ, như ông Nguyễn Ngọc Kiên, vẫn có quyền bày tỏ ý kiến của mình, trao đổi thẳng thắn và bình đẳng với các bậc lão thành về các vấn đề Thơ Ca đang tranh luận. Trong bài ĐXTTVNTNK ông NNK đã có cách xưng hô đúng mực, ngôn ngữ hòa nhã, theo tôi, không thể chê trách. Nếu trong bài viết ấy ông NNK có chỗ nào không đúng thì cứ thoải mái vạch ra phê bình, chỉ trích. Xin đừng bắt ông ta vì câu “Hãy kính trọng người già khi bạn còn trẻ” mà phải thì thầm vào tai nhà thơ lão thành Nguyễn Khôi những lời “đẹp như hoa xuân” khi tâm ý của ông không muốn như vậy. Thi sĩ nếu muốn được nghe những lời “đẹp như hoa xuân” của người phê bình thì phải thai nghén, phải ủ tứ thơ cho chín, cho lên men, rồi chờ lúc cao hứng dùng kỹ thuật thơ điêu luyện của mình viết lên những vần thơ dạt dào cảm xúc. Xin đừng mang tuổi già ra hù dọa lớp trẻ để làm thui chột tính công bằng của việc phê bình. Rất mong bác Nguyễn Bàng và những bậc lão thành khác cởi mở hơn một tý nữa để không phải hai, mà nhiều thế hệ người Việt yêu thơ có thể quây quần quanh một Thi Đàn để cùng trao đổi, luận bàn một cách thoải mái về cái hay, cái đẹp của thơ ca.

Phạm Đức Nhì


READ MORE - XIN HÒA NHÃ TRONG TRANH LUẬN THƠ CA - Phạm Đức Nhì

CẢM TÁC XUÂN ĐINH DẬU - Thơ Phạm Ngọc Thái





CẢM TÁC XUÂN ĐINH DẬU

Mùa xuân gọi lòng ta trong bát ngát
Cõi niết-bàn nghe hát vọng trần ai

Ta sống đây, hồn tận chốn phật đài
Giữa không gian gió ru người viễn xứ.
Ta còn ở bao lâu trên dương thế?

Sức đã tàn, mộng cũng thỏa chín phần
Dầu có đi chẳng bợn chút phân vân
Về với cụ Nguyễn Du, bà Hồ Xuân Hương dạo bước.
Nam mô a di đà phật!

Thây kệ những kẻ sĩ đời này chen chúc
Hội nhà văn đương đại cũng cười khinh
Hỏi xưa nay mấy bậc vượt trên mình.

Nếu kiếp này nhiều lúc thân ta phải đọa đầy năm tháng
Thì Nguyễn Du sống nào có sướng đâu
Đến Nguyễn Khuyến, Tú Xương cũng lầm lụi bể dâu
Phúc phúc họa họa đời chân chân thật thật.

Nam mô a di đà phật!

Tôi còn sống năm tháng nào
                             mong thánh thần, trời đất
Ban cho chút lộc cầu may
Để khi tôi cưỡi hạc theo Người tới chốn bồng-lai
Tâm thêm thỏa và vợ con hết khổ!
Thơ đã không làm được ra tiền

Xin cho "văn" mang tiền về phù trợ...

                              Phạm Ngọc Thái

READ MORE - CẢM TÁC XUÂN ĐINH DẬU - Thơ Phạm Ngọc Thái

THƠ NGẮN - Chu Vương Miện


   Nhà thơ Chu Vương Miện


THƠ NGẮN

dốt đặc cán mai
nghèo kiết xác
thiên hạ không ai biết ?

Nho nhe mấy bài thơ
No thì không nói
Toàn là than đói
Toàn là than nghèo
Toàn là treo niêu

ba chữ nghêu ngao
Ra thuốc lào
Vào ly đế
hận đời đen bạc
toàn nói khoác
toàn xương
không nạc

Chu Vương Miện

READ MORE - THƠ NGẮN - Chu Vương Miện