Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, February 3, 2017

CHÙM THƠ CHU VƯƠNG MIỆN



              Nhà thơ Chu Vương Miện



SÁU TÁM

cuối năm rồi lại cuối ngày
suốt đời nằm ngửa nằm ngay cũng nằm
đàn ai rớt xuống cung trầm
giọng ai thân thiết hoà âm vọng về

thề ơi thề hỡi là thề
cá trê chui ống bốn bề lặng thinh
vòng vo tình hỡi là tình
trăm năm đổ quán xiêu đình vì say 

Xin ăn rồi lại ăn mày
Ăn đong ở xổi nơi này chốn kia?
Lầm thay cho kiếp ra rìa
Ù ơ cũng chả được chia mộ phần

Cơ may chả có một lần
hoạ chăng toàn hoạ lần khân tới hoài
mơi về đến Hắc Mộc  Nhai
đàn khê tiếp đến núi dài mỏi chân


NGUYỄN MINH PHÚC

tết gần tết xa
tết tây tết ta
tết Côngô tết Cuba tết con gà
gà lôi gà thiến gà già
con nuốt dây thun con gà chết ?
ta với nhà ngươì
trọn đời đà thấm mệt
mệt quá đi
và mệt quá nằm
đêm đêm mơ màng nhớ mãi Rừng xanh
toàn là bứa cành ngang mầu tím sẫm
ơi Tịnh Sơn, Tịnh Giang, Tịnh Minh
Tịnh Châu cũng toàn Sơn Tịnh
Mà lại là ở hai bên Quốc lộ 1 bắc nam
bằng hữu xa xưa chừ cũng chả còn
ôi chim mía cùng kẹo gương mè xửng
nhớ một thủa học bổ túc Gò Lăng
đi bộ khơi khơi lên tận Nghĩa Hành
quê làng Bích Khê bạn cùng Quách Tấn
Hàn Mặc Tử
kẻ cõi phù sinh kẻ nơi âm phủ
thơ chia làm hai, đôi nẻo đôi đuờng
và dòng đời vô thuỷ vô chung
người cát bụi và thơ còn nán lại
nhìn Ba Tơ ba vực Sơn Hà ngai ngái
mắt nhạt nhoà đâu nhìn tới Minh Long
dây Ba Gia toàn những cây goòn
mùa hè tới bông trái chùm trắng xoá
nước dưới bầu bèo trôi mấy ngả
vịt từng bầy bơi lội kêu vang
cây đa già miếu cổ cạnh xã Tịnh Minh
nơi tạm trú khách Minh Hương Nam Hải
nào họ Trang họ Chung họ Lâm 
gió từ Trà Khúc thổi về 
nghe lạnh toàn thân ?

                              Chu Vương Miện

READ MORE - CHÙM THƠ CHU VƯƠNG MIỆN

ĐÊM XUÂN - ĐỘC ẨM BUỒN - Thơ Nguyễn Khôi

   
                         Nhà thơ Nguyễn Khôi


READ MORE - ĐÊM XUÂN - ĐỘC ẨM BUỒN - Thơ Nguyễn Khôi

NHÀ XƯA CÓ HOA MIMOSA VÀNG - Nguyễn Đức Tùng




               NHÀ XƯA CÓ HOA MIMOSA VÀNG 
                                             Nguyễn Đức Tùng 

Tôi gọi số điện thoại mới của chị mà cháu Thơ Thơ cho, báo tin bạn chị, họa sĩ Đinh Cường, vừa mất. Chị nhấc máy, im lặng. Tôi gác máy, gọi nữa, chị lại bắt máy. Tôi hỏi mấy câu Thơ Thơ dặn, chú phải nói rứa nói rứa mẹ cháu mới hiểu chú ạ. Chị vẫn không nói. Đầu kia, có tiếng u u như gió thổi qua đồng cỏ lạnh giá. Tôi cầm điện thoại, giữ lâu, giữa hai chị em chỉ có tiếng gió rì rào. 
Thế mà mấy năm trước, tôi cùng anh Tường, anh rể tôi, ghé thăm nhà chị ở gần Seattle, khi về chị còn chạy theo ra hiên. Khớp gối bên phải sưng đau, sờ thấy nóng, đi cà nhắc, bảo: em cho chị hôn em. Rồi vói người hôn lên má tôi đánh chụt một cái. 
Tôi hiểu, đó là nụ hôn dành cho mẹ tôi. Anh Phan Văn Tốn chồng chị là con của cậu ruột tôi. Mẹ mất sớm, từ nhỏ anh về ở với mẹ tôi, bà cô út, gọi là o. Những bà o chưa chồng thương cháu như con. Anh đem người bạn vong niên cùng đi kháng chiến về giới thiệu. Mẹ tôi lập gia đình với ba tôi lúc người đã ngoài ba mươi, thời đó muộn. Khi tôi sáu tuổi, cha mẹ tôi dựng nhà trong vườn mới mua, kề bên vườn hương hỏa của ông bà ngoại. Vì đất ấy không ai trông nên mẹ tôi vào ra coi sóc, hai vườn thông nhau như một. Tan trường, tôi cho sách vở vào một xó, thoắt cái đã nhảy chuyền cành trên những cây ổi, cây bưởi rậm rạp, cành lá giao nhau. Một buổi chiều đi học về muộn, nhà vắng khác thường. Tôi tò mò đi qua hàng rào tre trúc ngăn giữa hai vườn thì gặp mẹ tôi đi ngược lại. Dáng bà kín đáo, im lặng. Có lẽ bà chưa kịp thấy tôi. Từ phía khác, sau bụi tre, tôi nghe tiếng người nói khẽ. Giọng gắt. Anh Tấn. 
Anh là em trai kế của anh Tốn, là người chăm lo nhang khói dòng họ. Trong nhà anh có bức ảnh lớn của anh Tốn và chị Thanh Sâm, bồng các cháu Thi Thi, Ti Ti, Thơ Thơ, Lam Điền. Anh Tốn để râu mép, mặt vuông, đẹp, hiền, nghiêm nghị. Chị áo dài tha thướt. Lúc ấy anh Tấn là chỉ huy nghĩa quân của xã, gồm hai đơn vị, một bảo vệ cầu Ái Tử, một bảo vệ khu lân cận như trường tiểu học, vườn ươm của tổ chức lương nông quốc tế. Anh mang khẩu súng trường dài, loại M1 Garand, nổ đanh, bán tiểu liên tự động. Sống thời chiến tranh, không lạ gì trò chơi chết chóc, tôi nhận ra dễ dàng các loại súng, tiếng nổ của chúng, tiếng đại bác, moọc chê. Tôi lắng nghe câu chuyện giữa mẹ tôi và người cháu gọi bằng o ruột. Những năm sáu mươi, chiến tranh mới lẻ tẻ thôn xóm, chưa lan rộng như sau này, nhưng cái chết hai bên gây ra cho nhau thật tàn khốc. Mỗi lần có vụ du kích giật cầu, đánh lô cốt, bắn pháo bừa bãi vào chợ búa thì có một cuộc bố ráp sau đó, càn quét cơ sở bí mật người kháng chiến cũ. Mỗi lần có một du kích bị bắn hạ khi vượt qua đường tàu thì vài hôm sau liền có cuộc trả thù nhắm vào các viên chức chính quyền cấp thôn xã hay người thân của họ. Đặc điểm quan trọng nhất của chiến tranh du kích Việt Nam là tính chất trả thù. 
Nhưng lúc ấy, tôi chỉ biết sợ hãi, không biết thù hận. Tôi sợ hãi khi nghe tiếng đại bác bắn qua đầu, tiếng nổ khi xa khi gần, nghe tiếng mõ cầm canh, tiếng phèng la đầu làng của người dân sống an toàn bên trong hàng rào Ấp chiến lược. Tiếng gõ cửa ban đêm. Tôi sợ cuộc chiến tranh này. Tôi căm ghét nó. Những người dân ở miền Nam đều căm ghét nó. Thế người dân miền Bắc? Tôi không biết. Tôi tin rằng cũng có người căm ghét chiến tranh, như nhà thơ Lưu Quang Vũ, nhưng phần nhiều đều tự an ủi rằng dù sao hy sinh ấy là cần thiết. Dù niềm tin ấy sau này được những người trong cuộc nhận định lại là đúng hay sai thì lúc ấy nó vẫn là liều thuốc kỳ diệu, giúp chữa lành các vết thương. Tuy thế, dù ở đâu, chưa bao giờ chiến tranh vui vẻ. Người ta có thể sẵn sàng ra trận, đổ máu cho một lý tưởng, nhưng không khí chiến tranh có bao giờ vui? Để sống sót qua thời ấu thơ binh lửa, tôi phải có một niềm tin, dù với những hiểu biết không đầy đủ, phải được trang bị bằng một tư tưởng thích hợp, cũng như tôi phải tập ngửi mùi thuốc súng. 
Tôi mang sự hiểu biết không đầy đủ ấy vào Đà Lạt, mùa xuân năm 1976. Tôi đến nhà số 33 Thi Sách của chị Thanh Sâm, ngôi nhà trên đỉnh đồi lộng gió. Trước đó, năm 1972, người chị thứ hai của tôi, cùng tên, vừa tốt nghiệp khóa nữ hộ sinh quốc gia, sage femme d' etat, lên làm việc ở Đà Lạt, ở nhà ấy. Để phân biệt hai người, trong gia đình tôi mọi người vẫn gọi chị Thanh Sâm là chị Thanh. Ở ngôi nhà Thi Sách này, chị tôi đã quen và phải lòng một sinh viên sĩ quan Đà lạt, tên Tường, từ đó chị còn có tên là Tường Sâm. Sau khi anh ra trường, họ kết hôn, và chàng trai mê sách vở văn chương nhưng có tài thiện xạ này trở thành sĩ quan trinh sát sư đoàn. Anh hay kể chuyện nhảy trực thăng vào hậu cứ đối phương ở Quảng nam.
Khi tôi đến Đà Lạt, nhà đổi chủ. Sau cái chết của anh Tốn, chị Thanh bỏ cao nguyên về Sài Gòn, khoảng 1972, giao nhà cho chị Sâm tôi ở đó, giữ căn biệt thự hai tầng như kỷ niệm gia đình. Bây giờ nhà bị chính quyền mới trưng dụng. Bảng hiệu nhà giữ trẻ. Tôi đứng tần ngần trước dãy rào tường vi trắng. Xa xa phía sau là nhà thờ Domaine de Marie màu hồng đậm ấm áp, mái nhà dốc tựa nhà rông Tây nguyên. Trước hiên một giàn dây leo trổ hoa pháo, vàng rực, vắt qua hai cây cột lớn, uy nghi. Tôi bước lên tam cấp cao vào nhà, hai cánh cửa chỉ khép hờ. Trong nhà nửa tối nửa sáng, chạy ngang tường khẩu hiệu quen thuộc sống chiến đấu sơn đỏ, mới. Phòng khách rộng mênh mông kê lộn xộn bàn ghế. Gần cửa, trên chiếc giường nhỏ, một đứa bé gái gầy còm nằm thiêm thiếp, lên cơn sốt, tóc thái dương ướt đẫm. Nhìn kỹ trên mặt và hai cánh tay nó, có những nốt ban, cái hồng cái đỏ sẫm. Một thằng bé khoảng ba tuổi đứng tè ngay trước lò sưởi cuối phòng, lò nguội lạnh, cô giữ trẻ túm lấy tóc nó lôi đi. Thằng bé không khóc, cưỡng lại hung dữ. Trong một động tác bất ngờ, điêu luyện, người phụ nữ buông tóc nó ra, chụm hay bàn tay lại, dùng cả hai cánh tay kẹp cổ thằng bé, nhấc bổng lên. 
Tôi đứng ngẩn người, không biết làm gì. Qua cửa sổ, tôi nhìn thấy hai cây hoa lớn, ở góc bên phải của khoảng sân rộng trước nhà. Tôi bước ra, thở khí trời trong mát, hít mùi nhựa thông ngập không gian. Gần cuối mùa mimosa, trên cỏ những bông vàng tươi xếp lớp như thân xác của hạnh phúc. Đường phố vắng, lác đác xe hơi chạy vụt qua, trên xe những khuôn mặt mới, xe ngựa lọc cọc gõ nhịp đều, những con ngựa gầy trơ xương với da, lông xù ra. Người Đà lạt trí thức và tiêu biểu cho văn  minh một thời, đã tan tác, bỏ đi hết. Nhưng loài hoa vàng óng ả thì phân vân ở lại. Ngày ấy, mimosa không còn là cái đẹp hiền hòa, mặc dù vẫn đẹp, có lẽ đẹp hơn, chúng rơi như sương như khói, rơi như tóc như tơ, rơi để chết trong đất trời mù mịt. 
Đây chính là ngôi nhà mà ngày xưa nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn đã nhắc đến trong truyện ngắn Nhà có hoa mimosa vàng. Tôi bần thần đi ra cổng, đứng trên đỉnh dốc, nhìn xuống thành phố Đà lạt dưới kia sương mù xa xăm như thuộc cõi nào, nghĩ đến các anh chị, đã ra đi để lại phố phường xao xác. Giây phút ấy, bỗng hiện lên trong trí tôi hình ảnh bàn tay đầy gân xanh, tì lên báng súng Garand run run của anh Tấn. Cái báng súng bằng gỗ đỏ nâu ánh lên dưới mặt trời chiều, có vệt đất cày ải, có mùi mồ hôi, mùi hành tỏi, mùi hoa huệ cúng bàn thờ. Tôi nghe vẳng câu hỏi nhát gừng hướng về mẹ tôi. Tôi nghe tiếng mẹ tôi thì thầm, kể lể, dịu dàng nhưng cương quyết. Khuất sau bụi tre là con đường dẫn sâu vào khu vườn thứ hai, tôi thuộc từng ngọn cây ngọn cỏ biết nó sẽ dẫn tới những giao thông hào đào quanh hàng tre ngăn không cho rễ tre mọc. Ở cuối dãy giao thông hào ấy, trước rạng đông, trời còn mù sương, đã bò lê tới một người lính lạ mặt, một khúc ruột lòi ra, máu chảy từ bụng không ngớt, thoi thóp thở. 
Một người lính trẻ mười bảy, mười tám, nói giọng Hà Nội, nửa nằm nửa ngồi gần gốc tre, mặt trắng trẻo như thư sinh, thỉnh thoảng ngất đi vì mất nhiều máu. Bị trúng đạn, lạc đơn vị khi vượt qua quốc lộ Một gần sông Thạch hãn. Tôi nghe câu chuyện của hai người càng lúc càng nhỏ cho đến khi tiếng của anh Tấn vang lên lần nữa bên tai. Thôi được, con chịu thua o lần này. Nhưng đừng làm quá, không ai bênh vực được. Nội một ngày họ phải dời đi, vì đây là lãnh vực phụ trách không thể làm ngơ. Mặt mẹ tôi phảng phất nụ cười, bà gật đầu ra dấu biết ơn. Những người lính nông dân của anh Tấn, bắn nhau với du kích phần nhiều cũng là nông dân phía bên kia, đã chết bờ chết bụi cho bầu khí quyển dân chủ đầu tiên của cả dân tộc này được một lần sinh ra. Trạng thái cân bằng của đất nước bị phân chia giữa hai hệ thống giá trị, sự cân bằng ấy tất nhiên tạm thời, đã phải trả giá đắt, nhưng có lẽ xứng đáng. Không có hai mươi năm ấy, để những giá trị văn hóa được gìn vàng giữ ngọc, tâm hồn Việt Nam ngày nay chỉ còn là sa mạc, tuổi trẻ chẳng biết đến văn học tiền chiến. Nhầm lẫn lịch sử tồi tệ đã xảy ra, hệt như trong thế giới động vật, mạnh được yếu thua; và đứng lên từ gạch đá đổ nát, người Việt hai miền đến nay vẫn ngơ ngác như kẻ mất trí nhớ. 
Trí nhớ là kẻ thù số một của thuật cai trị. Những thế hệ sau lớn lên trong sợ hãi và ký ức giả dối, trong một lịch sử bịa đặt, bởi chính các nhà văn, cần phải được mang trở lại nền nhà cũ, cháy rụi, giữa những cột nhà cháy đen như kỵ sĩ không đầu. Lòng hoài niệm của người Việt khác với hoài niệm của các dân tộc khác. Lòng hoài niệm ấy không phải là sự tưởng nhớ thụ động, mà là cố gắng cần nhiều năng lượng, như bơi ngược dòng, để khơi mở sự hiểu biết đối với những lầm lạc, từ nhiều phía, thiết lập căn tính của cái sắp tới. Trong ba ngày tôi đi khắp phố phường, một thành phố nửa ngủ nửa thức với vẻ đẹp mơ màng của đồi xanh thông reo, từ đường Yersin ngang qua trường sư phạm, tu viện Dòng chúa cứu thế, trường Sacré Coeur, nhà thờ Con Gà, những kiến trúc cổ kính, dịu dàng. Như thế là trong những ngày buồn tôi đã khám phá ra Đà Lạt theo kiểu của mình, đi theo gót chân của bác sĩ Yersin, đứng trước Grand Lycée hình cánh cung, xây năm 1927. Tôi gặp một người đánh xe ngựa rộng lòng bác ái đã cho tôi đi nhờ nhiều đoạn đường, chỉ phải trả một ít tiền tượng trưng, vét hết túi cũng chỉ còn chừng ấy. Chúng tôi đi dọc đường Huyền Trân Công Chúa. Tới gần thác Cam Ly, vượt qua trường Couvent des Oiseaux cũ. Khi trở về, tôi dừng lại thật lâu trước Ga hỏa xa. Ba mái chóp nhọn tiêu biểu cho ba đỉnh núi Langbiang huyền bí. Nhà ga được xây dựng từ năm 1948, thời kỳ chiến tranh Việt Pháp ác liệt mà các kiến trúc sư vẫn còn đủ kiên nhẫn để thiết kế một trong những tòa nhà đẹp nhất. Tôi nghe nói ở đó có một đường ray răng cưa vượt đèo Ngoạn mục nhưng không thấy đâu nữa. Tôi muốn đi thăm trường Võ bị quốc gia lừng lẫy, hỏi một ông già bản xứ, ông ta trợn mắt, nhìn trước nhìn sau, sợ hãi. 
Đến Đà Lạt, xứ sở của khách từ phương xa, có người đến và đi luôn, có kẻ đến và ở lại, tôi có dịp nghĩ về cái chết của anh Tốn, về cuộc chiến đấu dũng cảm, đơn độc của anh, về những bất hạnh của chúng ta trong ngọn lửa cách mạng bạo động. Nhưng tôi cũng có dịp lần đầu thưởng thức vẻ đẹp không những của núi đồi Đà Lạt mà còn của kiến trúc do con người tạo ra. Người Pháp để lại trên đất nước này những công trình mỹ lệ. Lòng yêu mến, sự quan tâm của họ thật đáng ngạc nhiên. Tôi lặng lẽ quan sát những bậc thềm nhà, những cánh cửa gỗ, những vòm mái cao, những nắm cửa bằng đồng. Tôi đứng ngắm sắc màu đậm nhạt, những bức tranh, những đường vòng cung quý phái của các bức tường trắng. Các tảng đá nghiêm lạnh bên hồ nước cũng dạy tôi nhiều về huy hoàng tráng lệ, về cô đơn lẫm liệt, chúng đòi hỏi tôi tự mở lòng ra để đón nhận ngoại cảnh. Kiến trúc ở đây gợi ý về hạnh phúc lâu bền, tồn tại trăm năm, ngàn năm, không những bởi chất liệu kiên cố mà còn vì vẻ đẹp của chúng. Người Pháp là bậc thầy của kiến trúc. Kỹ thuật và công nghệ bê tông, gạch đá, cửa kính, mái ngói, kỹ thuật và công nghệ kim loại, sắt thép và chất dẻo. Nhưng ở đây còn một điều gì khác nữa, như thể trong khí trời mát dịu, giữa sắc hương hoa, chủ nghĩa thực dân của thế kỷ mười chín, hai mươi, đã đi một đường vòng rất xa đạt tới đỉnh cao huyền thoại của nó trong việc tạo dựng vẻ đẹp nhân bản ở nhiều xứ sở, không những mang văn minh Pháp đến các xứ sở ấy như cái cách mà họ làm lan truyền Voltaire, Jean-Jacques Rousseau, mà còn phát hiện được, xây dựng lại, bồi đắp nên vẻ đẹp của chính dân cư và vùng đất mà họ đến. Những kiến trúc ấy gợi ý cho tôi rằng giải pháp hay nhất của các dân tộc bị trị vào thời ấy không nằm ở các biện pháp vũ lực, ở sự sợ hãi, ở việc hủy hoại, nói dối, cướp chính quyền, vì trong khi chúng phá hủy những thiết chế xã hội của người Pháp thì chúng sẽ tàn phá lập tức cái đẹp mà truyền thống và đất đai xứ sở này sáng tạo nên. Đó là những suy nghĩ của tôi trong một ngày mùa xuân bên đường phố vắng, khí trời trong sạch.
Có lần trong ngôi nhà của chị Thanh ở Mỹ gần Seattle, nơi chị sống chung với con trai, cháu Lam Điền, lúc ấy chưa vợ, chị kéo tôi vào một căn phòng kín, như cái thư viện nhỏ. Chị cố tìm một cô bé trong một bức ảnh nào đó mà chị quảng cáo là đẹp, hiền, biết nấu ăn, vì muốn giới thiệu cho tôi, hồi đó độc thân. Do sự hào hứng bất ngờ, chị đành phải lục tung những giấy tờ kỷ niệm và hàng chục cuốn album tranh ảnh của gia đình. Nhưng khi lật những bức ảnh chị không thể cưỡng lại ý muốn giải thích cho tôi về những nhân vật trong ấy, và ý nghĩa của chúng.
Đây là hình Đinh Cường đứng trước kệ sách. Đây là Phạm Công Thiện và Hoài Khanh ngồi trên bậc tam cấp, ta ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng. Hoàng Ngọc Tuấn, cao, hiền lành, cười nửa miệng. Trịnh Công Sơn gần như ngồi bệt xuống sàn nhà, chân co chân duỗi, cây đàn guitare để gác lên cái ghế thấp bên cạnh. Không hiểu vì sao trong nhiều bức ảnh, Trịnh Công Sơn thường ở trung tâm. Đám trẻ trước đây, và cả bây giờ, gọi họ là Thiện, và Sơn, vì đối với họ, Phạm Công Thiện là tuổi trẻ lạc loài, Trịnh Công Sơn là tình yêu hư ảo. Và Hà Thanh, áo dài, tay áo xắn lên gần khuỷu tay, cầm ly nước như sirop trái cây. Và Khánh Ly, nhiều bức đẹp tôi chưa từng thấy trên báo chí. Trong tất cả, bức mà tôi chú ý nhất là của Vũ Khắc Khoan chụp chung với chị, hai người đứng bên cửa sổ, phía sau lưng họ ánh mặt trời rọi xuống, và đứng chéo góc xa hơn, một người phụ nữ với khuôn mặt nhìn nghiêng, chị ngắm lui ngắm tới mãi, rồi bảo, Phùng Thăng. 
Nhìn trong ảnh, trí thức thời ấy lãng mạn mà đăm chiêu. Khí chất ấy có lẽ toát ra từ nhân phẩm riêng hoặc từ vị trí quý tộc mà xã hội ban tặng. So với họ, trí thức bây giờ trông nhốn nháo hơn. Xúc động trước hàng trăm ảnh đẹp, tôi quên mất hỏi chị chi tiết. Quên hỏi chị bức ảnh rất lạ của Bùi Giáng ở đâu, nhà chị hay nơi khác, vì có hình của chị Nhung, em gái của chị, hậu cảnh lại mờ. Khi xa rồi nhớ lại câu hỏi, chị không trả lời. Chị không thể trả lời. Chị đã thuộc về một thế giới khác, không quê hương, không ký ức. Con người trần thế không lưu giữ ký ức thiên đàng. Một lần trên điện thoại, sau nhiều phút im lặng chị bỗng nói mấy chữ tôi không nghe được. Chị phải lặp lại, phát âm rõ hơn. Ngàn Sâu. Ngàn Phố. Nhưng chị Thanh một người Đà Lạt, rồi Sài Gòn, rồi nước ngoài, nhưng anh Tốn, một trung tá, phó tỉnh trưởng phụ trách quân sự những năm sáu mươi, thì có mối liên quan ra sao đến Ngàn Sâu, Ngàn Phố?  Sau này đọc lại cuốn tiểu thuyết Cõi đá vàng của chị (*), tôi hình dung đó là ký ức thời kháng chiến. Hạnh phúc đôi khi là quên lãng. Nhưng chị không muốn quên, chị muốn nhớ lại. Không phải chị muốn, mà những tế bào thần kinh sắp tê liệt của chị, những ốc đảo cuối cùng giữa hoang mạc, thỉnh thoảng lại phóng điện, như tia chớp. Chúng muốn. 
Tài liệu viết, sông Ngàn Phố, còn gọi sông Phố, bắt nguồn từ núi Giăng Màn thuộc huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh, gần biên giới Việt Lào. Sông Phố chảy từ Tây sang Đông tới nơi giáp ranh huyện Hương Sơn với huyện Đức Thọ. Tại ngã ba Tam Soa nó nhập với sông Ngàn Sâu, tức sông Sâu, từ các huyện Hương Khê, Vụ Quang chảy từ phía Nam lên để tạo thành sông La.  Đến lượt sông La chảy vào sông lớn hơn là sông Lam. Thời kháng chiến chống Pháp thượng nguồn sông Sâu và sông Phố là những chiến khu nổi tiếng. Khi nhắc đến chữ ấy, giọng chị xa vắng. Như một người đang đi bỗng mất phương hướng, nhìn quanh, không còn ai. Cùng với những người khác, cuộc đời họ, câu chuyện của họ, những cái chết bí mật, tra tấn, tù đày, mất tích, những đầu mối không tồn tại, những biên giới xóa. Bạn không thể trở về, không những cha mẹ không còn mà căn nhà cũ không còn, không những căn nhà cũ không còn mà ký ức về nó cũng không còn. Đó là yếu tính của hoài niệm của người Việt hôm nay, dù Bắc hay Nam. Câu thơ quốc phá sơn hà tại không đúng. Sơn hà không còn. Chỉ còn con người mờ nhạt như những cái bóng của nền văn hóa xa lạ. Nostos trong tiếng Hy lạp là trở về, algos là đau đớn, nostalgia là đau khổ khi trở về, là hoài niệm. 
Hậu quả xấu nhất của các cuộc xâm lăng là xóa sạch văn hóa của vùng đất bị chiếm đóng. Cuộc chiến tranh chấm dứt năm 1975 không phải là cuộc xâm lăng theo nghĩa thông thường, kiểu một nước này chiếm một nước khác, nhưng về mặt văn hóa đó là cuộc xâm lăng vì hai tính chất: xóa sạch lịch sử và tạo dựng cái mới. Vì vậy trên nền nhà cũ đã cháy, không còn tro tàn. Không còn nhà. Ký ức của những người như chị Thanh là tài sản tinh thần của thế hệ sau. Có lẽ đối với chị có hai quãng đời đẹp, những ngày ở Đà Lạt bên gia đình, những người bạn dưới bóng hoa vàng, tích niên kim nhật. Chị còn có những ngày cũng đẹp như thế, bên chàng trai mới lớn, khẩu súng với cây đàn guitare, hai kẻ si tình, chị và anh Tốn của tôi, trốn cha mẹ bỏ nhà ra đi, hớn hở bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc. Như những kẻ sẽ bị phản bội, như những kẻ sẽ phải bỏ trốn. Một thế hệ lúc nào cũng lạc đường, bị vây khổn. Ký ức là mặt hồ im lặng. Bạn đã ném một thứ gì vào đó. Bạn đi vòng quanh, dáo dác tìm, chẳng tăm hơi.
Thân sinh của anh Tốn và anh Tấn, tức cậu tôi, gia cảnh nghèo, sinh bất phùng thời chữ Hán không được dùng, trở thành nông dân bất đắc dĩ, nhà lại đông con. Bà ngoại tôi có một người em gái ở Huế, thương cháu, gọi cậu tôi về cho không một con bò để cày cấy và làm phương tiện sinh sống. Khi cậu tôi cầm sợi dây thừng dài dẫn con bò từ phố qua đò Thạch hãn về làng, cũng là lúc bản án dành cho cậu được viết xong. Bọn du kích bắt cậu lên rú tra khảo. Đến ngày thứ ba, cậu không chịu nổi nữa, đành ký giấy tình nguyện hiến con bò cho kháng chiến, với điều kiện cho phép em gái của cậu, tức mẹ tôi, và đứa con gái đầu lòng của cậu, chị Sim, chị của anh Tốn, được lên thăm. Chúng cho phép. 
Khi em và con đến, cậu tôi bí mật dặn họ: phải về mau, vì là con gái, chúng chưa có ý định thủ tiêu, đem hết cả nhà tản cư về tỉnh, đêm nay hay đêm mai thôi chúng sẽ giết anh, giết cha. Chúng đánh gãy hết các xương sườn của ông, nên ông biết bản án tử hình đã được ký. Tối hôm đó bọn du kích gọi cậu tôi đi thẩm vấn như thường lệ. Chị Sim khóc lóc nhứt quyết đòi đi theo. Chúng cho chị đi. Người cha bị dẫn sâu vào truông cát, sau cánh đồng bắp bạt ngàn, ven khúc sông uốn cong về thị xã, khủy tay trói ngoặt lại. Đứa con gái lẽo đẽo theo sau. Chúng bất ngờ dùng báng súng đánh vào đầu cậu tôi đến vọt óc ra, trước cặp mắt kinh hoàng của chị Sim. Rồi  đào hố lấp xuống. Đứa con gái khóc thét, lăn xả vào ôm lấy cha. Thuận tay, chúng lấp huyệt chôn sống luôn chị Sim trên đồi cát. Mẹ tôi tất tưởi chạy về nhà mang theo lời dặn của anh trai. Từ đó vang vọng mãi trong con cháu gia tộc lời dặn: phải chạy cho xa. Anh Tốn lúc ấy là cán bộ đại đội của Việt Minh, nghe tin cha bị giết, bỏ ngũ về thành. Anh Tấn, thoát chết trong một trận ruồng bố của Tây, tha phương cầu thực, mãi khi hòa bình lập lại sau hiệp định Genève, nhớ làng nhớ nước, trở về quê cũ cày cấy, lo mồ mả kỵ giỗ. Để khỏi đi lính xa nhà, anh tham gia lực lượng dân vệ, nghĩa quân. Đó là lực lượng bán quân sự, đồng lương chết đói, nhưng được cái gần nhà. Nghĩa quân là người lính vô danh, chân lấm tay bùn, nhưng là lực lượng đẩy lui các cuộc tập kích dữ dội của du kích, vì họ thông thuộc đường lối, chiến đấu gan dạ. Hôm ấy, anh Tấn hỏi đi hỏi lại chỉ một câu, o còn nhớ không. Mẹ tôi làm sao quên. Nhưng có một người mẹ Việt Nam nào, khi nhìn thấy một thanh niên mặt non nớt như con mình, một người lính máu chảy ướt đầm vạt áo, ruột lòi ra ngoài, mặt tái ngắt, sắp ngất đi vì đau đớn, có người mẹ nào có thể đứng yên mà nhìn? 
Kahlil Gibran bảo: quên là hình thức của tự do. Nhờ quên chúng ta mới sống được. Quên không phải là tha thứ, nhưng trong tha thứ có quên lãng. Buổi trưa ngắm bụi hoa mimosa vàng, rào tường vi trắng, nhìn ngược trở lại mái nhà chưa chi đã phong rêu, tôi nhìn thấy tác động của nhà cửa, kiến trúc, đường sá đối với không gian tinh thần của xã hội. Ngôi nhà được xây kiên cố, đường nét uy nghi dịu dàng. Nơi chốn xứng hợp của một salon văn nghệ. Kiến trúc, trong sự hòa hợp với thiên nhiên, tạo ra khung cảnh sống nâng đỡ tinh thần một thế hệ. Nhà cửa, đường nét kiến trúc tạo ra sự cân bằng giữa cái đẹp và cái thiện. Con người sinh sống trong một khung cảnh như thế, hay từ xa đến trước một khung cảnh như thế, là tự đem mình đến gần cái trang nhã. Sự trang nhã là anh em song sinh của lương tri. Những kiến trúc kỳ quái, bất ngờ, hay ảm đạm, buồn tẻ ít gặp ở Đà Lạt, những kiến trúc phô trương màu mè, mà sau này hình như ngày càng nhiều ở Hà nội, Sài gòn, cũng ít thấy ở đó. Sự cân bằng khác với sự đơn điệu. Sự cân bằng đạt được giữa một bên là những đường nét phức tạp, sang trọng, các trang trí đắt tiền, và một bên là sự giản dị, thanh khiết, thậm chí nghiêm khắc. Sự phối hợp các mặt đối lập giữa đường nét kiến trúc lớn, cứng, thẳng và đường cong uốn lượn, mềm mại, thon thả thể hiện tính cách khác biệt trong cùng một người: mạnh mẽ, dữ dội và linh động, khoan dung. Như thế không phải chỉ vẻ đẹp kiến trúc làm tôi đến gần mà còn sự tốt lành của chúng, tạo ra hấp dẫn. Đó là cân bằng giữa thiên nhiên và vật thể do con người tạo ra, sự cân bằng giữa nội tâm và ngoại cảnh, giữa đời sống tâm hồn một cá nhân và các thiết chế xã hội, không những các thiết chế văn hóa mà còn là, và đặc biệt là, những thiết chế chính trị. Một nền chính trị xấu không sinh ra một nền kiến trúc đẹp. Ngược lại, một kiến trúc đẹp chỉ xuất hiện trong điều kiện chính trị thuận lợi, có khả năng kích thích cái đẹp, lòng vô tư, sự bền vững.
Tôi sẽ còn trở lại Đà lạt một lần nữa, với Hoàng, mối tình đầu, người thiếu nữ sẽ ở lại lâu dài giữa ngàn thông reo, bên kia thung lũng có hồ nước biếc. Sẽ ở lại tiếng cười trong veo trong bụi dâu tím, ngọt ngọt chua chua, ở lại với mùi cà phê thơm thoảng bay trong tóc. Nhưng đó là những năm về sau. Sigmund Freud, trong một bài tiểu luận năm 1915, về sự vô thường, kể lại cuộc tản bộ trên núi với Rainer Maria Rilke, tác giả của Thư gởi người thi sĩ trẻ tuổi, Phạm Công thiện dịch. Mùa hè rực rỡ, bướm bay, hoa nở trên cỏ. Ông thấy hạnh phúc khi đi dạo ngoài trời, nhưng lấy làm ngạc nhiên, nhà thơ trẻ tuổi bạn ông tỏ ra buồn bã, đăm chiêu, đầu cúi xuống đất. Ông nhớ lại không phải vì nhà thơ bận suy nghĩ một đề tài nào khác mà quên vẻ đẹp của thiên nhiên. Mà chính vì vẻ đẹp ấy của thiên nhiên làm nhà thơ nghĩ đến ngày tàn của chúng. Nghĩ đến cái chết, Rilke không thể vô tư thưởng thức giờ phút hiện tại. Sự bất lực của con người trong việc bảo vệ cái đẹp, sự yếu đuối thậm chí a dua của họ trước sức mạnh bạo động, gợi lên ở nhà thơ cảm giác về cái mong manh của một nền văn hóa, một kiếp người. Vẻ lãng mạn đăm chiêu của trí thức ngày trước mà tôi nhận ra trong các bức hình của chị Thanh Sâm có phải cùng lý do ấy không?
Ngày tôi đến Đà Lạt, ngoài cảnh gian khó sau chiến tranh, một số nơi ở Lâm Đồng và các tỉnh cao nguyên đang lan tràn dịch sốt xuất huyết. Bệnh do siêu vi trùng Dengue gây ra nhưng từ loại muỗi Aedes aegypti truyền đi. Bây giờ căn bệnh ấy đã giảm, vì thời tiết thay đổi, vì việc thành thị hóa như điên như cuồng bất chấp mọi giá đã tàn phá xong tính hoang dại của các cánh rừng, các hang động, các thung lũng. Nhưng một lúc nào đó, khi ký ức nhân loại về chứng bệnh ấy đã phai lạt, ở một góc phố tối sau hẻm vắng sình lầy, sau khi tất cả dọn dẹp đã xong, cành khô bụi dại đã đốt, khi chúng ta đã quên, trong một vũng nước đọng lâu ngày sau mưa, những cái trứng nhỏ li ti của loài muỗi nguy hiểm chết người kia sẽ được mang trở lại. Sẽ được gieo xuống, sẽ sinh nở, và bắt đầu lớn lên.

                                                            Nguyễn Đức Tùng 

(*) Nhà văn Trần Hoài Thư:
"Thưa bà. Thưa nhà văn Nguyễn thị Thanh Sâm. Anh em chúng tôi đã tìm được truyện dài Cõi Đá Vàng của bà rồi. Kẻ đánh máy. Người vẽ bìa. Người dò lỗi chính tả. Kẻ viết tiểu sử… Dự án đã hoàn tất. Giờ là in. Là cắt, đóng. là làm bìa, là ép giấy láng… để mang đứa con tinh thần của bà sau bao năm thất tán về lại mái nhà xưa mà giao lại cho chủ của nó.
Dù mái nhà có hoa mimosa vàng ấy đã không còn hiện hữu nữa sau tháng 4-75 nhưng nó vẫn tồn tại trong cuốn sách 414 trang này. Vẫn có Đinh Cường bên cạnh bà, Trịnh Công Sơn, Khánh Ly…. Vẫn có hình ảnh bà bên cạnh chồng và các con, và vẫn có Hoàng Ngọc Tuấn với đoạn văn viết về hai cây mimosa nở bông vàng trên sân….
Mái nhà ấy không mất. Nó vĩnh cửu."
(https://tranhoaithux.wordpress.com)

READ MORE - NHÀ XƯA CÓ HOA MIMOSA VÀNG - Nguyễn Đức Tùng

DU XUÂN - Ký sự của Hoàng Đằng

            
                        Tác giả Hoàng Đằng


          DU XUÂN
                                        Ký sự của Hoàng Đằng

Thôi Hiệu (704 – 754), một nhà thơ nổi tiếng bên Tàu đời Đường, có viết bài thơ nói về những cái thú trong 4 mùa:
Xuân du phương thảo địa.
Hạ thưởng lục hà trì.
Thu ẩm Hoàng Hoa tửu.
Đông ngâm bạch tuyết thi.
(Mùa xuân chơi vùng có cỏ thơm mọc; mùa hạ say ngắm ao sen xanh; mùa thu uống rượu ủ hoa cúc vàng; mùa đông ngâm thơ khi trời rơi tuyết trắng)
Bài thơ mở đầu: “Xuân du phương thảo địa” - mùa xuân đi chơi vùng đất có cỏ thơm. Cỏ thơm ở đây, ngoài nghĩa đen, chắc chắn mang thêm nghĩa bóng, đó là những nơi người cư xử tử tế với người, những nơi có bạn hiền, những nơi có bà con tốt ...

Lão đã làm một chuyến du xuân vào dịp Tết Đinh Dậu (2017). Ngày 06 Tết (02/02/2017) là ngày, theo quy định của nhà nước, mọi người trở lại công sở làm việc; hai vợ chồng con trai út của lão (Hoàng Hữu Lập + Lê Nam Linh) là giáo viên bậc trung học, hai cháu nội của lão (Hoàng Nam Trân và Hoàng Hữu Thiều) là sinh viên và học sinh sẽ bận rộn.
Trước khi vào việc của năm mới, con cháu lão muốn xuất hành một chuyến đầu năm và không biết có coi thầy hay không, chúng quyết định chọn hướng Nam lên đường vào ngày 05 Tết. 
Mấy ngày trước đó, lão chỉ quanh quẩn trong nhà tiếp đón thân bằng quyến thuộc đến chúc Tết và mừng tuổi. Đang thèm muốn ra ngoài, nghe dâu con rủ đi cùng, lão nhất trí ngay.
Trớ trêu là ông Trời! Từ chiều 29 đến hết 04 Tết, trời nắng ấm, đường sá khô khan; đột ngột sáng 05 trời đổ mưa; đúng là thời tiết đang gây khó dễ cho chuyến đi. Trong tháng Âm Lịch, 05, 14, 23 là những ngày nguyệt kỵ - “đi chơi cũng lỗ ...”; thôi, phải rồi, “lỗ” đây là sự cản trở của thời tiết; chuyện thường thôi mà!
Gia đình lão ngồi trên một chiếc xe lên Quốc Lộ I trực chỉ hướng Nam; đến đầu cầu An Lỗ mạn Bắc, xe rẽ theo con đường lên hướng Tây; xe chạy khoảng 2 km thì dừng, gia đình lão vào thăm chùa Hội Thượng – chùa của làng Thượng An, xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đại Đức Thích Ngộ Tâm, trụ trì chùa, cách đây hơn 20 năm, là học trò bậc trung học phổ thông của con dâu lão – Lê Nam Linh – tại trường trung học phổ thông Nam Hải Lăng (nay cải tên là trường Bùi Dục Tài), sư vốn là một trong số học sinh giỏi và có nghĩa tình. Gia đình lão được sư tiếp đón trọng thị; sau khi xin vào lễ Phật, gia đình lão được sư mời ra ngồi ở phòng khách, trò chuyện, chúc tụng nhau những lời tốt lành đầu năm. 
Tuy là chùa làng, chùa Hội Thượng khá lớn; khuôn viên của chùa rộng, lão đoán chừng, cỡ một mẫu ta; chùa chính là ngôi nhà rường cổ 4 vài (3 gian) 2 chái chung quanh điểm thêm nhiều công trình thờ tự. Chỉ tiếc là bên trong, thay vì đóng những bức đố bằng gỗ để tạo sự hài hoà với cột, kèo, xuyên, trếnh, chùa cho xây những bức ngăn bằng gạch và vôi vữa áp vào các cột gỗ, lão sợ lâu ngày các cột gỗ sẽ bị ăn mòn, uổng! Tuy nhiên, “lực bất tòng tâm”, đành tạm chịu vậy! 

Điều làm lão cảm phục là, dù khuôn viên rộng thế, các công trình thờ tự và tự khí nhiều thế, chùa vẫn giữ được sự sạch sẽ, tươm tất, ngăn nắp. Trình độ văn hoá của nhân dân nơi đây càng làm lão cảm phục hơn; chùa được lập từ xa xưa - sư trụ trì cho biết trong án thờ còn sắc phong từ đời chúa Nguyễn Phúc Chu (1675 - 1725); hiện vật cổ nhất và quý hiếm nhất chùa còn giữ là cái chuông khá lớn đúc năm Minh Mạng thứ 7 (1826) và một cái “vạc” đúc năm Minh Mạng thứ 9 (1828) - cái vạc này hiện nay chứa nước mưa, lão đoán cái vạc nguyên được đúc ra để,  khi lễ xong, đựng vàng bạc đốt; vậy mà qua dâu bể, khuôn viên chùa vẫn còn rộng, không bị lấn chiếm, chùa được trùng tu mỗi khi hư hỏng, chứ không bị tháo dở, cái chuông và cái vạc không bị trộm. Nhiều vùng, nếu biết những việc này, chắc thẹn lắm! Thiếu gì nơi mà mỗi lần thay đổi chế độ chính trị, lợi dụng tình trạng hỗn loạn, tranh sáng tranh tối, đất đình, chùa bị chiếm dựng nhà, đình, chùa bị tháo dở chia về từng hộ tuỳ nghi sử dụng, tự khí bán đi như đồ cổ, tượng Phật bị hạ xuống, nhà chùa được dùng làm kho hay văn phòng làm việc, thậm chí bị làm cho uế tạp.

Mục đích xuất hành của con cháu lão lần này chỉ là việc viếng chùa. Thấy thời gian còn nhiều, lão tranh thủ vào Huế ghé nhà ở đường Đào Duy Từ thắp hương cho ông mệ đã cưu mang lão trong 6 năm trọ học tại Huế đầu thập niên 1960. Ở đây, lão làm gia sư hướng dẫn việc học cho 4 em – nay tất cả trên 60; tuy không cùng máu mủ, từ đấy đến giờ, lão luôn được đối xử như một người thân trong gia đình. Qua đây, lão muốn chỉ cho các cháu lão biết việc đi học xa nhà ngày trước của học trò nghèo khó khăn biết nhường nào và tình người đùm bọc nhau nồng ấm biết nhường nào!
Trời vẫn mưa, gia đình lão tiếp tục hành trình, đến thăm người bà con và cũng là đồng môn khoá I (1956 – 1960) của lão - Trương Sĩ Sằn - ở trường Bán Công Đông Hà xưa. 

Ra đời, bạn chọn nghề giáo. Từ một giáo viên tiểu học, bạn đã tự học lấy bằng Cử Nhân Anh Văn rồi lên dạy tiếng Anh ở trường Quốc Học; nhiệm sở cuối cùng, trước khi về hưu 2003, là chuyên viên tiếng Anh của Sở Giáo Dục Đào Tạo tỉnh Thừa Thiên – Huế. Một tấm gương quyết chí học tập đáng nể! Tại đây, gia đình lão được vợ chồng bạn mời ăn trưa. Rất tình cảm!
Mưa vẫn rơi không ngớt, gia đình lão chia tay vợ chồng bạn, ra thăm bia Quốc Học trước mặt trường Quốc Học. Trước Tết, công trình này được sơn lại, dư luận xôn xao phàn nàn: làm thế là mất vẻ cổ kính của công trình. Lão không rành về bảo tồn bảo tàng, tuy nhiên, đối với lão, sơn quét lại là tốt; không sơn quét, người xấu miệng có thể trách chính quyền sở tại thiếu quan tâm các di tích lịch sử. Lão chỉ không đồng ý nếu đắp, vẽ thêm cái gì đó hay gỡ bỏ bộ phận nào đó hay lấn chiếm không gian của công trình.


Người ta đang tháo rạp, chắc trong mấy ngày Tết nơi đây là nơi tổ chức hội Tết cho nhân dân Huế.
Trời vẫn cứ mưa, lão muốn thăm nhà một số bạn thân nữa, nhưng nghĩ lại, ướt át quá, không tiện! Chờ dịp khác!

Xe lên Quốc Lộ I trực chỉ hướng Bắc – hướng Đông Hà. Qua cầu Mỹ Chánh, xe rẽ vào con đường xuống phía Đông, thăm bạn đồng nghiệp cũ tại trường Đông Hà xưa của lão là cô Phan Liên Hương ở làng Câu Nhi, xã Hải Tân, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị; dưới mắt và trong lòng của lão, cô Liên Hương rất tuyệt vời: vừa giỏi về văn hoá, vừa khéo về nữ công gia chánh, lại vừa có tính nết dịu dàng; ít phụ nữ có được chừng ấy đức tính! Gia đình lão được vợ chồng và các con cháu cô về ăn Tết tiếp đón nồng hậu. 

Nhân tiện, lão nhờ cô Liên Hương đưa đến thăm thầy Lê Chí Phóng – đồng nghiệp xưa của lão tại trường Nguyễn Hoàng – cũng ở làng này. Đường làng Câu Nhi quanh co uốn khúc, thành thử, dù đã đến nhà thầy nhiều lần, nếu không có người hướng dẫn, lão vẫn không nhớ đường.
Thầy năm nay đã 92 tuổi, song lưng thẳng, mắt sáng, tai rõ, trí minh mẫn, đi đứng vững chãi; thầy kể cho lão nghe con đường khúc khuỷu đến với nghiệp giáo của thầy; cái quyết chí tiến lên trong nghề của thầy thật đáng khâm phục! Xin phép thầy kể lại ở đây để người đời và con cháu lão thấy thêm một tấm gương sáng về việc học tập không ngừng nghỉ. 

Năm 1945, thầy đang học trường tư thục Sainte Marie ở tỉnh lỵ Quảng Trị, chuẩn bị thi Cao Đẳng Tiểu Học (Diplôme d’études primaires supérieures), nhưng không thi được vì loạn lạc; sau đó, thầy theo kháng chiến; năm 1954, vì bệnh hoạn, không thể tập kết ra Bắc, thầy ở lại, tham gia việc xã. Rồi cảm thấy nghề hành chánh không hợp, thầy xin vào ngành giáo dục từ 1957, vừa dạy, vừa tự học, thầy đi từ hương sư phụ khuyết lên giáo sư trung học; đến năm 1975, thầy gần hoàn tất học trình Cử Nhân Anh Văn tại Đại Học Văn Khoa Huế. 
Trong tuổi già, hiện tại, thầy phải săn sóc cô (phu nhân của thầy) ốm yếu, bệnh tật. Con cháu thầy rất thành đạt trên đường sự nghiệp; ai có gia nương nấy, ở xa và phải lo làm việc, phụng sự xã hội. 
Trong từng gia đình hiện nay, cái cảnh chỉ còn lại ông bên bà, bà bên ông không phải chỉ riêng thầy đâu! Những vị mà lão vừa thăm, dù nhà cửa rộng rãi, vẫn thế. “Tam đại đồng đường”, “tứ đại đồng đường”  đã đi vào dĩ vãng.
Trời vẫn mưa, gia đình lão rời nhà cô Liên Hương trong sự quyến luyến. 

Xe về đến nhà thì trời gần tối.
Một ngày xuất hành đầu năm thành công, ý nghĩa, mang đến nhiều tình cảm, nhiều niềm vui.

                                                                        Hoàng Đằng
                                                           07 Tết Đinh Dậu (03/2/2017)

READ MORE - DU XUÂN - Ký sự của Hoàng Đằng

TẠP THI, NHẮN HOÀNG MỸ LYNH - Thơ Chu Vương Miện



             Nhà thơ Chu Vương Miện


TẠP THI

hết tội tới tù
hết tù tới tội
không cầu thì lội
dì chậm đi vội
chẳng tới nơi

chiến tranh bố mẹ chết
chị em chết
vợ chồng con cái đều chết
ra tay không ?

kẻ không chồng
kẻ chồng chết
kẻ cười
người mếu

Con công cao con gà thấp
Con sông đào con sông lấp
Khi hạn hán khi lũ lụt
Khi bình khi loạn lạc

Khi sòng đời khi sòng bạc
Vào đầy túi ra tay không

kẻ cười người khóc
kẻ rụng hết răng
kẻ nhai kẹo kéo


NHẮN HOÀNG MỸ LYNH

cuối đời chúng ta cùng nhau
đến nơi thủy tận non cùng
ta ở tuốt luốt vùng sa mạc
nơi xưa người da đỏ trồng cây palm
họ hàng với cây dừa và cây thốt nốt
và cây cọ cây chà là
bốn phía cát vàng cát trắng sương sa
Cùng núi xanh lơ xen kẽ vùng đồi trọc
Nhìn chốn nào cũng toàn là sa mạc
Lòng biển muối chết thời xưa
Nâng lên thành núi thành rừng
mờ mắt nhìn nam bắc tây đông
bốn mùa trôi qua đông xuân thu hạ
bạn nửa đời dấn thân nơi rừng xanh tháng giá
lạnh suốt năm trọn đủ bốn mùa
hết nắng hanh vàng rồi tiếp tới mưa
mưa cả tháng kèm theo với lũ 
bọn chúng ta mới đó thành ông cụ
chốn rừng xanh núi đỏ sống màng thơ
ôi chuyện tào lao cố đế
viết để câu giờ
chuyện râu ria ruồi bu vô công tích sự
xưa Nhà Mãn Thanh có nhà học giả
chuyên luận bàn góp ý văn chương
khi phê bình pho Thuỷ Hử 108 vị anh hùng
Lương Sơn Bạc của đại văn hào Thi Nại Am
lúc hạ bút khen văn tài La Quán Trung
trứ tác siêu phẩm Tam Quốc Chí
lúc bàn luận về Bách Gia Chư Tử
cùng Bồ Tùng Linh viết chuyện Liêu Trai
san định lại chuyện Cáo Hồ 
chuyện người có đuôi
thiên hạ ngưỡng mộ người
goị là Kỳ Nhân Kim Thánh Thán 
vị Thánh đời nay
than van cho phận người khốn nạn
sống tàn đời dướí chế độ Mãn Thanh
trâu bò lừa ngựa có đuôi chuyện đó rành rành
nhưng mà mọc đằng sau dít
người Hán người Mãn dóc tóc thắt bím
mọc đuôi lại ở trên đầu ?
chả biết bây giờ họ lạc nơi nao ?

                      Chu Vương Miện

READ MORE - TẠP THI, NHẮN HOÀNG MỸ LYNH - Thơ Chu Vương Miện

CỨ MỖI MÙA HOA - thơ Phan Minh Châu



Này cô bé đã lâu rồi không gặp
Chồng cô đâu? sao cô chỉ một mình.
Hoa cô bán hơn mười năm rồi nhỉ
Hỏi thăm hoài nhưng chưa một lần mua
Xin cô hiểu cũng mùa xuân năm đó
Hỏi mua hoa tôi định tặng một người
Nhưng đâu biết cũng trong mùa xuân đó
Họ theo chồng bỏ lại một mình tôi
Tôi hụt hẫng những năm dài tháng rộng
Đường tôi đi lầm lỡ tuổi xuân xanh
Những năm tháng lạc loài trên đất Mỹ
Bao lần xuân chỉ một chỗ riêng mình
Cô năm đó tuổi khoảng chừng đôi tám
Tôi nhìn cô say khướt buổi ban đầu
Cô bẽn lẽn nép bên vành nón rộng
Ông hỏi hoài nhưng chưa một lần mua
Tôi xấu hổ bởi vì cô trách giận
Không mua hoa để được ghé thăm người
Nhưng đâu biết cũng chiều ba mươi tết
Tôi ngỡ ngàng khi họ bước sang sông
Từ dạo đó tôi ra đi biền biệt
Mối tình xưa cũng chết tự lâu rồi
Chỉ còn lại trong tôi người con gái
Cứ mỗi lần chạm mặt một lần vui
Nay về lại quê nhà thăm chốn cũ
Nơi ngày xưa cô gái bán hoa xuân
Ừ có lẽ trên mười năm rồi nhỉ
Cô ngày xưa vẫn đó tuổi xuân thì
Cô hảy lựa cho tôi nhành hoa thắm
Một cành Hồng hay một nhánh hoa Lan
Tôi mua tặng cho người con gái ấy
Người tôi vừa đâu đó một lần yêu
Vài hôm nữa tôi lại qua đất Mỹ
Nơi mười năm tôi nhớ đến nao lòng
Cô hảy nhận cho tôi nhành hoa muộn
Tặng cho người lỡ mất một lần yêu....
           PHAN MINH CHÂU
           Nha Trang


READ MORE - CỨ MỖI MÙA HOA - thơ Phan Minh Châu

CÀNH MAI NGÀY TẾT -Truyện ngắn của Trần Hữu Thuần

Tác giả Trần Hữu Thuần

Cành Mai Ngày Tết
Truyện ngắn của Trần Hữu Thuần


Lật bật rồi Tết đến, mà Tết thì không thể thiếu cành mai. Hương mai không sắc sảo như hồng, không ngạt ngào như huệ, không lộ liểu như lan, nhưng dịu dàng nhè nhẹ như rón rén báo hiệu mùa xuân tới. Người Trung chuộng mai; người Bắc chuộng đào. Nói người Trung chuộng mai thôi chưa đủ, phải nói cành mai với người Trung chính là linh hồn của mùa Xuân, của ngày Tết. Một cành mai dù khẳng khiu lèo tèo vài bông cũng đem mùa Xuân về cho một gia đình dù đang thiếu thốn túng cực. Thiếu cành mai, mùa Xuân như chưa về, ngày Tết như chưa đến, căn nhà trở nên hoang vắng trống trải. Gia đình tôi còn hơn thế, chuộng cành mai mừng Tết hơn bánh mứt cỗ bàn. Ông nội tôi, ba tôi, rồi đến tôi, chưa giữa tháng chạp đã lặn lội đến tận các vườn mai chung quanh thành phố đang sống để tìm mai, ngắm nghía chọn lựa. Sau khi cân nhắc bốn năm cây được tuyển chọn, chúng tôi hỏi mua nhưng chưa chắc đã mua được vì thời đó người ta trồng mai chủ yếu để ngắm, ít người trồng chuyên nghiệp để bán. Do đó, một gốc mai đẹp trong vườn, cũng là gốc nằm trong sự chọn lựa của tôi, thường khó có thể mua được dù với bất cứ giá nào.
Năm đó tôi còn trẻ lắm, chừng vào khoảng hai ba hai bốn tuổi, ra khỏi trường đại học tay còn ướt mực, đầu còn vướng vít lời giảng và cách giảng của các giáo sư Đại học Văn khoa Huế thời đó như Giáo sư Linh mục Cao Văn Luận, Giáo sư Nguyễn Văn Trung, Giáo sư Lê Tuyên. Không xuất thân đại học sư phạm, tôi xin vào dạy “giờ” tại một trường trung học công lập, dạy thêm mấy trường tư thục. Thời đó, thầy cô dạy tiểu học được gọi là thầy cô, dạy trung học được gọi là giáo sư, không như bây giờ giáo sư chỉ dành riêng gọi thầy cô dạy đại học đã chính thức được phong chức danh này. Năm sau, có chút “tiếng tăm,” tôi được “mời về” dạy cho một trường bán công ở một quận. Tôi được biết mình có chút tiếng tăm nhờ may mắn tình cờ nghe một nhóm nữ sinh bảo nhau:
“Tụi mày biết tao mong gì không?”
“Mong gì?”
“Mong mau hết năm nay để lên lớp học với thầy….”
Tôi nghe nói đến tên tôi. Ở tuổi vừa quá đôi mươi, tôi phồng mũi khi được nghe khen gián tiếp như vậy. Sau thời chiến tranh, số tuổi của học sinh phần lớn ngang ngang tuổi các thầy cô trẻ chúng tôi. Năm tháng dưới quyền Việt Minh,  các em hoặc thất học hoặc học chẳng đến nơi đến chốn, phần do chương trình học chắp vá, phần không có thầy đủ kiến thức để dạy. Vì vậy, học sinh chỉ kém thầy cô vài tuổi, thậm chí có em đã có vợ con ở nhà, trong khi chúng tôi đa số đều còn độc thân. Một lần tôi đã được một người đàn bà đến xin phép cho một học sinh nghỉ bệnh, về sau tôi mới biết người đàn bà đó là vợ của học trò tôi!
Tôi dạy Quốc văn và Anh văn. Trong một buổi dạy Quốc văn, tôi thao thao bình giảng một đoạn văn của Khái Hưng trích từ tác phẩm Trống Mái. Bài giảng văn cuốn tôi đi. Nếu các tác giả lãng mạn Pháp Lamartine, Chateaubriand, Verlaine, Rimbaud, Victor Hugo, Alexandres Dumas đã cho tôi thấy gần gủi với sông Seine, với vườn Luxembourg, với Notre Dame de Paris, thì Tự lực Văn đoàn cho tôi cảm thấy gần gủi Hà Nội với năm cửa ô quan, với đê Yên Phụ, với cốm mới, với xóm hoa của các cô gái trên vai kĩu kịt gánh hàng hoa, gần gủi tưởng chừng tôi đã sống ở đó, đã đi qua đó. Tôi như thấy bóng Loan đang đi ngược lên đê Yên Phụ, thấy Hiền trên bãi biển Sầm Sơn, thấy Bạch Tuyết, Vân Lan, Thu Cúc trên bãi biển Đồ Sơn. Tôi như thấy nước sông Hồng Hà cuồn cuộn mỗi lần vỡ đê, cả con sông cả chuyện vỡ đê tôi đều chưa một lần tận mắt chứng kiến. Tôi mô tả Hiền say mê ngắm thân hình lực sĩ của Vọi trên bãi biển Sầm Sơn, mô tả Sầm Sơn đẹp như thế nào, hùng vĩ như thế nào, một bãi biển Sầm Sơn nào đó ở miền Bắc mà tôi chưa hề bước chân đến. Tôi nói đến tình cảm lãng mạn của Hiền, loại lãng mạn chịu ảnh hưởng của văn chương lãng mạn Pháp. Tôi nói đến tâm hồn đơn sơ chất phác của Vọi, của người Việt Nam thôn quê, nói đến tình yêu mộc mạc Vọi dành cho Hiền, một tình cảm mà Vọi không hề định nghĩa được đó là tình yêu. Nghe tôi nói, cả lớp tưởng chừng các nhân vật của Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam đang ngồi giữa thầy trò chúng tôi. Các em mở lớn đôi mắt như muốn nuốt hết bài giảng văn của tôi vào tâm trí. Không nghe tiếng thở mạnh. Không nghe tiếng xào xạc. Thỉnh thoảng, có tiếng bút ghi chép chạy rì rào trên giấy. Cũng như tôi thuở nào, các em giờ đây cũng đang mơ đặt chân đến Hà Nội, đến Sầm Sơn Đồ Sơn, mơ bước vào cửa ngõ văn chương mà Tự lực Văn đoàn đã mở ra, mơ bước vào cửa ngõ tình yêu lãng mạn của yêu là chết trong lòng một ít.
Hầu hết thầy cô chúng tôi đều từ thành phố lên dạy, ở lại vài hôm rồi quay về. Mùa nắng, tôi không chạy chiếc xe gắn máy Gobel trên đường chính để về thành phố mà men theo các con hẽm trong xóm để ngắm cảnh chiều xuống trên các cánh đồng lúa, trên các vườn cây trái nặng trĩu cành, và trên các nóc nhà vươn khói bếp của thôn quê thanh bình yên lặng. Gobel và nhiều loại xe gắn máy thời đó trông như một chiếc xe đạp với giàn khung cồng kềnh, gắn một động cơ hai thì ở chỗ trục hai bàn đạp. Một lần trên đường về, xe tôi bị hư. Dừng lại bên con hẽm, tôi hì hục tháo bugi chùi, ráp lại rồi cong lưng đạp. Máy không nhúc nhích. Mồ hôi tháo ra ướt áo. Thử đi thử lại mấy lần không kết quả, tôi bối rồi nhìn quanh chẳng biết phải làm gì. Chung quanh không có tiệm sửa xe; từ xóm ra đường cái còn là một quãng đường xa. Tôi hì hục dẩy xe lội bộ, mỉm cười một mình bảo chiếc xe:
“Hằng ngày tao hành mày, giờ mày trả thù hành lại tao.”
Có tiếng xe đạp phía sau. Con hẽm hẹp vừa một người cỡi xe nên tôi nép vào hàng rào nhường đường cho người đang đi tới. Không thấy xe đạp trờ tới, tôi nghĩ mình lầm, định đi tiếp nhưng có tiếng hỏi sau lưng tôi:
“Xe sao vậy thầy?”
Một cô học trò của tôi. Tôi ngước nhìn. Đôi mắt đẹp của cô học trò sáng ngời một chút vui mừng lẫn chút kinh ngạc khi tình cờ gặp được tôi ở con hẽm này. Và ngay trong lòng tôi cũng đang rộn lên một niềm vui vì tình cờ gặp được người vừa là học trò tôi vừa là người con gái tôi đã không giấu giếm tình cảm đang nghiêng hẵn về phía nàng. Mỉm một nụ cười thật tươi, tôi hỏi:
“Em ở đây?”
Cô gái cười, chỉ tay vu vơ về khu xóm phía trong:
“ Em ở hẽm bên kia, chỗ ngã ba thầy vừa đi qua đó.”
Thoáng ngập ngừng, cô học trò nói tiếp:
“Thầy ở đây, chờ em một chút.”
Không đợi tôi trả lời, cô đạp xe chạy về phía trước rồi khuất sau một ngõ có hai hàng dậu cao ngang ngực cắt xén bằng phảng. Mấy phút sau, cô học trò đi ra, theo sau là một cụ già có chòm râu bạc phất phơ. Nhìn thấy tôi, ông cụ trịnh trọng chắp tay chào:
“Chào thầy.”
Hai tay đang giữ tay lái xe, không thể chắp tay vái chào được, tôi đành cúi đầu sâu đáp lễ:
“Cháu không dám, xin phép chào cụ.”
Cô học trò bảo tôi:
“Thưa thầy, đây là ông nội em.”
Tôi hốt hoảng:
“Ấy chết, cháu thất lễ nữa rồi, chẳng biết cụ là ông nội của cô đây.”
Ông cụ cười:
“Cháu tôi đã nói với tôi nhiều về thầy. Văn kì thanh bất kiến kì hình; vạn hạnh cho tôi hôm nay được diện kiến thầy.”
Tôi hoảng hốt:
“Cụ dạy quá lời, cháu thực tình không dám. Có vạn hạnh chăng chính là cháu đây mới phải.”
Ông cụ đưa tay mời:
“Thôi, nhất kiến vạn kiến, mời thầy quá bộ vào dùng chung trà.”
Tôi nhìn chiếc xe, ngần ngừ:
“Vinh dự cho cháu, nhưng….”
Ông cụ chỉ tay vào hai người đàn ông đang đứng đó, bảo tôi:
“Thầy đừng lo, để xe đó hai ông con tôi lo cho.”
Vào nhà, ông cụ mời tôi ngồi. Lát sau, cô học trò bưng lên một khay trà. Đặt một tách trước mặt ông cụ, cô lễ phép nói:
“Con mời nội.”
Đặt một tách khác trước mặt tôi, cô nói:
“Em mời thầy.”
Ông cụ nâng tách trà lên:
“Mời thầy. Trà Long Tĩnh đó thầy, tôi đặt mua tận Hồng Kông.”
Tôi bối rối nâng tách mời cụ:
“Xin mời cụ. Chà, đúng là danh trà, thơm thật, uống vào ngọt lịm trong cổ họng.”
Thấy tôi biết thưởng thức trà, ông cụ đặt chén trà xuống, vuốt chùm râu lưa thưa:
“Không ngờ hôm nay tôi được gặp thầy nói lời cám ơn thầy đã dạy dỗ cho con bé cháu tôi biết đạo làm người. Người ta nói, Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy.”
Tôi đứng lên khiêm tốn trả lời:
“Dạ, cháu không dám. Cháu chỉ làm việc bổn phận.”
Cụ nói:
“Thầy coi đó, thời đức Thánh, đạo đức hưng thịnh, ngoài đường không ai lượm của rơi, nhà nhà tối ngủ không cần đóng cửa cài then, vợ chồng lúc nào cũng tương kính như tân. Thời nay đạo đức suy đồi, xã hội suy vong. Cũng may cụ Diệm về nước phục hồi lại được đôi chút.”
Tôi đưa đẩy:
“Dạ, cụ Diệm đã học chữ thánh hiền đỗ đạt làm quan.”
Ông cụ gật gù:
Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách. Cụ Diệm cũng vì lẽ đó mà về nước, không thể ngồi yên bên Tây bên Mĩ.”
Để chuyển hướng câu chuyện, tôi hỏi:
“Thưa cụ, thất phu hữu trách, sao có người nói sất phu, xin cụ chỉ dạy cho.”
Ông cụ vuốt râu:
“Tôi cho rằng chỉ tại người ta đọc trại vì kị húy sao đó, chẳmg có gì là quan trọng.”
Ngưng lại một chút như để suy nghĩ, ông cụ nói tiếp:
“Hai chữ thất phu này có người hiểu lầm thành người đáng bị khinh miệt. Tôi không cho là vậy. Chu Quyền viết, cổ chi hiền nhân, tiện vi bố y, bần vi thất phu. Như vậy thất phu là người bình thường nhưng cũng là hiền nhân, không phải là phường hạ tiện.”
Ông cụ hỏi tôi:
“Thầy có hiểu nghĩa câu đó không?”
“Dạ, cháu hiểu nghĩa nhưng không nhớ mặt chữ.”
“Hiểu đã tốt rồi. Thầy hiểu sao?”
“Dạ, cháu xin phép. Chu Quyền nói, Người hiền ngày xưa, mặc áo vải thô, nghèo như người thường.”
Ông cụ cười ha hả:
“Khâm phục, khâm phục. Còn trẻ như thầy chẳng mấy người hiểu chữ thánh hiền nữa đâu.”
Tôi nói mấy câu khiêm nhường rồi đứng lên cáo từ vì trời đã sụp tối. Chẳng biết cách nào và do ai, xe tôi đã nổ máy được, đang dựng chân chống chờ tôi ở ngõ. Ông cụ bảo cô học trò đưa tôi ra tận cửa. Cô bảo tôi:
“Nội em quí thầy lắm đó, khen thầy hoài, mời thầy hôm nào lại đến chơi.”
Tôi mỉm cười nhìn sâu vào mắt cô học trò:
“Ngoài nội mời tôi, còn ai khác nữa mời tôi không?”
Cô học trò mỉm cười trong khóe mắt, giọng bẻn lẽn:
“Thầy biết rồi, hỏi em làm gì.”


* * *


Sau ngày gặp gỡ đó, tôi thường đi về nhà theo con đường ngang qua nhà ông cụ nhưng không ghé thăm ông cụ lần nào, định bụng chỉ ghé thăm khi nào lại tình cờ gặp được cô học trò như lần trước. Thế nhưng năm lần bảy lượt, chuyện tình cờ vẫn không xẩy ra, trong khi hình bóng cô học trò vẫn vương vấn trong lòng tôi.
Nửa tháng chạp, xóm nhà ông cụ bỗng sáng rực lên. Các vườn mai đang đến độ nở hoa. Hóa ra xóm này cũng trồng nhiều mai mà trước đây tôi không chú ý đến, có lẽ vì tâm trí tôi đã bị một bóng hình xâm chiếm. Hàng ngày, sau giờ tan trường, tôi rong xóm, dừng lại trước nhà này nhà kia ngắm nghía chọn mai, cũng không quên khao khát sẽ lại xẩy ra chuyện tình cờ. Chuyện tình cờ không đến hay chưa đến, nhưng mai thì tôi chọn được năm gốc vừa ý trong năm vườn khác nhau. Chọn thì chọn, tôi không chắc rồi sẽ mua được gốc nào vì đã nhiều lần các chủ vườn bảo tôi:
“Ông mua gốc nào khác tôi bán nhưng gốc này thì không vì đó là gốc mai già do cụ tổ nhà tôi trồng. Cắt bán cho ông, chẳng khác nào tôi bán cội nguồn nhà tôi.”
Biết vậy cho nên bước vào một vườn mai, nếu chủ nhà không hỏi tôi muốn mua gốc nào, tôi không bao giờ nói đến việc mua bán mà chỉ xin phép được dạo quanh vườn ngắm mai. Khi đến gốc mai trong vòng tuyển chọn của tôi, làm như tình cờ, tôi mập mờ lên tiếng hỏi:
“Thưa ông, giả như có người hỏi mua gốc này, ông có định bán không?”
Chín trong mười lần, tôi bị từ chối. Năm nay cũng vậy, tôi thi hành chiến thuật hàng năm của tôi, và đã thất bại bốn gốc liên tiếp. Gốc thứ năm tôi chọn nằm trên con hẽm mà cô học trò có lần chỉ vu vơ nói nhà em ở trong hẽm đó. Tôi vào vườn, xin đi ngắm mai rồi với bài bản cũ hỏi mua gốc mai tôi ưng ý. Chủ vườn lắc đầu quầy quậy:
“Thấy ông thích chơi mai, tôi sẵn sàng nhượng ông bất cứ gốc nào khác ngoại trừ gốc này.”
Không đợi chủ vườn mô tả tiếp chuyện gốc mai cụ Tổ, tôi định quay xe ra ngõ bỗng nghe một tiếng va chạm mạnh. Chủ vườn la lớn:
“Con gái mà đoảng hậu. Chạy xe thì cũng từ từ, chạy chi ào ào để té chỏng gọng thế?”
Tiếng con gái trả lời:
“Đâu phải tại con, tại đứa nào để hàng gạch chắn đường ngay chỗ quẹo vào.”
Tôi giật mình. Giọng nói nghe rất quen thuộc. Chủ vườn vẫn lớn tiếng:
“Gạch đá thì cũng phải có mắt mà nhìn. Hai chục tuổi đầu đâu phải con nít nữa.”
Tôi quay lại nhìn ra ngõ, đúng lúc cô gái phủi tay đứng dậy rồi reo lên:
“Ủa, thầy? Sao thầy biết nhà em đây mà đến?”
Chủ vườn nhìn tôi rất nhanh rồi hỏi con gái:
“Thầy con đây sao?”
Cô gái cười:
“Dạ, con tưởng ba biết rồi.”
Chủ vườn cười dễ dãi bảo con gái:
“Con cái thế thì thôi, thầy đến nhà chơi mà con cũng không báo trước cho ba biết.”
Cô gái nhìn tôi, mỉm cười. Tôi mỉm cười lại, ý nói tôi có biết nhà ở đâu đâu mà báo trước. Ba cô gái quay sang tôi:
“Tôi xin lỗi, xin lỗi thầy.”
Tôi bối rối:
“Dạ, xin bác tự nhiên cho.”
Tôi giật mình thấy đã đổi cách xưng hô với chủ vườn một cách phản xạ. Cô học trò bảo tôi:
“Nội em nhắc hoài sao thầy không đến chơi.”
Giọng nói và ánh mắt của cô học trò cho phép tôi hiểu câu nói của cô theo một ý nghĩa khác. Chủ vườn bảo tôi:
“Tôi xin lỗi thầy lần nữa. Ông nội cháu khen thầy mãi, tôi vẫn mong có dịp gặp thầy.”
Ngập ngừng một chút, ông nói tiếp:
“Quả không phải, nhưng mời thầy quá bộ vào nhà dùng chén nước.”
Quan vài tuần trà, tôi đứng lên xin phép ra về. Cha cô gái đột ngột hỏi tôi:
“Thầy ở đâu dưới phố, cho tôi địa chỉ được không?”
Tôi nhìn ông ngạc nhiên:
“Dạ được thì hẵn rồi. Nhưng cháu chẳng hiểu bác cần đến để làm gì?”
Ông mỉm cười:
“Thì … để có dịp xuống phố, tôi đến chào thăm bà cụ trả lễ thầy đến thăm chúng tôi.”
Cô học trò đưa ra một tờ giấy tập và cây bút máy cô quen dùng. Tôi hí hoáy vừa viết địa chỉ vừa nói:
“Khi nào tiện dịp xuống phố, cháu mời bác đến nhà chơi, còn nói để bác trả lễ thì thực tình cháu không dám.”
Ông bảo con gái tiễn tôi ra ngõ. Trời nhá nhem tối. Cô học trò ái ngại nhìn tôi:
“Sắp tối rồi, thầy chạy xe cẩn thận. Trong xóm, đường tối, khó nhận ra ổ gà. Để em đưa thầy ra hẽm ông nội.”
Tôi nhìn cô học trò, nói một câu nói nhiều ý nghĩa:
“Em đừng sợ tôi đi lạc. Tôi thuộc lòng đường nhà em rồi.”
Cô học trò mỉm cười đồng lõa. Tôi dẫn xe đi; cô gái đi sát vào người tôi, không biết tại ngõ hẹp hoặc tại cô tìm hơi ấm nơi tôi. Cả hai im lặng đi bên nhau, tưởng chừng nghe tiếng hai con tim đang đập mạnh. Chiều thôn quê xuông thật nhanh, thật yên lặng nếu không có tiếng côn trùng rả rích. Đến một khúc quanh vắng trước khi rẽ ra hẽm nhà ông nội, tôi đứng lại gọi nhỏ:
“Thúy!”
Tôi vòng tay qua kéo nhẹ Thúy sát vào người tôi. Thúy ngại ngùng đẩy tôi ra:
“Đừng anh, hàng xóm thấy bây giờ.”
Tôi nói nhỏ vào tai Thúy:
“Anh yêu em. Em yêu anh không?”
Thúy dịu dàng nói:
“Anh biết rồi, em đâu cần nói ra….”
Tôi dùng dằng một chút rồi nói:
“Anh về. Mai gặp em ở trường.”
Thúy hôn rất nhanh lên má tôi:
“Em về đây. Mai gặp anh.”
Tôi hôn trả lại, không phải lên má mà lên môi Thúy. Thúy thẹn thuồng đẩy vội tôi ra, e lệ chào tôi rồi quay ngoắt theo hướng về nhà. Dẫu vậy, ánh mắt Thúy vẫn lưu luyến nhìn tôi. Đi mấy bước, Thúy quay người lại mỉm cười khi thấy tôi vẫn còn đứng đó nhìn theo Thúy. Thúy vẫy tay ra hiệu cho tôi đi về. Tôi nổ máy. Xe chạy. Thân xác tôi đang về nhà nhưng tâm hồn tôi đã gửi lại căn nhà nằm sau khúc quẹo.
Hôm sau, tôi có giờ lớp Thúy. Hết giờ, Thúy làm bộ sửa lại cặp sách, chần chừ trở thành người ra sau cùng để nói nhanh bảo tôi:
“Em có quà cho anh.”
Tôi thì thào như hơi thở:
“Quà gì vậy em?”
Thúy mỉm cười bí ẩn, hỏi lại tôi:
“Mai anh không có giờ phải không?”
“Anh xong rồi, mai anh về phố. Quà gì cho anh đâu?”
“Về nhà rồi biết.”
“Nhà em?”
“Không, nhà anh.”
Không đợi tôi thắc mắc tiếp, Thúy vụt chạy ra sân với bạn bè. Tôi lửng thửng đi lên phòng giáo sư, bụng phân vân chẳng biết quà Thúy nói đến quà gì và sao lại ở nhà tôi.


* * *


Thành phố đã lên đèn khi xe tôi chạy vào con đường chính dẫn về nhà tôi. Mưa nặng hạt. Đèn nhà tôi đã bật sáng. Nhìn vào nhà, tôi có cảm giác nhà tôi sáng hơn bình thường. Nghe tiếng máy xe tôi, cô em út chỉ mới ba tuổi đội mưa chạy ra đón tôi. Tôi lật đật dựng xe, bế em lên cho vào trong áo mưa cho em khỏi ướt. Em bí bô:
“Anh Hai, hoa đẹp.”
Tôi không hiểu, hỏi lại:
“Hoa gì?”
Em không trả lời, chỉ tay vào phòng khách. Tôi bế em đi nhanh vào. Phòng khách rực sáng. Chính giữa phòng khách, vị trí tôi vẫn đặt cây mai hàng năm, một cây mai lớn cao đến trần nhà đang khoe một số bông vàng rực. Tôi hỏi mẹ tôi:
“Mai đâu vậy mẹ?”
Mẹ tôi trố mắt nhìn tôi:
“Mẹ tưởng con mua.”
“Con đã mua được cây nào đâu. Hỏi năm chỗ đều bị từ chối năm chỗ.”
Mẹ tôi nói:
“Hồi trưa, có chiếc xe lam và hai người chở cành mai đến nhà, hỏi mẹ đặt vào đâu. Mẹ tưởng mai con mua nên chỉ chỗ cho họ. Họ đặt mai vào, xoay thế này thế khác cho đến khi mẹ vừa ý mới ra về.”
“Lạ chưa? Con có nhờ ai chở mai đến nhà đâu?”
Bỏ em tôi xuống, tôi đi quanh cây mai một vòng và đột nhiên nhận ra dáng dấp quen thuộc không thể nhầm lẫn được của gốc mai. Đây là gốc mai nhà Thúy mà ba Thúy đã không muốn bán cho tôi, nói là gốc mai truyền từ cụ Tổ xuống, không nỡ cắt đứt. Mẹ tôi nói:
“Người đem mai đến đưa bức thư này, bảo mẹ đưa cho con khi con về. Tôi vội vàng mở thư. Nét chữ của Thúy ngoài phong bì, nét chữ sau mấy năm trời đã thành quá quen thuộc với tôi. Bên trong phong bì, nửa tờ giấy học trò ghi mấy chữ của ba Thúy:


Kính thầy,
Mai quí hay không không phải do mai mà do người biết trân trọng nó. Gia đình thầy trân trọng cành mai nên tôi biếu thầy và bà cụ, và cũng để như lời nói lên tình tri ngộ.


Kèm theo là thư của Thúy:


Anh,
Đây là món quà ba em và em dành cho anh. Biết anh là người biết thương hoa tiếc ngọc nên em đã giục ba đưa cây mai này làm quà biếu anh. Anh hiểu ý em muốn nói gì với anh qua cây mai này rồi. Em đã thuộc về anh, như cây mai này đang thuộc về anh. Hết xuân mai tàn, nhưng tình em dành cho anh không bao giờ tàn. Ước gì anh cũng dành cho em tình yêu không bao giờ tàn như vậy.


Tôi mỉm cười, giấu bức thư vào túi áo trên ngực. Mẹ tôi yên lặng nhìn tôi:
“Thư gì vậy con?”
“Không gì đâu mẹ. Ông chủ vườn ban đầu từ chối nhưng nghĩ sao đó lại đồng ý bán cho con.”
Mẹ tôi gật đầu:
“Con trả tiền chưa?”
“Dạ, chưa.”
“Mai con ghé trả tiền, nhớ thêm tiền xe chuyên chở cho người ta nghe con.”
“Dạ.”
Tôi dạ nhưng lòng nghĩ thầm:
Tại mẹ không biết đó thôi. Người ta chẳng những không lấy tiền mai, chịu mất cho con gốc mai, mà còn chịu mất cho con một thứ quí hơn gốc mai, một thứ vô giá nữa đó mẹ.
Mẹ tôi ngẫn ngơ nhìn tôi khi thấy tôi mỉm cười một mình với nét mặt rạng lên vì hạnh phúc, chẳng hiểu con mẹ đang nghĩ gì và muốn gì. Tôi bảo mẹ:
“Năm nay gia đình mình hạnh phúc.”
Mẹ tôi cười:
“Ờ, gốc mai đẹp thật, đúng là gia đình mình năm nay sẽ gặp vận hên.”
Grang Rapids, Michigan, Thanksgiving 24 tháng 11, 2016
Trần Hữu Thuần
(Đã đăng trên Thời Báo)

READ MORE - CÀNH MAI NGÀY TẾT -Truyện ngắn của Trần Hữu Thuần