Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, October 21, 2017

NGUYỄN NGỌC HƯNG: SÁNG TẠO ĐỂ TỒN TẠI - Nguyễn Xuân Dương

 Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng vừa gởi tặng chúng tôi tập sách: NGUYỄN NGỌC HƯNG - THƠ NHƯ LÀ DUYÊN PHẬN, tác giả Nguyễn Xuân Dương (tuyển chọn và bình luận).
Chúng tôi mạn phép tác giả Nguyên Xuân Dương và nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng cho chúng tôi được đăng bài đầu tiên của tập sách để giới thiệu đến bạn đọc VNQT.





NGUYỄN NGỌC HƯNG: 
SÁNG TẠO ĐỂ TỒN TẠI

Nguyễn Xuân Dương

Với một người bị bệnh teo cơ hiểm nghèo như Nguyễn Ngọc Hưng, để tồn tại – dù chỉ là sự tồn tại sinh học thôi cũng đã trăm vạn khó khăn. Nhưng Nguyễn Ngọc Hưng không chỉ tồn tại mà còn sáng tạo. Sáng tạo để khẳng định sự tồn tại của mình trong cõi người. Trong “Chuyện cổ tích ở Nghĩa Hành”, nhà báo Đặng Vương Hưng có một câu tôi cho là bất hủ: “Nguyễn Ngọc Hưng đã biết vịn vào thơ mà đứng dậy”. Tác giả muốn nói về khát vọng thi ca của Nguyễn Ngọc Hưng và có lẽ còn cho cả những người khác có số phận khắc nghiệt như Đỗ Trọng Khơi, Trần Văn Thước…

Lý giải như thế nào về thế giới văn học và con đường sáng tạo của Nguyễn Ngọc Hưng, điều này không đơn giản. Nó tích hợp rất nhiều yếu tố. Trong đó có yếu tố tâm linh, yếu tố ngoại cảm – có thể Nguyễn Ngọc Hưng đã nhận được một trường năng lượng nào đó của thế giới siêu thực trong vũ trụ bao la. Yếu tố thiên phú – Nguyễn Ngọc Hưng làm thơ khi đang ở tuổi vị thành niên. Có lúc, vì thơ mà Nguyễn Ngọc Hưng đã phạm trọng tội bất hiếu như anh đã tự thú:

“Câu con diếc cho mẫu từ giải nhiệt
Cũng dùng dằng thả xuống để nuôi thơ”

Yếu tố về khả năng lưu giữ ký ức, về trí tưởng tượng đã đạt đến độ vô biên của vũ trụ. Nhưng có lẽ yếu tố về quê hương, đất nước đã bao trùm lên toàn bộ thế giới văn học của Nguyễn Ngọc Hưng. Khi nhắn gửi những lời thiết tha với người bạn đang lưu lạc, mưu sinh ở xứ người, Nguyễn Ngọc Hưng đã viết:

“Xơ xác cỡ nào quê hương cũng là chiếc nôi thơm thảo
Đủ nồng nàn cho vạn dấu môi hôn”

Chiếc nôi thơm thảo ấy đã nuôi Nguyễn Ngọc Hưng khôn lớn thành người. Khi số phận khắc nghiệt đã giáng xuống cuộc đời anh, cướp đi của anh ước mơ và hoài bão được đứng lên bục giảng, truyền lại tri thức, bồi đắp tâm hồn cho trẻ thơ thì chiếc nôi thơm thảo ấy đã dang rộng vòng tay đón anh về, đùm bọc chở che cho anh, và người mẹ của anh đã là biểu tượng lớn lao của tình mẫu tử. Gia đình vợ chồng anh chị Xuân Anh – Thu Hà, những người bạn cùng học cấp II và hai đứa con gái ngoan hiền của họ – Hạ và Phượng – đã nuôi nấng, chăm sóc anh. Trong thời bao cấp khốn khó, họ đã dành cho anh từng chén cơm, thìa cháo, những cốc nước mát lành, tắm rửa, giặt giũ cho anh để anh có thể tồn tại. Đây có lẽ được coi là yếu tố chủ đạo ảnh hưởng đến sáng tạo văn học của Nguyễn Ngọc Hưng. Anh phải tồn tại để đáp đền công lao trời bể của mẹ, của những người bạn mà lòng nhân ái của họ đã được nhà báo Đặng Vương Hưng xếp vào loại “Chỉ có thể xảy ra trong những truyện cổ tích”.

Tất cả những yếu tố, tinh lực ấy đã dồn tụ, kết tinh lại để Nguyễn Ngọc Hưng đốt lên thành ngọn lửa thi ca, sang tạo cho mình một thế giới văn học mà không phải ở những con người vẹn nguyên, đủ đầy nào cũng có thể có được.

Trong tập Những Khúc Ca Trên Cỏ, Nguyễn Ngọc Hưng đã viết:


“Liềm lia sớm hái phạt chiều
Đứt đầu lại mọc chẳng kêu chút nào
Nhận mình thấp để người cao
Ngàn năm lặng lẽ dâng trào sóng xanh”

Đó là khát vọng hóa thân. Hóa thân để dâng hiến cho cuộc đời, cho quê hương xứ sở.

Hành trình thơ của Nguyễn Ngọc Hưng là cuộc hành trình thoát ra khỏi cái tôi nhỏ bé của mình để vươn ra cái tôi lớn lao của nhân loại. Ở tập thơ Bài Ca Con Dế Lửa, có những câu thơ đã nói lên đủ đầy chân lý sống của Nguyễn Ngọc Hưng, về khả năng nhận thức thế giới khách quan, nhận biết sự hưng vong của nhân loại:

“Tự xây ngục tự mở đường giải thoát
Nhân loại loay hoay trong vòng xoáy chính mình.
Bởi tri kiến sai lầm cái tôi trùm vũ trụ.
U minh này u minh nữa u minh”


“Cuộc tìm tôi xa đến mức hão huyền”

Những câu thơ đậm chất triết học, có tầm cỡ của những học giả, những triết gia.

Hành trình của thơ Nguyễn Ngọc Hưng cũng là hành trình đi tìm cái thiện, đến với cái thiện, truyền bá cái thiện. Nói khác đi, thiện và hướng thiện là bản năng sinh tồn của thơ Nguyễn Ngọc Hưng.

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng có sức nặng tâm trạng, sức nặng ám ảnh. Những sức nặng có thể lay thức để cảm hóa và thắp lên trong trái tim người ngọn lửa của lòng nhân ái. Những ký ức về quê hương, về mẹ luôn dội về mãnh liệt trong tâm tưởng rồi được tái hiện thành thơ – Có những bài thơ đẫm đầy nước mắt. Thơ Nguyễn Ngọc Hưng viết rất nhiều về mẹ, về quê hương nhưng không bao giờ lặp từ, lặp ý. Anh khai thác đến tận cùng những kỷ niệm, gom nhặt chắt chiu từng cái nhỏ nhặt nhất để nuôi cho thơ mình rộng dài, sâu thẳm.

Đọc tác phẩm thơ của Nguyễn Ngọc Hưng, tôi tự thấy mình như con chim tìm hạt trên cánh đồng thơ mà Nguyễn Ngọc Hưng đã gieo trồng. Tôi cố gắng tìm những hạt mầm ấy, để gieo vào lòng tôi, để bồi đắp cho tôi một cái nhìn âu yếm hơn, kính trọng hơn với cuộc đời, nuôi dưỡng trong tôi sự thảo thơm và lòng nhân ái mà Nguyễn Ngọc Hưng muốn gửi gắm qua thơ mình.

Khi đọc bài thơ “Gọi Hồn”, tôi thực sự trân trọng, cảm mến và khâm phục những con người đã lâm vào hoàn cảnh:

“Với cõi này con đã trắng tay.
Trắng tay – khổ.
Trắng tay – buồn”

Họ vẫn tự khẳng định:

“Nhưng trắng tay chưa hẳn là lửa tắt”

Ngọn lửa ấy đã cháy, đang cháy và sẽ còn cháy mãi trong trái tim Nguyễn Ngọc Hưng. Đó chính là nghị lực, là khát vọng tồn tại, là tâm thế thơ của Nguyễn Ngọc Hưng.

Nguyễn Xuân Dương

Nguồn: https://thica.vn/nguyenxuanduong/phe-binh-tieu-luan/nguyen-ngoc-hung-sang-tao-de-ton-tai/

No comments: