Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, September 21, 2017

NHỚ TỚI BÁC MỘNG TUYẾT - Hồi ký của Lâm Bích Thủy



        Nhà thơ Mộng Tuyết thời trung niên


NHỚ TỚI BÁC MỘNG TUYẾT

Thỉnh thoảng tôi có thoáng nghe đến tên Mộng Tuyết - Đông Hồ nhưng không nhớ ở đâu và hai cái tên ấy cũng không để lại cho tôi một chút gì vương vấn. Thế rồi do đọc lá thư 18/12/1979 của bác Tuyết gửi cho ba, tôi mới thấy tình của những người văn xưa thật đặc biệt. Xa nhau mấy chục năm, gặp lại, dù chỉ qua trang giấy, tình người vẫn chan chứa nồng nàn thể hiện trách nhiệm với nhau. Thư bác viết:

   Anh Yến Lan thân!
   Nhận được thư dài đọc thật vui. Biết được gia đình nhà thơ êm ấm, con cái nên người thật là quí. Nhưng mong có dịp nào anh chị cùng vào Sài Gòn thì mới thật sự vui hơn. Tuổi trời đã quá bảy mươi, ngoảnh lại tự bằng lòng hoàn cảnh thì cũng đáng mừng. Nhớ ngày xưa Yến Lan và Lê Tràng Kiều vào Hà Tiên …tôi kể với cháu Thủy thì cháu cười vì có biết đó là thời nào đâu! Việc anh, Bính và Vũ Trọng Can ở Huế, tôi tưởng anh Yến Lan nên viết hồi ký, nếu không viết nhiều thì cũng nên viết một đoạn tự sự lúc cùng ở chung, cùng tính việc viết “Bóng giai nhân” để có dịp mà đính chánh, chỉ kể chuyện một cách tự nhiên về quá trình diễn biến khi nghĩ ra vở kịch thì cũng thú vị. Báo Sông Hương ở Huế chắc cũng thích đăng những việc cũ của Huế và cũng nhắc luôn việc Bính làm những bài Xóm Ngự Viên..
  
Khi về Hà Nội lúc diễn kịch “Bóng giai nhân” Bính có gửi cho tôi một thiệp mời danh dự, rất đẹp hiện còn giữ được nét vẽ đan thanh của Nguyễn Đức Vượng bóng người giai nhân bên cầu lơ thơ liễu rũ thật duyên dáng. Tôi chụp sao lại gửi Yến Lan coi chơi.

  Bài thơ “Nụ cười son” thật cảm động. Thương cháu Hạnh bạc phước một phần vì chị Kiều mẹ nó không thương nó bằng những đứa em. Có cái gì ngang trái giữa mẹ và con! cho nên nó tủi thân. Anh chị Kiều có tất cả sáu con, Hạnh , thằng Tùng, con Dung, thằng Đại, con Diễm, Út, Hạnh thì bất Hạnh, Đại cũng chết vì chứng hoại huyết, bây giờ còn ba đứa đều ở Mỹ. Anh Kiều chết rồi tụi con rải rác mới đi, chị Kiều cũng đi cách đây vài năm, đã xin.. với con
Chúc anh chị mạnh khỏe và có dịp vào Thành phố

  Bài thơ mà bác Mộng Tuyết nhắc là viết về cô Hạnh, con gái ký giả Lê Tràng Kiều (Theo tin báo Sài Gòn: Cô Hạnh 17 tuổi , con của ký giả Lê Tràng Kiều vì không giật được mảnh bằng tú tài đã đến nhà một bạn gái thở than, khóc lóc, lo sợ cho tương lai, rồi nhảy từ tầng gác thứ bảy xuống đường) :

Nụ cười son
Hạnh ơi, thế là thôi,
Muốn gặp, không gặp rồi!
Mười tám năm về trước
Cháu còn nằm trong nôi,
Mẹ mừng chú bát nước,
Bố chào tràng thở dài
Bế cháu thơm vài lượt,
Cháu đãi chú nụ cười.

Chú đi mang cả màu môi đỏ,

Mong gặp sau này mãi thắm tươi,
Hôm nay giữa Hà Nội
Đọc tin báo Sài-Gòn:
Có bao người mẹ đói,
Có bao người mẹ buồn!
Nhưng không ngờ đến nỗi
Hạnh ơi, nụ cười son
Chú còn mong gặp lại
Đã rụng xuống vệ đường
Từ gác lầu thứ bảy.
Cả nụ cười chiu chắt giữa đau thương
Cũng tan tác trong đời sống Mỹ. 

Sau giải phóng, việc đi lại rất khó khăn. Ba tôi muốn vào Sài Gòn để thăm bạn bè cũ mãi mà chưa được . Tình cờ đọc Báo Sài Gòn Giải Phóng có bài viết là nhà thơ Yến Lan mong được một chuyến đi Sàì Gòn thăm bè bạn… Tôi biết khi lên báo không có nghĩa là ông trách chúng tôi không tạo điều kiện cho ông…  Nhưng thấy vậy vợ chồng tôi đành mua vé tàu hỏa để ông đi. Khi đó, vợ chồng tôi và một số cán bộ mới vào, cơ quan mướn khách sạn Hoàn Vũ (Mondian) đường Phạm Ngũ Lão cho ở tạm. Thấy có khó khăn cho con nên ba tôi yêu cầu - “Mấy chục năm rồi ba không gặp lại bạn bè, không biết ai còn ai mất, các con cố giúp ba tìm lại theo địa chỉ này”. Ông vừa nói vừa rút ở túi ngực ra tờ giấy đã nhàu đưa tôi xem. Tờ giấy ghi khoảng 15 địa chỉ và tên người. Xem xong tôi ngán ngẫm nói: Sao nhiều vậy ba, chắc mất cả tháng mới tìm ra các ông, bà bạn của ba! 
   Nói vậy thôi chứ việc này là việc cần làm mà. Tất nhiên sau đó ông xã tôi làm xe dân biểu để nhà thơ biểu đi đâu thì đi. Mỗi đia chỉ chúng tôi phải tìm là một câu chuyện vui. Nhưng tôi chỉ nói đến hai địa chỉ cuối cùng trong danh sách cần tìm của ba tôi thôi. 
   Hôm ấy là ngày chủ nhật, trời nắng nóng, không khí như loãng ra; những tưởng sau khi tìm gần mười địa chỉ, có bạn cũ, có bạn mới, có người còn sống, có người đã vượt biên v.v…thì ông già tha cho ông xã  nghĩ xã hơi dưỡng sức. Nhưng không, ông nhìn trời nói: Nắng Sài Gòn gay gắt nhỉ; hôm nay con giúp ba tìm thăm bác Mộng Tuyết. 
   Thế là ông xã  tôichở ông và có tôi theo tháp tùng đi tìm nhà bác Mộng Tuyết. Khó khăn lắm mới tìm ra được nhà bác. Bác Tuyết ở phố Nguyễn Trọng Tuyển. Đứng trước nhà, thoạt nhìn qua hàng rào; tôi thấy có hai người đàn bà đã ở tuổi xưa nay hiếm; một béo bệu, xanh mướt, yếu ớt, lưng hơi còng là bác Mộng Tuyết; một gầy nhom giống tôi là cô em, tên Lan. Hai cụ già sức như đã cạn kiệt, đập muỗi chưa chắc chết mà ở cả khu nhà rộng, nhiều cây ăn trái, như xoài, mít, mãng cầu v.v… thật đáng sợ!  Chả là vì lúc mới giải phóng, nhiều người nói với tôi: “Người Miền Nam dữ lắm, lôi thôi mất gáo (đầu) như chơi.” Tôi sợ bị mất gáo, ông xã năn nỉ mãi, tôi mới chịu theo anh vào Sài Gòn làm việc đấy chứ. 

  Ai đã từng gặp lại người thân đi xa lâu ngày mới cảm nhận được sự trùng phùng của ba tôi và bác Mộng Tuyết. Cô Lan ra mở cổng. Ba tôi bước vào và nói “chào chị Mộng Tuyết”. Còn bác thì nheo nheo đôi mắt đã sụp mí, hồi lâu mới “À! Yến Lan, đấy phải không?”.
    Cô Lan đưa ba tôi vào phòng khách. Ba tôi và bác Mộng Tuyết cười nói, hỏi chuyện về nhau rất sôi nổi. Giá trị tình thơ lần lượt tuôn trào. Khi hai người xưa nói chuyện thì tôi đi dạo vườn cây nhà bác nhưng vẫn để ý nghe xem hai người thơ nói gì. Tôi nghe bác Tuyết hỏi ba tôi về các nhà thơ: Tô Hoài, Xuân Diệu, Khương Hữu Dụng, Tế Hanh, Anh Thơ, Chế Lan Viên v.v... Mấy chục năm ấy, ở Miền Bắc đã sống và sáng tác ra sao? Còn ba tôi thì quan tâm đến cuộc sống của vợ chồng bác (Đông Hồ - Mộng Tuyết) và vợ chồng nhà thơ Lê Tràng Kiều v.v… 
   Sau buổi gặp nhau đó ba có bài: 

NHỚ ĐÔNG HỒ 
Qua cầu Rạch Giá khuất tầm trông
Đành gửi sau xe mấy đoạn lòng
Từ bấy quê hương liền xứ bạn
Mỗi câu non nước gợn Hồ Đông

                                                                  Lâm Bích Thủy

No comments: