Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, June 26, 2017

THĂM NGƯỜI Ê ĐÊ Ở BUÔN AKÕ DHÔNG - Bút ký của Chế Cẩm Đình




THĂM NGƯỜI Ê ĐÊ Ở BUÔN AKÕ DHÔNG

Chế Cẩm Đình


Ban Mê cuối giờ chiều ngày thứ ba tôi đến trời chỉ lắc rắc đôi hạt mưa chứ không trút nước như hai buổi chiều trước đó. Nhưng đội quân mây đen vẫn đương lừ lự kéo đến từng đoàn từ hướng tây, sẵn sàng xối ướt thành phố bất cứ lúc nào. Ngần ngừ nhìn trời một lúc, tôi vẫn quyết định vào buôn Akõ Dhông cuối đường Trần Nhật Duật, một buôn người Ê Đê ngay trong phố để tham quan.




Điểm dừng chân đầu tiên là quán cà phê Damrin, vì nghe nói chị chủ quán rất tận tình với du khách muốn đến buôn để tìm hiểu về văn hóa Ê Đê, nhưng quán lại nghỉ sớm vì mùa này vắng khách do thời tiết. Tiếc hùi hụt, nên đành chụp lại mấy bức hình về nhà dài Ê Đê, cầu thang lên nhà, các bức tượng nhà mồ dùng làm trang trí trước quán rồi quay ra. Qua bên kia đường, tính vào Ê Đê Shop, một điểm bán hàng lưu niệm đồ thủ công mỹ nghệ của người đồng bào, cũng đóng cửa mất, hic!


Lội bộ một mình vào sâu trong buôn ngắm những ngôi nhà sàn dài rất đặc trưng của người Ê Đê. Nhìn từ xa trông như những chiếc thuyền đang đi trên biển với vách thưng hóp dưới xòe trên giống hai bên mạn thuyền, phần đầu mái nhà là mũi thuyền theo phương Nam Bắc như những chuyến hải trình ngày xưa tổ tiên họ từ những hòn đảo giữa Thái Bình Dương bao la đến cập bến Trung phần Việt Nam ngày nay.

Đương đắm mình trong dòng suy tưởng đó thì bất chợt tôi nghe thấy một giai điệu nhạc ngoại rất quen từ đâu vọng lại. Bước thêm mấy bước nhìn vào hồi một ngôi nhà sàn thấy có hai người đàn ông đang hòa tấu bằng guitar bài “Hotel Califonia”, một bản nhạc bất hủ của ban Eagles từng thuốc ngất lũ sinh viên chúng tôi một thời hồi những năm chín mấy. Lặng thinh đứng nghe, thì bất chợt người đàn ông trung tuổi ngước lên nhìn ra thấy tôi, rồi người trẻ hơn cũng quay ra nhìn. Ngài ngại, tôi ra dấu cho họ muốn nghe họ đàn, thì họ hồ hởi ngoắt tôi vào ngay như đã quen biết tự bao giờ.

Anh Y Puăn chơi Guitar bass, còn em Y Gim Kbuôr – từng học tại trường VHNT Quân Đội ngoài Hà Nội - chơi Classic, cả hai hòa tấu nhịp nhạc thêm nhiều bản nhạc thật hay và đủ thể loại cho tôi thưởng thức. Họ mời tôi cùng hát, nhưng tôi lắc đầu nói em chẳng có thuộc lời trọn vẹn một bài nào hết cả, chỉ biết giai điệu thôi à. Ngớt nhạc, Y Puăn hỏi tôi có phải là du khách đi du lịch, tôi nói không phải đâu anh, em đi công tác trên này, em hết sức yêu quý văn hóa các dân tộc Việt Nam nên tranh thủ vào đây để tìm hiểu cho biết về đồng bào Ê Đê anh ạ! Ồ ra thế - Y Gim Kbuôr thốt lên – thật là bất ngờ vì trông anh chẳng giống kiểu người yêu văn hóa gì cả, mà chỉ như du khách kiểu đi cho biết buôn này, thật!

Thế là chuyện ào ra như thác chảy giữa những người vẫn còn xa lạ với nhau trước đó chỉ độ nửa canh giờ. Xưa lắm, trong ký ức truyền đời của người Ê Đê, khi bộ tộc của họ đương sống yên ổn trên một hòn đảo trù phú và xinh đẹp thì bỗng đâu có gã thần lửa quái ác ngụ trên một ngọn núi đột phun ra những dòng sông lửa đỏ lòm trào xuống buôn làng và nương rẫy, đốt cháy hết mọi thứ nó băng qua. Hoảng loạn, mọi người trên đảo hò hét nhau nhảy lên bất cứ vật gì có thể nổi được để chống chèo ra biển chạy trốn thần lửa rồi bị các dòng hải lưu cuốn đi khắp nơi. Một nhóm người phá và trèo được vào trong ruột một chiếc trống khổng lồ đã trôi tận đến bờ biển Đông đoạn Phú - Khánh ngày nay. Họ lên bờ lập quê hương mới để sinh sống nhưng nơi này không thuận lợi, hằng năm trời làm lũ cuốn trôi mùa màng nên đã di dời đến nơi cao hơn, chính là địa bàn sinh sống ngày nay của người Ê Đê vắt trên cả hai triền đông tây dãy Trường Sơn.
Cầu thang chính lên nhà sàn người Ê Đê nằm phía bên tay phải tạc thêm cặp vú phụ nữ dưới một mặt trăng, tượng trưng cho ước vọng sinh sôi nãy nở, chỉ dùng đi lại trong các lễ lạt của gia đình. Cầu thang phụ chạm con rùa cỡ bằng hai bàn tay người lớn, tượng trưng cho sự trường tồn, được sử dụng lên xuống hằng ngày. Qua khoảng thềm mươi mét vuông rồi mới vào cửa chính của ngôi nhà dài. Nhà càng dài tức càng có nhiều hộ gia đình cùng sống trong đó, phổ biến từ hai mươi đến năm mươi mét nhưng chưa phải là dài nhất. Nghe nói ngày xưa có nhiều nhà dài hơn thế này, có nhà dài còn hơn cả một tiếng chiêng ngân! Gian đầu dùng để sinh hoạt chung và tiếp khách nên rất rộng rãi. Bên hông phải là một chiếc ghế đòn được đẽo từ một thân cây gỗ lớn, dài đến mười mấy mét, gọi là Kpan, dùng để các nghệ nhân cồng chiêng trong buôn đến ngồi lên để thực hành nghi nhạc khi gia đình có lễ lạt quan trọng. Bên hông trái kê ba chiếc giường có chân cũng được đẽo nguyên khối từ những cây gỗ lớn. Tôi hỏi nó được gọi là gì thì anh vợ của Y Puăn đương ngồi ở đó nói là Jhưng – đọc là chờng! Ôi chao tôi nghe từ “chờng” mà sảng người sung sướng, bởi nó chính là cổ âm của từ “giường” trong tiếng Việt, một từ ngữ vẫn còn được người ở vùng quê Quảng Trị như tôi vẫn hay dùng, cũng như từ "bàn", "bản" hay "phẳng" có khi cũng xuất phát từ từ nguyên Kpan kia!?


Giữa nhà có bếp lửa để chuyện trò, sưởi ấm, nướng đồ ăn, hút tẩu nhưng nay đã bỏ. Khác bếp sau gọi là “ot” để nấu ăn hằng ngày. Lửa trong bếp được giữ thường xuyên giúp cho nhà cửa ấm cúng, chắc gỗ và không cho mối mọt ăn các tấm phên bằng lồ ô thưng vách. Người Ê Đê không bao giờ bỏ nhà hoang vì cho rằng các linh hồn xấu sẽ vào trú ngụ trong đó làm hại mọi người đi ngang qua, nên giờ đa phần đều đã có nhà xây khang trang phía sau nhưng trên nhà sàn luôn bố trí người ở, thường là người già. Con gái út là người được thừa kế phần lớn gia sản và luôn phải ở cùng bố mẹ, như anh Y Puăn lấy vợ thì đến ở rễ trong nhà này. Con cái sanh ra mang họ mẹ - được gọi là họ nội - vì ngày xưa đàn ông chỉ đi săn bắn kiếm thức ăn, việc trong nhà được giao hết cho người phụ nữ lo toan sắp xếp nên họ chịu trách nhiệm lớn hơn trong gia đình. Tuy vậy, tiếng nói của người đàn ông vẫn rất quan trọng và mang tính quyết định những sự việc trọng đại trong gia đình, chứ không phải là người phụ nữ. Ở góc độ xã hội, Già làng luôn là nam giới cũng thể hiện uy lực của người đàn ông trong cộng đồng. Nhà của Già làng - người có công lập ra làng, sau này thì bầu chọn, là nơi hội họp chung cho cả làng, chứ người Ê Đê không có nhà Rôông hay nhà Gươl như các sắc dân Tây Nguyên khác.

Đặc trưng lớn nhất của người Ê Đê là sống trong một cộng đồng, từ nhỏ đến lớn ai cũng phải quen biết nhau, người lạ vào là phải biết. Mỗi khi có sự việc chung thì chủ nhà sẽ đi khắp làng gọi mời từng nhà đến dự. Được mời đám cưới thì không phải góp phần ăn uống, nhưng đám ma thì phải tự đến và phải góp phần ăn, gạo hoặc tiền. Sau đám ma có việc chia của cải tượng trưng của người đã mất cho những người còn sống trong gia đình, thường là một tấm khăn, hay con dao, cây rựa. Người góa phụ được lấy lại chồng mới sau khi làm lễ chia của này, đàn ông cũng vậy. Lúc trước sau ba năm là làm lễ bỏ mả - tức là bỏ mặc mồ mả của người quá cố không chăm sóc nữa, nhưng nay thì đổi lệ nên vẫn sửa sang và thờ cúng hằng năm để nhớ về người đã khuất.

Chuyện vẫn còn dài, nhưng lúc này đã quá muộn nên tôi phải xin phép ra về. Tiễn tôi ra cửa, Y Puăn nói vói, ngày xưa người Ê Đê và người xuôi kết nghĩa anh em đấy! Nhưng một hôm có người đàn ông Ê Đê đóng khố đi chợ xuôi thì bị mấy đứa con nít dưới ấy chạy lại dựt khố rồi cười ré lên kêu là “cái đuôi, cái đuôi”. Từ đó người Ê Đê giận người xuôi lắm nên xa nhau dần. Nhưng nay thì đã khác, chúng ta là anh em một nhà, đều là người Việt Nam cả, nào có phân biệt gì người xuôi với người thượng đâu phải không em! Tôi nắm chặt tay anh gật đầu nói phải, phải đó anh ạ, chúng ta là một nhà, một nhà!

Tạm biệt gia đình người anh em Y Puăn, tạm biệt người nghệ sĩ của núi rừng Tây Nguyên Y Gim Kbuôr. Tạm biệt buôn Akõ Dhông yêu mến, tôi về, nhưng tôi sẽ nhớ mãi những giờ phút được đắm chìm trong lịch sử và văn hóa sâu đậm của các bạn, rồi tôi sẽ lại lên thăm những người anh em mình sớm thôi, sớm thôi!

Đêm 19/5/2017

CHẾ CẨM ĐÌNH

No comments: