Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, May 22, 2017

CHÀO MỪNG NHÀ KHOA HỌC TƯƠNG LAI CỦA QUÊ NHÀ QUẢNG TRỊ - Hoàng Đằng


 Phạm Huy và đề tài “Tay giả” 


CHÀO MỪNG NHÀ KHOA HỌC TƯƠNG LAI CỦA QUÊ NHÀ QUẢNG TRỊ

Sáng 20/5/2017, lão thức dậy; theo thói quen hàng ngày, lão đọc các loại tin đó đây trên mạng, tình cờ biết em Phạm Huy, học sinh lớp 11 trường trung học phổ thông thị xã Quảng Trị, trong hội thi Khoa Học & Kỹ Thuật Quốc Tế - Intel ISEF (International Science & Engineering Fair) - năm 2017 từ 13 đến 19/5, đoạt giải 3 thêm giải phụ ở đề mục thi: “Robotics and Intelligent machines” (Rô-bốt và máy móc thông minh) với đề tài: “Prosthetic arm controlled by legs’ transmitteur for disabled people” (tay giả điều khiển do bộ phận dẫn truyền gắn vào chân dành cho người khuyết tật).
Về đặc trưng của tay giả này, Phạm Huy giải thích với phóng viên Thanh Trúc, đài RFA (Á Châu Tự Do) khi mới đặt chân xuống sân bay quốc tế Los Angeles (LAX), California, Mỹ: “ ... Tay của em có thể sử dụng chân để điều khiển như là một bộ phận hoàn toàn độc lập đối với tay, đồng thời có giá thành chừng 150 Đô, phù hợp với điều kiện kinh tế cho người khuyết tật trên thế giới và Việt Nam nói riêng. Khi người ta cụt mất hai tay và ráp tay của em vô thì có một bộ điều khiển đeo vào chân như một chiếc dép bình thường. Người ta sẽ dùng những đầu ngón chân để điều khiển các ngón tay, có một cảm biến nghiêng gắn dưới lòng bàn chân, khi cảm biến nghiêng này nghiêng sang trái hoặc sang phải thì cánh tay có thể úp ngửa bàn tay. Còn khi nghiêng lên và nghiêng xuống thì sẽ điều khiển co duỗi cánh tay ...”
Lão mừng quýnh – mừng vì người Quảng Trị quê mình có tài năng đẳng cấp quốc tế. Lão tìm hiểu về hội thi, về em học sinh Phạm Huy và nói lên những suy nghĩ của riêng mình.
I- Tìm hiểu Hội Thi Khoa Học & Kỹ Thuật Quốc Tế
Hội thi Khoa Học & Kỹ Thuật Quốc Tế tổ chức hàng năm tại Mỹ do tập đoàn Intel – Integrated Electronics (Tập đoàn ở Mỹ chế tạo các sản phẩm công nghệ thông tin) – tài trợ chính. Hội Thi có từ năm 1952; năm nay được tổ chức từ 13 – 19/5 tại TP. Los Angeles, California.
Mục đích của Hội Thi là kết nối và tạo điều kiện để những nhà khoa học trẻ tuổi được cơ hội thi thố tài năng trong một môi trường quốc tế, tạo điều kiện cho học sinh gởi đề tài nghiên cứu của mình đến các nhà khoa học có trình độ cao để được nhận xét và đánh giá”.
Thí sinh tham dự Hội Thi phải là học sinh đang học từ lớp 9 đến lớp 12 và đã có đề tài (project) được tuyển chọn từ các hội thi Khoa Học & Kỹ Thuật cấp trường, cấp tỉnh, cấp quốc gia. Hàng năm ở Hội Thi Khoa Học & Kỹ Thuật Quốc Tế, có khoảng 1,800 thí sinh đến từ khoảng 80 nước tranh tài ở 22 đề mục thi (category).
Dựa theo đề mục, thí sinh theo cá nhân hay theo nhóm không quá 02 người chọn đề tài nghiên cứu, thực hành để tranh tài.
Mỗi đề mục thi gồm 4 giải thưởng: giải xuất sắc (best of category award): 5,000 USD, giải nhất (first award): 3,000 USD, giải nhì (second award): 1,500 USD, giải 3 (third award): 1,000 USD, giải tư (fourth award): 500 USD.
Ngoài ra, còn nhiều giải đặc biệt; năm nay, giải đặc biệt Gordon E. Moore  - tên nhà Vật Lý – Hoá Học sáng lập tập đoàn Intel (Gordon E. Moore Award) - trị giá 75,000 USD, về tay Ivo Zell, học sinh Đức, tranh tài ở đề mục thi “Cơ khí tạo tác” (Engineering Mechanics), giải đặc biệt Nhà Khoa Học Trẻ Tập Đoàn Intel (Intel Foundation Young Scientist Award) trị giá 50,000 USD, về tay 2 học sinh: (1) Amber Yang, học sinh Mỹ, tranh tài ở đề mục thi “Vật Lý và Thiên Văn” (Physics and Astronomy) và (2) Valerio Pagliarino, học sinh Ý, tranh tài ở đề mục thi “Những Hệ Thống Nhúng” (Embedded Systems). Ba học sinh này đều đạt giải xuất sắc ở đề mục thi của họ; Ivo Zell được trao thêm giải Gordon E. Moore vì được đánh giá giỏi nhất trong hội thi; Amber Yang và Valerio được trao thêm giải Nhà Khoa Học Trẻ Tập Đoàn Intel vì được đánh giá giỏi thứ 2 (runner-up) trong Hội Thi.

II- Phạm Huy đến với
Hội Thi Khoa Học & Kỹ Thuật Quốc Tế
Phạm Huy là một học sinh lớp 11 của trường trung học phổ thông thị xã Quảng Trị; em quê làng Bích La Hậu, xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong, là con út trong một gia đình mà bố làm nghề sửa xe máy ở làng, mẹ buôn bán ở chợ thị xã Quảng Trị. Em là học sinh giỏi suốt 11 năm học, có năng khiếu và đam mê chế tạo máy móc, dụng cụ; thầy giáo dạy Vật Lý ở trường, Lê Công Long, phát hiện em có năng khiếu về công nghệ thông tin, đồ hoạ, mạch điện ..., nên khuyến khích và hỗ trợ; em từng chế tạo cánh tay rô-bốt công nghiệp, bàn tay rô-bốt mô phỏng tay người, xe điều khiển bằng sóng bluetooth ... Không phải sản phẩm nào của em cũng được ghi nhận; cái quý ở em là không nản chí khi không thành công.
Lúc mới học đến lớp 8 nhân xem TV trình chiếu tay giả bên Mỹ cử động được và thấy trong những cộng đồng ở Việt Nam người khuyết tật nhiều, em nảy ra ý tưởng sản xuất tay giả để người khuyết tật nghèo quê mình có thể tiếp cận được. Em bắt tay vào việc từ năm học lớp 10; khi cánh tay giả hoàn thành, thầy giáo và em mang sản phẩm đi thử nghiệm tại Hội Người Mù xã Hải Thọ, huyện Hải Lăng và nhận được nhiều khen ngợi. Em tiếp tục cải tiến sản phẩm, trình bày ý tưởng với nhà trường, dự các cuộc thi sáng tạo khoa học - kỹ thuật cấp tỉnh, cấp quốc gia. Điều kỳ diệu đã đến! Em đoạt giải quán quân ở Hội thi khoa học - kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2016 - 2017 khu vực phía Bắc do Bộ Giáo Dục & Đào Tạo và UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức từ 06/3 đến 09/3/2017. Thế nên, em và sản phẩm được được Bộ Giáo dục & Đào tạo cho tham gia đoàn Việt Nam sang Mỹ tham gia Hội Thi Khoa Học - Kỹ Thuật Quốc Tế 2017.
Đoàn Việt Nam năm nay do Vụ Phó Vụ Giáo Dục Trung Học Nguyễn Xuân Thành hướng dẫn dự thi 06 đề tài tập thể (mỗi đề tài 02 học sinh) và 02 đề tài cá nhân, thành ra có tất cả 14 học sinh và 08 đề tài, trong đó kết quả Hội Thi công bố có 10 học sinh và 06 đề tài đoạt giải:
* 01 giải 3
Đề tài thi “Prosthetic arm controlled by legs’ transmitteur for disabled people” (tay giả điều khiển do bộ phận dẫn truyền gắn vào chân dành cho người khuyết tật) thuộc đề mục thi “Rô-bốt và máy thông minh” (Robotics and intelligent machines) của Phạm Huy, trường trung học phổ thông thị xã Quảng Trị. Ngoài ra, đề tài này còn được Quỹ IEEE – Institute of Electrical and Electronics Engineers (Hội Kỹ Sư Điện và Điện Tử) – trao thêm 01 giải đặc biệt.
* 04 đề tài được giải 4
1- Đề tài thi chung thuộc đề mục thi: “Hoá học” (Chemistry) của Vũ thị Nam Anh và Trần Đan Khuê, trường trung học phổ thông chuyên, đại học khoa học tự nhiên Hà Nội;
2- Đề tài thi chung thuộc đề mục thi: “Hoá học” (Chemistry) của Đỗ Phương Mai và Bùi Đỗ Minh Quân, trường trung học phổ thông chuyên Trần Phú, Hải Phòng;
(3) Đề tài thi chung thuộc đề mục thi: “Hệ thống nhúng” (Embedded systems) của Phạm Thiên Tân và Chu Hoàng Minh Đức, trường trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong, TP. Hồ Chí Minh
(4) Đề tài thi thuộc đề mục thi: “Phần mềm hệ thống” (Systems software) của Trần thị Anh Thư, trường trung học phổ thông chuyên Bảo Lộc, Lâm Đồng; đề tài này còn được thêm giải thưởng của hãng GoDaddy – hãng chuyên bán tên miền & lưu trữ web - và giải thưởng của hãng Oracle – hãng phần mềm, một hệ quản trị cơ sở dữ liệu phổ biến trên thế giới.
* 01 giải khuyến khích
Đề tài: "Mind Hand”: “Một giải pháp toàn diện hỗ trợ truyền thông hai chiều cho người khiếm thính của Trần Thị Trang Ngân và Nguyễn Hiền Thảo Chi, trường trung học phổ thông chuyên Trần Phú, Hải Phòng, do Hiệp Hội Vì Sự Tiến Bộ Của Trí Tuệ Nhân Tạo tặng.”
Việt Nam tham dự Hội Thi Khoa Học & Kỹ Thuật Quốc Tế từ năm 2012 và đáng mừng là năm nào cũng đoạt giải: Năm 2012 đoạt giải nhất, năm 2013 đoạt 2 giải tư, năm 2014 đoạt 2 giải tư và 1 giải đặc biệt, năm 2015 đoạt 1 giải tư và 1 giải đặc biệt, năm 2016 đoạt 4 giải ba và năm nay (2017), đoạt 01 giải 3, 04 giải 4, 01 giải khuyến khích, 03 giải đặc biệt.
Theo sự suy nghĩ của lão, mầm non khoa học & kỹ thuật của Việt Nam, so với thế giới, cũng thuộc loại khá. Các em trúng giải, kể cả các em không trúng giải, đều là những nhân tài tương lai của đất nước.
Năng khiếu và đam mê là hai trong nhiều tác nhân của thành công, các em đã có; bây giờ, nhà nước phải có trách nhiệm tạo điều kiện để các em phát huy óc sáng tạo, làm ra nhiều sản phẩm giúp ích cho nhân loại.
Sáng 20/5/2017, lão đưa lên facebook tin mừng về thành tích của Phạm Huy, facebooker Loan Nguyen viết ý kiến: “Rồi xin học bổng du học Mỹ và trở thành dân Mỹ thôi! Việt Nam có nhờ gì đâu!” Bạn Loan Nguyen lo cũng phải, bao nhiêu nhân tài Việt Nam phải ra nước ngoài mới phát triển, thăng hoa được.
Hạt giống chúng ta có rất tốt, nhưng đất chúng ta khô hạn, cằn cỗi. Mần răng hè?
                                            Hoàng Đằng
                                        22/5/2017 (27/4/Đinh Dậu)

No comments: