Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, April 4, 2017

VUI BUỒN ĐỜI THỢ ẢNH - Trạch An Trần Hữu Hội


          
                      Một thợ chụp ảnh dạo. Ảnh Khải Trần



                  VUI BUỒN ĐỜI THỢ ẢNH  
                                         Trạch An - Trần Hữu Hội
   
Tôi đã mang cái máy ảnh 26 năm làm nghề chụp hình để nuôi bản thân và gia đình. 26 năm, gần nửa đời tôi đã đi qua. Vui có, buồn cũng không ít với những gì mà nghề chụp hình mang lại.
Người ta thường gọi nghề này là nghề Nhiếp ảnh, riêng tôi, tôicho rằng hai chữ “Nhiếp ảnh” lớn lao quá, nó chỉ dành cho những “Nhiếp ảnh gia”, chuyên chụp những tấm hình nghệ thuật. Còn tôi, từ khi vào nghề, đã xác định là chụp hình kiếm cơm, kiếm cái ăn để sống nên từ ấy cao đẹp quá tôi không dám gán cho mình. Quả thật thế, 26 năm cầm máy ảnh, tôi chưa ghi được một tấm hình nào có đủ yếu tố để gọi là nghệ thuật, nên tôi luôn cho mình chỉ là anh “thợ chụp hình”. Nhờ nghề này, tôi tiếp xúc với nhiều khách hàng, với những hoàn cảnh buồn vui. Của mình và của người…
Nay tôi đã vào tuổi 63, xem như gần cuối đời, nên chăng ghi lại những câu chuyện này như những dòng… tâm sự?!

1.Vào nghề:
Khoảng cuối năm 1982, tôi rời nơi cư trú là Quảng Sơn, Ninh sơn, Ninh Thuận, vào Sài gòn kiếm sống bởi nơi đây không cho tôi được ngày hai bữa ăn như mong ước đơn giản nhất của tôi và cũng của nhiều người.
Người dân nơi đây lần hồi bỏ xứ vào Đồng Nai, xin vào công nhân Nông Trường Cao su, lên Buôn Mê Thuột làm thuê, làm nông, hoặc vào miền Tây làm ruộng… Họ đi bất cứ nơi nào, dù vất vả nhưng kiếm được cái ăn. Còn nơi đây, làm nông thì không được bởi nắng mưa thất thường. Đi buôn chuyến thì cũng có người sống được qua ngày nhưng không kiếm đâu ra vốn! May mắn lắm cho ai có bà con, thân nhân có hộ khẩu Sài Gòn thì bám lấy nơi đây, chạy xe thồ, xích lô, buôn bán chợ trời, làm nghề linh tinh kiếm sống!
Tôi chẳng có ai bà con thân thích, chỉ có một đứa cháu gọi tôi bằng cậu. con bà chị đầu của tôi, đang học năm thứ ba trường đại học Y khoa và một vài người bạn thân cũng rời bỏ vùng dất khô cằn Quảng Sơn trước tôi, vào mưu sinh nơi thành phố khó khăn nhưng cũng có nhiều cơ hội, dù chỉ là cơ hội đễ tồn tại!
Bạn bè gặp lại nhau, sau cái bắt tay mừng là lo âu. Trước mắt, ai cũng lo lắng kiếm cho tôi một công việc để sống. Nhiều công việc, nhiều phương án được đưa ra nhưng rồi xét đi xét lại không chọn được việc nào. Đi bỏ trà và thuốc lá lậu, là công việc mà các anh em vào Sài Gòn trước tôi thường chấp nhận làm để qua ngày trước khi tìm một công việc khác ổn định hơn, thì tôi không có vốn gối đầu, lại không rành đường Sài Gòn, không có các quán quen làm nơi tiêu thụ đều đặn (mối). Đạp xích lô cũng gặp phải trở ngại này, từ nhỏ đến lớn tôi sinh ra, lớn lên nơi Quảng trị, rồi vào Ninh Thuận, chọn nơi đây làm quê hương thứ hai sau khi Quảng Trị tan hoang vì bom đạn từ mùa hè dỏ lửa 1972, thỉnh thoảng vào Sài gòn. Còn ngơ ngác như chú nhà quê trước cái bề thế của thành phố này. 
Sài Gòn ngày tôi vào lại chỉ nhiều đường sá, rộng lớn có sẵn trước đây thôi, cái sầm uất ngày nào chỉ còn trong kí ức của người Sài gòn. Những đổi thay 7 năm, sau 1975 là một sự vắng vẽ, im lìm chứ không đông đúc, náo nhiệt, xô bồ… như hôm nay.
Bạn bè thân tình thương thì thương nhau lắm, nhưng sẻ chia cơm áo trong những năm này thật không dễ chịu chút nào! Ai cũng có một hoàn cảnh khó khăn riêng nên không thể cưu mang thêm tôi. Vả lại, tôi cũng không muốn mình trở thành gánh nặng cho riêng ai.
Cái ăn đã khó, cái ở còn khó hơn. Một vài người bạn vì tình cảm mà liều lĩnh muốn đưa tôi về ngủ trong nhà mình, nhưng vì biết là sẽ rất phiền toái cho bạn nếu bị xét hộ khẩu đột xuất hằng đêm… nên tôi từ chối, chấp nhận hằng đêm ra ga Bình Triệu hoặc Hòa Hưng, gần đâu thì về đó, thuê chiếu ngủ rồi sáng mai lại… lang thang gặp gỡ bạn bè tìm kiếm việc làm.
Vận may tình cờ đến với tôi, cùng lúc giải quyết luôn cả hai khó khăn: ăn và ở!
Một hôm, đang ngồi ăn cơm trong một quán bình dân ở đường Nguyễn Duy Dương, quận 5. Tôi gặp một người đạp xích lô, tên Tấn. Anh ta lớn hơn tôi chừng sáu tuổi, chuyện trò qua lại, anh cho tôi biết là trước đây, anh từ Quảng Ngãi vào, cũng lang thang như tôi, sau đó anh xin được vào làm công, đóng bao bì (két gỗ đựng bia hay nước ngọt chai) cho một xưởng mộc của Trường Lê Quý Đôn. Không hợp đồng giấy tờ hộ khẩu gì, chỉ cần đưa cho tổ trưởng CMTND. Cứ sáng đến chiều, tổ trưởng đếm được bao nhiêu thì tính tiền bấy nhiêu, một tuần lãnh tiền một lần vào chiều thứ bảy, chúa nhật nghỉ. Anh sẽ hỏi lại rồi báo cho tôi biết vào ngày sau. 
Ngày sau, cháu tôi chở tôi đến quán cơm, hồi hộp chờ anh Tấn. Anh đến ăn muộn vì vừa đạp một cuốc xe qua quận Bình Thạnh.
Anh vừa lau mồ hôi vừa bào tin mừng cho tôi, không những đã xin được cho tôi việc làm mà còn có thể ngủ lại vào ban đêm cùng với nhóm thợ máy rong xẻ gỗ.
Tôi chộp lấy hai vai anh Tấn lắc mạnh với lòng biết ơn, ngưỡng mộ!
Anh Tấn chở tôi đến xưởng mộc chiều hôm đó, vào làm ngay. Tôi được giao cho một túi đinh 3 phân, chừng 2kg. Một công nhân dẫn tôi đến chỗ để gỗ, cứ ôm về đóng, hết thì  đến lấy tiếp. Công việc dễ đến độ tôi nhìn thoáng qua là làm được ngay. Buổi chiều hôm ấy, tôi đóng được 17 cái thùng. Một cái 0,5 đồng (năm hào), ngày sau và những ngày kế tiếp trung bình đóng được 40 cái. Tính ra một ngày được 20 đồng. Thu nhập khá cao cho cuộc sống của tôi khi ấy! Cơm trưa được ăn tại xưởng, không mất tiền, tối ăn cơm bình dân 2 đồng, sáng tôi uống cà phê với gói thuốc Mai hết 2 đồng. Một ngày trước mắt tôi thừa được 16 đồng. Tôi tính nhẩm, trước tiên, sẽ cố gắng để dành cho đến khi mua được chiếc xe đạp. 
Niềm vui ngập lòng, tôi mong đến chúa nhật để khoe cho bạn bè yên tâm, đồng thời giới thiệu anh Tấn, ân nhân của tôi với họ. Tôi nghĩ đến chuyện sẽ cùng anh em uống mừng công việc và cũng bù cho những tình cảm mấy hôm nay của bạn bè. Địa điểm là các quán phở ở đường Kỳ Đồng, gần nhà thờ Chúa Cứu Thế, ga Hòa Hưng. Nơi đây phở rẽ nhất, một tô một đồng (rẽ là bởi có thể xin thêm dĩa giá trụng vun mà không thêm tiền). Về đây tìm là gặp bạn bè tôi.
Một tháng sau, tôi để dành được trước sau 50 đồng. Một người bạn đem tôi lên đường Lê Lai, nơi đây là chợ xe đạp. Mới có, cũ có, vào hầm chứa xe thì có thể chọn theo ý mình. Tôi cùng bạn chọn một chiếc, cũ nhưng khá tốt: Xich, líp, niền và sườn đều của Nhật.
Tôi hỏi bạn xe đâu mà ở đây nhiều thế?
- Xe chôm từ các nơi gom về đây. Cứ yên tâm vì chiếc này ráp từ ba chiếc lại, không ai nhận ra đâu!
Tốt nhưng rẽ, chiếc xe chỉ 36 đồng, vẫn còn thừa 14 đồng! Tôi có thể trả chiếc xe mượn từ hôm vào đến hôm nay lại cho cháu tôi đi học. Nó ở KTX  đường Ngô Gia Tự qua trường cũng gần nên mấy hôm nay nó đi bộ
                                          oOo
Xưởng mộc của trường Lê Quý Đôn là nơi hợp đồng của một HTX nào đò. Lấy nguồn gỗ từ Đồng Nai, dạo này vào mùa mưa, thỉnh thoảng bị dán đoạn vài ngày vì không có gỗ. Họ cũng đang có ý định chuyển hướng sang sản xuất đồ mộc cao cấp, nếu vậy thì cần ít công nhân hơn và tay nghề cao. Những ngày nghỉ, tôi đạp xe loanh quanh tìm bạn bè ngồi chuyện trò. May mà tôi đã mua được chiếc xe để đi lại, công việc không còn đều đặn nên thời gian này cũng không dành dụm được gì!
Một hôm tôi đang ngồi đóng thùng, bảo vệ báo có người tìm, tôi ra cổng thì gặp Lượng. Lượng là em ruột Quảng, một người bạn thân của tôi, từ hôm vào đến nay tôi chưa gặp. Chuyên trò chút xíu rồi Lượng hẹn chờ tôi đi ăn cơm tối. 
Quảng đã vượt biên bốn năm nay. Lượng cho tôi biết là Quảng đang định cư ở Canada.
Lượng hỏi han tình hình công việc, nơi ăn ở của tôi hiện nay. Nghe xong. Lượng đề nghị:
- Lâu nay trong gia đình của em vẫn xem anh như anh Quảng, nay ba mẹ mất rồi, anh Quảng cũng đã ở xa, trong nhà không còn ai, anh đã vào đây thì về ở với tụi em cho vui.
Từ ngày vào Sài gòn, những đề nghị của bạn bè như thế này cũng có, nhưng tôi từ chối vì biết là sẽ khó khăn nhiều cho bạn. bây giờ Lượng đưa ra đề nghị này làm tôi băn khoăn.
- Hình như em đã lập gia đình rồi phải không?
- Dạ, vợ em hiền và dễ chịu chứ không khó khăn gì đâu!
- Từ Bình Thạnh mà lên Lê Quý Đôn, Quận l, đi làm thì xa quá Lượng ha?!
- Em nghĩ anh thôi làm chỗ đó đi.
Tôi nhìn Lượng dò hỏi:
- Hiện nay bên quận Bình Thạnh, có mở Câu Lạc Bộ dạy nhiếp ảnh, anh qua ở với em rồi đăng ký học chụp hình đi, em thấy anh làm nghề này cũng hay, đỡ vất vã.
Tôi nói với Lượng:
- Mai anh em mình đi gặp anh Trung, hỏi xem ý anh ấy thế nào.
Anh Trung cũng là người ra đi từ nơi tôi ở, vào Sài gòn trước chúng tôi. Trước năm 75, anh ấy làm hiệu trưởng đồng thời dạy Pháp Văn cho một trường tư thục Thiên Chúa Giáo ở Nha Trang. Sau 75 đi cải tạo hai năm, về không được đi dạy nữa, anh đem vợ và hai đứa con vào Sài Gòn. Hiện anh làm bảo vệ không lương cho một võ đường Teakwondo, có nhiệm vụ trông coi, quét dọn sàn tập hằng đêm sau khi võ sinh tập xong. Chúng tôi thường đùa vui:
-Tầm cỡ bảo vệ võ đường Teakwondo thì in ít cũng là tam đẳng trở lên đây nhe… Liệu hồn mấy thằng lơ mơ!!!
Thực ra, anh nhỏ con và thậm chí gầy còm, đâu khoảng chừng 46 kg.
Không có lương nhưng anh lại có chỗ tá túc cho vợ con trong một căn phòng nhỏ chừng 12m2 của võ đường. Căn phòng ở tít lầu ba, cầu thang thì hẹp, không gởi xe ở dưới được, nên chúng tôi hoặc là vác xe lên lầu ba, hoặc là đứng ở dưới rồi hét gọi anh ấy mỗi lần cần gặp nhau.
Hai chúng tôi gọi thật lâu mới thấy con trai anh ấy thò đầu ra nơi cửa sổ, thấy tôi và Lượng, cháu quay vào gọi anh Trung. Chúng tôi cùng nhau đến quán cà phê đầu đường. Quán cà phê không phải cửa hàng quốc doanh, là một nơi xa xỉ, chúng tôi chỉ dến những quán này khi nào rủng rỉnh tiền bạc hoặc có chuyện quan trọng cần bàn, quán ngồi riêng từng bàn, cách nhau bởi các chậu cây cảnh chứ không ngồi bàn dài, tập thể như các cửa hàng quốc doanh!
Chính anh Trung là người báo cho Lượng biết tôi đã vào Sài Gòn… Anh lớn tuổi và chính chắn, rất có tình với anh em nên ai cũng quý mến và tôn trọng anh như anh cả. Nghe Lượng nói chuyện đưa tôi về ở trong nhà rồi đi học chụp hình, anh Trung nghĩ ngợi thật lâu:
- Trong anh em, Lượng là người có điều kiện nhất. Nhà của mình, kinh tế cũng tàm tạm chứ không chạy bữa như những anh em khác, chú Sinh về ở với Lượng thì tốt rồi, nhưng chuyện đi học chụp hình rồi kiếm sống bằng cái máy ảnh không biết có ổn không?
Lượng nói:
- Nghề này được cài là dễ học, đi sâu vào nghệ thuật thì khó nhưng mình chỉ cần biết kỹ thuật chụp, tráng rọi ảnh… kiếm cơm thì hai anh em cùng làm với nhau như lâu nay em làm, tính ra cũng đủ nuôi gia đình. Có mối thì đi chụp, khi nào rãnh  cứ lên công viên, bến nhà rồng… kiếm chừng hai chục kiểu là có ăn.
- Chuyện ăn ở, bên phường có khó khăn chi không?
- Có anh Sinh thì thêm chút xíu, nhưng hàng tháng anh Quảng có gởi cho em vài kg thuốc Tây. Em không khó khăn như anh em mình ở đây. Có anh Sinh như có người lớn trong nhà. Ông tổ trưởng rất thương em, hôm bà vợ ông ấy bệnh, anh Quảng gởi về cho mấy hộp thuốc, từ đó ông coi em như con ruột. Em cứ báo anh Sinh là anh con bác ngoài quê vào là êm. Tụi mình cùng nói “trọ trẹ” họ tin liền!
Lượng tuy đã có gia đình, nhưng còn nhỏ, chỉ mới hai mươi bốn tuổi, nhỏ hơn tôi sáu tuổi. Lượng có một chị, lấy chồng hiện đang ở quê chồng dưới miền Tây. Sau Lượng còn hai em nhỏ học cấp hai. Trong nhà hiện nay gồm hai vợ chồng và đứa con hai tuổi, hai đứa em, thêm tôi vào là sáu miệng ăn nhưng đều còn nhỏ nên cũng không chật vật. Lượng rất chịu làm. Ngày lên hồ Con Rùa và các nơi chụp ảnh lưu niệm cho khách, tối về rọi, sáng mai giao. Trung bình ngày cũng kiếm được bốn năm chục đồng. Những ngày lễ có ngày được cả trăm.
Tôi ôm vai Lượng như ôm một đứa em. Gương mặt Lượng rất giống với Quảng, hồi còn nhỏ, Quảng rất lo cho cu cậu, nghe đâu có đánh lộn là y như rằng có Lượng. Tự nhiên Lượng thay đổi hẳn sau ngày cha mẹ qua đời… Nhờ vậy, Quảng mới yên tâm vượt biên.
       
Hôm đó tôi về nhà ngủ đêm đầu tiên với Lượng. Tôi gặp vợ Lượng ra chào mà ngạc nhiên không biết có phải đây là vợ của Lượng không ?! Một cô bé con chứ đừng nói đây là một thiếu nữ, lại là đã có một đứa con! Đóan được điều ngạc nhiên trong tôi, Lượng cười:
- Vợ em mới hai mươi tuổi thôi anh Sinh!
Tôi cười đùa:
- Ừ, tại chú dụ dỗ nên hoang sớm phải không?
Tối lại, hai anh em chúng tôi ngủ chung trên tấm chiếu trải giửa nên nhà, nằm đốt thuốc rầm rì chuyện xưa chuyên nay, phần nhiều là nhắc đến Quảng. Lượng kể tôi nghe cái khốn đốn ngày cha mất, rồi năm sau đến mẹ! Quảng vượt biên cũng do một người bạn của cha, thương mấy anh em côi cút, cho đi chớ nhà không có tiền hay vàng gì cả!
- Ban đầu, anh Quảng định cho em đi. Nhưng bác ấy nói:
- Con đi, trước mắt cứ đưa mấy em về ở với nhà em gái con. Chị em nuôi nhau, con đi được qua bên đó mới làm lụng được, nuôi mấy em chứ Lượng còn nhỏ, biết làm gì nơi xứ người!
- Thế chú lấy vợ khi nào?
- Anh Quảng đi, tụi em về ở với chị Thương dưới miền Tây. Vợ em là cháu của anh Thục, chồng chị Thương.
Gần sáng, hai anh em định chợp mắt một lát để ngày mai lên câu lạc bộ nhiếp ảnh đăng ký cho tôi học chụp hình. Tôi nhắm mắt thì nghe Lượng lâm râm một mình:
- Em nói gì vậy?
- Không, em cầu nguyện, từ khi anh Quảng vượt biên, đêm nào em cũng đọc kinh, giờ thành quen, tối nào không đọc, cứ trằn trọc… khó ngủ!
Sáng sớm. Lượng dậy trước tôi, lục tìm một lúc rồi đưa cho tôi hai cuốn Kiến Thức Phổ Thông, hai số báo chủ đề về nhiếp ảnh. Hai anh em đến cửa hàng giải khát Thanh Niên. Lượng mua phiếu hai ly cà phê, tiêu chuẩn kèm cho hai ly là một gói thuốc Hải Đảo. Tất cả là hai đồng. Chừng bảy giờ rưởi, chúng tôi đến Câu lạc bộ. Học viên đăng ký chỉ cần có Chứng minh thư và đóng mười hai đồng cho một khóa ba tháng. Lượng không cho tôi đóng tiền:
- Anh giữ lại mà tiêu vặt, để em đóng.
Tôi mua tại quầy sách ở cổng một tập vở dày và một cây bút. Lượng dắt xe ra, nói với tôi:
- Có mấy ông thầy giỏi lắm. Em hồi đó nhờ thầy Tôn Lập. Vài bữa em giới thiệu với anh. Ông dạy Chân Dung và Hòa chất, tráng rọi ảnh. Nhà cũng gần nhà mình…
Tôi vào học nghề Chụp hình như thế, một nghề mà từ trước tôi chưa bao giờ nghĩ đến, sẽ là nghề gắn bó với tôi suốt hai mươi sáu năm. Nuôi sống bản thân rồi cả gia đình, bốn đứa con... cho đến khi không thể theo nghề được nữa!

(Còn tiếp Phần II: Khốn khổ phim Liên Xô!)
                                           Sài Gòn, 02 tháng 4 năm 2017
                                                 Trạch An-Trần Hữu Hội

No comments: