Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, April 3, 2017

ĐỌC “HƯƠNG KỶ NIỆM” TẬP THƠ CỦA HOÀI THY LỆ NGUYỄN THANH BÁ - Châu Thạch





ĐỌC “HƯƠNG KỶ NIỆM”
TẬP THƠ CỦA HOÀI THY LỆ NGUYỄN THANH BÁ
                                                Châu Thạch

Đời người có biết bao nhiêu là kỷ niệm! Kỷ niệm vui hay kỷ niệm buồn đều làm ta nhớ. Mỗi kỷ niệm là một đóa hoa ép giữ trong hồn mà mỗi khi ta mở lại trang lòng thì hương sắc bay ra làm ta xúc cảm với vui, buồn trong quá khứ. Nếu những kỷ niệm đó biến thành thơ thì ta có nhừng đoá hoa thơ nở giữa đời để ta, người thân của ta và tha nhân nhận được hương kỷ niệm,  mùi hương thi vị của quá khứ toả ra trong hiện tại.
Nhà thơ Hoài Thy Lệ Nguyễn Thanh Bá đã tạo được một vườn thơ như thế. Đó là tập thơ “Hương Kỷ Niệm” mà ông đang xin giấy phép xuất bản.
Mở trang đầu của tập thơ ta đã gặp ngay một hình ảnh đẹp và thơ mộng biết bao:

Em ngồi xoả tóc làm thơ
Tóc xanh biển mộng xoả bờ vai xinh
                                    (Làm thơ)

 Trong bức tranh tuyệt đẹp ví lọn tóc xoả bờ vai của em mênh mông như biển đó, nhà thơ xuống một câu thơ bình dị mà tuyệt vời. Tuyệt vời vì em là sở hữu của thơ tôi:

Thơ tôi đã có em rồi
              (Làm thơ)

Chỉ cần bài thơ đầu tiên, nhà thơ Hoài Thi Lệ Nguyễn Thanh Bá đủ sức lôi cuốn những tâm hồn nhạy bén yêu thơ, vội vả cởi đôi dày lấm bụi của mình, đi nhẹ nhàng chân không vào vườn thơ trăm hoa lạ của kỷ niệm một đời người  để ngắm, để trầm trồ khen tặng. Có lẽ cũng có người chê bai một vài đóa hoa không đẹp trong mắt họ nhưng biết đâu sẽ là tuyệt vời trong mắt kẻ khác, như là mắt tôi chẳng hạn.
Bài thơ “làm Thơ” như một làn hương thoáng bay ra để rồi, ta tiếp cận với kỷ niệm của nhiều thứ hương: Hương đồng nội, hương vườn quê, hương của mẹ, của em, của người con gái thân thương, của chiến tranh, của hoà bình, của vui mừng và của khổ đau. Tất cả nhưng làn hương đó quyện trong thơ đưa tâm hồn ta bay cao, lịm xuống, thăng trầm cùng tác giả, thăng trầm cùng thời cuộc.
Tình yêu quê hương đậm đà trong lòng tác giả, ông luôn nhớ đến quê hương và nhưng địa danh luôn đi đôi với một thời cắp sách:

Nhớ ơi! Áo trắng thời đang học
Thương quá! Xuân xanh tuổi chớm rằm
Em tới Cu Hoan qua xóm Rú
Ta về Đơn Quế ghé làng Xăm
                  (Nhớ Hải Lăng)

“Nhớ Hải Lăng” là một bài Đường thi tiêu biểu của Hoài Thi lệ Nguyễn Thanh Bá trong tập thơ nầy. Thơ Đường luật của tác giả có tiếng thơ nhẹ như sự bình dị của quê hương. Tiết tấu trong thơ không trầm bổng, từ vựng trong thơ không chữ Hán, không điển tích, tiếng thơ như dòng chảy êm đềm của những con sông Thạch Hản, Ô Lâu, Vĩnh Định nơi quê hương yêu dấu của ông: Quảng trị.
Còn thơ mới trong “Hương Kỷ Niệm” thì sao?  Hãy đọc:

Mai về ghé lại quảng đường xưa
Tìn chút hương thừa nắng giữa trưa
Tắm mát trên dòng sông kỷ niệm
Cây đa, bến cộ –chuyến đò đưa

Về thăm quê nội quá thân thương
Tấm biển An Thơ dựng trước đường
Dòng nước Ô lâu lờ lững chảy
Ngọt nào bầu sửa mẹ quê hương.
               ( Mai về Quảng Trị)

Ta tìm thấy ở những câu thơ bình dị như từ miệng nói ra, nhưng ngược lại trong những câu thơ đó, những tứ thơ vụt bay như nhũng cánh chim bồ câu chấp chới trên bầu trời quê hương yêu dấu. Đầu tiên ta hãy đến với tứ thơ “hương thừa”. Chữ “Hương thừa” cho ta liên nghĩ đến một thứ hương của một thời xa xưa còn sót lại. Nhà thơ quay lại quê hương, quê hương mới bày ra trước mắt nhưng tình cảm trong lòng đã khác với xưa. Ông hít thở làn hương bây giờ nhưng cảm nhận cái hương ngày xưa còn lại ở nơi đây. Rồi thì tấm biển đề An Thơ dựng bên đường, dòng sông Ô Lâu là bầu sửa mẹ. Tất cả những tứ thơ nầy gần gủi và thân thiện biết bao với người con tìm về sau nhiều năm xa cách quê hương. Đây là nhưng tứ được gởi vào thơ, như âm thanh luyến láy nhẹ nhàng từ một bàn tay khảy đàn điêu luyện.
 Bây giờ,hãy đến với một vài vần thơ Lục bát  của Hoài Thi Lệ Nguyến Thanh Bá:

Hình như thu cũng biết buồn
Hình như thu cũng biết tuôn lệ sầu
Sụt sùi từng giọt mưa ngâu
Không gian ảm đạm một bầu trời mây
                                        (Hình Như)

Thu thì buồn là đương nhiên chớ hình như chi nữa?. Thế nhưng chữ “Hình như” đã biến thu thành một thiếu bữ. Mùa thu của đất trời và em hoá hình vào nhau làm cho bài thơ thu trở nên êm ái dịu dàng, nên thơ và dễ thương không còn chổ tả nữa.
Tác giả còn làm nhiều bài thơ thu như “Chiều Thu”, “Chiều cuối thu”, “Chiều Thu Tiễn Bạn”, “Cứ mỗi độ thu về” và những bài thơ trăng thu...Nói chung thu trong thơ của Hoài Thi Lệ không chỉ là một bức tranh cảnh vật đẹp, mà bức tranh đó vừa cô đọng tâm trạng lòng người vừa toả ra hương vị thu bao la trong vạn vật .
Nói đến hương kỷ niệm mà không nói đến em mới là lạ. Hoài Thi Lệ Nguyễn Thanh Bá không khác người nên cũng phải nói đến em, nhưng em của tác giả không già đi bao giờ, bởi vì nhà thơ không để ý đến thời gian:

Cứ mặc thời gian trôi lướt qua
Để em còn được tự nhiên mà
Lòng em trong sáng như xuân mới
Tươi nở dâng đời những đoá hoa
                                           (Em)

Đọc khổ thơ nầy tôi nhớ đến “Mùa Xuân Chín”của Hàn Mạc Tử: “Ngày mai trong đám xuân xanh ấy/ Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi”. So ra ta thấy tâm hồn Nguyễn Thanh Bá có một mùa xuân chín mãi, tươi mãi giữa cuộc đời.
Rồi thì Mẹ. Mẹ là đề tài mà nhà thơ nào cũng viết trong kỷ niệm đời mình. Trong dòng sông ký ức của hương kỷ niệm, nếu Mẹ không là hình đậm nhất thì thơ trở thành rơm rác. Hoài Thi Lệ Nguyễn Thanh Bá cũng nhớ Mẹ nhưng khác với nhiều nhà thơ khác, Nguyễn Thanh Bá già rồi, vẫn còn nghe tiếng ru của Mẹ trong giấc ngủ của mình:

Lời ru hời văng vẳng động giấc khuya
Con chợt tỉnh, gợi niềm thương nhớ Mẹ
Đêm sâu lắng, lòng buồn quanh quẻ
Xa mẹ rồi, ngày tháng bỗng rong đi
                       (Thương Nhớ Mẹ)

Ta hãy nghe hai câu thơ trong bài thơ “Sông Lấp” của Trần Tế Xương: “vẳng nghe tiếng ếch bên tai/ Giậc mình cò tưởng tiếng ai gọi đò”. Chỉ nghe tiếng ếch mà nhầm tiếng gọi đò ngày xưa thôi, nhà thơ Trần Tế Xương đã làm cho văn học sử tốn không biết bao nhiêu giấy để nói về nỗi ưu tư, trăn trở, ray rức, bâng khuâng của tác giả nặng và sâu về một quá khứ. Vậy thì Nguyễn Thanh Bá nghe tiếng mẹ ru văng vẳng trong giấc ngủ giữa canh khuya sẽ ra sao?. Hãy so sánh hai tâm trạng để biết tiếng lòng và tiếng thơ của người hậu sinh sau cả trăm năm nầy. “Xa mẹ rồi, ngày tháng cũng rong đi”, chữ “rong đi” không có trong tự điển nhưng thiết tưởng chưa có nhà thơ nào dùng chữ hay như thế để chỉ về sự “gầy mòn thương nhớ” mẹ hiền trong cuộc đời đứa con xa mẹ.
Tập thơ còn nhiều đề tài nhưng người viết không thể viết nhiều hơn nữa, bởi vì viết bao nhiêu cũng không tả hết một vườn hoa đầy màu sắc . Xin chỉ hái để giới thiệu một vài bông hoa đẹp trong mắt tôi, chưa chắc là xinh trong mắt người khác, nhưng có lẽ tôi chỉ là một vị khách tình cờ đọc thơ Nguyễn Thanh Bá, nên cảm nhận của tôi vô tư và trung thực .
Xin mời ai đó hãy bước vào vườn thơ, hít thở mùi hương kỷ niệm, sẽ thấy mình ở trong đó, và biết đâu lòng mình cũng thổn thức theo con tim thi nhân./.

                                                                           Châu Thạch

No comments: