Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, April 7, 2017

NGÀY VẮNG VÕ XUÂN HUY - Phạm Xuân Dũng



Họa sĩ Võ Xuân Huy

NGÀY VẮNG VÕ XUÂN HUY
Phạm Xuân Dũng

Tôi có việc nhà phải ở lại Huế. Gần 5 giờ sáng đã tỉnh ngủ. Chợt nhận tin nhắn của nhà thơ Võ Văn Luyến ở Quảng Trị : “Họa sĩ Võ Xuân Huy mất rồi”. Lạ thật, nhớ lại cảm giác lúc ấy tôi bàng hoàng nhưng lại không quá bất ngờ. Hình như điều này đã lẩn khuất đâu đó trong linh cảm của mình. Tôi ngồi lặng, không khóc nhưng nước mắt cứ ứa ra. Đau nhói!

Tôi chuyển tiếp tin nhắn của anh Luyến một cách vô thức cho anh em bạn bè ở các nơi. Trần Tuấn từ Đà Nẵng thảng thốt kêu lên: “Vì sao như vậy Dũng ơi?!”  Xuân Hùng nói trong điện thoại: “Răng rứa, có biết vì răng không?” còn Lê Đức Dục (Báo Tuổi Trẻ) thì hỏi cớ sao Huy chết, rồi cho biết đang đi công tác ở Hà Giang, sẽ thu xếp để về gấp. Nguyễn Hoàn (PGĐ Sở Thông tin truyền thông Quảng Trị) từ Quảng Trị gọi vào hỏi chuyện… Ai nấy rã rời! Cái chết của Huy khiến nhiều bạn hữu bấn loạn. Minh Tự (Báo Tuổi Trẻ) kể mới gặp Huy hôm mồng 5 tết. Tự và Huy lên chùa Huyền Không mang theo nhiều tâm sự. Tưởng vẫn còn gặp lại. Vậy nhưng Huy đã không từ mà biệt. Vẫn thấy bất ngờ và chua xót. Cứ tưởng làm quan thì lắm khi mình không được là chính mình, ai hay nghệ sĩ cũng đa đoan thân bất do kỷ, phải không Huy?!

Minh Tự chạy vội sang nhà Huy ở Thành Nội Huế. Còn tôi cũng chạy theo việc của mình cho đến chiều gặp anh em Đà Nẵng: Nhà thơ Lê Diễn, Trần Tuấn (Báo Tiền Phong), Xuân Hùng và Huy Kha (VTV Đà Nẵng), Lê Trung Việt (Báo Phụ nữ TP HCM), Phan Bùi Bảo Thy (Báo An ninh thế giới) ở một quán nhậu. Lát sau có thêm Bùi Ngọc Long (Báo Thanh Niên) và Lê Chung một chàng trai trẻ măng Báo Gia đình và xã hội, người mới gặp Võ Xuân Huy một lần ở quán cà phê cũng chạy đến chia buồn. Chung lại lật đật, hỏi vội vàng: “Răng rứa anh, răng mau rứa anh?” Anh Huấn VTV Huế cầm theo chai rượu đến quán ngồi thừ ra rồi kể chuyện Võ Xuân Huy. Một lúc có thêm hai anh em sinh đôi họa sĩ Thanh-Hải cũng có mặt. “Cặp đôi hoàn hảo” này ngày thường hoạt náo lắm nhưng bây giờ cũng ngồi thẫn thờ thương tiếc.Vậy là trong nhóm họa sĩ Huế tặng tranh cho “Nhịp cầu Hoàng Sa” từ đây khuyết mất một người. Thật lạ, nhưng đã thành lệ, khi có người ra đi thì anh em mới có cơ hội gặp nhau đông đủ và thường chỉ có quán rượu mới chứa hết nỗi niềm. Thì mươi năm nay vẫn vậy, từ Nguyễn Xuân Hoàng (Huế) đến Nguyễn Trung Bình (Quảng Nam) rồi Võ Thìn (Quảng Trị) và nay là Võ Xuân Huy. Cả bàn có đến chục người mà không khí vẫn trầm buồn, nặng trĩu, những cái nhìn ngơ ngác, những chuyện trò rời rạc không đầu không cuối. Chỉ khi nâng ly là ai cũng muốn tự tay mình cụng vào ly bia dành cho Huy ở chính giữa bàn. Mỗi lúc càng thấm thía. Tội nghiệp và thương lắm những thằng đàn ông khi phải ngồi khóc bạn bè.

Gần đến 9 giờ tối , mọi người đã có mặt ở nhà Huy, đem theo hai câu viếng của Xuân Hùng. Ai cũng muốn vô nhìn mặt Huy trước giờ khâm liệm. Anh em ở Quảng Trị như Võ Văn Luyến, Nguyễn Hoàn sau nữa Bùi Huy kiến trúc sư và họa sĩ Hồ Thanh Thoan… cũng đã lần lượt có mặt. Lại những giọt nước mắt đau xót, lại những bàn tay ôm mặt nấc lên, lại những cái lắc đầu quầy quậy không chấp nhận thực tế đắng cay hay sự thật phũ phàng. Nhìn vợ con Huy ở lại, ai nấy lòng như đang bị chà xát muối.

Gần nửa đêm anh em kéo nhau về quán ở đường Hai Bà Trưng (Huế). Lại uống và lần ni thì hát đưa linh Huy cũng như bao lần tiễn biệt anh em bè bạn ra đi. Hát cho người chết thì bài nào cũng buồn, cũng da diết, ngậm ngùi trong tiếng guitare bập bùng ai oán. Mà không buồn sao được khi đã chết đi một người đáng sống như Võ Xuân Huy. Mắt ai nấy đỏ hoe. Trần Tuấn thì nấc lên từng cơn rồi gục đầu thê thiết. Hai giờ sáng, mọi người thất thểu về phòng trọ khi hồn xác rã rời.

Võ Xuân Huy là một họa sĩ tài năng, điều này đã hẳn, nhưng điều tôi muốn nhấn mạnh, anh còn là một trí thức đích thực. Có lần trò chuyện, tôi nhắc lại ý một nhà văn nước ngoài: trí thức có thể không phải là nghệ sĩ nhưng nghệ sĩ nhất thiết phải là trí thức. Nghe xong Huy có vẻ tâm đắc. Bởi vì chính anh đã có những phẩm giá rất đáng trân trọng của một người có học thực sự: ham đọc sách, trau đồi kiến thức, thích tìm tòi, trăn trở trong sáng tạo nghệ thuật, giữ được cốt cách của mình. Sự đọc của Huy bạn hữu đã biết nhiều. Khi gặp người tương tri, anh có thể cao hứng nói về triết luận Đông, Tây, các trường phái nghệ thuật đương đại hay chuyện cụ thể như văn hào hiện sinh Pháp Jean Paul Sartre bàn về vị trí của trí thức, văn nghệ sĩ trong chế độ xã hội đặc thù…Nhưng Võ Xuân Huy không phải là nhà lập ngôn kinh viện, thích trích dẫn mà anh còn là người dám dấn thân trong nghệ thuật. Những cuộc triễn lãm của anh ở quê nhà Quảng Trị không thôi cũng đã nói lên điều đó. “Ba biến thể của Võ Xuân Huy”, “Thăng hoa: xuống đất gặp trời”…đã đem lại tiếng nói riêng, độc đáo, đó là những thể hiện cá tính nghệ thuật không thể thiếu được đối với một nghệ sĩ có tài. Anh còn ấp ủ nhiều dự định. Nhiều lần anh thổ lộ, rằng nhất định sẽ ra làm một cuộc triển lãm ngay tại cầu Hiền Lương, chiếc cầu lịch sử không chỉ của quê hương Quảng Trị. Đây không chỉ là hoạt động nghệ thuật đơn thuần mà còn là gan ruột của anh dành cho Đất Mẹ. Cũng như anh nhiều lần hứa sẽ đến chơi nhà tôi để dân dã với món lòng heo, rượu gạo, chiếu cói và đàn thùng cùng bầu bạn sum vầy một bữa. Tất cả món nợ ân tình nay đã dang dở, mãi mãi lưng chừng. Tôi và mọi người biết hỏi ai đây, Huy ơi, khi bạn đã không từ mà biệt. Còn chăng một niềm an ủi, Huy đã về với quê nhà yên nghỉ như tên gọi một cuộc trình diễn nghệ thuật của anh : xuống đất gặp trời.



Vậy là tất cả đã qua rồi, qua thật rồi, kể cả sự vĩnh hằng như cái chết của Huy. Những người ở lại vẫn phải sống, hơn thế, phải sống thêm phần của Huy chưa kịp sống. Đừng ai ngả lòng vì Huy không muốn thế và cuộc sống vẫn không ngừng nghỉ theo quy luật của muôn đời vẫn thế. Khi nào nhớ nhau thì xin hãy ngẩng đầu nhìn lên trời xanh và mây trắng. Ở đó vẫn luôn có bạn hữu của mình một sớm ấy ra đi… 

PXD

No comments: