Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, April 29, 2017

Friday, April 28, 2017

THÁNG TƯ - Thơ Phan Minh Châu

Tác giả Phan Minh Châu


THÁNG TƯ

Hôm nay về lại Phú Yên
Trước mua... sau kiếm chút tiền độ thân
Từ ngày bầu bạn lấn sân
Tha hương đâu đó kẻ gần người xa
Cũng là máu mũ ông cha
Cũng là nghĩa mẹ ruột rà tình thâm
Tháng Tư trời nắng lâm thâm
Nắng như gay gắt bềnh bồng cõi xưa
Cha đi về phía kinh chùa
Sớm hôm câu kệ đẩy đưa bọt bèo
Tháng Tư con vẫn lần theo
Dấu chân người với trăm miền bão giông
Mẹ già một thuở chờ mong
Chỉ bàn tay vẩy nỗi lòng thiên thu
Nắng gào nắng hạn mưa tru
Cha nằm sấp ngữa nấm mồ điêu linh
Tháng Tư làng nỗi hồi kinh
Mời nhau một chén rượu tình đắng cay
Bạn bè mấy đứa em anh
Vầng khăn trắng cả nỗi lòng xa xôi
Tháng Tư thoáng chút ngậm ngùi
Tháng Tư sót chút niềm vui thất thần
Thôi rồi cha đã trăm năm
Thôi rồi mẹ đã ngậm ngùi cõi xa
Tháng Tư về cõi ta bà
Hỏi thăm cố quận đường ra chỗ nào
Tháng Tư bao kẻ lao đao
Bao người nỗi gió vướng vào hàm oan
Tháng Tư tiếng sấm nổ giòn
Thành Tư lầm lũi tiếng con gọi người....
           Phan Minh Châu

           Nha Trang
READ MORE - THÁNG TƯ - Thơ Phan Minh Châu

Thơ tặng CÔ GIÁO VỀ HƯU - Nguyễn Văn Gia



Thơ tặng
CÔ GIÁO VỀ HƯU
*
Tháng sau em về hưu
nhận lương theo sổ
Nghỉ ngơi thôi
sau 35 năm đứng lớp
Học trò nghe tin
có em bật khóc
Thương cái dịu dàng
nhưng nghiêm khắc của cô
Thời gian qua mau
chúng ta sắp già rồi sao...
(Nhớ lại cái thời
anh thập thò ngoài cửa lớp
Gặp tay bảo vệ vô cùng đáng ghét
Lão canh anh như canh trộm -
thật buồn cười
Cuối cùng
rồi anh cũng dụ được em thôi
Về làm dâu
cái xóm nghèo xơ xác
Nghèo mà thanh cao -
lần đầu anh ba hoa tán dóc
Để em tin cho đỡ đau lòng
Chỉ là dối nhau
cho qua cái thủa long đong...)
Giờ em lại về
với tre pheo cau bưởi ... quanh sân
Bắt chước người xưa
mình ca bài "quy ẩn"
Nhẹ nhàng như mây
sớm chiều lãng đãng
Bỏ lại sau lưng
những ảo ảnh phù trầm
Khi em về
có anh đứng đợi trước sân
Có bàn tay thô chìa ra em nắm
Hạnh phúc là cái thứ chi
mà muôn đời bí ẩn...

Nguyễn Văn Gia


READ MORE - Thơ tặng CÔ GIÁO VỀ HƯU - Nguyễn Văn Gia

ĐỜI CÒN KIẾP SAU - Thơ Trúc Thanh Tâm

thơ Trúc Thanh Tâm
    
  
  ĐỜI CÒN KIẾP SAU  

 Một chút gì còn lại
 Trên môi mắt một người
 Đời chia bao nhánh khổ
 Suốt đường trần chông gai.

 Bốn phương nào cũng nắng
 Tám hướng một vùng mưa
 Sóng lòng dâng thành bão
 Người trở thành... người xưa.

 Ta thấy trời cố quận
 Cây đa và mái đình
 Chiếc cầu tre thuở đó
 Ráng chiều vàng bờ kinh.

 Lòng người còn u ám
 Dưới hào quang từ bi
 Lời kinh không thể mở
 Cửa thiên đường ta đi.

 Thượng Đế luôn sòng phẳng
 Nếu còn nợ nần nhau
 Không thể vay không trả

 Nên đời còn kiếp sau!
  
  28.4.2017
TRÚC THANH TÂM
( Châu Đốc )
READ MORE - ĐỜI CÒN KIẾP SAU - Thơ Trúc Thanh Tâm

CHỈ CÒN LÀ KỶ NIỆM - Thơ Vũ Trầm Tư



Chỉ Còn Là Kỉ Niệm

Cánh phượng muộn cô đơn trên tàng lá
Níu thời gian chầm chậm góc tường rêu
Sao mắt em chợt buồn như sương khói
Cơn mưa chiều chưa dứt hạt liêu xiêu

Nắng hạ vàng theo em về phố cũ
Đêm thị thành nhộn nhịp bước chân vui
Ở nơi đây mưa, hồn xao xuyến lạ
Em xa rồi ,chợt nhớ dấu son môi

Em có còn giữ chút hương mùa cũ
Trắng trinh nguyên màu hoa sứ sân nhà
Một chút gió đong đưa cành lá úa
Nhạc ve sầu thôi thổn thức bên ta

Có nuối tiếc cũng qua rồi dĩ vãng
Trời chớm thu nghe hơi gió chuyển mùa
Thương gốc phượng chơ vơ vừa rớt lá
Nhớ dòng sông lục bình tím đong đưa

Thu man mác nụ hoa tình đã héo
Em quay về đường tim tím bằng lăng
Bến sông xưa vẫn còn đây kỉ niệm
Áo học trò vương vấn một mùa trăng

Vũ Trầm Tư

READ MORE - CHỈ CÒN LÀ KỶ NIỆM - Thơ Vũ Trầm Tư

TÌNH KHÔNG MỨC ĐẾN - Thơ Trương Thị Thanh Tâm



TÌNH KHÔNG MỨC ĐẾN 

Nếu đã biết tình yêu không trọn vẹn 
Thì gặp nhau hò hẹn để làm chi 
Chỉ làm cho con tim thêm đau nhói 
Tiếng vọng thầm, đêm trở giấc buồn hiu 

Người trước mặt sao xa tầm tay với 
Con đò chiều lỡ một chuyến qua sông 
Đêm không ngủ, nghe lòng thêm tiếc nuối 
Đời lục bình, biết bến nào đục trong 

Trái tim nhỏ tình yêu thì quá lớn 
Thuyền mong manh sao vượt sóng bạc đầu 
Vòng tay ngắn, có ru lòng thêm ấm?
Tóc dài chưa cột được mối tình sau 

Đường phía trước cũng chỉ là bóng tối 
Tìm thấy đâu một đôi phút bình yên 
Có ai biết được nỗi buồn đêm trở gió 
Và niềm đau rạn vỡ của con tim 

Nếu đã biết tình yêu không mức đến 
Thì nhớ chi kỷ niệm của ngày xưa 
Người không hiểu, nên lòng ta rên xiết 
Sân ga chiều, dòng lệ rớt theo mưa.
          Trương Thị Thanh Tâm 
                     Mỹ Tho


READ MORE - TÌNH KHÔNG MỨC ĐẾN - Thơ Trương Thị Thanh Tâm

VŨNG LIÊM VÀ TÔI - Thơ Tuyền Linh




Vũng Liêm và Tôi

Tôi đi…bóng ngã đổ dài
Đường 907 giấc trưa oi nồng
Mà nghe vẫn mát trong lòng
Phải chăng tôi đã phải lòng Vũng Liêm

Tôi về Phong Thới bốn năm
Thương con kênh rạch như thầm thương ai
Những đêm trăng giắt mây cài
Quê hương hiện nét trang đài Vũng Liêm

Lòng tôi gởi gắm nỗi niềm
Vào từng ruộng lác hai bên đường về
Như là những mảng tình quê
Mà tôi có được từ ngày về đây

Từng tấc đất, từng luống cày
Hình như đã ủ đậm đầy tình tôi
Nên chi những lúc xa xôi
Lòng tôi cũng đã bồi hồi nhớ sao!

Bốn năm chưa có là bao
Mà nghe nghìn sợi tình trao cột tình
Qua rồi ngày tháng chông chênh
Tôi yên phận bạc Vũng Liêm cuối đời

Cám ơn đất, cám ơn trời
Dẫu mai cát bụi còn lời hôm nay
Đêm nằm gác trán bàn tay
Lắng nghe cơ thể vơi đầy buồng tim

Tuyền Linh

  2017
READ MORE - VŨNG LIÊM VÀ TÔI - Thơ Tuyền Linh

MƠ XUÂN - Thơ Yên Dạ Thảo - Nhạc NguyễnVăn Thơ

READ MORE - MƠ XUÂN - Thơ Yên Dạ Thảo - Nhạc NguyễnVăn Thơ

Thursday, April 27, 2017

NHÀ THƠ XUÂN DIỆU TRONG MẮT TÔI - Lâm Bích Thủy


               
                             Tác giả Lâm Bích Thủy


               NHÀ THƠ XUÂN DIỆU TRONG MẮT TÔI
                                                         Lâm Bích Thủy


Nhà thơ Xuân Diệu là nhân vật thứ hai sau cụ Đào Tấn được nhân dân Bình Định, quê tôi tự hào có được.

Bác Quách Tấn cho biết:

Xuân Diệu quê cha ở Hà Tĩnh, quê mẹ Bình Định. Nhưng Xuân Diệu thiên hẳn về quê cha, chỉ thường nhắc đến quê mẹ và không xấu hổ nhận mình là người Bình Định từ thời kháng chiến chống Pháp. Nhất là khi Bình Định trở thành trung tâm điểm của Liên Khu Năm. Đối với Bàn Thành Tứ Hữu, Diệu chỉ nể Chế. Diệu chê Hàn là một tên điên chạy cùng đường vừa ngâm thơ vừa la “tôi là thiên tài, tôi là thiên tài”…Yến Lan bị chê rằng “thơ còn non nớt, Quách Tấn bị đã kích: “Lạc hậu, cổ hủ”. Xuân Diệu nể Chế Lan Viên không phải về học vấn, tài năng mà nể về sự ứng phó lanh lẹ, sắc bén thôi.

Thư cho ba tôi có đoạn bác viết :

“Xuân Diệu đấm Hàn, thoi Yến, đá Quách bắt tay từ giã Chế, ra Hà Nội cùng Huy Cận lập nhóm Huy Xuân. Kế đó, Bích Khê ở Quãng Ngãi lẻ loi vào Bình Định. Năm thành viên trở thành “Ngũ Hành” Sau này, Xuân Diệu mới bắt tay với năm thành viên của nhóm Bình Định hợp thành “Lục Căn”.

Nhóm lấy những bộ phận cơ thể người “Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân, Ý“ làm bút danh cho từng người.

Phần lớn các thành viên sống và sáng tác ở Bình Định, chỉ có bác Tấn ở Nha Trang. Hàng tháng, ít nhất một lần, vào những đêm trăng, lại thấp thoáng bóng họ chụm đầu bên nhau trò chuyện thâu đêm trên lầu cửa Đông Thành Bình Định. Chế Lan Viên gọi đây là “Lầu tư tưởng” hay “lầu Thơ”. Thi thoảng họ mới vào Nha trang với bác Tấn.

Nhà bác Tấn, trước sân có cây mận. Tối đến, họ quay quần dưới gốc mận, đọc thơ đường, thơ Pháp, thơ Tàu. Có lần bác Tấn nghe chú Chế Lan Viên và  chú Xuân Diệu tranh luận:

“Đến lúc này mà “người ấy” còn thốt ra những câu “cảm thương chiếc lá bay theo gió / riêng nhớ tình xưa ghé đến thăm”

Chú Chế phản đối  “Diệu công kích anh Tấn sao không nói tên mà gọi “người ấy”? Diệu cười một cách thích thú đáp "Diệu gọi “người ấy thì ai biết rằng Diệu nói anh Tấn thì biết, còn ai không biết thì thôi. Chớ kêu đích danh ảnh ra, thì tên ảnh được “người không biết” biết thêm, như thế là làm lợi cho ảnh !...
Chú Chế hóm hỉnh đáp lại: “Diệu có tính so đo và tính toán. So đo tính toán trong tình yêu “cho nhiều nhưng nhận được chẳng bao nhiêu, lại so đo tính toán cả trong việc chỉ trích”.

Thế nhưng, khi những nét đẹp trong văn hóa ứng xử ngày đang mai một, thì bác Tấn lại khen chú Xuân Diệu:

“Xuân Diệu là người khôn ngoan nhất. Trước kia tôi cứ cho rằng Xuân Diệu sống ích kỷ, nhất thiết không cho ai xem bản thảo, nhất thiết không nói cho ai biết những gì mình chưa in lên giấy hẳn hoi. Ngày nay tôi mới biết là Diệu khôn. Bọn đạo văn càng ngày càng nhiều, chú (tức Yến Lan-nv) cũng như tôi ưa giúp người quá nên chưa biết”.

Chú Xuân Diệu là đồng hương, nhưng tôi chưa gặp bao giờ. Thời còn học lớp 10H ở Trường Chu Văn An - Hà Nội, tôi thường nghe các bạn trong lớp bàn tán về chú. Vừa lúc tôi đi ngang  qua, một bạn bảo: “Muốn biết vê Xuân Diệu  thi bảo cái Thủy về hỏi ba nó là ra ngay thôi". Lập tức anh lớp trưởng kêu tôi lại bảo: “cậu về hỏi ba cậu, xem có phải nhà thơ Xuân Diệu là ái nam ái nữ không nhé?” Tôi khoái làm việc này lắm, vì tỏ ra ta đây là người hiểu biết mọi chuyện phía sau cuộc đời của các nhà thơ.

Về nhà nhân lúc ông già tôi ngồi ngắm sắc hoa hồng trong bồn trước lan can; tôi đến bên, hơi ngần ngại , rồi tự tin hỏi: “Ba ơi, các bạn lớp bảo con hỏi ba có phải chú Xuân Diệu là…là...” tôi chưa kịp nói ra cái từ khó nói đó thì ông già lập tức nạt: “con gái con lứa hỏi chi chuyện đó”. Tôi hết cả hồn, mất hứng và chẳng bao giờ dám hỏi về chú Xuân Diệu nữa.

Hình ảnh chú trong tôi là qua mô tả từ câu chuyện của các chú và ba thôi.
 Rồi, cuối cùng tôi cũng có dịp gặp chú; lần đầu và cũng là lần cuối ngay tại nhà 37 Hàng Quạt – Hà Nội. Đó là ngày ba má tôi tổ chức  tiệc mặn trong ngày cưới của tôi. Đám cưới tôi, thời đó cũng thuộc loại đình đám vào bậc nhất ở Hà Nội . Nhà tôi đãi tiệc ngọt tại 51 Trần Hưng Đạo, hai tiệc mặn tại nhà gái ở 37 Hàng Quạt và nhà trai ở 26 Hàng Bài. Nếu tính thành tiền, tốn hơn 2.000đ. Thời bao cấp (năm 1974) đám cưới nào chi đến 2.000đ, Nhà Báo mà biết sẽ phê phán kịch liệt chứ chăng chơi. Song, tất cả thực phẩm phục vụ cho đám cưới là tự tôi chuẩn bị. Tôi tự nuôi heo, gà, và trồng các loại củ, quả, rau dưa… tại nơi làm việc, ở Nông trường Ba Vì, rồi hai vợ chồng chở về Hà Nội dần bằng xe đạp

Hồi đó, việc cưới xin không cầu kỳ như bây giờ; không làm cho khách mời phải lo lắng quà mừng; nhà có gì mừng nấy. Ngày cưới được đông đảo bè bạn của hai bên đến dự là vinh hạnh lắm.

Ngày vui của tôi, các cô, chú bạn ba là những văn nghệ sĩ nghèo xác xơ, có gì đâu để mừng! Quà cưới chỉ mang ý nghĩa kỷ niệm là chính. Bác Khương Hữu Dụng tặng cho tôi quyển truyện vừa (không nhớ tên) của nhà văn Chu Lai. Chú Tế Hanh, buổi tiệc mặn mới có quà - đó là chiếc túi nhỏ bằng nữa bàn tay, màu mận chín, hàng thổ cẩm của Bungari, quà của ba chú “Nguyễn Thành Long-Nguyễn Đình - Phạm Hổ” là chiếc thuyền làm bằng sừng trâu v.v.. Còn quà của chú Xuân Diệu là chân dung hình bán thân, nhìn nghiêng của nhà thơ Puskin bằng mica tím đen... quà của vợ chồng bác Minh Vĩ là bức ảnh hình lập thể có hai con két mỏ đỏ… Thế mà chúng tôi rất trân trọng và thích lắm.

Hôm tổ chức tiệc mặn tại nhà, tôi thấy một người đàn ông to bệu, tóc xoăn, mặc chiếc quần màu cháo lòng, thủng một lỗ tròn ở bên hông trái. Ông ngồi ở góc phải, đang say sưa thưởng thức bát miến gà má tôi mang đến, không để ý đến xung quanh. Đằng sau tôi, có tiếng xì xào nghe rõ “kia là nhà thơ Xuân Diệu đấy”. Tôi cũng đoán thế. Nhìn bát miến đã hết cái mà chú vẫn cúi húp nước; tôi đến bên nhỏ nhẹ hỏi “chú Diệu, cháu múc thêm chú bát nữa nhé?”. Chú xua tay, vẻ thật thà “Ồ, không đâu cháu, còn chút nước chú húp kẻo bỏ đi thì phí!”.

Sau bữa đó thì tôi không gặp chú lần nào nữa nhưng nghe Nhà nghiên cứu Văn học Đinh Tấn Dung nói lại:

“Sau 1975 chú gặp Chế Lan Viên có hỏi thăm ba cháu, (lúc đó ông còn ở Hà Nội). Chế Lan Viên lắc lắc đầu vẻ thông cảm, nói “về cái nghiệp làm thơ của Yến Lan ít khi gặp may, Diệu không ưa Văn Cao, mà Văn Cao lại ca ngợi Yến Lan trong lời đề tựa Tập thơ “Những ngọn đèn” quá nên Yến Lan cũng bị ghét lây” ./.
                                                                                                                                                                    LÂM BÍCH THỦY

READ MORE - NHÀ THƠ XUÂN DIỆU TRONG MẮT TÔI - Lâm Bích Thủy

NẾU MAI EM VỀ -Thơ HồngThúy, nhạcTrầnThiên Anh, ca sĩ Tâm Thư

READ MORE - NẾU MAI EM VỀ -Thơ HồngThúy, nhạcTrầnThiên Anh, ca sĩ Tâm Thư

EM ĐI RỒI... - Thơ Trần Mai Ngân





EM ĐI RỒI...

Em đi rồi bình minh vẫn thức
Vẫn tiếng chim kêu sớm trong vườn
Lá ngái ngủ hạt sương đọng lại
Chờ nắng lên sưởi ấm khô ngày

Em đi rồi gió trưa nhè nhẹ
Như ru cây, hoa, lá nồng nàn
Có chú Bướm vội vàng sợ trễ
Bay lên cao như thể lạc hàng...

Chiều vẫn đến như khi em ở
Thật mênh mông loang loáng là buồn
Bất chợt nào sẽ có mưa tuôn
Và gió, bão thét gào: Ôi nhớ!

Đêm nay vắng - không em - ngộp thở
Chiếu chăn này thiếu một làn hương
Bóng khuya vôi trắng vô thường 
Cho tôi tan nát như dường mất em...

                            Trần Mai Ngân

READ MORE - EM ĐI RỒI... - Thơ Trần Mai Ngân

CÁI KHÉO, CÁI KHÔN - Truyện ngắn của Thủy Điền


       


          CÁI KHÉO, CÁI KHÔN


    Ông bà mình thường hay nói: Tháng năm chưa nằm thì sáng. Thật đúng vậy, chỉ còn mấy ngày nữa là đến tháng năm, gần hai mươi mốt giờ đêm mà trời còn sáng trưng và bình minh mới sáu giờ là trời bắt đầu sáng rực.

    Thường thường thì vào ngày thứ bảy hàng tuần, nếu không bận việc gì tôi, nhà thơ, nhà văn Lê Thanh, nhà thơ Bửu Tùng hay tự đi chợ mua món gì đó về ba anh em làm hết chai Whitky rồi chia tay về ngủ. Mùa đông thì lai rai trong nhà, mùa ấm thì ngồi sau vườn. Hai tuần nay trời ấm dần nên chúng tôi đem ra vườn cho tự do.

     Sáng sớm thằng Thanh đánh xe chở Bửu Tùng đến rước tôi đi chợ Á Đông mua Lươn làm sẵn về nấu canh chua. Đến tiệm đi lòng vòng định mua thêm vài rau cải bổ xung, thì bỗng nghe bà chủ tiêm đang đứng cầm hủ chao Cò của mấy ông Trung Quốc cằn nhằn “ Tham chi mà làm một Karton đến bốn mươi tám keo vừa nặng, vừa bán không kịp, hết hạng, vứt bỏ lỗ vốn hoài. Nếu không lấy về bán thì thiên hạ hỏi không có hàng rồi bỏ sang tiệm khác, mất khách, chán ơi là chán. “ Sao không chịu học mấy ông Nhật Bổn, người ta làm cái gì cũng thế ít, vừa phải thôi, ăn hết người ta sẽ mua tiếp có gì đâu mà lo. Nói xong bà đi tiếp cầm mấy món hàng Trung Quốc khác, lật qua, lật lại mà trông có vẻ không hài lòng.

     Thằng Thanh lanh trí, khều nhẹ. Bà chủ tiệm nói đúng đó tụi bây. Tôi và Bửu Tùng ngơ ngẩn mình biết gì chuyện mua bán. Hai thằng tôi chưa đi Nhật Bổn và Trung Quốc lần nào nên cũng không rành rẽ gì mấy, có chăng lâu lâu  xem Ti Vi một vài lần mà cũng không để ý đến. Riêng Lê Thanh thì có dịp đến Nhật hai lần vì anh ta có cô em ruột định cư ở Tokyo và du lịch bên Trung Quốc một lần, nên anh ta có vẻ am tường hai xứ nầy lắm. Thanh bảo: Người Nhật khéo lắm, họ làm cái gì là ra cái đó, gọn gàng và vừa đủ, chất lượng cao, sạch sẽ, lối sống của họ cũng rất trật tự. Từ thôn quê đến thành thị nơi nào cũng như nơi nấy thật đáng khen và cần phải học hỏi ở họ thật nhiều. Còn bên Tàu thì ngược lại. Tôi bảo phải thông cảm cho người ta chứ, vì dân đông quá hơn tỷ người, làm sao tránh khỏi những bê bối được. Thanh nói tiếp. Đó không phải là vấn đề, rồi anh ta xoay ngang tay cầm chai nước tương Kikoman và nói đây các bạn hãy nhìn, rất sạch sẽ và trong sáng và mỗi Karton người ta chỉ đóng thùng rất ít (Mỗi Karton chỉ sáu chai mà thôi và các mặt hàng khác cũng đều như thế không quá ba kí lô rất dễ bưng bê và vận chuyễn). Còn Karton Chao hay Bún tàu, Bún gạo, Bột của Trung Quốc nặng gần hai mươi lăm kí lô rất nặng nề và bề bộn, ai bê, ai khuân cho nổi nhất là đàn bà thường hay đi chợ, miệng nấp chao thì đầy muối trong khó nhìn vô cùng. Bao nhiêu đó cũng đủ chứng minh cho ta thấy người Nhật rất khéo, nước tương là món ăn hàng ngày ta đâu cần ép, gã bán một lần năm ba chục chai/ Karton, chỉ ít thôi, khi họ ăn xong, họ sẽ tìm mua chai khác ngay. Còn người Trung Quốc thì cũng không dỡ họ muốn bán tấn, bán ép một lần cho thật nhiều để được lợi nhuận cao, nhưng cuối cùng người dùng thì chỉ thế thôi, số thừa còn lại lâu ngày sẽ qua hạng thì coi như vứt bỏ và sau đó chán không thèm mua nữa. Điều nầy sẽ đi đến tình trạng bất lợi cho cả hai. Ngược lại giữa người Nhật và người tiêu dùng thì tồn tại lâu dài. Bởi cái gì cũng thế khi ta ăn ít thì sẽ thấy ngon và muốn ăn tiếp. Còn ăn nhiều quá hôm sau sẽ không muốn nhìn món ấy lần hai.

     Qua câu chuyện nhỏ dọc đường, ngoài chợ, trong tiệm trên, cho ta bài học kinh nghiệm về cái khéo, cái khôn. Tuy hai cái đều tốt cả, nhưng theo tôi cái khéo theo lối người Nhật nó sẽ tồn tại lâu dài bởi trong đó có hình dáng cái khôn đang hiện lờ mờ bên cạnh. Còn cái khôn theo lối người Trung Quốc nó chỉ nhất thời và nó lẩn quẩn cái hình bóng lợi nhuận ban đầu rồi sau đó biến dạng luôn.

     Nhìn người ta, rồi nhìn lại mình và tự hỏi? Biết bao giờ dân ta được như người Nhật Bổn thì hạnh phúc biết dường nào.

                                                   Thủy Điền
                                                   26-04-2017

READ MORE - CÁI KHÉO, CÁI KHÔN - Truyện ngắn của Thủy Điền

“CHẤP CHỚI” - MỘT BÀI THƠ LẠ CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN VỀ CẤU TỨ - Đỗ Anh Tuyến


          

           “CHẤP CHỚI” - MỘT BÀI THƠ LẠ 
                      CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN VỀ CẤU TỨ


Phải nói thẳng Chấp Chới chưa phải là một bài thơ hay, mà chỉ là một bài thơ khá, trên mức trung bình. Thế nhưng, tôi lại thích bài thơ này bởi lối viết hiện đại và cái khác lạ về cấu tứ của bài thơ.
Mới làm thơ được vài năm nhưng thơ của Đặng Xuân Xuyến đã tạo được nét riêng, thường ngắn gọn, súc tích, tiết tấu nhanh, tứ thơ mới, khẩu khí mạnh, ngôn ngữ giàu hình ảnh so sánh và dễ cảm, nhất là ở thể thơ tự do. Thế nhưng ở bài thơ này (/chap-choi-tho-ang-xuan-xuyen.htmlnhững nét đặc trưng đó hầu như đã biến mất, thay vào đó là sự khác lạ, hư hư ảo ảo, khó hiểu.
Ta thử thưởng thức Chấp Chới như cách vẫn thường cảm thơ.
Khổ thơ thứ nhất:
Có người líu ríu theo chồng
Buông lơi lời hát
Bỏ ngày xuân ngăn ngắt
Thúc nhịp trống dồn...
Mở đầu khổ thơ, tác giả bâng quơ kể: “Có người líu ríu theo chồng”, sang câu 2, câu 3, rồi đến câu 4, vẫn tiếp dòng tự thán, tự kể, rất bâng quơ... tuy vậy, tác giả cũng vẽ nên một bức tranh đẹp, với những hình ảnh gợi cảm và giàu nhạc điệu. Hình ảnh người con gái “líu ríu”, “buông lơi lời hát”, bỏ lại “ngày xuân ngăn ngắt” vội sớm lấy chồng được phác họa với tiết tấu nhanh, thái độ bâng quơ, và sự không rõ ràng về đại từ nhân xưng khiến người đọc tuy “cảm” được thơ nhưng không hiểu được cấu tứ thơ nên chưa thật sự “khoái”, chưa thật sự “thích”.
Sang khổ thứ 2:
Se sắt buồn
Ơi người “xe chỉ luồn kim”
Ơi người nhớn nhác đi tìm
Đầu ghềnh cuối bãi
Lời xưa có còn mê mải...
Vẫn là những lời bâng quơ, tự thán, tự kể về mối tình trai gái, không đẩy cảm xúc thành cao trào, cứ hờ hững, trôi xuôi mà cũng chẳng mấy ăn nhập với tâm trạng ở khổ thơ đầu. Tiết tấu thơ chậm, dàn trải, không rõ đại từ nhân xưng, dẫu khiến tâm trạng người đọc bảng lảng, buồn mang mác đấy nhưng vẫn “không khoái”, “không thích” vì khó “bắt” tứ thơ.
Sang khổ 3, khổ kết của bài:
Tìm ai...
Kìa ai...
Lừng chừng câu hát
Gió gằn ràn rạt
Trời mưa...
Chấp chới cánh diều.
Nhịp thơ trầm, lắng, cảm xúc dâng trào, được đẩy lên với sự thúc giục, thảng thốt, của nghẹn ngào nước mắt, của “chấp chới cánh diều” giữa “trời mưa nặng hạt, “gió gằn”... nhưng người đọc vẫn khó “nắm” được tứ thơ dù khổ 3 có cái kết như một triết lý sống, như một mệnh đề để kết thúc bài thơ như vẫn thường thấy. Đến đây, dù đã đọc xong bài thơ, vẫn thấy mơ hồ, vẫn chưa thể nhận rõ ra “ai” với “ai” và tác giả “gửi gắm” những gì ở bài thơ này. Vì thế, bài thơ tạo cảm giác hư hư ảo ảo, lâng lâng, khó hiểu.
Mới đọc, dễ có cảm giác Chấp Chới như được ghép thành từ 3 bài thơ, với 3 cách nhìn ở 3 tâm trạng khác nhau, không có sự liên kết hoặc sự liên kết lỏng lẻo vì khó “bắt” được tứ thơ. Người không tinh sẽ bảo bài thơ bị tản vì tứ thơ bảng lảng như sương mù, không (có) rõ, thậm chí nếu khó tính còn hạ bút phê là thơ viết vội, không có tứ, nhưng thực ra bài thơ này viết theo lối mới, hiện đại: dùng tâm trạng và nhạc điệu để vẽ lên tứ thơ (tứ kín) nên tứ tập trung vào từng khổ thơ, tứ chỉ để phục vụ cái tâm trạng của nhà thơ, của người đàn ông đang đau khổ trước sự đổ vỡ của tình yêu đôi lứa. Đây là cách viết táo bạo, hơi liều, bởi nếu viết không khéo sẽ dễ bị “cảm” là viết ẩu, viết không tới. Là cây bút mới (về thơ), không nên dại dột thử sức như thế này, cho dù như anh tâm sự trên trang facebook là “mượn thơ chỉ để giãi bày tâm sự”.
Tóm lại, Chấp Chới là bài thơ có tâm trạng, có hình tượng, có nhạc điệu, chuyển cấu tứ rất nhanh nhưng đọc Chấp Chới phải thật tĩnh tâm, nhắm mắt để thả hồn theo ý thơ, nương theo mạch thơ thì mới cảm được hồn thơ. Nếu đọc Chấp Chới theo lối truyền thống, có vào đề, đến nội dung, rồi kết thúc như xưa nay thì khó “cảm” được bài thơ này.
Vài lời cảm nhận cá nhân khi đọc bài thơChấp Chới, có gì bất cập mong được bạn đọc, nhất là các nhà thơ, nhà phê bình văn học chiếu cố, đại xá cho kẻ hậu sinh “múa rìu qua mắt thợ”.
*.
Thanh Nê, chiều 26 tháng 04.2017
ĐỖ ANH TUYẾN
Địa chỉ: Khu Cộng Hòa, thị trấn Thanh Nê,
huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình
READ MORE - “CHẤP CHỚI” - MỘT BÀI THƠ LẠ CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN VỀ CẤU TỨ - Đỗ Anh Tuyến