Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, March 26, 2017

CHÊ - Tuỳ bút của Lão Gàn


              
                       Tác giả Lão Gàn Hoàng Đằng



                  CHÊ
                                      Tuỳ bút của Lão Gàn
Chê là sự đánh giá tiêu cực về một người, một vật, một việc nào đó. Chê thể hiện bằng nói xấu, chống đối; nói xấu, chống đối những gì mà mình không thích, hoặc cho là sai trái. Dựa vào đâu để chê? Mỗi xã hội, mỗi nền văn hoá, mỗi thời đại đều có mặc định thế nào là sai trái để dựa vào mà đánh giá tiêu cực – chê – một sự vật. Sự mặc định ấy thủ đắc được nhờ thẩm mỹ học, đạo đức học, tôn giáo học ...
Tuy nhiên, chê vẫn thường xuất phát do cảm tính từng người mà người thì không ai giống ai từ mặt mũi, dáng dấp, bản tính, môi trường sống, trình độ văn hoá ..., vậy nên nhiều khi trước một sự vật, người này chê nhưng người khác thì không, thời trước chê nhưng thời này không, Tây phương chê nhưng Đông phương không.
Chê còn xuất phát từ thái độ thiếu thiện cảm; không thích người nào, việc gì, vật gì thì chỉ nghe nói đến chê ngay. Sự thiếu thiện cảm bắt nguồn từ sự tranh giành quyền lợi – tranh giành giữa cá nhân này với cá nhân khác, giữa phe nhóm này và phe nhóm khác; sự thiếu thiện cảm còn bắt nguồn từ mặc cảm tự tôn hay tự ti giữa người và người không cùng một tầng lớp xã hội; người ở tầng lớp xã hội cao khinh bỉ người ở tầng lớp xã hội thấp; người ở tầng lớp xã hội thấp ganh ghét người ở tầng lớp xã hội cao; người và người thiếu tình thương yêu nhau, từ đó “đấu tranh giai cấp” diễn ra.
Chê còn bắt nguồn từ thái độ ngã mạn và ái kỷ, nghĩ rằng mình luôn trội hơn người về tài năng, về kỹ năng, về hiểu biết; ngã mạn và ái kỷ là những thành tố của bản tính con người. Vì vậy, thấy ai làm cái gì dù tốt, người ta vẫn chê là chưa tốt, vì nếu cho là tốt thì sợ rằng người ấy đã bằng mình, hoặc hơn mình. Trong tu hành, ngã mạn và ái kỷ là xấu, cần phải diệt trừ; nếu không bị diệt, ngã mạn và ái kỷ sẽ chận đứng tính dung chấp khiến người sống với người thiếu sự hoà ái.

Tuân Tử, một lý thuyết gia của Nho Giáo, (313 -235 tr CN) chủ trương: “Người chê ta mà chê phải là thầy ta.” Nói vậy thôi, chứ theo tâm lý thông thường, dù bị chê đúng, cũng không ai muốn mình bị chê, người bị chê luôn cảm thấy tự ái bị xúc phạm.
Bởi thế, từ “chê” được thay bằng từ “góp ý”; thay vì nói:”Anh làm vậy xấu quá, dở quá”, người ta nói nhẹ hơn: “Anh làm vậy không tốt lắm, không hay lắm, phải làm khác cơ!”.
Trong ngôn ngữ chính trị bây giờ, từ “chê” được thay thế bằng từ “phê bình”; thật ra, phê bình, hiểu đúng nghĩa, là xem xét trong sự vật có gì tốt, có gì xấu, có gì phải, có gì trái rồi nói ra, viết ra. Tuy nhiên, từ “phê bình” không còn phần nghĩa tích cực mà chỉ còn phần nghĩa tiêu cực; phê bình tức là chê. Do ngôn từ bị cưỡng nghĩa, hành vi “phê bình” hầu như mất đi tính xây dựng, chỉ còn mang dáng dấp hù doạ, gây thù chuốc oán; thế nên, việc phê bình thường đưa đến tình trạng “ăn miếng trả miếng” - mình phê bình người ta thì người ta sẽ phê bình lại mình. Trong cuộc sống, ai cũng có khiếm khuyết; do đó, tốt nhất là giữ im lặng, theo chủ nghĩa “mặc kệ”. Những chính trị gia đưa ra việc phê bình nhằm mục đích giúp nhau tiến bộ; bây giờ không dám phê bình, tức là đánh mất động lực tiến bộ, và chấp nhận trì trệ.

Chê có thể biểu hiện dưới hình thái nặng nề hơn; một người thiểu năng trí tuệ, trong học hành, sự tiếp thu chậm; một thầy giáo đánh giá: “Em hiểu bài không được tốt lắmGắng lên nghen!”, ấy là góp ý, nếu đánh giá: “Em học kém quá!”, ấy làchê; còn nếu đánh giá: “Em ngu chi mà ngu dữ rứa!”, ấy làmạt sát. Góp ý mang tính xây dựng nghĩa là người góp ý muốn người được góp ý cố gắng khắc phục điểm yếu của mình; chê là nhận xét chung chung thực trạng yếu kém của đối tượng, không mang tính khuyến khích; còn mạt sát là dìm đối tượng xuống, đẩy đối tượng vào tình trạng vô vọng.
Vì vậy, chê và mạt sát là không nên. Chê và mạt sát làm cho đối tượng mất tin tưởng, nhụt chí. Ở đời, ít người nổi trội mọi mặt hay trì trệ mọi mặt; thông thường, người giỏi mặt này thì kém mặt khác và ngược lại, những người giữ vai trò phán xét nên xiển dương (khen) mặt mạnh, mặt tốt và góp ý xây dựng mặt yếu, mặt kém. Sống không phải để đạp đổ mà để vực dậy.
Con người sống là sống cùng, sống bên và sống với, không thể tránh khỏi “búa rìu của dư luận”. Khi bị dư luận nói này nói nọ, con người phải lắng nghe, nhưng đừng để bị động. Người ngoài chê mình thì mình cần bình tĩnh, giữ bản lĩnh vững vàng, dùng lương tri thiên phú và trí thông minh thủ đắc từ học vấn và trải nghiệm để nhận ra điều chê nào là đúng, điều chê nào là sai. Dựa theo điều chê đúng để sửa mình, và phớt lờ điều chê sai, sao cho người chê không đúng thấy tác dụng lời chê của họ là con số không.
Một giai thoại kể rằng hai cha con mua một con ngựa từ xa đem về nhà. Trên đường đi, hai cha con đi bộ dắt ngựa; người đi qua, thấy vậy, chê: “Hai cha con này dại dữ rứa! Sao không cùng cỡi lên ngựa cho đỡ mỏi chân!” Thấy ý kiến phải, hai cha con cùng trèo lên ngồi trên lưng ngựa, một người đi đường khác chê: “Hai cha con to lớn thế, con ngựa gầy thế, sao cả hai cùng ngồi lên lưng nó để nó chịu nặng nhọc, tội nghiệp thế!” Nghe ý kiến này cũng phải, người con trụt xuống, trên lưng ngựa chỉ còn người cha; người đi đường thứ ba chê: “Sao ông cha này đành lòng ngồi trên lưng ngựa mà để con mình đi bộ đường dài, nhọc thế! Đúng là “phụ bất từ” (làm cha mà không biết điều)!”. Nghe ý kiến này vẫn phải, người cha xuống ngựa để người con lên, người đi đường thứ tư chê: “Người con này sao đành lòng ngồi trên ngựa mà để người cha đi bộ, đúng là làm con mà không biết hiếu - tử bất hiếu”. Ôi cái “lưỡi thiên hạ không xương nhiều đường lắt léo”.
Vậy thì phải tỉnh táo trước lời chê. Bị động bởi lời chê, người chê có đà xông tới, người bị chê thế nào cũng sa lầy vào rối loạn; Văn Trung Tử viết: “Nghe lời chê bai mà giận là làm ngòi cho người gièm pha.

                                             Hoàng Đằng
                                       20/3/2017 (23/Hai/Đinh Dậu)


1 comment:

nhấn mí mắt bao nhiêu tiền said...

Thơ là tiếng lòng...blog của chú hay thật đó!