Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, December 31, 2017

LỜI TỎ TÌNH ĐÊM BA MƯƠI - Truyện ngắn Lê Hứa Huyền Trân.


LỜI TỎ TÌNH ĐÊM BA MƯƠI
Truyện ngắn Lê Hứa Huyền Trân.               
               
                Kể từ khi chia tay Hy, tôi không còn muốn yêu một ai nữa. Tôi đã từng nghe ai đó bảo “Đàn ông yêu giống như sợi vải, khi yêu thì rất chặt, bện quyện vào nhau. Khi hết yêu giống như sợi vải đã sờn, chỉ cần kéo thẳng là đứt”, và có lẽ nó cũng tương ứng với tình yêu của tôi. Yêu nhau suốt bốn năm đại học, lại thêm hai năm tuổi xuân sau khi tốt nghiệp, cứ tưởng chừng trên đời này sẽ không có gì dứt ra được, thậm chí còn sắp cưới, bạn bè thân còn nhận được cả cái thiệp mừng, thế mà đùng một cái, Hy nói lời chia tay. Và đùng một cái ba tháng sau khi chia tay, Hy lấy vợ. Khỏi phải nói lúc ấy tôi thương tổn nhường nào. Bên tai lúc nào cũng nghe những lời nói đầy thương cảm :” Tội nghiệp con nhỏ, sắp cưới rồi mà còn bị bỏ. Đau lòng chết”. Có kẻ lại nghĩ khác:” Như thế này thì xấu hổ kể gì?”. Dù là xấu hổ hay đau lòng, tôi nghĩ cũng không thể diễn tả được hết cảm xúc tôi lúc này, nó gần như trống rỗng không có gì, đến mức, tôi ước gì thà để tôi đau lòng để biết mình còn cảm giác còn đỡ hơn.
Đùng một cái tôi nhận được điện thoại từ một số lạ:
-Phải Nghiên đấy không? Lâm Nhã Nghiên?
-Vâng, là Nghiên. Ai đấy ạ?
-Thái Anh. Café không? Quán cậu hay đi, mau đi, tôi đợi.
Phải mất một lúc lâu tôi mới nhớ tới cái tên đó. Đó là hắn, là người bạn học
Đại học mà tôi vô cùng ghét. Tôi lớp trưởng, hắn lớp phó, chẳng hiểu theo lẽ nào mà suốt ngày cứ kì kèo cãi nhau miết, tôi đưa ra ý kiến này thì thể nào hắn cũng phản bác đưa ra ý ngược lại, chả thế mà ngay khi tốt nghiệp, lời cuối cùng hắn nhắn trong tập lưu bút gửi tôi là :” Tôi sẽ nhớ mãi cậu, vì cậu là người mà ghét tôi nhất. Nhưng mà...”. Tôi những tưởng rằng chúng tôi sẽ không có bất cứ liên lạc gì với nhau thế mà ngay lúc này tôi lại nhận được điện thoại của hắn. Tôi bật cười, chẳng biết ông trời còn định hành hạ tôi thế nào nữa, lúc đau khổ nhất lại nhận được điện thoại của người mình ghét nhất, chắc hẳn là hắn đã biết chuyện của tôi, hắn là bạn thân của Hy cơ mà. Hẳn là hắn vẫn ghét tôi, đến độ hẹn tôi ra để cười. Mà thôi kệ, ít ra biết đâu hắn sẽ làm tôi đau trở lại. Bởi thế, tôi đi.
Tôi cũng suy nghĩ mãi về quán café mà hắn nói. Hắn có nhầm không, như nào mà biết quán café tôi hay tới, nhưng tôi vẫn rê bước tới. Thực sự tôi không muốn tới quán đó, nó là nơi ngập tràn kỉ niệm của tôi, Hy và hắn – kẻ luôn phá bĩnh mọi cuộc hẹn của chúng tôi. Khi tôi vừa vào quán, hắn đã ngồi đó. Hai năm trôi qua, trông hắn có phần trổ mã, tôi ước chừng tới vai hắn, bờ vai khá rộng:
-Cậu ngồi đi, cứ đứng đó mà choáng váng với vẻ đẹp trai của tôi thế à?
Hắn vẫn thế, tự mãn và đáng ghét.
-Sao bỗng dưng hẹn café?
-Nghe nói cậu bị đá, tôi muốn thấy cậu buồn như thế nào.
Chẳng hiểu sao nghe câu đó tôi lại bật cười. Lúc đó hắn bỗng nói với tôi:
-Cậu chỉ nên cười thôi, vì trông cậu đã xấu rồi, nếu còn khóc thì sẽ xấu thêm.
Tên đó, hắn chẳng bao giờ tử tế được. Hắn đòi chở tôi đi dạo bông, chẳng
Hiểu sao tôi lại đi, giờ tôi mới thấy thì ra hắn cũng có bờ vai to bè như Hy vậy, à mà có khi bờ vai hắn còn rộng hơn Hy nhiều. Đột nhiên, tôi muốn dựa vào hắn, nhưng còn lưỡng lự, bỗng tôi nghe trong gió có tiếng ai đó nói: “Cứ dựa vào đi, ghét có ghét nhưng dù gì cũng đang lạnh”. Thế là tôi lại ôm lấy hắn, chẳng biết hắn có cảm thấy bờ lưng hắn hôm ấy nóng bỏng không, hay ướt mẹp vì những giọt nước mắt tôi rơi mãi không dừng.
Và cứ thế cho đến khi xuân về trên phố nhỏ, đều đặn mỗi chiều thứ bảy hắn lại hẹn tôi tại quán café ấy, và cũng chẳng biết vì lẽ gì, tôi lại đến với người tôi ghét khá nhiều lần như vậy. “ Sao cậu cứ hẹn quán này?”. “ muốn quên đi nỗi đau thì hãy nên tập đối diện với nó.”. Bỗng dưng, so với thời còn là một tên lớp phó trẻ trâu, trông hắn trở nên đàn ông và biết điều hơn hẳn. Những quán mà tôi và Hy hay đi, hắn dẫn tôi đi ăn lại đúng những quán đó, những chỗ tôi và Hy hay tới, hắn lại dẫn tôi đi dạo, thức uống Hy thích, thức ăn Hy hay ăn, hắn vẫn luôn ăn trước mặt tôi, nhưng theo cách rất riêng của hắn mà từ từ thay đổi. “ Thế là từ giờ những nơi cậu đi với Hy, ăn cùng Hy, dạo chơi với Hy… tất cả đều thay thế bằng kỉ niệm bên tôi rồi. Nên cậu không được phép nhớ về Hy khi đi qua những nơi đó nữa.”
Đột nhiên, khi hắn ở bên cạnh tôi quá nhiều, tôi lại nghĩ: “ Tại sao mình từng ghét hắn?”. Tôi chưa bao giờ thử suy nghĩ cho câu hỏi đó, ngày đó, tôi ích kỉ, lòng mình tôi giành hết cho Hy, hắn lại luôn phá bĩnh chúng tôi, nên tôi đâm ghét, vì thế từng hành động của hắn, tôi đâm ra ghét hắn và lòng ghét cứ thế thành hình. Đến sau này, tôi càng không nghĩ nhiều về hắn, cứ nghĩ là mình ghét hắn thôi.” Cậu thực tình có ghét tôi không?”. “ Là cậu ghét tôi trước. Vì cậu cứ tỏ ra cậu ghét tôi nên tôi ghét cậu”. Hắn đáp gọn lỏn.” Thế sao bây giờ cậu lại ở bên người cậu ghét?”. Hắn chỉ mỉm cười.
Tết, hắn ở cạnh tôi đến mùa xuân qua, tôi đã mở lại điện thoại, đã lên chat chit trên facebook, đã đi làm lại sau nỗi đau với Hy, dần dần tôi đã có cuộc sống bình thường trở lại. Đêm ba mươi, hắn rủ tôi đi ngắm pháo bông giao thừa, lúc pháo bông vừa bắn vụt lên, hắn nói rất khẽ vào tai tôi :” Tôi sẽ nhớ mãi cậu, vì cậu là người mà ghét tôi nhất. Nhưng mà, tôi thích cậu”. Tôi chợt nhớ dòng lưu bút dang dở hắn để lại hồi tốt nghiệp…À, ra thế… 

Tác giả: Lê Hứa Huyền Trân,
Hội viên Hội VHNT Tỉnh Bình Định.
Mọi thư từ phúc đáp xin chuyển về địa chỉ: Lê Hứa Huyền Trân, Hội VHNT Tỉnh Bình Định, 103 Phan Bội Châu, thành phố Quy Nhơn, Tỉnh Bình Định

READ MORE - LỜI TỎ TÌNH ĐÊM BA MƯƠI - Truyện ngắn Lê Hứa Huyền Trân.

MỘT NỬA TIỂU THƯ - Thơ Trương Thị Thanh Tâm

Tác giả Trương Thị Thanh Tâm

Một Nửa Tiểu Thư
Thơ Trương Thị Thanh Tâm
              
Một nửa tiểu thư tôi còn sót lại
Nên chập chờn trong giấc ngủ có anh
Tình trong mộng, vẫn không là thực
Đã trở về trong quá khứ ngày xanh

Thuở có anh, tôi đất trời rộng mở
Non nước thanh bình, quê mẹ yên vui
Một nửa tiểu thư tôi đỏng đảnh cười
Trao cho anh những duyên thầm con gái

Rồi xóm nhỏ tan tành theo khói lửa
Tôi theo chồng nỗi khổ cũng cuốn quanh
Rồi một nửa thiếu phụ tôi chờ anh
Và tang tóc đã làm tôi goá bụa

Trời xui khiến nên hồng nhan bạc phận
Trở lại quê nghèo, anh bước sang sông
Tôi bến đợi vẫn còn hoài trông ngóng...!
Nửa thiếu phụ nầy... năm tháng tàn phai.

                Trương Thị Thanh Tâm

                             Mỹ Tho
READ MORE - MỘT NỬA TIỂU THƯ - Thơ Trương Thị Thanh Tâm

NẺO VỀ RU QUÊN / KHI NHÌN EM CHẢI TÓC *Thơ Tịnh Đàm



NẺO VỀ RU QUÊN

Nẻo về,
Lạnh bước chân đi
Nghe cơn mưa bụi,
Thầm thì giọt thương...

Mình tôi,
Lướt thướt trên đường.
Tìm trong xa vắng...
Chút hương tình đầu.

Chiều mưa xưa,
Có còn đâu?!
Người qua lối khác...
Nói câu tạ tình!

Tin yêu,
Giờ đã phân minh.
Thì thôi...
Người nhé!
Ru tình vào quên!


KHI NHÌN EM CHẢI TÓC

Rằng thương, bởi nét dịu dàng
Khi nhìn em chải đôi hàng tóc mây.
Lòng anh, nghe cũng buồn lây
Thấy trong mái tóc chớm gầy màu sương!

TỊNH ĐÀM

(HÓC MÔN, TPHCM.)
READ MORE - NẺO VỀ RU QUÊN / KHI NHÌN EM CHẢI TÓC *Thơ Tịnh Đàm

BÔNG BỤP *Chùm ảnh của Chu Vương Miện







READ MORE - BÔNG BỤP *Chùm ảnh của Chu Vương Miện

“NGƯỜI TỪ TINH CẦU KHÁC” TRONG “CÁNH ĐỒNG” * Phạm Đức Nhì



 “NGƯỜI TỪ TINH CẦU KHÁC” 
TRONG “CÁNH ĐỒNG”

 Phạm Đức Nhì

Rất vui nhận được bài Hồi Đáp Bạn Nhi Pham Về “Cánh Đồng - Một Bài Thơ Lạ” của bạn Vũ Đức. Tôi xin phép chia “Hồi Đáp” của bạn làm 3 phần chính để trả lời cho có lớp lang, bạn và người đọc dễ dàng theo dõi.

1/

Tại sao phải là người ngoài hành tinh chứ không thể khác? Tại sao tác giả thơ không một lần gặp mà biết họ già hay trẻ, xấu hay đẹp, biết những dấu vết còn lại trên cánh đồng là một thứ phương tiện bay nào đó mà Đông, Tây, Kim, Cổ chưa từng một lần thấy? 

Chỉ có tác giả mới có thể trả lời câu hỏi này của bạn rõ ràng và đầy đủ nhất. Hy vọng khi bài viết này đăng bạn sẽ nhận được câu trả lời từ anh ấy. Với nhận xét chủ quan của một người bình thơ, trong trường hợp Cánh Đồng, tôi thích sự lựa chọn “người từ tinh cầu khác” của tác giả. Nó là sự đột phá, giúp - về phương diện tứ thơ – đưa bài thơ vượt lên phía trước so với một số thi sĩ khác cùng viết về chủ đề “chữ dâm” này. (Tôi đã so sánh với Đậu Thị Thương và Đinh Thị Thu Vân). Nếu chọn “một người phi phàm nào khác” chẳng hạn, độ mới lạ làm sao sánh được với Đinh Thị Thu Vân khi chị “rao bán trái tim” mà:

không cần chọn lựa người mua
không cần sòng phẳng!
chỉ để mong nhận lại một chút tình
một chút tình
dẫu là thương hại!
một chút tình
cho bớt chông chênh…
(Trái Tim Rao Bán – Bài Thơ Đầy Bản Sắc, Đinh Thị Thu Vân, t-van.net) (1)

Về phương diện kỹ thuật, theo tôi, đó là một thủ pháp được thực hiện rất thành công. Riêng về kịch bản, như tôi đã nêu trong bài bình thơ, là chỗ yếu của bài thơ. Nó đặt ra nhiều câu hỏi khó trả lời thỏa đáng – như câu hỏi thứ hai của phần 1 này chẳng hạn.


2/

Tôi thống nhất với bạn Nhi Pham khi ví bài thơ như một cây cầu duy nhất. Trong khi bản thân nó là rộng hẹp bất tư. Cả bước trên mặt cầu, và cả phải cởi bỏ trang phục dầm người lội mới mong qua cầu. Cha mẹ ơi, mới là thơ mới. Mới đến mức để hiểu nó, hoặc là giống chuột lụt. Hoặc nguyên xi như lúc bà mụ vừa nặn thành ta. Đúng là mới như vừa sinh hạ. 

Nguyễn Hưng Quốc cho rằng “Thơ là cảm xúc đi tìm một đồng cảm”. Làm thơ là đem suy nghĩ, tâm trạng của mình trải trên trang giấy (bằng kỹ thuật thơ) để có người đọc, hiểu và chia sẻ những suy nghĩ, tâm trạng ấy của mình. Muốn thế, tứ thơ, ngoài những nhiệm vụ khác, phải là con đường đễ người đọc theo đó đến với cánh cửa trái tim của tác giả.

Cũng như bạn Vũ Đức, tôi rất ngán những bài thơ của những thi sĩ theo trường phái “Đem Con Bỏ Chợ”. Thơ của họ, cứ vài câu lại dẫn người đọc đến “bùng binh”, có đến 6, 7 ngã rẽ mà không có lời chỉ dẫn đi về hướng nào nên người đọc cứ phải … đi đại và rồi bám theo tứ thơ chừng nửa bài là “bơ  vơ  giữa chợ“, “lạc nẻo đường tình”. Tôi đã nhiều lần được mời “ăn tân gia” nhưng vì bị chỉ đường sai nên không đến được ngôi nhà mới – nơi đãi tiệc.

 Tấm Bản Đồ Vẽ Sai

Chọn lô đất tốt xây được ngôi nhà mới
ông mở tiệc mừng tân gia
“Đến chơi! Hay lắm!”
thư ông viết
mời bằng hữu gần xa

Ngay giữa trang thư một bản đồ
dọc ngang tự tay ông vẽ
và lời chỉ dẫn cặn kẽ
đường đi nước bước đến cuộc vui

Giờ hẹn đến rồi
chưa thấy bóng khách mời nào xuất hiện
đồ ăn nguội lạnh
bàn tiệc vẫn vắng tanh

Vài ngày sau
ông nhận được mấy thư trả lời
trong thư chỉ vỏn vẹn:
“Xin lỗi!
Không tìm thấy nhà.” (2)


Ngược lại, có những bài thơ đường đến “bến bãi” rất dễ đi nhưng lạc thú thưởng thức cái đẹp trên đường đi thì quá ít mà đến “bến bãi” rồi thì “hết”.

 Thơ của những thi sĩ non tay thường là “tứ hết thì ý cũng chẳng còn”. Bước chân vào “điểm đến của tứ thơ” là người đọc có quyền ung dung ngơi nghỉ. Hành trình thưởng thức thơ của ngài đã chấm dứt. Ngược lại, với bài thơ của thi sĩ cao tay, khi người đọc vào “điểm đến của tứ thơ”, nếu muốn, ngài có quyền thả hồn đi tiếp. Và cái hay, cái đẹp thực sự của thơ, cái đem lại cho người đọc rất nhiều khoái cảm thường tụ hội ở đoạn đường đi tiếp ấy.
(Chức Năng Truyền Thông Của Cánh Đồng, PĐN, phamnhibinhtho.blogspot.com) (3)

Có đoạn ca dao 4 câu tôi thuộc lòng từ hồi còn nhỏ vì mẹ tôi thường hát ru mấy đứa em:

Rau răm ngắt ngọn lại giồng (trồng)
Em yêu anh lắm sợ lòng chị ghen
Anh về bảo chị đừng ghen
Để em thấp thoáng bên đèn cho vui

Nhưng gần ba chục năm liền tôi vẫn không hiểu tại sao các cụ ta lại đưa cái câu vớ vẩn, lạc quẻ “Rau răm ngắt ngọn lại giồng” vào đoạn ca dao ấy. Đến khi tình cờ được ông bác họ giải thích cho hiểu, tôi thấy hay quá, cái cảm giác “sướng” cứ bám lấy tôi mấy ngày liền. Đúng là tôi đã phải “cởi quần áo bỏ vô bọc ny lông – chỉ mặc quần lót – bơi qua.” để hiểu được ý một câu ca dao. (Xin bạn Vũ Đức hiểu nghĩa bóng của câu “cởi quần áo…” chứ nếu cứ đè câu văn ra hiểu theo nghĩa đen thì “kẹt” nhau quá.) Thật ra, ý của câu ấy chẳng cao xa gì (khi đã biết); thế giới thi ca có nhiều bài cái ý ở đàng sau tứ thơ muốn hiểu ra còn khó hơn nhiều.

3/

Có điều, dù tư duy có trừu tượng đến đâu, cái không có cứ là không có. Cũng giống như không thể bổ cuốc vào mây trời và thấy một con “giun mây“ như ta vẫn đào giun dưới đất. Không có trực quan sinh động, Mọi tư duy hoặc là khiên cưỡng, hoặc là điêu ngoa. Logic là bất biến. Ngôn ngữ có hào nhoáng, câu cú có long lanh mấy mà phi thực tế, mà bịa đặt đều tỷ lệ nghịch với mọi cảm nhận.

Bạn Vũ Đức nói có lý. Nhưng có lẽ bạn quên 2 điều: Sự xê dịch của kịch bản thơ và lối nói thậm xưng.

Xạo Vì Xê Dịch Kịch Bản Thơ
Muốn thơ hay, tâm trạng phải thật, cảm xúc phải thật. Đó là điều cốt yếu. Trường hợp kịch bản cũng hoàn toàn thật nữa thì quá tốt; nếu kỹ thuật thơ của thi sĩ nhuần nhuyễn, bài thơ sẽ dễ có nhiều cảm xúc, và nếu hội đủ một vài điều kiện khác nữa, hồn thơ có cơ hội xuất hiện.
Nhưng không phải lúc nào kịch bản của bài thơ cũng “vừa khít” với tâm trạng. Đôi khi thi sĩ phải xê dịch, điều chỉnh chút ít để có sự ăn khớp cần thiết. Là một người làm thơ, thú thật, tôi cũng có một số lần làm như vậy. Chưa có sự đồng thuận của tất cả những người làm thơ, nhưng tôi nghĩ những xê dịch, điều chỉnh chút ít ấy có thể chấp nhận được. (4)

Mời đọc đoạn kết bài thơ Giấc Mơ Anh Lái Đò của Nguyễn Bính:

            Nhà giai thuê chín chiếc đò đón dâu
            Nhà gái ăn chín nghìn cau
            Tiền cheo, tiền cưới chừng đâu chín nghìn
            Lang thang tôi dạm bán thuyền
            Có người giả chín quan tiền, lại thôi.
 
Tôi không tin là trong thực tế, con số chín (9) hoàn toàn phù hợp với số lượng những “thứ” mà ông nói đến trong bài thơ. Đúng là ông “phịa”; nhưng ông “phịa” khéo quá, “cao tay ấn” quá, nên người đọc, theo dòng cảm xúc của mình, đâu cần biết “có đúng là chín chiếc đò đón dâu, có đúng là chín nghìn cau hay chín nghìn tiền cheo, tiền cưới hay không, mà chỉ thấy cái khoảng cách giàu nghèo giữa anh lái đò và tình địch hiện ra một cách rõ ràng và cay đắng, để rồi cái cảm giác bàng hoàng đau đớn về mối tình vô vọng của anh lái đò đã như một dòng thác đổ xuống, tràn ngập tâm hồn. Ở đây thủ pháp “bày tỏ, không kể lại” được phối hợp với phép điệp ngữ (chín) một cách tài tình đã dẫn đến 2 câu kết thật tuyệt vời. (5)

Với đôi mắt chi li kiểu toán học như anh Vũ Đức đọc đoạn thơ trên chắc là bực mình lắm?


Lối Nói Thậm Xưng – “Xạo” Nghệ Thuật

Khác với dối trá đời thường (trong thơ), lối nói thậm xưng là một kiểu “xạo” đầy tính nghệ thuật. Tác giả cũng “phịa” ra những điều không thật nhưng với mục đích “để tạo sự đột phá, thay đổi cái trật tự đời thường bằng cái phi lý mà có lý trong nghệ thuật” (6)

Sau đây tôi xin nêu ra một số câu thơ “xạo” một cách nghệ thuật.

A/ 

Con ho ngực mẹ tan tành
Con sốt lòng mẹ như bình nước sôi        

Đây là 2 câu lục bát trong bài “học thuộc lòng” thuở tôi còn học Lớp Tư (lớp 2 bây giờ). Câu này đọc lên nghe rất phi logic. Con ho thì ngực con đau chứ làm sao ngực mẹ lại “tan tành”? Con sốt thì người con nóng chứ sao lòng mẹ lại như bình nước sôi? Nhưng làm mẹ là như thế. Thương con đến mức “đau cả cái đau của con”. Nó diễn tả - rất đẹp, rất thơ - cái tình thương bao la của người mẹ đối với đứa con máu thịt của mình. Anh Vũ Đức nghĩ sao về cái “xạo” trong 2 câu thơ ấy?

B/

Muốn gởi đến em một áng mây 
lại sợ sẽ mưa làm Sài Gòn ngập nước
chưa kịp về nhà
người ta sũng ướt
mình ở xa
“con bệnh”
ai chăm nom?
(Muốn Gởi Cho Em, Phạm Hữu T, Facebook Phượng Kim Ngọc Huỳnh)

Anh chàng Phạm Hữu T này phải nói là “xạo tới bến”.  Ở tận nước Mỹ mà “Muốn gởi cho em một áng mây” trong khi em ở mãi Sài Gòn. Nhưng cái phi logic – làm đảo lộn cái trật tự đời thường, tạo đột phá trong thơ ca - ấy kết hợp với 3 câu thơ sau lại rất logic trong nghệ thuật. Phượng Kim Ngọc Huỳnh nghe chắc phải thấy mát từng khúc ruột.

D/

Sau cơn bão Hayan, thành phố Tacloban (Philippines) bị tàn phá nặng nề, xác người nằm xếp lớp. Đọc tin tới đoạn “hơn 90% dân ở đây là tín đồ Thiên Chúa Giáo”, một thằng bạn “nặng tai”, chúng tôi thường gọi là “Kh. Điếc”, trong lúc ngồi uống cà phê đã phát biểu (rất bố láo):
“Chắc khi dự đoán sắp có thiên tai tao phải cho Chúa của mày mượn cái Hearing Aid quá.”
Phát biểu bố láo của Kh. Điếc đã gợi ý để tôi viết Hai Bài Thơ Một Niềm Tin.(7) Dưới đây là đoạn kết của bài thứ nhất - Chắc Ngài Không Nghe Thấy:

Bão yên, nước rút
cảnh tượng thật kinh hoàng
thành phố tan hoang
xác người nằm xếp lớp
Cha xứ
mở cửa
ngôi giáo đường đổ nát
Chúa Giê-Su vẫn ngoẹo đầu
dang tay trên thánh giá
sợi dây điện
lủng lẳng dưới tai
Ai đó đã đeo cho ngài
một bộ máy trợ thính
(Hai Bài Thơ - Một Niềm Tin, PĐN, t-van.net) (7)

Dĩ nhiên, đây là đoạn thơ “xạo” 100%. Sau cơn bão có ai vào nhà thờ đeo máy trợ thính cho tượng Chúa bao giờ. Tôi đã mượn hình ảnh không thật ấy để diễn tả nỗi buồn bực, thất vọng, pha chút oán trách của con người (có cả những người tin Chúa) đối với Thiên Chúa. Tôi đã dùng bài thơ sau để - với cái nhìn của mình - giải thích sự im lặng của Ngài. 

E/

Cánh Đồng

Như đã trình bày ở phần 1, sự lựa chọn “người từ tinh cầu khác” của Nguyễn Đức Tùng là rất “đắt”, rất nghệ thuật. Với kỹ thuật thơ điêu luyện - kết hợp Show, Not Tell, lối nói thậm xưng và thế trận “cắt cầu” – anh đã tạo được một đoạn kết hoàn hảo, gây ấn tượng mạnh mẽ. Với óc tưởng tượng phong phú, anh đã mở rộng đến mức tối đa quyền tự do của phụ nữ trong việc thỏa mãn nhu cầu tình dục của mình.

Cao Hơn Một Mức – Ca Từ Trịnh Công Sơn

Nhiều người khen ca từ của Trịnh Công Sơn nhiều câu còn hay hơn cả thơ (nhưng ít ai giải thích). Tôi chọn câu sau đây trong bài Như Cánh Vạc Bay:

Tóc em từng sợi nhỏ
rớt xuống đời làm sóng lênh đênh

Ôi! Chỉ có mấy sợi tóc nàng rớt xuống – không phải xuống hồ hay sông, biển - mà là xuống đời cũng đủ làm đời “dậy sóng”, làm biết bao phận người chao đảo, ngả nghiêng. Làm sao mà thực được. Cây cầu liên tưởng không chỉ bị cắt một, hai nhịp mà đã được tháo bỏ hoàn toàn để còn lại một dòng sông mênh mông. Nhưng người đọc nhạy cảm vẫn thấy có cái gì đó gần gũi, mời gọi và quyết tâm vượt qua. Và khi bằng cách nào đó qua được bờ bên kia thì lại thấy câu ca từ ấy “xạo tổ” nhưng rất đẹp, rất “thơ” và rất tuyệt. Nghe rất khoái, rất đã.

Tôi có cảm tưởng, TCS không làm thơ nhưng ca từ của ông, nhiều câu không những đẹp hơn, hay hơn mà hình như đã bước lên một tầng bậc mới, cao hơn hẳn nhiều loại ngôn ngữ thường thấy ở trong thơ.

Kết Luận

Đến đây chắc bạn Vũ Đức đã thấy tôi chẳng điêu ngoa tí nào. Tôi đã đem đến tận mắt bạn những câu thơ rất “xạo” nhưng mức độ “xạo” lại tỉ lệ thuận với cảm giác thích thú của người đọc. Độ “xạo” càng cao thì người đọc càng “sướng”.

Một số bạn đọc yêu thơ quen biết đã bày tỏ thiện cảm với bài thơ và tán thành nhận xét của tôi trong bài bình thơ Cánh Đồng - Một Bài Thơ Lạ. Dĩ nhiên, cũng có nhận xét trái chiều. Với một bài thơ lạ, đó là chuyện bình thường. Nhưng mặc dù có khuyết điểm, với cách nhìn thơ của tôi, đây là bài thơ hay, thành công. Và để có sự thành công đó, lối nói thậm xưng – đưa “người từ tinh cầu khác” vào bài thơ – đã đóng góp một phần không nhỏ.

Phạm Đức Nhì

CHÚ THÍCH:

6/ (Có Cái Gì Đó Sai Sai Trong Bài Phê Bình “Một Kịch Bản Thơ ‘Xạo’”, Diên Hồng Dương)





READ MORE - “NGƯỜI TỪ TINH CẦU KHÁC” TRONG “CÁNH ĐỒNG” * Phạm Đức Nhì

Friday, December 29, 2017

"ÔNG CÒN CÓ CON" *Truyện ngắn Lê Hứa Huyền Trân

Tác giả Lê Hứa Huyền Trân


"ÔNG CÒN CÓ CON"
*Truyện ngắn
*Lê Hứa Huyền Trân

Lão ngậm ngùi nhìn vườn tắc tan hoang, cả trăm cây giờ chỉ còn trơ gốc, ngập nước, úng, tróc rễ, có vài ba chục cái chậu vẫn còn bươn chải đứng hiên ngang như nuối tiếc thân cây mà bấy lâu mình bảo vệ.

-Thế là tất cả ra đi cả rồi, chúng mày thực sự đi cả rồi!

Lão cố ép cho hai hàng nước mắt chảy ra trên gò má nhăn nheo, nom sáu mươi mà trông lão như già đi thêm chục tuổi. Cái Tết gần kề, cái Tết đầy mơ ước của lão bỗng chốc trở thành giấc mơ như trong những câu chuyện kể. Lão nhớ bận lão chăm cả đàn vịt mấy trăm con, coi chúng như con cháu trong nhà, chăm còn hơn chính mình, vậy mà cái dịch H5N1 quái ác nào đó tràn tới, người ta bắt lão đi tiêu hủy, lão còn có người để mà oán giận. Dù là vô lí nhưng lão còn có ai đó để trút giận, để mà thương tiếc, còn bây giờ, lũ về cuốn phăng cả khu vườn lão tất tưởi chăm, thì lão biết trách ai, biết tìm ai để mà trút giận bây giờ? Lão chỉ có thể kêu than, trách cứ ông trời, trách cứ mẹ thiên nhiên, nhưng lão cũng nhận ra tai liền miệng đấy, có chửi thì cũng chỉ mình lão nghe mà thôi, lão lại im bặt. Cái đau đớn của lão nó thấu trời, đến mức lão ngồi lì tại chỗ suốt mấy ngày liền, chẳng buồn ăn uống. Mà thật là từ khi lão chui vô cái chốn chẳng mấy ai lui tới này, chẳng ai thèm quan tâm đến lão, chẳng ai thèm quan tâm đến kẻ dở người bỏ vợ con để đi chăm lo cây cảnh như lão cả.

Năm năm trước lão từ vợ con gom hết vốn liếng mua một mảnh đất màu mỡ tít sâu gần chân núi để trồng tắc. Ban đầu, lão chỉ tính mua mảnh đất ấy để sống cho hết cuộc đời  này, sau, tuổi già chán chường, nhất là sau bận phải tự tay tiêu hủy đàn vịt, lão không muốn nuôi con gì nữa, ấy thế mà buồn nên lão chuyển sang nghề vui thú với cây cối cho bớt hiu quạnh tuổi già. Trong năm lão thích nhất là Tết, với lão thời gian này là thời gian hoan hỉ nhất trong năm, nên lão bắt đầu trồng vài cây cảnh chơi tết. Ai đâu cho lão mấy cành tắc chiết, lão đem về chiết chơi, ai ngờ lên cây, thế là lão ưng, nhớ năm đầu tiên lão trồng được vài chậu, cho vài người quen mà lão hay mua đồ ăn dưới trấn, ai cũng khen lão ngọt tay, có điều trái hơi nhỏ và còn xanh nhưng có cây chơi thì cũng thuận. Thế là lão thú, ai chê lão ném vào lòng cho kì hết, tìm tòi trồng tắc. Lão học được tắc mà từ khi chiết cành cho đến khi đem bán thường tốn khoảng ba năm, có nhiều nơi trồng tắc một năm để Tết đem bán là được rồi, nhưng kì công là phải từng ấy năm, lão không thiết tha chuyện bán buôn, chỉ là muốn làm cái gì thì làm cho tròn việc, thế là lão bán đi một phần đất để mua một lượng lớn tắc chiết.

Con trai lão thi thoảng ghé thăm, thấy lão vò võ chỉ biết tặc lưỡi:

-Con khuyên ba về ở với má, với con không chịu. Về đây chi cho khổ vậy trời. Về rồi còn đống giấy tờ đất đai cần ba phải kí, con cứ phải lên đây rồi lại xuống mất công quá trời.

Lão không nói gì chỉ im lặng chiết mớ cây. Lão không muốn nói, lão thừa biết con lão lên đây làm gì, chăm chỉ cả đời lão cũng để dành được chút vốn liếng, lão mua mảnh đất dưới phố nào ngờ mảnh đất ấy giải tỏa, lão trúng đậm, lãi mẹ đẻ lãi con, lão mua liền mấy mảnh đất khác, của vô hời hời. Nhưng khi lão giàu lên, bắt đầu người quen họ hàng ở đâu mọc lên như nấm, kẻ nọ mách kẻ kia tới xin tiền lão, lão không ác, lão vẫn cho, nhưng nhiều quá khiến lão bực mình vì nhận ra mình không phải một nhà từ thiện. Thế là lão đóng cửa, họ hàng nói lão phất lên rồi khinh người. Bên ngoài là thế, vợ con lão bắt đầu vòi tiền lão, gia đình lão thì lão nuôi, lão nề hà gì, nhưng bà vợ lão bắt đầu sanh tánh hay mua sắm, đồ dư thừa cứ chất đống trong nhà, thằng con trai độc nhất của lão xe lại … hư liên tục, vòi lão mua xe mới, có bận lão còn thấy nó cạy tủ lấy giấy tờ đất đem bán. Có thế lão mới nhận ra, giàu lên cũng là một cái tội và gia đình không còn là chỗ dựa cho lão nữa nên lão bỏ nhà đi. Lão đuổi thằng con ra khỏi căn nhà nhỏ của lão rồi lầm bầm:

-Mày lấy hết đất rồi, giờ còn đất này của tao, đừng mơ lấy nữa.

Lão nhìn trời, tiết trời đang vào xuân, thời gian này chiết cây khá hợp, tắc thường được chiết vào tháng 12 âm lịch hàng năm để kịp trồng khi xuân đến vì khi ấy tắc sẽ phát triển tốt hơn các mùa khác, bởi rễ sẽ phát hơn sau khi chiết nhiều. Lão hì hục khiêng mấy chục chậu sứ lụi cụi, đến khổ, cũng sáu mươi rồi, một hai chậu đã ê a cái lưng. Biết vậy, nãy lão nọc thằng con ra khiêng rồi đuổi nó về cũng được.

-Để con!

Lão quay lại, là thằng nhóc Rô, “hàng xóm” duy  nhất của lão. Nó năm nay lên mười, nhà nó là căn chòi sát cạnh nhà lão, ba mẹ nó mất năm ngoái trong một tai nạn, nên nó trở thành trẻ mồ côi. Nó thất học nhưng siêng, ngày ngày đi lượm nhôm nhựa kiếm kế sinh nhai, khi rảnh rỗi lại hay tạt sang nhà lão để giúp đỡ.

-Vậy giờ con bỏ mỗi chậu một cây hả ông?

Đúng rồi, với múc đất vô. Nhìn cho kĩ sau này nhớ, đất phải là đất tơi xốp, nhớ bón phân vô, giai đoạn đầu là phải chăm kĩ, dễ yểu.

Thằng nhóc nghe chiều liến thoắng, nhưng có nó lão bớt buồn, lão nói gì nó cũng nghe. Lão huyên thuyên thế nào nó cũng kiên nhẫn hùa theo, có mỗi nó hiểu được lão nhọc công thế nào và tâm huyết ra sao. Lão thương đám tắc như con, ngày nắng thì chăm che, chỉ hở chút nắng để cây con đón nắng, ngày mưa thì che bạt để không bị xói chậu. Mỗi bận mùa mưa về, căn nhà dột trên dột dưới của lão còn chưa kịp che chắn thì đã thấy lão bận vội cái áo mưa tiện lợi phi ra giăng bạt cho lũ tắc con. Thằng Rô nằm ngủ ở chòi bên thấy lão lao ra cũng phi vội tay đùm tay nắm giúp lão, giăng hết cả mảnh đất hai người ngồi thở phì phò nhưng cười nắc nẻ.

Năm thứ hai, cây quất dần dần lớn lên thành hình, ai đi qua cũng khen, nhưng lão vẫn chờ thêm nữa cho đến độ chín. Mỗi năm là phải lo sửa tán tới ba bốn lần để cây mọc lên theo hình chóp nón mới có kiểu đẹp. Lão chăm tắc hơn chăm con, công việc từ năm này qua năm khác của lão chỉ là lao ra vườn, có sâu thì bắt, có cỏ thì nhổ, che nắng che mưa, sửa tán rồi tỉa cành. Thi thoảng, thằng Rô còn bắt gặp lão đang nói chuyện với mấy cái cây:

-Mấy đứa mau lớn, mau đẹp rồi tao đem bán hết. Bán không phải bỏ bê chúng mày mà để người ta biết chúng mày đẹp như thế nào.

Ai có thể cười lão vì cho rằng lão dị quá nhưng thằng Rô thì hiểu lão hơn ai hết. Từ một gia đình hạnh phúc lão mất tất cả chỉ vì đồng tiền. Yêu thương chăm bẵm đàn vịt thì mất hết chỉ vì một đại dịch, giờ lão chẳng có gì tựa vào, chỉ có lũ tắc, lão xem như con âu cũng là vì cô đơn quá nên lấy môt vật vô tri làm chỗ dựa. Những khi bão về, khi thằng Rô còn co ro trong chòi, đã thấy lão chạy như bay ra mang từng chậu vào nhà, khệ nệ, trong cơn gió to ngày ấy, cái thân thể gầy còm của lão thậm chí chốc chốc như không đứng vững, tưởng chừng có thể bay lên bất cứ lúc nào.

Đến năm thứ ba, xuân về, nhiệt độ bắt đầu lên cao, lũ tắc thì nhau trĩu hoa đâm quả, lão lại tỉa bớt đi. Thằng Rô tiếc rẻ:

-Cây nhiều trái mới đẹp, mới lộc, ông đem tỉa hết.

Lão mắng:

-Mày khờ, lúc này chưa được. Tắc này đem chơi tết, chưa tới kì, phải tỉa bớt để tập trung chất dinh dưỡng cho cây, đến kì phù hợp, bón phân nhiều để cây sai trái lại, thân lại tràn đầy dinh dưỡng sẽ đậu quả hơn, nói cứ như hệt người nhà nông thứ thiệt, kì thực cũng vì dồn hết tâm sức vào. Những ngày đông về cũng là cuối năm, ba năm trôi qua nhanh như gió, Tết năm nay lão cũng “ mồi chài” được với vài tụ điểm. Ai cũng thi nhau canh me vườn tắc của lão, vườn tắc được trồng những ba năm trời. Thế rồi lũ về, lũ lớn hơn mợi năm nhiều, đồng bào miền Trung tang thương do lũ, cơn lũ đi qua căn nhà của lão ào nhanh như một cơn mưa rào nhưng quét sạch chẳng còn thứ gì. Người ta được lệnh di tản, lão một mực ở lại giữ nhà, giữ vườn, người ta phải bắt lão đi, lão vừa tới nơi an toàn thì tất cả chỉ còn mênh mông biển nước. Đợi nước rút lão lại về, căn chòi thằng Rô chì còn vài mảnh bạt vất vưởng, căn nhà lão chỉ còn trơ nóc, còn vườn tắc tuyệt nhiên không còn một thứ gì, lũ quét sạch mọi thứ. Lão gào khóc thấu trời. Người ta đi qua nghĩ lão tiếc vì cả một vườn tắc biết bao nhiều là tiền nếu bán bộn, nhưng thằng Rô biết lão khóc vì lão mất một “đàn con”, và lão chỉ khóc vì thế. Lão bỏ ăn, lão ngồi im, thằng Rô không biết làm gì vì cả nó cũng chẳng còn gì cả. Móc túi sao được dăm đồng bạc lẻ, nó suy nghĩ một hồi rồi xuống phố mua vài thứ. Về, nó đưa cho lão, lão mở, là một cành chiết từ cây tắc và một ổ bánh mì.

Cành chiết hai chục, bánh mì mười ngàn, ăn bánh mì rồi ông có sức bắt đầu lại từ đầu. “Đàn” tắc mất hết nhưng ông còn có con mà, con sẽ giúp ông bắt đầu lại. Ông không ăn rồi bênh rồi đi luôn thì con không còn ai cả luôn đấy.

Nói rồi nó òa khóc nức nở, lão nhìn thân thể ốm nhom gầy đét của nó, nhìn ổ bánh mì mà nó dắt túi móc ra mua , nhìn ba năm qua nó cứ quấn quýt quanh lão, và hiểu nó cũng đau xót khi thấy vườn tắc như thế này ra sao nhưng nó lo cho lão hơn. Lão chợt đưa ổ bánh mì dai nhách cắn ngang:

-Mày nói đúng, tao còn có mày mà. Chúng ta sẽ bắt đầu lại từ đầu.

Đúng rồi, sau cơn mưa trời lại sáng, mọi thứ sẽ lại bắt đầu, ngoài kia mùa xuân đang đến rồi, vẫn còn những bàn tay. vẫn còn sức, và nhất là còn thằng Rô, người cuối cùng mà lão nghĩ quan tâm lão còn ở lại, lão vẫn còn tất cả.

Lê Hứa Huyền Trân
Hội viên Hội VHNT Tỉnh Bình Định.
READ MORE - "ÔNG CÒN CÓ CON" *Truyện ngắn Lê Hứa Huyền Trân