Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, December 22, 2016

HAI NỬA VẦNG TRĂNG – MỘT BÀI THƠ ÁM ẢNH - Trần Thanh Phương



     HAI NỬA VẦNG TRĂNG – MỘT BÀI THƠ ÁM ẢNH
                                                          Trần Thanh Phương


Họa sỹ, nhà thơ Hoàng Hữu, tên thật là Nguyễn Hữu Dũng sinh 24/9/1945 tại Tiên Lãng - Hải Phòng. Mất 30/12/1981  tại Phú Thọ.Giải B cuộc thi thơ Tuần báo Văn nghệ (1981) và nhiều tặng phẩm, giải thưởng trong nước và quốc tế về đồ họa.
(Ảnh và chú thích từ bài: 
Tác giả 'Hai nửa vầng trăng' và mối tình bí mật, tienphong.vn.)




                  Hai nửa vầng trăng
                                        Hoàng Hữu


           Tình cờ anh gặp lại vầng trăng
           Một nửa vầng trăng thôi, một nửa
           Trăng vẫn đấy mà em xa quá
           Nơi cuối trời em có ngóng trăng lên.


           Nắng tắt đã lâu rồi, trăng thức dậy dịu êm
           Trăng đầu tháng có lần em ví
           Chữ D hoa như vầng trăng xẻ nửa
           Tên anh như nửa trăng mờ tỏ
           Ai bỏ quên lặng lẽ sáng bên trời.


           Ơi vầng trăng theo con nước đầy vơi
           Trăng say đắm dào trên cỏ ướt
           Trăng đầu tháng như đời anh chẳng thể nào khác được
           Trăng cuối tháng như đời anh hao khuyết
           Em đã khóc
           Trăng từng giọt tan vào anh mặn chát
           Em đã khóc
           Nhưng làm sao tới được
           Bến bờ anh tim dội sóng không cùng


           Đến bây giờ trăng vẫn cứ còn xanh
           Cứ một nửa như đời anh, một nửa
           Nhưng trăng sẽ tròn đầy, trăng sẽ…


           Trăng viên mãn cuối trời đêm đêm em có nhớ
           Mặt trăng từng khuất nửa ở trong nhau.
                                                                   8.1981   


 Đây là bài thơ đạt giải B Cuộc thi thơ năm 1981 – 1982 của Tuần báo Văn Nghệ. Đọc bài thơ, mặc dù còn nhiều chỗ chưa thể hiểu ngay được, nhưng nỗi xót xa của hai nửa vầng trăng chẳng thể nào đến được sự viên mãn cũng như linh cảm về cuộc đời “một nửa” của nhân vật trữ tình cứ luôn ám ảnh trong tâm trí, buộc tôi phải đi tìm hiểu sự thật suốt nhiều năm qua. Và lần theo những nguồn tư liệu tôi đã biết được nhà thơ tên thật là Nguyễn Hữu Dũng (một chữ D hoa – tên anh). Anh làm nghề họa sĩ. Khi đã có vợ con đề huề, tình cờ anh gặp một nữ đồng nghiệp dịu dàng, xinh đẹp cũng có tên bắt đầu bằng chữ D hoa (tên em) thì mối tình không cưỡng lại được bỗng dưng bùng cháy trong lòng làm anh cứ mất ăn mất ngủ. Mối tình ấy chủ yếu là đơn phương nên nó nung nấu những khát vọng được đền đáp một cách mãnh liệt và hết sức trong sáng. Bản thân nhà thơ lại bị bệnh tim nên cuộc đời ngắn ngủi chỉ có “một nửa”, nếu được yêu lại chắc cũng không thể đến với nhau “viên mãn” được. Như vậy ý tưởng của bài thơ là nói về mối tình dang dở của hai nửa vầng trăng (ẩn dụ bằng chữ D hoa) cùng khát vọng tình yêu vượt lên trên hoàn cảnh và bệnh tật.

 Khổ thơ đầu tiên nói về “vầng trăng – một nửa” tượng hình thành chữ D hoa (tên em). Nhưng “Trăng vẫn đấy mà em xa quá” đã xác định mối tình đơn phương của nhân vật trữ tình. Loại tình cảm này chỉ có cho mà không mong được nhận, không giống như mối tình “mây – gió” trong thơ Xuân Diệu: “Mây chừng ấy đó, gió bao nhiêu” (Anh yêu em chừng ấy còn em yêu anh được bao nhiêu*). Vì thế mà khát khao được đền đáp trở nên tha thiết, cháy bỏng hơn bao giờ hết. Nhà thơ hỏi trong sự tưởng tượng người yêu có hay “ngóng” trăng say đắm như mình: “Nơi cuối trời em có ngóng trăng lên” – Mượn trăng để thổ lộ lòng mình là cách nói kín đáo tế nhị giống với những cách nói của cha ông ta trong kho tàng ca dao dân ca.

 Khổ thơ thứ hai cho ta biết lý do của sự hình thành thi tứ: “Trăng đầu tháng có lần em ví/ Chữ D hoa như vầng trăng xẻ nửa/ Tên anh như nửa trăng mờ tỏ/ Ai bỏ quên lặng lẽ sáng bên trời”. Một sự liên tưởng rất cụ thể và thú vị của các họa sĩ vốn rất nhạy cảm với những hình khối mang tính biểu tượng như thế. Một nửa vầng trăng cũng đã từng xuất hiện trong thơ Nguyễn Du (Vầng trăng ai xẻ làm đôiTruyện Kiều) hay gần đây, trong ca từ của nhạc sĩ An Thuyên (Cắt nửa vầng trăngCa dao em và tôi), nhưng để nói về một cái tên người cụ thể thì có lẽ đây là một sáng tạo đầu tiên và duy nhất trong kho tàng thi ca nhân loại.

  Nếu hai khổ thơ đầu ít nhiều còn nói sự việc (Tình cờ anh gặp lại vầng trăng; Nắng tắt đã lâu rồi trăng thức dậy dịu êm) hoặc giải thích lý do (Trăng đầu tháng có lần em ví…), thì đến các khổ thơ tiếp theo hoàn toàn chỉ còn tình cảm tha thiết, ám gợi:

                Ơi vầng trăng theo con nước đầy vơi
                Trăng say đắm dào lên cỏ ướt

 Câu thơ thứ nhất vận dụng những kiến thức khoa học về mối liên hệ giữa thủy triều lên xuống và quỹ đạo của vầng trăng, nhưng chỉ cần một chữ “theo” đã làm cho vầng trăng hóa nên sống động và nặng tình. Câu thơ thứ hai thật là tài hoa của sự kết hợp giữa ngôn từ và hình khối: “Trăng say đắm dào lên cỏ ướt”. Từ “theo” đến “say đắm” đã là cả một bước tiến dài về mặt tình cảm và hình tượng. Các chữ “dào lên cỏ ướt” rất tạo hình. Động từ “dào” ở đây thật đắt. Đã từng có những cách đặc tả ánh trăng rất hay như ánh trăng “nhễ nhại” (Nam Cao) hay ánh trăng “dàn dụa” (Dương Kiều Minh), nhưng chưa thấy ai sử dụng động từ chính xác và đắc địa như tác giả bài thơ này - “Trăng say đắm dào lên cỏ ướt” đúng là một sáng tạo độc đáo của riêng Hoàng Hữu -  Ở bên trên đã có “con nước” thì ở bên dưới “cỏ ướt” là lẽ tất nhiên: Từng đợt sóng trăng trào lên bờ cỏ ướt nước cũng là ướt ánh trăng lóng lánh mê ly. Trăng đẹp như thế, cuộc sống đẹp như thế mà nhà thơ đã như linh cảm thấy mình sắp sửa phải ra đi mãi mãi vì quỹ thời gian (theo dự báo của bác sĩ điều trị) đã sắp cạn kiệt rồi! Những câu thơ giống như những lời nói “gở” nhưng không “gở” chút nào vì nhà thơ đã biết trước tất cả để khẳng định như đinh đóng cột:

           Trăng đầu tháng như đời anh chẳng thể nào khác được
           Trăng cuối tháng như đời anh hao khuyết
           Em đã khóc
           Trăng từng giọt tan vào anh mặn chát
           Em đã khóc

 Không chỉ “Em đã khóc” mà tất cả những bạn bè của nhà thơ, những người đọc thơ đều rưng rưng trong tâm hồn trước một con người tài hoa bạc mệnh! Hai câu thơ tiếp theo như cứa vào lòng người đọc: Một người bị bệnh tim đã sống hết mình cho tình yêu, cho nghệ thuật, trái tim của anh đã “phát sóng” hết công suất: “Nhưng làm sao tới được/ Bến bờ anh tim dội sóng không cùng”. Đó là một cuộc sống đích thực dám đi đến cùng trong tình yêu và niềm đam mê của mình - Nó làm cho những người đang sống khỏe mạnh không khỏi có sự chạnh lòng và tự xem lại bản thân.

 Ba câu thơ tiếp theo như đúc kết lại một cách đầy xót xa nhưng vẫn lấp lánh niềm tin: “Đến bây giờ trăng vẫn cứ còn xanh/ Cứ một nửa như đời anh, một nửa/ Nhưng trăng sẽ tròn đầy, trăng sẽ…”. Sự đay đi đay lại “Một nửa vầng trăng thôi, một nửa” rồi lại xác  quyết: “Cứ một nửa như đời anh một nửa”, đúng như Hữu Thỉnh cảm nhận:“nó cứ như bào như xát vào gan ruột người ta. Và đấy là thành công, là hiệu quả nghệ thuật của bài thơCái dở dang vĩnh viễn của Hoàng Hữu đánh thức cái dở dang của mọi kiếp người”**. Ai biết nhà thơ có cố ý không nhưng ngay từ nhan đề bài thơ đã cho người đọc liên tưởng đến hai chữ D còn có nghĩa là dang dở: Cuộc đời dang dở; Sự nghiệp dang dở và cả tình yêu cũng đành dang dở! Câu thơ cuối cùng không nói hết được, như hụt hơi, nấc nghẹn, còn biết bao điều âm vang trong dấu ba chấm (…) để cho người đọc tự suy đoán lấy bằng sự trải nghiệm của riêng mình.

 Khổ thơ kết bài giống lời dặn dò, trăng trối giàu tính chiêm nghiệm:

             Trăng viên mãn cuối trời đêm đêm em có nhớ
             Mặt trăng từng khuất nửa ở trong nhau

 Xuất phát từ sự quan sát tinh tế: Một nửa trăng hình chữ  D hoa, nhìn kỹ, ta vẫn có thể thấy được một nửa trăng phía bên kia mờ mờ, khớp với nhau để tạo thành một vầng trăng tròn đầy, viên mãn. Nhà thơ hỏi em, dặn em nhưng cũng là nói với tất cả chúng ta, hay ngược lại, đọc hai câu thơ này, ta cảm thấy như chính mình đang nói với một ai đó những lời tha thiết chân thành nhất. Đó là sự kỳ lạ của thơ, hay nói rộng hơn là của nghệ thuật nói chung. Vì vậy, đối tượng trữ tình được gọi là “em” trong bài thơ này không nên giới hạn vào chỉ một cô gái có tên bắt đầu bằng một chữ D hoa nào đó. Đấy chỉ là cái cớ cho ý tưởng thơ phát triển. Sự chiêm nghiệm “Mặt trăng từng khuất nửa ở trong nhau” vẫn thường phổ biến trong cõi nhân sinh, có trong tất cả mọi người và nó mang tính nhân loại phổ quát. Đó cũng là điều mà chị Nguyễn Thị Minh, vợ của cố họa sĩ - nhà thơ Hoàng Hữu, sau 31 năm hờn giận chồng vì cô gái có chữ D hoa trong bài thơ, cuối cùng cũng đã nhận ra rằng: “Sự “tình cờ” bởi cái tên cúng cơm do cha mẹ đặt: Nguyễn Hữu Dũng, cái tên bắt đầu bằng chữ D hoa đã khiến anh viết thành công bài thơ gửi tặng cho đời. Vượt nỗi đau số phận nghiệt ngã của mình chắt lọc ra hai nửa vầng trăng, nửa “tròn đầy” nửa “viên mãn” vững tin ở ngày mai tốt đẹp”***

                                                          Quy Nhơn, 12/ 2016
                                                                      T.T.P


Chú thích:
* Nhà thơ Xuân Diệu tự phân tích ra như thế trong  một lần nói chuyện với SV Khoa Ngữ Văn tại Hội trường A Trường ĐHQuy Nhơn vào năm 1982
** Hữu Thỉnh: “Lời giới thiệu tập sách Hoàng Hữu – Tác phẩm” đang trên Tôn vinh văn hóa đọc, dẫn từ nguồn Vanvn.net
*** Nguyễn Thị Minh: “Hai nửa vầng trăng và lá thư của vợ người quá cố” đăng trên nico – paris.com.

***
From: 
rolanphuongnd@gmail.com




READ MORE - HAI NỬA VẦNG TRĂNG – MỘT BÀI THƠ ÁM ẢNH - Trần Thanh Phương

TÌNH BUỒN - Trương Thị Thanh Tâm


Ảnh tác giả.


TÌNH BUỒN
Trương Thị Thanh Tâm
                          
Chiều nay tôi ngồi một mình, nhìn qua khung cửa, những giọt nắng cuối cùng còn nuối tiếc vướng vít qua hàng cau kiểng trước nhà, lòng thấy bâng khuâng…

       Dạo nầy trời cứ mưa liên tục, ảnh hưởng đến những cơn bão từ đâu đưa đến, hết cơn bão nầy lại đến cơn bão khác, hiếm hoi lắm mới có những giọt nắng mong mỏng, khiến con người cũng vì đó mà chật vật trong cuộc sống, những con đường ngập nước, nhiều tỉnh lũ lụt, dân tình điêu đứng oán than, thiên tai đủ loại, tất cả làm muôn sự khổ, trời phán hay người đày đọa người, mọi thứ điêu linh…

    Lòng tôi trào dâng những nỗi buồn, cứ cô đọng trong tâm hồn, lẻ loi hoài vọng, xa xa là những ước muốn, nỗi thèm khát cứ lớn dần khi người tôi yêu mỗi ngày một cách xa, hay vì thiếu sự hiểu biết trong tình yêu mà xảy ra những mâu thuẩn để từ đó mà dằn vặt lẫn nhau, dù đến với nhau là một mối tình vụng trộm do hoàn cảnh đưa đẩy... thẹn với lòng, nhưng tiếng nói của trái tim đã làm u uất một tâm  hồn, không lối thoát, nhưng biết làm sao được khi con tim lên tiếng thì trí óc trở nên mụ mẫm, cái đầu và trái tim cứ chống đối nhau, cứ thế mà bị dằn vặt giữa đạo đức và sự ích kỷ của con tim.

       Trong một tình cờ, tôi đã gặp lại người xưa sau khi đã mất liên lạc nhau hơn bốn mươi năm, mối tình nguyên trinh thời con gái, thời còn e ấp thẹn thùng, cái thời tôi như nụ hoa hé nở, được bủa vây, được nhiều người ngắm nghía, trầm trồ ngưỡng mộ, ấy thế mà tôi lại phải lòng... trời xui đất khiến hay ma đưa lối quỷ dẩn đường, để trái tim đập sai nhịp, dao động bởi một người, thần tình yêu đã gõ cửa, cũng là lúc nhận ra mình đã yêu đơn phương, nước mắt tìm về, những giọt nước mắt ngây ngô vụng dại đã và đang làm cho cuộc đời tôi trở nên u buồn cho đến nay và mãi mãi về sau…

        Một cuộc hội ngộ đâu có thể làm ấm được  trái tim khi nó đang bắt đầu già cỗi, hạnh phúc có được bao nhiêu khi đã quá muộn màng, và mọi thứ đã vào guồng, nó sẽ bị thúc đẩy bởi sự ích kỷ trong lòng mỗi con người, sự tham lam đã không còn là tính chất của tình yêu nên luôn luôn có những xung đột, mâu thuẫn, gian dối cuộn trào để rồi lại sẽ là một tan vỡ, trái tim nhỏ máu từng hồi để vết thương đó lâu lâu lại có dịp rên la oằn quại, nào ai biết được là mình đang vay hay được trả, những đam mê ươm mầm trong lòng người, sự thoát thai trong sở thích đã từ từ giết chết một tình yêu. Những đêm dài không ngủ, những cái tôi trong mỗi con người lấn át những khát vọng yêu thương…

       Tình là tình không mong mà có, tình là tình khi có mà không giữ, cái gì mà chân chất quê mùa, lời nào mà hứa chuyện trăm năm, cái lưỡi không xương, trăm lần uốn được, đôi khi tôi thấy giận bản thân mình đã ngu muội dứt bỏ những cái trong tầm tay, để đi tìm những cái hư ảo, cái ân cái ái còn đó mà đã đánh tiếng bạc lòng, trăm năm không nợ thời thôi, cớ sao lại để dây dưa thế nầy, chuyện đời kẽ bán người mua, trả xong thì hết còn ân nghĩa gì, tuổi nầy còn được bao lâu ngày vui nữa  đâu, khi trút hơi thở cuối cùng, có mang theo được gì đâu mà mơ ước hư danh, có chăng là những thương yêu, hận ghét luôn tồn tại trong linh hồn, người hạnh phúc luôn quên kẽ bất hạnh.

       Tôi lớn lên và đi vào đời bằng những nhọc nhằn, nào mơ ước cao sang, tôi biết mình đã bám nhằm một thân cây gỗ mục nát, từ đó mà không ngày nào là không rơi lệ, đời truân chuyên, phận bọt bèo, năm tháng làm úa nhàu thân xác chỉ vì một lần lầm lỡ mà đành buông xuôi theo số phận...!

                                           Trương Thị Thanh Tâm 
                                                         Mỹ Tho 


READ MORE - TÌNH BUỒN - Trương Thị Thanh Tâm

CẬN LỤC CHÂU Ô - Thơ Chu Vương Miện

Kính gửi Các Niên Trưởng Trường Nguyễn Hoàng, Lê Hưũ Thăng, Tuệ Chương Hoàng Long Hải, Hoàng Văn Liệu, Phạm Thị Như Hoàn... (Chu Vương Miện)


Nhà thơ Chu Vương Miện


CẬN LỤC CHÂU Ô

Chúa Nguyễn Hoàng ngày xưa
Từ Nghệ An vào Ái Tử
Còn bây chừ chúng ta từ đó lại ra đi
Ca sĩ tài hoa Duy Khánh
Thác từ hơn 10 năm trưóc
Hoàng Thi Thơ cũng cành trúc trăng tà

Thôi kiếp này tình miềng đành xa ngái
Nơi xứ ngườì nhớ mãi mãi Bích La
Ôi đông và tây cũng cận kề Bồ Bản
Như Hoàn ơi! Chi theo bóng sương mờ

Thôi bốn tỉnh miền Trung cát vàng cát trắng
Sừng sững núi Hồng, bãi muối sông La
Cá chết tiệt dạt vào bờ Nam Hải
Hận muôn đời hai chữ Fomosa

Hết vẩn đục môi trường
Qua thiên tai lũ lụt
Miền Trung nghèo xơ xác lại tan hoang
Nơi ngập lúa cánh đồng ngang với biển
Chả còn chi? (ngoài thi phẩm Điêu Tàn)

Gió đưa cành trúc la đà
Hồi chuông Sắc Tứ canh gà Tri Bưu
Lõ hai mắt thị xã cùng thành cổ
Cũng tan ra theo cát miệt Nhan Biều

Mấy mươi năm xưa Phạm Duy soạn
Bài ca Bà Mẹ Gio Linh
Năm 1972 nhà văn Phan Nhật Nam
Soạn Đại Lộ Kinh Hoàng
Ôi lũ lụt mưa bão
Xoá phăng làng chài Mỵ Thủy
Ta nơi này đứng khóc nước cùng non?

Ơi người xưa còn gia gia cuốc cuốc
Chừ nơi đây đôi mắt đã mòn?

                   Chu Vương Miện


READ MORE - CẬN LỤC CHÂU Ô - Thơ Chu Vương Miện

MỪNG NOEL, TRỜI TRỞ RÉT - Thơ Nguyễn Khôi

   
                         Nhà thơ Nguyễn Khôi

Lời thưa : Nhân dịp Noel & mừng năm mới 2017. Nguyễn Khôi xin gửi đến các Bạn Thơ, bạn bè, thân hữu lời chúc Sức khỏe & Hạnh phúc... có đôi vần thơ chia sẻ 


MỪNG NOEL - TRỜI TRỞ RÉT
            "Không ai bằng Trời"
                      (Tục ngữ)
                      
        
Đón Noel mừng Trời trở rét
Chúa Trời ban cho cái Phúc lành
Người khỏe khoắn do hợp thời tiết
Cánh đồng làng mơn mởn tươi xanh...
                     
Có rét : hoa Đào bung trúng tết
Dân Hà thành trưng quần áo giầu sang
Thi nhân khởi  hứng vần Thơ tết
Siêu thị, chợ quê ngợp ngợp hàng...
                      
No đủ chớ quên miền Trung đấy
Nạn Formosa, hạn lụt dày
Rẻo cao lo chừng Trâu đói rét
Sẻ lòng "từ thiện" nới vòng tay...
                      
"Thiên thời" báo hiệu Xuân nay đẹp
Ơn Trời dân chúng có Niềm vui
- Mấy anh tham nhũng/ Quan chức béo
Chớ có huênh hoang ngược mệnh Trời.

             Hà Nội,  Noel 2016-2017
                NGUYỄN KHÔI

READ MORE - MỪNG NOEL, TRỜI TRỞ RÉT - Thơ Nguyễn Khôi

CUỐI NĂM QUA ĐÈO NHỚ BẠN - Thơ Hoàng Yên Lynh



          

CUỐI NĂM QUA ĐÈO NHỚ BẠN        
* Nhớ TNL-PCT      
Về lại đèo cao gọi bạn xưa
Cuối năm sương trắng phủ lưng đồi
Góc quán nghiêng nghiêng hình bóng cũ
Ơi bạn bên  trời có nhớ tôi ?

Bạn đi thăm thẳm trời mây nước
Còn nhớ mùa xuân trên lối xưa
Quán vắng lưng đèo dăm ba đứa
Tình khúc xuân ca đón giao thừa.

Tôi về đối ẩm chỉ mình tôi
Góc quán chơ vơ bạc áo đời
Có đàn chim én lưng chừng núi
Nhắn bạn xuân về chén rượu cay.

Thôi cũng là xuân bạn biết không
Quán vắng đèo nghiêng lại chạnh lòng
Thời gian mòn mỏi đời cô quạnh
Ngóng bạn xuân về... chỉ hư không.
                       Hoàng Yên Lynh

READ MORE - CUỐI NĂM QUA ĐÈO NHỚ BẠN - Thơ Hoàng Yên Lynh