Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, December 12, 2016

NHÀ THƠ LÍ BẠCH - Nguyễn Ngọc Kiên dịch thơ


         

           NHÀ THƠ LÍ BẠCH

                                              Nguyễn Ngọc Kiên dịch thơ

Lý Bạch 李白 (701-762) tự Thái Bạch 太白, hiệu Thanh Liên cư sĩ 青蓮居士, sinh ở Tứ Xuyên (làng Thanh Liên, huyện Chương Minh, nay là huyện Miện Dương). Quê ông ở Cam Túc (huyện Thiên Thuỷ - tức Lũng Tây ngày xưa). Lý Bạch xuất thân trong một gia đình thương nhân giàu có. Lúc nhỏ học đạo, múa kiếm, học ca múa, lớn lên thích giang hồ ngao du sơn thuỷ, 25 tuổi "chống kiếm viễn du", đến núi Nga My ngắm trăng, ngâm thơ rồi xuôi Trường Giang qua hồ Động Đình, lên Sơn Tây, Sơn Đông cùng năm người bạn lên núi Thái Sơn "ẩm tửu hàm ca" (uống rượu ca hát), người đời gọi là Trúc khê lục dật. Sau đó được người bạn tiến cử với Đường Minh Hoàng, ông về kinh đô Trường An ba năm, nhưng nhà vua chỉ dùng ông như một "văn nhân ngự dụng" nên bất mãn, bỏ đi ngao du sơn thuỷ.

Đến Lạc Dương, gặp Đỗ Phủ kết làm bạn vong niên (Đỗ Phủ kém Lý Bạch 11 tuổi). Họ cùng Cao Thích vui chơi, thưởng trăng ngắm hoa, săn bắn được nửa năm. Rồi ông lại tiếp tục chia tay Đỗ Phủ viễn du về phương nam. Những năm cuối đời ông ẩn cư ở Lư Sơn. Tương truyền năm 61 tuổi ông đi chơi thuyền trên sông Thái Thạch, tỉnh An Huy, uống say, thấy trăng lung linh đáy nước, nhảy xuống ôm trăng mà chết. Nay còn Tróc nguyệt đài (Đài bắt trăng) ở huyện Đăng Đồ, An Huy, là địa điểm du lịch nổi tiếng. Người đời phong danh hiệu cho ông là Thi tiên, Trích tiên, Tửu trung tiên,...

Sau khi ông qua đời, Lý Đăng Dương sưu tầm thơ ông. Theo đó thì ông làm khoảng 20.000 bài, nhưng ông không để tâm cất giữ nên nay chỉ còn khoảng 1.800 bài. Thơ ông viết về mọi đủ mọi đề tài: vịnh cảnh, thưởng hoa, tình bạn, nỗi khổ đau của người dân, nỗi cay đắng của người vợ trẻ xa chồng (chinh phụ, thương phụ), của người cung nữ, nỗi cô đơn và bất lực trước vũ trụ vô cùng vô tận, nỗi cay đắng vì có tài mà không được dùng... Đề tài nào cũng có những bài tuyệt tác.

                               (Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)



Phiên âm:
THU PHỐ(1) CA
Bạch phát tam thiên trượng
Ly sầu tự cá trường
Bất tri minh kính lý
Hà xứ đắc thu sương

Dịch nghĩa:
BÀI CA THU PHỐ
Tóc trắng [tưởng như] dài ba ngàn trượng
Nỗi sầu ly biệt cũng dài bằng
Chẳng hay trong gương sáng kia
Còn chỗ nào để lọt sương thu?

Dịch thơ:
BÀI CA THU PHỐ
Tóc trắng ba ngàn trượng
Theo sầu dài lê thê
Chỗ nào trong gương sáng
Để sương thu ướt nhoè?

望庐山瀑布
日照香炉生紫烟,
遥看瀑布挂前川。
飞流直下三千尺,
疑是银河落九天。

Phiên âm:
VỌNG LƯ SƠN BỘC BỐ
Nhật chiếu Hương Lư sinh tử yên,
Dao khan bộc bố quải tiền xuyên.
Phi lưu trực há tam thiên xích,
Nghi thị Ngân Hà lạc cửu thiên.
Dịch nghĩa:
NGẮM THÁC BỘC BỐ Ở NÚI LƯ
Ánh nắng chiếu rọi trên sông Hương Lư sinh ra khói tía
Từ xa ngắm cảnh thác núi treo trước con sông này
Thác nước chảy như bay xuống từ ba nghìn trượng
Ngỡ như là dải Ngân Hà lạc khỏi chín tầng mây
Dịch thơ:
NGẮM THÁC BỘC BỐ Ở NÚI LƯ
Nắng rọi Hương Lư khói tía lồng
Xa nhìn Bộc Bố, thác treo sông
Như bay thẳng xuống ba ngàn thước
Tự Ngân Hà lạc chín tầng không

下江陵(2)
朝辭白帝彩雲間,
千里江陵一日還。
兩岸猿聲啼不住,
輕舟已過萬重山。

Phiên âm:
HÁ GIANG LĂNG
Triêu từ Bạch Đế thái vân gian,
Thiên lý Giang Lăng nhất nhật hoàn.
Lưỡng ngạn viên thanh đề bất trú,
Khinh chu dĩ quá vạn trùng san.

Dịch nghĩa:
XUỐNG GIANG LĂNG
Buổi sáng từ biệt thành Bạch Đế, ở trong làn mây rực rỡ,
Đi suốt một ngày, vượt qua ngàn dặm về tới Giang Lăng.
Hai bên bờ sông tiếng vượn kêu mãi không thôi,
Thuyền nhẹ đâu ngờ đã vượt qua muôn trùng núi non.

Dịch thơ:
XUỐNG GIANG LĂNG
Sáng từ Bạch Đế vạn màu mây
Nghìn dặm Giang Lăng, trọn một ngày
Tiếng vượn đôi bờ kêu chẳng dứt
Thuyền qua muôn núi nhẹ như bay.

靜夜思
床前明月光,
疑是地上霜。
舉頭望明月,
低頭思故鄉。

Phiên âm:
TĨNH DẠ TỨ
Sàng tiền minh nguyệt quang,
Nghi thị địa thượng sương.
Cử đầu vọng minh nguyệt,
Đê đầu tư cố hương.

Dịch nghĩa:
NGHĨ TRONG ĐÊM VẮNG
Trước giường trăng sáng soi,
Ngỡ là sương trên mặt đất.
Ngẩng đầu nhìn vầng trăng sáng,
Cúi đầu lại thấy nhớ quê nhà

Dịch thơ:
NGHĨ TRONG ĐÊM VẮNG
Bản dịch 1
Ánh trăng rọi đầu giường
Ngỡ mặt đất phủ sương
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng
Cúi đầu nhớ cố hương.
Bản dịch 2
Đầu giường trăng rọi sáng loà
Ngỡ như mặt đất nhập nhoà hơi sương
Ngẩng đầu ngắm ánh trăng suông
Cúi đầu bỗng nhớ cố hương xa vời.
……………………
Chú thích:
(1) Tên huyện, nay thuộc thỉnh An Huy

(2) Bài này có bản chép “早發白帝城” [Tảo phát Bạch Đế thành], (Buổi sáng đi từ thành Bạch Đế

                                                                                  Nguyễn Ngọc Kiên

READ MORE - NHÀ THƠ LÍ BẠCH - Nguyễn Ngọc Kiên dịch thơ

QUA ĐÁM CỎ LAU - Truyện ngắn của Thủy Điền


 


     QUA ĐÁM CỎ LAU

      Nhớ những năm còn trẻ, tuổi 16, 17 gì đó, còn đang học lớp 11. Cứ khoảng hai ba ngày là mẹ tôi hay khều khều hỏi nhỏ?
- Tuấn nầy ! Bộ con có tình ý gì với con Lan sao ? Mà mẹ nhìn thấy con lẽo đẽo qua nhà nó suốt vậy.
- Đâu có gì đâu mẹ, bạn bè học cùng trường, cúng lớp gặp nhau chia sẻ việc học hành hàng ngày vậy mà.
- Nếu không có gì thì thôi, mà có gì cũng thôi nha Tuấn, con biết đó gia đình người ta giàu còn mình nghèo, lỡ có chuyện gì họ đền, mẹ chẳng biết lấy đâu ra mà đền cho người ta nha con.
-  Dạ, mà sao mẹ lo xa quá, con đã nói là không có chuyện gì kia mà.
- Ờ thì mẹ nhắc chừng vậy đó, không thừa đâu con.

   Thật tình thì mẹ tôi là một bà mẹ quê như bao bà mẹ quê khác, thấy con lớn là muốn cho chúng có đôi, có bạn dựng vợ, gã chồng để có cuộc sống riêng như mọi người. Nhưng không phải khi con lớn lên muốn là được ngay. Nó còn phải tùy thuộc vào mọi thứ và hoàn cảnh khác nhau như: Giàu-nghèo, Danh vọng, Giai cấp v…v. Bởi thế vì sợ nên bà hay thường rào đón tôi trước khi bước chân vào tình và đời. Trong sự rào đón nầy nó cũng có cái tốt và cái xấu. Tốt là để bảo vệ danh dự gia đình đừng bị kẻ khác coi thường, xấu là sự cản trở vô lý khi hai người thật sự yêu nhau.
  
    Năm học lớp 9 rồi lớp 10 chung với Lan, tôi chưa bao giờ để ý và thấy nàng có những nét gì để mình quan tâm, mặc dù hàng ngày hai đứa vẫn kè kè bên nhau trong học tập. Nhưng khi sang lớp 11 được vài tháng tôi tự thấy nàng hiện lên trước mặt tôi một nét đẹp diệu kỳ mà tôi chưa bao giờ thấy trong những năm qua. Nàng như một bông hoa hồng nở đúng mùa, một màu hồng sặc sỡ. Nét đẹp ấy đã đập vào hồn tôi và tôi thốt lời yêu em từ dạo ấy. Hai chúng tôi yêu nhau trong mối tình trong trắng qua những lần ôn bài- làm bài mà bạn bè và thầy cô giáo cứ ngỡ chúng tôi là hai bạn thân như hồi lớp 9, lớp 10. Nhưng người tinh ý và phát hiện ra đầu tiên là mẹ tôi, chắc có lẽ bà luôn quan tâm như tôi đã kể phần trên “Lòng bà mẹ quê “ Còn riêng gia đình Lan thì tôi không rõ. Họ mặc nhiên để tôi đến và lờ đi khi thấy chúng tôi gần nhau. Tóm lại họ chẳng hề phản ứng hay chống đối, ngằn cản gì cả. Có lần tôi tò mò hỏi Lan để mà còn phòng thân. Nhưng Lan cũng thật tình trả lời là nàng cũng không hề biết.
  
     Thời gian- rồi thời gian chuyện tình yêu bắt đầu sâu đậm. Chúng tôi nghĩ ngợi xa hơn và tiến dần dần từng bước, hy vọng một ngày nào đó hai đứa sẽ mãi bên nhau và trở thành chồng vợ, sanh con, đẻ cái sống hạnh phúc trăm năm.
   Một hôm tôi nói với nàng bây giờ chúng ta đã tròn hai mươi tuổi, ai cũng có công việc làm mình tự sinh sống được. Thôi mỗi đứa phải về nói gia đình để chúng ta tiến đến hôn nhân, nàng ngoan ngoản nghe lời tôi về thuật lại tất cả cho gia đình nghe và bày tỏ ý định mình như thế. Hồi đầu họ ừ ừ hử hử, nhưng ba hôm sau họ từ khước ngay: Lý do gia đình tôi kém hơn họ mọi điều và cấm cản không cho nàng quan hệ với tôi nữa. Trong sự cấm cản và không đồng ý ấy, đương nhiên phải có tiếng khóc. Nhưng biết làm sao bây giờ khi người lớn đã đành lòng quyết định .

    Sau cơn ấy lòng tôi đau gần mấy tháng trời, hai căn nhà cách nhau không xa mà không sang thăm nàng được. Rồi mỗi đêm cứ thao thức, trằn trọc muốn đánh liều. Nhưng thôi vì thương nàng nên tôi để cho mọi chuyện được yên và trả nàng trở lại với gia đình, sống một cuộc sống bình thường và hy vọng nay mai nàng sẽ gặp một tấm chồng khá khỉnh hơn tôi cho thỏa nguyện của gia đình. Và kể từ đó tôi luôn cho những lời của mẹ tôi ngày ấy là một chân lý, và xem cuộc tình ấy như cơn gió chiều qua đám cỏ lau.
                                                                               Thủy Điền
                                                                              10-12-2016

READ MORE - QUA ĐÁM CỎ LAU - Truyện ngắn của Thủy Điền

BIẾT - Thơ Đặng Xuân Xuyến





BIẾT

Ừ biết
Em rồi chẳng đợi
Mà lòng chẳng nỡ buông lơi.
Ừ biết
Chỉ lời giả dối
Mà tin, tin đến cạn lời.

Thôi thì
Sắm vai người dại
Ngô nghê với tháng năm dài
Một mai giữa đời gặp lại
Chỉ là lữ khách vãng lai.
Thôi thì
Xuân tình trễ nải
Gãy duyên, gãy cả trâm cài.

Hà Nội, Ngày 21 tháng 03 năm 2015
ĐẶNG XUÂN XUYẾN

READ MORE - BIẾT - Thơ Đặng Xuân Xuyến

VỚI LÃO… CÒM SĨ TRẦN NHƯƠNG - Tản văn của Đinh Ba

       
                        Tác giả Đinh Ba


           VỚI LÃO… CÒM SĨ TRẦN NHƯƠNG
              (Nhân kỉ niệm 10 năm trannhuong.net)
   
Ngày nào mình cũng vào trannhuong.com, đối với mình trang website này đã như một phần tất yếu cuộc sống. Cơm có thể mười ngày không ăn, nước có thể một tuần không uống chứ không thể một ngày không đọc trannhuong.com. Chủ của trang này cũng chính là nhà thơ, nhà văn, nhà báo, họa sĩ Trần Nhương. Gần đây nghe nói lão còn là “lực sĩ” nữa. Kinh! Cái tên “lão Trần” là do lão tự nhận, mình cũng thích gọi lão như thế. Mặc dù về tuổi đời, lão cũng chỉ hơn mình từ ¾ đến ½ thế hệ mà thôi!

Thực ra thì mình đã đọc lão từ rất lâu rồi. Năm 1980, khi lão còn đang là lính vận tải, còn trẻ hơn mình bây giờ rất nhiều, có ra tập thơ “Gương mặt tôi yêu” (NXB QĐND) in chung với Nguyễn Trọng Tạo và Khuất Quang Thụy. Hồi ấy bọn mình còn đang là lính bộ binh ở rừng, đói cơm đói cả văn hóa nên có tập thơ này trong tay thì sướng quá, đọc đến thuộc làu không thiếu dấu chấm dấu phảy. Mình còn nhớ, trong tập thơ có những câu: “Mặt đầy đặn là xe Y Pha / Mặt trái xoan là xe Giải Phóng”. Thiên hạ mới tán ra rằng: những cô gái có khuôn trăng đầy đặn và những cô gái có khuôn mặt trái xoan chắc phải phát khóc và chạy mất dép khi thấy Y Pha và Giải Phóng chạy qua làng! Hi, hi! Lại một chuyện nữa, có lần một ông tuyên huấn Binh đoàn xuống nói chuyện văn hóa văn nghệ hỏi lính về các nhà thơ Việt Nam, lính ta trả lời rất “hồn nhiên”: Ở Việt Nam, sau Nguyễn Du, Nguyễn Trãi là đến … Trần Nhương, Nguyễn Trọng Tạo và Khuất Quang Thụy! Bác Thụy về sau có cái truyện ngắn “Nhà Vân ở bến Phù Vân” đăng trên Văn nghệ quân đội (1981) cũng nổi đình đám lắm, sau lại giành giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật, hiện đang là phụ trách tuần báo Văn nghệ. Còn bác Tạo “làng quan họ quê choa” thì thơ, văn, nhạc, họa đủ cả khỏi phải nói, mà cái gì cũng hay cả!

Năm 1979, nghe nói lão về học trường viết văn Nguyễn Du khóa 1. Khóa này toàn những học viên tên tuổi đã lừng lẫy trên văn đàn. Giáo viên của trường ngoài những cây đại thụ như các GS – TS Phạm Vĩnh Cư, Huỳnh Khái Vinh, Hoàng Ngọc Hiến, còn có các nhà thơ nhà văn nổi tiếng như Xuân Diệu, Nguyên Hồng. Nghe đồn các bác đến lớp chỉ là cái cớ để trò ngưỡng mộ thầy và thầy thì … kính nể trò! Thế mà có lần ông Tố Hữu lại bảo: Tào phào, cái nghề viết văn chẳng ai dạy được ai cả. Nhưng nói cho thật công bằng, khóa 1 Trường Nguyễn Du toàn người tài thôi! Thầy Hoàng Ngọc Hiến (đã mất) ngoài những công trình khoa học có giá trị còn có câu nói để đời: Cái đất nước mình nó thế! Còn bác Thỉnh, đồng môn với lão, nếu không bận gánh vác công việc xã hội mà cứ chuyên chú vào làm thơ thì bây giờ bác ấy đã giật giải Nobel từ lâu rồi. Chứ cái giải thưởng Hồ Chí Minh thì đã nhằm nhò gì so với tài năng của bác ấy! Ngay như bác Phùng Khắc Bắc, vốn chỉ quen với những công việc hành chính sự vụ, tiếc rằng bác ra quá sớm nhưng đã kịp để lại “Một chấm xanh” lấp lánh trên thi đàn Việt Nam, cụ Tú Hói Xuân Thiều khen đến đứt lưỡi. Sau khi Phùng Khắc Bắc qua đời “Một chấm xanh” được trao giải Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991, đưa tác giả lên hàng những nhà thơ đương đại danh tiếng.

Bẵng đi một thời gian khi tuổi đã lục thập, lão Trần chuyển sang viết văn xuôi, vẽ và làm cái còm. Trang trannhuong.com có lượng người truy cập khắp năm châu. Nhà văn Nguyễn Hiếu nói rằng, ông rất thích gửi bài cho trang này bởi nó không chỉ vì văn chương mà còn vì con người. Riêng hội họa, lão lại vẽ cả tranh “nude” mới kính nể chứ! Nhà lão có cái món “cơm bụi chấm com” ngon lắm, mình cũng ăn rồi nhưng lão không biết. Không biết cơm nhà lão có vệ sinh không, nhưng vì mình tốt bụng nên ăn vào mà chẳng bị sao cả! Rồi cứ rằm tháng giêng âm lịch (ngày thơ Việt Nam) lão lại ra Văn Miếu vẽ truyền hình siêu tốc nữa chứ! Cách đây dăm bảy năm gì đó, lần đầu tiên mình ra Văn Miếu định gặp lão nói dăm ba câu để bày tỏ lòng ngưỡng mộ nhưng chỉ dám “kính nhi viễn chi” thôi. Rằm tháng giêng năm nay, mình cũng ra Văn Miếu định xin lão chữ kí vào cuốn “Gió tháng ba vẫn thổi” nhưng thấy lão đang tí tởn vẽ kí họa mấy mụ nạ dòng. Mình châm một điếu thuốc, đứng từ xa quan sát mới phát hiện ra cách thức kí họa siêu tốc của lão quả thật là… siêu. Gặp những mụ sồn sồn hoặc đã sồ sề, lão kí họa nhanh lắm. Siêu tốc thì phải thế chớ! Gặp những em trẻ trung, xinh đẹp lão quan sát rất kĩ, rồi ngắm nghía, đôi mắt sau cặp kính của lão tít lại như một sợi chỉ. Rồi lão vẽ lâu ơi là lâu! Phải thế mới lột tả được cái thần của nhân vật chớ! Mà thiên hạ kể cũng lạ, nhất là mấy mụ đàn bà cứ xúm đen xúm đỏ, vòng trong vòng ngoài cho lão kí họa thì có gì là hay cơ chứ! Lúc này mình mới hiểu thâm ý của lão: Đã tự xưng là “lão” thì còn ai “đề phòng” với lão nữa. Đúng là tẩm ngầm mà đánh chết voi! Mình ghen tị với lão, mình mà biết kí họa siêu tốc thì thiên hạ cũng khối đứa chết!

Có một đặc điểm là thơ Trần Nhương hơi bị nhiều gió: “Gió tháng ba vẫn thổi”, “Gió làng ta xanh ngát”, “Gió bát ngát đồng rừng”. Gió tháng ba vẫn thổi thì sang tháng tư không thổi nữa chắc? Mà lão làm như chỉ có mỗi Phú Thọ quê nhà lão là có gió ấy. Rồi gió gì mà xanh ngát, ngoa thế chứ lị!
Nói thật, xưa nay mình rất dị ứng với thứ thơ ngâm vịnh, hô khẩu hiệu, kiểu như: “Muốn hô một tiếng vang trời đất / Muôn năm muôn năm Mác – Lê nin”. (Xin các cụ thứ lỗi). Nhưng thật bất ngờ, ở tuổi cổ lai hi mà lão lại viết được những câu thơ hiện đại, sâu sắc và độc đáo làm mọi người phải ngưỡng mộ:

Người bán rau bỏ sâu vào cho thành rau sạch
Người nấu rượu bỏ đạm vào cho thành rượu ngon
Người bán hoa quả bỏ đioxin vào cho hoa quả tươi
Người quá lứa bỏ silicôn vào để thành người trẻ…

Nói như Đinh Nam Khương, sự từng trải và am hiểu cuộc đời sâu rộng như vậy đã làm ta nể phục. Nhưng còn kinh hoàng hơn khi lão viết tiếp :
Người đểu cáng bỏ nụ cười vào để thành người thánh thiện
Người trọng bệnh bỏ tư tưởng vào mong trở thành tráng kiện…

Đến đây, có một phát hiện thú vị: Nhà thơ Đinh Nam Khương người đã từng đạt giải nhất trong một cuộc thi thơ với bài “Từ những vết chân người”, khi đó Xuân Diệu trong ban giám khảo có nói, thơ hay nhưng hơi nhiều “chân”. Giờ thì ông thơ nhiều “chân” khen ông thơ nhiều “gió” như sau: Thì ra, dưới con mắt của lão mọi việc giả dối khoác áo cà sa đều hiện nguyên hình ma quỷ ! Không gì có thể qua được mắt anh. Lão quái lắm! Rồi lão chốt lại:

Anh bỏ em vào câu hát
Chúng mình cùng ca vang!

Mà lão cũng lạ! Thiếu gì chỗ bỏ mà lão phải bỏ “em” cũa lão vào câu hát, thiên hạ có ai biết dung lượng câu hát của lão to đến mức nào không nhỉ? Mà có thế thì mới là thơ chứ! Thế mới là …Trần Nhương chứ!
Ôi lão Trần, em yêu lão quá đi thôi! Định mượn câu của Nguyễn Khải nói với Nguyễn Quang Lập để nói với lão rằng: Lão Trần ơi, em mà là đàn bà thì em đã tìm cách chửa hoang với lão từ lâu rồi. Nhưng rồi lại sợ lão giận, lão không cho đọc cái còm nữa thì chí nguy, chí nguy! Thôi, em chả nói nữa đâu lão ạ!

Chào lão nhé, tất cả coi như em chưa nói gì!

                                                       Đinh Ba (Nguyễn Ngọc Kiên)

READ MORE - VỚI LÃO… CÒM SĨ TRẦN NHƯƠNG - Tản văn của Đinh Ba

CHÙM THƠ HUY UYÊN


 
            Ảnh tác giả



CHÙM THƠ HUY UYÊN


1-Về Little Saigon nhớ một người.

Những ngôi nhà lặng im
Costa Mesa dịu nắng
Em đi lâu rồi phải không ?
Tiếng gọi trong chiều da diết... lạnh .

Đâu đây lời ru của quỷ
Bên đường những chiếc lá rơi
Nhà người hoài đóng cửa
Bên nhau xa cách trọn đời.

Tôi thả chân buồn hè phố Cali.
Suốt đời tìm ai không thấy
Bao nhiêu năm còn lại những gì
Treo tim giữa trời đứng ngó.

Em bỏ lại trong tôi bóng lẻ
Bầu trời nhỏ Little Saigon
Ghế đá người lính già ngày trước
Sao nước mắt hoài chạy quanh ?

Đã quên chưa lời hò hẹn xưa
Gói ba-lô trong tim mà nhớ
Linh-hồn bao chiến-hữu có về ?
Hay lung linh rầu rầu ngọn cỏ ?

Buồn bu quanh đất trời nước Mỷ
Về chi đây còn lại ngẩn-ngơ sầu
Hơn bốn-mươi-năm
làm đám tang lấp đầy mộ chí
Vật vờ khói sương chôn lấp đời nhau...

                                Huy Uyên
                    9-11-2016/Littlesaigon
        
2-Tâm sự buồn HO.

Ly rượu trên tay uống dở
Mà sao nước mắt tuôn đầy
Bao năm quê người đứng ngó
Sương chiều phai, nhạt nắng mai.

Nhiều đêm lòng cứ nghĩ hoài
Phận người điêu-linh khốn khó
Than dài,thở vắn cùng ai
Đem-con-bỏ-đầu-phố-chợ.

Từ buổi ra đi dứt áo
Quê nhà mưa nắng bão dông
Cha già nón chằm áo vá
Mẹ già nước mắt lăn quanh.

Cớ sao được mất tình người
Anh em mắt nhìn phận bạc
Bốn mươi năm qua nổi trôi
Đàn vở, đứt dây, tiếng hát.

Chiều Little Saigon cháy đỏ
Một mình quạnh quẽ hiên xưa
Ván bài, tàn-y bỏ dở
Đá nát vàng phai cuối trời.

Mấy ai khóc đời chinh-chiến
Ai đi bỏ lại bên đường
Bỏ lại mộ bia đời lính
Vô-danh mờ mịt cỏ sương !

Vợ giờ một nắng hai sương
Đùm con tới miền đất lạ
Xây đời bằng con số không
Thiên-đường chao ơi xa quá !

Ngồi đây vọng sầu cố-quốc
Quanh chiều khuôn mặt buồn thiu
Bạc đời chòm râu mái tóc
Đời như chiếc bánh bao chiều !

Tôi ODP, anh HO 
Đem thân ngựa trâu đất Mỷ
Cuối đời còn lại hư-vô
Đất, nhà, đám tang, mộ-chí.

Thằng bạn hôm qua mới gặp
Sang nay đốt xác Bolsa
Lính xưa nhang tàn hương tắt
Thôi biết về đâu mái nhà !

Tình chia hai ngã anh, em
Ra đi coi như đã hết
Bu quanh còn lại chút tình
Chuyện người lính xưa thua cuộc.

Ngồi đây ôm mặt mà khóc
Cả đời quán trọ đất người
Mai kia ai còn đứng hát
Sao đời chưa một ngày vui ?

                     Huy Uyên
Mall PLT./2:10am/11-11-16

3-Gặp người lính già trong quán cà-phê

Ngồi quán ly cà-phê đắng ngắt
Những mặt người hằn mối thù câm
Hình như ai u-hoài lên mắt
Nhìn nhau xa xót chạnh lòng.

Nhỏ to câu chuyện ngậm ngùi
Thôi một đời người tóc bạc trắng
Qua hết rồi ngày tháng đầy vơi
Nơi đất người trào cơn uất hận .

Chôn cuộc đời mỏi mòn năm tháng
Giấc mơ xưa ôm mộng sông hồ
Tình người bỏ đầu sông cuối biển
Đào cho mình chiếc-hố-hư-vô !

Nhìn xe, người qua lại Saigon
Cố tìm ai đây giữ hoài ký-ức
Đời trao ta những bảy mươi năm
Sống lây lất quê người chờ chết.

Chiều nay sao anh không hề nói
Xa quê làm tượng đá mù câm
Sáng cốc cà-phê, thuốc vương sợi khói
Chiều ly rượu cay dỗ giấc đêm nằm.

Gặp người lính già đã mấy mươi năm
Hồn cũ còn phiêu-linh ngoài mặt trận
Chôn đời HO năm tháng âm-thầm
Nắm xương tàn về đâu quê quán.

Thôi một đời tôi, anh rao bán...

                        Huy Uyên
10-11-16/mall Kim Biên/Cali
  
4-Ở sân bay Orange County

Biển núi cũng vắng em
Những chuyến bay mang theo nỗi nhớ
Mây trời quá đổi dịu-dàng
Tiễn người đi, đi mãi.

Em còn đưa tay vẩy
Ăm ắp môi hôn giọng cười
Ngàn đời và sau mãi mãi
Cô-đơn một bóng hình tôi.

Đường lên đồi Orange County
Chập chùng bước em ngày đó
Giọt lệ sầu theo bước em đi
Về bên ấy vây quanh quạnh quẽ.

San Diego Chập chùng tiếng gọi
Nắng mai còn vờn má, tóc em
Mưa chiều lắt lay buốt giá
Suốt đời tôi cứ mái đi tìm.

Người cầm mộng xưa lên núi ngồi
Ở đó ai buồn theo năm tháng
Khói sóng quê nhà ôi xa xăm
Mây trôi đi đâu màu tro xám.

Tàu rời sân ga ai ở lại
Tôi một mình ngơ ngẩn sân ga
Nhớ người không hề nói
Tình yêu ai dâu bể cả đời.

                  Huy Uyên
Orange County 15-11-16


5-Di-chúc viết ở Mỹ

Tôi đi tìm em khắp phố
Vương vấn đâu đây bóng hình
Bên đường Sunflowers chở gió
Costa Mesa lặng thinh.

Ngờ em xe ngựa đi qua
Gió bay ngang từng sợi tóc
Thôi đâu đây, mái nhà
Một mình em buồn ngồi khóc.

Buổi chiều công-viên đầy nắng
Thoáng chút hơi sương tràn về
Ta trọn cả đời xa vắng
Em giờ tôi gọi có nghe ?

Ngôi nhà lặng im trong làng
Ẩn nấp tình ai hơi thở
Mái ngói đỏ che đổ nghiêng
Có dấu tim ai trong đó.

Ngày tháng chôn sầu ký-ức
Có lẻ giờ em đang buồn
Mấy mươi năm đời phiêu-bạt
Quay về một con số không.

Đã nhiều lần tôi dặn lòng
Treo ngang nổi sầu quên hết
Đợi mưa về làm đám tang
Tôi,Cali. và nỗi chết.

              Huy Uyên
Sunflowers 15-11-16

6-Trước khi về lại Sài-Gòn

Ngày tháng tàn phai quá-khứ
Sương chiều quanh lối hoàng-hôn
Nguôi quên tình em gặp lại
Dấu buồn chạy quanh khắp sân.

Đứng dậy bỏ quán quay về
Môi người vết thương dao cắt
Đem tình ra chợ chia hai
Mù lòa con tim cháy đỏ.

Bỏ lại nỗi niềm cô-quạnh
Hát hiu lòng sầu phố xưa
Nhìn lại đầu người bạc trắng
Dỗ mong kỷ-niệm quay về.

Nhớ hoài quê cũ mến yêu
Cô-đơn một mình đại-lộ
Chìm khuất bốn phía chân trời
Hết rồi ơi em gái nhỏ.

Ngày đi gởi tim ở lại
San Jose thung-lủng hoa vàng
Nước mắt chia hai tan chảy
Điệp vàng rơi rụng trong sân.

Tôi, em ngồi đếm u buồn
Tuổi thơ chiến-chinh mất hết
Thui chột giấc mơ quân-vương...
Về lại Saigon, nhớ, khóc.

Tình tôi chân trời góc bể.

                 Huy Uyên
                 05-12-16

READ MORE - CHÙM THƠ HUY UYÊN