Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, December 10, 2016

LỜI TỐNG BIỆT - Thơ Nguyễn Khôi


   
                         Nhà thơ Nguyễn Khôi


          LỜI TỐNG BIỆT
(Họa thơ Văn Quang (1933) :"Lời tiễn biệt",
 đăng trên trang Web "Tản mạn văn chương"
 của Nhà văn Thế Phong )

                  ***
"Tiễn biệt hôm nay chừng vĩnh biệt ?
Tình sử đôi ta khép lại thôi !"
            Sài Gòn 4-4-2000
                      
"Tống biệt hành" xưa chẳng còn ai
Nay "lời tiễn biệt" suốt đêm dài
Tống biệt hôm nay là hủy diệt
Tình đời bạc bẽo thế cả thôi.
                      
Mắt đã mờ đau, "(cơ) cực" đã thừa
Tình yêu đã chết, nhớ chi xưa
Bảy mươi năm trải mùi dâu bể
Còn gì đâu nữa để đón đưa ?
                      
Đất nước chia đôi... "hợp" chửa đầy
Lòng người đôi ngả mãi hôm nay
Ngày mai xa ngái... em xa mãi
Một mình độc ẩm chén chua cay.
                      
Tứ tán người đi mọi ngả đời
Đều là ảo vọng vậy cả thôi
Ta về bó gối trong chiều tối
Vọng em đếm lá mãi phương trời.
                     
Thôi, chẳng hẹn chờ chi nữa em
Còn chút tình thơ tựa bên thềm
Trái tim hóa đá... lơ mơ mộng
Để hồn thơ thẩn lạc trong đêm.

                Hà Nội, 23-12-2013
                  NGUYỄN KHÔI

READ MORE - LỜI TỐNG BIỆT - Thơ Nguyễn Khôi

THỔN THỨC - Thơ của Hoàng Đằng


   
                      Tác giả Hoàng Đằng 



THỔN THỨC

Hừng đông le lói tự phương xa.
Tia nắng mon men liếm nụ hoa.
Bướm trắng quay cuồng tranh chỗ đậu,
Ôm hoa, rung cánh, nút sa đà.

Mưa trút chiều nay, mương cỏ rối.
Ngậm đòng, lúa khát, lá long lanh.
Cô kia hấp tấp, nhà chưa tới,
Tim đập, ai đo? Biết chậm, nhanh?

Say giấc, miên man cơn mộng lạ.
Lạnh chun khe cửa lọt vào da.
Tỉnh bừng, mộng biến, mồ hôi vã.
Quên phắt mộng gì vừa xảy ra! ...

                           Hoàng Đằng




          Nhà thơ Lê Văn Thanh

HỌA:

THỔN THỨC

Đông lạnh lòng già nhớ bạn xa
Vầng dương nắng nhẹ vuốt ve hoa
Dập dìu đôi bướm say tìm mật
Hạnh phúc chung đôi thật đậm đà !


Trưa chiều mưa đổ như tơ rối
Lúa sửa đang thì mắt lá... lanh
Thấp thoáng người xưa đâu bước tới
Rạo rực tim ta đập thật nhanh

Ảo ảnh tình đơn mơ giấc lạ...
Gió luồn khe cửa vuốt ve da
Qua cơn mộng mị hồn băng vả
Tỉnh giấc mơ huyền mới diễn ra./.


                             11-122016
                          Lê Văn Thanh

READ MORE - THỔN THỨC - Thơ của Hoàng Đằng

CHUYỆN VỀ MẸ TÔI - Hồi ký của Lâm Bích Thủy


            Vợ chồng nhà thơ Yến Lan ( khoảng 1995-1997)


       CHUYỆN VỀ MẸ TÔI

                                     Trích Hồi ký “về người cha thi sĩ"
                                                                                  
   Ở thị trấn nhỏ bé ấy, gia đình cô Lan được xếp vào hạng danh giá, của ăn của để đề huề. Mẹ cô là một phụ nữ được trời ban cho nhiều thứ: được sinh vào gia đình giàu có; lại sở hữu khuôn mặt trái xoan có làn da trắng mịn, đôi môi mọng đỏ, đôi mắt biết cười luôn long lanh quyến rũ. Lẽ ra bà lấy người chồng phải “Môn đăng hộ đối”. Đằng này, ông bố bà - người kỳ khôi nhất huyện bấy giờ. Ai đến hỏi cưới con gái, ông cũng lắc. Vì ông đã chấm cho con gái mình chàng trai người Nha Trang-một trong 6 kẻ làm thuê cho nhà ông
 Xét gốc gác, chàng cũng là con nhà sang trọng ở thành phố Nha Trang; song lười học, bỏ quê ra thị trấn An Nhơn - Bình Định làm thuê sướng hơn đi học. Thực tình mà xét thì chàng không xấu trai đâu, chỉ tội da đen như da người Ả rập. Chất đen lấn át cả nét thanh tú trên khuôn mặt chàng. Nếu chàng đứng cạnh nàng thì người ta nhầm chàng là kẻ nô bộc còn nàng là tiểu thư đài các. Nàng chê chàng nào là quê mùa, cộc kệch, đen đúa.v.v... Thế mà cha nàng bắt lấy chàng bằng được!
  Lấy được nàng, nhưng ngay đêm tân hôn và sau đó... nàng đem quay sa, khung cửi, chỏng tre chặn cửa, không cho chàng động phòng. Nhịn mãi, cuối cùng chàng tức quá, thách thức với cha vợ: “Cha à! Cha gả con gái cho con mà thế này sao, nếu cha không trị thì con sẽ trị đó cha”.
- Đã làm vợ mày thì mày cứ trị, cha hết cách rồi”- ông già vợ ngán ngẫm trả lời. Rồi nàng bị chàng cho ăn vài trận đòn ê ẩm mới không chặn cửa cấm chồng nữa. Chàng trai, cô gái ấy là ông bà ngoại của tôi đó.
  
 Ông ngoại tôi lúc nhỏ, lười học, lớn lên ít chữ nhưng siêng làm việc nhà và khoái làm thầy các con. Ông phong kiến và gia trưởng đến cực đoan. Bất luận thế nào, mọi người trong nhà phải nghe lời ông dạy. Ông học ít, thuộc đâu vài tiếng Hán-Nôm - Việt:
  “Thiên là trời, Địa là đất, tử là mất, tồn là còn, tử là con, tôn là cháu, lục là sáu, tam là ba, gia là nhà, quốc là nước, tiền trước, hậu sau v.v.. Còn tiếng Pháp một chữ bẻ đôi chưa tường, vậy mà nằng nặc đòi dò bài cho con trước khi đến trường: Sáng nào cũng thế, uống xong bát nước chè xanh, ông bắt cậu ba Thành, cô Lan, cậu Sáu Can, từng người đọc bài. Lắng nghe con đọc: Le père travaille, dịch – Người cha làm việc.
Ông nhẩm đếm từng âm, so sánh âm tiếng Tây và ta, thấy không khớp nhau, ông bảo: “Mày không thuộc bài rồi con!” Thế là ông bắt con nằm sấp xuống, quất mấy roi mới cho đi.

 Cậu Ba tôi có bí danh - Thành một mắt. Tội làm cậu một mắt là do ông ngoại gây nên đấy! Thấy mắt con sưng tấy, đỏ au; không biết nghe ai hay tự phát minh ra sáng kiến, ông lấy dầu Nhị Thiên Đường nhỏ. Sau vài giây, cả nhà nghe tiếng nổ “bụp” rất to; và tiếng thét của cậu. Mọi người chạy lại. Một cảnh tượng thật hãi hùng, tròng mắt cậu lòi ra, lòng thòng, máu chảy ròng ròng trông phát ớn! Bà ngoại thì quýnh lên, chẳng biết làm gì cứ ôm con khóc: “Thôi chết rồi, con ơi là con, làm sao bây giờ!”. Cậu Sáu ba chân bốn cẳng chạy đi gọi xe ngựa rồi cùng cô Lan đưa cậu Ba xuống bệnh viện Qui Nhơn, múc con mắt hỏng để bảo vệ con còn lại. Cậu mang Tên “Thành một mắt” cả một đời!

Cô Lan học đến lớp 5 thì cha cô bảo:
- “Con gái học chừng ấy là đủ rồi, ở nhà học thêu thùa, khâu vá, nấu nướng, mua bán rồi lấy chồng là vừa rồi con ạ”.
Ông sắm cho cô đôi bồ; mua đủ loại hàng: chén, bát sành sứ, nồi, niu, xoang chảo, mâm, thau bằng đồng; hàng này là từ Trung Quốc sang, còn có vải lĩnh của Nam Định, Vinh đem vô v.v... Ông dựng cho cô cái sạp nhỏ, lợp tranh tại góc chợ Gò Chàm, để hàng ngày cô ra đó ngồi bán.

  Năm 17 tuổi, cô không nghiêng nước nghiêng thành, nhưng ở thị trấn nhỏ bé ngày ấy, cô được liệt vào tốp nhất nhì của phái đẹp; nhiều chàng trai muốn lấy cô, nhưng cha cô chưa gật đám nào. Một chàng họ Nguyễn rất môn đăng, hộ đối, đẹp trai, sáng láng đến dạm hỏi. Ông cũng không ưng, vì sợ nhỡ có họ hàng xa; còn các đám khác ông cần phải xem nhà ấy có môn đăng hộ đối không đã.
   Rồi, một ngày nọ, ông gọi cô đến bên. Cô liếc thấy bên trái cha là vị khách cao niên, áo quần chỉnh tề, dáng vẻ thông thái. Ông nhìn con gái, nghiêm mặt chỉ vào vị khách hỏi: 
  -  Nhà này có thằng con trai muốn cưới mày làm vợ, mày đồng ý không?
Ông tin rằng sự lựa chọn của mình sẽ làm con gái hài lòng  Không ngờ cô từ chối thẳng thừng cả trước mặt ông khách đáng kính kia: - Cha ơi, con chưa muốn lấy chồng, con còn nhỏ mà vội gì cha.
  Nghe câu cô trả lời, ông nổi giận, trợn mắt, mắng như tát nước vào mặt con:
- Mặc áo không qua khỏi đầu, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy!

 Cha đã quyết, cô Lan đành chấp nhận lấy ông Phạm Khắc Minh, con trai ông khách nọ. Vào một ngày lành, tháng tốt, cô chính thức về làm dâu nhà họ. Gia đình nhà chồng là hạng giàu có ở thị trấn. Ngoài của ăn, của để còn có mấy gian nhà ngói cho thuê. Hồi đó, bác Đinh Trạc (cha của anh Đinh Văn Định-giám đốc Đài Truyền hình TP/Qui Nhơn (thập niên 80 - 90 thế kỷ 20) đã thuê lập trường Tư thục. (Khi tập kết ra Bắc, bác làm Tổng giám đốc CTy Meranimex, ở Hải Phòng. Công ty này, có chi nhánh tại 89A Nguyễn Đình Chiểu - TP/HCM - nơi vợ chồng tôi làm việc)

 Về làm dâu nhà nọ, hàng ngày cô nhìn cảnh anh em chồng cờ bạc, hút xách; người em thì bị ghẻ đầy mình, còn chồng thì ghen đến độ bệnh hoạn. Ông biết vợ có tình ý với thầy Lang nên quản lý giờ rất chặt chẽ. Ông nghi ngờ đủ thứ khiến cô nản lòng muốn bỏ về nhà mẹ đẻ. Hễ cô bước chân ra đến cửa ông gọi giật lại, đe:
- Khi nào cô đi đâu, tôi nhổ bãi nước bọt xuống đất, liệu về trước khi nước bọt khô, nếu không đừng trách tôi vũ phu, độc ác! 
  Cô Lan là con gái độc nhất ở nhà cô; được cha mẹ, anh em cưng chìu. Cô thích gì làm bằng được không ai can nổi. Về làm dâu nhà người, bị bó buộc đủ thứ; hai tháng sau cô bỏ về nhà mẹ đẻ, rồi xin phép cha vào Nha Trang thăm ông bác. Con đi lâu không thấy về, cha cô mang lễ vật trả lại cho nhà trai. Nhà trai nhận và cho như thế là xong “Đường ai nấy đi”.
  Để không phụ thuộc vào cha mẹ, ở Nha Trang cô tìm học làm các loại bánh: bánh in, bánh ít, bánh thuẩn v.v ...

 Khoảng năm 1940, người chồng cũ của cô bị lôi vào lính Khố Xanh và bị đưa sang Pháp. Ở xứ người, tình cờ ông gặp Bác Hồ; được Bác giác ngộ tinh thần yêu nước. Bác bố trí để ông vào làm nô bộc giả câm điếc giúp việc tại nhà một sĩ quan Pháp. Hàng ngày, ông thu thập tin tức từ các cuộc tranh luận giữa các sĩ quan từ chiến trường Việt Nam, Đông Dương về.
  Tuy đã chia tay nhưng ông chưa quên được cô Lan. Ở Pháp ông nhớ cô, luôn tìm cách gửi nào phấn hiệu Takolon, dorxay, kem dưỡng da Alanaiyne, nước hoa Rêve d’or. Mùi thơm của nước hoa hãng này xức cả tuần vẫn còn lưu lại trên áo và tóc. Tôi không biết các thứ này quí hiếm cỡ nào mà má tôi không dùng chỉ để lẫn vào áo quần cho thơm. Khi tôi được 4,5 tuổi; cứ đến Tết, bà lấy dầu thơm ra dốc vào tay một tí, bôi vào tóc chị em tôi để đi thăm họ hàng bên kia sông Kôn. Bà vừa xoa vừa giải thích: Dầu có tên là Rêve d’or nghĩa là giấc mộng vàng. Rồi bà thận trọng đậy nắp thật chặt cất vào giữa những bộ áo quần. Tập kết ra Bắc, ở Hà Nội, vài năm sau tôi vẫn còn thấy nửa bánh xà phòng hình ô-van hiệu Luxe lẫn trong tủ quần áo. Xà phòng không mùi, khô, nứt nẻ mà bà vẫn để dành. Tôi hỏi, bà mới kể về lai lịch của nó. Lúc đó tôi mới biết đó là quà được gởi từ nước Pháp xa xôi về cho má từ thời còn là thanh nữ.  

   Vào năm 1946, người chồng cũ của bà được Bác Hồ cử về nước, trực tiếp tham gia Cách mạng và Kháng chiến chống Pháp cùng lớp  trí thức của thị trấn. Sau đó, ông tập kết ra Bắc. Đất nước hoàn toàn giải phóng, ông trở về quê và làm giám đốc Cty Vật Liệu Xây Dựng, sống ở Qui Nhơn. Thỉnh thoảng má tôi và ông gặp nhau, hai người vui vẻ hỏi thăm sức khỏe gia đình hai bên và mãi là bạn tốt của nhau!

 Lúc còn nhỏ, ba má tôi chưa bao giờ kể chuyện thời trai trẻ, nên chúng tôi bất ngờ khi đọc báo thấy ca ngợi chuyện tình của ông bà lại còn ví như một huyền thoại .
  Trong cuộc sống của gia đình, tôi thường hững hờ mọi chuyện. Khi khai lý lịch để vào trường, thấy ngoài tên Nguyễn thị Lan má tôi còn có tên là Được. Lúc đó tôi mới tìm hiểu. Chị họ tôi kể rằng:
- Bà ngoại tôi cứ sinh con gái chỉ sau tiếng khóc chào đời thì lại trở về với cát bụi. Vì vậy, khi cô Lan vừa chào đời họ hàng nội, ngoại đều khuyên ‘‘Đem con bé bỏ dưới gốc đa chùa Ông rồi bảo cha nó đi qua nhặt đem về nuôi. Ông ngoại tôi làm theo. Vì vậy, cô bé có tên là Được; tức là con nhặt được chứ không phải do bà tôi đẻ ra”. Mà cũng lạ lắm nhé, họ Nguyễn nhà má tôi chưa ai sống đến tuổi bảy mươi. Bà ngoại, hưởng dương 51 tuổi. Còn má tôi mất vào 2013 bà thọ tới 95 tuổi. Đó là điều diệu kỳ mà họ hàng, gia đình, bè bạn, ai từng biết về má đều kinh ngạc - “tại sao một phụ nữ như bà, đau yếu bệnh hoạn đủ thứ mà thọ lâu đến như thế!”  

                                                                             Lâm Bích Thủy

READ MORE - CHUYỆN VỀ MẸ TÔI - Hồi ký của Lâm Bích Thủy

BUÔNG BỎ NHÉ EM - Thơ Đặng Xuân Xuyến





          BUÔNG BỎ NHÉ EM

Này em
Sao mãi nói chuyện không có thực
Sao mãi đau nỗi đau không thực
Tự nhốt mình
Tự đày mình
Sao dại thế, hả em!

Con chim khôn biết chọn cành đậu
Người sống khôn biết bỏ hận thù
Ai dại ai
Ai nuốt lệ vì ai
Trời xanh biết
Anh và em đều biết
Oan ức chi buông lời cay nghiệt
Chuyện lâu rồi cứ để gió cuốn trôi.

Chạm trán nhau dẫu hà tiện nụ cười
Thì cũng chớ cau mày, quay mặt
Em như thế càng thêm quay quắt
Những nỗi đau tự tạo cho mình
Những nỗi đau giả thực của mình.

Em hận mình
Em hận trời xanh
Em hận anh bầm gan tím ruột
Em cố giữ trái tim rức buốt
Em cố giữ niềm đau giả thực
Em được gì?
Sao khổ thế, hả em!

Buông bỏ đi
Chuyện cũng lâu rồi
Ai nợ ai đâu còn quan trọng
Em hãy sống như một thời đã sống
Trái tim lành hít khí trời xanh
Em không cần thầm cám ơn anh
Như cái thủa còn nhiều bỡ ngỡ
Như cái thủa em cười rạng rỡ
Buông bỏ đi
Chuyện cũng lâu rồi.

Hà Nội, ngày 12 tháng 05 năm 2014
ĐẶNG XUÂN XUYẾN

READ MORE - BUÔNG BỎ NHÉ EM - Thơ Đặng Xuân Xuyến

TIẾNG VỌNG MÙA XUÂN - thơ Phan Minh Châu




TIẾNG VỌNG MÙA XUÂN

Chợt nghe tuổi Tháng Giêng thầm bối rối
Tóc trên đầu loáng thoáng giọt sương pha
Thương sắc áo mùa xuân như gió thổi
Giấc mộng đời thảng thốt… bóng thu qua

Giông với gió về phố phường cày xới
Những con đường bì bõm lội mùa đông
Từng góc phố bàng hoàng nghe gió xé
Từng nỗi đau chấp chới giữa giòng sông

Rồi cũng tan, những lũ cuồng bão dữ
Cái ác làm phân cho luống mạ xanh
Phù sa tưới lòng mình lên đất cũ
Cánh đồng Xuân, trời đất sẽ hồi sinh

Nắng rải bước trên mưa Xuân (rón rén)
Nhánh mai rừng vàng rực nụ cười xưa
Chút thảng thốt xua mùa đông không hẹn
Chút hồn nhiên lộc mới biếc trời mơ

Cánh chim Lạc xoãi giữa trời hoa mộng
Nghe đời chia màu sắc xuống yêu thương
Cao tiếng hót ngân đời từng Xuân vọng
Thả hôm qua theo bóng tối đông cuồng

Mùa Xuân đến nghe trời say hương đất
Đợi ai về dạo phố viếng ngày xưa…
Hoa gửi bướm phấn hương mùa trở giấc
Bướm nâng hoa ngào ngạt nụ môi thơ

Ta khoác áo mùa xuân mừng tuổi mới
Nghe phù sa vừa nẩy mộng nôn nao
Như thể chợt quên mình vừa thêm tuổi
Biển dâu, ừ! Mây trắng đó chiêm bao.



PHAN MINH CHÂU
Nha Trang  
READ MORE - TIẾNG VỌNG MÙA XUÂN - thơ Phan Minh Châu

Truyện ngụ ngôn: TÀI VÀ BẤT TÀI... - Võ Quốc Tuấn

Ảnh tác giả.

Truyện ngụ ngôn:
“Tài và bất tài”: thời hiện đại

Trong một chuồng gà, chú gà trống nào cũng cho mình là kẻ có tài, hữu dụng nên sáng sáng, chú nào cũng cao giọng làm vang cả xóm. Những ả mái cũng thế, cô nàng nào cũng cho mình là đẹp, õng ẹo càng làm cho lũ trống thêm điên tiết. Mới đầu lũ trống còn đánh giặc mồm, sau đánh đá nhau loạn xạ.Tất cả đều không qua khỏi mắt ông chủ. Ông xem xét thấu đáo từ tiếng gáy đến hình dáng, tính nết, khả năng chọi của từng con.
Một hôm có khách. Ông sai con ra chuồng bắt gà trống giết thịt làm tiệc. Lũ gà nghe được sợ xanh mặt. Những anh có chút học vấn thì tự trấn an mình “Tài dữ bất tài” của Trang Tử đây… Việc gì phải sợ. Chúng thi nhau gáy dữ…
Ra đến nơi đứa con hỏi: 
- Bắt con nào, thưa cha?
- Bắt con to nhất, lớn giọng nhất kia!
Thằng nhỏ đáp:
- Theo Trang Tử, con không biết gáy mới là kẻ bất tài, đáng chết. Sao cha lại giết con có tài nhất?
- Tài hay không tài không nằm ở tiếng gáy con à! Kẻ thực tài tự biết ẩn mình, đợi thời, chỉ lên tiếng khi cần thiết; kẻ lúc nào cũng phô trương, cao giọng chẳng qua là ngụy quân tử mà thôi. Tốt phổi nhưng không tốt tâm con trai ạ!
Đứa con cho là phải, đành nghe theo lời... Rồi theo cha chặt chuối làm ghém. Thấy cha làm điều ngược với lời dạy của Trang Tử, con lại hỏi:
- Cây chuối ở ngoài vừa non, mềm lại vừa thẳng là hữu dụng sao cha lại không cắt nó lại chọn cây chuối bên trong vừa cong vừa khó, cho phí công?  
Người cha đáp:
- Có cái nên theo sách, có cái không nên theo. Cái nên theo là phải biết tùy hoàn cảnh mà ứng dụng. Sở dĩ cha chọn cây nằm bên trong, vừa cong lại khó như thế là vì nó bất tài nên phải chết. Nó ỷ có cây lớn che chở mà cong queo thì chẳng ích gì! Giữ lại chỉ phí đất. Cây bên ngoài không có cây lớn che chở mà phát triển tốt, ngay thẳng mới là kẻ có tài nên đáng để sống.
    Lời người cha dạy chí lí thay!
 
Trà Vinh: 06/12/2016.
Võ Quốc Tuấn
READ MORE - Truyện ngụ ngôn: TÀI VÀ BẤT TÀI... - Võ Quốc Tuấn

HÌNH ẢNH CON GÀ TRONG DÒNG TRANH ĐÔNG HỒ - Đình Hy



Hình ảnh con gà trong dòng tranh dân gian Đông Hồ
Đình Hy

Đông Hồ là một làng quê nhỏ ven sông Đuống. Trước đây Đông Hồ còn có tên là làng Đông Mại, (hay làng Mái), thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Làng Đông Hồ có nghề làm tranh từ lâu đời. Theo tác giả Lê Trọng Nga, (TC Mỹ thuật): "Tranh dân gian Đông Hồ hay nói đầy đủ hơn là tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ ra đời từ khoảng thế kỷ XVII". Ở đây ngày nay vẫn còn một số nghệ nhân duy trì nghề làm tranh dân gian của ông cha để lại. Người cao tuổi làng Đông Hồ vẫn truyền lại các câu ca dao, dân ca:
- Hỡi cô thắt lưng bao xanh
Có về làng Mái với anh thì về
Làng Mái có lịch có lề
Có sông tắm mát có nghề làm tranh.
- Hỡi anh đi đường cái quan
Dừng chân ngắm cảnh mà tan nỗi sầu
Mua tờ tranh điệp tươi màu
Mua đàn gà lợn thi nhau đẻ nhiều.
Nhà thơ Tú Xương viết về tranh Đông Hồ ngày tết:
Đì đoẹt ngoài sân tràng pháo chuột,
Om sòm trên vách bức tranh gà. 
Còn bài thơ Bên kia sông Đuống, nhà thơ Hoàng Cầm viết:
Tranh Đông Hồ, gà lợn nét tươi trong,
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp.
Tranh dân gian Đông Hồ phục vụ cho nhu cầu mua tranh, treo tranh tết của nhân dân kinh thành Thăng Long và các tỉnh phụ cận. Dòng tranh này phong phú, đa dạng cả về thể loại, chủ đề, mẫu mã, mang đậm chất quê hương, cốt cách dân tộc. Từ đề tài cày bừa sản xuất (lão nông nghỉ ngơi), học hành (thầy đồ cóc, vinh quy bái tổ...), sinh hoạt, vui chơi (hội làng, bịt mắt bắt dê, kéo co, đánh đu, mục đồng thả diều...), tranh vui, hóm hỉnh, tiếu lâm, châm biếm, đả kích (hứng dừa, đánh ghen, đám cưới chuột...), tranh phong cảnh (tứ quý), tranh con người (tố nữ), vật (cá chép trông trăng), tranh thờ (táo ông, táo bà, ngũ hổ), cho đến các tranh chúc phúc, cầu mong, thể hiện ước mơ cuộc sống no ấm (gà đàn, lợn đàn, vinh hoa, phú quý...). Cũng từ những giá trị tinh thần này, cộng với kỹ thuật làm giấy dó, pha chế màu sắc, kỹ thuật khắc gỗ... làng Đông Hồ được vinh danh là một làng nghề nổi tiếng của nước ta. Và nghề làm tranh dân gian Đông Hồ được công nhận là Di vản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2013.
Nhân dịp tết Đinh Dậu, bên chén trà, cốc rượu mừng xuân, thử tìm hiểu về hình ảnh con gà trong dòng tranh dân gian Đông Hồ.
- Bức tranh "Gà đàn": thể hiện một gia đình gà đầm ấm, gà trống, gà mái mẹ và đàn con đang quây quần bên nhau. Điểm hay là nghệ nhân khắc vẽ mỗi con một tư thế khác nhau rất tài tình; tất cả chứa trong một bố cục chặt, toát ra vẻ đầm ấm, vững chắc của một gia đình gà.

Kết quả hình ảnh cho tranh gà dân gian đong ho

- Bức tranh "Gà mẹ gà con": các nghệ nhân đã tạo nên bức tranh có sức hút đặc biệt với người xem tranh, tạo cảm giác sinh động, mỗi chú gà con trong tranh đều có những nét chuyển động khác nhau, có con trèo lên lưng gà mẹ, có con quay đi quay lại, con xòe cánh... nhưng hầu hết đều hướng mắt về phía con mồi trên miệng gà mẹ. Tranh tượng trưng cho sự giàu có, no đủ và tình mẫu tử thiêng liêng, một sự đoàn tụ sum vầy của gia đình gà. Đặc biệt, bố cục tranh khá chặt chẽ, giàu nhịp điệu.

Kết quả hình ảnh cho tranh dân gian về con gà

- Gà trống và hoa cúc: nhân dân ta quan niệm gà trống là biểu tượng của ngũ đức: văn, võ, dũng, nhân, tín. Đó là những đức tính rất cần có của một bậc quân tử. Văn, mào đỏ tựa như mũ cánh chuồn, ý làm quan; võ, cựa gà; dũng, không sợ địch thủ; nhân, kiếm ăn theo đàn, cùng với đồng loại; tín, gáy báo giờ chính xác.

Tranh đông hồ gà hoa hồng


- Tranh "Đại cát": tranh này gà được dân gian quan niệm vừa cấm quỷ, vừa cầu may, mang ý nghĩa nghênh xuân, đón tết. Hình ảnh gà trống oai vệ, hùng dũng biểu tượng cho sự thịnh vượng, cho 5 đức tính tốt của người quân tử (đã nêu). Chú gà trống măng tơ được khắc vẽ vừa chạy, vừa kêu cục tác, trông no nê, tràn đầy sức sống. Đuôi chú tủa ra như đám cỏ hoa trước gió; cánh chú xòe nhẹ với hàng lông đẹp tựa lưỡi kiếm; đầu ức đầy đặn, sung mãn. Chỉ một mình gà song tràn ngập sức sống, chuyển động.

Kết quả hình ảnh cho tranh gà dân gian đong ho

- Tranh "Gà dạ xướng" có dòng chữ: Ngũ canh hòa dạ xướng (5 canh con gà gáy đúng thời khắc) biểu hiện tiếng gà năm canh, dù nắng mưa hay giá rét không bao giờ sai, là tiếng báo cho cộng đồng thức dậy làm ăn.

Kết quả hình ảnh cho tranh gà dân gian đong ho

- Tranh "Chọi gà": chọi gà trở thành thú vui dân gian từ lâu đời, không chỉ trong ngày hội, mà còn thông thường hằng ngày của dân ta. Ý nghĩa chiều sâu xa, ngày xưa trò chơi chọi gà vừa mang tính giải trí, vừa là một hình thức thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc.

Kết quả hình ảnh cho tranh dân gian về con gà

- Tranh "Vinh hoa – Phú quý":
- Bức tranh "Em bé ôm gà": (có đề chữ "Vinh hoa"), thể hiện sự khỏe cái mạnh của em bé ở da thịt nở nang, hồng hào, hình dáng đầy đặn mà còn ở cách ôm gà của em bé. Tay này, bé đè chặt con gà vai nổi cao, cánh tay đưa thẳng xuống, tay kia giữ cái ức con vật kéo lại. Thân hình em bé hơi vặn theo chiều của con gà đang cố trườn lên phía trước, tìm cách thoát thân. Đầu gà ngẩng cao, mắt sáng lên, hai chân dạng mạnh đạp xuống đất, đuôi chổng lên... song hoàn toàn bất lực trước sức mạnh và sự chủ động của em bé.
- Bức tranh "Em bé ôm vịt": (có đề chữ "Phú quý"), cũng tương tự bức tranh "Em bé ôm gà". Ở đây nói thêm, khi vẽ gà thì vẽ kèm hoa cúc, vẽ vịt thì kèm hoa sen theo kiểu: "cúc kê, liên áp". Điều đó cũng xuất phát từ đòi thường: gà thường kiếm mồi quanh bụi cây khóm cúc trong vườn, còn vịt thì bơi lội kiếm ăn dưới ao muống hồ sen, do vậy mà có hình tượng trên.
"Vinh hoa" và "Phú quý" là 2 bức tranh nói lên ý nghĩa ước ao: khỏe mạnh, giàu sang, hạnh phúc muôn đời của nhân dân ta; treo 2 bức này trong nhà ngày tết thì không gì đẹp và ý nghĩa hơn.

Kết quả hình ảnh cho con ga tranh dong ho

Tranh dân gian Đông Hồ Phòng khách Phú Quý

Đình Hy


READ MORE - HÌNH ẢNH CON GÀ TRONG DÒNG TRANH ĐÔNG HỒ - Đình Hy