Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, December 5, 2016

CÔ VƯƠNG CƯỚI VỢ - Truyện ngắn của Đặng Xuân Xuyến


       


       CÔ VƯƠNG "CƯỚI" VỢ

Vâng! Thì hẳn là “cô” Vương lấy vợ chứ làm sao có chuyện “cô” Vương lấy chồng! Tuổi “cô” tuy chưa nhiều, nhưng ở cái làng quê này, cỡ tuổi hăm mấy như “cô” mà chưa có nơi có chốn sẽ là nhiều lời đàm tiếu lắm. Vì thế, cụ Phúc lo dựng vợ gả chồng cho “cô” năm nay cũng phải.
Tuy “cô” không được cao ráo, mạnh mẽ như mấy cậu em nhưng bù lại “cô” rất khéo tay, chịu khó lam làm và đặc biệt “cô” là người rất tốt nết. Nếu không dấp phải tính khí đanh đá chua ngoa thì hẳn “cô” là người hiền thục nhất nhì làng xã. Kể cũng lạ, “cô” chẳng có gen di truyền về khoản “mồm năm miệng mười”, “cô” cũng chẳng tầm sư học đạo thế mà khiếu chửi nhau của “cô” lại hay đáo để, lại lừng danh thôn xóm. Làng trên xóm dưới, mọi người bảo nhau, trêu ai thì trêu, chọc ai thì chọc, nhưng chớ có động vào “cô” Vương mà khổ. “Cô” sẽ vén quần, nhảy tanh tách tanh tách rồi bắc ghế vênh mặt lên mà chửi. “Cô” chửi từ sáng đến trưa, từ trưa đến tối, từ tối đên đêm, chửi cho đến khi nào kẻ bị chửi phải tâm phục khẩu phục, phải mò đến tận nhà năn nỉ xin cô đừng chửi nữa thì cô mới thôi. “Cô” chửi có bài có bản, có lớp có lang, có vần có điệu chứ không vớ câu nào chửi câu đấy như mấy bà buôn gà bán vịt. Ca dao tục ngữ nhiều người đọc có khi còn sai, còn lẫn lộn, còn “râu ông nọ cắm cằm bà kia” chứ các bài chửi của “cô” Vương thì tuyệt không có một sai sót, tuyệt không lẫn lộn về câu từ, ý tứ. Thế mới tài! Thế mới xứng danh đệ nhất thiên hạ chửi của làng Đỗ Hạ!
Vương thích được gọi là cô, là chị. Vương khoái được mọi người mắng yêu câu: “Con đĩ Vương này xinh phết!”. Thích là thế nhưng Vương ghét cay ghét đắng kẻ nào lại thực tâm coi Vương là phụ nữ, là phận liễu yếu đào tơ, là thân gái chân yếu tay mềm. Tóm lại, Vương là đàn ông, là nam nhi chính hiệu, là chuẩn men đích thực nên Vương không chấp nhận ai đó cho rằng, nghĩ rằng Vương là phận nữ nhi! Ừ thì Vương thích gọi là cô, là chị. Ừ thì Vương thích nhảy dây, thích chơi ô ăn quan, thích chơi trò búp bê, thích buôn hàng, thích cãi lộn... Như thế thì đã sao? Những sở thích đó tuy có khác biệt với đặc trưng giới tính của giới nam nhưng cũng chẳng ảnh hưởng gì tới bản chất giới tính vốn có của Vương? Thật đấy! Vương vẫn là thằng đàn ông đích thực. Vương vẫn chưa bao giờ phải tụt quần ngồi xổm mà tiểu tiện. Vương cũng chưa bao giờ tùy tiện cho rằng mình không phải là thằng đàn ông nên vì thế đừng có ai vớ vẩn nghĩ Vương là đàn bà con gái. Vương ghét đấy. Vương chửi cho đấy. 
Vương yêu Vấn! Vương sẽ cưới Vấn bằng tình yêu chân thành, mãnh liệt. Vấn là mối tình đầu, cũng sẽ là mối tình duy nhất nên Vương thề sẽ mang cả tính mạng mình thế chấp để đem lại hạnh phúc suốt đời cho Vấn. Ừ, thì nói thế cho có văn vẻ, cho giống kiểu người thành thị đắm đuối vì yêu chứ Vương biết thế đếch nào là thế chấp tính mạng để bảo vệ hạnh phúc cho người mình yêu? Vương càng không hiểu thế chấp tính mạng đổi lấy cái gì để bảo vệ tình yêu? Vương không biết. Thấy phim ảnh nói thế, thấy mấy thằng trẻ ranh ngoài xóm Chùa nói thế, nghe hay hay, thấy có vẻ chí lý, đung đúng, thế là Vương thích, Vương nhẩm thuộc, rồi Vương bắt chước, Vương thề với Vấn, vậy thôi. 
Mà nàng Vấn cũng lạ, hôm ấy, bất chấp trời đang mưa rét, Vương đã quỳ trước mặt nàng, dầm mưa hứng rét để đem tấm lòng yêu chân chất ra mà giãi bày, mà thề thốt. Chẳng phải để ghi điểm với Vấn mà chỉ muốn Vấn hiểu, Vấn tin tình yêu của Vương là chân thành, là kiên định:
- Chị thề! Tiên sư bố đứa nào mà nói điêu! Chị sẽ yêu Vấn chung thủy đến hết đời! Nếu cần, chị sẵn sàng đem thế chấp tính mạng của chị để Vân suốt đời được hạnh phúc! 
Như thế, chẳng cảm động thì thôi, Vấn lại cười khanh khách khanh khách, lại còn phát vào mông Vương rõ đau, rồi mắng:
- Nỡm ạ. Thề cá trê chui ống à? Vào nhà đi, ướt hết người rồi! Mà... sắp cưới vợ, sao cứ thích chị chị cô cô thế hả giời?
Vương dậm chân. Vương ngúng nguẩy:
- Người ta thích thế không được à?
Vân lại cười, lại phát vào mông Vương:
- Ừ thì chị, thì cô Vương, thích chưa?
Vương khì khì cười rồi chu mỏ ra đợi Vấn thưởng cho nụ hôn rõ kêu như mọi bận. Nhưng chờ, chờ mãi cũng chẳng thấy Vấn hôn. Vương hụt hẫng. Vương he hé mắt nhìn. Rồi Vương phụng phịu, Vương ấm ức:
- Người đâu mà ky bo...
Vấn lườm :
- Sặc mùi mắm tôm như thế, ai mà ngửi được.
Vương ngẩn mặt ra một lúc, rồi khì khì cười:
- Ừ nhỉ. Vừa ăn thịt chó mắm tôm tối qua, sáng nay quên chưa súc miệng. Mẹ nó! Thế mà chị chẳng nhớ ra...
Đấy, tính Vương hay quên như thế nên cũng nhờ thế mà thành hóa hay. Vương chẳng biết giận dai ai. Bực lên, Vương mắng, Vương chửi. Vương chửi thậm tệ, Vương chửi như chan canh đổ mẻ người ta cho hả giận, cho bõ tức nhưng chửi xong là Vương lại khì khì cười, Vương quên phéng hết mọi chuyện. Vương chẳng bận tâm. Vương chẳng cần nhớ vì Vương nghĩ nhớ làm gì những chuyện ấy, chỉ tổ thêm nặng đầu. Vương chẳng dại.
Hôm nọ cũng thế, mấy thằng choai choai ngoài xóm Chùa, thấy Vương đèo Vấn lên xã đăng ký kết hôn, chúng chạy theo, hò reo inh ỏi như nhìn thấy gánh xiếc lạ về làng. Chúng còn chỉ chỉ trỏ trỏ, rồi ngoác miệng ra cười ngặt nghẽo, có đứa còn ngứa mồm rống lên rõ to:
- Chúng mày ơi! Chắc cô Vương lấy vợ để thử xem cảm giác có vợ thế nào! Chứ hai con đàn bà lấy nhau thì đẻ đái làm sao!
Lộn ruột, Vương chống xe đến rầm một cái. Mặc cho Vấn ngã chổng quay trên đường, Vương chắp tay vào hông mà xỉa xói, mà chửi:
- Tiên sư bố nhà chúng mày. Bà yêu Vấn! Bà cưới Vấn thì ảnh hưởng gì tới cha ông họ hàng làng xóm chúng mày mà chúng mày rống lên là 2 con đàn bà lấy nhau thì đẻ đái làm sao. Hả? Hả? Hả? Thằng nào, con nào vừa nói thì ra đây, nói lại trước mặt bà xem nào. Bà sẽ tát cho chúng mày răng đi một nơi, môi đi một chỗ để xem cái hình thù mặt mũi của chúng mày sẽ như thế nào?
Tưởng rằng sau vụ đó, Vương sẽ giận lắm, sẽ cạch mặt mấy thằng trẻ ranh đó đến tận già, ấy thế mà lúc đăng ký kết hôn về, gặp tụi nó, Vương còn đỗ xe lại, cười cười nói nói, khẩn khẩn khoản khoản với chúng, rất ư là chân thành:
- Cô bảo này. Hôm nào cô cưới vợ, đứa nào hát hay thì đến hát tặng vợ chồng cô mấy bài nhé!
Một thằng cỡ 15 tuổi, trêu:
- Nhìn cô xinh thế này, chắc phải lấy thêm vài cô vợ nữa.
Vương khoái chí cười ngất, rồi cấu cấu vào tay thằng bé:
- Cô mà lấy vợ nữa thì cô Vấn cô ý xé xác cô ra à. Với lại, cả ông bà nhà cô nữa, sẽ không tha cho cô đâu. Thôi! Cô cưới được cô Vấn là may lắm rồi. Cô chẳng tư tưởng vợ nọ con kia đâu. Cái thằng này! Mày toàn xui dại cô! Hí hí hí...
Đấy! Vương lại tít mắt cười khi được bọn trẻ khen đấy!
Thật chẳng có ai dễ quên như Vương! Cũng chẳng có ai thật thà đến vô tâm như Vương. 
Thì cũng nhờ có tính tốt như thế mà Vấn mới yêu, mới bằng lòng về làm vợ Vương. Vấn không mỏng mày hay hạt nhưng Vấn thùy mị, nết na. Vấn không sắc nước hương trời nhưng nét dịu dàng của Vấn đủ khiến trai làng phải thầm mơ trộm nhớ. Vấn được người. Vấn được nết. Cả làng, cả xã chưa thấy Vấn mặt nặng mày nhẹ, cãi cọ với ai. Cứ nhẹ nhàng với mọi người, cứ nhún nhường với mọi người như thể Vấn sinh ra là để chan hòa với mọi người vậy.
Nghĩ cũng buồn cười về chuyện tình yêu của Vấn với Vương.
Chơi thân với nhau từ nhỏ. Cả 2 cùng thích chơi nhảy dây, chơi chắt chuyền, chơi ô ăn quan, chơi búp bê, chơi buôn hàng... Nhưng Vương chơi bao giờ cũng giỏi hơn Vấn, thậm chí còn giỏi hơn cả đám con gái trong làng nên chưa bao giờ Vấn nghĩ Vương là con trai cả. Trong suy nghĩ của Vấn, Vương là một người chị tốt, người chị không giống chị em khác chỉ một điều duy nhất là khi đi tiểu, chị Vương không bao giờ phải ngồi xổm.
Thì nghĩ như vậy nên Vấn mới chủ quan. Tối ấy, sinh hoạt chi đoàn về, trời lất phất mưa lại còn rét đậm, đường về nhà Vương thì xa, sợ “chị” Vương ngấm mưa ngấm rét sẽ khổ nên Vấn mới rủ “chị” Vương ngủ lại. Ai ngờ, đêm ấy thành đêm định mệnh, thành đêm gạo nấu thành cơm, ván đóng thành thuyền. 
Chẳng phải là Vấn “khôn ba năm dại một giờ” mà là Vấn không ngờ “chị” Vương tưởng là thằng lại cái, tưởng là thằng vứt đi, chỉ giỏi mấy trò nhảy dây, chơi chắt chuyền, chơi búp bê, chơi buôn hàng... và giỏi hăng máu chửi lộn với đám đàn bà con gái,... ấy thế mà khi làm cái chuyện của thằng đàn ông thì lại thật đâu ra đấy, ra tấm ra đẫn, ra ngô ra khoai, ăn đứt khối thằng vẫn khoác loác tự nhận là giỏi về chuyện thầm kín của đấng mày râu! Thôi, “chị” Vương tuy có đành hanh một chút, có nữ tính một chút, có những sở thích hơi khác thường một chút nhưng bù lại “chị” ấy hiền lành, chịu thương chịu khó, lại tốt đường ăn nết ở và quan trọng, cái “công việc” đặc thù của thằng đàn ông thì “chị” ấy làm rất được, quá được. Nghĩ thế, Vân bằng lòng đón nhận tình yêu của Vương. Ngân chỉ lo, gia đình và bạn bè có hiểu mà vun vào cho tình yêu của hai đứa hay lại bàn ra tán vào, lại tìm cách chia rẽ vì thằng Vương “pha gái” nặng như thế thì làm sao mà làm chồng được? Vấn cũng sợ mẹ buồn, mẹ khóc vì mẹ không tin “cô” Vương sẽ đem lại hạnh phúc cho Vấn. Chẳng lẽ lúc bấy giờ, Vấn phải huỵch toẹt ra cái đêm định mệnh, cái đêm Vương ngấu nghiến biến Vấn thành đàn bà? Cái đêm Vương cho Vấn được thỏa thuê trong hạnh phúc! Cái đêm Vương khẳng định tính đực “chuẩn men” không thể bác bỏ!
Thôi! Không nói đến tâm trạng của Vấn về đêm đó nữa vì đó là chuyện tế nhị, chuyện thầm kín của Vấn và Vương, hãy để chuyện đó nằm trang trọng trong ký ức đẹp về thiên tình sử của Vấn và Vương. Còn rất nhiều chuyện để nói, đâu nhất thiết phải lôi chuyện “thâm cung bí sử” ra cho rôm rả, nhất là chuyện lại đang kể về “cô” Vương, nhân vật chính, người đã nhiều năm độc chiếm danh hiệu đệ nhất thiên hạ chửi của làng Đỗ Hạ.
Vâng. Thì trở lại chuyện của “cô” Vương chứ chẳng lẽ cứ tiếp chuyện của Vấn! 
*
*          *
Hôm ấy, sau cái lần thề thốt tình yêu với Vấn, Vương bỗng nhớ “Kiên ái” quay quắt. Tuy khác làng nhưng cùng xã, lại hợp tính hợp nết nên Vương và “Kiên ái” chơi với nhau thân lắm. Cũng lâu rồi, dễ đến hơn tháng, hai “chị em” cũng chưa gặp mặt. Không biết dạo này “dì” ấy thế nào? Có chịu khó ăn uống hay vẫn lười ăn để người cứ dài ngoẵng? Thấy bảo, bố “dì” ấy đang bắt “dì” ấy lấy vợ. Không biết lần này “dì” ấy có nghe hay lại giãy đanh đách như mọi bận? Khổ thân “dì” ấy, cũng đẹp người, hát hay, lại hiền lành, chịu khó, và cũng được nhiều gái xinh thích lắm, vậy mà cứ dửng dưng chuyện yêu đương trai gái, cứ khó chịu ra mặt khi có người nhắc đến chuyện lấy vợ. Hôm nay, nhất định sẽ lựa lời, động viên “dì” ấy lấy vợ sớm đi chứ cứ mãi thế này thì vài năm nữa, khi ngấp nghé tuổi 30 sẽ khó lấy vợ lắm.
Vừa vào nhà, chưa kịp chào hỏi mọi người, Vương đã bị cụ Vân, bố “dì” Kiên, lườm cái rõ sâu, rồi chửi đổng:
- Tiên sư bố cái lũ dở ông dở bà! Thấy mặt là muốn đập cho chết. Lúc nào cũng quấn nhau như mấy con chó cái! Mẹ nó! Bực!
Định cự lại nhưng chợt gặp ánh mắt của Kiên lạ lắm nên Vương cười cười:
- Bố cứ quá lời. Tháng sau con cưới vợ, sẽ chẳng mấy khi sang đây chơi nữa đâu.
Cụ Vân bĩu môi:
- Vâng! Tháng sau “chị” lấy vợ! Gớm! Nghe cứ như chuyện hài của thế kỷ! Tôi chả dám tin đâu! Mà này “chị” Vương. Tôi hỏi thật “chị” nhé. Con dở hơi nào nó lại nhận lời lấy “chị” đấy? Thế nó không biết “chị” bị đồng cô, “chị” bị pha gái à? Tôi lại hỏi thật “chị” nhé: Hai con đàn bà lấy nhau thì đẻ đái làm sao?
Nghe câu “Tôi lại hỏi thật chị nhé: Hai con đàn bà lấy nhau thì đẻ đái làm sao?” mặt Vương tái lại rồi thoắt cái phừng phừng sát khí. Vương chống hai tay vào hông. Vương dậm chân đến huỵch một cái rồi kéo dài giọng:
- Hai con đàn bà lấy nhau thì đẻ đái làm sao? Này! Con nói thật với bố. Đừng tưởng con này trông như pha gái mà nghĩ con này là phận liễu yếu đào tơ, không phải là thằng đàn ông. Đây nói cho bố biết. Đây chưa bao giờ ngồi xổm như mấy con đàn bà! Chưa bao giờ! Bố hiểu chửa! Mà con nói thật nhé. Chắc gì bố đã là đàn ông mà bố bĩu môi, dè bỉu, coi khinh con này như thế.
Thấy sắc mặt tím tái rồi thoắt cái đỏ bừng của Vương, cụ Vân chột dạ: - “Mẹ nó! Chạm phải vía “con dở ông dở thằng” này rồi. Nó mà nổi cơn đồng bóng thì mình dại mặt.”. Cụ lùi người, lùi người để tránh cơn giận của Vương, không ngờ cụ trượt chân ngã oạch một cái. Nhìn bộ dạng luống cuống của cụ, Vương phì cười, bĩu môi:
- Gớm! Đàn ông chưa? Ối dào! Đàn ông như bố, đây cũng dí thèm!
Kiên chạy lại đỡ cụ Vân, làu bàu:
- Bố cứ trêu chị ấy làm gì. Chị ấy thế thôi chứ có pha gái pha ghiếc gì đâu...
Cụ Vân bĩu môi, dài giọng:
- Chị ấy thế thôi chứ có pha gái pha ghiếc gì đâu.... Gớm! Điệu bộ, cử chỉ rặt con đàn bà thế kia mà bảo không pha gái! Tôi xin chị! Mấy chị không pha gái thì pha trai chắc?
“Lộn ruột! Thích trêu “gái” này à? Đúng là điếc không sợ súng! “Đây” nể là bậc phụ huynh nên “đây” mới cố nhịn nhưng lại không biết điều, cứ quá đà như thế thì đừng trách “đây” là người quá đáng”. Nghĩ vậy, Vương sấn sổ đến trước mặt cụ Vân, chống một tay vào hông, định ca bài ca “đây đếch phải là con gái” thì Kiên vội kéo tuột Vương vào buồng.
Thở phào vì thoát được cơn giận dữ của Vương nhưng cụ Vân vẫn cố đế theo:
- Mẹ bố chúng mày chứ! Không biết nhục! Lại còn lôi nhau vào đấy làm cái trò gì nữa? Chẳng lẽ ông lại vào đánh tuốt xác ra bây giờ...
*
*          *
Ngồi trong buồng, cứ nắm tay Vương mãi, rất lâu, Kiên mới buồn buồn, hỏi:
- Thấy bảo “chị” sắp cưới Ngân làm vợ... Này, thế lấy người ta về, liệu có... làm được không mà cưới? Rồi khổ mình, khổ người ta, tội lắm.
Vương hô hố cười, :
- “Dì” cứ lo vớ lo vẩn. Sao “chị” lại không làm được? Vấn cứ tấm tắc khen “chị” suốt đấy. Vấn bảo, gì có thể chê chứ việc ấy thì Vấn nể “chị” nhất. Vấn yêu “chị” cũng vì việc ấy đấy.
Kiên tròn mắt:
- Thật á? “Chị” làm chuyện ấy được Vấn khen á? Eo ơi “chị” giỏi thế! Ước gì em được như “chị”, em cũng lấy vợ rồi sinh con đẻ cái chứ cứ thế này thì đời em sẽ ra sao?
Vương nhìn Kiên định nói điều gì đó nhưng lại thôi. Mắt nhìn ra cửa, có vẻ chần chừ, đắn đo lắm... Một lúc, cũng khá là lâu, chừng như ngẫm nghĩ đã kỹ, Vương mới dè dặt:
- Này “chị” bảo, Vấn có đứa em gái, tên Vần, cũng xinh đáo để, hôm nào “chị” sắp xếp thời gian giới thiệu cho “dì” làm quen nhé.
Kiên nhìn Vương, rồi nhìn ra cửa, thờ ơ:
- Gặp để làm gì? Sao phải gặp mặt cơ chứ? “Chị” biết rõ người ta rồi mà...
Vương rất thật:
- Ơ hay... Gặp để xem mặt, làm quen... Ưng thì cưới nhau. Lấy vợ đi chứ, cũng gần ba mươi tuổi rồi, còn trẻ trung nữa đâu mà “dì” thích bày đặt kén chọn làm gì...
Kiên nhìn Vương, thở dài:
- “Chị” biết rõ người ta là người thế nào rồi mà còn nói thế. “Chị” chỉ giỏi làm người khác đau lòng thôi. “Chị” độc ác lắm...
Nói xong, Kiên ngồi thừ ra, buồn lắm. Hình như mắt Kiên rưng rưng lệ...
Thấy vậy, Vương cuống quýt:
- “Chị” xin. “Chị” xin lỗi. “Chị” vô tâm quá. “Dì” biết tính “chị” rồi, chấp làm gì cho mất tình “chị em” vun đắp bao năm...
Vương ôm Kiên vào lòng, xoa lưng, xoa đầu, tình cảm lắm. Kiên được thể, nắm tay Vương, đăm đắm nhìn thẳng vào mắt Vương, nũng nịu:
- Nhớ. Vương đừng lấy vợ nữa nhớ. Vương mà lấy vợ là em xuống tóc đi tu đấy.
Vương rụt tay lại, trợn mắt: 
- “Dì” đừng làm thế. “Chị” có phải đồng cô đâu mà yêu “dì”. Gớm, xinh như “dì” thì lo gì chẳng kiếm được vài thằng mà yêu chứ. Thôi “chị” về đây, kẻo Vấn hiểu lầm “chị” với “dì” yêu nhau thì “chị” mất vợ.
Nói xong, Vương nguây nguẩy đi về. Kiên nhìn theo, đau đớn:
- Vương ơi! Vương lấy vợ em sẽ đi tu đấy! Em thề... Vương ơi...
*
*       *
Vâng. Mọi người đang ngả lợn để chuẩn bị làm đám hỏi cho “cô” Vương. Đông lắm. Vui lắm. Thì đã nói từ ban đầu rồi. “Cô” Vương năm nay cũng hăm mấy tuổi, tính khí lại khác người, chẳng ra đàn ông cũng chẳng ra đàn bà, cứ nửa nọ nửa kia như thế, không lo cưới vợ để vài năm nữa có mà hâm nặng. Giờ còn trẻ, tính khí đã ẩm ương, khác người, thích xưng cô, xưng chị, thích được khen, được mắng là “con đĩ Vương này xinh phết”, vài năm nữa, nếu còn độc thân, không biết lúc đấy “cô” sẽ hâm đến mức nào? Chẳng biết “cô” bị đồng cô có “nặng” lắm không nhưng tính khí của “cô” nửa gà nửa vịt như thế mà có người đồng ý lấy “cô” làm chồng là may lắm rồi, phúc đức lắm rồi. Ở làng này, xã này, khối trai tráng đáng mặt đàn ông mà ế xưng ế xỉa, đêm nằm cứ thở dài thườn thượt vì mãi không lấy được vợ. Còn “cô”, õng à õng ẹo, nửa nạc nửa mỡ như thế mà cưới được cô vợ nết na, xinh đẹp nhất nhì làng xã. Như thế, mọi người (nhất là gia đình, họ hàng của “cô” Vương) không vui sao được?!
Vâng. Mọi người chuyện trò rôm rả lắm. Mà người vui nhất là cụ Phúc. Cụ đi đi lại lại, cười cười, nói nói, chào hỏi mọi người, niềm nở lắm. Ai cũng mừng cho cụ: - Ôi cái thằng “cô” Vương! Yểu điệu thục nữ đến thế mà cũng cưới được vợ! Mà vợ nó lại ngoan, lại xinh, lại chịu khó lam làm nhất nhì làng xã! Đúng là “mèo mù vớ phải cá rán, buồn ngủ gặp được chiếu manh”. Khiếp! Cái “bà cô” Vương này sao mà tốt số, may mắn thế. Nhà cụ thật là có phúc!
Cụ Phúc cứ liên tục vuốt râu cười cười, cám ơn mọi người, vẻ mặt hoan hỉ lắm: - Vâng! Cám ơn các ông, các bà! Cũng may cháu nhà tôi nó vẫn còn là đàn ông, chưa chuyển hẳn sang là đàn bà nên mới cưới được vợ. Vâng. Vâng... Mời các ông, các bà vào nhà ăn trầu, xơi nước mừng với vợ chồng tôi và mừng cho cháu...
Cụ vội lừ mắt thằng cháu trưởng khi nghe nó tếu táo: - Này. Mọi người ơi! Không biết đêm tân hôn thì chú rể làm gì cô dâu nhỉ? Chắc dễ lôi chắt chuyền ra gạ cô dâu chơi thâu đêm lắm? Hay lại rủ cô dâu chơi nhảy dây ăn tiền đến sáng? Mà mọi người ạ, cháu thấy lạ lạ làm sao... Cô Vấn xinh như thế, ngoan như thế, bao nhiều trai làng tấn công không đổ lại đổ luôn cái ông Vương chín phần gái nửa dại phần đàn ông nhà cháu là sao ạ? Cưới vợ về có làm được cái khoản kia không mà cưới? Hay qua mấy ngày thử làm chồng không được lại hăng tiết vịt, gạ cô Vấn chửi nhau, chán lại lôi nhau ra tòa? Thế thì tốn tiền của ông bà cháu mà còn làm trò cười cho thiên hạ. Vụ này cháu thấy có vẻ không được ổn.
Quay sang cụ Phúc, thằng cháu nhăn mũi:
- Hay thôi cưới vợ cho “cô”, ông ạ. Cháu sợ vụ cưới xin này thành trò hề cho làng xóm chê cười nhà mình...
Cụ Phúc cốc đầu thằng cháu rõ đau, rồi chửi:
- Mẹ bố họ ngoại nhà mày! Có im ngay cho ông nhờ không? Thím Vấn phải hiểu rõ chú Vương mày thì mới gật đầu về làm vợ chứ? Luyên thuyên ông đánh cho sưng mông đấy.
Thằng cháu tròn mắt nhìn ông:
- Ô thế ông chưa biết chuyện hôm nọ “cô” nhà mình sang “tằng tịu” với “cô Kiên”, làm sập giường nhà “cô Kiên”, bị ông Vân vác gậy đuổi đánh phải bỏ chạy thục mạng à?
Cụ Phúc ngớ người, hỏi nhỏ thằng cháu:
- Con nghe ai nói? Có đúng vậy không? Mà con be bé cái mồm thôi. Chuyện này mà đến tai bên nhà thì hỏng hết, hỏng hết con ạ.
Thằng cháu toe toét cười:
- Ông làm gì phải bí mật thế ạ? Chắc chỉ còn ông với bà hoặc thêm vài người nữa là chưa biết chuyện đó thôi. Người ta đồn ầm lên là “cô” nhà mình với “cô Kiên” còn thề nguyện nếu không sống được với nhau thì cả hai sẽ cùng cắt tóc đi tu đấy.... Đã thế thì “cô” nhà mình còn cưới cô Vấn về làm gì nhỉ? Chả lẽ “cô” nhà mình cưới cô Vấn để thử xem làm đàn ông có được không à?
Cụ Phúc thần người ra. Một lúc, như chợt nhớ ra chuyện gì, cụ nói nhỏ với thằng cháu:
- Ừ. Ông nhớ ra rồi. Mấy tuần trước, “cô” con “làu bàu” suốt mấy đêm về “lão già mất nết” nào đó. Thì ra là “cô” con cạnh khóe ông cụ Vân. Bây giờ biết tính sao hả con? Làm thế nào cho phải đây?
Cụ đi đi lại lại, vẻ lo lắng lắm.
Thằng cháu thấy ông như vậy, sốt ruột:
- “Cô” đi mời vẫn chưa về hả ông? Hay con đi tìm “cô” về để ông hỏi cho ra nhẽ? Con cũng thấy lo lo ông ạ...
Vừa lúc đấy, Vương cũng đi mời khách về đến nhà. Cụ Phúckéo Vương vào, hỏi dồn:
- Thầy hỏi, con phải trả lời thật nhé. Con có yêu cái Vấnkhông? Con có làm chuyện đàn ông với đàn bà được không? Còn chuyện con với thằng Kiên “ái” nhà ông Vân thế nào? Thầy nghe thằng cháu đích tôn nói con với thằng Kiên “ái” yêu nhau, thề thốt nếu không được sống cùng nhau sẽ cắt tóc đi tu. Đã thế, còn bày đặt chuyện lấy vợ làm gì hả con?
Vương đỏ mặt. Phần vì ngượng, phần vì tức, Vương sấn sổ vào mặt thằng cháu, rõ ngoa:
- Tiên sư họ ngoại nhà mày! Đàn ông gì mà buôn chuyện còn hơn mấy con đàn bà buôn cà buôn cá thế hả? Không phải mày là thằng cháu đích tôn thì “bà” tế cho ông bà ông vải bên ngoại nhà mày phải bắt mẹ mày khấu đầu xin “bà” tha thứ. Mày đã tận mắt thấy “bà” “ăn nằm” với thằng đàn ông nào chưa mà bảo “bà” là ái am ái nữ, là rửng mỡ, thèm trai? Mày nghe những đứa thối mồm thối miệng vu oan cho “bà” phải lòng Kiên “ái”, thề nguyền thế này thế kia với Kiên “ái”... Mày là cháu “bà”, không bảo vệ danh tiết của “bà” lại đồng lõa với lũ trâu lũ chó vu oan cho “bà” là sao?... Thằng khốn nạn! Thằng mặt người dạ chó! Thằng cháu có cũng như không ...
Thấy Vương mồm năm miệng mười “xỉa xói” thằng cháu trưởng, cụ Phúc tím mặt, giang tay tát “bốp” một cái rõ đau, rồi chỉ vào mặt Vương:
- “Chị” có im ngay không! Nó là cháu “chị” mà “chị” chửi nó như chửi quân thù quân hằn là sao? Nó lo cho “chị” mới nói cho tôi biết. “Chị” lại già mồm, chửi bậy chửi bạ. Chẳng có lẽ, tôi đánh tuốt xác “chị” bây giờ.
Nhăn mặt vì đau, Vương ấm ức:
- Thầy chỉ bênh nó thôi. Thầy thử đặt cương vị là con mà bị vu oan giáng họa như thế thì thầy có bực không? Con là “cô” của nó...
Cụ Phúc sẵng giọng:
- “Chị” là cô của nó hay là chú của nó?
Vương lí nhí:
- Dạ! Con là chú của nó ạ.
- Là đàn ông sao lại yêu Kiên “ái”? Sao lại thề thốt nếu không được sống cùng Kiên “ái” sẽ cắt tóc đi tu? Nói! Nói ngay!
Vương hậm hực liếc xéo thằng cháu, định ca bài ca “tiên sư họ ngoại nhà mày” thì bị cụ Phúc vả bốp cái vào miệng, cảnh cáo:- Lại định già mồm chửi thằng cháu đích tôn của tôi à? Đàn ông gì mà ngoa ngoắt thế? Nói rõ cho tôi nghe chuyện “chị” với “chị” Kiên “ái” yêu nhau để tôi còn liệu.
Vương định nói rõ mối quan hệ với Kiên “ái” nhưng sợ nói ra thì “dì Kiên” sẽ không lấy được vợ, sẽ khổ “dì” ấy nên Vương lặng im. 
Thấy Vương cúi mặt, không nói gì, cụ Phúc chép miệng, thở dài:
- Thế mà “chị” còn già mồm chửi thằng đích tôn của tôi là buôn chuyện. Thôi, không cưới xin gì nữa. Để tôi ra thưa chuyện với bên nhà, nói rõ “chị” là đàn bà để xin hủy hôn. 
Vương cuống lên:
- Thầy! Thầy đừng làm thế. Con yêu Vấn thật mà. Con là đàn ông thật mà! Con thề! Tiên sư bố đứa nào mà con nói điêu!
Vừa lúc đấy, Vấn bước vào. Như chết đuối vớ được cọc, Vương vội kéo Vấn vào cuộc:
- Vấn! Vấn nói cho thầy “chị” biết đi. Thầy “chị” không tin “chị” là đàn ông. Thầy “chị” bảo sẽ ra nhà xin hủy hôn vì “chị” là đàn bà.
Vấn phì cười, mắng Vương:
- Nỡm ạ. Cứ “chị chị Vấn Vấn” như thế thì làm gì mà thầy chả nghĩ “chị” là đàn bà con gái. Xưng anh cho quen đi, rồi sau này còn xưng bố với con, chẳng lẽ lại xưng với con là mẹ?
Vương bấu bấu tay Vấn, đỏ mặt: - Ừ. Người ta sẽ sửa. Nhưng quen thế rồi. Khó sửa lắm.
Cụ Phúc nhìn Vấn, nhẹ giọng:
- Vấn này. Con đẹp người đẹp nết lấy đâu chả được thằng chồng tử tế sao lại chọn thằng Vương nhà bác làm chồng? Lấy nhau về, không có con cái thì sao được hả con? Rồi sẽ khổ cả đời, con ạ. Nghe bác, hủy đám cưới với thằng Vương nhà bác đi.
Vấn đỏ mặt, nhìn thật nhanh xuống bụng, rồi nhỏ nhẹ: - Dạ! Con nghe lời thầy nhưng còn cháu nội của thầy thì sao ạ?
Thằng cháu tròn mắt nhìn Vấn, lắp bắp:
- Cô... Cô nói sao ạ? Cô với “cô” Vương nhà cháu có em bé rồi ạ?
Không đợi Vấn gật đầu xác nhận. Thằng cháu ôm Vương quay mấy vòng, hét toáng lên:
- Ôi chú Vương pha gái giỏi quá! Giỏi quá!
Vương tít mắt cười, đấm đấm lưng thằng cháu, chửi mát:
- Tiên sư họ ngoại nhà mày! Sao không bảo “cô” là ái nữa đi.
Cụ Phúc khà khà cười, hết nhìn con, rồi lại nhìn cháu. Cụ vui lắm. Cụ gọi với vào buổng:
- U nó ơi! Thằng Vương nhà mình là đàn ông, đàn ông thật, u nó ạ.
Rồi Cụ xăng xái ra đốc thúc mọi người lo việc cỗ bàn, tiếp khách. Cụ đi đi lại lại. Cụ nói nói cười cười. Trông Cụ thật hạnh phúc!
*
Làng Đá, mùa hè năm 2015
ĐẶNG XUÂN XUYẾN

READ MORE - CÔ VƯƠNG CƯỚI VỢ - Truyện ngắn của Đặng Xuân Xuyến

NGHIỆP ĐỜI - Hồi ký của Lâm Bích Thủy


             
                               Tác giả Lâm Bích Thủy




                         NGHIỆP ĐỜI

 Bên cạnh những đặc điểm tạo nên nhân cách, tâm hồn, tình cảm thi sĩ trong ba tôi, còn có một mảng đời sống tâm linh, mà hiện nay, theo như anh Cao Kế - giáo viên dạy triết học Trường Đại học Qui Nhơn-bạn vong niên của Yến Lan cho rằng:
            “Có nhiều người quan tâm đến vấn đề này ở Yến Lan.
 Năm 18 tuổi, học xong bậc trung học, ba tôi kiếm sống bằng dạy tư tại chùa Ông. Tối đến, ông làm thơ. Thơ ông đăng trên các báo: Phụ Nữ, Tiểu Thuyết Thứ năm (TTTN). Có lẽ ông sinh ra là để làm thi sĩ. Cái từ thi sĩ” đã gieo vào lòng ông nỗi háo hức tiến sâu vào thế giới của văn chương là vậy! Có nơi nào hơn để ông giải bày tâm tư của mình như nơi này?!.
   Khởi đầu của nghiệp Văn là :
“Năm 1937 chúng tôi “Yến Lan và Chế Lan Viên” đã ra được một tạp chí viết đẹp, khổ lớn, lấy tên “Tiếng Địch” anh Phạm Huy Thông ở bên Pháp có viết thư về khen. Bọn tôi in “Tiếng Địch” ở Sài Gòn nhưng Tòa soạn lại đặt ở thị trấn Bình Định. Tôi là người chủ yếu lo bài vở in ấn, nhưng Tiếng Địch chỉ ra được một số (1) Lúc đang chuẩn bị cho ra số (2) thì kẹt về tài chính nên dừng lại. Tôi nhớ số đầu có in thơ Nguyễn Xuân Sanh, Xuân Diệu, và dường như có Huy Cận nữa.”

  Một bài báo khác viết “It lâu sau chia tay “Tiếng Địch” Yến Lan cùng Phạm Huy Thông, Xuân Diệu, Chế Lan Viên xuất bản tờ “Lính Thủy”. Ông đã gửi tờ báo này cho Tổng trưởng Bộ Giáo dục lúc bấy giờ, là Phạm Quỳnh như là để trình vào làng báo biết rằng tại Thành Đồ Bàn Bình Định cũng có các văn sĩ đầy tài hoa không kém các văn sĩ ở các đô thị lớn.
 Những tác phẩm lần lược ra đời.
- Giếng Loạn – Tràn Bờ                  (gồm 25-28 bài thơ)
- 2 tập Kết Giao                             (gồm 45 bài thơ) 
- Đọng Biếc                                   (gồm 30 bài thơ)
- Bóng giai nhân - năm 1941      (kịch thơ)
- Gái Trử La, Bánh xe luân hồi   (kịch thơ)
- Nổi tiếng với tập thơ Bến My Lăng  (20 bài). Tập thơ chưa được in mà đã nổi tiếng bởi lời giới thiệu của Chế Lan Viên:         

   “Bến My Lăng” Tập thơ đầu của Yến Lan:
   Trong ngôi chùa ấy. Có những hoa cúc để thu đến, nở vàng. Và những hoa lan để xuân về, đơm ngọc. Và một cổ thụ, mỗi lúc đông sang, lại tờ tờ gieo lá xuống đường, thư xanh lẫn với thư vàng, vàng xanh cũng phiêu lưu trong suối gió. Và nhà thơ trong chùa ấy. Bình tĩnh như là hoa bình tĩnh rụng, gửi vào đời những lời thơ nhỏ như chiếc lá, những giấc mộng, lớn không qua nổi cánh hoa, thơm ngát như hoa, và xinh xinh như lá.
  Một tiếng cười lạc trong buổi sớm, một tiếng võng đưa trong một buổi chiều, vài giọt mưa đọng trên giây thép, đôi nét như mộc mạc đọc trên bến cát mờ…ấy đấy, nghĩa lý gì đâu, bao nhiêu bức tranh rời rạc đó.  Nhưng vào đây chúng bỗng nhiên mang một nỗi buồn gì êm dịu, một sự tưởng nhớ gì nhẹ nhàng, một thứ ánh sáng gì im mát.
 Ở đây, không nhìn thấy góc cạnh của cuộc đời, cũng không có khói sương của xứ mộng, và người muốn tìm hãi hùng trong địa phủ sộ e “mắc cạn giữa vườn hoa. Đây là, nói làm sao bây giờ - sự thực thu nhỏ lại, vô cùng nhỏ lại, cho đến mức người ta có thể lẫn nó với Mơ – Màng.
 Cũng ở đây, người ta thấy sự giản dị của những câu ca dao, vẻ hiền hòa bao khúc hát cổ, một cái gì thân mật, tuy rằng mới lạ với chúng ta, như mặt trăng đã có tự muôn đời, hôm nay vẫn còn gây thơ mộng. Một cái gì ửng sáng ở Phương Đông. Hình như mặt trời sắp mọc. Không hình dung như mặt trăng thì đúng hơn.                               Số 30/11/5/1939

   Ngoài thơ, ông còn có các truyện ngắn như:
Gốc khế bên đường, Chó củi, Tiếng gọi xe ban đêm, Mẹ ơi, chim bồ câu của ai, Ông lão bán cò, Chiếc áo rách, Nhớ trường, và rãi rác những cảo luận trên các Tạp chí khác. Những sáng tác của ông giai đoan 1930-1945, hầu như bị thất lạc, chỉ còn lại “Bóng giai nhân, Gái Trữ La”.

Và làm nghề thầy giáo:  
Theo ba tôi: 
“Khoảng năm 17-18 tuổi; lúc đó, tôi dạy tư ở nhà. Học trò lóc nhóc đủ hạng. Hàng tháng học phí mỗi đứa dăm sáu hào. Nhưng thu tiền rất khó và phiền phức, nhiều đứa nghèo quá tới học không. Nhà có mảnh vườn nhưng tôi chẳng biết làm gì, túng thiếu. Thơ tôi đăng đều trên báo Phụ Nữ, Tiểu Thuyết thứ Bảy. Tết đến đọc thơ mình trên báo, chẳng có một xu dính túi, chứ đâu sướng như bây giờ. Các báo hồi đó nghèo quá mà cũng là bạn hữu văn chương cả. Tôi nhớ có lúc anh Minh Vĩ ra tờ báo “Phụ Nữ Hà Nội” tôi và Chế Lan Viên thường xuyên viết giúp. Tôi lấy bút danh là Xuân Khai còn Chế Lan Viên thì ký tên Kiểm Tịnh Chi.”
  Có tài liệu cho biết:
  Vào những năm 1930-1940, trên văn đàn có hai tờ tạp chí: gồm Tiểu thuyết thứ Bảy và Tiểu thuyết thứ Năm .
Tờ TTTB, xuất bản năm 1933. Tờ TTTN xuất bản  năm 1937. Mỗi số có 24 trang, kích cở 32cm x 24cm  (những số đặt biệt lên đến 32 trang)
 Thời kỳ đầu do ông Lê Tràng Kiều làm chủ bút, Đỗ Phồn là thư ký tòa soạn; các ông Phạm Văn Kỳ (tức Kỳ Pa), Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng và một số cây bút khác như Yến Lan, Vũ Trọng Can, Thanh Tịnh, Quỳnh Giao, Anh Thơ, Mộng Tuyết.. là cộng tác đắc lực cho tờ báo.
  Phần lớn các cộng tác viên gửi báo đăng bài của mình rồi nhận báo biếu để đọc cho vui chứ không ai nghĩ đến nhuận bút. Chỉ có anh em ruột Trúc Đường và Nguyễn Bính, người Nam Định được tòa soạn cấp cho mỗi người, hàng tháng 5đ Đông Dương để sống và viết cho báo. Còn khá giả như Đàm Quang Thiện, anh em Phạm Huy Thông, Phạm Huy Thái-con chủ hiệu vàng Chấn Hưng, thì khi nào báo có tiền, nhờ món quảng cáo nào xôm tụ thì mời họ đi ăn một bữa là quá lịch sự rồi.                              
 Vậy, công bằng mà nói - đó chính là sự đóng góp có ý nghĩa của các nhà văn, nhà thơ cho cuộc sống đương thời, khẳng định khả năng biểu đạt phong phú của ngôn ngữ Việt cũng như khẳng định sự phát triển thề loại văn chương lên một bước mới, nhiều sức chinh phục.   
 
  Nhạc sĩ La Nhiên (tức Nguyễn Liên) con trai danh cầm đàn Tranh, nổi tiếng những thập niên 1950.. viết:
  “Hồi ấy, theo gợi ý của Ban biên tập Báo “Phụ Nữ Hà Nội” đã có một giai đoạn cả Chế Lan Viên lẫn Yến Lan buộc lòng phải đổi giới tính trong bút hiệu của mỗi người. Kiều Tịnh Chi, hoặc Kiều Linh Chi là bút danh của Chế Lan Viên, còn Yến Lan mang bút danh Cô Yến, hay Thọ Lâm, những “nữ” tác giả này không mấy chốc “mê hoặc” được bạn đọc bốn phương của báo “Phụ Nữ Hà Nội” qua các chuyên trang “Phụ nữ xưa và nay”, “Phụ nữ Phương Đông” với quyền bình đẳng” ..  Không lâu sau, trên mặt báo quen thuộc này, bỗng xuất hiện và khoe sắc với một bút danh nữ mới toanh: “Kiều Thu Ngân-Phạm thị Ngàn” ở chuyên mục “Người Nội Trợ”
 Hai chàng thi sĩ nọ “suy ta ra người” nghĩ rằng chắc cũng là bút danh của một anh chàng nào đây và không bận tâm tìm hiểu “nàng Kiều” này làm gì… Bỗng một hôm, Chế Lan Viên đến nhà Yến Lan, đưa cho ông xem trang thơ của Báo “Phụ Nữ Hà Nội” với bài thơ của Kiều Thu Ngân, đề tặng đích danh “Cô Kiều Tịnh Chi tức Chế Lan Viên. Bài thơ “Khuyết đề”. Có hai câu được ông Minh Vĩ bình rằng: 
 
Tháp cao gió phổ Điêu tàn nhạc
Thành rộng mưa đan Giếng loạn thơ

   Nếu “Điêu tàn” là tập thơ đầu đời của Chế Lan Viên thì “Giếng loạn” cũng chính là “chùm thơ khắc tâm” xuất sắc của Yến Lan. Cho nên “Tháp cao” sánh với “Thành rộng” là quá cân bằng lại còn thêm “Gió phổ điêu tàn nhạc” sánh với “Mưa đan giếng loạn thơ” thì còn nơi nào trong “Xứ thơ” này lộng lẫy hơn? Chưa hết, ông Minh Vỹ còn thêm “Kiều Thu Ngân” có những lời ca ngợi như xoáy vào tim của hai tài năng thơ mà nàng ta đang vô cùng mến mộ:
Làng thơ nổi tiếng nhất xưa nay
Tứ hữu Bàn Thành có những ai
Thử đến lầu thơ nhìn tận mặt
Hiện hữu hai chàng –Thơ vắng hai...

  Trong khi ở Bình Định, Yến Lan và Chế Lan Viên đang phân vân về bút danh này, thì tại Hà Nội, ông Minh Vĩ mang một thắc mắc có tính chất tự vấn bản thân “Chẳng lẽ Chế Lan Viên tự đề tặng cho chính mình?” Điều đó khó có thể xảy ra, nếu như vậy sẽ mất uy tín của một nhà thơ tầm cỡ như anh ta? Vì vậy ông đã khá vất vã và mất thời gian để tìm hiểu vụ này cho ra nhẽ. 
 Cuối cùng, các nhân viên trình cho ông một bảng lai cảo của tác giả Kiều Thu Ngân-Phạm thị Ngàn, được lưu giữ từ nhiều năm trước. Tác giả gửi đến Ban biên tập báo PNHN từ làng An Thái, phủ An Nhơn-tỉnh Bình Định, ngày…tháng…năm 1938, trong đó nổi bật mấy câu: 

Cửa Đông rẽ trái Trạm Nha
Cửa Đông rẽ phải dốc Nhà Tầm cao                                
Tìm người như thể tìm sao
Trái phải không gặp thơ lầu vắng hoe

                                                                Lâm Bích Thủy

READ MORE - NGHIỆP ĐỜI - Hồi ký của Lâm Bích Thủy