Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, November 29, 2016

MẸ ƠI ! Ngọc Liên & Đức Hạnh





MẸ ƠI !

Kính mừng thiếu nữ Si-on
Như loài huệ trắng vẹn tròn sắc hương
Hồng ân Chúa trải bên đường
Từ khi thơ ấu vần thương thắm nồng.

Xin Người đoái mắt thương trông
Đoàn con giữa chốn bụi hồng hôm nay
Ân tình xin rót tràn tay
Cho niềm cậy mến ngập đầy lối đi.

Lời kinh con vẫn thầm thì
Lúc trời trở gió hoặc khi bão bùng
Biết rằng đời vốn mông lung
Nương nhờ bóng Mẹ để cùng bước qua.

Hồng trần bao nỗi xót xa
Nguyện ân tình Mẹ chẳng nhòa tim con
Trót mang thân phận mỏng giòn
Mẹ ơi dìu dắt cho tròn mến thương !


                                     Ngọc Liên
                                     21.11.2016

HỌA:

HOA MÂN CÔI

Mặt trời tỏa sáng Si - on
Ân tình Trinh Nữ chu tròn ngát hương
Hoa hồng thắm nở Thiên đường
Mari.. nhân ái tình thương mãi nồng

Chúng con khẩn nguyện đợi trông
Vườn yêu trải thắm hoa hồng thời nay
Nguyện cầu con chắp đôi tay
Lòng con hố thẳm.. lấp đầy Chúa đi

Mở lòng hoa ái đúng thì
Theo con “đường hẹp”, dù khi bập bùng
Phong ba bảo táp lạnh lùng
Cho con Cậy, Mến.. yêu cùng vượt qua


Thương người sầu khổ gần xa
Suối nguồn tình Mẹ chẳng nhòa tâm con
Mân Côi hoa ái nở giòn
Kính dâng lên Mẹ vun tròn yêu thương. 

                                           Đức Hạnh
                                          22.11.2016


READ MORE - MẸ ƠI ! Ngọc Liên & Đức Hạnh

BIỂN MẶN - Truyện ngắn của Thủy Điền


            


               BIỂN MẶN

Sau chuyến nghỉ hè tại Vũng Tàu và những gì đã trải qua tại khách sạn “Biển Mặn “ Nhan đã chợt hiểu ra Linh không bao giờ yêu mình mà chỉ xem là tình bạn cao cả mà thôi. Rồi nàng bỗng dưng không khóc  nữa và càng kính trọng Linh hơn.
   Hai người gặp nhau trong trường hợp ngẩu nhiên của buổi tiệc Sinh nhật qua trung gian một người bạn cũ. Câu chuyện qua, lại rồi đường ai nấy đi ngỡ không bao giờ gặp lại, mà dẫu có gặp thì chắc cũng lâu lắm. Nhưng không ngờ! Năm ấy sau khi tốt nghiệp Cử nhân Linh tìm được việc làm tại một thành phố lớn. Phải nói khi đến đây đi làm và tìm một chỗ ở rất là khó khăn. Tình cờ một hôm chàng lang thang dạo phố thì gặp lại Nhan. Nhan đã làm việc và ở đây gần năm năm, gần như thổ địa xứ nầy, nàng quen rất nhiều nơi . Lúc đầu tìm chưa được nhà, Nhan nhã ý mời Linh về nhà nàng nghỉ tạm ít hôm rồi hãy tính, nhưng Linh từ chối và tạm ở chung với một người đồng nghiệp. Cũng may, đúng tuần sau Nhan đã tìm được một căn gác nhỏ tạm thời cho Linh cạnh nhà nàng. Những ngày đầu Nhan thường hay đến với  Linh, giúp chàng những chuyện lặt vặt, tâm sự  và thường rủ nhau đi ăn  vào những buổi chiều sau khi tan sở.
   Thời gian- rồi thời gian tình cảm càng ngày càng gắn bó, Nhan bắt đầu để ý yêu Linh, ngoài những giờ làm việc tại Công sở, nàng luôn dành hết số thời gian còn lại cho Linh, nàng xem Linh như cái gì của riêng mình không hơn, không kém và chính Linh cũng nhận thấy điều ấy nên càng thương nàng nhiều hơn. Thỉnh thoảng Linh cũng tự hỏi? Tự nhiên mình có một người con gái quí mến và thương yêu mình như thế. Tại sao? Mình không đón lấy và đáp lại tấm chân tình ấy. Nhưng nghĩ thì nghĩ vậy, chàng vẫn luôn thận trọng vì mình mới vừa đến đây. Qua những lần giao du chàng nhận ra Nhan cũng chưa có mối tình nào cả nên chàng cũng bắt đầu ngã lòng đôi chút.
   Cứ mỗi độ vào hạ, mọi người đều có một thời gian nghỉ nhất định, Nàng luôn chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ như: Địa điểm. Hotel, vé máy bay v…v để chàng và nàng cùng thụ hưởng, nghỉ ngơi sau những ngày làm việc mệt nhọc. Nhưng rất tiếc nàng hơi quá vội, lúc nào nàng cũng ngỡ chàng là của riêng mình, nên đôi lúc có những cử chỉ và hành động không phù hợp với chàng. Bởi thế, tình cảm chàng dành cho nàng chỉ là tình bạn bè cao cả còn tình yêu thì chàng tự cãn ngăn mình trong mọi tình huống. Thoạt đầu nàng cũng chưa rõ về chàng một cách chính chắn, nên đôi khi đã xảy ra những cuộc giận dỗi khá nghiêm trọng. Tuy, dù hoàn cảnh nào chàng cũng luôn giữ bình thản tránh mọi sự việc xấu dần thêm. Qua những cơn ấy, mọi việc đều trở lại bình thường, hai người bên nhau thân thiết như đôi tình nhân thật sự.
    Sau những lần thử thách và chung đụng. Linh xét nghĩ, mình nên tỉnh táo hơn. Đối với Linh chàng lúc nào cũng cho nàng là một người bạn tốt, khó kiếm trên cõi đời nầy và riêng tình yêu thì không thể nào được vì trong cuộc sống giữa chàng và nàng đều có những thế giới khác nhau. Chàng luôn bảo mình hãy dừng lại càng sớm càng tốt tránh hậu quả ngày mai kẻo mất cả hai.
   Tuy biết thế, nhưng nàng luôn đặt hy vọng ở chàng và tìm mọi cách để hai đứa được gần nhau, nhưng cuối cùng kết quả vẫn là con số cũ. Và mới đây nàng và chàng cùng đưa nhau ra Vũng Tàu nghỉ một tuần tại Hotel “Biển Mặn “ Nàng cũng tạo mọi điều kiện và hoàn cảnh thích hợp. Nhưng chàng vẫn lặng thinh trong tình ái và cứ xem nàng như ngày nào vừa mới quen nhau.
  Sau chuyến đi lần chót ấy nàng chợt nghĩ ra là chàng không yêu mình thật mà chỉ xem như người bạn thân thiết trong cuộc sống mà thôi. Thường thì mỗi lần chàng lạnh nhạt nàng hay âm thầm khóc và khóc đến khi nào chàng xin lỗi thì thôi. Nhưng hôm nay lại khác, khi nhận diện ra sự việc nàng không còn khóc nữa và luôn thầm bảo trong lòng “Linh thật quả là  người bạn tốt, một con người cao thượng, luôn giữ đúng tình bạn chân chính và Linh “Đáng được trân trọng trong cuộc sống của nàng.
-Trong im lặng
             tình bạn vẫn chảy trôi
                      một năm sau
                              nàng báo tin cho chàng biết
                                        nàng đã tìm được một tình yêu mới và
                                                  nàng đi lấy chồng…!
- Chúc Nhan luôn hạnh phúc và chúng ta vẫn là những người bạn tốt như thuở ban đầu.

                                                                              Thủy Điền
                                                                             27-11-2016

READ MORE - BIỂN MẶN - Truyện ngắn của Thủy Điền

RU HỜI NẮNG... - Thơ Trần Mai Ngân





RU HỜI NẮNG...

Em say cơn nắng. Say ! 
Em say cơn nắng. Trưa .
Ơi à, em say anh...

Ru loanh quanh, loanh quanh
Mình mong manh, mong manh
Em say cơn nắng xưa 
Ơi à, em say anh

Nhốt lại mây bay. Xa 
Tan mộng, rời chiêm bao 
Ơi à, trời cao - cao...
Sao ta đành phụ nhau !


Sao đành, đành phụ nhau 
Ơi... Ru hời... hời... đau !

           Trần Mai Ngân

READ MORE - RU HỜI NẮNG... - Thơ Trần Mai Ngân

SÂU NẶNG NGHĨA TÌNH - Hồ Sĩ Bình


Từ nhiều năm trước, mỗi lần về Quảng Trị, Quát đều ghé thăm tôi tại Đà Nẵng. Trong những lúc uống cà phê với nhau dọc đường, Quát vẫn vội vội vàng vàng rồi xách máy ảnh lên đường. Hỏi, chỉ nghe trả lời là về Quảng Trị để chụp ảnh. Anh trở lại vùng đất ấy rất dài ngày, ăn dầm ở dề lặn lội khắp hang cùng ngõ hm để săn ảnh. Tôi hỏi: Sẽ làm gì với hàng nghìn bức ảnh như thế? Rõ ràng đầu tư cho một cuộc chơi như thế - quá tốn kém, thời gian và sức lực của một người đã bước qua tuổi 65. Ngày ấy anh chẳng nói gì, chỉ cười … chụp để chơi thôi, chơi cho vui ấy mà.
Mưa lụt ở vùng trũng Hải Lăng


Nói vậy nhưng không hề “chơi cho vui” chút nào mà nghiêm túc, rất nghiêm túc là đằng khác. Có lẽ anh giữ bí mật trước khi có một sản phẩm trình làng. Anh đã chịu khó ln lội khắp Quảng Trị, từ Ô Lâu, Thạch Hãn, Hiền Lương, sông Hiếu từ đầu sông đến cuối sông, chợ quê, làng quê, lễ hội, những vùng trời yên ả còn lưu giữ dù rất mong manh nét xưa cũ, kể cả những quán nhỏ trong mưa bay, những cung đường trong sương lạnh, em gái đạp xe về dưới mưa…

Cái cách anh đi “săn ảnh” cũng vội vàng cấp tập như sợ trễ, sợ không kịp nữa, sợ mốt mai mất đi không còn gì để lưu giữ. Trời mưa bão, bão ngoài mình thì kinh hoàng biết chừng nào,anh bị bệnh gout hành hạ đãhơn 10 nămthỉnh thoảng chân bước đi cà nhắc khó nhọc thế mà anh vẫn xách máy về cho được, cố “canh” cái thời điểm thích hợp nhất để lấy ảnh dù trời có dông gió bão bùng. Có người cho là “điên”. Còn anh thì dứt khoát - chụp ảnh Quảng Trị phải chụp cho được khoảng khắc của mưa gió bão lụt mới đúng cái hồn Quảng Trị, ra cái chất đặc trưng của vùng đất này.

Biết nói sao được thời trẻ thơ của một người từng lớn lên trên vùng đất này, mưa lụt bão bùng là một ám ảnh đè nặng lên cuộc sống của người dân, dưới cái nhìn của tuổi nhỏ cũng lắm buồn vui với những khóc cười. Mưa lụt trong góc nhìn của nghệ thuật với Quát không phải là nét đẹp hiển thị mà chính là cái sâu thẳm ẩn ức của cảm xúc, cái đẹp trong sự liên tưởng gợi mở, dù đôi khi chụp toàn cảnh nhưng lại được nhìn rõ hơn ở những chi tiết như những góc khuất được mở ra bằng những câu chuyện về làng quê, sông nước với không gian mênh mang thấm đẫm tình cô lữ.

Và rồi, Quảng Trị - Đi nhớ về thương (*) tập vựng ảnh ra mắt với công chúng với gần 180 bức tuyển chọn từ hàng ngàn bức ảnh anh chụp trong nhiều năm trời được in couché màu sang trọng, được chăm chút công phu theo từng chủ đề: Nắng gió, Sông nướcTín ngưỡng cát ven biểnDi tích, Làng quê yên bình, bà mẹ quê… Anh không có ý định “làm một tập kỷ yếu hay địa phương chí bằng hình ảnh và cũng không nhằm giới thiệu những điểm đến cho du khách”, mà chỉ với “mong muốn sẻ chia cảm xúc với người Quảng Trị sống xa quê” những rung động của một người xa quê trở về nhớ lại một thời đã xa… như lời tâm tình của tác giả.

Phạm Đình Quát cầm máy cũng đã gầ50 năm  làm báo đã nhiều năm, nhưng Quảng Trị - Đi nhớ về thương không hề là ảnh báo chí thời sự, nó là ảnh nghệ thuật. Ảnh của anh tự nhiêntrung thực; không sắp đặt và không sử dụng các kỹ xảo nhiếp ảnh của kỹ thuật s. Cuộc sống và khung cảnh trong ống kính của anh là những khoảng khắc có khi là tình cờ, như một chút thoáng qua, một chút bối rối nếu có chuẩn bị thì chỉ để chọn góc ảnh, ánh sáng. Vì thế những tác phẩm của anh có chiều sâu và sự mềm mại. Hình như mỗi bức ảnh là mỗi câu chuyện trộn lẫn giữa ký ức, giữa giấc mơ và thực tế của một người đã lớn lên giữa những năm tháng đầy đạn bom trên vùng đất này.

Mỗi bức ảnh của anh trong khát vọng từ ký ức, kỷ niệm trong khi khai thác chất liệu hiện thực hôm nay. Anh luôn ý thức bởi “sự nhìn lại, nhớ lại” bằng hình ảnh trong tâm tưởng của một người xa quê trở về nên nó sẽ đánh động vào tâm thức của người cùng cảnh ngộ. Ví như khi chụp ảnh về đề tài làng, vẫn là đụn rơm, bến nước, đồi cát, đàn bò, miếu mạo…những tấm ảnh phong cảnh với tiêu chí nghệ thuật khơi gợi cảm xúc từ quá khứ bằng những khoảnh khắc dài lâu - đọng lại dội ra những chuyện kể của đời người đã trải qua trên vùng đất này. Ảnh về sông nước cũng thế, dù không trực diện với chiến tranh nhưng nó khơi gợi những tháng năm chia cắt đạn bom mất mát, những dòng sông Hiền Lương, Thạch Hãn, Ô Lâu, sông Hiếu trong tâm thức về nguồn cội, gốc rễ của con người Quảng Trị hôm nay.

Chùm ảnh Chợ tỉnh, chợ quê thật sinh động, quê kiểng, chi tiết, đặc biệt những “chân dung” những mẹ, những chị, người bán bánh bao dạo, ông già may áo… với những nải chuối, nhúm ngũ cốc, mấy quả dưa và phiên chợ ngày Tết. Chao ôi - những cảnh đời thân phận, hình ảnh gợi nhớ thao thiết một thời quá vãng, nó bâng khuâng ấm áp. Đó là câu chuyện của quá khứ - hiện tại được tiếp nối trong những góc nhìn đầy trắc ẩn của đời người. Ảnh của anh tự nhiên trung thực không phải ở dạng đèm đẹp, sặc sỡ, sắp đặt dàn dựng hay tô v chung chung. Đôi khi là những câu chuyện về người đi xa về lại - ngắm nhín bằng một lời thủ thỉ yêu thương, ngẩn ngơ tiếc nuối, bổi hổi bồi hồi dấu xưa kỷ niệm, dùng dằng người ở kẻ đi. Đó là nỗi thao thức quê nhà vọng tưởng dù cách xa hay hiện hữu trên quê nhà.

Anh như kẻ phong trần lãng tử trở về ngồi lại nơi bến sông xưa, nhìn sông nước cảnh vật - thật ra để nhìn lại mình bằng thái độ của một người đã thấm một nỗi đau luân lạc. Nhiếp ảnh, nói cho cùng là điểm nhìn của cá nhân, là “cái tôi” của thị giác, chụp cái gì cũng là chụp mình mà thôi. Yêu thương đắm đuối một đời với vùng đất nắng lửa mưa dầm, chụp ảnh Quảng Trị với Quát là chụp lại bóng mình, chuyện đời mình cả thôi. Quảng Trị - Đi nhớ về thương trong một tình yêu dâng hiến, đối với Quát còn là sự tri ân sâu nặngnghĩa tình với người và đất Quảng Trị.

Ai đi xa cố hương mà không khỏi bùi ngùi thương nhớ khi giở từng trang sách ảnh của anh?!
____________________________________________________


(*) Đi nhớ về thương. Phạm Đình Quát. NXB Hội Nhà văn. 2016




READ MORE - SÂU NẶNG NGHĨA TÌNH - Hồ Sĩ Bình

NGHE THƠ LA THỤY NỬA KHUYA - Thơ Châu Thạch

   
                 Nhà thơ Châu Thạch



NGHE THƠ LA THỤY NỬA KHUYA

Nghe thơ La Thụy nửa khuya
Mênh mang trời đất như chia hai miền
Miền cao trăng nước cung thiên
Miền gần thao thức ưu phiền trần gian
Âm trong nhẹ, vút mơ màng
Âm trầm lụy, tỏa mang mang cõi đời.

Nửa khuya mưa gió ngoài trời
Nghe thơ La Thụy thấy lời trăng sao
Tiếng thương đau, thấy ngọt ngào
Tiếng vui, thấy sóng dâng trào niềm riêng
Thấy anh hùng, thấy thuyền quyên
Thấy say chếnh choáng, thấy nghiêng hồ trường
Thấy hồn trăm sợi tơ vương
Buồn vui quyện với yêu thương chẳng lìa.

Nghe thơ La Thụy nửa khuya
Phòng hương quạnh giấc, ngoài kia đông về ./.


                                              Châu Thạch

READ MORE - NGHE THƠ LA THỤY NỬA KHUYA - Thơ Châu Thạch

PHÁ VỠ MỘT THÀNH KIẾN CÒN KHÓ HƠN PHÁ VỠ MỘT NGUYÊN TỬ - Lâm Bích Thủy

         
                        Tác giả Lâm Bích Thủy


PHÁ VỠ MỘT THÀNH KIẾN CÒN KHÓ HƠN PHÁ VỠ MỘT NGUYÊN TỬ
                          Trích HK “về người cha thi sĩ” của Lâm Bích Thủy

   Những dịp về thăm quê, tôi thường được các anh chị lớn tuổi kể lại những  việc ba tôi đã làm; đọc lại những bài thơ ông đã sáng tác trong thời gian  Cách mạng Tháng Tám và  Kháng chiến kiến quốc cho tôi nghe:
Hồi ấy, hễ có việc gì xảy ra, bà con trong huyện đều kéo nhau đến mét “mình ên” ba em (tức chú Yến Lan). Cứ nơi nào cần thì chú có. Chú chuyên hòa giải những rắc rối của bà con xóm giềng. Ai ai cũng yêu tin và nghe lời chú khuyên giải.
    Bài viết của anh Cao Kế trên Tạp chí VNBĐ đã chứng minh cho điều ấy.
 “ Nơi nào tôi không biết chứ ở ”Phòng thông tin” An Nhơn thời ấy, dưới sự chỉ đạo của anh Yến Lan, công tác tuyên truyền khá sinh động. Ngoài việc đọc tin, bài. Còn có ngâm thơ, hát những bài ca Cách mạng, hô bài chòi, có đưa ra những câu thơ để đố. Chính anh Yến Lan là người đảm nhiệm chuyên mục này. Anh sáng tác một số câu thơ ẩn ý để đố về tên các loại vũ khí, các huyện trong tỉnh, các cửa hiệu thị trấn…Hoặc tổ chức thi, khuyến khích khán thính giả gửi bài về “Phòng thông tin”. Đến ngày định trước, anh phân tích các câu thơ đã đố và đưa ra lời đáp án. Ai trả lời đúng được nêu tên trước thính giả, được đám đông hoan nghênh nhiệt liệt. Chỉ có thế mà tác dụng rất lớn, khích lệ người dự thi rất đông.
    Ông Trà Văn Tri cũng đã viết về ba:
 “Trong thời Pháp thuộc dân ta sống trong gông xiềng áp bức của thực dân phong kiến, xã hội ta lúc ấy thật vô cùng tối tăm và đời sống của đa số đồng bào ta nhất là thợ thuyền và các tầng lớp lao động đều có một lối sống rất lầm than, cơ cực, thơ văn lúc đó  là nguồn an ủi với những người yêu nước, yêu thơ nhạc, yêu nghệ thuật. Khi đắm mình trong thơ văn thì tâm hồn mới thanh thoát, mới quên đi được niềm nhục nhã nỗi đắng cay của một dân tộc bị thực dân đế quốc thống trị.
 Với lòng yêu thơ ấy họ đã đứng ra thành lập một Hội Tao Đàn nho nhỏ, tổ chức những buổi “Xuân giang hoa nguyệt dạ” để làm thỏa mãn những khách thơ văn của lớp trí thức trẻ. Một trong những bài được chọn để ngâm trong những đêm trăng đó có bài “Nhớcủa nhà thơ Yến Lan ….

  Ngoài công tác văn hóa, ba tôi còn trực tiếp tham gia chiến đấu cùng bà con xóm giềng. Ngày 25/6/1946 Pháp đem quân và phương tiện chiến tranh đổ bộ lên Đà Nẵng. Từ đó, chúng đem hàng tấn bom Napan rải ven khu vực miền Trung. Xóm làng nơi đây không còn bình yên nữa rồi! Nhưng một điều mới, lạ đến với các vùng quê ấy.
                                        
         Ôi Bình Định, đau thương gài trước ngõ,          
         Mẹ ru con trong bóng tối phập phồng.
         Trong tay áo còn nghe dài tiếng thở,
         Bỗng thấy quanh thềm hát núi, ca sông.
                                         (Bình Định 1945)

Khi Cách mạng bùng nổ trên toàn quốc; các tỉnh Miền Trung- Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên.., tuy muộn hơn nhưng không khí kháng Pháp của những nơi này hừng hực lửa anh hùng nào kém nơi đâu! Tinh thần đó đã chuyển hóa thành những hành động cụ thể, người dân luôn trong tư thế sẵn  sàng; đây, thơ ba đã ghi lại không khí hào hùng của nhân dân quê tôi khi ấy:
            Ta giấu kho hàng
Ta dồn lều lưới
Hầm chồng cát dội
Địch mà cập bến
Kẻng nhanh thúc hồi
Nào anh em ơi
Súng giáo không rời….                                   
 Người trí thức trong huyện bấy giờ luôn đi đầu, đồng cam cộng khổ với quân dân trên mọi trận tuyến.
Tôi sống những ngày thân cò lặn lội
Gánh gạo, phá thành, đốt đuốc dời kho
Cùng xứ sở chung ngọn đèn le lói
Ngày như đêm tiếp mãi lửa căm thù..
 Hồi ấy, tôi còn nhỏ, chưa được tham gia vào tổ chức nào, song cũng đã biết nhận diện rành rọt việc ba làm. Ông bận rộn, tất bật cả ngày nên tôi nghĩ trong bụng: “Ba là người giỏi giang và quan trọng nhất phố huyện mình.” Ba lo chỗ ăn, chỗ ở cho các chú bộ đội về làng. Ba đi sớm về khuya, có bữa không kịp ăn. Tối thì tập kịch cho các anh chị thanh thiếu niên. Kịch thường là những câu chuyện đời thường, tốt thì phát huy khen thưởng, xấu thì góp ý để sửa chữa. Những vở kịch ngắn do ba sáng tác, diễn theo lối hô lô tô hay bài chòi. Tôi đứng xem các anh chị tập, rồi cũng thuộc đến tận giờ; như bài vè về các loại xe thời đó:
Vè vẻ vè ve                          Chiếc công nhông ray
Cái vè xe cộ                         Ép ép đó đây
Rồ rồ máy nổ                       Ép ê xe ngựa
Là chiếc xe goòng               Đường hư ta sửa
Kính kính cong cong           Chạy sớm chạy đêm
Là chuông xe đạp                Giặc Pháp cố ngăn
Chạy bay như táp                Xe ta vẫn chạy.

 - Thuở ấy, tôi không biết “Thi sĩ” là chức gì nhưng thấy mọi người nể trọng ba lắm. Nhất là các chú bộ đội mới về làng. Các chú hỏi tôi: “cháu con ai?- Dạ, con của ba má Lan - tôi trả lời. Các chú lắc đầu không ưng, bảo:
 -  Nếu ai hỏi “cháu con của ai, cháu của bà nào thì con trả lời như thế này:
 - Dạ, cháu là con gái thi sĩ Yến Lan; là cháu bà Cường béc (lúc ấy bà ngoại tôi bị toét mắt ).
 - Ba tôi là cán bộ được lãnh đạo huyện tin tưởng giao những trọng trách   quan trọng ở huyện. Nhà có một cái kệ bằng gỗ xoan, ba tự đóng, bự lắm. Trên đó, ba chất sách Tây, Tàu và tài liệu. Ba dặn: “không được đứa nào lấy thứ gì trên này chơi, mất nó ba bị bỏ tù!”. Nhưng tối nào cũng có một chú đến lấy một vài tờ trên kệ, ra chòi đọc vào loa cho dân thị trấn nghe.
- Trên kệ có mấy bọc giấy bạc vuông vắn, còn mới toanh. Ba nói tiền này đã đổi ra tiền Tín phiếu rồi, không còn xài được, chỉ để cho trẻ chơi đồ hàng thôi. Tết đến, ba thấm nước miếng, đếm cho trẻ con cả xóm mỗi đứa 10 tờ.            

  Trong những năm cuối đời, sống tại quê nhà, các anh chị từng được ba dạy học, hay tham gia trong đội kịch Yến Lan, thấy ông kém may mắn hơn bạn cùng thời nên thường tưởng nhớ lại quá khứ mà ba đã đi qua một cách nuối tiếc. Trong Cách mạng, những ai cùng tham gia với ông, đều chứng kiến ba rất tận tâm, sẵn lòng hết mình với công việc. Ông không mảy may do dự, so đo, tính toán, một lòng theo Cách mạng, tham gia cứu quốc đến cùng.
                        Tôi đã ôm ngọn lửa làm người
                        Dù leo lét nhưng không hề để tắt
  Năm lên tám tuổi, tôi đã chứng kiến được rất nhiều việc ba làm, như khi máy bay đến oanh tạc, ba cùng các anh thanh niên đi tìm khăn, vải xita rồi nhúng ước phát cho dân đắp mặt trước khi xuống hầm để tránh bom khí độc.
 Và, có một hôm, tôi đang chơi đồ hàng cùng bạn thì nghe tiếng ba cảnh báo: “Bà con mau xuống hầm, một chiếc khu trục đang quần ở cửa Đông,  chiếc nữa đang lượn lờ trên khu chợ; chực thả bom xuống đầu ta đấy.” Lời ba vừa dứt thì tiếng gầm rít của động cơ máy bay, tiếng nổ của bom bùm bùm… tiếp theo gió, bụi tung khắp mặt đất…
   Rồi, máy bay mất dạng, thị trấn trở lại yên ắng, nhưng tôi lại thấy nhiều người chạy về hướng có tiếng kêu la thất thanh: “Tội quá anh Lan ơi, cả nhà ông Thái Thạnh bị trúng bom chết hết, ông ấy đứng trên miệng hầm xem máy bay oanh tạc thì bị sức ép hất ra xa, bị thương nặng lắm, không biết có qua khỏi không?! Tôi lại nghe tiếng rên và nhìn thấy ông Thái Thạnh đang lê tấm thân đầy máu, áo quần cháy đen, thịt ở sườn lòi đỏ au, lầy nhầy như cao su bị cháy về phía ba kêu lên thảm thiết “Anh Yến Lan ơi! cứu tôi với! nóng quá! Yến Lan ơi! tôi chết mất!” Tiếng rên ấy như xé nát tim ba! Ông không chịu nổi, liền bảo một anh thanh niên, chạy vào xóm Lò-Rèn, múc gáo bùn đắp lên vết thương để giảm cái nóng như đang rang ông ấy. Sau đó, ba cắt cử hai anh võng ông lên Nhà Thương Kim Châu. Vì vết thương quá nặng, ông đã chết trên đường đi!
 Chuyện ông Thái Thạnh về sau tôi còn nghe: 
 Trước kia, nhà ông buôn vải được trời cho lộc. Chủ hàng bên Trung Quốc, gửi cho bà con Hoa Kiều ở Bình Định một số vàng. Vàng này được dát mỏng, cuộn lẫn vào súc vải. Người nhà không biết, đem bán tất cả cho bạn hàng. Gia đình ông Thái Thạnh may mắn mua được mấy súc. Nhờ số vàng này, gia đình ông trở nên giàu nhất nhì thị trấn bấy giờ. Vì vậy, khi gặp nạn này, người ta lại nói “Lộc Trời bất tận hưởng! hay “Được bạc thì sang, được vàng thì lụi”. Chuyện đó thật hư thế nào tôi đã nghe kể như vậy thôi.  

  Còn thơ ba sáng tác lúc này như chắp thêm cánh cho Cách mạng: 
                        Chỉ mong em để làm tin
                        Đôi tai lắng lấy lời khuyên, ghi lòng
                        Ở đây đài điện đã thông
                        Phổ câu hát ngọt, phổ dòng ca vui
                        Phổ niềm tin Đảng xây đời
                        Nên khung hạnh phúc ghép đôi chúng mình

Năm 1951, có chủ trương giảm biên chế ở lĩnh vực Hành chính và Y tế tại các tỉnh miền trung-Trung Bộ. Bình Định, nhờ có vựa lúa của huyện Tuy Phước, không bị đói như các tỉnh bạn. Bình Định có đường quốc lộ I ngang qua thị trấn An Nhơn đã trở thành điểm hẹn văn hóa lý tưởng cho văn nghệ sĩ các tỉnh bạn. Ba tôi và chú Khánh Cao tập họp những văn nghệ sĩ đã về sống ở An Nhơn, thành lập Đoàn kịch Liên Khu Năm. Đoàn kịch do ba làm trưởng đoàn. Ông giữ chức vụ này cho đến khi ra tới Hà Nội (3/1955)

  Song le, nói đi cũng nên nói lại. Bên cạnh những chiến công hào hùng của quân dân; Bình Định cũng đã để xảy ra một vài sự việc đáng tiếc. Cho đến hôm nay, nghĩ lại rất đỗi xót xa nơi con tim mình!
  Hồi ấy, các phương tiện thông tin, hiếm hoi; sơ sài. Mọi tin tức, chủ trương chỉ thông qua cái loa làm bằng sắt tây mà Phòng Thông Tin truyền đến từng ngõ, ngách xóm làng. Trình độ dân trí phần đông còn thấp; văn hóa chỉ mới qua chương trình “Bình dân học vụ”. Lúc đó, chủ trương của Đảng có nêu ý “Đề cao giai cấp Công Nông, hạ tầng trí thức” nên bọn cơ hội, phản động lợi dụng ở vế “hạ tầng trí thức” để trả thù cá nhân.
  Nạn nhân trước tiên là thi sĩ Yến Lan. Một vài người tìm trăm phương, nghìn kế hại ông. Họ thấy ông hiểu đời quá, hăng hái quá nên cố dìm ông.
Chuyện này do ba tôi kể lại:    
  Hôm đó, Ủy Ban Kháng Chiến thông báo cho nhà thơ Yến Lan là cần triệu tập nhân dân thị trấn để phổ biến Chủ trương chính sách của Đảng mới nhận được. Nhà thơ đến Phòng Thông Tin, sắp xếp, bố trí người loa báo cho bà con biết để đi họp đông đủ. Sau đó, ông tới thẳng điểm họp chờ dân đến. Ở đấy, ông thấy đã có hai cán bộ lãnh đạo; một của huyện và một đại diện ở Bồng Sơn vào, đang ngồi nói chuyện ở dãy ghế đầu. Nhà thơ hớn hở tới đó. Bỗng, ở đâu, ông Dước xuất hiện, sải chân, ngán đường và hất bộ mặt bóng lộn như bôi dầu, xách mé:    
- Này Yến Lan, đi đâu đấy?
- Sao anh hỏi lạ vậy, tôi đi họp chứ đi đâu?
- Đi họp sao không về chỗ ngồi còn lên đây làm gì?
- Thì tôi đang đến chỗ ngồi đây.
- Chỗ ông ở đâu trên này mà lên?
- Thế chỗ của tôi ở đâu?
- Chỗ của ông là ở dưới kia - Ông ta nhếch mép vẻ khinh khi, đưa bàn tay sần sùi, móng tay cáu đen, cụt ngủn như những quả chuối đẹt, chỉ xuống băng ghế tận cùng, nói:
- Đó, chỗ ông ở dưới, xuống đó mà ngồi .
   Nhìn theo tay chỉ dãy ghế cuối cùng dành cho người đến sau; nhà thơ thấy mình bị xúc phạm quá mức, mặt nóng bừng bừng, cục tự ái ứ lên tận cổ,  song ông gìm lại được; không thèm trả lời, lách mình sang trái, đến thẳng dãy ghế dành cho Ban lãnh đạo của huyện. Hành động này như đổ thêm dầu vào lửa đối với ông Dước; khiến ông ta tức điên, mặt hầm hầm như đe :
  “Mày hãy đợi đấy, Yến Lan kia”
    Thời gian này, tôi còn nghe má cằn nhằn với ba: ông làm gì mà để họ xì xầm nhiều thế.” Và tôi nghe ba giải bày “Tôi có làm gì bậy đâu mà má nó lo đến thế,” Nhưng vài hôm sau đó, lại thấy ba lấy túi, xếp áo quần vào và nói với má là ra Bồng Sơn.
 Tại Bồng Sơn, thoạt nhìn thấy ba bước vô Đồn (cảnh sát), ông Minh Vĩ Trưởng Ban KC tỉnh Bình Định, ngạc nhiên hỏi:
- Yến Lan! cậu đi đâu mà lạc ra tận đây?
- Nghe nói các anh sắp cho tôi đi an trí (tù), tôi tự ra đây trước để các anh đỡ vất vả. 
- Bậy nào! đúng là mình có nghe nhiều tin đồn thất thiệt về cậu, biết là ý đồ bọn xấu, hòng phá vỡ tình đoàn kết giữa trí thức với dân, làm tổn hại Cách mạng. Nếu tin họ, mình đã lôi cổ cậu ra lâu rồi chứ đợi đến giờ sao? Rồi, ông cười cười, bảo: “Thôi về đi, kẻo gia đình lo!”

Khi Cách mạng Tháng Tám bùng nổ trên toàn quốc; ở tại thị trấn An Nhơn, chính ba tôi và cậu Thúc Thành của tôi, đứng lên kêu gọi dân chúng và dẫn đầu một đoàn gồm dân, quân, trí thức đi cướp chính quyền về trao cho Uỷ Ban Kháng chiến huyện. Vậy mà có người cố tình không hiểu, đã tìm trăm phương nghìn kế để triệt hạ ông, lý do rất chính đáng là:
    “Yến Lan đã từng dạy học tại trường Mission của Pháp ở Thanh Hóa, tức là làm tay sai cho giặc, là phản động, phải loại bỏ không thương tiếc!
  Khổ một nổi, hồi đó, nhân dân bị ảnh hưởng từ câu khẩu hiệu của Phong Trào Xô viết Nghệ Tỉnh đề ra: “Trí phú địa hào đào tận gốc trốc tận rể”. 
   Người muốn đào tận gốc, rể của trí thức ở huyện, và tích cực nhất là ông Châu và ông Dước. Trình độ ông Dước chỉ học đến đệ tam (lớp 2-3 bây giờ), là cai đồn điền cao su Phú riềng trốn về. Ông ta căm ghét Yến Lan tận xương tủy vì không thích sự nổi tiếng của nhà thơ. Tính đố kỵ, cố chấp của ông không chịu để Yến Lan yên. Ông Châu và ông Dước họp kín, bí mật bàn kế hoạch thủ tiêu tên tay sai của địch:Bắt Yến Lan bỏ bao tải dìm chết rồi thả trôi sông”. Thật may! trong nhóm họp kín có ông Nguyễn Thoại, người tham gia “Đội kịch Yến Lan”, lén báo tin để nhà thơ biết mà đề phòng. Ông kịch liệt phản đối việc đối xử với Yến Lan: “Các anh làm như thế là bậy! Yến Lan không làm gì sai sao ta cứ cố tìm cách hại anh ấy. Với ai chứ với Yến Lan tôi kịch liệt phản đối hành động này...
  Nếu không có chú Thoại, chắc ba tôi đã bị bỏ bao dìm chết thả trôi sông từ ngày đó rồi!
  Sau giải phóng, chú đến nhà ôn lại chuyện cũ với ba. Chú cười hiền, tự hào nói: “Tôi đã cứu được cho văn học nước nhà và quê hương Bình Định một nhà thơ lớn”. Còn với vợ con, ba căn dặn: “Ba còn sống được đến giờ, là nhờ có chú Thoại đấy.. công chú lớn lắm các con đừng bao giờ quên!”
   Chúng tôi nhớ mãi người đã cứu ba. Rất tiếc chú không còn và không có con cháu nối dõi; nghe nói chú ái nam ái nữ .    

   Năm tháng trôi qua, chiến tranh, bom đạn, chết chóc cũng qua; hòa bình, tự do trên toàn cõi Việt Nam. Mọi chuyện tưởng như hòn đá tảng, chìm trong lòng hồ. Thế mà, vào đầu thế kỷ 21, trong một buổi sinh hoạt ”Câu Lạc Bộ thơ ca Thanh Đa”, thình lình tôi nghe một nữ thi hữu, tuổi đã cao, nói: “Ông xã tôi bảo: Yến Lan là nhà thơ phản động”. Tôi bàng hoàng! Câu nói đó làm tôi nhức đầu! Tôi cố tìm ra câu trả lời của cái gọi là ”Yến Lan là nhà thơ phản độngấy.
-/ Phải chăng vì ba tôi-nhà thơ độc nhất vô nhị trong hàng trăm Văn nghệ sĩ ở Hà Nội vào ngày 26/11/1959 bất chấp tất cả sự nhạo báng, xỉa xói của mọi người để theo sau linh cữu - cụ Phan Khôi người bị coi là “cầm đầu bọn Nhân văn giai phẩm” đến nơi an nghĩ cuối cùng với nghĩa tử là nghĩa tận!
-/ Hay người ta suy ra t những câu thơ của ông trong bài “Tĩnh vật” viết trong thời gian Cải cách rung đất và bị xếp vào loại có tư tưng lệch lạc:
…….   Cũng trong quãng đời
                                                đi đó
                                                đi đây
Tôi theo bước đôi người
                        hì hục lao vào cuộc sống
Tay làm gió xoay một chiều chong chóng
Tuông cỏ hoa tay vắt ngược bụi đàng
Những bước lê dài khua tiếng sắt, tiếng gang
Lấy cả giáo điều rán mỡ cho guồng máy nổ
Phút ương yếu lòng tôi luôn nhác sợ
Khi mỏi mê không biết tựa vào đâu……..                       
Nhưng rồi, tôi phát hiện được từ trong lá thư ba tôi gửi cho nhà nghiên cứu văn học hiện đại - Khổng Đức, có đề cập đến vấn đề này.
“…Năm 1946 Đoàn văn nghệ sĩ Miền Trung ra dự Văn Hoá Toàn Quốc, lúc đến hội trường Nhà hát lớn, anh em văn nghệ Bắc Hà ùa ra đón, riêng Võ Hoàng Chương chạy lên trước, hỏi to “Tôi hỏi có Chế Lan Viên không - tác giả “Bóng giai nhân? Khi Tôi bước tới hỏi lại: “Tôi chưa có hận hạnh được biết anh là ai, thì Chương chỉ vào mình nói: “Vân muội đây và cậu – Bóng .Giai Nhân?”.
  Còn vở kịch có diễn ở Quãng Ngãi, nghe nói hôm ấy tướng Nguyễn Sơn lên sân khấu, vổ tay vào bao súng , đòi bắn Yến Lan…vì…..Chuyện ấy người ta đồn vào tới Đồn Đá - cách Bình Định 5 khu - do hoạ sĩ, văn giáo lang thang vào đó kề vui cho bạn làm quà. Thế là tai hại đáo để; tự nhiên người ta cho rằng Yến Lan phản động, bị Nguyễn Sơn đòi bắn, và đã bao lần tôi bị chính quyền kháng chiến gọi đi, muốn tống vào khu an trí với bao chuyện bị bịa đặt do bọn khác vu cáo làm hại mình.
Quả không sai; nhà bác học A.Einstein đã đúc kết từ trong trải nghiệm của mình: “Phá vỡ một thành kiến còn khó hơn phá vỡ một nguyên tử”./.
                                                                          Lâm Bích Thủy

READ MORE - PHÁ VỠ MỘT THÀNH KIẾN CÒN KHÓ HƠN PHÁ VỠ MỘT NGUYÊN TỬ - Lâm Bích Thủy

ĐỌC “CHUYỆN BÂY CHỪ MỚI KỂ” - Hoàng Đằng


                 
                                              Tác giả Hoàng Đằng 

                    

               ĐỌC “CHUYỆN BÂY CHỪ MỚI KỂ”
                                                         Hoàng Đằng

Dịp 20/11 năm nay (2016), tôi được nhóm cựu học sinh Nguyễn Hoàng – Quảng Trị 1964 – 1971 gởi tặng tập “CHUYỆN BÂY CHỪ MỚI KỂ” – tập sách do các thành viên của nhóm góp chuyện mà thành.
Người tôi dậy mừng vui vì được anh chị em quan tâm đến; tôi xin có lời cảm ơn.
Tôi có tính trân trọng, ưu ái, nâng niu bất cứ quà gì mà những người thân yêu dâng tặng. Vì thế, tôi đọc ngấu nghiến tập sách và bây giờ tôi muốn nói lên những cảm nghĩ của mình. Sách chỉ in 300 cuốn, không phổ biến rộng rãi; thành thử những cảm nghĩ của tôi có thể giúp những người không tiếp cận sách biết được một phần nào nội dung của sách. Tôi xin phép “gọi đại” công việc của mình là điểm sách.  
Sách dày 184 trang, khổ 14.3 x 20.3 cm do NHÀ XUẤT BẢN HỘI NHÀ VĂN in và phát hành tháng 6 năm 2016, gồm 1 lời ngỏ, 25 bài tản văn, 20 bài thơ và 18 trang ảnh thể hiện sinh hoạt của nhóm. Trong 25 bài tản văn, 23 bài do người của nhóm viết, hai bài do thầy cô viết. Bài “Những người tiếp nối giữ lửa Nguyễn Hoàng” của thầy Hồ Ngọc Thanh, nguyên tổng giám thị, đánh giá “lửa Nguyễn Hoàng” được nhúm từ gần 2 thập kỷ; bây giờ các thế hệ đầu đã chùn bước do già yếu, bệnh tật, chết chóc; “lửa Nguyễn Hoàng” kỳ vọng giao qua các thế hệ sau, trong đó có thế hệ 64 – 71. Bài “Niềm vui của tôi” do cô Nguyễn thị Thanh, cô giáo dạy Pháp văn, viết, kể lại “niềm vui đầy xúc động” khi cô được mời dự hội ngộ Nguyễn Hoàng đầu tiên năm 1992 tại Sài Gòn; niềm vui của cô nhân lên khi thấy các ban liên lạc Nguyễn Hoàng ở các tỉnh thành trong nước và hải ngoại thành lập; cô hứa: “Tuổi cao, sức khoẻ hao mòn ..., nay đã nhớ nhớ, quên quên, nhưng tôi tự hứa là khi nào còn có điều kiện tham dự các sinh hoạt với các thân hữu, học sinh Nguyễn Hoàng thì tôi cố gắng có mặt ...” Đáng phục chưa!
Qua đọc tập sách, tôi biết được rằng khoá 64 – 71 Nguyễn Hoàng, ở các kỳ thi Tú Tài 1 và 2, có một số anh chị em đỗ hạng ưu. Hạng ưu là hạng các thí sinh có điểm số trung bình các môn thi trên 16 điểm. Thời trước, thi cử chọn lọc kỹ, tỉ lệ đỗ không nhiều; đỗ hạng thứ (trung bình các môn thi đạt 10 điểm) đã khó, huống gì đỗ hạng ưu.  Khoá 64 – 71 được xem như “thế hệ vàng” của trường; anh chị em học trung học giỏi đã đành, nhiều người có cơ hội học tiếp đại học, hậu đại học cũng xuất sắc, ra đời thành đạt nổi tiếng trong nhiều lãnh vực.

            

Cái nhan đề “CHUYỆN BÂY GIỜ MỚI KỂ” kích thích tôi đọc tập sách quên ăn, quên ngủ; tôi cứ tưởng đó là những chuyện đáng lẽ “sống để bụng, chết mang theo” bây giờ mới bạo gan kể ra vì tuổi những người liên quan đã xế chiều, chẳng còn ngại phiền hà hay những chuyện thuộc dạng “tiếu lâm” đọc cười “bể bụng”. Té ra không nhất thiết phải vậy. Cái nhan đề ấy của sách là lấy cái đầu đề bài “Chuyện bây chừ mới kể” của Trần Kiêm Thảo. Trong bài này, Trần Kiêm Thảo cho biết dù giỏi Toán, vào lớp 10, Thảo không chọn ban B mà chọn ban A vì muốn gần người bạn thân là Nguyễn Văn Dục và sau khi xong Tú Tài 1 Thảo vào Huế học tiếp để tránh sự dòm ngó của an ninh, việc này khiến thầy cô bạn bè ngẩn ngơ không biết Thảo đi đâu.
Tuy nhiên, trong sách, vẫn có nhiều chiêu trò nghịch ngợm được kể lại rất thật như chuyện nữ sinh duy nhất Nguyễn thị Tỵ xếp vào lớp 12B2 (1970 – 1971) phải “khóc ròng” vì bị các bạn trai “buộc vạt áo dài vào chân ghế”; chuyện cô giáo Anh Văn lớp 10B3 (1968 – 1969) Tạ Đạo Huệ bị học trò thu giấu nón lá, đổi giờ, qua dạy lớp khác, loay hoay tìm mãi đến phát khóc; chuyện nam sinh Bùi Phước Vĩnh trên đường đi học “bị mười mấy con mắt (của mấy o trong nhà o Đào) săm soi” nên “phải liều mình một trận ???”; chuyện nam sinh Trần Kiêm Thảo lớp 10A4 dùng võ nghệ đánh đuổi nam sinh tên Phương, Tú (?) của lớp 11, 12 C và Nguyễn Nghị của lớp 10A1 đến ngồi trên bàn thầy cô giáo trong giờ ra chơi để tán nữ sinh lớp mình; từ đó, kết bọn đánh nhau ... 
Sách cũng kể lại nhiều tình yêu học trò chớm lên nhưng không nở hoa kết trái để dư âm còn đến bây giờ; những tình yêu thường đơn phương – yêu mà không được đáp ứng. Chuyện Trần Kiêm Thảo được cô bạn cùng lớp tên D. thầm yêu trộm nhớ trong khi cô bạn D. đang được một bạn thân của Thảo tên Sắt theo đuổi; rốt cuộc, kết quả không ra gì. Chuyện Trần Xuân Bình yêu Thanh Tâm viết thơ tình, làm thơ tình, tự nguyện quét vôi dịp Tết nhà mẹ người mình yêu; cuối cùng, mọi chuyện tan thành mây khói. Cũng có những cuộc tình để lại dấu ấn đâu đó trong thơ, chẳng hạn như:
Nhà em bên chợ Sãi,
Phải qua đập Rì Rì.
Muốn vào thăm ... mà ngại,
Vì ... biết nói năng chi! ...
(Văn Kế Thế)

... Tìm nhau ta biết tìm đâu,
Ta thân lính chiến, em dâu nhà người ...
(Trần Hữu Giáo)

... Có lần ướm hỏi cô (láng giềng) e lệ,
Nghiêng nón, nâng tà thật dễ thương ...
(Lê Bá Lư)

Nhìn chung, tất cả các bài viết (văn cũng như thơ), về nội dung, đều nói lên tình cảm nồng nàn đối với quê hương Quảng Trị, tình cảm đậm đà đối với thầy cô Nguyễn Hoàng , tình cảm thân thương giữa bạn bè đồng môn, đồng khoá, tinh thần nâng đỡ nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn.
Tất cả các tác giả đều có lối hành văn uyển chuyển, vững chãi; tuy nhiên, nếu xem xét chi li, một số câu sai văn phạm vẫn được tìm thấy , chẳng hạn như câu: “ ... CHO DÙ bị đổ nát, CHO DÙ bị mất tên, NHƯNG hình ảnh thân thương của ngôi trường Nguyễn Hoàng nhỏ bé đó đã đi theo bước chân của thầy cô cũng như anh chị em cựu học sinh Nguyễn Hoàng trên mọi miền trái đất”; từ NHƯNG nên bỏ đi cho câu văn nhẹ bớt và để phân biệt trong câu mệnh đề nào là chính, mệnh đề nào là phụ. Nói ra để biết văn chương cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ không thua chi khoa học. Thế thôi! Không phải “vạch lá tìm sâu” đâu nhé!
Trên đây là những cảm nghĩ của tôi. Lẽ dĩ nhiên, những độc giả khác sẽ có những cảm nghĩ riêng của họ, không giống tôi.
Tôi mạo muội viết ra vì lòng trân trọng đứa con tinh thần của nhóm 64 – 71.
Cuối cùng, tôi mong anh chị em mãi gần gũi nhau để có những việc làm, những công trình thắt chặt tình bạn và giúp ích cho đời.
                                                              Hoàng Đằng
                                                        26/11/2016 (27/10/Bính Thân)

READ MORE - ĐỌC “CHUYỆN BÂY CHỪ MỚI KỂ” - Hoàng Đằng