Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, November 13, 2016

MÀU CỦA GIÓ - Thơ Nguyễn An Bình





MÀU CỦA GIÓ

Có phải em mang hình hài của lá
Suốt đời nhau ta mãi nợ một người
Năm tháng cũ ngân hoài câu biệt xứ
Trên dốc buồn còn chút nắng chiều rơi.

Màu mắt nhớ mang bóng hình của gió
Reo thì thầm trong sắc đỏ hoàng hôn
Giấc mơ xưa lên đồi sim trái chín
Tím se lòng tràn con sóng qua sông.

Gió mang em về cuối trời thương nhớ
Màu mắt em như mây trắng muôn trùng
Bước chân người qua bao mùa mê thảo
Áo phù hoa vuột nỗi nhớ khôn cùng.

Cánh chuồn ớt cuốn trôi thời thơ ấu
Ngày qua đi vương mãi khúc tình ca
Ở đâu đó  sương mùa đông quạnh quẽ
Có bừng lên sắc nắng chốn quê nhà.

Nhành quyệt quế tàn đêm bung cánh trắng
Tỏa hương thơm ngây ngất đến nao lòng
Màu của gió vẫn một thời xanh biếc
Có tình tôi em còn giữ được không?

                            Nguyễn An Bình

READ MORE - MÀU CỦA GIÓ - Thơ Nguyễn An Bình

"CÚN KHÓC", NỖI ĐAU THỜI CUỘC - TS. Nguyễn Ngọc Kiên





           CÚN KHÓC – NỖI ĐAU THỜI CUỘC
                                               TS. Nguyễn Ngọc Kiên

Chuyện rằng, nhà nọ bỗng dưng xuất hiện rất nhiều chuột. Chuột đủ loại: Chuột Cống – Chuột Đồng – Chuột Chù – Chuột Nhắt… Chúng quá thể lắm, chẳng coi ai ra gì. Thế là anh chồng nghĩ ra keo dính chuột. Rồi lợi bất cập hại! Chuột chẳng dính lại dính ngay người. Nghĩ đủ cách nhưng mỗi cách chỉ được một thời gian, trong đó có cả phương pháp diệt chuột theo binh pháp Tôn Tử! Cách kể chuyện ngụ ngôn hài hước (humour), giọng văn trào lộng không lẫn vào đâu, chỉ có ở Lê Mai! Vì vậy câu chuyện càng thêm hấp dẫn, mang tính thời sự cao! Bà vợ bèn nghĩ ra cách nuôi mèo, nhưng cũng không ổn. Mèo (đại diện chống tham nhũng) lại thông đồng với chuột (kẻ tham nhũng). Thỉnh thoảng mèo mới vồ được con chuột nhắt mà cứ chờn vờn ra oai với thiên hạ, theo kiểu “thùng rỗng kêu to”, công lao của ta cũng rất lớn:
“Năm thì mười họa mới vồ được con chuột nhắt mà cứ ra vẻ ta đây, quăng con mồi chỗ này, quẳng con mồi chỗ kia, dền dền dứ dứ… sốt ruột. Gặp con chuột to, chuốt cống thì lỉnh. Lại còn lươn lẹo, thông đồng cả với lũ chuột mới kinh. Chẳng phải ngẫu nhiên mà đồng dao có câu:
Con mèo mà trèo cây cau
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà
Chú chuột đi chợ đồng xa
Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo.”

Cuối cùng anh ta nghĩ đến chuyện nuôi chó. Ngay cả cái chuyện vợ chồng đặt tên cho chó cũng thật khôi hài rất “Lê Mai”! Tên ta hay Tây? Hiện đại hay truyền thống? Làm sao phải xóa bỏ hận thù hướng tới tương lai!
Anh đặt cho nó là Cún. Cún có được không em? Cún! Nghe vừa thuần Việt, thuần chủng vừa tình cảm. Vợ anh buột miệng khen: tên hay, được lắm. Không như cái tên Bíp. Chẳng biết có bíp được ai không, hay chỉ bíp chính mình. Cún! Giỏi lắm. Các cụ mình từ ngàn xưa thường vẫn gọi cháu chắt yêu dấu của mình là Cún con anh nhỉ. Cún. Hay, hay tuyệt. Vừa tình cảm vừa truyền thống. Anh vui với niềm vui của vợ. Cún mừng với niềm vui của chủ.
Nhưng kết cục thật thảm hại!
Chuột (tham nhũng) càng leo lên cao thì cún (chống tham nhũng) càng bất lực. Vì ở cùng một nhà nên đành phải thỏa hiệp “ chung sống hòa bình” như dân chúng ở vùng thiên tai phải sống chung với lũ – cún ta tự an ủi bằng cái lý luận cù lần “ thôi, anh em cùng một nhà không  thể ta chống ta được!”. Không tìm ra giải pháp, cún ta cứ luẩn  quẩn bế tắc, đến nỗi cún phải …khóc, ngẩng mặt nhìn lũ chuột hoành hành. Từ nay có lẽ phải “cấm cửa” không cho lũ chuột xuống tầng một!
Nhà văn Lê Mai (Hà Nội) vốn là một thương binh chống Mỹ, sống một mình ẩn dật, cô đơn. Ông lặng lẽ quan sát, chiêm nghiệm thời cuộc, viết lên những trang văn sống động đầy tính hiện thực mang tính phúng dụ. Ông không đi theo lối mòn của một số nhà văn trại lính, viết theo kiểu “minh họa” -  như  nhà văn đại tá Nguyễn Minh Châu đã cáo chung. Nhà thơ Nguyễn Khôi nói rằng, với các tác phẩm như: “Tẩu  hỏa nhập ma”, “Quyền được rên”, “Cún khóc”, “ Thời gian xuẩn ngốc” Lê Mai đã vượt trên cả  Nam Cao, Bùi Ngọc Tấn (Hậu sinh khả úy!)

Đọc “Cún khóc” của Lê Mai người đọc lại nghĩ đến bài thơ  “Hội đồng Chuột” (Conseil tenu par les rats) của  nhà thơ ngụ ngôn nổi tiếng người Pháp La Phông ten (La Fontaine) , đầy tính phúng dụ.

                                          Hải Đường, Hải Hậu, 12/11/2016
                                                 TS. Nguyễn Ngọc Kiên

READ MORE - "CÚN KHÓC", NỖI ĐAU THỜI CUỘC - TS. Nguyễn Ngọc Kiên

HÃY ĐẾN VỚI VĂN CHƯƠNG TẤM LÒNG NHÂN ÁI - Phạm Đức Nhì


      Blog Phạm Đức Nhì
           Tác giả Phạm Đức Nhì




HÃY ĐẾN VỚI VĂN CHƯƠNG TẤM LÒNG NHÂN ÁI

Sau khi đọc Văn Chương Không Phải Là Đơn Thuốc trên Facebook ông Lang Truong đã có comment như sau:
Có vẻ như ông thích leo lên, ngồi trên đầu các tượng đài, để thiên hạ tưởng mình cao. Có vẻ như, theo ông, nghệ thuật là phải bê nguyên cuộc sống lên sân khấu ; một kiểu " nghệ thuật vị nhân sinh ", luận điệu này nghe quen quá, rất buồn... nôn!
Bởi theo cách cảm nhận nghệ thuật mà ông bày tỏ, thì ca từ của Trịnh Công Sơn cũng phải vứt vào sọt rác :
" Gọi nắng, cho vai em gầy, đường xưa áo bay "
"Mưa vẫn mưa bay, trên tầng tháp cổ. Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao"
Nghệ thuật không phải miêu tả cảm xúc, mà là gợi lên những cảm xúc, ông ạ.
Những gì tri thức không hiểu, hãy để vô thức cảm nhận. Lý trí và trái tim không phải lúc nào cũng dùng chung một ngôn ngữ.
Đừng tự biến mình thành một tên đồ tể văn chương. Trước khi xuống dao mổ xẻ tâm hồn người khác, hãy làm tốt hơn họ đã.
Mong rằng có ngày, thi phẩm của ông sẽ được xuất hiện trong giáo khoa, dùng để giảng dạy cho cả thế hệ, như của Thanh Tâm. 
Và Phạm Đức Nhì trả lời:

 Hãy Đến Với Văn Chương Bằng Tấm Lòng Nhân Ái

 Trước hết xin cám ơn ông Lang Truong đã dành thời gian đọc kỹ bài viết Văn Chương Đâu Phải Là Đơn Thuốc của tôi để viết một cmt khá dài. Ông LT với tôi chưa có cơ hội biết nhau nên chắc đâu có gì mâu thuẫn. Bởi thế đọc cmt nặng lời của ông tôi thấy hơi lạ. Khác biệt quan điểm trong tranh luận văn chương là chuyện thường; xưa nay rất ít người vì thế mà hằn học với nhau, nhất là giữa chốn đông người. Nhưng điều đó đã là một thực tế nên xin phép được trả lời ông từng điểm một cho vấn đề được sáng tỏ.
1/ Ông viết về  tôi“Có vẻ như ông thích leo lên, ngồi lên đầu các tượng đài, để thiên hạ tưởng mình cao”
Trong bài Văn Chương Không Phải Là Đơn Thuốc tôi có đề cập đến tượng đài ở đoạn sau:
“Theo ngôn ngữ của ông LML thì mỗi người yêu thơ đều có một tượng đài trong tim cho mỗi bài thơ mình yêu thích. Tùy cách hiểu và đánh giá của mỗi người tượng đài ấy lớn nhỏ khác nhau.
       Có người đọc thơ để thưởng thức, có người đọc để phê bình. Tôi thuộc loại người thứ hai nên những điều ông LML trách tôi cũng có phần đúng. Tôi đã dùng đủ loại dụng cụ ông nói ở trên để đục đẽo hầu có được một tượng đài – mà theo tôi - đúng với kích cỡ của TBH. Tôi không có khả năng trục tượng đài ra khỏi trái tim của người yêu thơ để đưa vào chỗ ấy một tượng đài khác. Tôi chỉ ước mong những bài viết của mình đủ thuyết phục để có được một vài người yêu thơ tự làm công việc thay thế đó trong tim họ.”
Ông Lang Trương hãy chỉ cho độc giả thấy tôi “thích leo lên, ngồi lên đầu các tượng đài” ở chỗ nào? Xin đừng suy diễn tùy tiện mà nói điều không có cho tôi

2/ “Có vẻ như, theo ông, nghệ thuật là phải bê nguyên cuộc sống lên sân khấu ; một kiểu ‘ nghệ thuật vị nhân sinh’, luận điệu này nghe quen quá, rất buồn... nôn!”
 Không phải tôi, mà chính Thâm Tâm đã tạo ra khung cảnh cuộc đưa tiễn trong Tống Biệt Hành, biến bài thơ thành một sân khấu cuộc đời. Mấy trăm năm trước Nguyễn Du cũng làm như thế với truyện Kiều. Có điều trong truyện Kiều các nhân vật đều tự nói lên suy nghĩ hay tâm trạng của mình. Còn trong TBH
 “người đưa tiễn cứ như có bùa phép, thấy được cả những chi tiết nhỏ nhặt trong đầu người ra đi. Thử hỏi độc giả liệu có tin được ‘chân tình’ của tác giả không?” Cái “không khéo” của Thâm Tâm là ở chỗ ấy, và tôi - với cương vị một người phê bình- đã “chê” TBH ở điểm ấy. Nếu ông Lang Truong thấy “rất … buồn nôn” thì cứ việc phê phán luận điểm của tôi bằng lý lẽ và dẫn chứng. Cớ sao lại đem “nghệ thuật vị nhân sinh” ra bêu riếu? Đó không phải là cách tranh luận văn chương nghiêm túc, và hơn nữa, rất bất công với các triết gia đã nghĩ ra và lập nên thuyết NTVNS.
3/ “Bởi theo cách cảm nhận nghệ thuật mà ông bày tỏ, thì ca từ của Trịnh Công Sơn cũng phải vứt vào sọt rác”
Tôi chỉ đồng ý với Nguyên Đình Thi khi trích lời một nhà văn Pháp “Nhà thơ bao giờ cũng là ngôi thứ nhất” mà ông nỡ gán cho tôi cái tội vứt ca từ của Trịnh Công Sơn vào sọt rác thì ông quả là quá nóng nên lại nói oan cho tôi một lần nữa rồi đấy.

4/ “Nghệ thuật không phải miêu tả cảm xúc, mà là gợi lên những cảm xúc, ông ạ. Những gì tri thức không hiểu, hãy để vô thức cảm nhận”
Tôi không đủ kiến thức để bàn đến những môn nghệ thuật khác. Riêng với thơ, tôi cho rằng “làm thơ để biểu lộ cảm xúc của mình và khơi gợi cảm xúc nơi người thưởng ngoạn.” Người thưởng ngoạn thơ sành điệu, khi đọc một bài thơ, phải “bắt” được tứ thơ, thấy được cái hay, cái dở của kỹ thuật thơ (đó là phần việc của lý trí) và sau cùng mới “lấy hồn ta để hiểu hồn người”. Nếu không “bắt” được tứ thơ và hiểu kỹ thuật thơ mà đòi “lấy hồn ta để hiểu hồn người” thì chỉ là cách đọc thơ  kiểu “nghe hơi bắc nồi chõ” của những kẻ “ngu si hưởng thái bình”, rất đáng thương. Đời sinh ra cái nghề bình thơ để giúp những người “rất đáng thương” ấy


5/ “Đừng tự biến mình thành một tên đồ tể văn chương. Trước khi xuống dao mổ xẻ tâm hồn người khác, hãy làm tốt hơn họ đã. Mong rằng có ngày, thi phẩm của ông sẽ được xuất hiện trong giáo khoa, dùng để giảng dạy cho cả thế hệ, như của Thâm Tâm.”

Tôi chỉ mổ xẻ bài thơ rồi sau đó “lấy hồn mình để hiểu hồn tác giả”. Câu nói của ông LT “Trước khi xuống dao mổ xẻ tâm hồn người khác, hãy làm tốt hơn họ đã. Mong rằng có ngày, thi phẩm của ông sẽ được xuất hiện trong giáo khoa, dùng để giảng dạy cho cả thế hệ, như của Thâm Tâm“ là lý luận của một đứa trẻ ngây thơ; người lớn, hiểu biết không ai nói như thế, ông ạ. Nếu đòi “phải có thơ in trong sách giáo khoa thì mới được bình thơ” thì theo tôi, vô số những nhà phê bình trên thế giới (trong đó có rất nhiều người nổi tiếng) đã phải treo bút. Những câu nói “không lường hết hậu quả” như của ông LT không nên có trong một cuộc tranh luận văn chương.

6/ Có lẽ chỉ là một lỗi typo, nhưng xin nhắc ông Lang Truong, tác giả của TBH là Thâm Tâm chứ không phải Thanh Tâm.

7/ Tôi có một bài tổng hợp Tống Biệt Hành - Lời Bình Và Tranh Luận ở cái link dưới đây. Nếu ông Lang Trương muốn trao đổi thêm, tôi rất sẵn sàng thù tiếp. (Nhưng xin chọn sân chơi khác) http://phamnhibinhtho.blogspot.com/2016/07/tong-biet-hanh-loi-binh-va-tranh-luan.html

Tôi biết cách bình thơ của mình không giống lối bình thơ ve vuốt trước đây bởi tôi nghĩ rằng thấy khuyết điểm của bài thơ mà người bình không nói ra là thiếu lương thiện trong văn chương. Tôi đã có nhiều cuộc trao đổi về TBH – có nhiều ý kiến khác biệt - nhưng không ai hằn học và nặng lời như ông. Tôi nghĩ rằng đến với văn chương bằng tấm lòng nhân ái sẽ giúp không khí hòa nhã và việc khám phá cái hay, cái đẹp của văn chương được kết quả hơn.

Một lần nữa xin cám ơn ông và chúc ông luôn vui khỏe.
Riêng trường hợp bạn Tadeo Truong - người bình luận ké – xin vui lòng đọc bài này. Tôi sẽ không trả lời riêng.

                                                                          Phạm Đức Nhì
                                                                     nhidpham@gmail.com

READ MORE - HÃY ĐẾN VỚI VĂN CHƯƠNG TẤM LÒNG NHÂN ÁI - Phạm Đức Nhì

CHÙM THƠ TỨ TUYỆT NGUYỄN NGỌC KIÊN



         Tác giả Nguyễn Ngọc Kiên



ĐÊM ĐỒNG VĂN

Sương mù vây bủa trắng đất trời
Cái lạnh biên cương tím tái người
Cô gái Hơ-mông bên bếp lửa
Thơm mùi ngô nướng tới miền xuôi.
                         Hà Giang, 11/2013


GHI Ở CỔNG TRỜI
Vượt dốc cheo leo tới cổng trời
Dưới chân mây trắng lững lờ trôi
Đôi gò thấp thoáng trong hư ảo
Như tự ngàn xưa vẫn đợi người.
                    Quản Bạ, 11/2013

                    Nguyễn Ngọc Kiên

READ MORE - CHÙM THƠ TỨ TUYỆT NGUYỄN NGỌC KIÊN

NGÀY VÔ VI - Truyện ngắn của Lê Mai


     

             Nguyễn Ngọc Kiên và Lê Mai (từ trái sang)



NGÀY VÔ VI


Quái lạ, mấy ngày nay sắp đến 20 tháng 11 rồi mà chẳng thấy thằng con nhắc nhở việc chuẩn bị phong bì đến thăm thày cô, cũng chẳng thấy nó đòi tiền nộp cho ban phụ huynh học sinh của lớp. Trên đường đèo con đi học tôi phân vân về điều này mãi.
Đường phố hôm nay không bị ùn tắc. Mọi phương tiện giao thông lưu thông êm ả trên đường, không ồn ào, không bụi bặm, không tiếng còi xe ầm ĩ…
lại không có cả chiếc xe cảnh sát rà rà chầm chậm đi sát lề đường, chốc chốc các chiến sĩ cảnh sát lại tung mình ào xuống mặt đường giành giật quanh gánh cùng các bà, các cô bán rau, bán ổi… Thế mà, vỉa hè rất thông thoáng, sạch sẽ chỉ dành riêng cho người đi bộ. Đường đúng là đường, vỉa hè đúng là vỉa hè, không nhập nhằng, lẫn lộn.

Chỉ mươi phút tôi đã dừng xe trước cổng trường con học, giảm được 2 phần 3 thời gian. Đây là lần đầu tiên trong đời xe máy của tôi đi nhanh hơn người đi bộ. Sao thế này? Sao cổng trưởng không có tầng tầng lớp lớp xe máy, cái quay dọc, cái quay ngang rì rì phạch phạch… Muộn học chăng? Tôi lo lắng đẩy xe vào trường. Không! Không muộn. Sao hôm nay sân trường sạch thế? Rác rưởi, bụi bặm đâu hết cả rồi? Những cô giáo duyên dáng trong bộ áo dài dân tộc ân cần, niềm nở với phụ huynh, dịu dàng âu yếm với học sinh… Thế thì đúng “cô giáo là mẹ hiền” rồi còn gì nữa! Những cô cậu học trò mặt mũi sáng sủa thông minh, gọn gàng trong bộ đồng phục không đá vút những quả cầu, quả bóng vào mặt khách, không chạy đuổi đâm sầm vào người lạ… Thấy lạ, tôi quay sang hỏi bác bảo vệ:

- Thưa bác! Hôm nay trường ta đón đoàn kiểm tra nào vậy? của Sở hay của Bộ?

- Không! Có đoàn kiểm tra kiểm triếc nào đâu!

Nghe bác trả lời, tôi giật mình. Thế thì trường đúng là trường, lớp đúng là lớp, thày đúng là thày, trò đúng là trò rồi còn gì. Thôi chết rồi! Mải vui với sự lạ, quên béng mất thời gian, giờ nhìn đồng hồ mới biết: nếu đường thông hè thoáng như hôm nay, phóng nhanh đến cơ quan tôi cũng muộn làm đến 5 phút. Tôi ngây người nghĩ tới việc chỉ mươi phút nữa thôi, mình sẽ bị giám đốc chan tương hắt mẻ vào mặt. Ông giám đốc cơ quan tôi nóng tính cực kỳ. Ai đi làm muộn thì… May mà chúng tôi nhẫn nhục quen rồi. Cất xe xong, tôi đi như chạy vào phòng làm việc. Như mọi lần, giám đốc kia rồi… Tôi cúi đầu bước chậm, chuẩn bị chịu trận…

- Thưa giám đốc, tôi xin lỗi, hôm nay tôi muộn làm 5 phút – Tôi lí nhí.

- Xe hỏng hay tắc đường? - Ông nhỏ nhẹ hỏi tôi.

- Dạ không, xe tốt, đường thông thoáng.

Trả lời xong, tôi khẽ nghiến răng sẵn sàng chịu đựng trận cuồng phong bão tố. Da mặt tôi lúc này đã dày lên, lì ra sẵn sàng chống đỡ.

- Rút kinh nghiệm nhé. Thôi về chỗ làm việc đi – Giọng ông nhẹ như tâm sự với người tình.

Tôi thở hắt ra. Gân cơ toàn thân từ từ giãn, nhẹ nhõm. Tôi ngơ ngác nhìn ông rồi buột miệng nói:

- Thủ trưởng còn chưa mắng chửi em cơ mà. Mọi hôm tính thủ trưởng nóng như lửa… Hay hôm nay vô tuyến truyền hình đến cơ quan ta quay chuyên mục “Chuyện lạ Việt Nam”?

Giám đốc cười xòa, vỗ vỗ vai tôi rồi thân mật nói:

- Các cậu cứ coi tôi là người nóng tính nên tôi đâm ra cũng nghĩ như vậy, nhưng… hóa ra không phải. Người nóng tính là người phải nổi xung với bất cứ ai, chứ mình thì… chỉ nổi xung với cấp dưới, chưa lần nào dám nổi nóng với cấp trên. Thì ra, văn hóa lãnh đạo ở mình quá thấp, chẳng nhận ra quan hệ giữa chúng mình chỉ là quan hệ giữa cấp trên với cấp dưới, giữa đồng nghiệp với nhau trong tình người ấm áp, mà cứ tưởng là quan hệ bố con. Thôi cho mình “tổng xin lỗi” những sỉ vả trước nhé.

Những lời nói chân tình của ông có tác dụng như liều Viagra cực mạnh làm tôi rất phấn khích. Tôi lao về phòng làm việc, hùng hục làm. Làm để đáp nghĩa, để tri ân người thủ trưởng đầy nhân tính. Tôi đang say sưa làm việc với hiệu quả và chất luợng rất cao thì… Bỗng, có lệnh lên gặp giám đốc. Tôi tái mặt, lo lắng. Hay là bây giờ ông ấy mới lên cơn cho gọi tôi lên để trút giận. Trong phòng giám đốc đã có trưởng phòng hành chính tổng hợp đang ngồi co ro như chú cún con ở góc phòng. Tôi run run bước vào thì giám đốc nói ngay:

- Gia đình cậu Tuấn bảo vệ vừa đến báo, cậu Tuấn vừa đi cấp cứu ở bệnh viện Vinh Quang. Hai cậu đến ngay xem gia đình, bệnh viện cần gì ta giúp. Hết bao nhiêu tiền cũng chi. Con người là vốn quí nhất. Tôi lên phòng họp, cho dừng cuộc họp lãnh đạo cơ quan xong là tôi cũng đến ngay viện đấy!

- Cậu Tuấn là bảo vệ, có phải là giám đốc đâu mà đòi hưởng tiêu chuẩn đặc biệt. – Tôi nói.

- Cậu lạc hậu quá! Bảo vệ hay giám đốc cũng đều là con người, đều đòi hỏi phải được đối xử bình đẳng, dân chủ. Chức trách khác nhau chẳng qua là do Đảng và Nhà nước phân công thôi. Thôi, đi đi!

Tôi và trưởng phòng hành chính tổng hợp phi vù vù tới viện. Trong phòng cấp cứu, Tuấn đang nằm thiêm thiếp trên giường bệnh. Xúm quanh anh rất nhiều bác sĩ. Người đang lắng mình nghe tim phổi, người đang đo huyết áp, người đang chăm chú dõi theo nhịp tâm đồ, người nắm chân, bóp tay, người xoa trán… Chẳng bù cho tôi, mấy ngày trước cũng nằm trong phòng cấp cứu này, nằm suốt buổi chẳng thấy ma nào đến hỏi. Đến mức, chỉ thoáng thấy bóng áo trắng, áo xanh là tôi phải cố hết sức rên hòng thu hút tình thương hại. Nhưng họ điếc. Điếc tất. Sau gia đình tôi phải dùng phong bì mới chữa được điếc cho họ… Nhờ sự tận tâm của tập thể bác sĩ, mươi phút sau Tuấn hồi tỉnh. Ông bác sĩ (có lẽ là trưởng nhóm) ân cần nói với chúng tôi và gia đình.

- Gia đình yên tâm, anh ấy không sao đâu. Đ
ể chúng tôi theo dõi thêm một chút thời gian nữa cho chắc chắn rồi cho về. Mai đi làm bình thường.

Lời nói ân cần của bác sĩ nghe sướng đến tận tim. Theo kinh nghiệm, tôi nháy mắt ra hiệu với trưởng phòng hành chính tổng hợp. Ông ý tứ xích lại gần bác sĩ và tế nhị đút chiếc phong bì vào túi áo blu. Phải công nhận người thiết kế cái túi áo blu là người cực giỏi, miệng túi ở tư thế nào cũng ngoác rộng, sẵn sàng nuốt gọn phong bì. Ông bác sĩ nhíu mày, thò tay vào túi áo lấy chiếc phong bì giơ lên cao, ông phật ý nói:

- Bác làm gì thế này. Bác coi chúng tôi là loại người gì?

Giữa thanh thiên bạch nhật mọi người ngước nhìn theo chiếc phong bì cồm cộp dầy. Trưởng phòng hành chính tổng hợp cơ quan tôi đỏ lựng mặt, thẹn thùng. Nhìn ông, lần đầu tiên trong đời tôi hiểu được hình tượng “dê già e thẹn”! Trưởng phòng lúng túng thanh minh:

- Có cốc nước chúng tôi thành tâm mời các bác sĩ… Có gì to tát đâu mà bác sĩ phải ngại.

Ông bác sĩ vẫn nghiêm giọng nói:

- Bác có biết như thế là bác sỉ nhục chúng tôi không? Bác hãy nhìn xem…

Ông chỉ ngón tay lên phần cao của bức tường trước mặt. Chúng tôi ngước mắt nhìn theo. Trên đó lấp lánh dòng chữ đỏ: “Lương y như từ mẫu”. Ông chỉ ngón tay lệch sang bên phải, thấp hơn một chút, ở đó trang trọng treo một tấm biển trắng chói lòa dòng chữ đỏ: “Lời thề HYPOCRAT…” Lòng chúng tôi ấp áp! Mắt chúng tôi tin yêu!

Bỗng… choang một cái. Không phải sét mà như sét! Tôi giật mình choàng dậy… Thì ra, đó là một giấc mơ! Giấc mơ đẹp, mà sao mồ hôi tôi lại toát ra như tắm!

                                                                                     LÊ MAI


READ MORE - NGÀY VÔ VI - Truyện ngắn của Lê Mai

ĐÁM TANG TRONG CƠN MƯA LŨ - Truyện ngắn của Thủy Điền





 ĐÁM TANG TRONG CƠN MƯA LŨ

   Vừa chôn tạm bà vợ nơi phần đất gò còn lại. Ông Ngạn và hai người em trai ngổi bên cạnh gốc cây me cổ thụ vừa nghỉ tay, vừa than thở „Thật cái số chị dâu của hai chú thật là bạt vận, chết mà cũng chẳng yên, chết mà không đất chôn, chết mà không người đưa tiễn „ Khi nói xong ông bật ngã người ra khóc ngất giữa một vùng trời trắng xóa, xung quanh toàn là nước.

   Đầu tháng 11 cơn bão số 7 bắt đầu kéo đến, vây hãm cả phần xương sống miền trung, cũng là lúc bà Ngạn đã qua đời sau cơn bệnh ác tính dài hạn. Biết bão kéo đến, cả làng lo đùm túm chạy lũ, gia đình ông cũng thế. Nhưng vì bà qua đời ông chỉ để các con ra đi và ông đành ở lại với bà cùng hai người em trai ruột. Ngỡ cơn bão dài ba ngày sẽ qua đi và chôn cất bà. Nhưng mưa càng lúc càng nhiều, nước càng lúc càng dâng cao khủng khiếp, trong ngôi nhà không còn chỗ nào đễ bà nương tựa và cuối cùng ông và hai người em phải đành thả bà theo dòng nước và lần tìm đến nơi nào còn đất sẽ chôn tạm bà và sau khi nước rút sẽ đem bà về lại quê hương.

   Trời càng lúc càng mưa to- nước dâng cao ba anh em dìu chiếc hòm lang thang trên sóng nước mà chẳng thấy đất đâu để cho bà tạm nghỉ. Suốt một ngày, một đêm vật lộn với bão gió, mưa to và cuối cùng trời cũng thương , ông đã tìm thấy ở làng khác một cây me to còn lại bên gò đất cao và ông tạm dừng rồi đặt bà nằm nghỉ nơi đó. Ông miệng luôn vái trời, vái đất nước đừng dâng nữa để cho bà được yên thân còn cứ tiếp tục, có lẽ. Ba anh em ông lẫn bà đêm nay sẽ trôi ra sông ra biển và người thân sau cơn bão trở lại quê nhà chẳng biết đâu mà tìm.

   Chiếc hòm được ông chôn phân nửa và còn trơ lại phân nửa không nhang đèn, không tiếng khóc, không một lời đưa tiễn thật lạnh nhạt vô cùng như sóng nước xung quanh.

   Nấp dưới tàng me già mà tai cứ nghe ầm ì đè lên trên vầng trán, xa xa những đám mây đen cứ dồn dập tấn công báo hiệu những cơn mưa mới sắp hoành hành trên mảnh đất còn lại nầy thật là vô cùng khắc nghiệt.

   Những ngày lênh đênh trên sóng nước, ông cố giữ bình tĩnh để lo cho bà đến nơi an nghỉ cuối cùng, ông chưa một lần rơi nước mắt. Nhưng hôm nay sau khi chôn cất bà xong, ông khóc thật nhiều, hai chú em của ông không tài nào cản nổi. Ông la hét giữa trời thật to như xót thương số phận của con người, xót thương tình vợ. Miệng ông cứ la to "Hỡi trời cao có thấy, chết mà chẳng đất chôn, chết mà không tiếng khóc, chết mà không nhang khói, chết mà chẳng một người đưa tiễn" (Hỡi, hỡi trời có thấu cho chăng):

   Sau cơn dằn vặt ấy, ai ai cũng hy vọng mỏng manh ngày mai cơn bão sẽ lùi đi và những cơn mưa sẽ tắt dần và bà sẽ được về lại miếng đất thân yêu cạnh nhà gần ông bà, chồng con, thân thuộc. Nhưng mãi đến ngày hôm nay những cơn mưa, cơn bão cứ liên tục kéo dài như thác đổ, ông tay luôn ôm chặt hòm bà trong mệt mỏi và khóc ngất suốt đêm...!
                                                                                     Thủy Điền 
                                                                                    10-11-2016

READ MORE - ĐÁM TANG TRONG CƠN MƯA LŨ - Truyện ngắn của Thủy Điền

TRẢ LẠI; CON ĐÂU? - Thơ Đại Ngàn


                         Tác giả Đại Ngàn



CON ĐÂU? 

Gió lùa bao đợt phên thưa
Ngày xưa mẹ chắn bão mưa bao lần
Giờ đây đơn bước tủi thân
Bóng con mãi cứ xa gần chiêm bao
Con ơi nước mắt chảy vào
Mặn trong từng đợt nghẹn ngào xót xa
Mẹ lần nuốt những khổ qua
Chờ con mòn mỏi trời xa đất gần
Ngày xưa lẫm chẫm giữa sân
Mẹ nâng từng bước ân cần bên con
Bây giờ mẹ sức chẳng còn
Con đâu? Để mẹ lăn tròn giọt đau

                                    Đại Ngàn

TRẢ LẠI 

Em nhặt tiếng thở dài
Bỏ túi nơi lồng ngực
Túi ấy đầy rưng rức
Nhưng có phép nhiệm màu
Bao nhiêu là khổ đau
Bao nhiêu là kỷ niệm
Túi rộng như lòng biển
Gói hết những ngày qua
Em nhặt những cách xa
Ủ nồng cho ngày gặp
Con đường dài tít tắp
Em góp nhặt niềm tin
Chiều nay giữa lặng yên
Túi nặng bên ngực trái
Anh về em trao lại
Gom nhặt những ngày xa

                       Đại Ngàn

READ MORE - TRẢ LẠI; CON ĐÂU? - Thơ Đại Ngàn

CHÙM THƠ NGUYỄN KHÔI

      
                         Nhà thơ Nguyễn Khôi




BA VÌ - MÙA DÃ QUỲ NỞ
(Tặng bạn Fb.Tạ Toàn - 3 Mã Mây/HN)
                    
Mây trắng bay đi...Dã Quỳ bừng nở
Vàng, vàng rơi nắng ấm Ba Vì
Ai có "phượt" thì nhanh lên nhé
trước Dã Quỳ "tự sướng" say mê.
                    
Như đến hẹn một mùa vàng nhung nhớ
Cái mùa vàng thu mở sang đông
Nồng nàn hôn, hổn hển thở
Vượt tầm yêu trong khung kín khuê phòng.
                      
Dã Quỳ vàng bềnh bồng mây núi
Ai như Sơn Thánh...kiệu hoa về
Ôi Phong Châu... Mỵ Nương rạng rỡ
theo lối Dã Quỳ vàng kín sơn khê.

      Ba Vì - Sơn Tây 10/11/2016
                 Nguyễn Khôi

BẠN VĂN - CHIỀU XẾ BÓNG
(Tặng Bắc Phong - Canada)
Càng gắng lên cao tuổi
Bạn cũ cũng dần thưa
Tìm bạn Văn trao đổi
Đành dở sách bạn cho.
              
Về làng toàn người lạ
Thăm mả toàn người quen (1)
Sông lâu thêm buồn bã
Cô đơn tới trước thềm.
               
Trông một trời mây trắng
Lãng đãng câu thơ xưa
Còn một mình lẩn thẩn
Bạch vân không du du...
          Quê 9/11/2016
           Nguyễn Khôi
      
(1) Mượn ý thơ Vũ Quang Tần.
      
READ MORE - CHÙM THƠ NGUYỄN KHÔI

VỀ ĐÔNG HÀ GẶP NGƯỜI XƯA - Thơ Hoàng Yên Lynh


           Nhà thơ Hoàng Yên Lynh năm 1971

READ MORE - VỀ ĐÔNG HÀ GẶP NGƯỜI XƯA - Thơ Hoàng Yên Lynh