Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, November 7, 2016

NHÂN NGÀY 20-11 NHỚ VỀ NHỮNG NGƯỜI THẦY - Vĩnh Hoàng


          
               Tác giả Vĩnh Hoàng


     NHÂN NGÀY 20-11 NHỚ VỀ NHỮNG NGƯỜI THẦY

  Dân tộc chúng ta vốn có truyền thống tôn sư trọng đạo. Xem việc học là tối cần thiết của mỗi con người, phải học khi còn rất trẻ “ Ấu bất học lão hà vi, “ ai dang dỡ việc học ắt tương lai sẽ khổ. Muốn học thì phải có thầy. "Không thầy, đố mầy làm nên"
Nên người thầy dù dạy ít nhiều vẫn là thầy của đời mình "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư". Gương người thầy tối quan trọng, ngoài việc truyền thụ kiến thức văn hoá chữ nghĩa, người thầy phải thể hiện nhân cách, đạo đức mẫu mực để người trò noi theo
Có rất nhiều thầy ta phải chịu ơn và tôn kính suốt đời như cha mẹ ta vậy. Quân, Sư, Phụ "- Người thầy tôi muốn nói, đó là thầy Lê văn Phục" thầy của tôi
 Con đường học vấn của tôi có nhiều trắc trở vì gặp buổi giao thời
Tôi sinh ra và lớn lên tại một làng quê hiền hoà bên bờ nam sông Hiếu nơi đó cha tôi một lần ra đi không trở lại, người đã vì nước hy sinh vào năm 1949 trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Tôi mồ côi cha khi chưa đầy tám tuổi, nhà có hai anh em khi đất nước chia đôi nội tôi cũng chia đứa Nam đứa Bắc
  Năm đó 1954 tôi mới học hết lớp hai. Hai năm chờ đợi hiệp thương vùng tôi ở không có trường học, tôi phải đi chăn bò giúp mẹ. Làng tôi chỉ cách huyện lỵ Cam Lộ non 3km nhưng lại ngăn cách bởi con suối Khe Mây không có cầu qua lại
Khi chính quyền miền Nam ổn định chiếc cầu tre lắt lẻo bắc qua gọi tên cầu Trầm Trụ nối làng tôi với chợ phiên Cam Lộ đó là năm 1956
   Tôi còn nhớ như in vào khoảng tháng 10 khi tiếng trống khai trường đã vang lên hơn một tháng trước đó, tôi cùng 5 anh em trong làng rủ nhau lên trường Cam Lộ xin học. Chúng tôi đến thì trường đã hết chỗ ngồi không xin vào học được
   Vì lớn tuổi đã ý thức việc học cần thiết, nên đứng quanh quẫn ngoài hiên không chịu về. Có lẽ các thầy cũng động lòng nên thầy Lê văn Phục bàn với thầy hiệu trưởng đồng ý cho chúng tôi tự mang bàn kê cuối lớp, cho học ngoại sổ, bởi chúng tôi không có một giấy tờ gì. Học được 2 tháng thầy mới dẫn chúng tôi ra huyện Cam Lộ lập thế vì khai sinh để hợp lệ hồ sơ vào học chính thức. Hồi đó tôi là đứa nhỏ nhất mà đã 15 tuổi, nên tôi phải sụt xuống 5 tuổi mới hợp lệ
     Bây giờ nghĩ lại những nguời thầy đáng kính ấy mình mới thấm thía câu thầy trò là đạo nghĩa cha con. Giá như hồi đó các thầy ngoảnh mặt làm ngơ, thì chúng tôi là những đứa chăn bò có đâu được năm ba chữ để viết lên cảm nghĩ hôm nay
   Khi tôi viết bài này, các thầy cũng đã ra người thiên cổ vì  6 đứa trò dạo ấy chỉ sót lại mình tôi. Tuy thế tôi phải nhớ đến hết đời mình đó là tấm gương tôi mang theo cuộc sống  - Trong tập thơ  “ Tiếng Lòng “ của tôi có bài :

 NHỚ ƠN THẦY
“Sáu đứa mang bàn  học ghé theo “
Thầy thương tuổi lớn tận quê nghèo
Áo cơm mẹ kiếm no hai bửa
Chữ nghĩa thầy cho sáng ánh đèn
Nay dẫu đời con không thành đạt
Nhưng mà ơn ấy dễ nào quên
Gương thầy sáng mãi  soi vằng vặc 
Để lại cho đời những đoá sen ./.
                         Vĩnh Hoàng 
              
     NGƯỜI THẦY CỦA EM TÔI: THẦY HOÀNG ĐẰNG

   Vĩnh Hoàng thăm thầy Hoàng Đằng      

 Thầy Hoàng Đằng với tôi là bạn, là ân nhân của em tôi, thầy cùng học trường Bán Công Đông Hà hơn tôi một lớp, thời gian thầy vào Quốc Học khi ra trường thầy là giáo sư trường Nguyễn Hoàng Quảng trị  - Dạo đó tôi cũng đã khoác chiến y
 Một cơ duyên tôi lại gặp thầy sau mùa hè đỏ lửa
   Vào khoảng nửa tháng 3/72 chiến dịch bắt đầu khai hoả - lúc đó tôi đóng quân gần “Tân Sở” Cam Lộ nơi vua Hàm Nghi lập căn cứ chống Pháp  - Khi căn cứ Ca Rôn bắc đường 9 thất thủ, tôi cũng phải băng đường rừng về Ái Tử lúc đó đạn pháo với tần suất càng nhiều - Quê tôi vùng Cam Lộ quân gp đã tràn vào, làng tôi máy bay đã dội bom, dân chạy tán loạn, người về thị xã Quảng trị, kẻ vẫn bám trụ ở làng. Gia đình tôi chỉ chạy được ông chú và 3 đứa em con bà cô, còn mẹ tôi bà nội, thím và cô dượng đều kẹt lại - Đầu tháng 5/72 Quảng Trị rút quân dân dồn về các trại tạm cư Hoà Khánh, Non Nước Đà Nẳng - Vắng nhà vì bận nơi chiến trường Quảng Tri sau thời gian tôi trở về trại tam cư Hoà Kanh thì biết được đứa em con cô tôi buồn vì mất cha mẹ đã bỏ học  - Tôi đau lòng nghĩ đến việc mình thất học trước đây và liên tưởng đến tương lai em tôi, bây giờ nó còn nhỏ chưa hiểu được, tôi cố gắng an ủi và khuyên nó đi học lại, nó chần chừ và bảo, bỏ học lâu xin thầy không cho
  Sáng hôm sau tôi dẫn nó đến phòng học tại khu F trại tam cư Hoà Khánh, tôi gõ cửa xin gặp thầy - Người thầy ra chào tôi đó là thầy Hoàng Đằng. Tôi mừng quá vì gặp bạn quen nhưng lúc đó thầy Đằng không biết có nhớ tôi không vì đã 10 năm không gặp – Sau lời chào hỏi tôi trình bày hoàn cảnh của em tôi và ngỏ ý xin cho nó đi học lại, thầy vui vẻ nhận lời - Cuối năm 1973 gia đình tôi di dân vào Bình Tuy, em tôi được học trường Thanh Linh (Động đền). Sau năm 1975 nó trở về đoàn tụ gia đình và trở thành người thầy chế độ mới, đó là trò Hoàng Minh Bé của thầy Đằng
Năm 1978 sau khi ra trại cải tạo tôi vào lập nghiệp ở Đồng Nai ,nay là  Bà rịa Vũng tàu
Cũng nhờ duyên văn thơ tôi gặp thầy Đằng trong “Nguyễn Hoàng Chân Dung & Kỷ Niệm” trong "Hương Quê Nhà" và trong trang “VNQT”. Tôi có hoạ thơ thầy - Ơn thì vẫn nhớ nhưng chưa gặp nhau đã 44 năm vì mỗi lần về quê đều vội vã.
Tháng tư năm nay có dịp mẹ tôi ốm, tôi về Đông hà, và đã ghé thăm thầy, bạn Hoàng Thanh Phước cùng lớp thoả lòng ước nguyện - Tuy thời gian gắp nhau quá ngắn nên chỉ trao đổi văn thơ
Trở về Sài gòn thầy gửi email cho tôi và giới thiệu trang nhà “truongdongha.com”, tôi nhận lời và gởi được 2 bài rồi bặt tin gần 2 tháng  vì mẹ ốm ra lại quê không có phương tiện gởi bài
Ngày mẹ tôi mất thầy và bạn Phước có đến viếng chia buồn với gia đình chúng tôi, thầy còn báo BBT đăng lời phân ưu chia buồn trang trọng, thật là tình nghĩa
Thầy Hoàng Đằng là người thầy mẫu mực đầy lòng nhân ái vị tha - với ngòi bút của thầy bây giờ rất cần, vì xã hội nhiễu nhương, đạo đức suy đồi, con người đã mất hết nhân tính, xem nhẹ nhân nghĩa chỉ biết lợi ích cá nhân, cho đồng tiền là trên hết
   Mặc dầu tuổi đã già, đã nghỉ hưu nhưng trách nhiệm với đời còn nặng thầy không thể buông xuôi được - Trong bài hoạ mừng thọ thầy tôi đã viết:
    “ Nhân nghĩa chuyển giao chưa chạm đáy –Văn chương khoáng đạt, vẫn còn mơ”
     "Một đời vất vả vì nhân ái" là thế…
Nhân ngày hiến chương nhà giáo 20/11, chúc thầy dồi dào sức khoẻ để có những bài viết đầy tính nhân văn góp phần cống hiến cho xã hội trong phong trào chấn hưng đạo đức, nâng cao dân trí hiện nay
 ./.
                                                                Sài gòn, ngày 7-11- 2016
                                                                            Vĩnh Hoàng

READ MORE - NHÂN NGÀY 20-11 NHỚ VỀ NHỮNG NGƯỜI THẦY - Vĩnh Hoàng

THÀNH NGỮ KHOA TRƯƠNG TRONG TIẾNG VIỆT - TS. Nguyễn Ngọc Kiên


          

     THÀNH NGỮ KHOA TRƯƠNG TRONG TIẾNG VIỆT
                                                               TS. Nguyễn Ngọc Kiên

1.     Khái niệm thành ngữ tục ngữ. Theo nhóm các tác giả Mai Ngọc Chừ, Vũ Đức Nghiệu, Hoàng Trọng Phiến thì: “Thành ngữ là cụm từ cố định, hoàn chỉnh về cấu trúc và ý nghĩa. Nghĩa của chúng có tính hình tượng hoặc / và gợi cảm.” [1, tr.157]

Theo “Từ điển giải thích ngôn ngữ học” thì: “Thành ngữ là cụm từ cố định có tính nguyên khối về ngữ nghĩa, tạo thành một chỉnh thể định danh có ý nghĩa chung khác tổng số ý nghĩa của các thành tố cấu thành nó, tức là không có nghĩa đen và hoạt động như một từ riêng biệt ở trong câu.” [12, tr.237]
Phân biệt thành ngữ với tục ngữ tác, giả Vũ Ngọc Phan cho rằng:  “Tục ngữ là một câu tự nó diễn trọn vẹn một ý, một nhận xét của  kinh nghiệm, một luân lý, một công lí, có khi là một sự phê phán. Còn thành ngữ là một phần câu có sẵn, nó là một bộ phận của câu mà nhiều người đã quen dùng, nhưng tự riêng nó không diễn đạt được một ý trọn vẹn.  Về hình thức ngữ pháp, mỗi thành ngữ chỉ là một nhóm từ, chưa phải một câu hoàn chỉnh; còn tục ngữ dù ngắn đến đâu cũng đã là một câu hoàn chỉnh.”
[9, tr. 31]
Tuy nhiên, trong tiếng Việt có những câu thật khó phân biệt chúng là thành ngữ hay tục ngữ. Chẳng hạn, xét “trong ấm ngoài êm”; nếu nói: “anh ta sống trong cảnh trong ấm, ngoài êm”, tức hai vế là ngữ đẳng lập, thì rõ ràng đây là thành ngữ. Nhưng nếu nói: “Phải sống sao cho trong ấm thì ngoài êm”, tức là vế sau là hậu / kết quả của vế trước,  thì đây là câu tục ngữ.
Như vậy, nghĩa của thành ngữ rất hàm súc và biểu cảm. Trong bài viết này chúng tôi chỉ bàn đến thành ngữ khoa trương trong tiếng Việt. Trong văn học khi nhà văn sử dụng thành ngữ khoa trương làm cho câu văn càng trở nên sinh động và biểu cảm, có giá trị thẩm mĩ cao. Ví dụ :
(1) Khai được chuyện này ra, bao nhiêu chuyện khác sẽ gỡ ra được, chồng mụ không phải bị buộc oan, không phải “ngàn cân treo sợi tóc” như bây giờ.
(2) Phải năm chìm bảy nổi mới được như bây giờ! Nhỡ có mệnh hệ nào,công lao đổ xuống sông xuống biển hết. Vì con mà mẹ phải lên thác xuống ghềnh, mẹ đâu có quản ngại.
(3) Trong lúc cả làng sôi sục chạy đuổi “nhét cứt vào mồm con Xuyến”, làm con bé xanh xám mặt mũi, cắt không còn hột máu, thằng Hiếu đứng ra chặn mọi người ôm lấy vợ bảo: - Em cứ bình tĩnh, đừng sợ.
                                     ( Lê Lựu – Chuyện Làng Cuội)
Trong (1) (2) (3), nhà văn Lê Lựu sử dụng các thành ngữ ngàn cân treo sợi tóc, lên thác xuống ghềnh, mặt cắt không còn hạt máu. Trong tác phẩm tác giả còn dùng biến tấu các thành ngữ. Chẳng hạn, thành ngữ long trời lở đất được tác giả biến thành rung chuyển cả trời đất:
(4) Khi bần cố đã vùng lên thì sức mạnh kinh hoàng khủng khiếp của nó sẽ làm rung chuyển cả trời đất, không có gì có thể cản nổi.
Hoặc:
(5) Trơ như đá vững như đồng
Ai lay chẳng chuyển ai rung chẳng dời
                             (Nguyễn Du – Truyện Kiều)
2. Khái niệm về khoa trương
Trong tiếng Việt, khi cần nhấn mạnh làm nổi bật đặc trưng, tính chất của đối tượng, người ta cố tình nói quá sự thật; việc nói quá ở đây có thể là phóng to hoặc thu nhỏ đối tượng cần miêu tả. Lối  nói này được gọi là khoa trương. Khoa trương không phải là nói khoác hay nói dối để đánh lừa người nghe. Tác giả Đào Thản cho rằng, nó không làm cho người ta tin vào điều nói ra, mà chỉ cốt hướng cho ta hiểu được điều nói lên [9, tr.1].
Theo chúng tôi, khoa trương là cường điệu quy mô, tính chất, mức độ của những sự vật, hiện tượng miêu tả. Tuy nói quá nhưng vẫn phản ánh được và đúng bản chất của sự vật, hiện tượng. Khoa trương luôn mang đậm phong cách và dấu ấn của cá nhân hoặc cộng đồng sử dụng ngôn ngữ.
Ví dụ: Làn thu thủy nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm tuyết nhường màu da.
                                         (Nguyễn Du – Truyện Kiều)
3. Khoa trương trong thành ngữ tiếng Việt
Người Việt rất thích nói khoa trương, điều này có thể được chứng minh qua kho tàng thành ngữ tiếng Việt. Khoa trương trong thành ngữ tiếng Việt hết sức đa dạng và phong phú; căn cứ vào các tiêu chí về ngữ nghĩa, hình thức, thời gian… có thể chia thành các loại như sau:
3.1. Phân loại khoa trương theo ngữ nghĩa
Căn cứ vào nghĩa có ba loại: khoa trương phóng to và khoa trương thu nhỏ, khoa trương thời gian.
3.1.1. Khoa trương phóng to
Là cố ý làm cho sự vật to ra, đem đặc trưng, số lượng, trạng thái, tính chất, đặc trưng của sự vật làm cho nhiều lên, nhanh hơn, cao lên, dài ra, mạnh hơn. Ví dụ: tức bầm gan tím ruột; tức lộn tiết; giận sôi máu; tiếc đứt ruột; gan cùng mình; nộ khí xung thiên; nở từng khúc ruột;
3.1.2. Khoa trương thu nhỏ
Là cố ý đem số lượng, đặc trưng, tác dụng, mức độ của sự vật làm cho nhỏ đi, ít đi, chậm lại, thấp đi, ngắn lại, yếu đi.
Ví dụ:  Bé bằng mắt muỗi;  nhẹ tựa lông hồng; gầy gió thổi bay; lấy chỉbuộc chân voi; chẻ sợi tóc làm tư.
3.1.3. Khoa trương thời gian
Là đem sự viếc xuất hiện sau nói thành sự việc xuất hiện trước hoặc cả hai cùng xuất hiện. Chẳng hạn: Chưa ăn đã hết
- Chưa đỗ ông nghè  đã đe hàng tổng.
- Chưa đến chợ đã hết tiền.
3.2. Phân loại khoa trương theo hình thức
Căn cứ vào hình thức có mấy loại sau:
 3.2.1. Khoa trương trực tiếp
Là khoa trương mà không sử dụng bất cứ hình thức tu từ nào, còn gọi là khoa trương “thuần túy”. Ví dụ:  chuyện động trời; tin sét đánh ngang tai; quỷ tha ma bắt; đất bằng dậy sóng; lấy vải thưa che mắt thánh; vắt  cổ chày ra nước; rán sành ra mỡ; ruột để  ngoài da; chân cứng đá mềm;
3.2.2. Khoa trương gián tiếp
Là khoa trương có sử dụng các thủ pháp tu từ khác, chẳng hạn so sánh, ẩn dụ, nhân cách hóa, vật cách hóa v.v. . . ; còn được gọi là khoa trương “dung hợp”.
Chẳng hạn, sử dụng so sánh tu từ để khoa trương: rách như tổ đỉa; cứng như thép, vững như đồng; trắng như trứng gà bóc; đẹp như tiên giáng trần; xấu như ma mút; vững như  bàn thạch.
Sử dụng nhân cách hóa để khoa trương: chim sa cá lặn ; hoa nhường nguyệt thẹn; thần hồn nát thần tính.
Căn cứ vào mức độ, có thể chia khoa trương thành mấy loại sau:
3.3.1.Khoa tương ở mức độ thấp
Khoa trương ở mức độ thấp là cách nói quá đi so với cái có thật trong thực tế; tuy có thể nhân lên tới hàng trăm hàng nghìn lần, thậm chí hàng vạn lần, nhưng vẫn chưa đến mức phi lí, vẫn có thể chấp nhận được. Sở dĩ như vậy là vì nghe mãi thành quen tai, cả người nói và người nghe chẳng ai nghĩ mình đang khoa trương. Chẳng hạn, các cụm từ sau thường được sử dụng trong khẩu ngữ: trăm công nghìn việc, phục sát đất, một mất mười ngờ,  một chữ bẻ đôi cũng không biết,
Khoa trương ở mức độ cao là nói quá sự thật một cách quá đáng, đến độ phi lí không thể tin được. Trong giao tiếp người Việt hay sử dụng các thành ngữ khoa trương: không cánh mà bay, một bước lên giời, ngàn cân treo sợi tóc, trăm đắng ngàn cay ; nghiêng nước nghiêng thành.
4. Một số cách biểu thị khoa trương trong thành ngữ, tục ngữ
Cách biểu đạt khoa trương trong ca dao của người Việt rất phong phú. Trong bài viết này chúng tôi xin giới thiệu một số cách phổ biến sau :
4.1. Sử dụng số từ
Mỗi con số đều mang trong mình cả những nghĩa tốt và những nghĩa xấu. Trong khi số học phương Tây (hay còn được gọi là hệ thống Pytago) kết nối những con số với tính chất cốt rễ của nó thì số học phương Đông lại dựa trên âm thanh của con số (theo tiếng Trung Quốc) khi ta phát âm. Nếu một con số phát âm giống một từ được cho là tiêu cực hay thiếu may mắn, con số đó cũng được xem là tiêu cực hay thiếu may mắn. Tuy nhiên, may mắn lại là một khái niệm không đóng vai trò gì trong số học phương Tây. Thay vào đó, mỗi con số đều mang trong mình cả những nghĩa tốt và những nghĩa xấu. Tùy với mỗi người mà năng lượng mạnh nhất của con số sẽ được phát huy.
 Nói ngoa bằng cách dùng những con số lớn hơn hay ít hơn nhiều lần để  nói lên sự hơn kém về sự việc hiện tượng. Những con số này chỉ là ước lệ, có tính chất ngụ ý. Chẳng hạn: ba chân bốn cẳng; ba chìm bảy nổi; năm thê bảy thiếp; ba đầu sáu tay; ba cọc ba đồng; ba chân bốn cẳng; ba chìm bảy nổi chín lênh đênh; ba máu sáu cơn ; trăm tay không bằng tay quen; ăn nồi bảy quăng ra, nồi ba quăng vào;; biết rõ mười mươi; năm cha ba mẹ;  gấp trăm nghìn lần; trăm người bán vạn người mua; gấp năm gấp mười ; một vốn bốn lời;  uốn ba tấc lưỡi; trăm voi không được bát xáo ; trăm sông nghìn núi;bách chiến bách thắng; bách phát bách trúng; mồm năm miệng mười;cơ hội ngàn năm có một; muôn hình vạn trạng; muôn hồng ngàn tía…
4.2. Sử dụng động từ khoa trương
Ví dụ: Bới lông tìm vết; ăn tươi nuốt sống; bán mặt cho đất, bán lưng cho trời; băng ngàn vượt bể; được voi đòi tiên; lên thác xuống ghềnh; phun châu nhả ngọc; ruột để ngoài da; vắt cổ chày ra nước; vượt suối băng ngàn; xẻ núi lấp sông; xoay trời chuyển đất…
           Trong tiếng Việt, động từ biểu thị khoa trương cũng tuân thủ theo nguyên tắc: động từ kết hợp với tân ngữ.
Ngoài ra, có một số cụm động từ có kết cấu tương tự như nghĩ nát óc,cười vỡ bụng. Tác giả tác giả Huỳnh Ái Nguyên cho rằng, chúng “là những quán ngữ đa dạng về mặt ý nghĩa, chúng có thể mang tính nhấn mạnh về mặt thông tin mệnh đề, thông tin tình thái, mang màu sắc biểu cảm, mang tính phóng đại hoặc là sự kết hợp của tất cả các yếu tố trên”.
Chẳng hạn: no vỡ bụng; lo sốt vó; rụng rời chân tay; nghĩ bể đầu; nói đến gãy lưỡi; ruột thắt gan bào; vắt tim óc; cười bể bụng; làm mửa mật; đổ mồ hôi hột; tiếc đứt ruột; tức nổ mắt…
Qua các ví dụ trên có thể thấy, động từ biểu thị khoa trương có thể đem lại những giá trị thẩm mĩ nhất định, nhưng bản thân động từ không thể đơn độc thực hiện khoa trương, mà là kết quả của sự kết hợp giữa động từ và tân ngữ. Nhưng động từ là điều kiện để cấu thành khoa trương, đồng thời cũng là tiêu chí khoa trương ngoại tại. Nó không chỉ từ ngoại tại trên thị giác kích thích độc giả mà còn thông qua sự phối hợp ý nghĩa của các hình tượng khác để nói quá sự thật, tạo nên sức hấp dẫn thẩm mĩ của tâm lí độc giả. Tuy nhiên, đối với một số động từ nội động, nó phải được đặt trong ngữ cảnh, hoặc trong những điều kiện sự việc không thể xảy ra, thì mới có thể thực hiện khoa trương.
Chẳng hạn: Chó ăn đá gà ăn sỏi; vật đổi sao dời ; nước chảy đá mòn;  xương tan thịt nát; trời rung đất lở; trời tru đất diệt; tiếc cay tiếc đắng; nếm mật nằm gai; sống dở chết dở; vùi liễu dập hoa; vượt suối băng ngàn; xẻ núi lấp sông; xoay trời chuyển đất; đội đá vá trời; rán sành ra mỡ; tầm ngầm đấm chết voi; thèm chảy nước miếng; trời đánh không chết; trứng chọi với đá.
4.2. Sử dụng tính từ biểu thị khoa trương
Có hai loại chính:
-         Tính từ + bổ ngữ = tính từ + (cụm) danh từ
Trong loại này, thực tế chúng là các tính ngữ biểu thị khoa trương. Chẳng hạn: gan cóc tía; gan liền tướng quân; mát mặt; ngứa mắt; ngứa mồm; ngứa tai; tối mắt; tối mặt; bở hơi  tai; cứng cổ; cứng họng; mềm lòng; trơ mắt ếch; trơ thổ địa; sạch nước cản; mát tay; thẳng ruột ngựa ; thừa sống thiếu chết; trên trời dưới bể; to gan lớn mật; trên đe dưới búa; trong ngọc  trắng ngà; nghiêng nước nghiêng thành;  ngang cành bứa; mênh mông bể Sở;
-         Tính từ + bổ ngữ =  tính từ + (cụm) động từ hoặc tính từ + cụm chủ vị
Trong loại này, chúng cũng là các tính ngữ biểu thị khoa trương . Ví dụ: giầu nứt đố đổ vách; nghèo rớt mồng tơi; đẹp chim sa cá lặn.
Chúng còn có thể là những tính từ bổ nghĩa cho danh từ trung tâm tạo thành đoản ngữ danh từ biểu thị khoa trương.
Ngữ danh từ = danh từ + tính từ
Chẳng hạn: đất rộng trời cao; mẹ tròn con vuông; sông cạn đá mòn;  lá ngọc cành vàng; trời cao đất dày; rừng thiêng nước độc; nghĩa nặng tình sâu.
Nhất là, những tính từ có xuất xứ từ tiếng Hán.
Chẳng hạn: non xanh nước biếc [ sơn thanh thủy tú]; sơn cùng  thủy tận [sơn cùng thủy tận]; trời cao đất dày [thiên cao địa hậu]; thâm sơn cùng cốc [thâm sơn cùng cốc]….
4.3. Sử dụng danh từ để biểu thị khoa trương
Ta có mô hình: đoản ngữ : danh từ + danh từ
Loại này chủ yếu gồm  hai  tiểu loại:
- Thành ngữ ẩn dụ đối xứngChẳng hạn:
chân cò tay vượn; mình đồng da sắt; khẩu phật tâm xà; miệng hùm gan sứa; gạo châu củi quế;  góc bể chân trời; thiên la địa võng; nem công chả phượng; sơn hào hải vị; tiền rừng bạc bể; quyền rơm vạ đá; cá bể chim ngàn;màn trời chiếu đất  .
-         Thành ngữ ẩn dụ phi đối xứng:
Miệng nam mô bụng bồ dao găm; nước mắt cá sấu; màu mỡ riêu cua; lưới trời lồng lộng….
4.4. Sử dụng so sánh tu từ biểu thị khoa trương
Theo các tác giả Đinh Trọng Lạc, Cù Đình Tú thì: “So sánh tu từ là sự đối chiếu về hai sự vật (về tính chất, trạng thái sự việc) A và B cùng có một dấu hiệu chung nào đó giống nhau. A là sự vật chưa biết, nhờ qua B mà người đọc biết A hoặc hiểu thêm về A. So sánh tu từ còn gọi là so sánh hình ảnh, đó là một sự so sánh không đồng loại, không cùng một phạm trù chung, miễn là một nét tương đồng nào đó về mặt nhận thức hay tâm lí”. (Dẫn theo[7, tr. 84])
Tác giả Hoàng Kim Ngọc [7, tr. 84] lại cho rằng, cả hai quan niệm trên về cơ bản là đúng nhưng chưa đủ vì chưa chỉ ra được cơ sở của sự so sánh và những hệ quả của sự so sánh ấy.   
Chúng tôi đồng ý với ý kiến của Hoàng Kim Ngọc.    
Cách nói khoa trương hay còn gọi nói ngoa tiện nhất là so sánh, lấy điều gì đã biết để dẫn dụ cho dễ hiểu. Cách so sánh là gây ấn tượng mạnh cho người nghe và người đọc. Nói cách khác, đó là những thành ngữ so sánh có từ so sánh.
Loại này bao gồm những thành ngữ có cấu trúc là một cấu trúc so sánh. Ví dụ: Lạnh như tiền; rách như tổ đỉa.
Mô hình tổng quát của thành ngữ so sánh giống như cấu trúc so sánh thông thường khác:
- A ss B: Ở đây A là vế được so sánh, B là vế đưa ra để so sánh, cònss là từ so sánh: như, bằng, tựa, hệt,...
Tuy vậy, sự hiện diện của thành ngữ so sánh trong tiếng Việt khá đa dạng, không phải lúc nào ba thành phần trong cấu trúc cũng đầy đủ. Chúng có thể có các kiểu: tội tày đình; gan tày liếp; phúc như Đông Hải, thọ tựa Nam Sơn .
A ss B: Đây là dạng đầy đủ của thành ngữ so sánh.
Chẳng hạn: đắt như tôm tươi; nhẹ tựa lông hồng; lạnh như tiền; nổ như sấm;nhanh như gió / chớp /; ngủ  như chết; ngáy như sấm; ngáy như kéo gỗ; chạy như ma đuổi; đẹp như tiên  giáng trần; nhanh như máy; đoán như thần; nhẹ như bấc; nặng như chì; ngủ như chó con say sữa; dai như đỉa đói
- (A) ss B: Ở kiểu này, thành phần A của thành ngữ không nhất thiết phải có mặt. Nó thể xuất hiện hoặc không, nhưng người ta vẫn lĩnh hội ý nghĩa của thành ngữ ở dạng toàn vẹn. Ví dụ: (rẻ) như bèo;  (chắc) như đinh đóng cột; (vui) như mở cờ trong bụng; (to) như bồ tuột cạp; (khinh) như rác; (khinh) như mẻ; (chậm) như rùa / sên...
- ss B: Trường hợp này, thành phần A không phải của thành ngữ. Khi đi vào hoạt động trong câu nói, thành ngữ kiểu này sẽ được nối thêm với A một cách tuỳ nghi, nhưng nhất thiết phải có. A là của câu nói và nằm ngoài thành ngữ. Ví dụ:
Ăn ở với nhau
Xử sự với nhau
Giữ ý giữ tứ với nhau
...
như chó với mèo
Có thể kể ra một số thành ngữ kiểu này như: như tằm ăn rỗi; như vịt nghe sấm; như con chó ba tiền; như gà mắc tóc; như đỉa phải vôi; như ngậm hột thị.
Đối với thành ngữ so sánh tiếng Việt nói chung và thành ngữ so sánh khoa trương nói riêng, có thể nêu một vài nhận xét về cấu trúc của chúng như sau:
·         Vế A (vế được so sánh) không phải bao giờ cũng buộc phải hiện diện trên cấu trúc hình thức, nhưng nội dung của nó thì vẫn luôn luôn là cái được "nhận ra". A thường là những từ ngữ biểu thị thuộc tính, đặc trưng hoặc trạng thái hành động,... nào đó. Rất ít khi chúng ta gặp những khả năng khác.
·         Từ so sánh trong thành ngữ so sánh tiếng Việt phổ biến là từ như; còn những từ so sánh khác, chẳng hạn như tựa, tựa như, như thể, bằng, tày,... Chẳng hạn: gương tày liếp, tội tày đình, cưới không bằng lại mặtthọ tựa Thái Sơn chỉ xuất hiện hết sức ít ỏi.
·         Vế B (vế để so sánh) luôn luôn hiện diện, một mặt để thuyết minh, làm rõ cho A, mặt khác, nhiều khi nó lại chỉ bộ lộ ý nghĩa của mình trong khi kết hợp với A, thông qua A. Ví dụ: Ý nghĩa "lạnh" của tiền chỉ bộ lộ trong lạnh như tiền mà thôi. Các thành ngữ nợ như chúa Chổm, rách như tổ đỉa, say như điếu đổ, say khướt cò bợ,... cũng tương tự như vậy.
Mặt khác, các sự vật, hiện tượng, trạng thái,... được nêu ở B phản ánh khá rõ nét những dấu ấn về đời sống văn hoá vật chất và tinh thần của dân tộc Việt. Đối chiếu với thành ngữ so sánh của các ngôn ngữ khác, ta dễ thấy sắc thái dân tộc của mỗi ngôn ngữ được thể hiện một phần ở đó.
·         Như trên đã nói, vế B có cấu trúc không thuần nhất:
·         B có thể là một từ. Ví dụ: lạnh như tiền, rách như tổ đỉa, nợ như chúa Chổm; đắng như bồ hòn; rẻ như bèo; khinh như mẻ,...
·         B có thể là một kết cấu chủ-vị (một mệnh đề). Ví dụ: như đỉa phải vôi, như chó nhai giẻ rách, lừ đừ như ông từ vào đền, như thầy bói xem voi, như xẩm sờ vợ,...
4.4.1. So sánh với những từ ngữ chỉ bộ phận cơ thể con người
Chúng ta dùng những tên bộ phận cơ thể  người để ngoa ngữ, trên thực tế không có như vậy:
 Chẳng hạn: bầm gan tím ruột ; tức lộn ruột/ tiết ;  tức ứa máu ; tiếc đứt ruột; gan cùng mình; Ruột thắt gan bào; vắt tim óc;cười bể bụng;làm mửa mật; đổ mồ hôi hột; no vỡ bụng; lo sốt vó;  rụng rời chân tay; nghĩ nát óc; nghĩ bể đầu; cứng họng; nói đến gãy/ đứt lưỡi; coi người bằng nửa con mắt....
 Nhưng những cách diễn đạt sau đây đúng với tình trạng sinh lý của người bệnh: mệt mờ mắt ; mệt bở hơi tai; lạnh nổi da gà; run bắn người; mồ hôi vã ra như tắm; trái tim sắt đá; còn da bọc xương; uống máu người không tanh...
4.4.2.So sánh với những từ ngữ chỉ động vật
Chẳng hạn: run như cầy sấy; khỏe như voi; chân như chân voi; ranh như cáo; nhanh như sóc; giết người như ngóe;  ăn như heo; lẩn như chạch; ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo; ghét nhau như chó với mèo; chân to như chân voi; dai như đỉa đói.
4.5. Sử dụng ẩn dụ biểu thị khoa trương
Theo tác giả Hữu Đạt [3, tr.302] thì Ẩn dụ là kiểu so sánh không nói thẳng ra. Người tiếp nhận văn bản khi tiếp cận với phép ẩn dụ phải dùng năng lực liên tưởng để quy chiếu giữa các yếu tố hiện diện trên văn bản với các sự vật hiện tượng tồn tại ngoài văn bản. Như vậy, thực chất của phép ẩn dụ chính là việc dùng tên gọi này để biểu hiện sự vật khác dựa trên cơ chế tư duy và ngôn ngữ dân tộc 
Như vậy theo chúng tôi, ẩn dụ là so sánh mà không có từ so sánh.
Chẳng hạn: chỉ mành treo chuông; ngàn cân treo  sợi tóc. Ở đây ta phải hiểu là (như ) chỉ mành treo chuông;( như) ngàn cân treo  sợi tóc 
Theo các tác giả Mai Ngọc Chừ, Vũ Đức Nghiệu, Hoàng Trọng Phiến, chúng là những ngữ cố định định danh.  Chúng tôi vẫn xếp chúng vào mục thành ngữ, vì tính cố định vì nghĩa biểu trưng của chúng.
 Chẳng hạn: mắt ốc nhồi; mắt bồ câu; mắt lươn; mắt phượng, mày ngài, mũi sư tử; mũi diều hâu; răng bàn cuốc; răng cải mả; nhẩy chân sáo; khăn mỏ quạ; miệng cá ngão; mặt lưỡi cày; ngón tay chuối mắn; ngón tay búp măng; chân voi; chân cột đình....
4.6. Sử dụng thủ pháp nhân cách hóa, vật cách hóa biểu thị khoa trương
Nhân cách hóa là một biện pháp tu từ lấy vật bao gồm vật thể, động vật, tư tưởng hoặc khái niệm trừu tượng làm cho chúng có diện mạo, cá tính, tính cách, hoặc tình cảm.
Nhân cách hóa là một biến thể của ẩn dụ, trong đó người ta lấy những từ ngữ biểu thị thuộc tính, dấu hiệu của con người để biểu thị thuộc tính, dấu hiệu không phải con người, nhằm làm cho đối tượng được miêu tả trở nên gần gũi dễ hiểu hơn, đồng thời làm cho người nói có khả năng bày tỏ kín đáo tâm tư thái độ của mình. Có mấy loại sau:
-                     Nhân cách hóa động vật
Ví dụ: Chim sa cá lặn; ma chê quỷ hờn ; chó chê mèo lắm lông; khỉ ho cò gáy;  ai mà biết được măn cỗ ; chim ca vượn hátrồng đến nhà tôm; lươn ngắn chê chạch dài, thờn bơn méo miệng chê trai lệch mồm.
-Nhân cách hóa thực vật
Ví dụ: Hoa nhường nguyệt thẹn ; hoa cười ngọc thốt; lòng vả cũng như lòng sung ; quýt làm cam chịu ; cây ngay không chịu chết đứng; say hoa đắm nguyệt.
- Nhân cách hóa sự vật và các hiện tượng tự nhiên
Ví dụ: Mưa thảm gió sầu; thiên sầu địa thảm;  hồn xiêu phách lạc ; trời không dung đất không tha; bụng làm dạ chịu; bụng bảo dạ; thần hồn nát thần tính.
5. Sử dụng hiện tượng thiên nhiên, trời phật, thần thánh để khoa trương
Trong văn hóa của người Việt, trong các thành ngữ, người ta rất hay sử dụng các hình tượng Trời, Phật,  và các hiện tượng thiên nhiên để biểu thị khoa trương.
Trong cuộc sống, người ta thường hay nói đến các hiện tượng thiên nhiên, thần thánh. Tín ngưỡng Viêt Nam có thờ hiện tượng thiên nhiên, như núi đá, sấm chớp, cây cao, thờ trời thờ đất, thần thánh, ma quái. Cho nên đề cập đến những gì to lớn, vĩ đại, sự việc gây  ngạc nhiên, chúng ta thường đưa ra để so sánh ví von, khoa trương.
 Chẳng hạn : chuyện tày trời, tin sét đánh ngang tai ; nổ như sấm; quỷ tha ma bắt;  lấy vải thưa che mắt thánh; khác nhau một trời một vực; công ơn trời biển; đòn trời giáng; trời đánh thánh vật; trời đánh  không chết; dìm xuống đất đen; đến thánh cũng bó tay; ngồi như bụt mọc; ngây như phỗng đá; ngáy như sấm.
Kết luận
Thành ngữ là tập hợp từ cố định đã quen dùng mà nghĩa của nó thường không thể giải thích được một cách đơn giản bằng nghĩa của các từ tạo nên nó. Nó được hình thành và phát triển nhờ quá trình tích lũy lâu dài trong cuộc sống của người Việt. Người Việt rất thích khoa trương. Điều đó có thể thấy trong kho tàng thành ngữ tiếng Việt. Không thể tìm hiểu văn hóa Việt Nam mà không nghiên cứu thành ngữ tiếng Việt. Không thể nghiên cứu tiếng Việt mà bỏ qua kho tàng thành ngữ  – một vốn quý trong kho tàng tiếng Việt.

                                                          TS. Nguyễn Ngọc Kiên
............................
 TÀI LIỆU THAM KHẢO
   1. Mai Ngọc Chừ, Vũ Đức Nghiệu, Hoàng Trọng Phiến (2006), Cơ sở Ngôn ngữ học và tiếng Việt, NXB Gíao Dục
2. Chu Xuân Diên, Đinh Gia Khánh (1972), Văn học dân gian, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp.
3.Hữu Đạt (2001), Phong cách học tiếng Việt hiện đại, NXB Đại học Quốc Gia HN.
4. Hoàng Văn Hành (2001), Thành ngữ học tiếng Việt, NXB Khoa học Xã hội.
5. Đinh Trọng Lạc (2005), 99 phương tiện và biện pháp tu từ tiếng Việt, NXB Giáo dục.
 6. Đinh Trọn g Lạc, Nguyễn Thái Hòa (2006), Phong cách học tiếng Việt, NXB Giáo dục.
7. Hoàng Kim Ngọc (2009), So sánh & ẩn dụ trong ca dao trữ tình, NXB Khoa học.
8. Vũ Ngọc Phan (2003), Tục ngữ ca dao dân ca, NXB Văn học.
9. Đào Thản (1990), Lối nói phóng đại trong tiếng Việt, Tạp chí Ngôn ngữ.
10. Cù  Đình Tú (2007), Phong cách học và đặc điểm tu từ tiếng Việt, NXB Giáo dục.
11.Viện Ngôn ngữ học (1997), Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng.
12. Nguyễn Như Ý (2002), Từ điển giải thích thuật ngữ Ngôn ngữ học, NXB Gi áo dục.

NGUỒN TƯ LIỆU TRÍCH DẪN
1. Vũ Ngọc Phan (2003), Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam, NXB Văn học.
2. Đào Thản (2005), Ca dao hài hước, NXB Đà Nẵng.

READ MORE - THÀNH NGỮ KHOA TRƯƠNG TRONG TIẾNG VIỆT - TS. Nguyễn Ngọc Kiên

ĐÒ ĐI CÓ VỀ - Thơ Đại Ngàn


                          Tác giả Đại Ngàn


ĐÒ ĐI CÓ VỀ

Đò chiều bỏ bến đi đâu
Bến đau tình bến biệt sầu chia ly
Mười hai bến nước xuân thì
Bến nào trong đục đò đi có về

Đò đi bỏ lại câu thề
Trăng soi vỡ bóng mải mê cuộc tình
Bến đau ôm trọn bóng hình
Lục bình trôi dạt một mình bể dâu

Bến chiều rụng trắng hoa cau
Trầu không nhạt nắng têm màu nhớ thương
Đò đi xa cách dặm trường
Biết đâu sóng gió để thương lấy đò

Mười hai bến nước so đo
Rủi đi lỡ chuyến xót đò bến đau
Đò đi có biết nông sâu
Sông dài rộng lắm biết đâu hạ nguồn

Phù sa lạc bến đỏ buồn
Bến chờ ở phía thượng nguồn gió mưa
Bao giờ cho đến ngày xưa
Đò đi dầu dãi nắng mưa lại về.

                               Đại Ngàn

READ MORE - ĐÒ ĐI CÓ VỀ - Thơ Đại Ngàn

SAO EM CÚI MẶT - Thơ Thủy Điền





SAO EM CÚI MẶT

Sao không muốn nhìn anh em nhỉ ?
Như ngày đầu mình mới quen nhau
Dẫu bây giờ tình có lao đao
Nhưng kỷ niệm vẫn còn trơ đó

Sao cúi mặt, mắt không chịu ngó
Giận cái gì mà lắm thế em
Hờn cái chi mà chẳng chịu thèm
Nhìn thẳng mặt khi người đối diện

Sao không nói một lời, một tiếng
Để cùng nhau gỡ mối tơ sầu
Cứ im lìm rồi được gì đâu
Cúi mặt xuống giấu che, thầm lặng

Nầy em hỡi, ngước lên nhìn thẳng
Hãy nói gì đi chứ, lặng câm
Ai biết đâu mà bảo với rằng
Chiếc nón lá cản ngăn bao thứ

Hãy ngước lên nhìn anh đi chứ
Dù một lần rồi có xa nhau
Thì lòng anh cũng thấy bớt đau
Hơn khi ngắm người đang cúi mặt.

                                Thủy Điền
                             04-11-2016

READ MORE - SAO EM CÚI MẶT - Thơ Thủy Điền