Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, October 28, 2016

ĐÔI LỜI GÓP THÊM CỦA NGUYỄN KHÔI VỀ BÀI THƠ “CHUNG” CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN


       
                         Nhà thơ Nguyễn Khôi



ĐÔI LỜI GÓP THÊM CỦA NGUYỄN KHÔI VỀ BÀI THƠ “CHUNG” CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN

Nhân đọc bài ĐẾN VỚI BÀI THƠ “CHUNG” CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN của nhà thơ Nguyễn Thanh Lâm, Nguyễn Khôi có đôi lời “góp thêm” về bài thơ “CHUNG” của Đặng Xuân Xuyến.
Bài thơ có 2 câu HAY nhất, đó là "tứ" thơ - là rường cột của bài thơ:
Ta bện mây với gió
Kết thành thuyền chơi trăng
Một "tứ" thơ lạ, một sáng tạo độc đáo. Nó thơ mộng nhưng cũng thầm bảo: đằng sau cái thơ mộng là biển khổ cuộc đời đấy, có dám chung lưng đấu cật "Vượt biển" thì hãy về với anh? Viết đến đây Nguyễn Khôi lại nhớ đến Trường ca "Khảm Hải" - Vượt Biển của Dân tộc Tày Việt Bắc (thói quên nghề nghiệp của 1 đời ở và làm công tác Dân Tộc mà). Thật là sòng phẳng, nói trước cái khó khăn / có chấp nhận (chịu nổi) thì mới "Em, nào, về với anh"..., kẻo sau này lại:
Chồng gì anh
Vợ gì tôi 
Chẳng qua là cái nợ đời của nhau...
(Ca dao)
rồi lại chia tay như cuộc hôn nhân trước...
Chao ôi, thơ Tình là tiếng lòng, tiếng con tim thổn thức của tuổi trẻ, nhưng ở cái tuổi dở ông / dở thanh niên như nhà thơ Đặng Xuân Xuyến, thì đó là sự "hồi xuân" mà lửa lòng bừng bừng "khát" (thèm) một cuộc hôn nhân (già) như mộng? để có một bạn đời cùng chung một con thuyền tình để "vượt biển" qua nốt quãng đời còn lại trên thế gian này.
Nhà thơ Nguyễn Thanh Lâm về cơ bản "bình" trong bài ĐẾN VỚI BÀI THƠ “CHUNG” CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN là đủ rồi, rất Hàn lâm...
Tuy nhiên, cái có vẻ "mộc mạc" của Đặng Xuân Xuyến ở mấy câu thơ khổ đầu như dẫn dắt cô gái quê ngây thơ kia đi đến "ta bện..." thì không còn mộc mạc nữa mà là rất lãng mạn kiểu Xuân Diệu "Là thi sĩ nghĩa là ru với gió / Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây / Để linh hồn ràng buộc với muôn dây / Hay chia sẻ bởi trăm tình yêu mến..." (Cảm xúc - thơ Xuân Diệu) thì ở đây phải là một cô gái có tâm hồn đồng điệu mới kham nổi cái "tầm" yêu (khát vọng yêu của Đặng Xuân Xuyến) để thành một cặp đôi hoàn hảo khi kết thành thuyền Thơ...
HAY, HAY, HAY/ LẠ, LẠ, LẠ...
Đó là một cống hiến nhỏ của nhà thơ Đặng Xuân Xuyến cho ngàn lẻ cái Thơ Tình xưa nay hiếm của CHUNG là thế chăng?!
 Nguyễn Khôi gõ nhanh... có điều gì bất cập xin được miễn thứ.
*.
NGUYỄN KHÔI
Địa chỉ: P12A05 nhà 17T, Hoàng Đạo Thúy, Hà Nội.
Điện thoại: 0979556205    


   

CHUNG
(Tặng Quỳnh Hương)

Em có cần anh không?
Nếu cần hãy cùng anh chung sống
Gạo nấu chung nồi
Chăn trùm chung gối
Ta chia chung ánh mắt nụ cười

Đừng ngại em ời
Giường nhà anh đủ dài đủ rộng
Chăn nhà anh đủ ấm đủ nồng
Ta khêu ngọn lửa hồng
Ta nối câu quan họ
Ta bện mây với gió
Kết thành thuyền chơi trăng…

Em sẽ là buồm căng
Anh sẽ là gió lộng
Thuyền trăng mình thơ mộng
Dập dìu giữa biển xanh
Em, nào, về với anh.

Hà Nội, trưa 25 tháng 04. 2016
ĐẶNG XUÂN XUYẾN

READ MORE - ĐÔI LỜI GÓP THÊM CỦA NGUYỄN KHÔI VỀ BÀI THƠ “CHUNG” CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN

NHÀ EM Ở PHỐ HUẾ - Thơ Nguyễn Ngọc Kiên



                    Phố Huế, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội


NHÀ EM Ở PHỐ HUẾ 

Ngẫu nhiên hay sự tình cờ
Hương Giang, Huế, gặp bất ngờ nơi đây.
Biết không em những tháng ngày
Phố nhà em với hàng cây con đường!
Sao mà gợi nhớ gợi thương
Hồn anh ngơ ngẩn vấn vương một đời.
Ước về thăm Huế em ơi
Mà nay gặp Huế giữa trời thủ đô!
Huế mến yêu, Huế mộng mơ
Sông em đẹp một bài thơ trữ tình!
Anh mơ thành núi Ngự Bình
Đêm ngày về đứng soi mình bên em!
Thơ anh những nhịp Tràng Tiền,
Chiếc cầu nối trái tim liền trái tim!

                     Nguyễn Ngọc Kiên


READ MORE - NHÀ EM Ở PHỐ HUẾ - Thơ Nguyễn Ngọc Kiên

NGƯỜI ĐÓNG THẾ - Truyện ngắn của Lê Mai


                      Nguyễn Khôi và Lê Mai 

  

NGƯỜI ĐÓNG THẾ

Nắng gắt. Tôi ngồi trong phòng điều hòa nhiệt độ hút thuốc và mơ màng nghĩ tới bữa cơm chiều. Cửa phòng mở, Hoàng uể oải bước vào, nói thờ ơ:
- Có lệnh, anh sang ngay phòng Tổng biên tập.

Sang thì sang, tôi sang. Tổng biên tập tắt máy, ngừng chơi quay sang nói với tôi:
- Đã lâu rồi, ông toàn viết những bài có cũng được, không có cũng được. Nay nhân đợt thành phố tổng tiến công chống mại dâm - ma túy, ông nên đi thực tế để viết một bài, chấm dứt chuỗi trăm bài viết dựa vào báo cáo đi.
 - Vâng, nhưng xin anh hỗ trợ cho ít kinh phí.
- Chuyện vặt, miễn là ông phải có bài viết thực sự sinh động chấm dứt chuỗi bài… Tình là tình như không mà có… là tình… có cũng như không.

Bảy ngày sau, tôi viết xong bài, phải nói là… có thực tế có khác. Tổng biên tập đọc duyệt bài. Tôi lặng ngồi và lén quan sát sắc mặt của ông. Mươi phút căng thẳng trôi qua… Tổng biên tập nói với không trung:
- Hay! Bài hay lắm! Có thế chứ. Đúng là: Thực tế là tiêu chuẩn của chân lý. Sư bố cái anh báo cáo, nó làm phóng viên mình viết cứ như dở hơi, nhạt nhẽo, viết cũng như không.
Ông nói với không trung mà từng khúc ruột tôi cứ nở ra, nở ra mát lòng rượi dạ.

Bỗng ông nhiu nhíu mày… rồi quay sang nói với tôi:
- Bài này ông viết hay lắm, sinh động lắm. Nhưng có lẽ cái tay khách làng chơi mà ông tả thế này là không ổn rồi. Ông có biết vì sao không? Đầu như quả dưa hấu, nốt ruồi thề lề bên mép trái, lại còn từ đó rủ xuống một chùm lông bàng bạc… thế thì đúng là ông Nguyễn Bình phó chủ tịch tỉnh mình rồi còn gì, trệu làm sao được. Ông định đóng cửa tòa soạn đấy à ?

Nghe tổng biên tập nói, tôi toát mồ hôi hột. Mồm lắp bắp định thanh minh thì… tổng biên tập vẫn nhẹ nhàng nói:
- Không sao, ông chỉ cần sửa lại chỗ đó là được. Sửa xong ông đưa ngay cho tôi, đăng ngay, đang thời điểm cao trào.

Ra khỏi phòng tổng biên tập lòng tôi nhẹ bẫng. Thật hú vía! May mà ông ấy nhạy cảm chứ để in ra rồi, giấy trắng mực đen rồi thì… Tôi ngồi ngay ngắn trước bàn làm việc và vù một cái, chữa xong ngay. Nhưng để tránh tiếng nhanh nhẩu đoảng, hời hợt tôi đợi đến cuối ngày mới đem bài nộp lại.

Lưng chừng ngày sau, khi tôi đang lơ mơ trong phòng lạnh, nhẩm tính: Sau cú bài đinh này, tôi có thể ung dung dựa vào báo cáo mà ăn dần vài tháng thì… Có lệnh mời lên gặp Tổng biên tập. Lại có việc gì đây? Tổng biên tập chỉ yêu cầu sửa mỗi một chỗ thì đã sửa rồi. Hay có việc gì mới. Cửa mở, tổng biên tập vẫn nói với không trung:
- Anh ngồi xuống, đọc lại bài đi.
Tôi nói ngay:
- Tôi đọc kỹ rồi. Chỗ anh góp ý tôi đã sửa rồi.
- Có thấy gì không?
- Không có gì lạ cả.
- Đúng là gà công nghiệp. Ông đọc to lại chỗ sửa đi.
Tôi đọc to, vừa đọc vừa giải thích: Mắt him híp tôi đã sửa thành mắt lồi; Mụn ruồi có rủ lông tôi đã thay bằng hai lỗ mũi sợi đen, sợi bạc đâm ra tua tủa như chổi quét sơn cùn rồi còn gì; hơn nữa tôi còn thêm cái bụng tròn tròn ủng ủng như bụng đàn bà chửa tám tháng…
- Thôi, đọc thế là được rồi, ông có thấy gì không?
- Tôi chẳng thấy gì cả.
- Ngu! Ngu lâu khó đào tạo. Giờ ông nhắm mắt lại, tưởng tượng xem cái thằng có mắt lồi, có lông mũi đâm ra tua tủa, có bụng to như bụng đàn bà chửa… nó là thằng nào?
Tôi nhắm mắt hướng sự tưởng tượng theo gợi ý của tổng biên tập rồi chợt giật nẩy mình, lắp bắp:
- Xin lỗi anh… xin… lỗi… anh… Tôi đâu có ý định xỏ xiên gì anh, ôi, ngu quá! Ngu quá! - Tôi vỗ tay bôm bốp vào đầu.

Tổng biên tập điềm nhiên:
- Ông thấy chưa, làm báo là phải cực kỳ thận trọng, bút sa là gà chết. Tôi chủ quan không xem lại để báo in ra thì… ông giết tôi còn gì. Mắt lồi, lông mũi đâm ra tua tủa, bụng tròn tròn như bụng bà chửa… ông bảo, vợ tôi, cô ấy đọc bài viết của ông, cô ấy sẽ nghĩ cái thằng ấy là ai… Có mà thanh minh giời.
- Xin lỗi anh! Xin lỗi anh! Tưởng đơn giản nào ngờ…
- Thôi, ông mang bài về nhà, tối làm cho cẩn thận. Sáng mai nộp vậy.
-  Vâng! – Tôi cúi đầu lo lắng, lê bước về phòng làm việc.

Tối. Bài học nóng hổi buối sáng nhắc tôi ngồi ngay ngắn trước bàn làm việc và thận trọng suy nghĩ. Những khuôn mặt. Những hình dáng. Những cử chỉ… lần lượt hiện rõ trong đầu tôi. Răng miệng lởm khởm, cái còn cái mất rủ như thạch nhũ trong hang, cử chỉ xun xoe… thì không được rồi – ông Khảm, phó tổng biên tập lại kêu. Đầu trán láng bóng, ruồi đậu trượt chân, ngón tay ngón chân thu lu múp míp… không ổn rồi – ông Cấn mà tự ái mình có mà ăn cám. Mũi củ tỏi thò lò, dáng oai phong bệ vệ… cũng không được – lão Kháng lão ấy cho mình chết sặc gạch ngay…

Càng nghĩ càng rối, càng bí, chỗ nào cũng động cũng chạm. Làm phóng viên đã nhiều năm giờ mới biết: viết là công việc chẳng dễ chút nào, tôi vò đầu, bứt tai bất lực. Bỗng… một ý nghĩ chợt lóe sáng trong đầu. Có thế chứ! Cái chết của anh viết văn làm báo là cứ tự phức tạp hóa vấn đề, việc chẳng có gì mà cứ hoắng cả lên. Việc thật đơn giản, quá đơn giản, cứ mình mà tả, chẳng động chạm tới ai. Tôi hăm hở viết: tóc tai bơ phờ, mồm tóp má teo… Nhưng cậu phóng viên phòng mình cũng vậy! Thế thì ta viết thêm cái bớt ở thái dương trái – chỉ mình mới có. Lưng lòng khòng dấu hỏi, chân tay ngoằng ngoẵng chữ chi… Nhưng… cậu Biên, cậu Tập cũng thế… à, thì ta thêm cái bàn tay trái 6 ngón – dị tật chỉ có ở mình thì lẫn vào ai được… Cứ thế, loáng cái tôi đã viết xong. Bỗng… từ góc giường vẳng lên tiếng vợ, giọng còn ngai ngái:
- Tắt đèn, ngủ đi anh. Hôm nay viết gì mà kinh thế?
- Viết cái bài chống mại dâm ấy mà. Mai nộp bài.
- Ôi dào, loại bài ấy năm nào anh chả có vài bài. Mai đến cơ quan lôi mấy bài cũ ra mà sửa, mà nộp. Có ma nào đọc nó đâu mà thức khuya dậy sớm cho uổng sức.
- Không! Bài này khác, đọc thích lắm. Có thực tế có hơn chứ.
- Cái gì! Cái gì! Có thực tế là thế nào?

Chẳng còn ngái ngủ, vừa nói vợ tôi vừa lao ra khỏi giường, chộp lấy bản thảo đọc ngấu nghiến. Chẳng hiểu đọc được đến đoạn nào, bỗng thấy vợ ôm mặt nấc lên:
- Khốn nạn! Khốn nạn! Không biết xấu hổ còn viết ra khoe cho cả thiên hạ biết. Giời ơi, sao số tôi lại khốn khổ nhục nhã thế này. Chồng ơi là chồng!!!
- Ơ hay, năm nào anh chẳng có mấy bài thế này đưa in.
- Trước khác, nay khác. Thảo nào viết hăng thế, say thế. Có thực tế có hơn mà… hờ… hờ… hờ…
- Vớ vẩn. Cái gì cũng vơ vào mình rồi gào, rồi thét. Tôi viết thực tế xã hội chứ viết gì về mình mà gào, mà thét!
- Vơ vào à? Vơ vào à? Thế đứa nào tóc tai bơ phờ, mặt mày hốc hác, có cái bớt ở thái dương trái? Đứa nào lưng lòng khòng dấu hỏi, chân tay ngoằng ngoẵng chữ chi, bàn tay trái có 6 ngón ? Đứa nào? Đứa nào? Rõ như ban ngày còn nói là vơ vào. Đứa nào? Đứa nào ? Hờ… hờ… hờ…

Nghe vợ hờ hờ gào thét, tôi chợt cay đắng nhận ra một điều đơn giản: mình không thể thế chân vào những việc như vậy được. Còn vợ, còn con, còn bên nội, bên ngoại, còn bạn còn bè… còn… Tôi giật tập bản thảo từ tay vợ rồi quả quyết châm lửa đốt. Lửa từ tập bản thảo phần phật réo, phừng phừng soi tỏ ánh lửa từ mắt vợ đang hừng hực lóa
                                            
                                                                                     Lê Mai 

READ MORE - NGƯỜI ĐÓNG THẾ - Truyện ngắn của Lê Mai

CÁNH CÒ TUỔI THƠ - Thơ Đại Ngàn


                          Tác giả Đại Ngàn


CÁNH CÒ TUỔI THƠ 

Ai còn cất giữa lưng đồi
Trong veo tiếng sáo một thời có nhau
Cánh cò giờ ở nơi đâu
Mà xa cách thế, mà đau đớn lòng
Cánh cò úp mặt trên đồng
Để tìm hương cỏ ngày không có người


                                           Đại Ngàn

READ MORE - CÁNH CÒ TUỔI THƠ - Thơ Đại Ngàn

THU HỒNG - Thơ


        Nhật Quang


THU HỒNG

Thu hồng trong mắt em
Long lanh giọt sương mềm
Hương rơi vàng hoa cúc
Chim gọi bầy, nắng lên
Thu hồng vương tóc em
Chơi vơi màu nắng nhẹ
Mơn man làn gió khẽ
Hương tình ngát dịu êm
Thu hồng thắm môi em
Vấn vương chiều lá đổ
Nụ hôn đầu bỡ ngỡ
Thầm thì lời trao duyên...
Thu hồng chạm bên hiên
Dáng em nét ngoan hiền
Xinh tươi màu áo cưới
Dịu dàng phút thần tiên.

               Nhật Quang
                (Sài Gòn)

READ MORE - THU HỒNG - Thơ

CHÙM THƠ HUY UYÊN



                    Hình Huy Uyên cùng thân hữu


QUÊ CŨ


Em quay về với biền xanh cát trắng
áo người bay theo bóng trời chiều
đã qua thời mưa trên đồi không kịp nắng
tóc em che khuất kín một miền yêu.

Qua Bến-hải bạc lòng Hiền-lương
về Đông-hà,Điếu-ngao cay bánh ướt
lên Dakrong nhịp cầu treo lối đường mòn
trao tim cho người ruột đau quặn thắt.

Khe-sanh chiến-trường bao người ngã xuống
năm xưa đạn bom Dốc-miếu,Cồn-thiên
về Cửa Tùng chiều muộn
phi lao sóng vỗ
cát thầm thì đêm sương.

Mùa hè phố pha màu bụi đỏ
những cột đèn Gio-linh bóng vàng mờ
đã lâu chưa quay về quê cũ
xa rồi Trung-lương năm tháng ngày xưa.

Bỏ tình lại cho ai đường 9
qua rồi tình cũ hẹn hò
hỏa châu rơi soi đường ra mặt trận
lối về quên hẹn bước chân đi.

Người một thời chung đò qua sông
về quê cũ lòng đau muối xát
máu hờn căm cuộc chiến điêu tàn 
nơi chiến trường xưa điêu-linh còn mất.

Gởi lại người bao đoạn sầu buổi trước
đứng bên sông nước mắt chảy cùng sông
qua rồi bao tháng ngày xuôi ngược
quê ơi xa xót mãi trong lòng.

                               Huy Uyên


BẾN ĐÁ, SÔNG CHIỀU

Chiều sông xa nhớ  não nùng
chia tay hai bờ mắt đỏ
thuyền đi từ dạo đó
em đi có nhớ tôi không ?

Bến xưa khuya buồn thấm lạnh
thôi chắc người chẳng quay về
Bến-Đá sông chiều quạnh vắng
tình chiều ai gọi có nghe ?

Qua sông ngược xuôi trăm lối
sỏi đá thêm buồn chuyện xưa
ai níu mây trời mà gọi
người đi đau mấy cho vừa ?

Chiều một mình tôi ngơ ngẫn
lặng buồn bên chiếc cầu tre
chiều rồi người không về kịp
có chờ có đợi có nghe ?

Bến-Đá sông chiều mái khói
khi đi người xót lệ cay
hỏi người có biết chiều nay
tội nghiệp ai hoài bóng dõi ?

Nắng sớm mưa chiều người nói
xa nhau tình cháy trong lòng
tháng năm đi hoài đi mãi
nước mắt vây quanh
thôi chẳng về đâu nghe không  ?

Bến-Đá còn lại nỗi sầu !!!

                    Huy Uyên
             (Quảng-Trị, 6-2013)


HẸN MỘT NGÀY VỀ

Quạnh quẻ lối về cuối năm
bao quanh đâu đây nổi nhớ
em bạc lòng chờ bên sông
ráng chiều đậu hai mắt đỏ.

Hạnh-phúc đi về khôn bước
dáng xuân e-ấp xuân thì
lũy tre,con đường thân thuộc
nhớ ai ngày ấy ra đi.

Chiếc bóng cuối năm trở về
quê hương tháng năm nước mắt
trâu bò,ruộng đồng,chân đê
bỏ lại bên đường hiu hắt.

Quê hương khuất chìm hoa,pháo
nhà ai hương khói đầu năm
em mang theo niềm thương nhớ
cổ-tích chát đắng cuối đường.

Hồn người lang-bạt vườn khuya
đường trần bơ vơ quá đổi
quanh ta không một bóng người
bên ai đêm dài tiếng gọi.

Tóc xanh bao mùa hong gội
Tết về dưới nắng đem phơi
bước người chân trần dấu mỏi
thác gởi theo ai bóng người.

Về thôi,về thôi
bao năm lần lửa hẹn
quê cũ rưng rưng chiều 
nhớ ai bao mùa đưa tiễn.

Tình tôi mãi hoài mang đến
nơi xa bỏ lòng đợi chờ
vườn người một dàn hoa tím
hơi người ấm lạnh sương khuya.

                              Huy Uyên

READ MORE - CHÙM THƠ HUY UYÊN