Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, October 11, 2016

NỢ NGƯỜI QUAN HỌ - Thơ Nguyễn Lâm Cẩn



                    Nhà thơ Nguyễn Lâm Cẩn




NỢ NGƯỜI QUAN HỌ

Ý a là ý a ơi
Mắt đưa lúng liếng còn lơi yếm đào
Buộc thuyền vào nón quai thao
Đợi ai mà cắm con sào chân mây?


Chim xanh đậu chót ngọn cây
Tiếng đâu lảnh lót lây thây giữa giời
Lửng lơ lịm một câu mời
Chén nâng tay rót trầu môi chín nồng

Tình bằng con xít sang sông
Bên trời nước lặng. Đò không. Bến chiều…
Hội xuân thả nổi bùa yêu
Gỡ ra vướng lưới, buông diều mắc giây

Tang tình ngọn gió nợ cây
Hoa chanh nợ quả rắc đầy vị chua.

                      Hà Nội, 22-2-2010
                       Nguyễn Lâm Cẩn

READ MORE - NỢ NGƯỜI QUAN HỌ - Thơ Nguyễn Lâm Cẩn

SƯƠNG LẠNH PHỐ KHUYA / thơ Nguyễn Khắc Phước




SƯƠNG LẠNH PHỐ KHUYA


Hội chợ xuân năm não năm nào
Nàng đi cùng chị bạn của tôi
Nhí nhảnh tung tăng như con sóc
Trong vườn hoa chỉ một nàng tươi


Hình như tôi bị bùa ngãi ám
Cứ mãi mong được gặp lại nàng
Quê nàng đâu chị bạn tôi chẳng rõ
Hình như đâu ở xứ Tháp Chàm


Trên một chuyến tàu đêm năm ấy
Hình như Ga Bình Thuận nàng lên
Kể tôi nghe thời nàng con gái
Yêu một người rồi bị bỏ quên


Đêm về sáng chập chờn mơ ngủ
Nàng xuống ga nào tôi chẳng hay
Chỗ ngồi nàng chỉ còn hơi lạnh
Sao nỡ nào chẳng nói chia tay


Đêm nay tôi nhớ nàng trằn trọc
Lang thang trên phố vắng khuya rồi
Bỗng thấy nàng ngồi bên vệ cỏ
Thẫn thờ buồn không nói một lời


Tôi trao nàng nụ hôn thắm thiết
Đôi mắt nàng thoáng chút tỉnh tươi
Miệng mỉm cười như tình yêu trở lại
Tôi ôm nàng … nhưng nàng biến đâu rồi


Loanh quanh tôi tìm nàng trên phố
Nàng bước ra từ bậc thềm cao
Trắng muốt Sari như đi lễ hội
Môi má phớt hồng ôi đẹp làm sao


Đứng đây nhé, anh về mang xe đến
Em đi đâu anh sẵn sàng đưa
Đi vài bước tôi quay nhìn lại
Chẳng thấy nàng đâu
Chỉ sương lạnh phố khuya.

Nguyễn Khắc Phước


READ MORE - SƯƠNG LẠNH PHỐ KHUYA / thơ Nguyễn Khắc Phước

THƠ VIẾT Ở NGƯỜM NGAO - Thơ Nguyễn Ngọc Kiên





THƠ VIẾT Ở NGƯỜM NGAO
(Tặng Lưu Chí Hải)
                           
Anh đưa em đến Ngườm Ngao
Bốn bề Trùng Khánh hương ngào ngạt bay.
Bàn tay anh nắm bàn tay
Bồi hồi như thể cái ngày mới quen.
Thác vàng, bạc giữa đài sen
Muôn hồng ngàn tía đua chen diệu kì,
Chống trời tứ trụ uy nghi
Cột tơ hồng đó còn gì cô đơn.

Trăm năm nước chảy đá mòn
Nơi này như chỉ có còn hai ta.
Dùng dằng quên cả đường ra
Suối ngầm hay tự lòng ta tuôn trào.

Mơ màng giữa chốn Ngườm Ngao
Hai ta như thể tan vào trong nhau.
        
              Trùng Khánh, 7/1014
                Nguyễn Ngọc Kiên


READ MORE - THƠ VIẾT Ở NGƯỜM NGAO - Thơ Nguyễn Ngọc Kiên

CỐ TRI - Thơ Hoàng Yên Lynh




      Nhà thơ Hoàng Yên Lynh năm 1971



CỐ TRI
                  
* Gởi cố tri
30 năm về lại Bạc Liêu.
Đường đời dẫu ngược xuôi năm tháng,cuộc sống có đổi thay tôi vẫn không bao giờ quên người xưa cảnh cũ. Ông Ba Saigon. Những tháng năm tuy cơ cực nhưng đấy ắp tình người, những đêm bên sóng biển Gành Hào, bên tiếng đàn bầu và chung rượu đế. Ông một đời tha hương lận đận, tôi trở về tan tác sau cuộc chiến đã dìu nhau qua tháng năm với chan chứa tình người...
Tôi về lại Gành Hào, nay ông không còn nữa. Nhưng tôi vẫn tin rằng ở cõi xa vắng nào đó ông không quên tôi, quên tháng ngày mà cả hai ta bị dồn vào đường cùng ngõ cụt.
Bài thơ này xin tưởng vọng đến ông, người bạn cố tri.
                                                                           HYL


Nghiêng ly tôi lại nhớ ông
Ở đây rừng núi ngóng trông biển trời
Từ ngày dang dỡ cuộc chơi
Vàng thu mấy độ, mưa rơi đã nhiều
Ông về nơi đó cô liêu
Có mang theo nỗi ưu phiền đắng cay
Nhớ ông những ngày mưa bay
Từng cơn sóng vỗ đêm dài rượu suông
Hai ta bạc áo ly hương
Chồng chềnh con nước, tha phương cuối trời
Một già một trẻ chơi vơi
Buồn vui thế sự quê người lưu thân
Ông giờ ly biệt cố nhân
Còn tôi ở lại đường trần cô đơn
Ở đây nắng đổ mưa tuôn
Mà sao canh cánh nỗi buồn tri âm
Nhớ ông rượu đế xoài xanh
Đàn bầu ai oán, Hoài Lang não lòng
Bây giờ núi cách ngăn sông
Một người xa vắng - người mong cuối trời
Cuộc đời như áng mây trôi
Ở-đi-được-mất... luân hồi là đây
Ở rừng thác đổ mưa bay
Mà sao năm tháng cứ dài lê thê
Bao lần hồi vọng cố quê
Ông tôi lỗi hẹn bỏ quê mất rồi
Nay ông xa biệt cuối trời
Còn tôi phiêu bạt biết đời về đâu
Một lời ước hẹn cùng nhau
Mà nay tử biệt nỗi đau xé lòng
Gành Hào in dấu chân ông
Bạc Liêu vọng cổ tấc lòng cố tri
Biết rằng sinh ký tử quy
Phù sinh là thế... nẻo đi hết rồi
Thơ này tâm sự lòng tôi
 Cố tri còn nhớ... đầy vơi cung sầu.

                         Hoàng Yên Lynh


READ MORE - CỐ TRI - Thơ Hoàng Yên Lynh

MÙA XUÂN XA QUÊ - Thơ Thủy Điền

    
                Tác giả Thủy Điền



MÙA XUÂN XA QUÊ
                               
Xa quê ai hỡi không buồn
Xuân về tết đến thèm thuồng bên nhau
Cửa nhà ngõ trước, vườn sau
Mai vàng nở rộ, đón chào mùa xuân
Pháo hồng vang nổ tưng bừng
Người người nâng cốc chúc mừng năm sang
Áo xanh, áo đỏ, áo vàng
Trẻ con nô nức, rộn rang phố đông
Mẹ hiền bên bếp lửa hồng
Bánh chưng, bánh tét thòng lòng mái che
Nhang đèn khói tỏa sáng lòe
Bàn thờ bánh mứt sắc khoe lắm màu
Ngày xuân cô bác ra vào
Chúc mừng tuổi thọ, lao xao bộn bề
Phương Tây ngày tết xa quê
Họa chăng ký ức, nhớ về quê hương
Tuyết giăng trắng xóa hàng dương
Ngoài trời cống lạnh, xót thương thân mình
Mẹ ơi một chút thương tình
Lòng con vẫn nhớ, đấng sinh quê nhà
Ngày xuân dù đã cách xa
Con tin xuân đến, cả nhà bên nhau
Tết về chúc mẹ thọ cao
Chúc cha sức khỏe, dạt dào tuổi niên
Chúc em vạn sự bình yên
Chúc nhà hạnh phúc, bạc tiền giàu sang
Chúc quê cuộc sống an nhàn
Quốc gia phồn thịnh, ngày càng đi lên.

                                          Thủy Điền
                                         09-10-2016

READ MORE - MÙA XUÂN XA QUÊ - Thơ Thủy Điền

ƠN VÀ ĐỨC - Truyện ngắn của Hoàng Đằng


          
                             Tác giả Hoàng Đằng 


             ƠN VÀ ĐỨC
                               Truyện ngắn của Hoàng Đằng

Vợ chồng anh Thái - chị Sen bày ra làm nhà.
Anh Thái mất mẹ sớm; thuở nhỏ, anh khổ lắm; bố anh “gà trống nuôi con”, thiếu thốn trăm bề. Dù sao, ông cũng lo gia cư tương đối đàng hoàng cho con cái; ông nghĩ có “an cư” mới “lạc nghiệp”.
Cái nhà cũ do ông làm cho vợ chồng anh Thái, khi mới tách hộ ra riêng, giờ còn chắc chắn, chỉ có điều hơi chật so với số người trong gia đình - hai vợ chồng và bốn đứa con. Lại thêm, khổ là cái nền thấp; trước đây, lụt lớn, nước mới tràn vô nhà; bây giờ mưa to vài giờ, nước đã ngấp nghé bên thềm. Mương thoát nước mà tiền nhân từ đời này qua đời khác dựa theo thực tế trải nghiệm đào nên đã bị dân chúng, tham lam, vô ý thức, lấp để thêm chút đất cơi nới nhà, mở rộng vườn.
Trước kia, khu đất nhà anh Thái tọa lạc là đồng ruộng. Do nhu cầu nhà ở của những cặp vợ chồng trẻ trong làng ra riêng, hợp tác xã nông nghiệp thôi canh tác, phân lô cấp nền nhà.
Những nhà trong khu vực làm một lần với nhà anh Thái + chị Sen nay đã thay mới chỉ còn nhà anh Thái là chưa. Bố anh Thái thấy vậy, buồn cho con và dâu mình trong cuộc sống không đuổi kịp thiên hạ. Trước Tết Bính Thân (2016), vào dịp đại gia đình sum họp cúng Tất Niên, ông nói mà như trách:
Vợ chồng con sống sao mà thua cả xóm rồi, cách đây 20 năm, cái nhà này nhất xóm, chừ  xem trái, xem phải kìa, nhà các con lui chót.
Anh Thái - chị Sen nghe, im lặng, không trả lời.
Từ trước tới giờ, cặp vợ chồng này đặt ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống là việc nuôi dạy con cái. Bốn đứa con đều đi học, quần áo tươm tất, sách vở đầy đủ; hai đứa nhỏ học trường gần, hai đứa lớn học trường xa. Tự dưng, lời đánh giá của bố làm cho vợ chồng ngày đêm ray rứt, xáo trộn quan niệm sống.
Qua năm mới, tháng Giêng rồi tháng Hai lặng lẽ trôi. Đầu tháng Ba, anh Thái qua thông báo với bố đã chọn được ngày lành tháng tốt để phá nhà cũ làm lại nhà mới. Bố anh ngạc nhiên hỏi:
Tiền mô mà làm, rứa con! Đơn giản nhất cũng tốn cả trăm triệu, con nờ!
Rồi, với tâm trạng lo lắng, ông góp ý trong cách làm:
Cái nhà cũ, dù sao, còn ở được, con chỉ nên làm hai phòng ghép thêm phía sau, mong đủ chỗ sinh hoạt cho con cái; gái sắp gả chồng, trai sắp cưới vợ, nhà cửa chật chội cũng cực. Làm chừng đó, có thiếu thì vay mượn, vay mượn ít thì hoàn trả cũng khả thi; con cái lớn rồi, mai mốt, đứa nào cũng có việc; tiết kiệm chút chút, dành dụm trả dần, rồi mô vào nấy thôi.
Anh Thái nghe, cũng không nói gì.
Vợ chồng anh Thái - chị Sen cho đập nhà cũ, mở móng nhà mới và xây dần lên. Móng nhà kết cấu bê-tông cốt thép khá vững chãi, diện tích nhà rộng cả 100 mét vuông. Viễn ảnh một ngôi nhà tầng hiện ra. Xóm giềng, bà con, bạn bè, hễ gặp nhau, thắc mắc:
Vợ chồng thằng Thái mần chi có tiền mà xây nhà to dữ rứa hè!

Dân nông thôn ở đây là vậy, hình như mọi người đều tình nguyện làm kế toán không lương cho sinh hoạt của nhau; mỗi gia đình thu nhập bao nhiêu, chi tiêu bao nhiêu, dư bao nhiêu hay thiếu bao nhiêu; mọi thứ phải nắm được để làm cơ sở cho các cuộc họp bình bầu hộ nghèo, hộ cận nghèo hay phân chia tiền, gạo cứu trợ những lúc giáp hạt hay thiên tai. Nhìn bề ngoài, người ta sống với nhau như thế là thân mật, đáng khen! Nhưng quá thân mật khiến việc riêng tư ít được tôn trọng; nhà này có bữa cơm sướng hơn thường ngày, nhà kia thắc mắc; chị này lần đầu có cái áo đẹp, chị kia thắc mắc … Hễ trong cộng đồng có gì xảy ra khác thường một chút thì người ta tụm năm tụm ba bàn tán, suy đoán tạo ra dư luận xôn xao.
Nhiều người hỏi bố anh Thái:
Rứa ôông cho thằng Thái mấy mà nó bày ra làm nhà!
Bố anh Thái sống một mình; áo quần lòi xòi, nơi ở tuềnh toàng, ăn uống đạm bạc. Chỉ có điều, trước đây, ông là công chức của chế độ cũ, nên có người nghi ông còn có của dư của để từ ngày xưa ấy. Nghi như thế cũng dễ hiểu thôi! Thời nay, ai làm việc Nhà Nước cũng khá giả, người dân, trong tâm trí, ăn sâu ý nghĩ hễ làm công chức là nhiều tiền, ngoài lương chính thức, thế nào cũng chắm mút thêm nhiều khoản khác do mánh mung.
Trước những câu hỏi tò mò của thiên hạ, bố anh Thái chỉ biết đưa hai bàn tay phủi vào nhau, ý muốn nói:
Tui “bô lô chi trợt”, hai bàn tay trắng; tuổi già, chút đau chỗ này, chút nhức chỗ kia; làm gì có tiền mà cho!
Mà thật đúng như thế, hiện tại, bố anh Thái không có thu nhập, còn xưa kia, là công chức quèn, lương ba cọc ba đồng, “tay làm hàm nhai”, “tay bo miệng lủm”, gặp thời buổi chiến tranh, sống qua ngày, qua tháng là may rồi.
Còn hiện tại, thấy ông neo đơn; cách đây mấy tháng, thôn trưởng mới được bầu lên là một phụ nữ trẻ, tốt nghiệp đại học sư phạm không kiếm được việc làm tương xứng, khác làng, về làm dâu trong địa phương, thấy hoàn cảnh ông, có ý định trình với cấp trên cho ông cái sổ hộ nghèo.
Chuyện định cấp sổ hộ nghèo cho ông là do chị thôn trưởng căn cứ vào các tiêu chí gì đó mà Nhà Nước đặt ra. Hộ ông chỉ có mình ông, cái sổ hộ nghèo cũng chẳng đem lại quyền lợi gì. Nghe nói nếu có sổ ấy, ông sẽ được tặng cho thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.
Tính ông kỳ lắm! Ông nói ở tuổi 85 này, mọi bộ phận trong người đã “quá đát”, như trái cây chín, chưa biết rụng ngày nào, người xưa nói “bát thời” (1) nghĩa là từ 80 tuổi trở lên, chuyện sống chết tính bằng giờ - có thể giờ này còn sống mà giờ sau thì chết; thế thì đau cứ nằm ở nhà mà chết cho “sinh thuận tử an”, đi bệnh viện làm chi, lỡ chết ở bệnh viện, chịu tiếng chết đường chết sá, khổ con cháu về sau.
Chuyện anh Thái làm nhà đã trở thành đề tài thời sự nóng trong thôn;  dân bàn tán chỗ này chỗ kia; người ta hỏi nhau rồi đoán: chắc nó trúng số mà giấu, chắc chị em con Sen trong Nam gởi tiền ra cho, chắc nó sẽ bán nửa đất còn chừa lại, chắc nó thế chấp sổ đỏ vay tiền ngân hàng.
Có người, không ngần ngại, hỏi thẳng anh Thái; anh cười, trả lời, không chút do dự:
Tiền ba tui cho, chứ ai nữa!
Thiên hạ rộn lên:
- Ông ấy giàu rứa, mà giả đò cực, chính quyền tưởng cực thiệt, định cấp sổ hộ nghèo, chút nữa thì chính quyền lầm rồi, công nhận hộ nghèo thiếu công bằng, chính xác!
Bố anh Thái chống gậy, tới hỏi anh:
Ba có cho con chi mô mà nói để thiên hạ đồn rầm lên rứa?
Anh Thái mời bố ngồi, rồi phân trần một mạch:
Ba không cho con tiền, của nhưng cho con thân dài vai rộng, sức khỏe tốt, trí não tốt, tâm hồn trong sáng để bươn chải giữa đời. 20 năm nay, vợ chồng con, tuy thu nhập thấp, nhờ không bệnh không hoạn, lại chịu khó tiết kiệm từng đồng, ngày lại ngày, bây giờ cũng đủ tiền làm nhà, “kiến tha lâu cũng đầy tổ”, ba nờ! Trong cuộc sống, vợ chồng con chỉ gặp may mắn không gặp rủi ro là nhờ cái đức của ba; người ta nói “cha ở hiền thì con gặp lành” đó, ba nờ! Cha mẹ sinh ra con cái, nuôi nấng, dạy dỗ, dựng vợ gả chồng, tạo lập gia cư cho con cái, những cái đó gọi là ơn; còn con cái hanh thông, thành đạt trên đời là nhờ cái đức của cha mẹ, cái đức không thấy bằng mắt được mô, ba nờ! Cha mẹ đối nhân xử thế theo lẽ phải, không lừa dối, không hãm hại, không o ép, không nuôi hận thù … ai, ấy là cha mẹ để đức cho con. Con làm được nhà đây, ba không cho con thì ai cho nữa!
Bố anh Thái ngồi nghe xong, nụ cười nở trong bụng, buột miệng:
Thằng con mình biết nghĩ sâu xa, biết hiếu nghĩa. Đó là cái phúc của nhà mình; hơn nữa, mình chưa từng làm được nhà lớn mà con mình bây giờ làm được; “con hơn cha là nhà có phúc”, quá chí lý!

                                                              Hoàng Đằng
                                               10/7/2016 (7/6/Bính Thân)
 ........

1) “Ngũ niên, lục nguyệt, thất nhật, bát thời” nghĩa là: qua tuổi 50, mất còn tính bằng năm; qua tuổi 60, mất còn tính bằng tháng; qua tuổi 70, mất còn tính bằng ngày; qua tuổi 80, mất còn tính bằng giờ.

READ MORE - ƠN VÀ ĐỨC - Truyện ngắn của Hoàng Đằng

NHA TRANG, BIỂN VÀ EM / thơ Huy Uyên




Nha-Trang, biển và em

Thẳm sâu biển chiều
Bước chân thiếu-phụ
Ai còn trông theo
Bỏ lòng thương nhớ .


Hửng hờ buông tóc
Nha-Trang một mình
Em đời mộng mị
Buốt lạnh đời tim.


Nắng ngã màu phai
Rừng chiều xuống thấp
Lạ lùng trong tôi
Em căng bờ ngực.


Tình người quá đỗi
Em thả trôi nghiêng
Suốt đời mất ngủ
Hai mắt lung buồn .


Thoáng hồi còi tàu
Đứng trên cầu Đá
Vàng đời trong nhau
Còn chi mong đợi .


Đại-dương bão-tố
Nha-trang ngày về
Rưng rưng quay lại
Mắt em có đuôi .


Em hồng hai má
Tim ai bến xưa
Cầm tù hơi thở
Chôn mối tình đầu .


Con sóng xô bờ
Trùng-dương xanh ngắt
Tôi về nơi đâu
Ru đời quạnh quẽ.

Huy Uyên


      Paris - Danang


Lá marronnier rụng đầy
Vàng màu chen ngang cửa sổ
Hạnh-phúc bò dài quanh đây
Treo về cuối trời nỗi nhớ.


Phía nhà thờ cây thánh-giá
Tím lạnh chiều Sacre Coeur
Vẽ tình lên mây sắc đỏ
Từ em anh ngày chia xa.


Con tim mênh mông trải dài
Đêm chao từng đêm thao thức
Chậm buồn giấc ngủ hoang-mê
Lặng rồi âm thanh cung bậc.


Dỗ lòng thôi đừng nghĩ nữa
Tình em trao tôi vô cùng
Những đêm bơ vơ hè phố
Đã mười năm rồi bặt tin.


Hồn tôi mây trôi phiêu bồng
Bao quanh tháng ngày im lặng
Cơn mưa kỷ-niệm còn không?
Ở đó có sầu Đà-Nẵng?


Góc phố cafeteria Độc-Lập
Hàng me xanh mắt chợ Hàn
Bạch-Đằng sáng chiều đứng ngó
Chuyến phà mình em qua sông!


Mười năm em tóc hạ huyền
Ngày tiễn nhau không hò hẹn
Màu hoa buồn tím bằng lăng
Chiều rồi sao em không đến.

Huy Uyên


READ MORE - NHA TRANG, BIỂN VÀ EM / thơ Huy Uyên