Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, October 9, 2016

CHÙM THƠ VỀ ĐÔNG HÀ / Đức Tiên



Tác giả Đức Tiên


Đức Tiên
CHÙM THƠ VỀ ĐÔNG HÀ


Đông Hà Thành Phố Hôm Nay 

Anh đưa em về với Đông Hà
Thành phố mới ngói hồng tươi rói
Phố chợ rộn ràng bao lời mời gọi
Nghe thân thương tiếng Quảng Trị quê mình

Sẽ đưa em dạo khắp một vòng
Đường Hùng Vương nối dài bao mơ ước
Những vila xanh bao nhiêu hạnh phúc
Phố mới lên mấy ngã cung đường

Khói lò cao nhà máy trong sương
Mây trắng quá chờn vờn mộng ảo
Tiếng ai hát nhịp đời huyên náo
Nhạc xập xình đám cưới đèn hoa

Anh đưa em qua ngã bảy ngã ba
Aó trắng bay bay cổng trường rộng mở
Công viên xanh hẹn hò đôi lứa
Tình yêu lên mầm từ thành phố hôm nay 

Đông Hà ơi! Thành phố ngã ba này
Thành phố mà ước mơ "Thành phố tương lai"
Đã hiện hửu qua rồi thập kỷ
Đông Hà thành phố hôm nay...

ĐT



Lục Bát Cho Q   

Dòng sông Hiếu lững lờ trôi
Thoảng nghe câu hát đưa nôi ngày nào
Thị thành phố xá lao xao
Còn đây tiếng mẹ lẫn vào trong trăng
Đôi bờ đèn thắp giăng giăng
Vẫn không khoả lấp bóng hằng rọi soi
Phấn son đậu ở làn môi
Mà tà áo gụ lên ngôi không chừng
Hàng cây xanh đến rưng rưng
Cho ta ngọn gió mát lừng chiều hôm
Tanh nồng cái vị cá tôm
Bát canh rau ngót xanh rờn mắt ai
Thon thon tóc chảy bờ vai
Cong vo đòn gánh dáng ai qua cầu
Nhấp nhô xanh đỏ mái lầu
Trúc tre lên phố hát câu tự tình
Cánh sen mọc ở bên đình
Mang hương đồng nội cho mình nhớ ta
Giữa lòng phố thị đèn hoa
Hương quê ngan ngát qua tà áo bay!

ĐT 




Nhớ Đông Hà

Xa mấy bữa thôi đã nhớ Đông Hà
Thành phố nhỏ những con đường thân thuộc
Khu phố chợ, con đò, bến nước
Công viên hiền hoà thư thả bước chân qua

Xa mấy bữa thôi đã nhớ Đông Hà
Đường Hùng Vương nối dài bao hy vọng
Vườn An Lạc làng hoa  mơ mộng
Những xóm Cồn quán nhỏ bâng khuâng

Sông Hiếu lững lờ anh điện lung linh
Đêm thắp sáng xóm chài ngang dọc
Tiếng lanh canh con thuyền độc mộc
Gõ vào hồn những sáng tinh mơ

Xa Đông Hà lại nhớ những vần thơ...
Trưa mùa hạ gió lào quạt lửa
Cùng bè bạn ra bờ sông hóng gió
Ngọn nồm nam mát rợi đôi bờ

Đông Hà ơi có những giấc mơ
Màu áo ấy không thể nào quên được
Em hiện hửu trong vô chừng lẩn khuất
Để bây giờ và mãi mãi ngàn sau...

Chỉ mấy bữa thôi đã nhớ Đông Hà
Da diết lắm mối tình em mười tám
Mặc nắng gió màu da rám nắng
Cứ thương hoài thương mãi không thôi...

ĐT

Dòng Sông Quê

Dịu hiền một dải sông quê
Trôi theo ký ức theo về ngày nao
Hiếu Giang một dải lụa đào
Xanh êm bọt sóng dâng trào bến quê
Những chiều nắng nỏ bờ tre
Ríu ra con trẻ kết bè đùa vui
Xa quê lòng thấy bùi ngùi
Nhớ con đò nhỏ êm trôi lững lờ
Nhớ người em, nhớ giọng hò
Thướt tha màu áo bên bờ ngóng trông.
Giữa lòng tôi một con sông
Hút xa cồn bãi mênh mông bến bờ
Sông quê nước chảy lững lờ
Tình quê chắp cánh vần thơ lên đời
Hiếu Giang ơi! Hiếu Giang ơi!
Mắt em xanh quá một trời yêu thương
Ta qua muôn vạn dặm đường
Sông quê sao mãi vấn vương khôn cùng
Sẻ qua giá rét nắng nung
Dòng sông Hiếu vẫn một lòng ...trôi xuôi…

Đức Tiên



READ MORE - CHÙM THƠ VỀ ĐÔNG HÀ / Đức Tiên

CHÙM THƠ CỦA LÊ MAI


    
                               Nguyễn Khôi và Lê Mai           


MỎNG MẢNH

Mỏng như chiếc lá trên cành
Mà sao lá đủ sức xanh ngợp trời
Mảnh như tia nắng nhẹ rơi
Mà sao nắng đủ sức ngời bình minh
Mỏng manh như thể cõi tình
Mà sao đủ sức làm mình đảo điên
Nhẹ như tiếng mẹ dịu hiền
Mà sao đủ sức vang miền tâm linh… 
                                        Lê Mai

LỖI TẠI MÙA XUÂN

Rũ tất cả gió gằn, mưa nấc
Em đến bên anh dịu dàng
Trên cánh đồng hoang, chang chang màu lúa xác

Mà cánh đồng cứ là bát ngát
Mà gió đồng cứ hát nghêu ngao
Mà hương em vẫn cứ ngọt ngào…
Nắng lăn giọt trên người em lấp lánh
Em ơi! Lỗi tại mùa xuân!

Hơn một lần sám hối trước em
Sau sám hối chắc ai không mắc lỗi?
Nhiều khi lỗi tại mùa xuân…
Một chút váy xòe, cho xoe con mắt
Em ơi, lỗi tại mùa xuân!

                                    Lê Mai

READ MORE - CHÙM THƠ CỦA LÊ MAI

THẢO LUẬN “MƠ TRĂNG” THƠ ĐẶNG XUÂN XUYẾN - Lời bình của Châu Thạch

             
                      Nhà bình thơ Châu Thạch




    THẢO LUẬN MƠ TRĂNG THƠ ĐẶNG XUÂN XUYẾN
                                                Lời bình của Châu Thạch

Thật tình tôi không biết thơ Đặng Xuân Xuyến hay hay là dở nhưng qua những bài thơ mà tôi đọc được, tôi khám phá ở anh một tâm hồn đầy ắp là thơ. Người thơ không phải người sáng tác mới là thơ, lại càng không phải chỉ người sáng tác hay mới là thơ. Người thơ là người có tâm hồn nhạy bén trong cảm thụ những điều mà nhà thơ Hàn Mặc Tử đã viết: “Ai nói vườn trăng là nói vườn mơ. Ai nói đến mộng là nói đến tình. Người thơ là khách lạ đi giữa nguồn trong trẻo. Trên đầu Người là cao cả, vô biên và vô lượng: xung quanh Người là mơn trớn với yêu đương vây phủ bởi trăm dây quyến luyến làm bằng êm dịu, làm bằng thanh bai…” Thơ Đặng Xuân Xuyến chất chứa thật và đầy sự rung động của Người đi giữa nguồn trong trẻo, cho nên có đôi lúc ý, từ “mới lạ”, gây “phản cảm” cho một ít người nhưng chính những ý, từ đó phát tiết được những điều bí ẩn của “nguồn trong trẻo” “vô biên và vô lượng” mà một tâm hồn nhạy bén phải dùng nó như dùng một tiếng đàn phá cách để truyền đi một thứ âm thanh lạ cho đời. Ví như bài thơ “Mơ Trăng”, ta tìm thấy ở đây một cơn mơ phi lý trong giây phút ái ân. Đọc vế thơ đầu ta thấy hụt hẫng ngay, hụt hẫng vì cái giây phút ái ân đó quá cuồng nhiệt, quá say đắm, nó lại làm cho đau tâm hồn, làm cho tê tái con tim:
Em rướn mình hà hít nụ hôn anh
Tê tái lắm. Cuộc tình mình thật tội
Môi khóa môi mà sao xa vời vợi
Đêm cuống cuống khỏa lấp nỗi chơi vơi
Nếu một người không có tâm hồn thơ thì đây là giây phút của xác thịt, giây phút của biết bao nhiêu cử chỉ cuống cuồng đắm đuối. Ngược lại, người thơ dầu trong dục tình vẫn hưởng thụ nó bằng con tim, bằng sự trong trẻo, sự quyến luyến sự thanh bai, cho nên Đặng Xuân Xuyến phải đau khổ vì con tim anh rung động nghịch với những điều thể xác đang làm. Không cần biết nguyên nhân của sự nghịch lý, chỉ cần biết sự nghịch lý phơi bày hai vẻ đẹp trong vế thơ nầy: vẻ đẹp của sự đam mê dục vọng và vẻ đẹp của sự đau khổ tâm hồn. Hai vẻ đẹp như hai viên kim cương lóng lánh, một viên sáng u trầm và một viên sáng rực rỡ. Đọc thơ nầy nếu thớ thịt, đường máu trong ta không căn thẳng thì ta khó thấy vẽ đẹp của sự đam mê dục vọng. Đọc thơ nầy nếu con tim ta không co thắt lại thì ta cũng khó thấy sự đau thương trong tình tuyệt vọng. Người thơ là người biết nó có trong cùng giờ cùng phút.
Bước qua vế thơ thứ nhì ta thấy đang hôn nhau mà lại nhớ đến trăng và cay đắng về trăng:
Anh vùi mình dấu vội lệ rơi
Tim rời rã giữ cõi hồn trống vắng
Câu yêu đương nửa chừng nghẹn đắng
Đêm rã rời lẩn khuất ánh trăng thanh
Bây giờ có hai Đặng Xuân Xuyên, một Đặng Xuân Xuyên đang vùi trong hương hoa  của tình yêu và một Đặng Xuân Xuyên đang vùi trong trủng sầu bi, khắc khỏai và đắng cay. Lúc nầy nhà thơ đương yêu hay là không yêu? - Đâu biết được. Xem thơ tưởng rằng không yêu. Yêu là đau khổ. Nhà thơ đang đau khổ, nghĩa là nhà thơ đang yêu. Chỉ biết nhà thơ đang ôm một khối tình, khối tình nóng cháy như hỏa diệm sơn mà cũng rét cóng như băng giá miền cực bắc. “Trăng thanh” được nhắc đến trong vế thơ nầy, trong giờ phút mà đúng ra không có cả đất trời. Trăng là hiện thân của thơ mộng, là vị thần của những mối tình hạnh phúc. Trăng thanh nếu còn một nửa là dấu hiệu của tình chia ly, tình xa cách và trăng thanh biến mất thì tình hầu như đã chết. Hàn Mạc Tử nói “Cả miệng ta trăng là trăng/ Cả lòng ta vô số gái hồng nhan” để thể hiện thứ tình yêu cuồng nộ “Bây giờ tôi dại tôi điên” ngự trị trong tâm hồn thi sĩ. Đặng Xuân Xuyến cũng cần một thứ tình yêu đó xảy ra trong lòng mình nhưng không có. Đặng Xuân Xuyến cũng chỉ là con tằm muốn ăn ngấu nghiến lá dâu tình yêu đặc biệt để nhả ra tơ óng ánh cho đời nhưng không có. Vì vậy anh nhớ đến trăng, thứ trăng mà Hàn Mạc Tử ngậm vô số trong miệng mình. Anh đã nhớ trăng ấy trong giờ phút anh ân ái với người mà qua thơ ta biết có nhiều uẩn khúc trong tình. Biết đâu nỗi đau của Đặng Xuân Xuyến cũng có thể giống như nỗi đau của Hàn Mạc Tử với Mộng Cầm để ông hận thù Phan Thiết là nơi ông “chôn hận ngàn thu”.
Vế thơ nầy có “lệ rơi, rời rã, rã rời, nghẹn đắng…” là những từ của ca cổ, tuy thế tác giả buộc phải dùng nó để trút hết uẩn khúc trong lòng, nhờ đó tiếng thơ mang nỗi buồn hiện tại nhưng có cái âm hưởng đầy tính lãng mạn của những ngày đầu Thơ Mới.
Qua vế thơ thứ ba tác giả thổ lộ tâm trạng chính của mình: Day dứt giấc mơ trăng:
Anh ngại ngùng khi em chợt hỏi anh
“Anh hạnh phúc hay chĩ là chót lưỡi”
Biết nói sao để không thành giả dối
Rưng rức buồn…
Day dứt giấc mơ trăng.
Ngại ngùng, ngần ngừ hay phân vân là tính cách của một con người không biết nói dối. Ở đây nhà thơ chẳng phải muốn tìm lời nói dối mà chỉ muốn tìm lời diễn đạt cho đúng ý mình. Tình yêu hiện có trong lòng thi sĩ hay không có trong lòng thi sĩ ta đâu biết được. Ta chỉ biết được nhà thơ hụt hẫng đang khi ân ái vì nhà thơ  mơ ước một giấc mơ trăng mà trăng đã lẩn khuất để cho đêm rã rời, để cho cõi hồn trống vắng ngay cái lúc đang hôn nhau. Phải chăng nhà thơ cần một tình yêu rất lớn? Phải chăng thứ tình yêu bình thường, những ân ái bình thường không đáp ứng được cho một trái tim nhạy bén, một tâm hồn thơ luôn mơ mộng sự trong trẻo, sự vô biên, dây quyến luyến vượt quá cuộc đời. Con người thật của Đặng Xuân Xuyến ra sao ta đâu biết được nhưng thơ Đặng Xuân Xuyến quả là đúng như vậy. Nhà thơ có lẽ cũng ngậm đầy miệng trăng là trăng như Hàn Mạc Tử nhưng Hàn Mạc Tử thì “Ta nhả ra đây một nàng/ Cho mây lặng lờ, cho nước ngất ngây/ Cho vì sao rụng xuống mái rừng say”, nghĩa là có lúc thi sĩ ngây ngất cùng nàng trăng trong miệng mình nhả ra, còn Đặng Xuân Xuyến thì trăng chỉ nằm trong “day dứt giấc mơ”.
Mơ trăng của hàng vạn thi sĩ là một cơn mơ thú vị. Mơ trăng của Đặng Xuân Xuyến là một cơn mơ xót xa rưng rức. Chỉ thế cũng đủ chứng minh bài thơ là độc đáo. Khen nhiều cũng chẳng làm cho bài thơ hay thêm nữa./.

                                                         Đà Nẵng, trưa 06.10.2016
                                                                     Châu Thạch
                                                       (Tên thật: Trương Văn Trạn)
                                                Địa chỉ: 75 Phan Kế Bính, Đà Nẵng.
                                                ĐT: 0914102309 - 05113894610
                                                Email: truongvantran@hotmail.com





MƠ TRĂNG
(Thương tặng T.T.Q.T)

Em rướn mình hà hít nụ hôn anh
Tê tái lắm. Cuộc tình mình thật tội
Môi khóa môi mà sao xa vời vợi
Đêm cuống cuồng khỏa lấp nỗi chơi vơi.

Anh vùi mình giấu vội lệ rơi
Tim rời rã giữ cõi hồn trống vắng
Câu yêu đương nửa chừng nghẹn đắng
Đêm rã rời lẩn khuất ánh trăng thanh.

Anh ngại ngùng khi em chợt hỏi anh
“Anh hạnh phúc hay chỉ lời chót lưỡi”
Biết nói sao để không thành giả dối
Rưng rức buồn...
Day dứt giấc mơ trăng.

Hà Nội, đêm 02 tháng 09 năm 2014
           Đặng Xuân Xuyến

READ MORE - THẢO LUẬN “MƠ TRĂNG” THƠ ĐẶNG XUÂN XUYẾN - Lời bình của Châu Thạch

MAI EM XA TÔI - Thơ Nhật Quang


           Nhật Quang



MAI EM XA TÔI

Một mai em cách xa tôi
Chơ vơ lối cũ mưa rơi nhạt nhòa
Đêm buồn ngấn giọt lệ sa
Canh khuya thổn thức vỡ òa chiêm bao...
Heo may gió nhẹ lao xao
Gối chăn nồng ấm đêm nao lạnh buồn
Men say nghiêng ngả chập chờn
Ấp ôm gối mộng, dỗi hờn vu vơ
Em xa trăng úa hồn thơ
Đàn rung rung lỗi đường tơ lạnh lùng
Cô đơn lê bước chập chùng
Em xa tôi ngỡ tưởng chừng thực, hư
Gom sầu thành giọt tương tư
Nhớ em giăng cả mùa thu úa nhàu
Em xa tôi chợt đớn đau
Chiều hoang mây tím nhạt màu tháng năm.

                                            Nhật Quang
                                              (Sài Gòn)

READ MORE - MAI EM XA TÔI - Thơ Nhật Quang

SÓNG CỦA LÒNG TA RU MÌNH - Thơ Nguyễn Kim Hương



         Tác giả Nguyễn Kim Hương


SÓNG CỦA LÒNG TA RU MÌNH

Ru cho nỗi nhớ vào đêm
Ru cho sóng khát môi mềm tình tang
Trăng khuya thao thức lang thang
Con tàu chở những đa mang đi cùng
Lòng giông gió, biển ung dung
Ru cho tàu bớt lạnh lùng khơi xa
Con tàu chở ánh trăng ngà
Có nghe sóng của lòng ta ru mình.

                  Nguyễn Kim Hương
                         (Hậu Giang)

READ MORE - SÓNG CỦA LÒNG TA RU MÌNH - Thơ Nguyễn Kim Hương

ĐI Ở / thơ Chu Vương Miện

Tác giả Chu Vương Miện

Chu Vương Miện

ĐI Ở

Người ra đi người ở lại
ra đi đôi khi có nấm mồ
đôi khi không 
ở lại có khi ngơi trong nhà
có khi nằm lề đuờng
có khi ngủ quán
có khi ngủ chợ
chuyện đời
không biết đâu mà lưòng
xẩy nhà ra thất nghiệp
tài hóa nghèo kiết xác


nhìn lục bình trôi
trên sông Tiền sông Hậu
ơi tình ngươì
qua với bậu
rưọu Cai Lậy vái bè
thịt cầy tha hồ mà nhậu
chiếc bắc qua sông
chiếc bắc dìa sông
một ngày bao lần?
một ngày bao chuyến?
y như sáng trưa chiều tối
y như đời ta
sao hôm sao mai


Anh như con chó
em như con mèo
hai con đớp nhau
con bị thương nơi đầu
con bị thưong nơi đuôi
hai con cùng đau 


CVM
READ MORE - ĐI Ở / thơ Chu Vương Miện

HAI ĐẦU / chùm thơ Trần Ngọc Hưởng

Tác giả Trần Ngọc Hưởng

HAI ĐẦU 

Nơi đây nơi ấy xa vời vợi,
Làn sóng điện từ nối mạng nhau.
Cứ ngỡ kề bên từ mới gặp,
Ngại chi thương nhớ ở hai đầu.

Màn hình vuốt nhẹ tay âu yếm,
Như thể anh đang vuốt tóc dài
Sau phút chuông reo em bắt máy,
Lòng anh lắng đọng dáng hình ai.

Sớm mai thức giấc bên hiên nắng,
Háo hức đàn chim hót tỏ tình.
Rất đỗi hồn nhiên trào cảm xúc,
Như đang nói hộ tiếng lòng anh.

Hoa lá vườn nhà mùa khởi sắc,
Sương hồng lấp lánh nắng mai trong.
Khép hờ cánh cửa em đang đợi,
Kìa ngón tay anh vuốt phập phồng

Cả tiếng cu gù thăm thẳm quá,
Một trời nơi ấy một trời thương.
Nơi đây anh bỗng … chao ôi nhớ!,
Em đứng nghiêng đầu chải tóc hương

TNH


EM YÊU

Mới nhìn hình đại diện,
Đâu đã được nắm tay.
Mà quen hơi bén tiếng,
Gọi điện nhau bao ngày.

Em nghiêng đầu tóc suối,
Hương gỗ quý  men rừng.
Sợi rối tung hờn dỗi,
Sợi e ấp thẹn thùng…

Khuya bốn bên thanh vắng,
Chỉ còn anh với em.
Hai màn hình phẳng lặng,
Một nhịp phập phồng tim

Nơi đây và chốn đó,
Sóng sánh đất trời thơm.
Phím enter cùng gõ,
Tình mộng giữa đêm buồn

Bước ra từ tranh đẹp,
Truyện Bích Câu: Giáng Kiều .
Bước ra từ trang web,
Chính là em, em yêu.

TNH


 GIEO TÌNH 

Hoa mang trọn một đời thơm,
Mở lòng mượn gió gửi hương khắp vùng.
Dài theo ngày tháng mung lung,
Chút dư hương mãi nghìn trùng còn vương.

Em từ trổ nhánh quỳnh hương,
Hồn nhiên một đóa vô  thường nở hoa.
Nghìn cơn gió lạ qua nhà,
Chở hương nhan sắc thả ra mịt mờ.

Em từ ẩn hiện trong thơ,
Gà trưa đâu bỗng lạc giờ gáy khan.
Ai ngơ ngẩn vạt nắng tàn,
Quạnh hiu lạnh gió thu sang một mình.

Em từ cho gió vô tình,
Gửi hương vào chốn viễn trình thế nhân.
Đêm hoàng lan  nhoẻn nguyệt rằm,
Xôn xao lời nói thanh âm gieo tình.

Trang thơ giữ mãi làm tin,
Nữa mai còn nhận ra mình dạo xưa
Phai tàn rồi dấu gió mưa,
Còn gờn gợn tiếng gà trưa tội tình

 Trần Ngọc Hưởng


























READ MORE - HAI ĐẦU / chùm thơ Trần Ngọc Hưởng

SỐNG NHIỀU, SỐNG ÍT / Truyện ngắn Võ Quốc Tuấn


Tác giả Võ Quóc Tuấn và con gái


Võ Quốc Tuấn

SỐNG NHIỀU, SỐNG ÍT

Truyện ngắn
        
   Hôm nay là giỗ bố tôi. Nhà đơn chiếc nên tôi phải chạy lên, chạy xuống để phụ dọn thêm thức ăn cho khách thì chợt nghe to tiếng ở đằng trước:
   - Ông bà bảo là “bất quá tam”. Nhưng nãy giờ, tao để ý mầy khiếm nhã bốn lần rồi. Tao thương, tao nói, tao dạy để mà có kinh nghiệm sống ở đời. Chứ cách đứng ngồi, ăn uống, nói năng như mày thì ai mà thường nổi.
   - Xin hỏi bác cháu khiếm nhã ở chỗ nào để cháu sửa?
   À, thì ra đó là anh Ba, hàng xóm với tôi, đang có ý răn dạy thằng Nhân- cũng là láng giềng. Thấy cũng hơi lạ vì thằng này tuy tuổi mới 25, còn khá nhỏ, nhưng kiến thức sống thì khác uyên bác, lại lễ phép. Cũng tốt nghiệp đại học loại xuất sắc đàng hoàng nhưng vì bất mãn chốn quan trường nịnh hót, rồi cảnh thân thế chèn ép mà thà bỏ việc về làm kinh tế, chăm lo cha mẹ, nhất định không lụy người. Cha mẹ bảo nó lấy vợ mà nó chưa chịu vì muốn có sự nghiệp ổn định trước. Còn anh Ba, tuổi 62. Lớn tuổi hơn tôi. Giàu trong trứng giàu ra. Lại thêm ông cậu có chút địa vị nên chú cũng hay ỷ lại, quan cách. Thật lòng tôi cũng chẳng thích ảnh, nhưng biết sao được, hàng xóm mà! Thấy vậy tôi cũng chẳng muốn xen vào làm gì, để thử coi sao!...
   Anh Ba trả lời:
   -Việc thứ nhất: Trong bàn, mầy chẳng lớn hơn ai mà ngồi ghế dựa, trong khi những người còn lại đều ngồi ghế đẩu, thử xem chướng mắt không? Thứ hai, khi thấy người lớn tuổi đến cũng không biết nhường ghế. Thứ ba, không biết phép tắc khi rót trà. Giờ lại vi phạm chuyện tế nhị trong ăn nhậu. Còn trẻ mà không sửa đến già còn lỗi!...
   Đợi ảnh nói hết câu, thằng Nhân bình thản đáp:
   - À! Thì ra Bác nói những chuyện đó!… Ghế dựa không phải ai cũng ngồi được đâu bác ạ! Sở dĩ như thế là vì chú Hai, chủ nhà mời cháu ngồi đấy. Không tin, Bác hỏi mấy anh em thì rõ.
   Một người trong bàn chen vào :
   - Phải đấy Chú! Chính anh Hai Trọng lấy ra mời nó đó. Ảnh nói thưởng cho cộng trạng của nó để nó đỡ mỏi lưng vì thức làm heo từ ba giờ sáng, rồi che rạp, rồi leo dừa, phụ đi chợ, lấy nước đá đến giờ mới xong…
   Nó nói tiếp:
   - Còn chuyện không nhường ghế ấy cho Bác cũng là lẽ thường. Bác chắc có xem báo đài chứ?  Ở Nhật, những nơi công cộng hay trên các phương tiện đi lại, người trẻ tuổi mà nhường chỗ, nhường ghế cho người già là điều cấm kị. Vì họ không muốn bị xem là già, là gánh nặng, là ăn bám. Nhường cho họ chẳng được lời cảm ơn mà còn bị mắng. Họ rất bình đẳng trong việc ấy. Bác có lẽ chỉ ngoài 60 nên tất nhiên con không dám xem bác là già, là gánh nặng, là ăn bám nên không thể nhường. Vả lại, trong bàn còn ghế trống mà; nhường cho bác thì con phụ lòng chủ, coi sao được…
   Trong bàn đã có vài tiếng cười không biết là khen hay chê.
   Rồi ảnh lại tiếp:
   - Xem ra mày giỏi lí luận. Còn chuyện uống trà thì mày tính sao? Bình trà mới pha mầy nhỏ mà rót ra uống trước tiên, coi được không? Rồi rót qua, rót lại, rót cho tao sao cùng, tao uống đồ cặn của mầy à?...
   Tôi thật sự không ngờ anh Ba lại hẹp bụng như vậy. Người lớn ai lại như thế chứ? Nhưng tôi cũng chưa ra mặt vội vì muốn xem thằng đáp có thông không. Tức thì nó trả lời:
   - “Trà ngon li cuối”, bác chưa nghe câu ấy sao? Bình tra mới pha, li đầu tiên là lợt nhất, túc dở nhất, con rót cho con. Còn lại khá hơn nên con rót một phần li cho mấy anh, mấy chú rồi rót lại một phần nữa cho mấy chú, mấy anh để tất cả các li có độ đậm của trà bằng nhau. Li sau cùng rót cho bác là đặc nhất, ngon nhất bác còn không chịu là thế nào?!
   Biết anh Ba thất thế, nếu để nó bẻ thêm lỗi thứ tư thì thẹn không biết giấu vào đâu được, tôi vào cứu viện:
   -Anh Ba mới qua. Xin anh thông cảm, đơn chiếc quá, nãy giờ em bận ở sau bếp phụ mang thức ăn lên. Mời anh Ba vào bàn giữa, mình dùng tiệc, đàm đạo.- Vừa nói tôi vừa kéo anh ra khỏi chỗ… Tôi dìu anh vào trong nhà mà không quên ngoảnh đầu lại nháy mắt với nó và anh em trong bàn như ngụ ý: “ Giỏi lắm! Chúc tất cả ngon miệng!”.
   Vào dùng tiệc, anh chọn chỗ ngồi quay mặt vào bàn thờ. Trong bàn anh chỉ lớn tuổi hơn tôi nhưng miệng anh vẫn oang oang chuyện thời sự chỗ này tham nhũng, chỗ kia giết người, chỗ nọ oan sai,…Nhưng hỏi cụ thể tên họ là gì thì nói sai bét. Hết chuyện thời sự, anh lại nói kinh nghiệm, triết lí sống đại loại như: chuyện phòng the, chuyện chọn gà chọi hay, chuyện chạy chỗ cho con,…Nhưng khó chịu nhất là anh thích đề cập đến cái mà anh không hề biết hoặc nếu biết cũng chẳng bao giờ làm được như: “Trà đạo Nhật Bản”, “Trà tam rượu tứ”, “Nguồn gốc rượu đế”; “Nghệ thuật nói chuyện”, “Đức khiêm tốn”…
   Thế mới biết: người sống nhiều không nhất thiết phải là người nhiều tuổi; người nhiều tuổi chẳng qua chỉ là người sống lâu chứ chưa hẳn đã sống nhiều./.

Trà Vinh: 9/10/2016        
 Võ Quốc Tuấn


READ MORE - SỐNG NHIỀU, SỐNG ÍT / Truyện ngắn Võ Quốc Tuấn