Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, October 4, 2016

QUA TẦN HOÀI NHỚ VƯƠNG THÚY KIỀU - Thơ Nguyễn Khôi


   

Lời dẫn: Theo Minh sử ngoại truyện thì "Vương Thúy Kiều là một danh kỹ ở Tần Hoài, đời nhà Minh; Cô là vợ của  Tướng quân Từ Hải dưới quyền tướng Vương Trực cùng nổi dậy chống Triều đình. Sau Từ Hải nghe lời Kiều đầu hàng Tổng Hiến, chết vào năm 1556 thì Kiều nhảy  xuống sông Tiền Đường tự vẫn  "Minh Sơn hậu đãi ta như vậy, nhưng ta lại đem Quốc sự đẩy chàng vào chỗ chết. Hại chết  một thủ lĩnh rồi lại thuộc về một Tù trưởng, vậy ta còn mặt mũi nào để sống ở trên đời này nữa !"... Nguyễn Khôi qua thăm bến Tần Hoài, rồi ra cửa sông Tiền Đường xem "hoa sóng"... có đôi vần cảm tác:


QUA TẦN HOÀI NHỚ VƯƠNG THÚY KIỀU
             "Đau đớn thay, phận đàn bà"
                           (Kiều - Nguyễn Du)

Đến bến Tần Hoài tìm "con hát" (1)
Cái kiếp cầm ca "bạc" đời đời
Ra cửa Tiền Đường xem "hoa sóng"
Hồn Kiều lãng đãng cánh hoa trôi...
                     
Chao ôi, Người đẹp thành "danh kỹ"
Ánh mắt là dao giết anh hùng !
-Triều đình thối nát sinh giặc giã
Hỗn thế Ma Vương cuộc phế hưng.
                     
Tố Như tiên cảm Đời là thế
thả bút thành thơ khúc "đoạn trường"
-Ba trăm năm lẻ Đời vẫn thế
Ác bá tranh giành loạn Đế Vương.

                                 20/6/2006
                              Nguyễn Khôi
---
(1) Thơ Đỗ Mục "Bạc Tần Hoài"
                     
NHỚ LỖ TẤN
Qua làng chẳng thấy AQ
Nhà cao, cửa rộng liền kề tương thân
Rượu quê một chén Thiệu Hưng
Ai SAY THỜI CUỘC mà không Chí Phèo.
                                   Nguyễn Khôi
                    Chiết giang (TQ),18-6-2006
                   
READ MORE - QUA TẦN HOÀI NHỚ VƯƠNG THÚY KIỀU - Thơ Nguyễn Khôi

NÓI VỚI THẰNG BẠN THÂN - Đặng Xuân Xuyến


         


         NÓI VỚI THẰNG BẠN THÂN

Mày à! 
Tiếng là bạn thân từ thời trẻ trâu, mày lại là cán bộ ở huyện, trong khi cứ 2 hoặc 3 tuần tao lại về quê mấy ngày cuối tuần, vậy mà từ cuối năm ngoái, hẹn lên hẹn xuống, tối 23/07 vừa rồi (2015), mày mới “sắp xếp” được thời gian để ngồi nhâm nhi với tao vài ly rượu. Tối ấy, mày chỉ uống và trách. Tao hiểu đấy là tấm lòng của mày nên dù đúng, dù sai, tao chỉ ngồi lắng nghe, trân trọng. 
Tao nhớ chứ. Tao quên sao được. Đã quá nửa đời người rồi, dẫu có ngù ngờ đến mấy, tao vẫn hiểu tấm chân tình của thằng bạn thân từ thời đầu còn để chỏm. Có lẽ tao là thằng thật quá, không thích thể hiện này kia nên cứ ào ào mọi chuyện mà vô tư để lại nỗi buồn trong mày. Ngồi nghe những lời trách của mày, tao buồn lắm. Tao giận mình đã vô tâm mà vô tình để lại những hiểu lầm, rồi thành oán giận trong mày. Tha lỗi cho tao nhé, thằng bạn. 
Với tao, mày đã và sẽ mãi là thằng bạn tốt. Thật đấy, mày à!
Nghe chuyện vợ con của mày, tao cũng buồn lắm. Không biết năm ấy, tao cố sức hàn gắn rạn nứt của vợ chồng mày là đúng hay sai. Lúc đấy, mới ngoài hai mươi tí ti, chưa trải đời nên tao chỉ nghĩ đơn giản đừng để hai bạn mình ly hôn mà khổ con cái nên đã cố sức. Giờ, nghe chuyện vợ con của mày chỉ để biết, tao không dám tham gia. Thôi thì đành mượn câu “cái số vậy, đành chịu” để an ủi nỗi buồn của mày, sự khó xử của tao cho nhẹ lòng.
Lúc đứng dậy, mày về, tao thẫn người không ra tiễn. Đời người, dễ gì có được một vài người bạn thật tâm, thật lòng, mày nhỉ. Xa quê đã lâu, bạn bè cũng lắm, giờ mái tóc điểm bạc, nhìn lại cũng chỉ mày với tao còn ngồi với nhau chỉ vì chữ bạn. 
Hôm ấy, có rất nhiều điều tao muốn nói, muốn giãi bày để mày hiểu tao hơn, đúng hơn nhưng nghe những chuyện xưa mày nhắc lại, tao nghẹn lòng, không thể nói được. Tao thật vô tâm! Đâu nghĩ, lúc cao hứng, tao nói một vài câu (vô tình hợp cảnh) để mày ghi nhớ đến tận giờ. Rồi những lúc rượu vào, huyếnh lên, tao cũng câu nọ câu kia để mày phải nghĩ. Tha lỗi cho tao nhé, thằng bạn.
Không phải tao bạ đâu nói đấy, nói lấy được mà thực sự những lúc rượu vào, tao rất thích nói và nói không cần biết có đúng là mình nói hay không, chỉ biết nói cho đã miệng, cho thỏa cơn thèm nói, để bù lại những lúc không có rượu, không có công việc để bàn thì tao cứ “cù lần”, rất ngại mấy chuyện xã giao, thăm hỏi. Thế thôi. Một tật xấu, tao cố sửa mà mãi không làm nổi. Là bạn mấy chục năm, chẳng lẽ mày không hiểu giúp tao?
Có lẽ, tao là kẻ quá vô tư nên mới vô tình đến vậy, mày nhỉ!
Rồi sau buổi tối ấy. Mày lại tránh gặp mặt mỗi khi tao về quê, alo mày sang nhà, cùng tao “lai rai vài chén”. Có lẽ mày vẫn còn giận tao lắm vì tối đó tao chỉ đực mặt ngồi nghe mày trút giận. Rồi sợ mày buồn, tao lại cố tình “bao biện” một vài lý do như “cố ý thanh minh” cho sự “vô ý” của mình, mặc dù sự việc không phải như thế, không như mày nghĩ. Đơn giản, lúc đó tao nghĩ, hiếm hoi lắm mới có thời gian tao với mày ngồi với nhau, tao không muốn tranh cãi chuyện hiểu lầm của mày làm không khí mất vui, vì thế tao cứ ậm ừ như mình mắc lỗi... Để rồi mày càng tin mày giận tao, trách tao là đúng.
Tao lại sai, mày à.
Chiều nay, tự dưng tao nhớ mày, nhớ lắm. Lại muốn cùng mày ngồi nhâm nhi ly rượu với vài củ lạc rang, vài con cá rô ron rán giòn như thủa tao - mày còn lắm khờ khạo, chỉ thế thôi, chỉ để được cảm nhận lại tình bạn vô tư, trong sáng. 
Ừ. Muốn thế lắm, thằng bạn!

                                             Hà Nội, 23 tháng 09 năm 2015
                                                     Đặng Xuân Xuyến
         
READ MORE - NÓI VỚI THẰNG BẠN THÂN - Đặng Xuân Xuyến

MỘT CÁI NHÓN CHÂN... THẬT LẠ - Bùi Đồng



             Tác giả Bùi Đồng


CHIỀU LẠ
 (Tặng L.L) 

Sợ đêm về
quẩn gió
xáo xác khuya
Cố vét vớt nắng chiều rơi trên lá
Chênh chao thể nụ cười nhòe áo lạ
Te tẻ chiều
nhớn nhác
nhón chân qua.

Hà Nội, chiều 02 tháng 10.2016
ĐẶNG XUÂN XUYẾN

      MỘT CÁI NHÓN CHÂN... THẬT LẠ
                         Lời bình của Bùi Đồng

  Sợ đêm về quẩn gió, xáo xác khuya! 
     Cái lo thường tình của người đa cảm, thi tâm; bởi trong sự cô tịch, vắng vẻ của màn đêm người ta hay hoài niệm, mơ hồ và lòng trắc ẩn được giấu kín ban ngày thì đêm về dễ òa ra, trào dâng một cách khó kiểm soát. 
     Chính bởi lẽ ấy mà tác giả chín hơn, khôn hơn, rón rén mà: nhón chân qua cái te tẻ chiều
      Mặc dù vậy nhưng tâm nào có an, vẫn bị cái điều mơ hồ, không thể đặt tên kia làm cho tâm trạng: nhớn nhác. 
     Cố vét vớt nắng chiều rơi trên lá 
     Chênh chao thể nụ cười nhòe áo lạ.
     Kiểu tâm trạng: tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn! Cố gắng vơ vét, nhọc nhằn những điều đáng có nhất để làm gì? Không biết! Có được rồi thì đặt vào đâu? Không biết nốt. Vì tất cả đều mơ hồ, mặc định và ước lệ như: nụ cười nhòe trên áo lạ
     Tác giả tránh đêm nhưng lại vướng ngày, vướng cái hoàng hôn đầy trắc ẩn, trầm trầm với vài giọt nắng cuối cùng rơi trên lá.....thì tâm trạng cũng “nguy hiểm” không kém mấy ban đêm. Chính vì vậy phải nhớn nhác mà nhón chân qua cái chiều te tẻ
     Bài thơ hay ở chỗ dùng từ, đọc lên người đọc cũng chuếnh choáng, nhớn nhác theo: xáo xác, vét vớt, chênh chao, te tẻ, nhớn nhác là những cặp từ được đặt đúng chỗ, hợp với tâm cảnh, hồn người nên cứ thấy hay.
      Điều đặc biệt là bài thơ không thể chỉnh sửa, sắp xếp lại cấu trúc câu từ vì ý đủ, lời chỉnh, từ cô đọng. Đặc biệt hơn là cả bài không có đại từ nhân xưng nên đọc lên ai cũng thấy mình trong đó và đó cũng chính là thủ pháp "hỏa mù" chả ai “bắt đền”, “kiện cáo”, “cấu véo” được của tác giả….
     Ồ! Mà lạ chưa: tâm động qua một cái nhón chân thi vị.

                                                        Thành Nam, 03 tháng 10.2016
                                                                           BÙI ĐỒNG

READ MORE - MỘT CÁI NHÓN CHÂN... THẬT LẠ - Bùi Đồng

ĐỌC "MỘT BUỔI TRƯA", THƠ BÙI GIÁNG - Lời bình của Châu Thạch


                
                         Nhà bình thơ Châu Thạch



  ĐỌC "MỘT BUỔI TRƯA" - THƠ BÙI GIÁNG
                                            Lời bình của Châu Thạch

Một Buổi Trưa” thơ Bùi Giáng là một trong những bài thơ được xếp vào “những bài thơ tỉnh táo của Bùi Giáng”. Đọc thơ không ai là không thấy nó hay nhưng thật sự nếu hỏi là nó hay chổ nào? nó hay cái gì? thì chắc không ai là không lúng túng. Lúng túng vì toàn bộ bài thơ có 20 câu, mỗi câu như một xâu chuổi ngọc, và mỗi xâu chuổi ngọc đó lung linh một màu sắc khác lạ mà chúng ta không đoán ra đó là thứ ngọc gì. Đọc bài thơ nầy không mấy ai dám nói rằng tôi hiểu hết bài thơ nhưng cũng không mấy ai dám bảo rằng nó nói lung tung, mơ hồ, điên loạn. Trong chừng mực nào đó tôi xin mạo muội lấy cái trí óc non dại của mình để thảo luận về bài thơ, mong khám phá một chút ít mùi hoa trong thứ hương thơm bí hiểm mà nhà thơ Bùi Giáng cống hiến cho đời.
Xin hãy đi vào vế thơ đầu tiên của “Một Buổi Trưa” để ta thấy ngay cái buổi trưa của nhà thơ thật là kỳ diệu:

Một buổi trưa nắng vàng in trên tóc
Mây trên trời xuống phủ ở trên vai
Màu phương cảo pha mờ trên nét ngọc
Bước ngại ngùng nẻo mộng mấy lần sai.

Một buổi trưa mà “Mây trên trời phủ xuống ngang vai” phải là một buổi trưa ở trên đỉnh núi cao, bởi vì chỉ có ở nơi đó thì mây mới xuống ngang vai được. “phương cảo” là pho sách thơm (đúng hơn là pho sách hay). “Màu phương cảo pha mờ trên nét ngọc” hiểu một cách nôm na là cảnh vật ở đây có những nét lung linh đẹp như ngọc. Màu ngọc đó phơn phớt màu của những pho sách hay. “ Bước ngại ngùng nẻo mộng mấy lần sai” Hiểu một cách nôm na là mộng mà không thành, mộng đi mộng lại hay là lơ mơ lúc tỉnh lúc mơ.
Vế thơ cho ta cảm giác gì? một cảm giác nằm lim dim giữa bầu trời cao rộng. Và cho ta cảm nhận được gì? Cảm nhận một chốn đẹp thần tiên đầy ắp màu sắc thiên nhiên và mùi thơm của tri thức trong kho sách nhân gian lan tỏa ở đây. Có thể tác giả đương nằm trên núi cao mà cũng có thể tác giả nằm dưới thấp nhưng đang mơ một khung trời tuyệt vời trong ước muốn của ông.
Bây giờ xin vui lòng bước qua vế thứ hai của bài thơ để thấy một “em” rất vô hình trong giấc mơ Bùi Giáng:

 Em có định sẽ cùng ai kể lể
Một nỗi đời hư huyễn giữa chiêm bao
Vừng hiu hắt nguyệt hờn mây nhỏ lệ
Một mùi hương nồng tụ ở nơi nào

“Em có định sẽ cùng ai kể lể” là một câu nghi vấn mà không có dấu hỏi, nó có công dụng cho ta biết tác giả không trực tiếp hỏi em mà tự nhủ trong lòng mình. Câu thơ nầy cũng cho ta một phỏng đoán có thể em đang ở đó và cũng có thể em không có đó, nghĩa là tác giả đang một mình giữa bao la suy nghĩ về em. “Em” trong ba câu thơ còn lại như là một bóng ma. Bóng ma có một cuộc đời “hư huyễn giữa chim bao”, sống ở một vùng “hiu hắt nguyệt hờn mây nhỏ lệ” mà nơi đó là một nơi có thể hiểu là nơi vô định vì nó có  “một mùi hương nồng tụ” mà tác giả không biết  “ở nơi nào”.
Vế thơ nầy cho ta cảm giác gì? Cảm giác một bóng người lãng đãng trong một khung trời ảm đạm. Và cho ta một cảm nhận gì? Cảm nhận đây là linh hồn của tác giả. “Em” ở đây không ai khác là tâm thần của người nằm mộng. Cái tâm thần đó đã trãi qua bao hệ lụy của cuộc đời, nay nó bước ra từ tâm tác giả và hóa hình vào trong  cơn mơ  ấy. Cái tâm thần đó u ám trong lòng tác giả, nay nhân dịp thể xác êm ái trong giấc trưa, nó hiển hiện trong cơn mơ làm nên một bóng dáng của bao điều hệ lụy.
 Hãy qua vế thứ ba của bài thơ. Ta sẽ thấy trong vế thơ nầy người con gái câm lặng đi trong cô đơn, trong khung trời buồn thảm:

Câu chuyện ấy một lần em đã rõ
Để bây giờ không thể lại phanh phơi
Đường đi xuống khung trời sương lổ đổ
Hờn dung nhan em có sợ bên người?

“ Câu chuyện ấy một lần em đã rõ/ Để bây giờ không thể lại phanh phui” nghĩa là em dấu kín “một nỗi đời hư huyễn”, “một vùng hiu hắt nguyệt hờn mây nhỏ lệ” là uẩn khúc của đời em trong trái tim câm nín của mình. Và rồi “Hờn dung nhan em có sợ bên người?”Bên người” là người nào?. Là Bùi Giáng hay bên người là loài người? Có thể cả hai. Linh hồn đau thương đó không muốn ở với thể xác “người” thi sĩ, một người hứng chịu đắng cay. Cũng có thể linh hồn đau thương đó chán nản loài người, một loài người đã đày đọa linh hồn thi sĩ. Để rồi “em” hay chính cái linh hồn đau thương đó âm thầm trên con “Đường đi xuống khung trời sương lổ đổ”.
Vế thơ nầy cho ta thấy một hình bóng nhẩn nhục trong sự đắng cay tận cùng và nỗi cô đơn của bóng người tìm đi trong một ‘khung trời sương lổ đổ’
Vế thơ thứ tư miêu tả “em” như tất cả sự rã rời:

 Con mắt ấy vì sao em khép lại
Làn mi kia em thử ghé lên nhìn
Vòng tay đẹp như cành xuân thơ dại
Ngón la đà sao chẳng chịu đưa tin

“Em” ở đây ta cứ hình dung là một người con gái. Người con gái “ đi xuống khung trời sương lổ đổ” với dáng dấp khép con mắt, đóng làn mi, vòng tay ôm ngực. Phải chăng dáng dấp đó buồn não nuột.
Vế thơ nầy cho ta hình dung một mỹ nhân với con mắt,với làn mi tuyệt vời, với “Vòng tay đẹp như cành xuân thơ dại” nhưng hầu như không còn sức sống nữa. Nàng đã thể hiện cho một linh hồn chán chường cuộc sống. Linh hồn đó một lần bỏ đi đánh động trang đời thi sĩ và đánh động cả mùa thu làm rơi bao nhiêu lá úa:

Một buổi trưa nắng vàng in trên tóc
Lùa chân mây về ở dưới chân trời
Bước vội vã một lần nghe gót ngọc
Dẫm trang đời lá rụng uá thu phai

Bây giờ mây không “xuống phủ trên vai nữa” mà mây “về ở dưới chân trời”. Bước chân người “ngại ngùng” bước vào “nẻo mộng” trong câu thơ ở vế một trở thành “bước chân vội vã” của hiện thực. Gót ngọc của em đã dẫm lên trang đời, làm “lá rụng úa thu phai”. Như vậy mơ ở phút ban đầu trở thành hiện thực trong phút cuối. Đúng hơn là mơ y như thật, vì không phải chỉ là tâm hồn mà cả con người đã hóa thân vào cơn mơ đó. Em trong thơ vẫn là em nào đó, nhưng em mang trọn vẹn tâm hồn Bùi Giáng trong thơ.
Nói về hình thức thì đây là một bài thơ tiết tấu trầm bổng, âm điệu lôi cuốn làm cho người ngâm thơ thỏa sức trình diễn làn hơi của mình, khiến cho người nghe thơ say đắm theo âm thanh mà chẳng cần chi hiểu ý vẫn thấy thỏa lòng. Nói về nội dung thì đây là một bài thơ đầy chất thơ mộng, sâu nhiệm ý thơ và cấu tứ khác lạ làm cho bài thơ khó hiểu được tường tận mà vẫn cảm nhận được cái hay của nó. Tác giả đưa mình đi vào trong mơ và biến linh hồn mình thành hình bóng trong mơ. Người thơ thường lồng nỗi buồn trong mưa, trong gió nhưng Bùi Giáng lồng nỗi sầu bi trong khung cảnh đẹp tuyệt vời khiến cho nỗi sầu thấm thía ấy trong khung cảnh ấy làm thăng hoa bài thơ. Người nữ huyền ảo trong mơ là người yêu của tác giả? hay là linh hồn của tác giả? Điều đó tùy theo nhận xét của mỗi người nhưng đọc thơ, ai cũng cảm nhận được khối đau thương vô vàn ấy, như một trái tim hồng tươi đựng trong chiếc bình bằng ngọc. Bình bằng ngọc ấy là bài thơ của Bùi Giáng./.

                                                                             Châu Thạch


                       Thi sĩ Bùi Giáng


MỘT BUỔI TRƯA

Một buổi trưa nắng vàng in trên tóc
Mây trên trời xuống phủ ở trên vai
Màu phương cảo pha mờ trên nét ngọc
Bước ngại ngùng nẻo mộng mấy lần sai.

Em có định sẽ cùng ai kể lể
Một nỗi đời hư huyễn giữa chiêm bao
Vừng hiu hắt nguyệt hờn mây nhỏ lệ
Một mùi hương nồng tụ ở nơi nào

Câu chuyện ấy một lần em đã rõ
Để bây giờ không thể lại phanh phơi
Đường đi xuống khung trời sương lổ đổ
Hờn dung nhan em có sợ bên người?

Con mắt ấy vì sao em khép lại
Làn mi kia em thử ghé lên nhìn
Vòng tay đẹp như cành xuân thơ dại
Ngón la đà sao chẳng chịu đưa tin

Một buổi trưa nắng vàng in trên tóc
Lùa chân mây về ở dưới chân trời
Bước vội vã một lần nghe gót ngọc
Dẫm trang đời lá rụng uá thu phai

                              BÙI GIÁNG

READ MORE - ĐỌC "MỘT BUỔI TRƯA", THƠ BÙI GIÁNG - Lời bình của Châu Thạch