Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, September 26, 2016

XA TÀ ÁO BAY / chùm thơ Hoàng Anh 79

Tác giả Hoàng Anh 79


XA TÀ ÁO BAY

Về đi về với người ta
Có yêu cho lắm tình xa nghìn trùng
Chim non nằm chết bên rừng
Và ta chết giữa mịt mùng khói mây

Kiếp người tay trắng bàn tay
Tình rơi một nửa hồn quay quắc buồn
Dòng đời như lệ mù tuôn
Trăm năm nước vẫn chia nguồn ra khơi

Cạn đi chén rượu mồ côi
Một lần quên hết lẻ loi tình sầu
Đêm nay trăng rụng xuống cầu
Để em ôm mộng bên lầu ái ân

Đường dài mấy nẻo phù vân
Mai kia ai nhớ bụi lầm xe qua
Mất nhau  giữa chốn phồn hoa
Mà xa ngút mắt em tà áo bay

Thu về chút gió heo may
Dường như làn tóc bạc phai ít nhiều
Thời gian xanh phủ màu rêu
Ta còn chưa nói một điều với em  !

Ngày 9/7/2016
HOÀNG ANH 79


 QUÁN CŨ KHÔNG EM 

Quán cũ không em giờ lặng lẽ
Đèn treo phố nhỏ ướt mưa nhoà
Chắc em  đêm với dòng dư lệ
Khóc gã giang hồ biền biệt xa

Ai bảo em yêu thu vàng úa
Tình sầu  như chiếc lá chiều rơi
Trăng mái lầu treo chia hai nửa
Ta nửa đơn côi một góc trời

Ai bảo em yêu đông lạnh giá
Đời ta ướt sũng dưới mưa tuôn
Mai kia mình trở nên xa lạ
Dòng tóc mây bay có sợi buồn?

Ai bảo em yêu  ta khốn khó
Gót chân mòn mỏi khắp sông hồ
Cuộc tình rồi sẽ như sương gió
Rớt lại bên cầu chút hư vô

Ai bảo ta yêu em thiếu phụ
Đêm về thui thủi một mình ta
Quán cũ không em ly rượu nhạt
Chợt nghe tiếng quốc dặm trời xa !

Ngày 22/8/2016
HOÀNG ANH 79


READ MORE - XA TÀ ÁO BAY / chùm thơ Hoàng Anh 79

BÀI THƠ KHÓC THƯƠNG MẸ /chùm thơ Võ Quốc Tuấn


Tác giả Võ Quốc Tuấn


Võ Quốc Tuấn

BÀI THƠ KHÓC THƯƠNG MẸ

Con nhận được hung tin, trên đường đi công tác
Trời đất nhạt nhòa theo nước mắt con rơi!
Đường về quê nào đâu thay đổi
Sao thấy dài, chạy mãi chẳng đến nơi?…

Thương thân mẹ suốt một đời lận đận:
Ba sang ngang, xa xứ sống cùng người,
Mẹ một mình ôm trọn lấy niềm đau,
Nuôi năm con nhỏ với mẹ chồng già yếu.

Rất vất vả nhưng mẹ thật có hiếu
Cơm trắng cá ngon, trước hết để mẹ chồng;
Phần còn lại nhường hết cho đàn con
Mẹ nhận lấy về mình toàn xương xẩu...

Tuổi đời chúng con lớn thêm, mẹ thì ngắn lại
Chúng con vào giảng đường, mẹ làm lụng suốt ba ca
Anh em con lần lượt lập gia đình
Chỉ có mẹ là người không hạnh phúc.

Năm đứa con, bốn đứa sống quê người
Nghề nghiệp, áo cơm, gia đình riêng bó buộc.
Mẹ nhớ thương mà nào đâu thúc giục
Sợ chúng con về, làm lỡ việc người ta…

Chiều cuối tuần chúng con về thăm nhà
Mẹ mừng lắm thấy gia đình đoàn tụ.
Cháu, rể, dâu; mẹ giờ đã có đủ
Sao một người còn mãi ở xa xăm?...

Di ảnh kia con thấy rõ mẹ cười!
Nhưng đời mẹ sao toàn là nước mắt?
Nụ cười ấy không chỉ là mãn nguyện
Vì con thơ nay đã lớn, nên người!...

Con khóc cho Người và khóc cả cho con…
Cây nhân –quả, ai trồng người ấy hưởng!
Nhưng cớ sao đắng cay toàn mẹ nếm,
Trái ngọt mẹ trồng, lại thưởng cho đàn con?

Con dặn lòng đừng để nước mắt rơi
Hãy để nó lăn vào tim, thấm quanh hình bóng mẹ.
Chỉ có thế mới nghe lòng yên nhẹ
Nước mắt con lăn …mong đổi lấy… mẹ cười.

                           Trà Vinh: 25/5/2016
                                       VQT


GIỖ MẸ


Người giỗ mẹ mỗi năm làm một lần
Mâm thức quý thi nhau bày la liệt.
Người giỗ mẹ mời vài trăm khách quý
Sóng nhạc ầm ầm, đinh óc điếc tai.


Ngày giỗ mẹ là ngày buồn- Người mất
Không xót thương cũng vẽ buồn lên mặt!
Vui sướng chi người nói cười sang sảng
Nhậu, Hát thâu đêm như mở tiệc mừng?
                        ***
Dẫu biết rằng đời người chết là hết!
Con ngỡ rằng mẹ luôn ở cạnh bên
Nên với con, ngày nào cũng giỗ mẹ.
Mỗi bữa cơm, thêm chén đũa mẹ dùng.


Con giỗ mẹ bằng nỗi lòng thành kính.
Bằng trà hoa, hương khói và lời kinh.
Bằng “Bài thơ khóc thương mẹ” con viết
Bằng dáng hình Người, luôn mãi trong tim.

Trà Vinh: 09/6/2016
Võ Quốc Tuấn






Tác giả Võ Quốc Tuấn
Giáo viên Trường THCS Huyền Hội -Càng Long –Trà Vinh.


READ MORE - BÀI THƠ KHÓC THƯƠNG MẸ /chùm thơ Võ Quốc Tuấn

“LỜI THỀ LÁ SEN” TRONG DÒNG CHẢY THƠ CA VIỆT / Phan Trang Hy đọc thơ Nguyễn Đăng Luận


Nhà thơ Nguyễn Đăng Luận


“LỜI THỀ LÁ SEN” TRONG DÒNG CHẢY THƠ CA VIỆT
Phan Trang Hy


      Thơ ca Việt Nam đương đại xuất hiện nhiều loại, nhiều kiểu, nhiều tên gọi khác nhau. Nào là “thơ tự do”, “tân hiện đại”, “hậu tân hiện đại”, “tân hình thức” v. v… ảnh hưởng sự giao thoa của văn học thế giới đương đại. Người đọc, khi thưởng thức một bài thơ, dù đó là kiểu loại gì thì họ chẳng quan tâm; chủ yếu họ quan tâm chất lượng của bài thơ. Điều vui nhất cho từng nhà thơ là bài thơ có chất lượng ấy đọng lại những gì trong lòng người đọc. Với tôi, “Lời thề lá Sen” của Nguyễn Đăng Luận cũng thế, gây được thiện cảm của giới yêu thơ.
         “Lá Sen chưa kịp đi tu
         Mà hoa cúc đã nhuộm thu óng vàng
         Yêu em mua cốm làng Vòng
         Nâng niu anh gói trong lòng lá Sen
         Lời thề hôm ấy của em
         Thơm như cốm ướp hương Sen giữa mùa
         Không ngờ anh thật không ngờ
         Lá Sen rách. Cốm bây giờ thơm đâu?”
      Trước tiên, hình ảnh thơ “Sen”, “cốm” gợi bao điều suy ngẫm. Từng cặp câu lục bát đều có “Sen” và 3 cặp thơ còn lại có “cốm” như lặp đi lặp lại cái tình ý gắn bó, thủy chung. Chính cái tình ý ấy đã tạo nên tiêu đề bài thơ - “Lời thề lá Sen”. Nói đến lời thề của con người là nói đến những gì cao đẹp, thiêng liêng, nâng tâm hồn người đến chỗ chân, thiện, mỹ. Chính lời thề là ngọn lửa, là con đường, là niềm tin để con người hoàn thiện phẩm hạnh “Người” của mình. Và, “Lời thề lá Sen” chính là lời thề để chủ thể trữ tình làm thanh sạch tâm hồn trong chốn thơ ca.
      Bên cạnh đó, thời gian, không gian nghệ thuật cũng là điều đáng bàn. Những “chưa kịp đi tu”, “đã nhuộm thu óng vàng”, “lời thề hôm ấy”, “hương Sen giữa mùa”, “bây giờ thơm đâu?”, “cốm làng Vòng”, “trong lòng lá Sen” góp phần làm cho ý thơ như trải dài, như lời thề xuyên suốt cả thời gian, không gian đẹp và thơm như sen trong ca dao Việt: “Trong đầm gì đẹp bằng sen”.
      Trong một bài thơ, người thích câu này, người thích đoạn nọ. Và riêng tôi, 4 câu giữa của bài thơ đối với tôi sao mà đẹp thế!
         “Yêu em mua cốm làng Vòng
          Nâng niu anh gói trong lòng lá Sen
          Lời thề hôm ấy của em
          Thơm như cốm ướp hương Sen giữa mùa”.
      Tôi thích đoạn thơ trên vì cái tính dại gái của những đàn ông, của nhà thơ và cả tôi nữa. Dại đến nỗi “nâng niu” lời thề của em trong lòng lá, bởi lời thề của em “thơm như cốm ướp hương Sen”, thơm cả trời thu quê Việt.
      Đặc biệt, bài thơ được nhạc sĩ Dân Huyền phổ nhạc và trở thành bài ca đi vào lòng người với âm điệu da diết, hòa quyện giữa thơ và nhạc, thể hiện được tâm tình thương nhớ, bởi mối tình đẹp, bởi lời thề cứ mãi thơm hương. Và chính vì thế bài ca “Lời thề lá Sen” được nghệ sĩ ưu tú Minh Quang trình bày trở thành bài ca đi cùng năm tháng.
      Đọc thơ phải đọc bằng tâm tưởng, bằng cái tình của người thưởng thức. Đọc “Lời thề lá Sen”, trong lòng tôi lại liên tưởng đến bài ca dao “Trèo lên cây bưởi hái hoa” cùng bài thơ “Thề non nước” của Tản Đà. Tôi như thấy phẩm chất đẹp của lời thề tình yêu, của lời thốt tiếng yêu tự cõi lòng của những kẻ yêu nhau từ muôn kiếp.
      Mỗi bài thơ đều có giá trị riêng của nó tùy từng người cảm nhận. Và theo tôi, bài thơ “Lời thề lá Sen” đã thể hiện được giá trị của nó trong dòng chảy thơ ca Việt.

Đà Nẵng, tháng 9/ 2016
Phan Trang Hy



READ MORE - “LỜI THỀ LÁ SEN” TRONG DÒNG CHẢY THƠ CA VIỆT / Phan Trang Hy đọc thơ Nguyễn Đăng Luận

TRẢ NGƯỜI ĐÁNH RƠI / thơ Võ Quốc Tuấn




Trả Người Đánh Rơi

Khu vườn tình, tôi là kẻ lao công
Nhặt chiếc lá rơi, chăm hoa xén cỏ
Để vườn đẹp, người người vui lui tới
Để trả người những thứ người đánh rơi.

Tôi nhặt được tuổi thơ ai đánh mất,
Và nụ cười ai đó đã bỏ quên,
Và nhặt cả những nỗi buồn sâu lắng
Người ném đi như trốn chạy cuộc tình…

Xin trả lại những gì người tiếc nuối
Tuổi thơ hồn nhiên, trong sáng nụ cười.
Mối tình đầu lưu luyến mãi khôn nguôi.
Kỉ niệm đẹp của một thời yêu dấu!  

Còn đó nỗi buồn xin để ngủ yên!
Đừng nhận lại để lòng buồn thêm nữa!
Tôi xin hứa thay người xây mộ đẹp
Chôn chặt niềm đau người bỏ bên đời…
                   
Trà Vinh: 22/9/2016
Võ Quốc Tuấn









READ MORE - TRẢ NGƯỜI ĐÁNH RƠI / thơ Võ Quốc Tuấn

NGƯỜI VỀ QUẢNG TRỊ / thơ Nguyễn Thanh Bá


Tác giả Nguyễn Thanh Bá


NGƯỜI VỀ QUẢNG TRỊ

Nghe người về Quảng Trị
Thăm quê hương xưa miềng
Cho gởi lời nhắn nhé
Thăm bạn già Kẻ Diên

Nghỉ hưu – chắc sướng lắm!
Bao trận cười ngả nghiêng
Thơ văn chất thành núi
Giao lưu khắp mọi miền

Về Phương Lan – Cổ Lũy
Qua Lam Thủy – Thi Ông
Soi dòng sông Vĩnh Định
Còn bóng mình xưa không?

Ghé Lương Điền – Mỹ Chánh
Xuôi theo dòng Ô Lâu
Bờ Cây Đa – Bén Cộ
Con đò xưa về đâu ?

Cập bến bờ Văn Quỹ
Về An Thơ – Phú Kinh
Chiếc cầu Cừa nối nhịp
Còn dấu xưa riêng mình?

Đồng Hải Hòa vùng trũng
Lúa xuân đang nõn đòng
Cồn Đầu Trâu còn đó
Nhớ lời xưa mình mong?

Khúc sông nào mình tắm
Bến Vực và bến Đằm
Chuồn chuồn xưa cắn rốn
Còn nghe đau gì chăng?

Ngày rời xa Quảng Trị
Nhận dùm ta món quà
Hương vị nồng mắm ruốc
Nặng nghĩa tình quê xa.


        Nguyễn Thanh Bá
        (Bà Rịa - Vũng Tàu) 
READ MORE - NGƯỜI VỀ QUẢNG TRỊ / thơ Nguyễn Thanh Bá

CẢM NHẬN / thơ Võ Tấn Hùng

Tác giả Võ Tấn Hùng



CẢM NHẬN
                 Kính tặng Song Thanh.

Tình thơ lục bát của anh
Dường như đâu chỉ  riêng dành cho ai?
Đẹp như vạt nắng ban mai.
Vườn đào sương ngậm di hài vàng thu.
Ngậm ngùi cánh võng hời ru,
Nặng lòng hẹn ước bụi mù xa xăm.
Sắc như cái liếc lá răm,
Trái tim rớm máu ngàn năm vẫn còn?
Nồng nàn chín mọng môi ngon,
Ngất ngây một thuở giận hờn bên nhau.
Buồn như tiếng cuốc đêm thâu,
Trăng khuya chếch bóng bên cầu dáng ai?
Nghe như tiếng địch thiên thai,
Xiêm y trinh nữ trang đài chiêm bao…
Lời thơ mật ngọt ngày nào,
Bao nhiêu cung bậc rót vào tim ta?
           Phước Hưng, ngày 18-09-2016

                            VÕ TẤN HÙNG
READ MORE - CẢM NHẬN / thơ Võ Tấn Hùng

ĐỌC THƠ NGUYỄN AN BÌNH: TÓC XƯA CÒN GIỮ MẤY LỜI ẨN HƯƠNG / Trúc Linh Lan


Tác giả Trúc Linh Lan, Chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố Cần Thơ


ĐỌC THƠ NGUYỄN AN BÌNH: 
TÓC XƯA CÒN GIỮ MẤY LỜI ẨN HƯƠNG

TRÚC LINH LAN


Tóc mai sợi vắn sợi dài
Lấy nhau chẳng được thương hoài ngàn năm

(Ca dao)

Đó là câu ca dao mà tôi nhớ khi đọc hết tập thơ “Mười năm bóng ngựa qua thềm cũ” của nhà thơ Nguyễn An Bình. Tôi không đi tìm bóng ngựa, tôi cũng không chạm chân vào thềm cũ của tác giả. Mà tôi đi nhặt từng sợi tóc yêu thương nhà thơ đã đánh rơi trong ký ức đẹp của mình. Sợi tóc mềm mại như mây lại có một lực hấp dẫn làm xao xuyến trái tim của người thầy giáo dạy văn này. Tóc đã đi vào ca dao từ xưa: “Một thương tóc bỏ đuôi gà/Hai thương ăn nói mặn mà có duyên” hay “Tóc em dài em cài hoa thiên lý/Miệng em cười anh để ý anh thương”. Chính mái tóc làm vương vấn trái tim nhà thơ xuyên suốt, chiếm gần như một phần ba số bài trong tập thơ. Mỗi bài thơ đó của An Bình, ta bắt gặp những sợi tóc có liên quan đến mối tình dang dở của môt thời xa rất xa, một thời học trò hồn nhiên, vu vơ trong sáng… gợi cho bạn yêu thơ thây bóng mình thấp thoáng trong tứ thơ thật lãng mạn dễ thương : “Nhà em ngày xưa góc phố/Thơm nồng từng cánh hoàng lan/Một thời anh hay trốn học/Đợi chờ hương tóc bay sang” (Hương hoàng lan, tr.109), Ta lại bắt một cậu học trò ôm cặp len lén nhìn mái tóc ai đó mà say đắm ngọt ngào:

“Người con gái tóc dài mềm hơn suối
Chảy miên man dịu mát cả hồn tôi
Tình buổi ấy hạt sương mai buổi sớm
Lá thuộc bài mơ ước thât tinh khôi…” 

(Tháng ba không ở lại, tr.144): 

Ơi sao mà dễ thương quá vậy! Mối tình học trò thường ít khi thành nợ phu thê, mà nó chỉ còn là kỷ niệm đẹp để ta giữ lại trong lòng, và nói như các nhà thơ, để ta làm thơ thương nhớ một thời, để nhận ra hiện thực cuộc đời không phải toàn là hoa hồng. Chính sự không trọn vẹn ấy lại trở thành bao kỷ niệm cháy lòng, da diết khôn nguôi: “Dòng sông cũ đẩm tình tôi trong đó/Ngọt tiếng em cười dọc nước giỡn trăng/Từng sợi tóc thơm lòng tôi ngày nọ/Qua cầu tre mang lại chút nắng vàng” (Giặt áo bên sông, tr.12)…"Trong giấc mơ tôi bao mùa mưa nắng/Vẫn nhớ một thời tóc thả gió bay” (tr.18). “Tóc thả gió bay” một hình ảnh thơ thật đẹp, gợi cho tác giả chút ngậm ngùi: “Xưa em chải tóc dưới trăng/Sợi thương rơi mất sợi buồn theo ai?/ Yêu người mấy sợi tóc mai” để rồi “Mùa xưa trăng rụng mất rồi/Nhớ em chải tóc một thời xuân xanh” (Thả lá trên sông, tr.22) và tình yêu đó bây giờ trở thành nỗi ám ảnh: “rong rêu”. Tất cả như phảng phất như khói sương mà sao lãng đãng cả đời của nhà thơ. Bạn yêu thơ yêu lắm hình ảnh một An Bình hết sức cô đơn trong nỗi nhớ riêng mình:

“Đường nhân gian đi hoài không tới
Tôi và em để gió qua sông
Thả sợi tóc bay về vô định
Tôi chờ ai nỗi nhớ mênh mông” 

(Phiến tình sầu cuối đông tr.82). 

Mang nỗi nhớ mênh mông ấy, nhà thơ trở về nơi hò hẹn cũ, nhưng người con gái đó lổi hẹn rồi, thử hỏi sao không tiếc nuối ưu tư “sợi tóc hoàng kim sợi tơ trời/hương đưa theo gió rối lòng tôi” nay chỉ còn “Lãng đãng trong sương thơm mái tóc thề/Tình yêu tôi, tình một thời nông nổi" Những cuộc tình chia tay tháng giêng trở thành nỗi buồn trầm tích hoài niệm khôn nguôi:

“Không biết dổi hờn có làm em ướt mắt
Tôi đánh rơi làn tóc rối hương xưa" 

(Chia tay tháng Giêng, tr.118).

Lở đánh rơi rồi, tất cà trở thành quá khứ, tác giả cất giữ một góc khuất nào đó trong trái tim với lời thú nhận thật ngọt ngào. “Giữ lại đời nhau cuộc tình đánh mất/Se sắt chiều vàng đón lá me bay/Lặng lẽ nơi này mùa xuân trở gió/Tôi vẫn yêu người em đâu có hay” (Giữ lại đời nhau, tr.115). “Tôi vẫn yêu người em đâu có hay” Cháy lòng quá nhà thơ ơi! Tất cả rồi cũng xa, nhưng sao mà thăm thẳm trái tim mình: “Gió cuốn đi áo huyền sương ngày nọ/Màu tóc mây em thả lửng bên trời/Con đường xa đem theo bao bụi đỏ/Chỉ một lần mãi thương nhớ khôn nguôi”, bây giờ “Hãy trôi đi màu tóc xưa đã bạc/Nghiêng vai người từng sợi nhớ sợi thương” (Áo huyền sương, tr.32). Câu hẹn kiếp sau quen thuộc ấy hình như nhà thơ thấy rất huyễn hoặc vì vậy anh cảm thấy hoài nghi “Đợi cầu vồng tạnh mưa ngâu/Nên duyên hạnh ngộ kiếp sau còn buồn” (Khúc tình sầu trong mưa, tr.69). Thôi thì kiếp này nhà thơ đã tìm ra một sợi tóc trói buộc cuộc đời mình, và sơi tóc mảnh mai này bền chặt đoạn cuối một cuộc tình trăm năm. Trong bài thơ “Cám ơn em” nhà thơ đã bày tỏ thật lòng, nghe mà ngưỡng mộ : "Cám ơn em mất một đời/Theo tôi cuối đất cùng trời truân chuyên” Trở lại với thực tại hiển nhiên, một nơi mà bếp lửa gia đình vẫn tỏa sáng, ấp áp, bình yên để chiêm nghiệm một điều “Yêu người ngực ủ trầm hương/Trăm năm hơi thở còn thương tóc mềm”. Tuyệt vời.

Thơ Nguyễn An Bình không mới, một lối thơ truyền thống mượt mà, giàu nhạc điệu, giàu hình ảnh đẹp. Nhưng có lẻ bài thơ “Ẩn hương” là bài thơ tôi thích, vì theo tôi thì hình như bạn yêu thơ đang bắt gặp một hồn thơ thật sự, rất cô đơn, một mình thấp ngọn đèn khuya đối diên với nàng thơ, một mình với kỷ niệm, một mình với thổn thức ngày xưa? Tôi thích một An Bình suy tư với chính mình: "Tìm người chỉ thấy bóng tôi/Đi lang thang giữa dòng đời mộng du”….."Tìm nhau suốt cõi ta bà/ Một tôi chiếc bóng la đà mù sương” Thôi thì: "Chút tình muôn dặm biển khơi/Tóc xưa còn giữ mấy lời ẩn hương?" Nguyễn An Bình biết rất rõ vướng nợ với văn chương đã nhọc nhằn, vướng nợ với nàng thơ càng cô đơn hơn trên con đường hành hương vô định. Mùi hương này ẩn giấu nơi đâu? Và dấu chấm hỏi như một câu đố mà chính tác giả còn mãi miết đi tìm. 

Một thầy giáo chuẩn mực. Một cuộc sống qui cũ…Thật không dễ dàng để tác giả thoát ra khỏi khuôn phép cứng nhắc ấy đem đến các bạn yêu thơ một vườn hoa đầy hương sắc, mà nhà thơ Nguyễn An Bình đã làm được, rất thành công. Nhà thơ mời chúng ta chung rượu thơm, ngọt ngào nhưng vẫn chưa làm chúng ta say. Tôi thấy hình như tác giả còn hẹn với chúng ta điều gì:

Nhánh sông buồn lở bồi ai gọi
Làn hương em tóc nhớ đêm ngày
“Chim gọi mãi một mùa trăng vỡ
Tình yêu tôi còn cốc rượu say” 

(Chút mưa xưa nào ấm vai người, tr.37)

Các bạn yêu thơ cũng như tôi đang háo hức chờ cốc rượu say mà tác giả còn giấu lại đâu đó. Và một ngày không xa chúng ta sẽ cùng tác giả ngây ngât một mùa say.

Viết lúc 10 giờ 30 đêm 23/9/2016
Trúc Linh Lan




READ MORE - ĐỌC THƠ NGUYỄN AN BÌNH: TÓC XƯA CÒN GIỮ MẤY LỜI ẨN HƯƠNG / Trúc Linh Lan

NỖI NIỀM - Thơ Sĩ Chương



              Tác giả Sĩ Chương


NỖI NIỀM

Ngày em ra đi mùa me thay lá
Rụng đầy sân lốm đốm gọi xuân về
Ngày em đi giàn trầu không cũng úa
Tu Hú kêu lạc giọng phía sau vườn

Con đường quê nhạt nhòa theo cát bụi
Lãng đãng nhìn khuất lấp bóng mây che
Trời tháng chạp hay tháng giêng cũng vậy
Nói hết lòng em đâu có chịu nghe

Anh ngồi đây ôm nỗi buồn sớm tối
Nghe hàng cây đan rể nhớ thương và ...
Quê Ngoại tháng giêng tàu về hay trễ
Chuyến đi chiều em có đợi ai không

Anh nhớ quá đem tuổi mình ra đếm
Đâu còn thơ để mẹ bế ngoại bồng
Em có nghe lời tháng giêng vẫy gọi
Chuyến tàu chiều ga vắng mỏi mòn trông

                                            Sĩ Chương
                                               9/2002

READ MORE - NỖI NIỀM - Thơ Sĩ Chương