Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, September 20, 2016

ĐÊM PHAN THIẾT - Thơ Nguyễn Khôi


       
                         Nhà thơ Nguyễn Khôi


                   
Lời dẫn : Ngày 30/4/1975, Sài Gòn - VNCH thất thủ, Nguyễn Khôi còn đang ở trên Sơn La, ngày 15/41984 về Hà Nội, ngày 19/9/1986 đi Liên Xô học Quản lý Kinh tế...mãi tới 1993 mới biết Sài Gòn, ngày 8/6/1993 ra Phan Thiết : được 2 người bạn là Mã Điền Cư (người Chiêm Thành), & Tu Prông Nym (người K'Ho trên Đà Lạt) đưa đi chơi  "Quán Cây Phượng ", là dân Cộng sản Bắc Việt, lần đầu tiên biết thế nào là "ăn nhậu", trong cơn say, cảm xúc xuất thần viết bài thơ "đêm Phan Thiết", sau đó một thời gian về Hải Phòng (quê vợ) có tặng Nhà thơ Nguyễn Lâm Cẩn (bạn dạy học với cậu em vợ), anh Cẩn có bài họa "Gửi Người  Thơ Phan Thiết" khá cảm động...đến nay đã trên 23 năm, xin đăng để các Bạn Thơ cùng đọc cho vui :

ĐÊM PHAN THIẾT
(Tặng Mã Điền Cư & Tu Prông Nym)

Đêm Phan Thiết biển thì thầm to nhỏ
Ta tựa kề bên Phượng uống lân khân
57 năm xưa Hàn Mạc Tử
Lầu Ông Hoàng kia ngồi với Mộng Cầm.
Trăng như thể thương ai đương cầu nguyện
Tháp Chàm xưa NÀNG đã vắng lâu rồi
Ta ngồi đây uống Bia và giãi Nguyệt
Hoa Phượng buồn rơi lệ ướt đằm mội.
Ta như thể Thi nhân cuồng thời thế
Vận đỏ đen như một cốc Bia tràn
Bao mộng tưởng phút tàn như bọt bể
Hận ly tình theo Vương Quốc rã tan.
Người yêu dấu ở Đô thành ánh sáng
Ta đến đây dạo gót xứ Chiêm Thành
Cát và trăng hóa biển thuyền mộng ảo
Chơi mùa trăng rượt sóng xứ dừa xanh.
Thôi rồi lại nhâm nhi ngồi với bạn
Đĩa Cua rang, Mực nướng nhắm mặn mòi
Thằng dân biển, thằng biên thùy xứ Thượng
Tính hào hoa về đất nắng quậy chơi.
Đêm Phan Thiết, ta là chàng lãng tử
Mắt say quàng cảm vẻ đẹp của trăng
Nghe "em" hát nhớ một thời chinh chiến
Những mảnh đời vô chợ để mần ăn.
Đọc Thơ thấy cái điên chàng Thi sĩ
Tâm hồn ư ? Ai buôn bán bao giờ
Muốn say khướt phải có gì cầm cố
Thơ là hồn !
              Ai nào chịu mua Thơ !
Một thằng xỉn
               một thằng như cà chớn
(hai két Bia cả nửa năm lương)
Đêm nay Tử nếu hóa thân hoàn vũ
Sông Cà Ty mình trút gửi linh hồn.
Còn Phan Thiết,ôi đẹp tươi Phan Thiết
Ôi Thi nhân - chàng đã biệt lâu rồi
Lầu Ông Hoàng trơ nền đồi giãi Nguyệt
Hoa Phượng ngời
                    trên biển dật dờ trôi...
              
                  Phan Thiết 8/6/1993
                   NGUYỄN KHÔI

READ MORE - ĐÊM PHAN THIẾT - Thơ Nguyễn Khôi

DẤU XƯA VÀ NHỚ… - Thơ Lê thị Tâm Thu






DẤU XƯA VÀ NHỚ…

Bâng khuâng tìm về mùa cũ
Phượng xanh sau giấc ngủ dài
Hạ trôi, thu bừng sắc nhớ
Chim cười rộn rã sớm mai

Nắng mưa - con đò thời gian
Chốn xưa, bao người trở lại?
Thuyền vẫn thủy chung bến bãi
Làm người đưa khách sang sông

Con như chiếc lá xuôi dòng
Mải mê đua chen cuộc sống
Dư âm vọng vang tiếng trống
Cúi đầu nhận lỗi hư không…

                 Lê thị Tâm Thu     
        
 .....................

Địa chỉ: Lê thị Tâm Thu
15B. Đội Cung. Phan Thiết
ĐT:062.3602789

READ MORE - DẤU XƯA VÀ NHỚ… - Thơ Lê thị Tâm Thu

“DẠY THÊM, HỌC THÊM". CHUYỆN SAO NÓI MÃI! - Hoàng Đằng


         
                             Tác giả Hoàng Đằng 


      “DẠY THÊM, HỌC THÊM". CHUYỆN SAO NÓI MÃI!


      Cứ đến mùa khai giảng, chuyện “học thêm - dạy thêm” lại rộ lên trong các nghị trường – quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp -, trên báo chí với cách nhìn tiêu cực. Nghĩ cũng nực cười!
Vì sao vậy? Vi phạm luật pháp ư! Vi phạm đạo đức ư!

     Dù tuổi đã cao, lại không dính líu gì đã lâu với nghề dạy học, rảnh rỗi, tò mò, tôi cũng muốn phân tích “rõ” chuyện này – “rõ” là theo sự hiểu biết của tôi. Mời các bạn xem nhé!

     Do xã hội quá chuộng kim tiền, ai cũng muốn giàu có để được trọng vọng. Người đi xe đắt tiền, ở nhà cao đẹp được ngưỡng mộ hơn người đi xe rẻ tiền, ở nhà đơn sơ; vậy nên nhà nhà, người người lo làm sao để có nhiều tiền, bất kể phương tiện làm ra tiền chính đáng hay bất chính. Nhà nông thâm canh đất, thầy thuốc “thâm canh” bệnh nhân, nhà buôn “thâm canh” khách mua và hàng hóa - hàng hóa trộn giả vào thật, buôn gian bán lận; quan lại “thâm canh” nhân dân – khó dễ trong công việc để đòi hối lộ … Vậy thì thầy cô cũng “thâm canh” học sinh – mở lớp dạy thêm khi có thời cơ.
        Mà đúng vậy, việc gì cũng cần gặp thời cơ thì mới có kết quả.
     Trước đây, lúc còn đói kém, chuyện “dạy thêm” có làm cũng không có người “học thêm”. Thời ấy, mức thu nhập hầu hết các gia đình thấp, phải dành ưu tiên cho những chi tiêu thiết yếu; ngân khoản đâu mà thuê thầy dạy thêm! Học sinh, ngoài việc học ở trường, phải phụ giúp gia đình kiếm thêm thu nhập “sáng đi trường, chiều lại theo trâu” (thơ Tố Hữu), thế thì còn thời gian đâu để đi học thêm! Hơn nữa, kinh nghiệm rành rành là người có học cao ra đời làm những công việc bằng trí óc được trả lương  “bèo” hơn những người ít học làm những công việc bằng chân tay. Việc học không quý, thì đi học bình thường còn chưa thấy thích thú, huống hồ học thêm!

      Mấy năm trở lại đây, kinh tế từng gia đình, nói chung, khá lên. Nhiều công việc đòi hỏi trình độ học vấn cạnh tranh khi tuyển dụng. Nhiều bậc cha mẹ muốn con cái mình học tập tốt để khi ra đời có công việc tốt. Và nhu cầu học thêm bắt đầu có.
      Lại thêm, đời sống quá thiên về vật chất khiến người ta đua đòi, luôn muốn trội hơn người để khoe khoang; gặp nhau, người ta khoe đủ chuyện – khoe nhà mới xây đẹp hơn, xe mới sắm đắt giá hơn, lương mới tăng nhiều hơn, lẽ dĩ nhiên, không quên khoe con xếp hạng “giỏi” – hơn những học sinh khác - ở lớp, ở trường. Từ đó, nhu cầu “học thêm” phát triển, việc “dạy thêm” sinh sôi nảy nở. Đó là dấu hiệu bề ngoài của một xã hội hiếu học; đáng mừng! Học ngày chưa đủ tranh thủ học đêm, dạy ngày chưa đủ tranh thủ dạy đêm.

      Khổ nỗi là việc học thêm tràn lan gây phiền hà khiến nhiều người nhìn việc ấy theo hướng tiêu cực.
      Hãy xem! Trong các môn học, có môn rất cần học thêm, có môn không cần học thêm hoặc ít cần mà học sinh lại phải đi học môn này ở thầy này rồi học tiếp môn kia với cô nọ. Học sinh trong độ tuổi phát triển toàn diện cần sự cân bằng giữa học và chơi, vậy mà chúng không còn thời gian chơi đùa giải trí để phát triển thể chất và tâm hồn, đến nỗi có em trông yếu đuối về thể chất, biến dạng về hình hài, trí óc thụ động, chậm chạp trong suy nghĩ khiến sức sáng tạo thui chột.
      Năng khiếu truyền đạt, kiến thức chuyên môn, môn học muốn dạy của thầy cô dạy thêm không như nhau dẫn đến lớp dạy thêm của thầy này thu hút nhiều học sinh, lớp dạy thêm của cô kia ít hay thậm chí không có học sinh; rồi còn những thầy cô chuyển qua làm việc văn phòng không dạy thêm được. Từ đó, sự chênh lệch mức thu nhập giữa các thầy cô tạo ra sự so bì, có khi dẫn đến sự khiếu nại ngấm ngầm hay công khai.
      Một số thầy cô mở lớp dạy thêm không thu hút được học sinh, bày ra cách o ép học sinh phải học thêm với mình, có học thêm với mình mới được điểm cao, xếp loại giỏi ở lớp. Các thầy cô này làm cho nghề dạy học biến thành nghề trấn lột học sinh. Do đó, dư luận xem trường học như một nơi thầy hành hạ trò, thầy bóc lột trò, chứ không phải nơi giáo dục!
     Ngoài ra, sự học thêm tràn lan khiến phụ huynh học sinh phải trả một ngân khoản lớn; mất tiền sinh ra bất mãn, họ than phiền tạo ra dư luận không hay, rối tai các cấp có thẩm quyền.

      Tuy nhiên, “dạy thêm – học thêm” cần nhìn theo chiều hướng tích cực.
      Trong xã hội hiện tại, phần đông người lao động phải làm thêm giờ, thêm việc mới đủ trang trải nhiều chi phí cho cuộc sống nặng thói đua đòi. Thầy cô cũng vậy. Trước đây, trong thời kinh tế khó khăn, để tồn tại, ngoài lên lớp, thầy cô ở nông thôn phải làm thêm ruộng, chăn nuôi gia cầm gia súc, mò đam, bắt ốc; ở thành thị, phải buôn bán lặt vặt, chạy xe ôm, thậm chí ghi số đề, chủ hụi … Bây giờ, đời sống xã hội khá lên, xã hội có nhu cầu học thêm, thầy cô dạy thêm là đáp ứng nhu cầu ấy một cách chính đáng, hợp lý; chả lẽ việc đáp ứng nhu cầu ấy lại dành cho những người không được đào tạo sư phạm, không có kiến thức chuyên môn chuẩn!
      Thầy cô dạy thêm tức là thêm cơ hội  trau dồi nghề nghiệp. Giá như họ chọn một việc làm thêm khác mà hình thức và nội dung trái ngược với nghề dạy học, thì việc ấy không những bào mòn tay nghề, có khi còn đánh mất tư cách và thiên chức nhà giáo, đánh mất sự kính trọng từ cộng đồng.
       Mức phổ cập giáo dục hiện nay cao; Việt Nam đã qua giai đoạn phổ cập trung học cơ sở từ năm 2010. Nhà nhà có trẻ đi học; do chỉ số thông minh (IQ) mỗi trẻ mỗi khác, nội dung nhiều môn học ở lớp càng cao càng tế vi; nhiều điều thầy cô nói một lần học sinh này đã hiểu mà 10 lần học sinh kia chưa hiểu. “Dạy thêm – học thêm” là cơ hội để những học sinh chậm tiếp thu thấu hiểu vấn đề hôm nay để bước vào vấn đề mới ngày mai; không “dạy thêm – học thêm”, số học sinh mất căn bản trong lớp sẽ càng ngày càng nhiều, việc dạy, việc học chính khóa sẽ không có hiệu quả.
       Xã hội bây giờ ít có những sinh hoạt vừa vui chơi vừa học làm người cho trẻ. Đoàn thanh niên, đội thiếu nhi, hướng đạo, các tôn giáo … đều hoạt động yếu hoặc không hoạt động trong lãnh vực này. Trẻ phần lớn lại không được phụ huynh chăm nom, hướng dẫn, quy định giờ học, giờ chơi, giờ giúp việc gia đình … Các em rảnh rỗi chúi đầu vào trò chơi điện tử mà chưa phân biệt được trò chơi nào là tốt, trò chơi nào là xấu; đa số các em thường thích những trò chơi mang tính bạo động, thậm chí có em rảnh rỗi giao tiếp với bạn xấu, bị đưa đẩỷ sa ngã vào nghiện ngập ma túy. Như thế, “dạy thêm – học thêm” cần có như một sinh hoạt để choán hết thì giờ nhàn rỗi của trẻ, xem như phương cách bù những lỗ hỏng giáo dục mà đáng lẽ gia đình và xã hội phải lấp đầy.
       Đã rõ “dạy thêm – học thêm”, nếu làm đúng, có ích, lại không vi phạm pháp luật, không vi phạm đạo đức thì đáng nên khuyến khích, không có chi phải cấm đoán.
       Những ai lợi dụng việc “dạy thêm – học thêm” để “trấn lột” học sinh bằng cách ép học sinh phải đi học thêm với mình hoặc lấy thù lao quá cao thì chính quyền phải công minh xem xét mà “sờ gáy” uốn nắn.
      Còn phụ huynh học sinh và học sinh nên suy nghĩ kỹ cần học thêm những môn gì, chứ không phải học thêm những môn không cần thiết, để rồi tốn tiền nhiều dẫn đến than phiền việc “dạy thêm – học thêm” một cách vô ý thức.
       Nên nhớ rằng những thầy cô dạy thêm mà được đông học sinh mến phục là những người có tài; tài năng cao thì tài lộc cao; chuyện chính đáng thôi!
       Không biết trên thế giới có nước nào nói hoài, nói mãi việc “dạy thêm – học thêm” như nước ta không? Mong rằng từ nay về sau đừng đem chuyện “dạy thêm – học thêm” ra nói nữa! Vừa tội nghiệp vừa ôốc dôộc!

                                                             Hoàng Đằng
                                                       20/9/2016 (20/8/Bính Thân)

READ MORE - “DẠY THÊM, HỌC THÊM". CHUYỆN SAO NÓI MÃI! - Hoàng Đằng

EM ĐI RỒI - Thơ Kha Tiệm Ly


 


EM ĐI RỒI

Chưa cạn chén tình đã trở thành tri kỷ,
Mà lỡ sai cung nên đàn khảy biệt ly sầu.
Dẫu vạn lần yêu nhưng kiếp nầy không nợ,
Thì bến Nại Hà xin hãy chờ nhau!

Mây trường sơn nghìn năm vời vợi,
Nước trường giang bên lở bên bồi
Mây nước mông lung, khi dời khi đổi,
Tôi vẫn thương người hơn cả thương tôi!

Lệ nào em khóc vui ngày cưới
Rớt xuống lung linh chén rượu đào.
Lệ nào em khóc lần hôn cuối,
Rớt xuống đời ta bao đớn đau?

Em đi mang hết bao duyên nợ
Để lại làm chi ánh mắt buồn?
Em đi hương tóc vờn theo gió,
Để lại làm chi sợi nhớ thương?

Đã lụn tàn rồi bao ước mơ,
Thì nói làm chi chuyện đợi chờ?
Ta còn sợi tóc trên vai áo,
Em vội vàng quên để lại câu thơ!


                            Kha Tiệm Ly

READ MORE - EM ĐI RỒI - Thơ Kha Tiệm Ly