Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, September 12, 2016

NGỦ ĐI... ĐÊM ! - Thơ Trần Mai Ngân





NGỦ ĐI... ĐÊM ! 

Ngủ đi... đêm dài sâu
Tìm giấc mơ nhiệm mầu
Để ta là của nhau
Quên đi ngày buồn qua ..

Mắt ngoan đừng nhạt nhoà
Khép hờ cho mộng mị
Giọng hát Khúc Thuỵ Du
Đưa nhau vào đêm Thu 

Ngủ đi hai bàn tay
Đừng mời mọc... tàn phai
Môi run nét trang đài
Ai tìm ai, tìm ai...

Ngủ đi, ngoan, nào ngoan
Đêm bước sắp sang ngày
Mộng vẫn còn đang say
Sao tay buông... bàn tay ! 

            Trần Mai Ngân

READ MORE - NGỦ ĐI... ĐÊM ! - Thơ Trần Mai Ngân

CHƠI HỒ ĐẠI LẢI - Thơ Nguyễn Khôi


       
                         Nhà thơ Nguyễn Khôi

          

CHƠI HỒ ĐẠI LẢI 
(Tặng bạn thơ Nguyễn Lâm Cẩn)
                 
Thu đến, Thi nhân chơi Đại Lải
Sớm mai vãng cảnh lướt mặt hồ
Tam Đảo mịt mùng mờ sương khói
Nghe tiếng Ngỗng trời, lạ, - ờ thu...
                      
Người ngọc Thủ Đô lên đảo Ngọc
Xông xênh váy áo gió trêu ngươi
- Cứ ngỡ Tây Hồ cùng Tây Tử (1)
Thả cái "lá Trời" (2) giỡn mây trôi...
                      
Đời vui tiên cảnh nơi trần thế
Nghiêng chén rượu thơm rót xuống hồ
Ngọt cả môi hôn duyên mới mẻ
Ngân tiếng chuông chùa vọng tiếng Thơ...

                                 Đại Lải 6/9/2016
                                 NGUYỄN KHÔI
----

(1) Thơ Tô Đông Pha 
(2) "Lá Trời" thơ Lê Thị Kim

READ MORE - CHƠI HỒ ĐẠI LẢI - Thơ Nguyễn Khôi

BÀI THƠ THÁNG 9 / Nguyễn Thị Giáng Châu

Tác giả N.T. Giáng Châu


Nguyễn Thị Giáng Châu

Bài Thơ Tháng 9

Bài thơ tình này em viết cho ai
Cho ai đọc? Chao ôi! Biết ai đọc
Trời tháng 9 nghe rã rời phận bạc
Nỗi u buồn càng đơm nhánh mọc gai

Em gọi ai? Giờ em biết gọi ai
Ai nghe được lời vô ngôn tĩnh lặng
Ngõ nghách tâm hồn buốt đau từng chặng
Thời gian đi hái hết mớ xuân thì

Em đứng nhìn mùa thu lặng lẽ đi
Có chiếc lá lìa cành chưa kịp thắm
Em gọi anh – anh không tên tháng 9
Anh có nghe lệ em rớt cuối mùa?

Xin nhặt giùm em chiếc lá thu phai
Chưa kịp thắm về hong tình tuổi mộng
Ơn biết bao trong lặng yên tỉnh thức
Anh lắng nghe âm ngữ cửa hồn chìm

Bài thơ này em viết bằng con tim
Của thân phận cánh phù dung đỏ sẩm
Anh ở đâu? Hỡi anh chưa từng gặp
Nắng hồng hoang còn tĩnh tại hồn anh ?

Hãy chia em bớt một chút lung linh
Em trang điểm mắt môi vui phận bạc
Đường duyên phận hẳn em đang đi lạc
Níu giùm em thời gian vụt tuổi trời

Chỉ có anh, và chỉ có anh thôi
Đưa em khỏi bể phù trầm lặn ngụp
Anh tháng 9, anh vô danh chưa gặp
Em chờ anh trên đỉnh ngọn tình buồn

Hoàng hạc về vỗ cánh gọi yêu thương
Mùa thu lại mang sắc màu kỳ ảo
Bài tháng 9 sẽ đổi cung giai điệu
Hỡi anh yêu, anh tháng 9 vô danh ! ! !

NTGC
(Gò Vấp)
<chau16873@gmail.com> 
READ MORE - BÀI THƠ THÁNG 9 / Nguyễn Thị Giáng Châu

ĐỪNG ĐỂ TÌNH ... VUỘT BAY / thơ Đan Thụy

Tác giả Đan Thụy


Đan Thuỵ

ĐỪNG ĐỂ TÌNH ... VUỘT BAY 

Nhẹ nhàng con gió thoảng
Lá me hờn tóc thơm
Đóa thời gian em nhặt
Nuôi chút tinh lớn khôn

Nắng lụa vương tơ trời
Hoàng hôn mong manh quá
Bước chân trên phố lạ
Nỗi niềm... rồi cũng qua

Câu thơ người theo gió
Vỡ giọt buồn trên môi
Tay dấu đi miền nhớ
Một chuyện tình xa xôi

Bình minh về ngang phố
Bước chân sương ngậm ngùi
Hạ về đâu trong mắt
Tình yêu đầu của tôi

Ở hai bên miền nhớ
Mưa trắng... đời chơi vơi
Người ơi!  Xin hãy cố
Đừng để tình ... vuột bay

ĐT
READ MORE - ĐỪNG ĐỂ TÌNH ... VUỘT BAY / thơ Đan Thụy

DẤU ẤN / thơ Trương Thị Thanh Tâm

Tác giả T.T. Thanh Tâm


DẤU ẤN 

Tháng năm chờ đợi đã qua rồi 
Dẫu còn thương nhớ cũng đành thôi 
Đò ngang hai bến duyên tình muộn 
Nặng nợ bôn ba một nửa đời 

Trăng tròn rồi khuyết bên màu tóc 
Bến đợi thuyền đi quá xa xôi 
Men say đầy ắp trong mê tỉnh 
Thức giấc còn đâu tủi phận người 

Tình đã qua rồi cơn bão lửa 
Lặng im con sóng nhớ ngày xưa 
Giấc mơ mộng ảo trôi đi mất 
Giữ lại tình yêu biết đủ chưa 

Mười năm còn đọng miền ký ức 
Dấu ấn màu son trong trái tim 
Muốn quên sao lại càng thêm nhớ 
Tình đã xa rồi tôi với đêm 

Men đắng chưa vơi niềm tâm sự 
Người đi còn nhớ dấu son môi 
Đời chia hai ngã vầng trăng khuyết 
Gối mộng phù du tiếc nửa đời.
         Trương Thị Thanh Tâm 

                 Mỹ Tho
READ MORE - DẤU ẤN / thơ Trương Thị Thanh Tâm

MUÔN THUỞ DẤU YÊU / thơ Trúc Thanh Tâm

Tác giả Trúc Thanh Tâm

 MUÔN THUỞ DẤU YÊU

 Khi vạn vật thèm yêu và sống
 Khi lòng người còn lắm nông, sâu
 Bước thời gian chạm từng mảnh vỡ
 Chốn tâm linh khép, mở nhiệm mầu!

 Cõi tạm trú, cuộc chơi phù phiếm
 Bến cuộc đời bồi, lở em ơi
 Ta bước lên hay đang bước xuống
 Giữa trầm luân nhặt lấy nụ cười!

 Mùa hạnh phúc màu trăng huyền dịu
 Tình mẹ, cha hòa nhịp bao dung
 Đất nước ơi, lời ru chan chứa
 Khúc ca dao mộng ước tương phùng!

 Rượu trăm năm mời muôn năm cũ
 Lệ nghìn thu rớt xuống trăm năm
 Ta gom yêu dấu vào muôn thuở
 Cám ơn đời còn có tri âm!

 TRÚC THANH TÂM
  (Châu Đốc)


READ MORE - MUÔN THUỞ DẤU YÊU / thơ Trúc Thanh Tâm

LAN MAN BUỔI GIAO MÙA / thơ Nguyễn Văn Gia


Tác giả Nguyễn Văn Gia


LAN MAN
BUỔI GIAO MÙA


Hết hạ chí
Đến thu phân
Và mùa xuân nữa 
Như gần
Như xa
Ngày đi 
Cơn gió thoảng qua
Làm sao níu nhánh mây xa cuối trời
Dỗ mình
Hãy lãng quên thôi
Mắc chi thiên hạ
Rối bời lòng ta
Cảo thơm
Giờ lắm quỷ ma
Tưởng hiền con chữ
Hóa ra cơ cầu
Trốn đi đâu
Trốn vào đâu
Tầng tầng địa ngục
Trên đầu 
Dưới chân ...

Nguyễn Văn Gia  
READ MORE - LAN MAN BUỔI GIAO MÙA / thơ Nguyễn Văn Gia

NHỮNG BÀI THƠ THÁNG 9 MÙA THU / Phan Nam


Tác giả Phan Nam



Phan Nam 

Những Bài Thơ Tháng 9 Mùa Thu


LÀM TÌNH

những con tinh trùng
làm tình làm tội
sau cơn say
những đứa trẻ ra đời

chúng lớn lên như cây như cỏ
chúng bám víu trần gian
nghe giọt nước mắt chảy ngược
nghe mái ấm hoang tàn

những giấc mơ man dại
ngắm nghía vẻ mặt kham khổ của người đàn bà
trong phút giây thoát xác
những khúc ca phơi mình dưới ánh chiều tà

người đàn ông ra đi không bao giờ ngoảnh mặt lại
giọt máu cằn khô
bên tổ mối đục khoét nguồn cội
hạnh phúc ăn mòn đế giày


CÓ NHỮNG CON ĐƯỜNG TRONG THÀNH PHỐ

tia nắng ngày mới gọi bình minh thức dậy
cuộc sống mưu sinh giục những đôi chân thức dậy
buổi sáng mở mắt ra đường
bỗng thấy phía trước bị chặn
để phục vụ thi công

những chiếc xe chạy toán loạn
người người nhào nháo trong khí thải
cái nắng càng lúc càng bỏng rát...

ơ kìa
đường một chiều
không được đi vào
ơ kìa
có đèn đỏ
buộc phải dừng lại
thành ra
người xe cứ nối đuôi nhau nhích từng chút, từng chút
con đường oằn lưng gánh áp lực
chúng chẳng thể phình to ra
bởi vì phương tiện quá đông
đang diễm lệ nhảy múa như bầy chuột sinh sôi

có lúc người ta giật mình
gọi nhau ú ớ
ơ kìa, có những con đường trong thành phố
(Đà Nẵng, ngày 9.9.2016)


CÓ TIỀN MỚI MUA ĐƯỢC CƠM

quê nhà làm ruộng bậc thang
muôn đời cầm cuốc
muôn đời cong lưng
cho con lên thành phố trọ học

những đứa con vẫn mơ giấc mơ giảng đường
mùa giáp hạt mắt mẹ rưng rưng
rơm rạ thao thức
đứa con trai làm biếng nấu ăn

cầm tiền ra quán
mua dĩa cơm 15 ngàn đồng
có khi nào nhớ chén cháo trắng
nuôi mẹ lớn khi bà ngoại qua đời

đứa con bỏ quên câu ca dao cổ tích
trong vạt áo mẹ gầy
mùa giáp hạt cầm đồng tiền mẹ gửi
chắp cánh những giấc mơ chưa thành lời


HÀNG RÀO

những đứa trẻ
được chăm sóc phía sau hàng rào sắt
những hàng rào ẩn hiện trong ánh mắt
hỏi rằng cha mẹ nơi đâu

có thể, họ người làm công chức, người là doanh nhân...
có thể, họ kiếm được rất nhiều tiền
và không có thời gian
để chăm sóc con
cũng may còn có buổi tối
nếu không có bè bạn nhậu nhẹt tụ hội
những đứa trẻ nơi đô thành
cứ ngỡ cuộc sống hoa lệ
bầu không khí sặc mùi kinh tế
hít thở những cái bắt tay của thể chế

chúng lớn lên như ngục tù
tuổi thơ giam cầm sau những hàng rào sắt
nhìn bề ngoài tưởng rất tốt
nhưng trái tim rỗng một nỗi buồn
đôi lúc ngơ ngác
thả nụ cười theo ánh bình minh

hàng rào sắt vẫn im lặng
sự im lặng đến ngột thở
sự im lặng trôi qua từng giờ
của những đứa trẻ không có tuổi thơ...

Phan Nam


READ MORE - NHỮNG BÀI THƠ THÁNG 9 MÙA THU / Phan Nam

THƯƠNG HOÀI LÁI THIÊU / nhạc và lời Trầm Thiên Thu

READ MORE - THƯƠNG HOÀI LÁI THIÊU / nhạc và lời Trầm Thiên Thu

ĐI QUA THỜI CON GÁI / chùm thơ Lê Thanh Hùng

Tác giả Lê Thanh Hùng


Đi Qua Thời Con Gái


Này em, hãy lắng nghe
Lời thì thầm vụng dại
Trôi qua thời con gái
Hoa cúc vàng chở che
             *
Đâu tận cùng mùa thu?
Hoài mong, trong gió bấc
Xốn xang và tất bật
Chìm trong dấu sương mù
             *
Có còn nhớ không em?
Dốc cát trôi dốc nắng
Chói chang chiều sâu lắng
Thư tình vội mở xem
              *
Sắp ngữa đời, hồn nhiên
Đi qua miềm hoan lạc
Mắt xanh tròn, ngơ ngác
Dung hợp cõi vô biên
              *
Se thắt, một tuổi nào
Đẩy đưa điều mong muốn
Trôi qua thời xuân muộn
Còn vương đọng, ngọt ngào ...

LTH



Về Nơi Giấu Tuổi Của Mình


Em chở cá qua cầu Hòa Phú
Dốc cầu cong trên bến đò xưa
Dòng sông Lũy đục dòng, tràn lũ
Lợn cợn chiều, đâu tiếng đò đưa?
                     *
Anh về quê, mà như khách lạ
Lạc nhà em, luẩn quẩn tìm đâu?
Nghe xao xác, bến chiều, chợ cá
Con nước rong, chảy xiết qua cầu
                      *
Hàng phi lao, giật mình đau đáu
Bao nhiêu năm vẫn cứ rì rào
Chỉ có hàng dừa xuôi tàu, già lão
Cũng như anh, khắc khoải, hanh hao
                      *
Chợ tan, không kịp vén tóc xòa
Em ơi! Mình đâu còn trẻ nữa
Gió nam non, thổi từ phía cửa
Dưới chân cầu, trôi nổi phù hoa ...

LTH



Lặng Lẽ Chiều Phan Thiết


Cơn tố bấc
Xô nghiêng
Chiều Phan Thiết
Sóng vô tình
Lặng lẽ
Cuốn bờ em
Nước mắt rơi
Chập chờn
Đêm giã biệt
Ba mươi năm
Còn thấm đẩm
Quanh rèm ...

Lê Thanh Hùng
huyện Bắc Bình, Bình Thuận


READ MORE - ĐI QUA THỜI CON GÁI / chùm thơ Lê Thanh Hùng

ĐÔI ĐIỀU CẢM NHẬN HAI TẬP THƠ “LƯU BÚT MÙA HẠ” VÀ “THƠ TÌNH TUỔI 30” CỦA NHÀ THƠ - THẦY GIÁO PHAN PHỤNG THẠCH - Trần Thị Lệ Quyên





     

    
ĐÔI ĐIỀU CẢM NHẬN HAI TẬP THƠ “LƯU BÚT MÙA HẠ” VÀ “THƠ TÌNH TUỔI 30” CỦA NHÀ THƠ - THẦY GIÁO PHAN PHỤNG THẠCH
                                                                                                                                                                           Trần Thị Lệ Quyên


     Đọc “Lưu bút mùa hạ”, ta bắt gặp nỗi niềm cảm xúc của người thầy trong khoảnh khắc hạ về, bâng khuâng thương nhớ bởi giây phút chia xa những học trò thân thương. Đó cũng là sự đồng vọng, là tiếng lòng chung của những người làm nghề đưa đò như chúng tôi, khi những chuyến đò đã cập bến bờ bình yên, ta bỗng thảng thốt nhận ra chỉ còn mình giữa "sân trường nắng hạ". Và quả thực nhà thơ-thầy giáo Phan Phụng Thạch chính là người tình của "sân trường nắng hạ".
    Trong “Lưu bút mùa hạ”, nhà thơ dành cho học trò của mình những ngôn từ thể hiện tình yêu thương trìu mến: với thi nhân, tuổi học trò là tuổi thơ hồng, tuổi thơ ngây, tuổi nhỏ vàng son, thiên thần tuổi nhỏ...vì thế phải nâng niu, trân trọng. “Lưu bút mùa hạ” được viết với những lời thơ dịu dàng, dung dị, dạt dào những cung bậc cảm xúc của nỗi niềm chia tay thầy trò đầy lưu luyến, bịn rịn; đầy tiếc nuối, ngậm ngùi...
Khi nắng hạ trở về trong mắt biếc
Các em rồi trăm đứa sẽ trăm phương
Ta đứng đó giữa muôn ngàn cách biệt
Mắt rưng buồn và hồn cũng mù sương
Hình ảnh thơ với sân trường, áo trắng, hoa phượng, ve sầu...vốn đã thân thuộc, hằn sâu kí ức tuổi học trò mỗi lúc hạ về, nhưng với thi nhân họ Phan, lúc này đây dường như tất cả sự vật ấy đều chất chứa đông đầy nỗi niềm: Lối xưa giờ hoa phượng nở rưng rưng hay hoa phượng tàn theo lá – trơ lại cành khô đứng nhớ thương còn ve sầu cất tiếng hát bi thươngcon  đường đi áo trắng xôn xao...Thật đẹp, dễ thương và đáng yêu biết bao!
Và trong giây phút chia xa ấy, nhà thơ cũng không nén nổi lòng mình bởi những băn khoăn, thấp thỏm, lo âu về dự cảm ngày mai....
Rồi một mai khi mùa thu trở lại
Các em còn về với tuổi thơ hồng?
Hay cuộc chiến đưa các em đi mãi?
Và trường đời sẽ lắm núi nhiều sông
Âu đó cũng là lẽ thường tình, bởi học sinh của thầy năm xưa trưởng thành trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh, khi mà ranh giới giữa sự sống - cái chết vô cùng mong manh. Và vì thế nỗi chia xa ấy biết đâu có thể sẽ là sự chia ly vĩnh viễn.
Cùng với dự cảm chia xa, “Lưu bút mùa hạ” còn có nỗi ám ảnh thường trực của thời gian. Viết về mùa hạ nhưng nhà thơ cũng không quên khoảnh khắc mùa thu lá rụng, mùa xuân nắng ấm, hay chút lạnh lẽo của mùa đông. Trong vòng quay nghiệt ngã của thời gian, thi nhân chợt thấy mình "đã quá già", "đã mòn hao". Nếu như xưa nhà thơ Xuân Diệu sợ thời gian bởi thời gian như kẻ thù vô hình có sức mạnh hủy diệt ghê gớm, gợi sự héo úa tàn phai thì Phan Phụng Thạch cũng mang nỗi nuối tiếc ngậm ngùi trước sự thay đổi của đất trời....Nhìn vạn vật hồi sinh, mầm non hé nụ, các em vui đùa ríu rít mà thầy thoáng chút chạnh lòng buồn:
 Các em vui như một bầy chim sẻ
 Trong nắng vàng đang ríu rít đùa bay
 Ta bỗng thấy một thoáng buồn rất nhẹ
 Thoảng qua hồn như chút gió heo may
Nỗi ám ảnh bởi thời gian hay sự chia xa trong thơ, âu cũng bắt nguồn từ trái tim của một người thầy luôn trăn trở vì học sinh thân yêu. Dẫu có thương, có nhớ, có buồn đau thì nhà thơ vẫn gửi trọn lòng mình trong niềm tin yêu hi vọng về một ngày mai cây xanh sẽ đâm chồi nảy lộc.
        Rồi bên nhau các em tìm lẽ sống
        Vui xới tin yêu trên đất của lòng
        Cây sẽ xanh và đâm chồi hi vọng
        Các em cùng ta làm lớn quê hương
Cùng với trang “Lưu bút mùa hạ”, tác giả còn có Thơ tình tuổi 30.
Thế giới thơ tình Phan Phụng Thạch là tình buồn, tình cô đơn vô vọng. Nàng thơ của thi nhân là em - "nàng tiên trong câu chuyện cổ tích hoang đường", là “người tình đã bỏ ta đi”. Vì thế thơ tình Phan Phụng Thạch thấm đẫm nỗi buồn - đau - sầu – thương. Nỗi buồn lan tỏa, xâm chiếm, ngự trị, thấm sâu trong từng lời thơ. Không gian thơ ngập đầy nỗi nhớ nhung, hoài niệm. Hình bóng xưa đã thành ảo vọng, giờ chỉ còn thi nhân u hoài, đau đáu trong men tình ái phôi pha. Phải chăng nỗi ám ảnh về số mệnh, sự chia xa đã khiến nước mắt rỏ đầu ngọn bút.
    Đọc những vần thơ tình Phan Phụng Thạch, có lúc ta tái tê nỗi lòng bởi cái "lạnh" trong hồn thi nhân
Đó là cái lạnh của tuổi vàng:
        Cả một thiên đường đã vỡ tan
        Những niềm vui nhỏ cũng điêu tàn
        Đường em về có mưa trên tóc?
        Có gió mùa đông lạnh tuổi vàng?
Và cái lạnh làm hình hài hóa tượng, tâm hồn hóa đá:
       Thôi đã hết ta chỉ còn ảo tưởng
       Gọi em về ngồi khóc giữa di ngôn
       Ta bây giờ hóa thân thành dáng tượng
       Và buồn thương cũng hóa đá tâm hồn
Có lúc ta thấy mình tan biến ngập chìm trong sương khói bảng lảng mênh mông của cuộc đời. Trong bài thơ "tiễn người về Huế". Từ nỗi hoài niệm, nuối tiếc về một quá khứ vàng son của kinh thành Huế với thành xưa miếu cổ, điện đài ngai vàng, nhà thơ xót xa trước thực tại hoang sơ, lạnh lẽo. Và đằng sau đó là ý niệm về tình yêu - cuộc đời trước những biến thiên dâu bể trầm luân.
         Ta cũng như em một lòng hoài niệm
         Huế một thời của nước ta xưa
         Em thấy đó cuộc đời là dâu bể
         Ôi son vàng sao còn lại hoang sơ
Giống với Hàn Mặc Tử, thơ tình Phan Phụng Thạch có nỗi đau đớn khôn nguôi của một trái tim vỡ vụn vì yêu, có nỗi day dứt khắc khoải ...và cũng có sự vật vã quằn quại của linh hồn trong nỗi đau nhân thế. Phải chăng sự tương đồng cảnh ngộ đã tạo mối giao cảm những hồn thơ?
    Tình yêu của Phan Phụng Thạch là tình yêu dù biết chỉ là yêu em âm thầm không hi vọng  nhưng vẫn chân thành, tha thiết, đắm say. Tình yêu em hòa quyện trong tình yêu quê hương đất nước. Trong sâu thẳm tấc lòng, thi nhân luôn đau đáu được trở về quê hương - mảnh đất Quảng Trị thân yêu. Hình ảnh miền quê ấy đã có lúc hiện lên trong nỗi nhớ khắc khoải, khôn nguôi:
 Hỡi các em buổi học chiều êm ả
 Có bâng khuâng tưởng nhớ một quê nhà?
Và đâu đó còn trong cảm giác lạc loài của người con xa xứ:
         Quê mẹ đó làm sao con về được
         Bởi bây giờ bom đạn đã chia ngăn
         Ngày giỗ cha con ngậm ngùi phương lạ
         Những đau buồn trong ý nghĩ xa xăm
   Trước cảnh đau thương, tang tóc của chiến tranh, nhà thơ vẫn hi vọng, tin tưởng vào sự hồi sinh diệu kì:
         Rồi mai trở lại khung trời cũ
         Chân giẫm lên trên gạch Cổ Thành
         Giữa những hoang tàn ta sẽ nhủ
         Dù sao còn cỏ mọc rất xanh
   Thơ là sự phản ánh chân thật thế giới tâm hồn với những rung động, cảm xúc, nỗi niềm. Tiếng thơ Phan Phụng Thạch là tiếng lòng của tâm hồn anh. Cuộc đời với những mất mát, đau thương đã in dấu vào thơ khiến câu thơ trĩu nặng bởi dư lượng cảm xúc chất chứa dồn dập. Và chính trong sự tận cùng của nỗi đau là sự thăng hoa của nghệ thuật, những vần thơ vút lên diệu vợi, gửi một chút dấu ấn lòng mình giữa cõi nhân gian.
Ta trân trọng nhà thơ - thầy giáo Phan Phụng Thạch ở một tấm lòng và một tâm hồn thơ như thế!
                                                                     Trần Thị Lệ Quyên

READ MORE - ĐÔI ĐIỀU CẢM NHẬN HAI TẬP THƠ “LƯU BÚT MÙA HẠ” VÀ “THƠ TÌNH TUỔI 30” CỦA NHÀ THƠ - THẦY GIÁO PHAN PHỤNG THẠCH - Trần Thị Lệ Quyên

THU XA - Thơ Nhật Quang





THU XA

Nghe lòng rơi ngập lá vàng
Đêm Thu vướng vít trăng tàn phai phôi
Tiễn người ngàn dặm xa xôi...
Dấu yêu xưa cũng ngả rơi hương chiều
Đêm buồn chạm bóng tịch liêu
Vọng xa tiếng vạc đìu hiu cuối trời
Bờ vai buốt giá đơn côi
Tiếng đêm thinh lặng, chơi vơi trăng tà
Chiêm bao... nức nở  lệ nhòa
Chạm tay tháng 9 vỡ òa heo may
Thu sầu thoảng lạnh giăng mây
Ly bôi ray rứt, buồn lay lắt lòng
Người đi mắt ngóng đợi trông
Ấp ôm dĩ vãng - ngược dòng thời gian
Dấu chân mờ mịt quan san
Mơ mùa nắng ấm hợp hoan, xum vầy
Lối xưa kỷ niệm vương đầy
Thu xa lạc bước, trăng gầy hắt hiu.

                               Nhật Quang
                                (Sài Gòn)

READ MORE - THU XA - Thơ Nhật Quang

NGÀY GIỖ MỘT NHÀ THƠ - Hồi ký của Lâm Bích Thủy



                Gia đình nhà thơ Yến Lan


       NGÀY GIỖ MỘT NHÀ THƠ


Cứ mỗi độ rằm trung thu sắp đến thì mẹ tôi chộn rộn, luôn miệng nhắc nhỡ các con về ngày làm giỗ cho cha. Không biết ngày giỗ năm nay (vào đúng rằm trung thu 15/8/ âm còn dương là 5/10) mẹ còn nhớ được để nhắc con cháu nữa không?! bởi bà đã già lắm rồi, bà đã đi qua 94 mùa thu trên cõi trần đầy trầm luân này. 
Còn chúng tôi, là con thì làm sao mà quên được ngày giỗ cha mình, nhưng nếu được  mẹ nhắc vẫn hơn, vì như thế có nghĩa là chúng tôi vẫn còn trụ cột để dựa.
Trong hơn 60 năm làm đời thi sĩ, cùng thời với Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Chế Lan Viên… nếu kể về công và tâm huyết thì ba tôi không thua kém ai về tri thức, về tài năng trong nền văn học cho quê hương và đất nước. Chính ba tôi cũng tự thấy điều đó; lúc ốm nặng, biết qũi thời gian của mình không còn nhiều, ông gọi hai chị em gái chúng tôi lại: “Riêng hai con là phận gái ba mới nói điều này, ba nghèo không có gì để lại cho hai con…nhưng bù lại, suốt đời ba đã phấn đấu, đến giờ các con có quyền tự hào-mình là con của một người làm thơ biết tự trọng và khiêm tốn. Điều này còn quí hơn tiền bạc, nhà cửa”.        
Thực ra, chúng tôi rất tự hào về người cha thi sĩ của chúng tôi.. Bởi vì hai đức tính này nghe thì rất bình thường, nhưng đã mấy ai làm được, nhất là vào những thời điểm mà chân giá trị đích thực của con người chưa được đặt đúng vị trí.
Dẫu ngoài đời ông được giới văn chương, và người yêu thơ kính nể về đức, ái mộ về tài, song quyền lợi mà ông được hưởng ở chính nơi sinh ra ông không được may mắn và người. Vì sao lại vậy?!: Cũng có nhiều người hỏi như vậy mà chẳng ai trả lời được. Vì vậy, người thân của ông cứ phải thương, tiếc nỗi bất hạnh của ông.mãi…!
 Chết rồi thì nằm đâu chẳng được, miễn có nơi. Đó là nghĩa trang ở Huyện, nay là thị xã rồi. Xét ra, như vậy quê hương cũng có đôi chút ưu ái cho nhà thơ rồi; còn nếu đem so sánh với cụ Phan Khôi thì ba tôi hơn hẳn còn đòi hỏi gì nữa!…
Nhưng giá như bức điện này đến sớm hơn :
“Chúng tôi được biết, trước khi mất, nhà thơ Yến Lan có để lại một di chúc và tỏ ý mong muốn về nơi an nghỉ cuối cùng. Chúng tôi kính mong các đồng chí giúp đỡ để ý muốn cuối cùng của nhà thơ xuất sắc của chúng ta được toại nguyện.”  
                                                          (Nguyễn Hữu Thỉnh)         
Nội dung bức điện khiến tôi tiếc từ bấy đến giờ! Song, nếu điện của ông Nguyễn Hữu Thỉnh–Chủ tịch Hội nhà văn VN đến sớm hơn thì liệu có tác dụng gì đối với các nhà lãnh đạo trẻ trung của quê hương Bình Định tôi “Vua cũng thua lệ làng” mà!!!
Nhà thơ Chế Lan Viên từng tâm tình với bạn văn «Chính Yến Lan đã dẫn dắt tôi vào làng thơ.. » điều đó càng chúng tỏ suy nghĩ của tôi càng đúng « Ba tôi là người luôn luôn đi trước nhưng mãi về sau ».
Mấy tháng trước khi ba tôi còn tại thế, cả ông và tôi nghe mọi người bàn tán về nơi dành cho nhà thơ cuối cùng của Tứ Hữu Bàn Thành. Người này bảo « Họ sẽ đưa ông vào nghĩa trang tỉnh ở Qui Nhơn, người kia nói “Họ sẽ đặt ông cạnh Hàn Mặc Tử, để sau này nếu thuận lợi sẽ qui tụ toàn bộ “Tứ Linh” về nơi này, lập nên “Đồi thi nhân trong quần thể du lịch của Thành phố biển v.v…”.
Những gì nghe được tôi đều mừng cho ba tôi. Nếu ít ra, được nằm ở nghĩa trang tỉnh thì ông đỡ quạnh hiu, hoặc giả sử được nằm cạnh ông Hàn, ở đấy, hàng ngày khách du lịch viếng thăm; tiện thể, thắp cho Hàn Mặc Tử (gốc người Đồng Hới Quãng Bình) nén tâm hương, cũng không nỡ quên thắp cho Yến Lan (sinh tại thị trấn An Nhơn Bình Định) nén hương ấm cúng! Nhưng thực tế không diển ra như vậy ?!
 Sự lạnh lùng này, âm thầm gặm nhấm lòng con cháu ông đến tận giờ. Có lẽ ông Trời muốn ông phải luôn đi trước và mãi mãi về sau chăng ?!…”
Ngày ba tôi mất, chúng tôi ở xa, chỉ nhờ con, cháu cô Ba Đen giúp hết mọi việc. Tôi về tới nhà thì mọi việc đâu vào đó : Quan tài ba đặt ở giữa phòng khách, trưởng nam của gia đình tôi. Trên quan tài có ba cây nến to, đặt ở đầu, giữa và cuối, đang leo lét cháy !
Ngoài con, cháu, thời gian trôi trôi qua khá lâu mà chẳng thấy người của chính quyền huyện nào đến chia buồn cả! Quang cảnh lễ tang thật buồn! Nỗi đau trong lòng tôi tràn ra khóe mắt!
 Ba đi xa thật rồi! lặng lẽ và cô liu như cái “Bến My Lăng” má trong thơ ông có dự báo; Đó là trong đêm vắng, trên bến sông,  chỉ mình chàng kỵ mã trơ trọi đứng gọi đò vậy thôi!…
 Tôi bùi ngùi nhớ về lễ tang cha mẹ của bạn ở thành phố; hết đoàn ra lại đoàn vào. Còn ba tôi, dù sao ông cũng là nhà thơ lớn, là người đã bằng văn chương của mình làm rạng danh cho quê hương xứ sở Bình Định bằng bốn bài thơ với tên là Bình Định 1935, 1945, 1947 1975, ông cũng được mệnh danh là danh nhân của đất võ Bình Định,  mà lặng lẽ, ảm đạm, hẩm hiu đến là vậy !?
Rất lâu sau đó, lèo tèo học sinh, hàng xóm đến thắp cho ông nén nhang! Bỗng một người đàn ông trẻ, khuôn mặt sáng sủa, tôi đoán là nhà thơ, nhà báo Nguyễn Thụy Kha? vì tôi chưa có dịp gặp, chỉ dựa vào bài viết của anh sau đó. Anh đã chạm vào nỗi đau trong tôi.
Cảnh tượng tang lễ của một danh nhân Bình Định, khiến anh bất bình hỏi: “Người nhà của nhà thơ đâu?”. Thằng em trưởng của tôi đứng cạnh anh trả lời :”dạ, tôi đây”, vậy là anh thốt lên với em trai tôi. “Trời ơi! sao lại thế này! Ban tang lễ đâu? Lãnh đạo huyện, tỉnh đâu? sao gia đình không yêu cầu lãnh đạo làm gì cho nhà thơ? Phải làm cái gì đi chứ, sao để nhà thơ thế này? Không được rồi, không được rồi! Ai lại thế này kia chứ!!!
Thằng em trưởng nam của nhà tôi, nó không giảo hoạt như anh nhà báo. Nghe anh giục, nó ừ ừ, hử hử, ngơ ngác như người ở hành tinh khác tới trái đất lần đầu!
Tôi cũng không hiểu vì sao mà như vậy! Buồn lắm! Tình trạng như vậy kéo dài hơn ngày rưỡi. Khi chỉ còn mấy tiếng nữa, gia đình phải thực hiện nội qui của huyện  “Không để người quá cố quá 24h”, Tối qua, lãnh đạo huyện đã cử người đến dặn gia đình, không được rải vàng, tiền âm phủ khi qua quốc lộ, làm mất vệ sinh đường phố, làm ô nhiễm môi trường!  Gia đình tôi chấp hành triệt để mọi thứ huyện đề ra.
Trước khi được Ban tang lễ của huyện ra tay, ba tôi-nhà thơ Yến Lan vẫn hẩm hiu, như vậy bạn ạ!….
Mãi đến hơn 8 giờ ngày 7/10/1998 gia đình được lệnh “khiêng nhà thơ ra đặt tại Nhà Văn Hóa huyện”, để cho long trọng với một danh nhân! Việc làm này không biết có ảnh hưởng gì đến tương lai con cháu? khi phải thuê bốn người gánh quan tài ba tôi ra Nhà Văn hóa huyện như khiêng hàng hóa, trông rất thê thảm, mà gia đình chúng tôi cũng phải nghe.
Đến 9 giờ tang lễ mới bắt đầu. Lúc đó mới có điện, hoa của bè bạn, đồng nghiệp và người hâm mộ các nơi gửi tới chia buồn cùng gia quyến.
Đặt biệt CTy Animex – cơ quan của vợ chồng tôi, từng giờ đã  fax tất cả các mẫu báo viết về sự ra đi của nhà thơ Yến Lan…
Trong hơn 60 bức điện chia buồn, bức điện của nhà thơ Nguyễn Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội nhà văn đã viết:

Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam
Độc lập-Tự do – Hạnh phúc
Hội Nhà Văn Việt Nam        
Hà Nội, ngày 6 tháng 10 năm 1998
Kính gửi:
    -Tỉnh Ủy tỉnh Bình Định
    – Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định
    – Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Định
    Các đồng chí kính mến!
Hội Nhà văn Việt Nam vô cùng xúc động khi đột ngột nhận được tin cụ Yến Lan, nhà thơ xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại, người con thân yêu của Bình Định đã tạ thế
   Nhà thơ Yến Lan (lức Lâm Thanh Lang) sinh ra trên đất Bình Định 82 năm trước, trong một gia đình nghèo khó và sớm có lòng yêu nước, yêu quê hương. Trước cách mạng, Yến Lan đã tích cực hoạt động yêu nước trong nhà trường, viết kịch diễn cải lương, lập quỉ cứu tế xã hội. Yến Lan tham gia cách mạng tháng tám, cướp chính quyền ở huyện An Nhơn và là Ủy viên Ủy ban nhân dân huyện An Nhơn ngay từ tháng 9 năm 1945. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp Yến Lan đã lần lượt tham gia nhiều công tác kháng chiến: Trưởng ban tuyên truyền khu vực Bình Định: Ủy viên Ban Chấp hành Chi hội Văn Nghệ Liên Khu Năm kiêm chấp hành Phân hội Văn Nghệ Bình Định
 Tập kết ra Bắc 1955 ông tiếp tục có nhiều đóng góp cho Hội Nhà văn, cho Nhà xuất bản Văn học, trong công tác biên tập cũng như đào tạo các tài năng trẻ.
  Trong sáng tác, gần 60 năm liên tục ông đã cống hiến nhiều chuyện ngắn, kịch thơ, ca kịch trường ca và thơ, ở thể loại nào cũng có thành tựu.
  Chính vì vậy, cùng với Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Tế Hanh và nhiều nhà thơ cùng thế hệ Yến Lan đã có nhiều đóng góp lớn cho văn học và để trở thành bậc thầy mẫu mực cho nhiều thế hệ các nhà văn noi theo.
  Chúng ta cùng chia sẻ nỗi buồn đau và tổn thất to lớn. Tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam sẽ tổ chức long trọng lễ tưởng niệm nhà thơ Yến Lan.
  Tham gia lễ tang tại Bình Định, chúng tôi trân trọng cử nhà thơ Giang Nam, nguyên Ủy viên Đảng Đoàn, Ủy viên Ban thư ký Hội Nhà văn Việt Nam thay mặt Hội Nhà văn tham gia Ban Tổ chức
   Chúng tôi được biết, trước khi mất, nhà thơ Yến Lan có để lại một di chúc và tỏ ý mong muốn về nơi an nghỉ cuối cùng.
  Chúng tôi kính mong các đồng chí giúp đỡ để ý muốn cuối cùng của nhà thơ xuất sắc của chúng ta được toại nguyện.

TM HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM
PHỔ TÔNG THƯ KÝ THƯỜNG TRỰC

 Nhà thơ Hữu Thỉnh
                                                                    Lâm Bích Thủy

READ MORE - NGÀY GIỖ MỘT NHÀ THƠ - Hồi ký của Lâm Bích Thủy