Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, August 31, 2016

GỬI TRÀ VINH - Thơ Nguyễn Khôi


       
                         Nhà thơ Nguyễn Khôi

          
Lời dẫn : Năm 1993, lần đầu tiên Nguyễn Khôi vào Trà Vinh công tác, cái xứ sở xa lạ mà hồi học cấp 2 (1953) ở Chiến khu Việt Bắc, đọc thơ của Nữ sĩ Vân Đài "Trà Vinh thương nhớ" gây ấn tượng mãi không quên... không ngờ sau 40 năm Nguyễn Khôi được tới Trà Vinh và xuất thần bài thơ "Gửi Trà Vinh"... đến nay đã 23 năm, Nguyễn Khôi lục sổ tay thấy bài thơ còn nguyên tính thời sự, xin chép lại gửi các bạn thơ cùng đọc cho vui 

GỬI TRÀ VINH
                   
Quê hương em dòng Cổ Chiên tươi đỏ
Rừng dừa xanh che mát xóm quê
Chùa ông Mẹt ngày rằm em đến lễ
Ao Bà Om vằng vặc mảnh trăng thề.
                       
Đất sống động miền quê đầu ngọn gió
Con lộ dài, đồng nước nổi mênh mang
Ghe thuyền về chiều nhen bếp lửa
Câu "dù kê" vang đến tận Cầu Ngang.
                      
Quê hương em : những xóm làng, thị tứ
Phố Trà Vinh cao vút rặng cây Dầu
Tiếng chim hót nghe sao mà thương nhớ
Con Le Le ngụp dưới rặng Trâm Bầu.
                       
Thơm mát dịu mùi hoa Cau, hoa Bưởi
Cọng "Cải son" ngon miệng mát lòng
Con cua Đinh cụng càng bầy Tôm Sú
Cá Bông Kèo lùa đàn cá Lòng Tong.
                       
Những thôn xóm - đất Anh Hùng một thuở
Bao thân Dừa còn ghi tích chiến công
Một mái chèo đưa quân ra tuyến lửa
Ơi Cửu Long Giang vỗ sóng sông Hồng...
                       
Quê hương em đẹp lòng ngày hôn lễ
Ba má thương... ở rể chẳng đòi về
Đến miệt vườn anh hóa thành con trẻ
Trèo cây Bòng hạnh phúc bẻ cành huê.

                         Quê Bắc Ninh 1993  
                             Nguyễn Khôi

READ MORE - GỬI TRÀ VINH - Thơ Nguyễn Khôi

SUY NGHĨ VẨN VƠ NHÂN MÙA KHAI GIẢNG - Tạp bút của Hoàng Đằng

   
                     
                                       Tác giả Hoàng Đằng 


SUY NGHĨ VẨN VƠ NHÂN MÙA KHAI GIẢNG
                                         Tạp bút của Hoàng Đằng

Bây giờ là mùa khai giảng năm học 2016 – 2017; nhà nào cũng có con hoặc cháu đến trường. Xưa cũng như nay, những trẻ lần đầu tiên đi học phần đông được cha, mẹ, anh hay chị đi cùng. Trường lớp đối với trẻ quá mới mẻ, thầy cô đối với trẻ quá xa lạ nên chúng sợ sệt không muốn bước; phụ huynh phải dỗ dành, có khi cưỡng bức.
Xưa kia, dân cư thưa thớt, trường ốc cách xa nhà - xa 5, 7 cây số là chuyện thường; đường chỉ bằng đất, xe cộ chưa có, trẻ đến trường chỉ bằng đôi chân bước dù tuổi đời mới lên sáu, bảy.
Bây giờ, trường đã gần nhà, đường lại bằng bê-tông hay bằng nhựa; trẻ được đèo trên xe đạp, xe đạp điện, xe máy, lắm trẻ lại được chở trên ô tô.
Giữa nay và xưa, sự khác biệt theo chiều hướng tiến bộ quá rõ ràng. Đáng mừng!

Ở các đô thị, hiện nay, tầng lớp người giàu nhiều; trước những ngôi trường lớn nổi tiếng, dù công lập hay dân lập, vào giờ đưa đón, ô-tô con sắp hàng cả một đoạn dài; tiếng nói, tiếng cười rộn rã, hạnh phúc lộ rõ trên nét mặt mọi người: phụ huynh, học sinh, ban giám hiệu, đội ngũ giảng huấn, đội ngũ phục vụ … Trông sướng mắt thiệt!
Trái ngược với cảnh ấy là cảnh còn rất gian nan đó đây trên đất nước.
Lũ lụt đang liên tiếp ùa về mấy tỉnh trung du và thượng du Bắc bộ; cầu bắc qua khe suối bị nước cuốn trôi; đất chuồi, đất lở vùi nhà, lấp lối đi; những đứa trẻ đến trường vượt đường dốc ngoằn ngoèo, lầy lội, trên người quần áo không đủ che thân, lội suối, lội khe nước chảy xiết đến với con chữ. Trông tội nghiệp, đáng thương!
Những em vùng ven biển bị ảnh hưởng của thảm họa Formosa xả thải, nghe nói, sẽ hưởng chính sách miễn, giảm học phí, dù vậy, việc đến trường của các em không dễ dàng chút nào! Thu nhập gia đình các em hoặc là không còn hoặc là sút giảm nặng so với trước. Một gia đình có hàng trăm nhu cầu, kéo theo hàng trăm khoản chi tiêu, học phí chỉ là một khoản trong đó. Gia đình đang khó khăn, mỗi thành viên dù lớn dù bé phải xoay xở vượt qua để có cái “ăn” đã, rồi mới tính chuyện “học”. Nghĩ cũng tội nghiệp, đáng thương!
Những em ở Tây Nguyên mà gia đình khốn đốn vì hạn hán do hiện tượng El niño thời gian qua, những em ở miền Tây Nam Bộ mà gia đình túng quẩn do ruộng đồng khô khốc và nhiễm mặn vì dòng chảy sông Mékong bị các đập thủy điện, thủy nông ở thượng nguồn chận nước đổ về. Tỉ lệ bỏ học ở vùng này đang báo động; nghĩ mà thương!

Trên đây mới chỉ là chuyện học hành của trẻ; còn trăm ngàn chuyện khác cũng còn trớ trêu như vậy.
Lẽ dĩ nhiên, trong xã hội, có người giàu, kẻ nghèo. Giàu, nghèo có thể tạo nên do tài năng và thiếu tài năng, do may và rủi, do chăm chỉ và nhác nhớn, do số trời, do cơ hội nhiều hay ít. Không thể có một xã hội mà mức sống như nhau - không có người giàu, kẻ nghèo. Chỉ có việc là mức chênh lệch giàu nghèo thấp hay cao - thấp thì tốt mà cao thì không tốt. Việc của nhà cầm quyền là thực thi chính sách cộng đồng đồng tiến để giữ cho mức chênh lệch giàu, nghèo không cao.
Và để cho chính sách của nhà cầm quyền hiệu quả, tầng lớp người giàu phải tích cực cộng tác. Người giàu phải đóng nghĩa vụ xây dựng và bảo vệ đất nước nhiều để tầng lớp nghèo khỏi đóng; người giàu phải san sẻ cơ hội ưu đãi mình được hưởng với người nghèo; người giàu phải đem vốn liếng, tài năng mình sẵn có mở mang kinh tế quốc dân tạo nhiều công ăn việc làm cho người nghèo; người giàu chia xớt của cải mình có được với tầng lớp nghèo bằng các công tác từ thiện. Tuy nhiên, những việc trên vẫn chưa đủ, hai hiện tượng giàu nghèo vẫn tồn tại; còn một việc xem ra dễ mà ít ai làm là người giàu không nên khoe khoang, phô trương sự giàu có của mình một cách lộ liễu.
Sự khoe khoang, phô trương của cải của người giàu chỉ làm cho người nghèo tủi thân; tủi thân đi đến oán giận; oán giận đi đến nổi loạn; nổi loạn dù chỉ trong tâm thức hay đã hiện ra hành vi cũng đưa xã hội đến tình trạng bất an.
Khi xã hội bất an, cả người giàu lẫn kẻ nghèo đều thua thiệt. Hiện nay, xã hội ta đang nhắm đến: “dân chủ, công bằng, văn minh”; nếu xã hội chưa có công bằng thật sự, người giàu chịu khó tạo ra một xã hội có dáng dấp công bằng ./.
                                                              Hoàng Đằng
                                                        31/8/2016 (29/7/Bính Thân)

READ MORE - SUY NGHĨ VẨN VƠ NHÂN MÙA KHAI GIẢNG - Tạp bút của Hoàng Đằng

NẾU SÀI GÒN … CÓ THU - Tản mạn của Trần Trung





Trần Trung

NẾU SÀI GÒN … CÓ THU

Một chiều Thu Hà Nội – Một khoảnh khắc quen quen, là lạ. Khó mà có sự lẫn trộn, pha tạp với bất kỳ miền đất nào. Chẳng biết tôi có thiên vị mà cho rằng nơi đất Thăng Long – Hà Nội này – đi suốt chiều dài của không gian, thời gian, vẫn sinh thái, vẫn lưu tồn thứ Thổ - Ngơi – Thu thật riêng, thật ý vị cùng sang trọng.

Bạn tôi – anh Cao Thắng – trưởng ban chương trình Đài Truyền hình Hà Nội,  chiều nay ngồi cùng tôi. Hai đứa vung vinh rượu ốc Tây Hồ. Mà đàm đạo. Mà xúc động. Mà suy tư về mùa Thu Đất Bắc. Về mùa Thu Hà Nội…

Tôi giãi bầy và bộc lộ. Rằng: Hình như (hay có lẽ!) Mùa Thu dịu dàng mà đích thực, mà ám ảnh lòng người, không phải ba tháng đâu! Thu Hà Nội chỉ thực sự xao xuyến và mê hoặc lòng người ta, có lẽ chỉ mươi mười lăm ngày. Có lẽ ông Giời cũng làm phép thử cho sự tinh tế đón nhận, rung động của những tâm hồn Thăng Long – Hà Nội – Nghệ thuật. Dễ xúc động. Dễ nao lòng… Bởi, hình như trong những khoảnh khắc đón nhận ấy, con người mới thấy hết được thế nào là tinh khiết, thế nào là trong trẻo. Thế nào là trong. Là êm. Là mang mang cao rộng…

Anh bạn tôi đột ngột, hứng khởi mà giao hòa, lại tự cảm nhận bổ sung: Anh ạ! Đã là thu Hà Nội, như chiều nay, anh em mình ngồi ở quán cóc. Ta cùng uống rượu pha hương cốm Hồ Tây, mới khoái. Vì, chiều này, mới có gió, có hương. Lại thêm chút nắng thu cuối ngày. Anh nhìn kìa! Ông bạn tôi nổi hứng văn chương, chỉ những cặp tình sóng bước, líu ríu bên nhau. Tay trong tay. Cứ quấn lấy nhau thả gót. Thanh thản trên đường Thanh Niên chẳng mấy khi thưa vắng.

Trong tôi, chợt mang mang liên tưởng đi về. Tôi gieo trong lòng mình một thoáng thương – nhớ! Một thoáng bâng khuâng – đa tình: Sài Gòn có Thu không nhỉ? Sài Gòn giờ này có mưa nhanh và tạnh nhanh không? Sài Gòn sắp lên đèn – rực rỡ muôn hoa – đèn. Chao! Sài Gòn – “Hòn ngọc Viễn Đông” của một thời chưa xa…

*
* *
Hình như có tiếng chim Sâm Cầm vỗ cánh, vỗ nước Tây Hồ. Ngâm nga giai điệu của khúc tình Thu Trịnh Công Sơn: “Đàn Sâm Cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời”.

Tôi ngất ngây trong men rượu cốm mà lẫn lộn. Giờ này là chiều, nghiêng sang tà bóng hoàng hôn. Thì, mặt trời ở đâu… ta. Mới thấy hay. Thấy mê hoặc, quyến rũ của Đất – Trời – Thu – Hà Nội.
Hình như Duyên – Khí của đất trời Thu, khiến tôi cũng như bảng lảng theo gió. Theo chút nắng Thu mong manh ảo diệu. Bình minh hay hôn hoàng của những vần thơ xưa, cất lên từ đất này, xứ này:

“Mịt mù khói thỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái – Mặt gương Tây Hồ”

Những con gió Thu Tây Hồ mơn man, giăng mắc thịt da mà dậy sóng nỗi niềm. Con gió se se; ngọt ngào đưa tới chạnh lòng, chạnh nhớ tới miền đất Phương Nam – xa Hà Nội tới ngàn cây số…
Anh bạn tôi thủng thẳng, mơ màng: Nếu Sài Gòn có Thu … Thì có lẽ chỉ về đêm. Tôi phụ họa: Về đêm trong khoảnh khắc giao mùa – giữa khô và mưa.

Mới hay, Thu đất Bắc – Thu Hà Nội là Một – Mùa – Đẹp – Buồn. Thu đẹp. Lại qua nhanh. Thu qua đi, Thu qua con đường – Tứ quý… Cứ như gót chân hồng hồng, thon thon của thiếu nữ qua đường, ngang đường – Nhớ lắm. Tiếc lắm. Tôi đọc ngâm đủ nghe cho mình những lời thơ Thu trong giai điệu nhẹ, thoảng như chút gió Thu về lẩn quấn và vương vấn đâu đây:

Ơ kìa! Em – Áo trắng
Tan trường mưa lương vương,
Thoảng mùi hương con gái
Nâng gót Thu sang đường

Chẳng biết có nghe được không hay chỉ là nổi cơn hâm – Thi sĩ, Cao Thắng đứng phắt lên đọc thơ từ điện thoại di động, (thảo nào từ nãy hắn vẫn bấm bấm, nhoay nhoáy…)

Hẹn nhau một chiều Thu mềm quá
Xích lại gần mà xa cứ xa
Tứ thơ chợt ùa về dào dạt
Mùa Thu nào chả giăng mắc lòng yêu

Hứng thế, bốc thế mà khi đọc đến câu thơ cuối, tôi thấy giọng ông bạn thơ của tôi cứ nhừa nhựa. Cứ nghèn nghẹn. Cứ như thơ Thu khởi phát mà đi ra từ Nước – Mắt – Thi – Nhân…

Té ra, còn một thực tế - như một thứ quy luật muôn đời của sáng tạo nghệ thuật. Mà, có lẽ nhất là sự sáng tạo trong địa hạt thơ – ca. Chẳng có gì mới khi phát ngôn rằng: Thơ chất chứa nội tâm mà bùng phát trong hứng khởi chủ quan – lãng mạn. Cái hứng đượm màu sắc chủ quan ấy, nhiều khi lấn át, xâm lăng cả thực thể ngoại giới.

Hãy nghe tiếng thơ, tiếng lòng rạo rực của cái tôi – Thi sĩ trong những câu thơ, vần thơ của thi nhân kim – cổ:

- Vàng rơi! Vàng rơi … Thu mênh mông
(Bích Khê)

- Đây mùa thu tới – Mùa thu tới
Với áo mơ phai dệt lá vàng
(Xuân Diệu)

- Em như con gió thổi ngang qua
Trẻ đến làm đau cả lá vàng
(Vân Long)

Dẫu ngất ngây pha chút tây tây trong men rượu cốm Tây Hồ. Dẫu khoảnh khắc hạnh phúc trong bạn bầu thơ phú. Tôi bỗng gai gai người mà chợt nghe ru lòng mình, tình mình về với thực tại, về với nỗi niềm thật trong đời sống, trong nhịp sống của Hà Nội - Hôm nay. Câu thơ của Nguyễn Đình Thi trong bài Đất nước chợt dội thẳng vào tâm trí tôi. Câu thơ dung dị như lời cảnh báo. Như lời dự cảm…

Mùa thu nay khác rồi

Tôi lại điệp khúc trong tâm tưởng mình – Giữa một chiều Thu đẹp và buồn, như hôm nay: Mùa thu nay khác rồi.

Hình như, có khác và khác nhiều so với những mùa thu xưa – qua đi… Mà thôi, cũng chẳng băn khoăn với khác lạ của bộ mặt xã hội kéo theo bộ mặt buồn từ nhân tình thế thái bây giờ…

Một nét đẹp thủy chung của con người đất Việt chính là tấm lòng yêu thương, xúc động khi hướng vọng tới thiên nhiên – Đất nước. Dẫu cho thiên nhiên ấy chẳng mấy kì vĩ, hoành tráng như ở xứ Người. Thiên nhiên đất Việt, mùa thu đất Việt mang chứa, tiềm ẩn một nét đẹp rất riêng, thật riêng: giản dị trong thanh sơ; mộc mạc mà tao nhã, kín thầm… Vẻ đẹp riêng ấy ắt chẳng bao giờ tàn phai theo thời gian lặng thầm mà nghiệt ngã chảy trôi… Vẻ đẹp riêng ấy – Một điều chắc chắn sẽ không bao giờ lạt phai trong tâm trí trong cảm hứng thi sĩ của những người dân trên “Đất nước hình tia chớp” (Trần Mạnh Hảo) này. Cứ thanh thản mà ngạo nghễ, mà kiêu hãnh như chàng Từ Hải trong Đoạn trường tân thanh của thi hào Nguyễn Du: Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo.

Thu đến, Thu đi – Lẽ thường tình, điều tất yếu định hình của quy luật tự nhiên, cái bắt rễ, đọng tồn vĩnh hằng trong lòng người dân Việt phải chăng là cái tình nghĩa không đổi thay với tình yêu thiên nhiên xứ sở của mình. Và, có cái gốc thiện căn, thiện mỹ, thiện tình ấy, người dân đất Việt xưa sau sẽ bất chấp mà vượt lên, vượt qua mọi biến động, thăng trầm…
*
* *
Hai đứa tôi, mỗi người đang theo đuổi, xa, gần, theo cái cách cảm, cách nghĩ của mình.

Gió thu từ chiều sang đêm thế này. Khí thu thanh khiết, thơm tho thế này. Nước Hồ Tây sóng sánh, mang mang thế này. Thấp thoáng những tà áo trắng thanh tân thế này… Hỏi rằng có ai nỡ chối từ. Ai nỡ bỏ qua.

Riêng tôi, tôi lại tự dắt tình đa mang (mà có lẽ cả tham lam nữa chứ!) tới miền đất thật xa, mà cũng thật gần, thật thương – đất Sài Gòn, phương Nam. Thế rồi, tôi lại bâng quơ, tha thiết – Theo kiểu “vơ vào”: Nếu Sài Gòn… có Thu.

Hà Nội – Thu, 9/9/2012.
Trần Trung


READ MORE - NẾU SÀI GÒN … CÓ THU - Tản mạn của Trần Trung

2/9 NHỚ "TẾT" XƯA - Thơ Nguyễn Khôi


          Nhà thơ Nguyễn Khôi


2/9 NHỚ "TẾT" XƯA
                   
Mùng  2 tháng 9 mừng Độc Lập
Cơ Quan mổ lợn để Liên Hoan
-Tiết canh, lòng thủ "xơi" tập thể
Thủ trưởng, nhân viên "cỗ" một bàn...
                     
Xương thịt "bổ đầu"  chia từng hộ
Trẻ con được bữa sướng cả mồm
-Quanh năm khoai sắn, không thịt cá
Kháng chiến trường kỳ chịu "cắn răng"...
                      
Bây giờ "Đổi Mới" đời xoay chuyển :
-Nhà lầu, xe "xịn" mấy Sếp to
Họ sống trên tiền, ăn thừa mứa
Ô sin như "mợ"... Đồng nát mơ...
                      
Mùng 2 tháng 9 "tết" Độc Lập
Mừng, tủi cầu mong vận Nước lên
"Cơ chế thị trường" tàn khốc thật
Nhưng phải dành phần cứu Dân Đen ?!?

                             Hà Nội 31-8-2016
                             NGUYỄN KHÔI

READ MORE - 2/9 NHỚ "TẾT" XƯA - Thơ Nguyễn Khôi

NỖI NIỀM TIM SEN - thơ Trần Xuân An




Trần Xuân An

NỖI NIỀM TIM SEN 
--- thơ tặng người bạn sớm có nỗi niềm tim sen ấy ---

thơm bàu sen, trước chùa làng Kẻ Diên
tuổi học trò mơ theo lời hoài cổ
chiến tranh, lớp bùn nổi dày, rậm cỏ
sen lụi tàn, thép gai giăng, đầy mìn

đầu đạn đâu phải hạt sen niềm tin
rơi nát bàu xưa, mặc chuông chùa vọng
mẩu phấn bảng là hạt sen trầm thống
ủ đắng tim sen – mầm lá mùa sau

hoa sen chùa cổ thuở đó còn đâu
trường Hải Lăng vỡ gạch, rồi vùi cát
về bên đồng, chúng mình mơ sen hạt
mặc đầu đạn bay, vệt phấn bảng hằn

cổ tích hiện ra, sau năm mươi năm
(thuở học trò, bàu sen như cổ tích!)
hoa sen ngát, lá sen xanh, đừng nghịch
bắn hạt sen xanh thương nhớ vào nhau

hạt sen Kẻ Diên, ai có nhói đau
nếu tình học trò bây giờ mới thấm
đầu đạn, thôi, mẩu phấn, thôi, đắng ngấm
tuổi học trò, tim bốn lá đôi xanh.


T.X.A.
30-8-2016
READ MORE - NỖI NIỀM TIM SEN - thơ Trần Xuân An

DAN DÍU... Thơ Trần Mai Ngân



                 Tác giả Trần Mai Ngân



DAN DÍU...

Dan díu chi mùa cũ
Tháng Chín về trầm mặc khói sương
Cho người đi, quên người ở lại
Tháng Chín nào... quên đêm yêu đương !

Dan díu - vương víu chi
Thắp nến lên tiễn lá vàng đi
Là hết, là buông không trách nữa
Bởi hững hờ làm nên chia ly

Dan díu chi, còn gì...
Ta nghiêng đời trôi trên hai vai
Mùa Thu chết cùng hoa Thạch Thảo
Chút ngại ngần nghe những tàn phai !

Dan díu chi - hôm nay
Ta ngồi lặng... đan đôi bàn tay
Trống rỗng băng ngang tiếng thở dài
Có mùa đã qua đời hôm nay !

                   Trần Mai Ngân

READ MORE - DAN DÍU... Thơ Trần Mai Ngân