Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, July 8, 2016

HÃY CÙNG NHAU GIỮ SẠCH MÔI TRƯỜNG SỐNG - Bài viết của Hoàng Đằng



                              
                                  Tác giả Hoàng Đằng 


HÃY CÙNG NHAU GIỮ SẠCH MÔI TRƯỜNG SỐNG
                                Bài viết của Hoàng Đằng

Thế là suy đoán của nhân dân ngay từ đầu đã đúng. Ngày 30/6/2016, các quan chức Nhà Nước họp báo công bố nguyên nhân cá chết hàng loạt dọc bờ biển miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế) là do chất độc mà Nhà Máy Thép Hưng Nghiệp Formosa ở Vũng Áng (Hà Tĩnh) thải ra.
Hai trong số chất độc là cyanure và phénol; hai chất độc này tan trong nước được, vì vậy, bây giờ, sau 3 tháng, 2 độc chất ấy đã được lượng nước mênh mông của biển cả pha loảng rồi. Chắc mức độ nguy hiểm không còn đáng kể.
Tuy nhiên, ngoài 2 chất độc là cyanure và phénol, một số nhà khoa học cho rằng còn có các kim loại nặng độc hại như chì, thủy ngân, chrome, không tan trong nước mà lắng xuống đáy biển ở dạng trầm tích, sẽ gây tác hại có thể lâu dài (1).
Formosa đã chấp thuận trả 500 triệu USD (11,500 tỷ VND) xem như bồi thường thiệt hại và khắc phục hậu quả. Trước hết, xin nói về bồi thường thiệt hại: Thiệt hại trước mắt đã khó tính toán huống chi thiệt hại lâu dài! Mong sao Nhà Nước Việt Nam sẽ xử lý việc này êm đẹp! Còn về khắc phục hậu quả thì có xử lý ô nhiễm, trả lại biển sạch và sắp xếp công ăn việc làm cho số dân bị ảnh hưởng; việc xử lý ô nhiễm chắc khó khăn và cần thời gian; mong sao Nhà Nước Việt Nam với nội lực và ngoại viện về khoa học kỹ thuật cũng sẽ làm được! Việc chuyển đổi việc làm cho ngư dân là một bài toán khó; mở lớp dạy nghề thì dễ, nhưng người học xong nghề ra kiếm được việc thì không dễ. Nông nghiệp ư! Quỹ đất ven biển đã không màu mỡ lại không còn nhiều; xưa nay, việc trồng trọt và chăn nuôi chỉ góp một phần nhỏ vào kinh tế hộ gia đình ngư dân; còn đánh bắt hải sản gần bờ là thu nhập chính; bây giờ, có đầu tư bao nhiêu vào trồng trọt và chăn nuôi, nông nghiệp cũng không đủ nuôi sống tất cả ngư dân. Công nghiệp ư! Tại chỗ chưa có hoặc chưa đủ công ty, xí nghiệp, nhà máy để thu dụng bền vững hết công nhân; còn xuất khẩu lao động ra nước ngoài cũng khó xuôi ngót; lao động phải có tay nghề cao, năng suất lao động tốt, mới mong bước qua sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường việc làm hiện nay; theo nghiên cứu của Tổ Chức Lao Động Quốc tế - ILO (International Labor Organization) công bố 2013, năng suất lao động người Việt Nam chỉ bằng 1/15 người Singapore, bằng 1/11 người Nhật Bản, bằng 1/10 người Hàn Quốc, bằng 1/5 người Malaysia, bằng 1/2,5 người Thái Lan; người Việt Nam có năng suất lao động thấp do vóc dáng nhỏ, sức khỏe kém, tập tính lối sống lè phè tiểu nông ăn sâu và đặc biệt do đào tạo chưa bài bản, đến nơi đến chốn. Thương mại dịch vụ ư! Mức thu nhập của dân vùng ven biển miền Trung thấp, dẫn đến sức mua thấp; cộng đồng chi tiêu ít thì  giải pháp thương mãi dịch vụ không ổn; lại thêm, ngư dân xưa nay chỉ quen việc sáng ra khơi chiều tối vào bờ - lối làm ăn quá đơn giản, trong khi thương mãi dịch vụ đòi hỏi sự khôn khéo, nhanh nhạy trong nắm bắt thị trường.
Những ý kiến người viết bài này, dựa vào thực tế, đưa ra để những người làm chính sách tham khảo, trong tinh thần sáng tạo, giải quyết những vấn đề một cách tốt nhất, chứ không phải xuất phát từ cách nhìn đời chỉ toàn màu đen.  
Trở lại vấn đề đánh bắt và tiêu thụ hải sản. Không ai biết khi nào biển sạch hoàn toàn mà ngồi chờ. Một số ngư dân đánh bắt gần bờ đã hoạt động trở lại; ở các chợ, hải sản đã có người bán, người mua. Tuy nhiên, số lượng hải sản đánh bắt được chưa nhiều vì, sau đợt chết hàng loạt, hải sản chưa tái sinh kịp để trở lại nguyên trạng; người ta còn e dè trong tiêu thụ, khiến giá cả thấp, mới chỉ bằng 1/3 so với trước tháng 4 năm 2016; vì thế, đời sống dân ven biển còn phải khó khăn không biết trong bao lâu nữa.
Dù sao, cũng đành chấp nhận thôi! Việc đã lỡ rồi, thuộc về quá khứ, không thể chỉnh sửa được, chỉ nên xem đó là  kinh nghiệm cay đắng để rút ra bài học cho tương lai.
Về phía Nhà Nước, những dự án đầu tư về công nghiệp cần được khảo sát, thẩm định, chấp thuận bởi những người có đủ hiểu biết, chí công vô tư. Phát triển mà xâm hại môi trường sống thì không có ý nghĩa vì sự phát triển ấy tiềm tàng sự hủy diệt. Mấy hôm nay, nghe các vị lãnh đạo chính quyền mạnh mẽ tuyên bố những điều nhân dân mong mỏi ấy mà mừng! Chỉ còn chờ xem lời nói biến thành hiện thực để mừng hơn.
Ở nước ta, môi trường bẩn không chỉ do chất thải của các khu công nghiệp mà còn do chất thải của các khu dân cư. Vì vậy, Nhà Nước phải có chương trình giáo dục môi trường nghiêm túc – giáo dục qua học đường, qua gia đình, qua tôn giáo, qua họ hàng, qua các đoàn thể quần chúng. Chỉ giáo dục thôi cũng chưa đủ, Nhà Nước phải ban hành luật pháp nghiêm minh về bảo vệ môi trường; nghe nói ở những nước có môi trường sạch, hình phạt dành cho người xả rác bừa bãi rất nặng. Nói tóm lại, Nhà Nước nắm quyền lực trong tay, phải làm sao tập cho nhân dân có thói quen bảo vệ môi trường.
Về phía nhân dân, hàng ngày mỗi người chúng ta thải ra môi trường nào kem đánh răng, dầu gội đầu, savon tắm rửa, bột giặt quần áo, bao nhựa đựng đồ, bao bánh kẹo … Những thứ ấy không vất đúng nơi, thải đúng chỗ thì không gian chúng ta sống trông rất nham nhở! Người Việt Nam chưa biết tôn trọng môi trường, tôn trọng người khác sống quanh mình. Nhà mình có rác cứ tống ra đường, ra đồng ruộng, thậm chí qua nhà hàng xóm … là xong, không biết thẹn! Làm nông nghiệp, dùng phân hóa học, thuốc trừ sâu, trừ chuột, trừ cỏ quá bừa bãi. Chưa ai ý thức làm như vậy là tự hủy diệt mình.
Người xưa nói: “Tam sơn, tứ hải, nhất phần điền”. Tạo Hóa sinh ra quả đất, sinh ra muôn loài trong đó có con người. Chắc chắn Tạo Hóa biết trước con người là loài vật xả thải nhiều, nên chỉ dành cho con người 1/8 bề mặt trái đất – “nhất phần điền” - để sinh sống, dành 7/8 (tam sơn + tứ hải) kia, ngoài việc để điều hòa khí hậu, còn để làm nơi dự phòng chứa thải của con người.
Nào ngờ, bây giờ, 7/8 ấy vẫn không đủ.
Người quá đông – xấp xỉ 7 tỉ người. Người nhiều thì xả thải nhiều; người nhiều thì tiêu thụ nhiều, tiêu thụ nhiều đòi hỏi sản xuất nhiều, khai thác tài nguyên nhiều; muốn sản xuất nhiều thì nghĩ ra công nghiệp mà công nghiệp dẫn đến vấn đề xả thải độc hại; xả thải độc hại đưa đến hủy diệt môi sinh. Sống văn minh và giữ sạch môi trường song hành là một bài toán nan giải - nan giải nhưng không phải không thể giải được. Những nước Âu Mỹ đã giải được, thậm chí những nước có mật độ dân số rất cao so với nước ta (Singapore # 9,150 người/km2, Nhật Bản # 338 người/km2 so với nước ta là 274 người/km2) cũng giải được; tại sao nước ta không giải được!
Chỉ tại chúng ta chưa có thói quen bảo vệ môi trường. Thế thì chúng ta phải tập thói quen ấy! Tập ngay, đừng chần chừ nữa! Cái gì có sinh thì có diệt; quả đất chúng ta cũng vậy; ngày Tận Thế đến nhanh hay chậm là do con người quyết định. “Nước lụt lút cả làng”, đừng nghĩ rằng cứ bôi bẩn vùng này rồi qua vùng khác sống là an toàn!

                                                                 Hoàng Đằng
                                                          08/7/2016 (05/6/Bính Thân)

--------------------------------------------------------------

(1) Theo khảo sát, phân tích, đánh giá các mẩu nước lấy dọc bờ biển tỉnh Thừa Thiên-Huế - từ huyện Phong Điền đến huyện Phú Lộc – của Sở Tài Nguyên & Môi Trường tỉnh này khi có hiện tượng hải sản chết hàng loạt, hàm lượng kim loại nặng Chrome trong nước biển vượt giới hạn cho phép theo các Quy Chuẩn Kỹ Thuật Quốc Gia do Bộ Tài Nguyên & Môi Trường Việt Nam ban hành 2015. 

READ MORE - HÃY CÙNG NHAU GIỮ SẠCH MÔI TRƯỜNG SỐNG - Bài viết của Hoàng Đằng