Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, July 2, 2016

THƠ NHƯ NỖI NHỚ NGẬM NGÙI RỚT TRÊN TAY...- Trần Hoàng Vy






THƠ NHƯ NỖI NHỚ NGẬM NGÙI RỚT TRÊN TAY...
(ĐỌC TẬP THƠ “MƯỜI NĂM BÓNG NGỰA QUA THỀM CŨ” CỦA NGUYỄN AN BÌNH, NXB HỘI NHÀ VĂN, 2016)
                                                                   Trần Hoàng Vy

Tập thơ gồm 100 bài thơ với 7 phụ bản thơ phổ nhạc của các nhạc sĩ Huy Đạt, Vũ Thế Dũng, Hoài Yên, Nguyễn Trung Nguyên, Huy Thọ, Phạm Minh Thuận, Mộc Thiêng. Bìa tranh Đinh Cường, nhà thơ Ngô Nguyên Nghiễm giới thiệu, đủ sức nói lên độ “dày”, “chiều sâu” và công phu của một người làm thơ có trên 40 năm đắm đuối với nghiệp thi ca. Đó là nhà thơ Nguyễn An Bình, người con của xứ Cần Thơ “Gạo trắng nước trong”.
Thoạt mới đọc qua cái tựa đề tập thơ, ta bỗng liên tưởng đến một “Người khách giang hồ đang vắt kỷ niệm trên cành cây gáo vàng trước sân, mà lòng vẫn sa giông trong tâm trạng phù hư...” (Ngô Nguyên Nghiễm) hay như: “ Mấy mươi năm đã chồn chân sức ngựa/ Chợt nao lòng về uống nước sông xưa”. Cái hình hài bóng ngựa mười năm ấy chỉ là tâm tưởng, ảo hình, ảo ảnh của một hồn thơ thật... hiền lành, gốc gác là thầy giáo dạy Văn, cho nên thơ có “giang hồ” phiêu bồng cũng chỉ là những mong nhớ ngậm ngùi trong những năm tháng đứng trên bục giảng và cả yêu em, rồi xa cách, rồi cuốn theo cuộc sống vốn không thật bình yên và bằng phẳng: “ Chiều biên giới đồng bưng mông quạnh/ Ly rượu cay thơm khói quê nhà...” và “ Mai về phố thành người kẻ chợ/ Thương nước lên chim vịt kêu chiều”. Người thầy ấy đã gửi nhớ gửi thương vào ngôi trường kỷ niệm: “ Ngôi trường một thời tôi nhớ, tôi quên/ Bàn học cũ ngỡ ngàng nghe tiếng mọt/ Bên cửa sổ còn đâu lời chim hót/ Qua bao mùa mái ngói đã rêu phong” (Như màu phấn bảng rơi), tâm sự bời bời: “ Mấy mươi năm tóc đã phai màu nắng/ Người xa người có nhớ tiếng gà trưa/ Bàn tay lạnh nào che đời mưa tạt/ Tiếng chim buồn lẻ bạn gọi mùa xưa?” ( Về Thới Long nghe tiếng chim vườn cũ). Để nghiệm lấy chính mình trong đó: “ Những viên phấn đã cùng tôi đi qua mưa nắng/ Tình yêu của một thời/ Luôn thao thức không thôi/ Bên đám học trò hồn nhiên buồn vui vô cớ...” ( Viên phấn màu hồng).
Chẳng là bóng ngựa hồng năm cũ mà lúc trở về “Trên yên vắng người” của một thuở chinh chiến lẫn giang hồ lãng mạn, khiến người xưa phải buồn xưa vắng. Hình ảnh những người em, người con gái, người... yêu trong thơ Nguyễn An Bình nhẹ nhàng và rất đằm thắm, đó là “ Chiếc lá úa bay theo mùa lưu lạc/ Nhớ áo lụa vàng màu mắt tiểu thư” (Nhớ áo lụa vàng). Rất... thật thà và cũng đầy chất Nam bộ: “Em xa lắc để tình tôi ở lại/ Nơi đầu sông còn rớt tiếng ai hò.” Và “Đêm Bạc Liêu nghe đờn ca tài tử/ Để biết mình còn có một quê hương/ Để yêu em yêu người dân xứ biển/ Thật ngọt ngào trong từng phím tơ vương” (Đêm Bạc Liêu nghe đờn ca tài tử”.
Cái cốt cách mẫu mực của người thầy giáo, cùng với những thể loại thơ truyền thống vốn giàu âm điệu, thơ Nguyễn An Bình cứ nhẹ nhàng len nhẹ vào lòng người đọc như cơn gió một ngày bên bờ sông Tiền, sông Hậu, mơn man và man mác nhớ. Gió nhớ biến thành sợi nhớ, và cái nhớ cứ âm ĩ khôn nguôi: “Nhớ người/ Thấp thoáng mưa ngâu/ Gởi hương/ Cho gió/ Gởi sầu cho ai”. Để rồi: “Chiều nay thả lá trên sông/ Thả bao phiền muộn theo dòng nước xuôi/ Nhủ lòng em của tôi ơi/ Gặp người xưa bỗng...ừ thôi lại chào” ( Thả lá trên sông). Cái miền nhớ đã hình thành nỗi nhớ một khung trời xưa xa lắc, nơi có thời nhà thơ đã “dùi mài kinh sử” mong một mơ ước: “Sài Gòn Sài Gòn cà phê/ Hương thơm quyện mùi đặc sánh/ Phía sau ngụm cà phê đắng/ Khung trời mắt nhớ đêm xanh”. Có lúc rồi mơ: “Dấu chân qua thành phố trẻ/ Mang theo gió bụi đường dài/ Tình tôi xin em độ lượng/ Để lòng thương mãi tóc mai”.(Mộng dưới trăng Sài Gòn).
Chút tình run rẩy thế, làm nên những cung bậc phù hợp với những rung động của nhiều người, phải chăng những nhẹ nhàng, man mác, bàng bạc ấy lại phù hợp với âm nhạc? Và có lẽ gần trăm bài thơ được phổ nhạc của Nguyễn An Bình đã chứng minh điều đó? Xin nghiêng người để vui mừng cùng với thi nhân, hy vọng vào một đường bay của thơ, nhạc trong mai sau.
Giờ thì trở lại với “Mười năm bóng ngựa qua thềm cũ”, dầu bụi chân bon dẫu có nhạt nhòa, thi ảnh của dòng thơ lãng mạn vẫn tình tứ, mà hình như thiêu thiếu chút “khói thuốc” và cả chút “hơi men” thêm ý vị của nhân ảnh thơ phiêu bồng trong cõi nhớ. Song cũng đủ độ để ta cùng với nhà thơ ngâm đắc những câu: “ Lòng vẫn muốn quên đi bao nỗi nhớ/ Sao bỗng dưng lại cất tiếng thành lời/ Rồi tan đi vào không gian vô tận/ Chỉ một lần cho nỗi nhớ chìm trôi.”. Nỗi nhớ vốn dĩ thường ngậm ngùi, khó vơi và khó quên, để một hôm... “Lại nhẹ nhàng rơi không tiếng vang.”(Đêm trăng đọc thơ Đường 2). Và cứ thấm vào ta như những bài thơ thật gần gũi, thân quen...

                                                       Gò dầu hạ, tháng 6/ 2016
                                                          TRẦN HOÀNG VY

READ MORE - THƠ NHƯ NỖI NHỚ NGẬM NGÙI RỚT TRÊN TAY...- Trần Hoàng Vy

CÔ GÁI VĨNH KIM - Thơ Thủy Điền


   
         Tác giả Thủy Điền



CÔ GÁI VĨNH KIM 

Có ai đã, một lần qua đất Vĩnh
Mà khi về, không để lại vấn vương
Xứ Vĩnh Kim đồng lúa lẫn miệt vườn
Dòng sông mát, "Lò rèn" hàng vú sữa
Những cô gái, áo bà ba vải lụa
Mũi dọc dừa, da trắng, mặn mà, thương
Cười khoe duyên, chiều xuống, dập dìu, đường
Bao lữ khách ngẩn ngơ, nhìn mỏi mắt
Gái Vĩnh Kim, đậm đà, tình chân chất
Ghi vào lòng. Ai đã một lần qua.
Xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang
Thủy Điền
01-7-2016

READ MORE - CÔ GÁI VĨNH KIM - Thơ Thủy Điền

GIẢ SỬ VÀ KHÔNG GIẢ SỬ - Tản văn của Phan Trang Hy



Tác giả Phan Trang Hy


Tản văn của Phan Trang Hy

GIẢ SỬ VÀ KHÔNG GIẢ SỬ

Giả sử ta không còn yêu nhau, thì quả đất này vẫn quay và mặt trời vẫn vậy. Vẫn ngày ngày cơn đói hành hạ cái dạ dày nhiễm chất độc từ biển, từ những bàn tay của kẻ nhân danh đồng chí, nhân danh tình hữu nghị. Và dù em không muốn hát nhưng em vẫn phải cuồng quay điệu nhạc của phận người nô lệ để vừa lòng bọn xâm lăng độc ác.

Giả sử rằng có người yêu nước lên án bọn bán nước cầu vinh, thì cả đồng bào Việt Nam có đồng lòng lên án? Giả sử bọn giặc nuôi mộng cướp nước ta thì đồng bào ta có sẵn sàng quyết chí vì nước quên thân? Và người lính có sẵn sàng hy sinh vì dân tộc?

Giả sử chiến tranh chống bá quyền bành trướng xảy ra thì ai là người yêu nước? Và bộ mặt dân tộc ta có như thuở làm nên những trận đánh Bạch Đằng, Như Nguyệt, Chi Lăng, Đống Đa, Vị Xuyên?

Và không cần giả sử, là ta mãi mãi yêu nhau thì mặt trời vẫn vậy. Cơn đói không còn trên nét mặt của trẻ thơ, cái chữ khai phóng nụ cười tương lai dân tộc. Và không cần giả sử, là tự đáy lòng mỗi người Việt Nam biết ai là bạn, là thù.

Thôi, không cần giả sử nữa. Ta vẫn là ta, là đồng bào của nước Việt Nam!

Tháng 6/ 2016

Phan Trang Hy
phantranghy@gmail.com
READ MORE - GIẢ SỬ VÀ KHÔNG GIẢ SỬ - Tản văn của Phan Trang Hy

SỐNG THẬT LÀM NGƯỜI KHÓ LẮM EM ƠI - Thơ Trúc Thanh Tâm

Tác giả Trúc Thanh Tâm


Thơ Trúc Thanh Tâm
SỐNG THẬT LÀM NGƯỜI
KHÓ LẮM EM ƠI


Đất mẹ ơi, khi con về với đất
Nên bao điều cần nói hôm nay
Xin tạ lỗi với những người đang sống
Cám ơn đời cho ta hạnh phúc, đắng cay!

Ngày ly biệt, em hãy nên bình tĩnh
Khóc nhiều rồi, đã mấy mươi năm
Cả đời ta, thăm chưa giáp nước
Nghĩ thêm buồn chuyện của thế nhân!

Đem theo anh, em đừng quên giấy, viết
Những tập thơ tình bè bạn in chung
Anh sẽ tặng để làm quà qua cửa
Thế giới bao la, chỉ một ngã tương phùng!

Chỉ biết được những giây phút cuối
Người yêu thầm và người lại yêu thơ
Anh trả lại trần gian bao vinh, nhục
Riêng tình em anh mang hết xuống mồ!

Bạn bè xa bao người hay muộn
Hãy nâng ly cạn hết rượu buồn
Anh nhớ mãi nụ cười của những người thân thích
Cõi sinh tồn nhiều lắm hoa thơm!

Tiếng chuông ngân qua tầng mây gió
Là lúc anh rời khỏi chốn mê đời
Quê hương ơi, bài thơ tình muôn thuở
Sống thật làm người khó lắm, em ơi !

TRÚC THANH TÂM

( Châu Đốc ) 
READ MORE - SỐNG THẬT LÀM NGƯỜI KHÓ LẮM EM ƠI - Thơ Trúc Thanh Tâm

BÓNG XƯA - thơ Trương Thị Thanh Tâm

Tác giả Trương Thị Thanh Tâm


BÓNG XƯA 
                  
Đây nầy trời nước bao la
Sóng xô gió hát thu xa gọi mời 
Niềm riêng khúc nhạc chơi vơi 
Rượu cay chưa cạn, mềm môi lúc nào 
                         *
Giật mình sau giấc chiêm bao 
Vòng tay lạnh ngắt, hư hao nửa đời 
Còn gì đâu nữa người ơi!
Tôi say hay tỉnh lạc loài chốn nao 
                            *
Anh về quên cả trầu cau 
Quên luôn kỹ niệm xoá màu yêu thương 
Anh đi một sáng mù sương 
Đêm chưa tỉnh giấc, phố phường mênh mông 
                               *
Anh đi tìm giấc mơ hồng 
Tôi còn ở lại đếm dòng thời gian 
Bao mùa thu đến đông sang 
Người chưa trở lại, phố làng quạnh hiu 
                            *
Một chiều rồi lại một chiều 
Ngóng trông khắc khoải, tiêu điều xác xơ 
Cạn bầu say tỉnh trong mơ 
Lệ tuôn môi nhạt, mắt mờ bóng xưa 
        
Trương Thị Thanh Tâm 
Mỹ Tho 
tinhnho1053@yahoo.com.vn


READ MORE - BÓNG XƯA - thơ Trương Thị Thanh Tâm

NÓI VỚI EM - thơ Ngọc Hùng



NÓI VỚI EM 

Nói với em điều gì trong nắng hạ
Khi rợp trời búp phượng đã đơm hoa?
Ve sầu ca bài chia tay, tan hợp
Mùa thi ùa về theo tiếng ve thiết tha

Dòng lưu bút bây giờ em nắn nót
Là cầu vồng em tặng em mai sau
Phượng hoe đỏ trong mắt em gờn gợn
Là Phượng Hồng - màu ký ức ngọc ngà

Máu màu phượng đang hồi cuồn cuộn nóng
Ghi lại đi, nhân dáng giới ... thứ ba
Từng khung hình là từng khung kỷ niệm
Kẻo mai quên một thuở em chưa ... già

Cánh diều đang cất mình theo gió hạ           
Cao xa dần như tuổi nhỏ đang qua
Chân trời mở chờ cánh bay phơi phới
Đừng đảo, chao gió sẽ dập la đà

Đã qua rồi những cuộc hè thơ dại
Mùa thi giờ đã bước đến thềm nhà
Ngày mùa đến những hạt vàng đang mẩy
Em gặt đi, hỡi người sắp...  tài hoa

Nói gì nữa vẫn những điều cũ kỹ
Đò năm nay đang rời bến chuyển bờ
Em nhớ giữ vùng trời xanh vời vợi
Mai ngoảnh đầu còn thấy
Những ngày xưa..!

NGỌC HÙNG
                             

HẠ

Em tặng tôi bầu trời trong xanh
Oi ả nắng hanh tôi tìm cơn gió
Em lại tặng tôi hoa vàng, hoa đỏ
Bài thơ nho nhỏ tôi ghi bâng khuâng

Em đem cho tôi mây cao thơ thẩn
Lòng sao ngơ ngẩn tôi ngóng mưa xa
Em đem ve ran làn điệu ngân nga
Nhẩm khúc tình ca tôi vui trên đường

Em gửi đến tôi hương đời nồng đượm
Cho tôi trăn trở giấc ngủ miên man
Em vui chan chan mà tôi khô hạn
Mang mang tình đời chơi vơi Hạ ơi!

NGỌC HÙNG

Lý Ngọc Hùng
148 Lê Lợi, phường 7, 
Mỹ Tho, Tiền Giang.
<hoa_huynh45@yahoo.com>



READ MORE - NÓI VỚI EM - thơ Ngọc Hùng

CÁNH TAY ĐÃ MẤT - Truyện ngắn Lê Hứa Huyền Trân

Tác giả Lê Hứa Huyền Trân


CÁNH TAY ĐÃ MẤT

Truyện ngắn Lê Hứa Huyền Trân


Từ khi ra trường bước vào công ty mới, nhiều thứ đã đổi thay tôi. Vì nhiều lẽ, giống như là khi con người ta chạm ngạch cuộc đời, dẫu cho muốn mình mãi là con trẻ cũng không thể nào được như xưa nữa. Lớp bụi thời gian cứ phủ lên cuộc đời của tôi khiến cho đôi khi tôi muốn mình thôi nhận thức, bớt vu vơ, nghĩ suy toan tính, nhận ra nhiều điều nhưng cứ mãi hoài không được. Tôi làm ở công ty có cái thú vui thích tiệc tùng, chẳng phải họ giàu sang, nhưng họ muốn họp mặt nên hầu như cuối tuần nào họ cũng góp tiền lại kiếm quán ăn rẻ mà tụ tập, tám chuyện, đàn ông thì lai rai bia bọt còn phụ nữ thì cứ thức ăn mà “chén”. Ấy thế mà cũng có quán quen. Và cứ mỗi lần tới đây, tôi lại gặp chị, người bán vé số đã mất một tay.
     Chẳng phải cố tình nhưng cánh tay bị mất của chị thu hút ánh nhìn của nhiều người. Khi họ nhìn thấy chị, thể nào họ cũng sẽ nhìn cánh tay của chị đầu tiên, cánh tay đã mất ấy tạo một “mảng mất” tới tận bả vai. Tôi cũng thế, khi chị tới bàn chúng tôi ngồi, tôi đã vô tình lướt ánh mắt vào chỗ tay ấy, và ngay lập tức tôi nhìn lên gương mặt chị, ánh mắt chị đã bắt gặp ánh mắt tôi trước khi tôi kịp quay đi nhìn chỗ khác và ngay lập tức cái cảm giác hối hận kinh khủng lan tỏa trong tôi. Bàn tôi mua vài tờ rồi chị đi, leo lên xe, tiếp tục những guồng quay của đời mình. Suốt cả buổi hôm ấy sẽ chẳng bao giờ tôi quên được ánh mắt ấy, cứ như ánh nhìn xen lẫn thương hại và tò mò của tôi đã làm đau lòng một kiếp người nào đó vậy. Nhưng thực, tôi chẳng thể lí giải nổi sự vô tình của mình lúc ấy.
     Lần thứ hai tôi gặp chị tôi đi cùng với cô. Cô là mẹ của sếp, cô có cái quyền, cái hách dịch của một người giàu. Bữa ăn cô bao, nhân viên cô tuyển dụng, quán cô chọn và mọi quyết định dường như đều ở nơi cô. Cô cứ hay bắt đầu câu chuyện bằng những lời mà chúng tôi thuộc đến chán phèo: “Muốn được người ta tôn trọng thì trước hết là phải giàu. Vì nghèo là đi đôi với hèn…”. Nhiều khi cô nhìn đám nhân viên lố nhố chúng tôi cười tặc lưỡi : “Tụi mày không muốn người ta khinh thì ráng mà làm, còn không thì cứ mãi là đám dân đen như thế này…” hay “tao chẳng bao giờ gả con tao cho mấy đứa dân đen tỉnh lẻ nên tụi con dâu tao phải học đỗ trường này trường nọ mới dám tới chỗ tao hỏi chồng…”. Tụi tôi lí nhí vâng dạ. Chị tới chào mời bàn tôi đứng ngay bên cạnh cô, xấp vé số vừa chìa ra, chị chào mời:
     -Cô mua giùm con mấy tờ vé số với cô!
     Cô không nhìn chị và nói bằng giọng khinh khỉnh:
    -Xin lỗi cô, tôi không có biết chữ!
     Chị cười cười và vẫn chìa xấp vé số về phía cô vì cứ nghĩ đó là lời bông đùa. Cô quắt đầu thật mạnh:
     -Tôi không biết chữ, không biết cả đếm số thì mua làm cái gì!
     Chị cười cười rồi quay đi. Bộ dạng chị trở nên tập tễnh khó khăn hơn hẳn. Lúc này cô mới nhìn đám tôi và bảo:
     -Tao rất ghét những đứa bán vé số dạo. Sao cái chỗ này người ta cho những người như thế vào nhỉ? Chẳng còn gì là văn mình…
     Rồi cô thao thao bất tuyệt về văn minh nước ngoài nào đó không cho những kẻ bần cùng như thế vào quán… Còn chúng tôi, chúng tôi nhìn nhau không nói nên lời. Trong chúng tôi lúc ấy, sẽ chẳng ai là anh hùng trong truyện cổ tích có thể đứng ra can ngăn cô bảo cô hãy dừng lại. Cũng chẳng ai đủ can đảm như trong câu chuyện về lòng người mà tôi đã từng đọc, có thể phản đối lại sếp của mình dù có thể là bị mất việc. Tôi cũng thế, tôi cũng chỉ ngồi im, cái phán xét dữ dội tôi có thể làm được chỉ là cái phán xét trong lòng và sự khinh bỉ dẫu có cao cỡ nào cũng chẳng thể nào bật ra, không một ai- trong số chúng tôi - đứng ra nói dẫu chỉ một câu thương cảm cho người phụ nữ ấy. Chúng tôi im bặt. Cuộc sống, chưa bao giờ dễ dàng như tôi đã nghĩ, có đôi lúc sự lương thiện chẳng thể nào lên ngôi vì nhiều thứ. Người ta có thể kiềm chế cảm xúc của mình lại cũng bởi nhiều thứ trong cuộc sống. Khi ra đời, tôi học được chữ nhẫn, chữ nhịn, dù tôi biết không lên tiếng là tôi yếu hèn, chẳng thể nào làm được gì hơn ngoài sự im lặng,- hoặc cũng có thể tôi đang bao biện cho chính mình- nhưng thế giới mà tôi đang sống, nó khắc nghiệt quá nên tôi phải học im lặng ở thật nhiều. Và tình thương của tôi dẫu có bao la cách mấy cũng không thể nuôi nổi miệng tôi. Ý tôi là thế…
     Lần gặp sau tôi cố gắng nán lại bắt chuyện với chị. Vì ý nhị, tôi như kẻ theo dõi đi theo chị suốt con đường chị bán cho tới khi khuya về thì mới xin gặp chị nói chuyện riêng. Dường như thấy được sự đồng cảm nào đó, và bằng một sức mạnh thần kì nào đó, hai người đàn bà đã ngồi nói chuyện đời mình. Chị còn trẻ, độ chừng đôi tám, cánh tay chị mất trong một lần tai nạn, tai nạn ấy không chỉ cướp của chị cánh tay mà còn cướp luôn đấng sinh thành. Họ hàng chị không ai mặn mà việc nuôi thêm một người tàn tật… Tôi ngẩng lên nhìn chị. Tôi muốn mình sẽ bờ vai dựa cho chị lúc này nhưng tôi thấy trên môi ấy là cả một nụ cười. Chị cười rất tươi : “Nhưng giờ chị đã có một gia đình, một gia đình yêu thương chị hết mực”. Có lẽ tôi đã nhầm tưởng chị yếu đuối, và có lẽ giờ cạnh chị đã có những thứ bù đắp những cánh tay chăng? Dẫu thế, trong tôi, mỗi khi nhìn về phía khoảng tay để trống ấy, vẫn dẫy lên niềm thương cảm, vì điều gì hẳn ai cũng rõ. Cái tình thương giữa người và người.
     Rồi tôi không gặp lại chị nữa, rồi cũng mấy năm trôi qua, tôi sống tiếp cuộc đời mình với kí ức về những người phi thường tôi đã gặp. Và trong một lần tôi đi ngang đường, bất giác phía xa tôi thấy chị. Chẳng phải là câu chuyện cổ tích rằng chị lấy được người chồng giàu có nào đó, và trở thành một nàng công chúa. Chị vẫn bán vé số, vẫn rảo bước khắp mọi nẻo đường, nhưng lúc này đi bên chị có một đứa trẻ và chị đang vui đùa cùng nó. Và cũng thật vô tình, như là phép nhiệm màu duy nhất trong câu chuyện mà tôi đã kể, chị bỗng nhiên nhìn thấy tôi, nụ cười tươi rói như đêm hôm ấy. Nụ cười làm cho tôi thấy hạnh phúc mà chị đang có xóa mờ cảm giác tội lỗi mà tôi đã từng. Có lẽ giờ bên chị đã có một cánh tay, à mà không, nhiều cánh tay khác thay thế cánh tay đã mất ấy. “Giờ chị đã có nhiều cánh tay bù đắp một cánh tay”




Tác giả : Lê Hứa Huyền Trân
Hội viên Hội VHNT Tỉnh Bình Định
Mọi thư từ phúc đáp xin chuyển về địa chỉ : Lê Hứa Huyền Trân, Hội VHNT Tỉnh Bình Định, 103 Phan Bội Châu, thành phố Quy Nhơn, Tỉnh Bình Định
Sđt : 0972076980
Email:  phongtruongtu201@gmail.com

READ MORE - CÁNH TAY ĐÃ MẤT - Truyện ngắn Lê Hứa Huyền Trân

TÌNH XA - thơ Phạm Phan Hòa

Tác giả Phạm Phan Hòa


TÌNH XA
Gửi Thúy

Là cánh gió
Bay qua
Triền cát bỏng
Là cơn mưa
Gieo
Mát nỗi tình cờ
Là hạt sương treo
Đầu cành
Trong vắt
Là mây trôi
Về
Cuối nẻo ơ hờ!


Phạm Phan Hòa 
29.6.2016
READ MORE - TÌNH XA - thơ Phạm Phan Hòa

MỘT ĐỜI CÒN LẠI CỐ QUÊN NHAU - chùm thơ Hoàng Anh 79

Tác giả Hoàng Anh 79.
Ảnh từ FB HồngTâm


MỘT ĐỜI CÒN LẠI CỐ QUÊN NHAU
Hoàng Anh 79

Sông dài con nước xuôi ra biển
Mây trắng ngàn năm mây trắng bay
Cuộn manh chiếu cũ ta về đất
Trả hết nợ rồi tay trắng tay

Đã biết trần gian là cõi tạm
Bạc tiền danh lợi vẫn u mê
Em biết trăm năm là hữu hạn
Đường xưa sao chẳng thấy em về

Đời có vinh đâu mà sống nhục
Tàn đêm hoa tím rụng hiên thu
Nghe trái tim côi còn thổn thức
Em xa xa lắc đến mịt mù

Ta cũng quen rồi trong cô độc
Một đời còn lại cố quên nhau
Bên đó mưa buồn hay lá khóc
Mà sao sương khói quyện bên cầu

Ở đây trăng gió sầu muôn thuở
Hun hút từng chiều cánh hạc bay
Em ơi hãy giữ dùm nhan sắc
Tờ lịch trên tay rớt mỗi ngày !

Ngày 17/6/2016
HOÀNG ANH 79



XÉT NGHIỆM
Em bảo ta nên đi xét nghiệm
Để xem xem có bệnh gì hôn
Nhưng máu đâu ra mà xét nghiệm
Giờ trong ta chỉ có rượu pha cồn

TÌM PHẬT
Muốn tịnh tâm ta lên  đường đi tìm Phật
Ở Tây Phương trời đất cũng bao la
Nhưng Phật nơi đâu mới là sự thật
Khi xác thân mình là nước mắt mẹ cha

SỐNG ĐỜI
Ta cũng muốn mình là thiên tài vỹ đại
Người ta phải tung hô vạn tuế đời đời
Nhưng thiên tài rồi một ngày cũng chết
Chứ sống hoài thiên hạ éo ai chơi

SẮC KHÔNG
Em đọc thơ ta một lần sẽ thấy
Ngọn lửa tình bừng sáng đến thiên thu
Có núi cao -  có sông dài - nước chảy
Có gió đong đưa và có cả mây mù

Em  đọc thơ ta một lần sẽ biết
Chén nhục vinh cay đắng tựa rượu nồng
Nếu không đọc cả đời em sẽ tiếc
Nằm dưới mồ mà chẳng biết SẮC- KHÔNG

QUÉT CHÙA
Trên cao Đức Phật thảnh thơi
Lợi danh thế sự chẳng thời nghĩ suy
Đời ta nặng gánh sân si
Nên làm con sãi phải đi quét chùa !

NGÀY 19/6/2016
HOÀNG ANH 79


READ MORE - MỘT ĐỜI CÒN LẠI CỐ QUÊN NHAU - chùm thơ Hoàng Anh 79

GA TẠM QUÊ NHÀ - chùm thơ Huy Uyên

Tác giả Huy Uyên


GA TẠM QUÊ NHÀ

Hương xưa bên người thao thức
Vết thương băng bó tận lòng
Sân ga trắng đêm sương đục
Không người về chi đợi mong.

Tàu qua Bến-Đá (đêm) ga tạm
Đèn đường hắt bóng ngang trời
Không người trên sân ga vắng
Tình rồi ở lại chơi vơi.

Mưa ở đâu về bay bay
Đường tàu nghiêng sầu quạnh vắng
Còi tàu chìm khuất sương mây
Người đi đã quên năm tháng.

Ga tạm chim rừng gọi đêm
Lòng ai trào dâng tê tái
Giọng ai cớ sao quá buồn
Để em sầu rưng rưng lệ.

Quê nhà nữa đêm dấu mặt
Tàu về sao mãi không người
Đốt cháy tim ai héo hắt
Dặm ngàn ở lại riêng tôi!

Núi mờ chốn cũ trời tây
Một đời tuồng cây lá ngủ
Người ngồi một mình nhớ ai
Vết thương đau theo lời gió.

Thôi rồi mưa đêm xóm cũ
Dỗ dành mấy hạnh-phúc người
Tàu qua mang thêm thương nhớ
Tình còn ở lại khôn nguôi .

Ngày xưa ngút ngàn nổi nhớ
Quê cũ phai rồi sân ga
Mắt ai cả đời lệ đổ
Tim ai một thuở đợi chờ  ...

Huy Uyên


    XA XĂM QUÁ ĐỂ ĐỜI AI LẶNG LẺ

Mây lang thang về ngủ đông cuối phố
Từ em đi cây lá buồn thêm
Cổ-tích xưa nằm chết lặng im
Gom hết trời đau thương buồn bã.

Em vẽ thêm chi
chiều đi vội quá
Tình-cách-chia lối-rẻ-thác-mời
Em ru nỗi đau của lá
Lá rơi và lá ngậm ngùi trôi .

Ai chôn ký-ức riêng mình
Thức dậy với nhói đau cùng tận
Vết thương xưa đốt lòng cháy bỏng
Vết thương chia hai đời tim .

Quên sao nên em về quá vội
Chiều Tam-Kỳ xa xót đợi chờ
Đắng lòng ai đi không tới
Chuyện cũ hoài xót đáng ngày xưa .

Để nhớ nhau đêm ngày chưa nói
Dĩ-vãng xưa đã mất đã hết rồi
Còn đâu lần đầu lần cuối
Để tình người ở lại riêng tôi .

Có ích chi lời yêu chưa trọn
Con tim đau chia biệt hai bờ
Trăm hờn dỗi ngày nào hò hẹn
Tôi sân ga đưa tiễn một người đi .

Nơi ấy một đời ai lặng lẽ
Bỏ lại em phố nhỏ cuối trời
Xót đau đợi ai ngày quay lại
Vết thương xưa mãi ngậm ngùi trôi .

Huy Uyên

        
      NGÀY VUI QUA MAU

Ngày vui đó ai ngờ qua quá vội
Tất cả rồi trôi đi thật xa
Tàn phai xưa có kịp quay về
Buồn lên mắt môi em dạo ấy .

Trôi về đâu em luống những ngậm ngùi
Mười năm, hai mươi năm chưa nói
Nhớ nhau xót xa quá đỗi
Sông trôi tình ở lại cùng tôi .

Sao ta bạc lòng cùng đời lá
Đau đớn xưa ở lại cuộc tình
Bao tháng năm dỗ hoài nổi nhớ
Dấu chi nhau nổi nhớ trong tim .

Vĩnh viển đời trăm lối mù khơi
Tôi nợ người sao không hề nói
Chia biệt nhau muôn dặm trong đời
Tàu đi rồi sân ga hoài đợi .

Giờ phố người em còn đứng nhớ
Chiều quanh co đầu chợ ga buồn
Mối tình xưa chôn rồi nghĩa-địa
Về bên trời quán vắng khuya đêm ...
Huy Uyên
1-7-16


READ MORE - GA TẠM QUÊ NHÀ - chùm thơ Huy Uyên

VÌ NỖI ĐAU, NGƯỜI ƠI! XIN ĐỪNG GIỠN - thơ Lê Đăng Mành

Tác giả Lê Đăng Mành



VÌ NỖI ĐAU, NGƯỜI ƠI! XIN ĐỪNG GIỠN
Lê Đăng Mành

Hãy tắt đi những chương trình vô cảm
Trò hòa nhạc chỉ bưng bít mị dân
Sạch chi được khi cá đang chết thảm
Hỡi truyền hình xin cắt bớt lần khân

Để che lấp nỗi đau cào tức tưởi
Vợ mất Chồng Cha Mẹ vĩnh biệt con
Anh em mình chết chi mà vô cớ
Nguyên nhân nào… oan ức rứa phi công!..?

Thoát  nạn trở về cũng im không nói
Tội đồng đội hồn chờ dưới biển đông
Bởi ám ảnh chi mà Anh lặng lẽ…
Chết đã đành sống cũng như không

Lửa que diêm bùng sáng trong đêm ấy
Thầm nhắn nhủ lãnh đạo động lương tri
Để thắp ngọn anh hùng mà đứng dậy
Làm lại Bạch Đằng tiếp nối Điện Biên.

Sung sướng chi mà nhạc hội hoan ca
Muốn sạch biển hãy vét sạch lòng ta
Để tưởng niệm phi công mất vì nước
Hay cố tình lấp liếm để cho qua

Nhà viết sử ai thèm điểm danh sao
Mà trơ trẽn uốn môi lên đú đởn
Hãy tắt ngay cho yên bụng đồng bào
Vì nỗi đau, trời ơi! Xin đừng giỡn.


LĐM
READ MORE - VÌ NỖI ĐAU, NGƯỜI ƠI! XIN ĐỪNG GIỠN - thơ Lê Đăng Mành