Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, April 18, 2016

RA MẮT 2 TẬP THƠ CỦA TRƯỜNG HẢI LÊ VĂN ĐÔNG: DU CA VÀ CẢM THỨC - Bùi Minh


Nhà giáo Trường Hải Lê Văn Đông


LỜI GIỚI THIỆU RA MẮT 2 TẬP THƠ CỦA TÁC GIẢ, NHÀ GIÁO TRƯỜNG HẢI LÊ VĂN ĐÔNG: DU CA VÀ CẢM THỨC ngày 13/3/2016 tại TTBDCT Huyện Anh Sơn.
                                   Người viết bài: Bùi Minh

                               Kính thưa các vị khách quí!
                               Thưa cá bậc thi huynh, thi hữu!
                               Thưa các anh, các chị!
          Tôi và Trường Hải Lê Văn Đông anh em thân nhau  hơn 30 năm và có 25 năm cùng tổ ngữ văn trường THPT Anh Sơn 3. Bởi vậy tôi hiểu rõ con người và thơ văn anh. Có thể nói rằng: Trường Hải Lê Văn Đông là một người có năng khiếu và đam mê văn chương- Đặc biệt là thơ. Ngay khi còn là học trung học anh đã có những sáng tác đầu tay hồn nhiên chân thật mang đậm dấu ấn tuổi học trò, rồi vào nghề giáo anh tiếp tục sáng tác - mặc dầu không nhiều. Từ ngày được nghỉ hưu, tâm hồn anh như được thăng hoa, cảm xúc dạt dào mãnh liệt, Trường Hải Lê Văn Đông đã cho ra đời hai tập thơ: Du ca và Cảm thức với gần 200 bài.
        Qua hai tập thơ, tác giả đã hướng tới nhiều chủ đề, từ tình cảm thầy trò, tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương đất nước cùng với nhiều đối tượng, nhiều thế hệ gắn với những công việc khác nhau. Từ các cháu đang học mầm non, các  em học sinh THPT đến cô giáo trẻ miền xuôi lên cắm bản đến bậc cao niên đã về hưu, từ thường dân đến vĩ nhân, anh hùng dân tộc đều được tác giả trải lòng. Dù viết về ai, làm việc gì, cương vị nào trong xã hội, tất cả được tác giả biểu hiện một cách chân thành. Ta hãy nghe Trường Hải Lê Văn Đông viết về đối tượng của nghề giáo khi các em ra trường qua Phượng nghiêng, Phượng chờ:
                         Thời gian cứ trôi dòng đời vẫn chảy
                         Các em ra trường mỗi đứa mỗi đứa mỗi nơi
                         Ấp ủ nhớ thương cánh hồng phượng nở
                         Bao năm rồi kỉ niệm chẳng mờ phai
                        ………………………………………….
                          Em còn nhớ cây phượng trồng xuân ấy,
                          Kỉ niệm học trò năm  cuối phổ thông
                          Phượng đã lớn,đã mấy mùa hoa nở
                          Nhớ người đi xa phượng đứng đợi chờ
                         ……………………………………….
                         Phượng đứng đó trong buồn vui lặng lẽ,
                         Hứng gió, đón trăng, bạn với mọi người.
                         Duy chỉ thiếu người trồng cây năm ấy,
                         Đang bận đi xa, phựơng vẫn đợi chờ.
         Viết về cô giáo miền xuôi, công tác miền núi, tác giả có sự sẻ chia đồng cảm:
                            Dân bản quí em cô giáo miền xuôi
                           Em thương bản còn đói nghèo con chữ.
                           Hoa lau trắng, tiếng khèn ai tình tứ
                           Bếp lửa bập bùng ấm áp reo vui
                           Ngày nhà giáo có hoa rừng trăng  núi
                           Có hạt bình minh đỏ thắm hoa đời
                                                     ( Em đi gieo hạt bình minh )
         Trước sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trường Hải Lê Văn Đông  đã có thi phẩm với một tiêu đề hàm súc đầy trí tuệ: Người viết sử đã đi vào lịch sử. Bài thơ đã được nhạc sĩ Hồ Hoàng phổ nhạc thành ca khúcTrang sử cuộc đời  được biểu diễn trong các ngày lễ lớn:
                            Ngôi sao sáng đã hóa thân vào vũ trụ
                           Ánh hào quang để lại cùng nhân loại
                           Người viết sử đã đi vào lịch sử
                           Võ Nguyên Giáp –Người thuộc về nhân dân
               Kính thưa các bậc cao niên
               Thưa các bạn yêu thơ.
           Một trong những chủ đề của Du ca và Cảm thứcđề cập, đó là tình yêu quê hương đất nước, quê hương Phong Thịnh Thanh Chương luôn luôn thường trực trong con người anh đến quê hương thứ 2 Đỉnh Sơn Anh Sơn thân thương gần gũi hằng ngày là nguồn cảm hứng lớn của Trường Hải Lê Văn Đông. Anh đã có nhiều bài thơ thể hiện nỗi niềm của mình về hai miền quê này :
                          Ôi quê hương thưở thiếu thời thương nhớ nhất
                          Sâu lắng tâm can một chốn đi về
                          Đồi quê gầy hao mưa nắng dãi dề
                         Oằn lưng nặng bao nấm mồ thiên cổ
                         Xương thịt mẹ cha và bao người quá cố
                         Lòng rưng rưng khi thắp nén hương trầm
                           ( Cảm thức – Kính tặng quê hương yêu dấu )
          Chưa dừng lại đó, tâm hồn anh còn ra Hoàng Sa, Trường Sa - mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc đang bị ngoại bang lăm le thôn tính. Tác giả xót thương, uất ức khi viết về miền đất yêu dấu này:
                        Mấy trăm năm rồi Hoàng Sa, Trường sa ơi,
                        Núm ruột yêu thương của lòng đất Việt
                        Nào ngờ một trận thư hùng quyết liệt,
                        Một chín bảy tư - Tàu cưỡng chiếm Hoàng Sa
                           (Thương nhớ Hoàng Sa )
          Tâm trạng của anh cũng là tâm trạng của hàng chục triệu con người Việt Nam.
          Trong sáng tác của mình, Trường Hải Lê Văn Đông đã viết nhiều về mất mát đau thương do chiến tranh gây ra. Sự hi sinh lớn lao để giành lấy hòa bình thống nhất đất nước được anh thể hiện khá độc đáo. Không ở đâu trên trái đất này như đất nước Việt Nam: mỗi phường, xã đều có đài tưởng niệm ghi nhớ công lao của các anh hùng liệt sĩ của địa phương mình, bởi thế trong sáng tác, Trường Hải Lê Văn Đông đã có trên 10 bài bày tỏ cảm xúc của về nơi trang nghiêm, tôn kính này. Đây là những dòng thơ tác giả nói về các cô gái thanh niên xung phong Truông Bồn- Chỉ còn mấy tiếng đồng hồ nữa thôi Tổ quốc được hòa bình, ngưng tiếng đạn bom, các cô sẽ toại nguyện ước mơ của mình:
                      Đêm cuối cùng liên hoan chia tay đòng đội
                      Mai có người về với mẹ, quê hương,
                      Người mừng vui nhận giấy báo vào đại học,
                      Có anh chị hẹn hò đôi lứa kết uyên ương.
           Nhưng rồi thật đau đớn:
                     Sáng tinh sương ba mốt, tháng mười, sáu tám
                     Truông Bồn rền vang những loạt bom rơi
                     Cùng đồng đội đi san đường lần cuối
                     Cả tiểu đội 2 bị bom vùi, mãi mãi ra đi.
                           ( Truông Bồn hoa nhuộm tím hồn ta )
          Tứ thơ làm ta nghẹn ngào thương tiếc. Họ đã hi sinh vào giờ chót khi Mỹ tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam trong cuộc chiến leo thang. Xương máu của các chàng trai cô gái đã thắm mảnh đất Truông vànhuộm tím hồn ta khi đến địa danh lịch sử này:
                       Mười một cô gái, hai chàng trai chung mộ
                      Xương máu thanh xuân hòa thắm mảnh đảnh đất Truông.
                      Sim mua tím thủy chung màu thương nhớ
                      Đến với Truông Bồn hoa nhuộm tím hồn ta.
           Viết về bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ ở Quảng Nam, có 11 liệt sĩ là chồng , con , cháu nội… Trường Hải Lê Văn Đông có bài thơ Tượng đài mẹ Thứngắn gọn hàm súc nói sự hi sinh lớn lao của Mẹ:
                       Nước có giặc, chồng con đều ra trận
                       Mười một người đi tất cả không về
                       Nước mắt mẹ nhòa mỗi bữa ăn hương đổ
                       Hóa tượng đài bất tử giữa miền quê.
           Trong cuộc đời thực của Trường Hải Lê Văn Đông chưa được đi nhiều. Nhưng trong Du ca  và Cảm Thức ta thấy anh đi khắp mọi miền đất nước. Từ miền quê hương Phong Thịnh Thanh Chương đến Truông Bồn, Điện Biên lịch sử, từ làng Sen quê Bác đến Tiên Điền quê hương Nguyễn Du, từ miền núi đến nơi đảo xa, với con người tác giả bộc lộ cảm nhận từ hiện đại ngược thời trung đại. Như vậy du trong Du ca  của tác giả là du về tâm hồn, tâm hồn đó không viển vông mà gắn liền với cảm thức. Để diễn tả nội dung phong phú, anh đã vững vàng sử dụng nhiều thể loại: khi với lục bát mềm mại uyển chuyển, khi trang trọng chặt chẽ với thể thơ Đường luật, khi phóng khóang với thể thơ tự do v..vv
           Mặt khác, tác giả đã có sự kết hợp nhuần nhuyễn từ sự rung cảm tinh tế, nhạy cảm của tâm hồn với một tấm lòng ý thức trách nhiệm công dân. Trong sáng tác của Trường Hải Lê Văn Đông cái tôi trữ tình và cái tôi công dân hòa quyện khó tách bạch.
           Kính Thưa các bậc cao niên!
           Thưa các bạn yêu thơ!
      Trong  chương trinh ngữ văn THPT, đã bao lần thay đổi tác giả tác phẩm. Song trong bài khái quát văn học Việt Nam của văn 10, có một câu mà các nhà soạn sách vẫn giữ nguyên. Năm nào bồi dương học sinh giỏi hay ôn thi đại học tôi đều lấy câu này làm một đề thi đó là : Suy cho cùng lịch sử văn học của một dân tộc chính là lịch sử tâm hồn dân tộc đó. Cổ nhân có câu : Văn như kì nhân, Đại văn hào M.Goorki có nói Văn học là nhân học.Như vậy, Du ca và Cảm Thức là tâm hồn Trường Hải Lê Văn Đông. Chúc anh sức khỏe để Thêm yêu cuộc sống làm thơ tặng đời.
           Tôi cũng rất phấn khới khi các thầy cao niên như thầy Nguyễn Hữu Kiếng, thầy Phan Đình Đệ, thầy Nguyễn Trọng Hùng, thầy Trần Phong Phú, thầy Nguyễn Tài Khóa… đã có những sáng tác thơ làm nguồn động viên gửi gắm nỗi niềm và chiêm nghiệm của mình. Kính chúc các thầy bách niên giai lão.
           Chúc các quý vị, các anh, các chị hiện diện hôm nay hạnh phúc và thành đạt. Xin chân thành cảm ơn.
                                       Miền Tây xứ Nghệ, 3/2016.
                                                    Bùi Minh
   


READ MORE - RA MẮT 2 TẬP THƠ CỦA TRƯỜNG HẢI LÊ VĂN ĐÔNG: DU CA VÀ CẢM THỨC - Bùi Minh

KA SÔ LIỄNG MỘT ĐỜI THAO THỨC CÙNG SỬ THI - Cao Vĩ Nhánh




Ka Sô Liễng 
Một Đời Thao Thức Cùng Sử Thi

“Ngọn giáo treo trên vách như rừng cây e-le
Lưỡi mác giắt trên cột như gai cây trim
Lưỡi đao sáng quắc như ánh nắng tháng sáu
Con gái nhiều như hoa pơ - lang nở tháng mười
Con trai nhiều như hoa khơ đo nở tháng ba
Con gái đi đường sông như gió lùa tháng giêng
Chim ghen tiếng hát gái buôn
Gió ghen trai làng tiếng hú
Rầm rập tiếng chày giã gạo
Ục ục tiếng cồng
Tạc tạc tiếng chiêng
Phùm phùm tiếng trống
Đêm không cho rừng ngủ
Ngày không để sông yên”.

Trong tiết trời giao hòa những ngày cuối năm nhà nghiên cứu dân gian Ka Sô Liễng hứng khởi thể hiện đoạn mô tả sự giàu có của nhà Chi Lơ Kok trong sử thi Chi Lơ Kok mà ông tâm đắc. Ở tuổi 80 song ông vẫn còn dáng vóc khỏe khoắn và giọng nói trầm hùng – hình mẫu của một già làng Tây Nguyên. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà những sách và sách giữa vườn rừng lộng gió ở thôn Kiến Thiết, xã Ea Chà Rang, huyện Sơn Hòa (tỉnh Phú Yên) ông hoạt bát hẳn lên khi nói về sử thi. Ông tâm sự, 17 tuổi ông nhập ngũ vào Trung đoàn 84 rồi tập kết ra Bắc, theo học Trường lý luận nghiệp vụ văn hóa Hà Nội, rồi khoa đạo diễn trường Đại học Sân khấu - điện ảnh Hà Nội. Thời gian này ông đã bén duyên một cách mê mẩn với những bộ sử thi Bài ca chàng Đam San, Xing Nhã, Đăm Di của đồng bào Ê Đê; Đẻ đất đẻ nước của người Mường và sử thi Đăm Noi của đồng bào Ba Na. Nhưng phải đến khi Phú Yên tái lập tỉnh, được chuyển về công tác, giữ chức Phó Giám đốc Sở Văn hóa thông tin Phú Yên ông mới có điều kiện đi điền dã, dành trọn tình yêu hơn cho sử thi (hay còn gọi là trường ca). Có thể nói giai đoạn huy hoàng nhất mà ông toàn tâm, toàn trí, toàn hồn cho loại hình văn hóa dân gian này là khi về nghỉ hưu ở Ea Chà Rang. Không đổ mồ hôi như cày cuốc, gieo trồng trên nương rẫy, thế nhưng công việc tìm kiếm, sưu tầm sử thi qua lời kể của những già cũng vất vả không kém. Ông chia sẻ, các nghệ nhân dân gian còn nhớ và kể sử thi cứ lần lượt về phía bên kia núi. Lo sợ điều ấy, ông lặn lội đi tìm người già để nghe kể lại bằng các hình thức thu âm và ghi chép. Càng làm ông càng say. Có buôn, ông trở đi trở lại nhiều lần mà vẫn chưa ghi chép xong một bài trường ca. Có khi quay lại thì nghệ nhân đã qua đời. Ka Sô Liễng còn lưu giữ nhiều cuốn sổ tay đã ngả vàng với những ghi chép còn chưa đến đoạn kết. Ông cất công lặn lội về các huyện Sông Hinh, Đồng Xuân, các xã vùng cao Sơn Hòa và các buôn làng xa xôi ở Tây Nguyên. Nhớ nhất là chuyến ông đi bộ cả trăm cây số, lang thang tận Đắc Lắc, Gia Lai rồi ngã bệnh luôn ở trên đó, người nhà phải đi tìm, chở về Tuy Hoà điều trị. Nhưng rồi, khỏe lại, ông lại lên đường, tiếp tục cần mẫn với công việc gìn giữ vốn quý cho muôn đời sau này. Từ năm 1995 đến nay, ông đã có các tác phẩm khảo cứu đạt giải thưởng từ tỉnh đến Trung ương. Những bản trường ca tên tuổi sưu tầm được của ông đã khơi dậy tình yêu đồng bào, con suối, ngọn núi, cái rẫy, nhà sàn như: Chi Lơ Kok; Trường ca Chi-Liêu; Chi Bri, Chi Brit

Ông Ka Sô Liễng đang dạy chữ Chăm Hroi cho các em học sinh.

Tiến sĩ Nguyễn Định, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Phú Yên, người có nhiều năm dày công nghiên cứu về sử thi đánh giá, Phú Yên có trữ lượng sử thi tương đối lớn. Trong hơn 10 năm, với tinh thần làm việc say mê, tâm huyết, nhà nghiên cứu Ka Sô Liễng đã cho công bố đến 6 sử thi: Chi Lơ KokXinh Chi Ôn (tập I), Xinh Chi Ôn (tập II), Hơbia Tulúi Kalipu, Trường ca Chi blơng, Tiếng cồng ông bà Hbia Lơđă… Sử thi sưu tầm ở Phú Yên, hầu hết là sử thi anh hùng với đề tài chiến tranh, trong đó, phổ biến và tiêu biểu hơn cả là sử thi Chi Lơ Kok. Chi Lơ Kok phản ánh nhiều mặt về vùng đất, con người và xã hội của các tộc người Êđê, Bana, Chăm. Vùng người Êđê, Bana, Chăm sinh sống trên mảnh đất phía Tây Phú Yên từ bao đời nay là một xứ sở xinh đẹp, giàu có.

Tin vui trong dịp đầu năm mới, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ka Sô Liễng được vinh dự nhận danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Đây là phần thưởng cao quý của Nhà nước dành tặng cho tài năng và cống hiến lớn lao trong lĩnh vực nghệ thuật, văn hóa dân gian của những người như ông. Trong chiều sâu cội nguồn văn hóa, tầm vóc và đóng góp của ông được nhiều người ví như cây kơ nia vươn cao trước gió, như cánh chim kơ tia không mỏi, như con ong cần mẫn giữa đại ngàn… Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang, chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian và văn nghệ các dân tộc thiểu số Phú Yên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Phú Yên ghi nhận: “Ông Ka Sô Liễng có thể nói là đấng bậc đặc biệt của Việt Nam về lĩnh vực sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian. Chúng tôi rất trân trọng vốn hiểu biết văn hóa dân gian sâu rộng của ông. Ông cả một đời cống hiến tận tụy cho cách mạng, cho việc lưu giữ sử thi. Khi trở về là trở về với quê hương, bản quán, có ý thức sâu sắc về việc lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống. Ông Ka Sô Liễng luôn khiêm nhường về những đóng góp của mình, là tấm gương sáng khó kiếm về nhân cách, ông luôn đối xử vô cùng thân ái và nhân ái với những người cộng sự, những người trên, kể cả người dưới”.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ka Sô Liễng tâm sự, mong muốn lớn nhất của ông là các cộng đồng dân tộc đọc được, nhất là lớp trẻ đọc được để thấy được cái hay, cái đẹp của dân tộc mình chứa đựng trong các bộ sử thi. Để thấy rằng tự bao đời dân tộc mình cũng có mơ ước chinh phục thiên nhiên, chinh phục xã hội mà làm ăn giàu có, sống cuộc sống văn minh. Điều ông luôn trăn trở là làm sao để lớp trẻ yêu quý, gìn giữ giữ văn hóa dân tộc mình. Ông lo lắng, hiện nay, do ảnh hưởng của văn hóa hiện đại nên không còn nhiều người có nhu cầu nghe kể sử thi như trước đây. Các nghệ nhân biết hát, kể sử thi đã già yếu, nhiều người đã mang theo “kho báu” về với ông bà tổ tiên mà chưa kịp truyền dạy lại cho thế hệ sau. Đội ngũ trí thức tâm huyết với công việc sưu tầm, nghiên cứu sử thi của các dân tộc có sử thi đang thiếu hụt nghiêm trọng.
CAO VĨ NHÁNH


Địa chỉ: CAO VĨ NHÁNH
Đài Truyền thanh – Truyền hình Sơn Hòa
Huyện Sơn Hòa, Phú Yên. 


READ MORE - KA SÔ LIỄNG MỘT ĐỜI THAO THỨC CÙNG SỬ THI - Cao Vĩ Nhánh

ANH VỀ - hai bài thơ Phạm Phan Hòa


Tác giả Phạm Phan Hòa


ANH VỀ

              * Trân quí dành cho em NTB.

Cũng về
Gom nhặt cho nhau,
Sẽ dần phai..
Trắng
Một màu khăn tang!
... Anh đi, dẫm mộng
Điêu tàn.
Ngày về xóa sạch
Lỡ làng
Không
Em!.

PPH
13/4.



NGỌC ĐÁ
           * Tặng TM Thúy.

Đá ngàn năm câm lặng
Tóc một đời nhuốm sương!
Tâm tình em hóa thạch
Giữa thẳm sâu đêm trường.
Có một loài ngọc đá
Ẩn trong lòng vấn vương?
Công viên ngày mưa bay
Tượng đá xếp tóc bồng
Dang tay về phía biển
Tình gửi ngàn con sông.
Thắm trong hồn đá xưa!
Long lanh đêm huyền dịệu
Đôi mắt xanh lửa rừng
Tỏa nhịp đàn muôn điệu...
Có một loài ngọc đá
Ngàn năm hòai... lung linh?.

Phạm Phan Hòa
Quảng Nam. 13/4/2016.
READ MORE - ANH VỀ - hai bài thơ Phạm Phan Hòa

THẤT TÌNH - thơ Trần Hữu Giáo

Tác giả Trần hữu Giáo


Thất Tình
Lục bát liên hoàn

Ta về dưới cội phượng già
Tìm trong ký ức mượt mà dáng xưa
Tháng ngày qua, đã qua chưa
Bốn lăm năm cũng đã vừa nhớ nhung


Nhớ nhung một thủa tóc xanh
Thương em áo lụa mỏng manh tơ trời
Ước gì ta được làm nôi
Ru em giấc ngủ mê muồi ái ân


Ái ân cũng chỉ là mơ
Bỗng dưng cách biệt đôi bờ vực sâu
Tìm nhau ta biết tìm đâu
Ta thân lính chiến, em dâu nhà người


Nhà người em bước sang ngang
Vần thơ ta viết, sang trang nửa chừng
Ta đi giọt lệ rưng rưng
Em thì ở lại tưng bừng pháo hoa


Pháo hoa em bước theo chồng
Để mình ta lại giữa dòng chơi vơi
Bốn lăm năm giữa đất trời
Ta chừ nhớ mãi một thời lỡ yêu


                 Trần Hữu Giáo
____________
Lần đầu gởi cho VNQT.

READ MORE - THẤT TÌNH - thơ Trần Hữu Giáo

TÌNH KHÚC THÁNG TƯ - Thơ Nhật Quang


           Nhật Quang


TÌNH KHÚC THÁNG TƯ

Anh nghe trong gió ngát hương thầm
Nắng tháng Tư hong vàng màu hoa thắm
Cho con tim đong đầy say đắm
Bài thơ tình anh viết tặng riêng em.

Tháng Tư về nghe nỗi  nhớ dịu êm
Đêm trầm vương thoảng mùi Dạ lý
Anh ấp ủ... những dòng nhật ký
Như tình em ngan ngát cõi lòng anh.

Tháng Tư về từng giọt nắng long lanh
Dìu dịu, mơn man trên cành lá
Mắt em vời vợi...ôi, mơ mộng quá !
Đắm hồn anh như lạc chốn Đào nguyên.

Tháng Tư về ta tìm chốn bình yên
Hương tình yêu lâng lâng niềm hạnh phúc
Vần thơ anh nồng nàn cảm xúc
Viết tặng riêng em, tình khúc thángTư.

                                       Nhật Quang
                                         (Sài Gòn)

READ MORE - TÌNH KHÚC THÁNG TƯ - Thơ Nhật Quang

VỀ QUÊ VỢ ĐÓN RÉT NÀNG BÂN - Thơ Nguyễn Khôi



 
                        Tác giả Nguyễn Khôi



VỀ QUÊ VỢ ĐÓN RÉT NÀNG BÂN
       (Tặng Dương Ninh Ninh)
                  ---------
Tháng 3 nóng, bỗng trở trời lành lạnh
Rét Nàng Bân...được mặc áo vợ đan
bõ cả tháng đi nằm Bệnh viện
vẫn gượng đau đan áo cho chồng.
                      
ÔI thời buổi sính dùng "hàng hiệu"
Nào Quảng Châu, hàng Pháp, hàng Nga...
- Ừ đẹp đấy, con gái mua, chẳng thiếu
Áo vợ đan, dẫu muộn, vẫn đượm đà.
                       
Về Hạ Lũng ngắm hoa vườn mẹ
"Dưới bóng Hoàng Lan" hóng gió lạnh mơn man (1)
Cái lành lạnh nghe mát lòng thơm thảo
Áo vợ đan vừa dịp Rét Nàng Bân.

Làng hoa Hạ Lũng (Hải Phòng) 
18-4-2016 (12-3 Bính Thân)
            NGUYỄN KHÔI

----
(1) Xem Thạch Lam.
     
READ MORE - VỀ QUÊ VỢ ĐÓN RÉT NÀNG BÂN - Thơ Nguyễn Khôi