Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, April 6, 2016

CHÙM THƠ ĐOÀN THUẬN



      Tác giả  Đoàn Thuận




LỐI SỎI

Lối sỏi qua vườn thắm sắc rêu
Khóm hoa trinh nữ ngủ sau chiều
Bỏ hoang cỏ dại đầy sân gạch.
Xóm cũ bờ dâu ngõ quạnh hiu.


VƯỜN DÂU

Nắng muộn hoàng hôn rụng xuống đồi
Vườn dâu dạ lý thả huơng trôi
Sương mù nghịch lá sầu đông lạnh
Gió tối đùa hoa mắc cở chơi.


VƯỜN CHIỀU

Vườn xưa trúc biếc nắng hoa lay.
Động khuất đồi xa chim gọi bầy.
Dăm pho tượng đá hồn hoang lạnh.
Mấy cánh sen chiều hương thoảng bay


HƯƠNG ĐÊM

Vàng thu cúc dại nở hồn nhiên ,
Tượng đá trăng soi lặng lẽ thêm,
Hiên ngoài liễu rủ quỳnh hoa khép, 
Móc trắng sương lam ướt lá đêm.

                             Đoàn Thuận

READ MORE - CHÙM THƠ ĐOÀN THUẬN

THUYỀN VÀ BIỂN: NGỌT BÙI CAY ĐẮNG CỦA TÌNH YÊU - Phạm Đức Nhì



         Tác giả Phạm Đức Nhì





THUYỀN VÀ BIỂN: NGỌT BÙI CAY ĐẮNG CỦA TÌNH YÊU
Ngoài 2 câu mào đầu giới thiệu:
Em sẽ kể anh nghe 
Chuyện con thuyền và biển:
 
Thuyền Và Biển được viết theo thể thơ ngũ ngôn trường thiên, 7 đoạn, mỗi đoạn 4 câu. Ở đây tác giả sử dụng phép ẩn dụ toàn bài.
Tứ: Câu chuyện thuyền và biển.
Ý: Chuyện tình của chính tác giả. Tác giả là biển, người yêu của chị là thuyền.
Theo tình tiết của tứ thơ, bài thơ được chia làm 4 phần:
1/ Tình Yêu Mới Chớm
Từ ngày nào chẳng biết 
Thuyền nghe lời biển khơi 
Cánh hải âu, sóng biếc 
Đưa thuyền đi muôn nơi

Lòng thuyền nhiều khát vọng 
Và tình biển bao la 
Thuyền đi hoài không mỏi 
Biển vẫn xa... còn xa

Đoạn đầu của bài thơ kể lại lúc tình yêu mới chớm. Chàng để ý đến nàng, cố công theo đuổi; còn nàng trong lòng không biết thế nào chứ ngoài mặt thì cứ “tảng lờ như không”. Tôi chợt nghĩ đến tâm tình của một nữ sinh Đồng Khánh (Huế) trong một đoạn trả lời bài thơ Qua Mấy Ngõ Hoa của Mường Mán (1):
Răng mà cứ theo tui hoài rứa?
Cái ôn ni mới dị chưa tề!
Sớm chiều trưa ba buổi đi về
Đưa với đón làm chi không biết!
mà cái thời còn là anh lính trẻ thường tới lui với Huế - vì công vụ cũng như vui chơi – tôi được  một nữ sinh Đồng Khánh chép tặng và đã thuộc lòng vì rất thích. Nhưng nếu để ý so sánh thì tuy cùng một chiến thuật tán gái – bám sát đối tượng – cách diễn tả của Xuân Quỳnh sang hơn, bay bướm hơn nhiều.
Còn khi cô nữ sinh Đồng Khánh đã xuôi lòng, giả vờ xuống giọng năn nỉ:
Tội tui lắm cách cho vài thước
đừng đi gần hai bước song đôi
xa xa cho kẻo bạn tui cười
mai vô lớp cả trường dị nghị.
thì ở đoạn thứ hai khi biết chàng trai đã có ý chinh phục trái tim mình:
Lòng thuyền nhiều khát vọng”
thì tình cảm của tác giả Thuyền Và Biển đã được kín đáo bày tỏ:  
“Và tình biển bao la” 
nhưng vì là phụ nữ nên nàng vẫn “ý tứ” giữ một khoảng cách khá … xa:
“Thuyền đi hoài không mỏi
Biển vẫn xa … còn xa”
Ẩn dụ thật tuyệt vời.
Mấy thế kỷ trước Lê Quý Đôn đã viết về thi pháp như sau: “Lời kỵ thẳng, mạch kỵ lộ, ý kỵ nông, thi vị kỵ ngắn”. (2)  Trong 2 đoạn thơ này Xuân Quỳnh hoàn toàn tránh được những điều “kỵ” mà nhà thơ họ Lê nhắc nhở người đời. Lời của chị rất bóng gió, mạch thơ kín đáo. ý thơ sâu sắc và đặc biệt thi vị cứ vương vấn mãi nơi tâm hồn người đọc.
 2/ Khi Chúng Mình Yêu Nhau
Đến đoạn 3 thì tình yêu đã bến rễ, nàng đã “mở cửa trái tim” chấp nhận tình yêu của chàng và đã biểu lộ bằng hành động cụ thể:
Những đêm trăng hiền từ 
Biển như cô gái nhỏ
Thầm thì gửi tâm tư
Quanh mạn thuyền sóng vỗ
Cũng có khi vô cớ Biển ào ạt xô thuyền
(Vì tình yêu muôn thuở
Có bao giờ đứng yên?)
Qua 2 đoạn thơ ở phần này tác giả đã tiết lộ một chút bí mật về vai trò của phụ nữ trong hôn nhân. Theo chị thì phụ nữ là sứ giả của tình yêu, của hòa bình, vào “những đêm trăng hiền từ” thường bằng những lời “Thầm thì gởi tâm tư/ Quanh mạn thuyền sóng vỗ” đem đến cho bạn tình cái cảm giác ấm áp, an lành, hạnh phúc của kẻ đang yêu và được yêu. Nhưng chính phụ nữ cũng là những bà “thần chiến tranh”, châm ngòi cho những cuộc “xô bát, chạm đĩa” trong gia đình mà chẳng cần có một duyên cớ gì chính đáng:
Cũng có khi vô cớ
Biển ào ạt xô thuyền
rồi đổ thừa là:
(Vì tình yêu muôn thuở
Có bao giờ đứng yên!)
Ôi! Nữ sĩ Xuân Quỳnh ơi, phụ nữ như chị thật ngàn lần đáng yêu và cũng vạn lần đáng … sợ. 

3/ Tình Sâu Nghĩa Nặng
Chỉ có thuyền mới hiểu 
Biển mênh mông nhường nào
Chỉ có biển mới biết
Thuyền đi đâu, về đâu
Thân thể em, với anh, như tấm bản đồ mở rộng, anh đã rành rẽ đường đi nước bước; tâm hồn em, những nghĩ suy toan tính đời thường, cả những ước mơ sâu kín, em cũng chia sẻ với anh. Còn lộ trình của anh trong đời: điểm dừng, điểm đến, khi đi, lúc về anh cũng ghi hết cho em.
Những ngày không gặp nhau 
Biển bạc đầu thương nhớ
Những ngày không gặp nhau
Lòng thuyền đau - rạn vỡ
Những ngày vắng anh em nhớ thương quay quắt; những ngày không gặp mặt nhau anh như phát ốm, phát đau. Ý chỉ bình thường như thế nhưng không biết tác giả chọn được điểm đứng đặc biệt như thế nào để khi nhìn biển nổi sóng bạc đầu (trắng xóa) lại có thể tưởng tượng là “Biển bạc đầu thương nhớ” và nhìn con thuyền tạm giã từ biển “lên ụ” để sửa chữa mà có thể nghĩ là “Lòng thuyền đau rạn vỡ” thì quả là thật tài tình. Đây là 2 câu đắt giá nhất của bài thơ; tứ thơ rất bóng gió, rất đẹp, rất thơ nhưng lại như lưỡi dao rất sắc len lỏi vào tận đáy tâm hồn.
Lao vào cuộc chơi văn chương thi phú tôi đã đọc không biết bao nhiêu là câu thơ, bài thơ diễn tả tình sâu nghĩa nặng của vợ chồng. Đây là đề tài muôn thuở, “cũ xưa như trái đất”. Nhưng chưa có câu thơ, bài thơ nào đặc sắc như 2 đoạn thơ trên. Tôi xin nói rất mạnh miệng mà không sợ lỡ lời: nói đến tình nghĩa vợ chồng, đây là những vần thơ tuyệt bút. Có lẽ vì thế mà nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã chọn 2 đoạn thơ này và đoạn kết để phổ thành bản nhạc Thuyền Và Biển.
4/ Nếu Cuộc Tình Chia Xa
Nếu từ giã thuyền rồi 
Biển chỉ còn sóng gió"

Nếu phải cách xa anh
Em chỉ còn bão tố
Khi tình đã sâu, nghĩa đã nặng mà vì lý do này, lý do khác phải chia xa thì cả 2 bên đều đau khổ. Nhưng theo Xuân Quỳnh thì bên phía phụ nữ nỗi khổ đau sâu hơn, lớn hơn gấp bội. Hai câu kết:
Nếu phải cách xa anh
Em chỉ còn bão tố
chính là nỗi đớn đau đã lên đến tột độ, biểu lộ một tình yêu nồng thắm, mãnh liệt. Tác giả đã bước ra khỏi phép ẩn dụ, bôi hết son phấn trên mặt, cởi bỏ hết lớp vỏ hóa trang, không còn Biển Thuyền bóng gió và đã hét thật to, xưng gọi đúng tên hai kẻ yêu nhau say đắm. Bài thơ kết thúc ở đúng cao trào.

Vài Lỗi Kỹ Thuật
1/ Hai câu mào đầu không cần thiết.
Theo tôi, 2 câu:
Em sẽ kể anh nghe
Chuyện con thuyền và biển
có thể bỏ đi mà không ảnh hưởng đến việc tìm hiểu tứ của bài thơ. Bố cục bài thơ sẽ gọn hơn.
2/ “Bật mí” phép ẩn dụ
Phép ẩn dụ của bài thơ, nếu tinh ý, người đọc có thể nhận ra sau khi đọc 2 đoạn đầu. Còn nếu “chậm tiêu” một tý thì từ từ rồi cũng thấy, cũng hiểu. Thuyền là chàng, biển là nàng, bài thơ là chuyện tình yêu của chàng với nàng, nàng là tác giả, là nhân vật chính trong bài thơ. Trong đoạn thơ:
Những đêm trăng hiền từ
Biển như cô gái nhỏ
Thầm thì gởi tâm tư
Bên mạn thuyền sóng vỗ
thì biển là cô gái (ẩn dụ) cho nên câu “Biển như cô gái nhỏ” không những đã trở nên thừa, gây cảm giác “không thoải mái” cho người đọc mà lại còn làm lộ phép ẩn dụ nữa. Nếu tác giả chọn được cách nói khác, không nhắc gì đến cô gái mà vẫn diễn tả được cái ý ấy thì hay hơn.
Tương tự như vậy, trong đoạn thơ:
Cũng có khi vô cớ
Biển ào ạt xô thuyền
(Vì tình yêu muôn thuở
Có bao giờ đứng yên!)
Tác giả quên rằng mình đang đóng vai Biển với thân hình và bộ mặt (đã hóa trang) của Biển. Ngôn ngữ rất riêng, rất lạ của Biển và Thuyền đang thu hút sự chú ý của độc giả. Tự nhiên buột miệng nói ra “tiếng người” khiến vai diễn của vở kịch trở thành bất nhất. Hai câu sau nếu tránh được từ “tình yêu” mà vẫn giữ được ý ấy thì quá hay.

Xuân Quỳnh sinh năm 1942, viết Thuyền Và Biển năm 1963 khi mới 21 tuổi nhưng cái nhìn của chị về tình yêu, hạnh phúc, khổ đau rất từng trải, chững chạc, chín chắn. Chị yêu hết mình nên rất sợ tình tan vỡ vì lúc ấy khổ đau sẽ vò nát trái tim.
Tuy là thể thơ mới trường thiên, mỗi đoạn 4 câu nhưng trong Thuyền Và Biển vẫn có dòng cảm xúc, dòng thơ. Đó chính là dòng thời gian của tiến trình tình yêu phát triển, tuy mong manh và hơi “lung linh sương khói” nhưng cũng đủ sức đưa con thuyền tứ thơ từ điểm khởi đầu khi tình yêu mới chớm đến lúc tình sâu nghĩa nặng và sau cùng là tâm trạng lo âu khi nghĩ đến lúc chia xa. Cảm xúc nhẹ nhàng man mác ở khởi đầu; càng về sau càng nồng thắm và đến 2 câu cuối thì đã đến đỉnh điểm, vô cùng mãnh liệt. Bài thơ đã đạt điểm tối đa ở đoạn kết, chấm dứt ở đúng cao trào của tứ thơ.  
Chữ nghĩa sang trọng, chính xác, nhiều chỗ đắc địa nên cảm xúc dạt dào ngay từ tầng một. Thế trận câu chữ chặt chẽ, tâm tình chân thật - chị làm thơ bằng cả tâm hồn – nên cảm xúc ở tầng hai và tầng ba chảy ào xuống trái tim người đọc như thác đổ. Ẩn dụ nhiều đoạn vừa tượng hình vừa đẹp, rất tương hợp, kín kẽ, rất bay bướm và rất sinh động.
Bài thơ cũng có hơi hám của hội chứng nhàm chán vần nhưng:
1/ Trong 7 đoạn thơ gieo vần gián cách tác giả có 4 lần kết thúc đoạn thơ ở vần bằng, 3 lần ở vần trắc; sự chuyển đổi âm điệu đó đã giảm thiểu khá nhiều cái giọng ầu ơ của bài thơ.
2/ Nhờ lời đẹp, tứ hay, ẩn dụ tương hợp, kín kẽ, độc giả càng đọc càng hứng thú nên cũng không đến nỗi ngán vì nhiều vần.
Tóm lại, nếu không vướng một chút lỗi kỹ thuật thì bài thơ có thể nói là toàn bích, chỗ đứng của Xuân Quỳnh cũng như Thuyền Và Biển trong lịch sử thi ca còn trang trọng hơn nữa

Một Mong Ước Thật Đáng Thương
Theo lời kể của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu khi đến thăm Xuân Quỳnh thì:
Nhà thơ Xuân Quỳnh rất cảm xúc khi nghe ca khúc “Thuyền Và Biển”. Chị chỉ mong ước giữ nguyên văn câu thơ: “Nếu phải cách xa anh, em chỉ còn bão tố! Mong các ca sĩ đừng đổi lại: “Nếu phải cách xa em, anh chỉ còn bão tố”. Chị không muốn xóa đi kỷ niệm buồn đau của mình trong cuộc tình đã qua, và theo chị chắc gì nam giới đã có được tình yêu đằm thắm, đắm say và có lúc bão tố như phụ nữ”(3)
Tôi rất đồng cảm với Xuân Quỳnh về điều mong ước trên. Có điều theo tôi, tại sao lại để chị phải thốt ra những lời mong ước đó? Các ca sĩ nếu có một chút khả năng “hiểu cảm câu chữ”thì phải biết bản nhạc phổ thơ là tâm trạng của người phụ nữ trong chuyện tình của Thuyền Và Biển, thuyền là nam và biển là nữ. Bản nhạc này để nữ hát là đúng nhất, là hợp tình nhất. Nhưng nếu nam thích thì cũng vẫn có thể hát được, miễn là phải hiểu rằng “giọng nam của mình đang được mượn để chuyển tải tâm tình của một phụ nữ”nghĩa là phải hát đúng nguyên văn:
Nếu phải cách xa anh
Em chỉ còn bão tố
Chứ nếu đổi lại:
Nếu phải cách xa em
Anh chỉ còn bão tố
thì sai bét. Anh là thuyền chứ có phải là biển đâu mà bão với tố! Tôi đã vào Youtube nghe vài nam ca sĩ hát Thuyền và Biển. Đáng buồn là nghe 5 ca sĩ hát thì cả 5 đều hát sai.(4) Rất mong các nam ca sĩ xem lại để hát cho đúng. Trước hết, để tỏ lòng tôn trọng Xuân Quỳnh, một nữ sĩ tài danh đã mất, thứ đến để chứng tỏ đẳng cấp nghệ sĩ của mình, có thể hiểu, cảm tâm trạng của tác giả và thả hết tâm hồn vào lời ca, nốt nhạc chứ không phải là người vô trách nhiệm, tự động sửa lời bản nhạc của người ta theo ý mình, chẳng cần biết đúng sai, và cứ thế nhắm mắt hát bừa, hát bậy.
Kết Luận                        
Bài thơ giờ đã hơn 50 tuổi và Xuân Quỳnh cũng như biển, đã đi xa … rất xa, nhưng những cặp hình ảnh tương xứng của phép ẩn dụ giữa thuyền, biển và đôi lứa yêu nhau, rất đẹp, rất ăn ý vẫn còn sống trong lòng nguời mê thơ, đặc biệt là những người trong tình yêu đã từng được nếm cả vị ngọt bùi lẫn cay đắng.
04/2016
Sẵn sàng đón nhận góp ý, phê bình của bạn đọc.

                                                                    Phạm Đức Nhì
Chú thích:
4/ (https://www.youtube.com/watch?v=OlDLsnO4gIE, nam ca sĩ Nguyên Trường)
(https://www.youtube.com/watch?v=hseI9n78c9k, nam ca sĩ Trung Đức)
READ MORE - THUYỀN VÀ BIỂN: NGỌT BÙI CAY ĐẮNG CỦA TÌNH YÊU - Phạm Đức Nhì

CẤT LẠI GIÙM EM ĐI ANH ... - Thơ Trần Mai Ngân






CẤT LẠI GIÙM EM ĐI ANH ...

Cất lại giùm em đi anh ...
Hương ngày cũ và mùa dĩ vãng
Đã  đẹp biết chừng bao
Đã yêu đương đầy ắp ngọt ngào
Xin cất lại và giữ yên nơi đó...

Cất lại giùm em đi anh...
Hoa mùa Xuân rực rỡ dưới trời xanh
Cây cầu cũ nước sông lơ lửng chảy
Và đôi ta như chưa từng dừng lại
Đứng cùng nhau môi thánh thiện cười...

Cất lại giùm em đi anh...
Mùa hẹn hò đã quá mong manh
Vụt đến, vụt đi và tan mất
Còn lại đây nỗi quạnh sầu chất ngất
Trôi qua tay và đi mãi chẳng về !

Cất lại giùm em đi anh
Chén tình yêu như ly độc dược
Rất ngọt ngào đủ giết đời nhau
Cất lại giùm em đi anh !


             Trần Mai Ngân

READ MORE - CẤT LẠI GIÙM EM ĐI ANH ... - Thơ Trần Mai Ngân

NÓI CÙNG EM VÉ SỐ - Thơ Lưu Lãng Khách



          Tác giả Lưu Lãng Khách



NÓI CÙNG EM VÉ SỐ

Này vé số, chớ mời ta mua nữa
Trưa nay ta đang đợi bữa cơm chùa
Hãy mời những ai rủng rỉnh tiền trong túi
Cùng những nguời thích đen đỏ ăn thua
Ta mua cho em đôi tờ vé số
Ai mua cho ta bữa rượu chiều nay
Khi no đủ như một lời thách đố
Khi đường trần lắm nẻo quá chua cay
Chiều cạn cùng ta dăm ba cốc nhé !
Biết đâu em lại là kẻ tri âm
Ta viễn khách cháy một thời son trẻ
Buổi rừng hoang nằm trút lá âm thầm
Ta từng giàu lắm từng có nhiều báu vật
Đã đánh mất từ khi đời ngoảnh mặt quay lưng
Rồi sau những gì hơn thua đuợc mất
Chỉ còn của để dành trong mắt mẹ rưng rưng
Ta lữ khách neo đời bên gác trọ
Em lang thang xó chợ tối là nhà
Hãy nhận từ ta ổ bánh mì nguội lạnh
Bởi kiếp nghèo ta buớc mãi chưa qua
Đành chỉ biết
Dành bữa đạm bạc cho người đang đói dạ
Mang nước không trà cho kẻ khát đuờng xa
Tặng áo cũ cho nguời đang thiếu mặc
Dâng các em thơ câu hát gọi là quà
Đôi bạn thân nhau thời không máu lửa
Bởi quen kiếp phong trần ta vó ngựa bon bon
Bỏ lại em giữa sài thành nhung lụa
Chút nghĩa xưa giờ biết mất hay còn
Mấy năm sau em chẳng về đây nữa
Gửi lại lòng ta ngôi cổ tự rêu mờ
Cùng thành quách lầu đài ta đã hứa
Tặng em toàn qyền sử dụng ở trong thơ
Giờ ta đủ no, em về đâu chẳng biết
Có nhớ ta không chú vé số thuở nào
Mong hạnh phúc đời em là có thiệt
Là một gia đình ấm áp dưới trăng sao

                              Lưu Lãng Khách

READ MORE - NÓI CÙNG EM VÉ SỐ - Thơ Lưu Lãng Khách

AI YÊU AI SAY ĐẮM? - Phạm Đức Nhì



         Tác giả Phạm Đức Nhì




  AI YÊU AI  SAY ĐẮM?
          (Trả Lời Châu Thạch)

Qua bài Lạm Bàn Thêm Về Tranh Luận Việc Bình Thơ của Châu Thạch viết để tham dự cuộc bàn cãi vui xung quanh bài thơ Trăng Lên của Lưu Trọng Lư tôi thấy anh với tôi đồng ý với nhau ở nhiều chỗ nhưng có một khác biệt khá quan trọng trong việc hiểu ý nghĩa của bài thơ. Nhận định của anh như sau:
Nếu “Trăng lên” là lời của cô gái thì nhất định là cô ta đã công nhận chàng lọt vào mắt xanh của mình như Phạm Đức Nhì đã nói. Ngược lại, “Trăng lên” là lời của người nam thỉ rõ ràng người nam chỉ muốn bày tỏ “sự say đắm si mê của chàng” như Nguyễn Khôi đã viết, vì chuyện người nam chỉ nhìn vào mắt cô gái mà khẳng định cô ta đã yêu mình say đắm thì thật ra quá hấp tấp …
Khi viết những dòng chữ này anh Châu Thạch đã dựa vào một “nguyên tắc” mà nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã có lần phát biểu:
… Vì nhà thơ nhìn bằng con mắt của người đầu tiên. Đó là những hình ảnh mới tinh, chưa có vết nhòa của thói quen, không bị dập khuôn vào những ý niệm trừu tượng định trước. Mượn câu nói của một nhà văn Pháp, nhà thơ bao giờ cũng là ngôi thứ nhất.
Bởi vậy, nếu từ 2 câu thơ:
Mắt em là một dòng sông
Thuyền ta bơi lặng trong dòng mắt em.
mà hiểu là “nàng đã yêu ta đắm say” (như PĐN) thì theo Châu Thạch, coi chừng bị … sai. Lý lẽ của anh xem chừng quá vững; độ chính xác ít nhất cũng phải 99,9%.
Nguyên tắc “nhà thơ bao giờ cũng là ngôi thứ nhất” có mục đích kêu gọi thi sĩ bày tỏ chân thật cảm xúc của chính mình, không dùng thơ để thương vay khóc mướn, nói hoặc đoán mò tâm trạng của người khác. Nhưng nguyên tắc này lại có ngoại lệ. Một trong những ngoại lệ được một vài thi sĩ áp dụng liên quan đến đội mắt. “Mắt là cửa sổ linh hồn”. Đặc biệt khi cảm xúc dâng cao, tâm trạng con người càng thể hiện rõ nét qua khung cửa sổ ấy. “Nhìn đôi mắt, đặt tâm trạng” (dĩ nhiên là tâm trạng của người khác), trong thơ vẫn có thể chấp nhận được. Mà đâu cần phải “bốn mắt nhìn nhau, nhìn thật lâu” mới cảm được tâm trạng; chỉ cần một cái liếc thoáng qua là cũng có thể “thấy” được khá chính xác.
Chúng ta thử đọc 2 câu thơ của Thâm Tâm trong Tống Biệt Hành:
Bóng chiều không thắm không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong.
Ta biết người buồn lắm vì nhìn mắt người như chứa cả bóng hoàng hôn. Đây là lời nói của người đưa tiễn nhưng lại là tâm trạng của người ra đi. Thâm Tâm đã không chịu nghe lời khuyên của nhà văn Pháp nào đó - làm thơ ở ngôi thứ nhất - nhưng câu thơ của ông vẫn được xếp vào những câu thơ hay nhất trong khung cảnh tiễn biệt. Đó là vì ông đã cho người đưa tiễn “nhìn đôi mắt, đặt tâm trạng” của người ra đi. Người ra đi thì buồn như thế, còn người đưa tiễn có buồn không? Chắc chắn là có buồn, nhưng độ sâu đậm của nỗi buồn ra sao thì 2 câu thơ trên không nói đến vì đó không phải là chủ đích của tác giả mà chỉ là “phản ứng phụ tất yếu” của tứ thơ. Chính vì thế trước đó tác giả vì cũng muốn nói đến tâm trạng của người đưa tiễn đã phải viết riêng 2 câu thơ khác, ở ngôi thứ nhất:
Đưa người ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Và đây cũng là 2 câu thơ trác tuyệt.
Bây giờ trở lại 2 câu thơ của Lưu Trọng Lư:
Mắt em là một dòng sông
Thuyền ta bơi lặng trong dòng mắt em.
Chàng có cần nhìn vào mắt nàng thật kỹ, thật lâu mới có thể biết được nàng đang nhìn mình say đắm? Cũng giống như Tống Biệt Hành, câu trả lời là không. Chỉ cần một thoáng nhìn, có khi chỉ  nửa giây, chiếc máy ảnh của thi sĩ có thể khắc họa được, chụp được tấm hình có đầy đủ chi tiết của bài thơ: vầng trăng, mái tóc, cảnh thu vắng lặng, mắt em … đủ cả.
Tấm hình sẽ được lưu trữ trong bộ nhớ. Những vần thơ sẽ không tuôn ra ngay lúc ấy mà thường phải một lúc sau, vài tiếng sau, vài ngày sau, có khi nhiều năm sau khi có hoàn cảnh gợi hứng tấm hình mới hiện ra để thi sĩ làm thơ.
Cách hiểu như anh Châu Thạch “Lời của người nào thì là tâm trạng của người đó” trong thơ ca sẽ đúng với tuyệt đại đa số trường hợp.  Nhưng, giống như 2 câu “bóng chiều … mắt trong” của Tống Biệt Hành, đây là ngoại lệ “nhìn đôi mắt, đặt tâm trạng”. Theo câu cuối của bài thơ thì cô gái đang thu hút cả bóng hình chàng trai vào đôi mắt - như một dòng sông - của mình, “cho phép” chàng được bơi lặng trong dòng sông ấy, nghĩa là nàng đang nhìn chàng say đắm. (1)  Nếu theo đúng mạch suy luận – thì trong khung cảnh nên thơ đó - độc giả sẽ nhận ra là “nàng đã yêu chàng”. Theo tôi, suy luận để đi đến kết luận như thế là rất hợp lý, không có gì là hấp tấp cả. Còn nếu có người đặt câu hỏi “Thế chàng có yêu nàng không?” thì câu trả lời sẽ là “Dĩ nhiên! Ít nhiều gì cũng có. Nhưng đó không phải là chủ đích của tác giả mà chỉ là ‘phản ứng phụ tất yếu’ của tứ thơ”. Bằng chứng là chàng đâu có đặt hết tâm hồn vào “đối tượng” như nàng mà còn để ý đến nhiều thứ khác, nào là vầng trăng, mái tóc, cảnh thu vắng lặng, hương thu thơm nồng rồi mới đến mắt em. Nếu tác giả cũng muốn nói đến tình cảm của mình với cô gái thì – cũng giống như trong Tống Biệt Hành – ông sẽ viết riêng mấy câu khác.
Dẫu sao cũng cám ơn anh Châu Thạch. Trên sân chơi thi ca, đặc biệt là bình thơ, khác biệt ý kiến là chuyện bình thường. Điều đáng nói, đáng nhớ là phong cách của người bước vào cuộc chơi. Nhắc đến Châu Thạch, Nguyễn Khôi, ngoài những bài thơ đậm tình người, những bài bình luận sắc sảo, người đọc chắc sẽ không quên thái độ lịch thiệp, hòa nhã của hai vị trong đối thoại văn chương. Được thỉnh thoảng “bàn ra tán vào” với hai vị, Phạm Đức Nhì tôi thấy thơ ca thật đáng yêu và đời cũng thật đáng sống.
                                                                        04/2016
                                                                    Phạm Đức Nhì
                                                             nhidpham@gmail.com
Chú thích:
1/ Thuyền Ta Bơi Lặng Trong Dòng Mắt Em, Phạm Đúc Nhì, t-van.net

READ MORE - AI YÊU AI SAY ĐẮM? - Phạm Đức Nhì