Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, March 17, 2016

CHUYẾN ĐI THĂM KHU TƯỞNG NIỆM VƯƠNG TRIỀU MẠC - Nguyễn Hồng Trân





CHUYẾN ĐI THĂM KHU TƯỞNG NIỆM 
VƯƠNG TRIỀU MẠC

(Nguyễn Hồng Trân-cựu GV Đại học Huế)


Nhớ đến những chuyện kể ngày xưa thời phong kiến Việt Nam, vua quan có lúc sát phạt lẫn nhau thay triều, đổi tộc, làm cho dân chúng bất an, họ hàng lo sợ… Điển hình nhất là chuyện Mạc Đăng Dung, trước tình thế suy yếu, mâu thuẫn nội bộ triều Lê, ông đã tìm cách giành lấy quyền bính và dựng lên triều Mạc năm 1527. Về sau, qua năm đời vua của con cháu họ Mạc thì bị các thế lực phò Lê, chống đối trả thù đã làm tan tác triều Mạc. Những người mang họ Mạc phải chạy trốn khắp nơi đành phải đổi sang họ khác để được an thân khỏi bị sát hại. Trong đó có họ hàng những người thân chúng tôi. Do đó, chúng tôi cũng muốn đến tận nơi vùng quê hương gốc tích nhà Mạc để viếng thăm đền thờ VƯƠNG TRIỀU MẠC cho biết thêm ngọn ngành một di tích lịch sử. 

Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư và Từ điển các nhân vật lịch sử Việt Nam cũng như gia phả họ Mạc đã ghi lại rằng, Mạc Đăng Dung người làng Cổ Trai, có tài làm nghề chài lưới; có sức mạnh hơn người. Vào năm Bính Tý 1516 đã thi đấu võ đỗ đệ nhất Đô lực sĩ. Ông là cháu 7 đời của Trạng nguyên lưỡng quốc Mạc Đĩnh Chi. Mạc Đăng Dung được vua Lê Chiêu Tông trọng dụng cho làm chức Thái sư, tước Nhân Quốc Công rồi đến tước An Hưng vương. 


Mạc Đăng Dung là người có chí khí và tài nghệ thao lược đã giúp nhà vua nhiều việc nên vua đã tin yêu phong cho làm Phò mã, gã con gái Lê Thị Ngọc Minh. Nhưng về sau thì triều Lê rối loạn, quan lại cận thần xung đột nhau. Trước tình thế bất an đó, Mạc Đăng Dung ép vua Lê Cung Hoàng (tức Lê Xuân hay Lê Lự, con vua Lê Chiêu Tông) hạ chiếu nhường ngôi để lập nên nhà Mạc vào năm Đinh Hợi 1527. Ông lên làm vua được 3 năm và ổn định được triều chính thì đến năm Canh Dần 1530, ông giao lại cho con cả là Thái tử Mạc Đăng Doanh lên ngôi vua. Đăng Doanh tôn cha làm Thái Thượng hoàng, tôn bà nội Đặng Thị Hiếu làm Thái hoàng Thái hậu. Sau đó, Thái Thượng hoàng cùng gia đình trở về quê hương Cổ Trai yên thân nghỉ dưỡng và cũng để tránh tiếng thiên hạ chê bai là kẻ phản vua lộng quyền…


Qua mấy đời vua nhà Mạc trị vì: Mạc Đăng Dung(1527-1530), Mạc Đăng Doanh(1530-1540), Mạc Phúc Hải(1541-1546), Mạc Phúc Nguyên (1546-1564), Mạc Mậu Hợp(1564- ?)… Sau đó, các phần tử phò Lê đứng lên diệt Mạc. Triều Mạc tan rã, chạy trốn lên miền núi và sang nước ngoài. Nhiều người họ Mạc lo sợ truy bức nên phải đổi sang các họ khác như họ Thái, họ Hoàng, họ Vũ, họ Phạm, họ Nguyễn, họ Phan, v.v…


Một số bà con nội ngoại chúng tôi là những hậu duệ xa xôi của gốc họ Mạc nên cũng rủ nhau về thăm khu tưởng niệm VƯƠNG TRIỀU MẠC ở làng Cổ Trai cho biết. Khu tưởng niệm này đã được tôn tạo lên vào năm 2010 trông rất khang trang, uy linh trên một vùng đất rộng lớn. Ngôi nhà lớn này có hai căn nhà rộng. Căn trước là Tiền đường-Thái miếu để đặt các án thờ chung các vị tiên tổ Mạc Đăng Dung. Ở căn này có treo một cái chuông đồng lớn có hoa văn tinh xảo; có dựng một cái bình rất lớn sành sứ có hoa văn, hình ảnh đền chùa cổ ở quê và một cặp câu đối Việt ngữ để ghi nhớ và tự hào vị tiền bối Mạc Đĩnh Chi- lưỡng quốc Trạng nguyên.


"LƯỠNG QUỐC TRẠNG NGUYÊN DANH BẤT HỦ
TAM HIỀN(1) LŨNG ĐỘNG(2) PHÚC TRƯỜNG LƯU"
(Trạng Nguyên hai nước tên còn mãi/ Lũng Động ba hiền phúc bền lâu)


Căn nhà sau là Hậu chẩm- Long đình là nơi đặt các bàn thờ có tượng đồng mạ vàng toàn thân y phục Hoàng đế các đời vua triều Mạc. Bàn thờ chính giữa là vua Mạc Đăng Dung, hai bên tả hữu là các bàn thờ của các vua con cháu Mạc Đăng Dung. Đặc biệt ở gian này có để nằm một thanh Long đao lớn với trọng lượng hơn 25 cân từ thời xa xưa ẩn tích dưới lòng đất ở thôn Ngọc Tỉnh, thị trấn Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Qua hơn 400 năm mới được họ Phạm (gốc Mạc) tìm ra vào năm 1938 và đưa về bảo tồn tại nhà thờ họ Phạm. Đến năm 2010 mới nghinh rước Thanh Long đao về khu lưu niệm VƯƠNG TRIỀU MẠC ở vùng Cổ Trai nhân kỷ niệm 1000 năm Thang Long(1010-2010).





Sau khi xem xong nhà thờ chính, chúng tôi sang xem vườn đá bên cạnh. Vườn đá này cũng mới tạo lên trong năm 2010. Trong vườn có trồng một số loài hoa với sắc màu dễ chịu và đặt những tảng đá, phiến đá với dáng hình khác nhau và có khắc những bài thơ, câu danh ngôn, tục ngữ Việt để gợi lại cho người xem thêm ấn tượng mà hình dung và suy ngẫm…






Qua chuyến viếng thăm đền thờ nhà Mạc, chúng tôi đã hiểu thêm rằng, tuy nhà Mạc mang tiếng chiếm quyền vua Lê, nhưng về sau lên ngôi, vua nhà Mạc vẫn duy trì các sách lược chính trị như nhà Lê để xã hội nội quốc yên ổn, chỉ có một vài chỉnh đốn cần thiết về đối nội, đối ngoại cho phù hợp với tình thế của thời đại mà thôi.





Chúng tôi hy vọng rằng sau này vùng di tích khu tưởng niệm Vương triều Mạc ở Kiến Thụy sẽ được tôn tạo và hoàn thiện hơn nữa để cho du khách đến tham quan cảm nhận ấn tượng hơn. Thực tế bây giờ còn đơn sơ giản dị quá, chưa xứng tầm với một khu tưởng niện diện quốc gia về VƯƠNG TRIỀU MẠC.




Chú thích:
(1)-Lũng Động (hay Long Động) là quê hương xứ sở của Mạc Đĩnh Chi.
(2)-Tam hiền là ba phẩm hạnh cao quý của con người trí thức. Đó là: 1.hiền lương, 2.hiền sĩ, 3.hiền tài (tức là: 1.hiền lành, lương thiện; 2.người tri thức có đức hạnh; 3.có đủ tài năng, đạo đức).



READ MORE - CHUYẾN ĐI THĂM KHU TƯỞNG NIỆM VƯƠNG TRIỀU MẠC - Nguyễn Hồng Trân

Họa sĩ Võ Xuân Huy qua đời ở tuổi 46

Báo Tuổi Trẻ Online (tuoitre.vn):

Họa sĩ Võ Xuân Huy qua đời ở tuổi 46

15/03/2016 12:14 GMT+7


TTO - Họa sĩ Võ Xuân Huy - một họa sĩ trẻ đầy nhiệt huyết sáng tạo của Huế - đã đột ngột ra đi lúc 3 giờ sáng nay 15-3.
Họa sĩ Võ Xuân Huy qua đời ở tuổi 46
Họa sĩ Võ Xuân Huy. - Ảnh: Quốc Nam
Theo người nhà cho biết họa sĩ Võ Xuân Huy lâm bệnh từ trước đó. Ngày 12-3, anh về thăm quê ở Quảng Trị thì trở bệnh và vào điều trị ở Bệnh viện đa khoa Quảng Trị.
Đến ba giờ sáng nay 15-3 thì họa sĩ Huy mất. Lúc năm giờ sáng nay, gia đình và bạn bè của Huy đưa anh về nhà riêng tại Huế để tổ chức tang lễ.
Họa sĩ Võ Xuân Huy sinh năm 1970, quê quán làng Thủy Ba, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị. Học hội họa ở Trường đại học Nghệ thuật Huế sau đó ở lại làm giảng viên, phó khoa Mỹ thuật ứng dụng của trường.
Họa sĩ Võ Xuân Huy qua đời ở tuổi 46
Tác phẩm “Hóa thạch của đại dương" - “biến thể” mới của sơn mài Võ Xuân Huy.
Dạy mỹ thuật ứng dụng nhưng môn nghệ thuật mà Huy theo đuổi khám phá và sáng tạo là sơn mài.
Suốt hơn 15 năm qua Võ Xuân Huy miệt mài làm mới sơn mài - môn nghệ thuật truyền thống dân tộc. Huy từng tâm sự với chúng tôi về đam mê mà anh đang theo đuổi một cách đắm đuối và tự tin, rằng sơn mài truyền thống với đặc điểm là trơn, bóng, lộng lẫy như là một vẻ đẹp bất di bất dịch.
Vì vậy, anh thấy cần phải làm mới, phải thay đổi “thói quen” đó và đã tạo ra một vẻ đẹp khác của sơn mài - vẻ đẹp của sự nức nẻ, nhăn nhúm, mòn vẹt....
“Chưa biết sơn mài có là thành công nhất của tôi hay không, nhưng tôi đã phát hiện ra mình và cuối cùng sáng tạo lại chính mình bằng sơn mài” -Huy nói. Giới thưởng lãm mỹ thuật gọi đó  là “ngữ pháp mới của sơn mài”. 
Ngoài sơn mài, Huy còn “sáng tạo lại mình” bằng những thể nghiệm với môn nghệ thuật mới - nghệ thuật sắp đặt (installation).
Họa sĩ Võ Xuân Huy qua đời ở tuổi 46
Họa sĩ Võ Xuân Huy tại địa đạo Vịnh Mốc, tháng 3 - 2015, khi đang chuẩn bị cho triển lãm sắp đặt Xuống đất gặp trời - Ảnh: Khả Linh
Gần đây nhất là cuộc sắp đặt “Xuống đất gặp trời” tại địa đạo Vịnh Mốc - Vĩnh Linh, quê nhà của Huy, vào tháng 5-2015. 
Huy lăn lộn với địa đạo Vịnh Mốc trong  tình trạng sức khỏe không còn tốt lắm. Nhưng anh vẫn cười vui: “Mình muốn làm một việc gì đó cho quê hương!”.
Thông điệp mà Huy muốn gửi đến mọi người: “đi hết lòng đất bạn sẽ gặp bầu trời, bao la và khoáng đạt, của quê mình, nước mình và của chính mình!”
Và bây giờ thì Huy đã về trời, về với bầu trời bao la và khoáng đạt của Huy.
Võ Xuân Huy còn là một cây bút về mỹ thuật, đã quen thuộc với bạn đọc báoTuổi Trẻ, qua nhiều bài viết về mỹ thuật với bút danh Võ Xuân Huy, Thảo Nhân.
MINH TỰ
READ MORE - Họa sĩ Võ Xuân Huy qua đời ở tuổi 46

Họa sĩ Võ Xuân Huy đột ngột qua đời


    Báo Thể Thao Văn Hóa : http://www.thethaovanhoa.vn/

Họa sĩ Võ Xuân Huy đột ngột qua đời

Thứ Ba, 15/03/2016 13:25


(Thethaovanhoa.vn) - Võ Xuân Huy sinh năm 1970 tại Quảng Trị, Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, đột ngột qua đời tại nhà riêng ở TP Huế lúc 4h ngày 15/3/2016, hưởng dương 46 tuổi.
Không cần phải minh chứng dài dòng, Võ Xuân Huy đã là một tài năng và một cá tính sáng tạo của mỹ thuật đương đại Việt Nam.

Võ Xuân Huy với triển lãm cá nhân sơn mài "Mùa biến thể" tại phòng tranh Tự Do, TP HCM, 2009
Theo tin từ bạn bè văn nghệ tại Huế, Võ Xuân Huy bị bệnh thần kinh tim, đôi lúc trầm cảm khá nặng. Thế nhưng, nhờ sức khám phá, sáng tạo không mệt mỏi, ít khi nào Võ Xuân Huy “áp đặt” sự trầm cảm của mình lên người khác.
Năm 2012, anh bảo vệ thành công thạc sĩ ngành thị giác tại Đại học Maha Sarakham, Thái Lan. Anh đang là giảng viên mỹ thuật, giữ chức Phó trưởng Khoa mỹ thuật ứng dụng tại Đại học Nghệ thuật Huế. 
Võ Xuân Huy hoạt động trong nhiều vật liệu và thể loại nghệ thuật, từ cách tân - biến thể sơn mài truyền thống cho đến sơn dầu, màu nuớc, sắp đặt, trình diễn, ý niệm, diễn thuyết, video art, nghiếp ảnh... Từ năm 1997 đến nay, anh đã thực hiện hơn 10 triển lãm cá nhân và vài chục triển lãm chung tại Việt Nam và quốc tế.
Tác phẩm 'Hóa thạch đương đại 1' của Võ Xuân Huy, 100 x 100cm, sơn mài, 2009
Trong các triển lãm cá nhân đó, nổi trội có Ba biến thể (sơn mài, 2008),Lúa mạ (nghệ thuật địa hình và trình diễn, 2009), Cố đô tự sự (sơn mài, 2010), Xuống đất gặp trời (sắp đặt, 2015)…
Tác phẩm của Võ Xuân Huy được nhiều bộ sưu tập tại Thái Lan, Anh, Pháp, Mỹ, Hà Lan, Singapore, Thụy Sĩ, Nhật Bản… ưu chuộng. Năm 2013, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã sưu tập tác phẩm Vọng từ chiến trường X.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật - họa sĩ Nguyễn Quân từng nhận định về sơn mài của Võ Xuân Huy như sau: “Họa sĩ đã dũng cảm can thiệp vào ngữ pháp và từ vựng tưởng như đã định hình bất biến của chất liệu cổ truyền. Bức tranh mang tính biểu hiện cao với các hiệu quả hội họa trực tiếp như dưới các nhát bút sơn dầu hay màu nước. Bức tranh trở thành các tác phẩm biểu hiện trừu tượng của chủ nghĩa hiện đại. Bảng màu được mở rộng với các gam lạnh, nhẹ cùng sự thoáng qua khó nắm bắt”.
“Võ Xuân Huy không nương nhờ vẻ đẹp vàng son, trầm ấm hay cái điệu đà, duyên dáng của sơn mài cổ, cũng không cầu viện nơi các mô-típ, chủ đề dân gian, lễ hội hay tâm linh! Những bức không hình trực chỉ từ cảm thức sáng tạo hiện đại và các đặc điểm chất liệu, kỹ thuật đã đưa sơn mài sang hẳn địa hạt của tâm tình hội họa”.
Tác phẩm 'Niêm phong xanh 2' của Võ Xuân Huy, sơn mài, 80 x 80cm, 2010
Bên cạnh hình ảnh của một họa sĩ tài năng, cách tân và có thành quả, Võ Xuân Huy còn là một người làm giáo dục theo hướng cấp tiến. Khi cùng 43 giảng viên của các trường cao đẳng và đại học mỹ thuật Việt Nam sang Thái Lan học nghệ thuật và nghệ thuật ứng dụng, Võ Xuân Huy đã nhận ra những lạc hậu, bất cập trong công việc giảng dạy tại Việt Nam.
Anh đã từng thẳng thắn chia sẻ với báo chí: “Đến nay khung chương trình, giáo trình ở Việt Nam cơ bản vẫn không thay đổi, giống y mấy chục năm qua. Sinh viên bị buộc chỉ chọn một chất liệu để làm chuyên khoa như sơn mài, lụa, sơn dầu hoặc đồ họa. Các môn nghệ thuật đương đại như mix media, video art, sắp đặt, trình diễn… chưa được đưa vào giảng dạy lý thuyết và thực hành chính thức. Vì thế, các cuộc thể nghiệm nghệ thuật mới do sinh viên sau khi ra trường thực hiện thường có kết quả hết sức mơ hồ, dễ dãi và may rủi. Bài tốt nghiệp của sinh viên chỉ là một tác phẩm, trong khi đó ở Thái thường là tám tác phẩm theo cùng một chủ đề, một phong cách”.
Văn Bảy
READ MORE - Họa sĩ Võ Xuân Huy đột ngột qua đời

CHUYẾN ĐÒ MUỘN; GIẤC MƠ MAI - Thơ Đoàn Thuận



      Tác giả  Đoàn Thuận




CHUYẾN ĐÒ MUỘN

Thuyền nan đỗ muộn chuyến đò quê,
Khách lạ dò tìm quán trọ thuê.
Ngõ cụt vườn hoang đêm vội xuống,
Đường mòn cỏ lấp dấu chân về.
Lò mò lạc mãi bờ tăm tối,
Lẩn thẩn lầm hoài bến mộng mê.
Với túi hành trang đầy cát bụi,
Ngồi buồn dưới liễu rủ lê thê.


GIẤC MƠ  MAI

Đất trọ ngày trôi năm tháng tận.
Ta về quạnh quẽ ngóng trời xa.
Đường đời vội vã người xuôi ngược.
Phố chợ ồn ào khách lại qua.
Kẻ mọn bôn ba nơi viễn xứ.
Thân gầy lạc bước chốn ta bà.
Mơ mai trở lại miền u tịch.
Nghỉ tạm như nhiên dưới bóng hoa.

                          ĐOÀN THUẬN


READ MORE - CHUYẾN ĐÒ MUỘN; GIẤC MƠ MAI - Thơ Đoàn Thuận

BÓNG XƯA - truyện ngắn Trạch An -Trần Hữu Hội


Trạch An -Trần Hữu Hội


BÓNG XƯA




 
Mưa như trút nước. Đứng dưới mái che của một cửa hàng dọc con đường Trần Hưng Đạo - mấy hôm nay, kể từ ngày về, Thuấn đã qua lại khá nhiều lần bởi đây là con đường chính - những đổi thay không làm anh ngạc nhiên mà chỉ nằng nặng một cảm giác mất mát, buồn buồn..
Chỉ mới chiều hôm qua, anh đi bộ dọc con đường, nhớ lại những gì ngày ấy đã từng xảy ra với anh và Nguyệt nơi con đường thân quen này mà lòng ngồn ngộn tiếc nhớ. Anh không ngờ rằng cuối con đường này có một quán cà phê, ở đó, người con gái năm xưa khép nép, thơ ngây...với chiếc áo dài trắng muốt, mái tóc dài đen mượt như nhung... và anh, cậu trai học trò lún phún hàng ria với những nốt mụn dậy thì...đã đi lại hẹn hò, để rồi biền biệt cách xa không ai ngờ.
Một vài người qua đường ngoái nhìn anh vì dáng vóc khác lạ, nhìn lại mình anh cũng nhận thấy thế. Không dấu đi đâu được cái bên ngoài đổi thay bởi nhiều năm sống nơi xứ người, xa xôi và lạ lẫm ấy. Lời người bạn hôm qua vọng lại trong anh như một nhắc nhở đến thực tại: "Ủa, mi không biết Nguyệt vẫn ở đây à? Cái quán gần góc đường Trần Hưng Đạo - Quang Trung ngày xưa đó! Chừ khuya rồi, mai tới đó đi!"
Cơn mưa dầm lúc nặng lúc nhẹ...xem ra khó dứt. Những cơn mưa lê thê cùng cái lạnh tê tái ngày nào hiện về trong anh, không bằng cái lạnh nơi anh đang định cư, nhưng không hiểu sao, anh so vai, cho hai tay vào túi quần, co ro như ngày nào đứng dưới hàng hiên của lớp học chờ mưa tạnh, và bên kia, Nguyệt, dù có áo mưa, cũng đang lặng lẽ đứng chờ...
Trong đầu anh ngổn ngang những câu hỏi về Nguyệt. Sao cô ấy không di tản? Chồng cô ấy là ai? Có còn nhớ anh sau bấy nhiêu năm xa cách không tin thư?
Anh lại cảm thấy lạnh. Lạ, có lạnh gì bao nhiêu so với cái lạnh tuyết rơi hằng đống ở bên ấy, vậy mà anh... Bên kia đường, có cửa hàng khép hờ cửa, anh băng qua với hy vọng mua được một cái áo mưa, hay một cái dù...Câu hỏi đon đã của cô chủ làm anh vui vui như vừa tìm lại một cái gì thân thiết, mất mát từ lâu:"Chào anh, anh mua chi rứa anh?" Thuấn mỉm cười, đứng ngây ra một lát mới nói được: "Có dù không cô, bán cho tôi một cái?" Cô hàng nhanh nhạy: "Dạ có, anh ở bên Mỹ về hay ở trong Nam ra?" Gần như cùng một lúc, câu nói vừa dứt thì một chiếc dù bung ra trước mặt anh, nhưng không nhìn dù, anh cố nhìn gương mặt của cô chủ: "Sao quen thế nhỉ?" "Anh nói chi?" Cô vừa hỏi vừa nhìn anh chăm chú: "Ôi chao anh Thuấn! Anh Thuấn phải không?" "Ừ, anh đây, có phải Hòa không vậy?" "Phải!" Mắt Hòa rưng rưng, ôm lấy cánh tay anh: "Chị Nguyệt ở gần đây, anh có biết không?" Thuấn gật đầu, nghe nghèn nghẹn trong họng: "Có!" Hòa gọi cô bé đang ngồi học bài ở chiếc bàn gần đó, từ nãy đến giờ đang tròn mắt chứng kiến cuộc hội ngộ bất ngờ của mẹ: "Con coi nhà dùm mẹ, mẹ đưa bác Thuấn tới nhà dì Nguyệt, mẹ về liền."
Đoạn đường ngắn, những câu hỏi của Hòa lùng bùng bên tai anh. Sáng nay anh đã quên không uống thuốc, cũng quên mang theo như mọi khi. Tim anh như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Cố xua đi nỗi lo bệnh tật, Hòa qua đường, anh theo Hòa như đang trong cơn mộng du: "Chị Nguyệt ơi, có khách!"
Quán vắng ngắt, hai người khách ngồi ở chiếc bàn ngay cửa, đưa mắt nhìn anh lạ lẫm. Từ trong, Nguyệt hiện ra lặng lẽ như một chiếc bóng: "Ai rứa hè?" Thuấn đứng im như vừa mọc lên từ nền nhà ẩm ướt, đôi mắt mờ đi kèm theo một cơn choáng ngắn ngủi, môi anh bật lên một tiếng gọi mơ hồ: "Nguyệt!". Không biết có phải nhờ cách phát âm quen thuộc của bao lần gọi tên nhau trong quá khứ đã ăn sâu vào tiềm thức chị, hay gương mặt anh, tuy đổi thay nhưng vẫn giữ được nét nào đó quen thuộc mà từ dạo cách xa chị vẫn hình dung..."Thuấn, anh Thuấn, lâu ni anh ở mô?" Đôi mi Nguyệt bất động, chỉ còn những giọt nước mắt lặng lẽ tuôn, làm ngộp lồng ngực bệnh hoạn của Thuấn.
Ngồi xuống bàn, anh cẩn thận tựa lưng vào chiếc ghế, tìm sự vững vàng mong manh. Hòa tính tiền cho hai người khách xong cũng lặng lẽ ra về, để lại hai người... Bức tranh chép lại những đóa "Hoa hướng dương" nhòe đi trước mắt Thuấn, thành một mảng màu vàng ảm đạm, lung linh.
Nguyệt ngồi, hai tay gầy đan vào nhau đặt trên đôi chân bất động, gương mặt tròn, dịu dàng... xưa ấy, giờ vương chút già nua qua những vết nhăn ở đuôi mắt, mái tóc nhuộm không dấu nổi những sợi bạc ở chân tóc. Đôi mắt Nguyệt xa xăm như đang nhìn về dĩ vãng, mà thời gian đã làm cho nhạt nhòa...
"Anh ấy đâu?" Thuấn hỏi trống không làm Nguyệt ngơ ngác: "Chồng em à?" Thuấn gật đầu. Nguyệt thở dài: "Chia tay hai chục năm nay rồi, em không có con...Em bị bệnh." Lồng ngực của Thuấn lại co thắt! Anh cũng đang bệnh, nhưng căn bệnh chỉ mới phát gần đây, nó không ảnh hưởng gì đến hạnh phúc gia đình của anh. Còn Nguyệt, sớm quá, nàng đã sống cô độc ngay giữa thanh xuân! "Nguyệt ở một mình ngần ấy năm à?" "Với mạ, mạ mới mất hai năm nay." Lại chìm trong im lặng, lâu sau, Nguyệt hỏi Thuấn, nghe như từ một nơi xa xăm nào đó vọng lại: "Hồi nớ, lá thư cuối cùng em nhận được là anh đang ở Quảng Nam, rồi biệt tích cho đến chừ, răng ơ thờ rứa?"
Tim Thuấn như nát ra theo tiếng khóc rấm rứt của Nguyệt. Ký ức hiện về với tiếng bom, tiếng pháo, tiếng hô xung phong... và cả nỗi sợ hãi lạnh người trước những ngọn đồi im lìm ẩn chứa chết chóc ở Quảng Nam, vào những ngày cuối của cuộc chiến... Rồi phi trường Đà nẵng, chen chúc lên tàu ở Long Hải... Thuấn cứ vật vờ theo dòng người như một phản xạ tự nhiên, không ý thức!!!
Bỗng thấy mình có mặt một nơi xa lạ, anh tìm quên bằng rượu, say nối say... Nguyệt không tưởng được anh đã nhớ nhung và tiếc nuối thế nào trong nỗi tuyệt vọng. Những tháng ngày qua đi trong sự lầm lì của anh, tưởng khó quên được. Nhưng rồi thời gian trôi…
Thuấn cúi mặt giấu giọt nước mắt, anh nghèn nghẹn nói: "Anh xin lỗi! Anh không biết làm sao liên lạc được với Nguyệt." Lát sau, anh hỏi: "Sao Nguyệt không về ở với Hòa cho đỡ buồn?" Nguyệt lắc đầu nhè nhẹ: "Em quen rồi!" Chị đứng lên như chợt nhớ: "Em quên, lấy nước cho anh nghe." 
Nguyệt đi ra sau, Thuấn đứng lên bên quầy, có một bì thư nằm đó tình cờ, Thuấn móc ví, vội vàng cho vào mấy tờ giấy bạc. Khi Nguyệt trở ra, đỡ ly nước trên tay, anh đặt phong bì lên mặt quầy.
"Nguyệt, sang năm anh lại về!" Cầm chiếc bì thư, Nguyệt gấp đôi bỏ lại trong túi áo của Thuấn, nhẹ nhàng đặt hai tay lên vai anh: "Nếu vì công việc thì tùy anh, nhưng nếu về với Nguyệt thì đừng. Hôn em đi Thuấn.. Hãy nhớ rằng em cũng đã từng quên anh khi quyết định lấy chồng! Không ai sống mãi với chiếc bóng của ký ức, dù đẹp mấy cũng chỉ là quá khứ..." Nguyệt ôm ghì lấy anh, Thuấn lịm đi trong nụ hôn dài muộn màng... rồi cả hai vòng tay lơi dần tiếc nuối!!!
Thuấn hỏi như trong cơn mê: "Không gặp lại nhau nữa ư?" Nguyệt gật đầu: "Không, quên nhau đi, hãy sống thật hạnh phúc, Thuấn ạ!"

 
Tháng VI - 2011.
Trạch An - Trần Hữu Hội

Nguồn: art2all.net. 

READ MORE - BÓNG XƯA - truyện ngắn Trạch An -Trần Hữu Hội