Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, January 16, 2016

TÔI TRỞ THÀNH DỊCH GIẢ - Đoàn Mạnh Thế



            Tác giả Đoàn Mạnh Thế


TÔI TRỞ THÀNH DỊCH GIẢ

Năm 1992, tôi cùng ông bạn “cố tri”, thời học phổ thông đến hiệu sách Ngoại Văn (Tràng Tiền, Hà Nội) tìm mua cuốn Đại Từ Điển Từ Hải (Biển từ) do Trung Quốc xuất bản. Loay hoay ở quầy sách Hán Ngữ, tôi tìm được 4 hộp sách “Kho Tàng Tri Thức Khoa Học” gồm 20 cuốn, do Nhà xuất bản Thiếu Niên Nhi Đồng Giang Tô (Trung Quốc) xuất bản. Thấy tôi cứ tần ngần, xem kỹ từng cuốn sách, ông bạn bảo tôi: - “Tao tặng mày bộ sách đó. Mang về Hải Phòng, đọc để ôn lại tiếng Trung, nâng cao trình độ Hán Ngữ, giúp cho việc dạy Trung Văn của mày.!”
Vài ngày sau, hết kỳ nghỉ hè, tôi trở về Hải Phòng với một đống sách tiếng Trung, vừa đọc để giải trí, để nâng cao trình độ Hán Ngữ, vừa làm tài liệu tham khảo thêm cho việc giảng dạy ở Trung tâm ngoại ngữ tiếng Trung.
Thời gian dạy tiếng Trung của tôi rất ít. Một tuần chỉ có 3 buổi nên thời gian rảnh của tôi cũng khá nhiều. Tôi dành toàn bộ thời gian rảnh rỗi để đọc những cuốn sách mới mua. Cuốn đầu tiên tôi đọc là cuốn Khám Phá Bí Mật Trái Đất, đã cuốn hút tôi, tạo nhiều cảm hứng để tôi đọc tiếp Động Vật Hoang Dã Diệu Kỳ, Thế Giới Vật Lý, Vòng Quanh Thế Giới Diệu Kỳ... Càng đọc, càng thấy hay, tôi càng biết thêm nhiều chữ mới. Tôi bèn ghi chép lại thật cẩn thận những điều tôi đã đọc, hy vọng vợ con mình sẽ đọc để biết thêm những điều mới lạ. Nhưng thật đáng tiếc, con ở xa, còn vợ thì không bao giờ mó đến sách.
Suốt 4 năm ròng, số bản thảo tôi viết cứ tăng dần lên tới vạn trang, bụi bám đầy.
Vào thời điểm ấy, việc sửa chữa tàu ở Xưởng của vợ tôi sa sút. Mỗi ngày đi làm chỉ nửa buổi nên lương của vợ tôi cũng giảm xuống một nửa. Công việc ở Trung Tâm Ngoại Ngữ cũng gặp trục trặc, tôi thành kẻ thất nghiệp.
Sau một tháng thất nghiệp, còn vợ tôi thì bán thất nghiệp, cô ấy nói với tôi: - “Ông thất nghiệp tháng nay rồi. Còn tôi cũng bán thất nghiệp tháng nay. Bây giờ lương của tôi chỉ còn một nửa, không nuôi thêm được ông đâu. Ông về Hà Nội với các con ông đi. Chúng nó phải có trách nhiệm nuôi ông. Giờ tôi lo cho cái thân tôi cũng đủ mệt rồi.”. Tôi giật mình ngơ ngác, nhưng cũng trấn tĩnh rất nhanh: - “Ừ. Mai tôi về Hà Nội, cố tìm việc gì làm chứ ở đây thì khổ bà. Con cái tôi cũng không trông đợi gì chúng nó cả. Bà cố giữ sức khỏe đấy.”
Cả đêm đó tôi không tài nào chợp mắt được vì lo lên Hà Nội sẽ sống thế nào vì vợ tôi nhắc đi nhắc lại tiền cho thuê nhà trên Hà Nội (nhà của bố mẹ tôi để lại) tôi không được đụng đến, phải gửi đủ về Hải Phòng để cô ấy giữ, phòng khi vợ chồng về già không được con cái hiếu thảo.
Bốn giờ sáng hôm sau, tôi ra ga đi tàu về Hà Nội, không quên mang theo đống bản thảo, với hy vọng sẽ gặp được anh Đoàn Mạnh Phương, Trưởng Ban Biên tập Nhà xuất bản Thanh Niên mà có lần tôi xem ti vi thấy chương trình giới thiệu anh là nhà thơ trẻ, rất tài hoa và tốt tính, để nhờ anh ấy đỡ đầu mấy đầu sách, lấy nhuận bút mà sống.
Sáng sớm thứ 2, đầu giờ làm việc, tôi đến Ban Biên tập Nhà xuất bản Thanh Niên ở phố Bà Triệu, tìm gặp anh Đoàn Mạnh Phương và đề đạt ý kiến của mình. Anh Đoàn Mạnh Phương rất vui vẻ, hồ hởi nhận lời sẽ xem bản thảo, rồi hẹn tôi tuần sau đến nhận kết quả.
Thứ 2 tuần sau, tôi lại đến Nhà xuất bản Thanh Niên để nhận kết quả. Gặp cháu Thủy, biên tập viên, cháu nói: - “Sách bác viết hay lắm. Cháu chưa thấy tác giả nào đưa 4 bản thảo lại được duyệt in cả 4 bản thảo như trường hợp của bác. Anh Phương dặn cháu nói với bác tuần sau đến xem trang bìa, nếu bác thấy hợp, anh Phương sẽ cho in ngay.”.
Tôi mừng quá, cám ơn cháu Thủy rồi ra về.
Tuần sau, tôi đến xem bìa sách: Khám Phá Bí Mật Trái Đất, Động Vật Hoang Dã Diệu Kỳ, Thế Giới Vật Lý, Vòng Quanh Thế Giới Diệu Kỳ... Bìa sách trình bày đẹp, phù hợp với nội dung cơ bản của cuốn sách. Tôi hỏi Đoàn Mạnh Phương: - “Thời gian in ấn có lâu không? Khoảng bao lâu thì ra sách?”. Đoàn Mạnh Phương trả lời: - “Làm các thủ tục xét duyệt thì lâu, còn in ấn bây giờ hiện đại nên nhanh lắm. Khi nào sách nhập kho hoặc ra cửa hàng, em sẽ báo anh đến nhận sách biếu và tiền nhuận bút.”. Anh Phương còn động viên tôi: - “4 cuốn này, nhuận bút cũng khá đấy! Gặp em là anh may lắm đấy. Sau này anh thành người nổi tiếng, đừng có quên công thằng em đã đỡ đầu cho mấy tác phẩm đầu tay đấy.”. Tôi cám ơn rồi chào Đoàn Mạnh Phương ra về, lòng vui mừng khôn xiết, khấp khởi mừng thầm, chờ đợi những “đứa con tinh thần ra đời”.
Hơn tháng sau, Đoàn Mạnh Phương điện, bảo tôi đem thêm bản thảo đến để anh giới thiệu cho đối tác. Tôi đem 2 bản thảo Khí Công Bách Nhật Thông và Hóa Học Thần Kỳ đến Nhà xuất bản Thanh Niên giao cho Đoàn Mạnh Phương. Anh hẹn tôi khi nào có kết quả sẽ thông báo. Tôi hỏi Phương về tiến độ của 4 bản thảo trước, anh bảo tôi vài tháng nữa sẽ ra sách. Tôi cám ơn Phương ra về với niềm tin sẽ sớm có nguồn sống.
Thời gian trôi đi, từ tâm trạng phấn chấn sẽ có nhuận bút để sống đến tâm trạng chờ đợi, chán nản, vì đã hết năm 1996, rồi qua cả năm 1997 mà 4 bản thảo vẫn chưa ra được sách. Tôi hết hy vọng sống bằng dịch sách. Lại tiếp tục lo kiếm công việc để tồn tại. Sống bằng sự nhờ vả, cưu mang của bạn bè mấy năm qua, tôi cũng ngại lắm nên nghĩ, vay tiền bạn bè mua chiếc xe máy chạy xe ôm nhì nhằng kiếm sống vậy.
Giữa lúc chán nản nhất thì tôi nhận được điện thoại của nhà thơ Đoàn Mạnh Phương, anh báo tin: - “Sách đã về đến cửa hàng rồi. Anh đến Nhà sách Bảo Thắng, ở 276 phố Huế, gặp anh Đặng Xuân Xuyến để nhận sách biếu, rồi đến nhà xuất bản để nhận tiền nhuận bút.” Anh Phương còn dặn đi dặn lại: - “Anh đến nhận sách biếu, ký nhận rồi đến em nhận nhuận bút, không chuyện a chuyện b gì với Đặng Xuân Xuyến đấy.”. Tôi mừng quá, cám ơn Đoàn Mạnh Phương rồi vội đạp xe đạp đến gặp anh Đặng Xuân Xuyến.
Đó là vào giữa năm 1998, lần đầu tiên tôi gặp Đặng Xuân Xuyến tại Nhà sách Bảo Thắng ở 276 phố Huế, Hà Nội.
Cảm giác ban đầu, đập ngay vào mắt tôi: Cửa hàng bày biện rất khang trang, rất nhiều sách, nhiều chủng loại... Và ông chủ Nhà sách là một chàng trai trẻ, điển trai, chỉ trạc tuổi con trai lớn của tôi, tiếp tôi rất niềm nở. Qua trò chuyện, tôi cảm nhận được sự trung thực, tử tế ở con người Đặng Xuân Xuyến.
Hơn một tiếng đồng hồ, ngồi đợi Đặng Xuân Xuyến tiếp khách: Nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến, nhà thơ Ý Lan, Đạo diễn Doãn Hoàng Giang, họa sỹ Trần Đại Thắng... tôi mới biết anh còn là tác giả của gần chục đầu sách nên tôi hy vọng anh có thể giúp đỡ tôi trong lĩnh vực xuất bản sách. Đối với tôi, đây là lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ và bỡ ngỡ. Tôi giở hết kinh nghiệm học được từ những bản dịch về tướng thuật mà tôi đã dịch cho khách, lặng lẽ ngồi “xem tướng” Đặng Xuân Xuyến. Và căn cứ vào những nét tướng của anh thì anh là người trọng tình trọng nghĩa, sống trung thực và tử tế. Tôi tin tôi đã tìm được người thực sự sẽ giúp đỡ mình. Quả nhiên, tôi dự đoán chính xác. Sau này, nhờ sự giúp đỡ của Đặng Xuân Xuyến, tôi đã ra khá nhiều đầu sách (27 đầu sách) và tiền nhuận bút trở thành nguồn sống khá sung túc của tôi ở đất Hà Thành.
Hôm đó, gặp được nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến, tôi rất vui, nhất là khi biết chị cũng đang công tác ở nhà xuất bản Thanh Niên nên tôi mạnh dạn đến làm quen và nhờ chị giúp đỡ. Chị bảo tôi: - “Bên em chỉ cấp giấy phép, còn ra sách, phát hành sách... là bên đối tác nên bản thảo, anh chuyển đến nhờ cậu Xuyến ra sách là hợp lẽ nhất. Xuyến ít tuổi nhưng sống đàng hoàng với bạn bè lắm. Khi đã nhận lời giúp ai việc gì, cậu ấy sẽ tận tâm tận lực nên anh nhờ cậu ấy là đủ rồi.” Tôi thầm cám ơn cơ duyên trời đất đã cho tôi gặp Đặng Xuân Xuyến.
Ngồi nói chuyện với Đặng Xuân Xuyến, tôi càng cảm nhận được sự thẳng thắn ở con người anh. Không rào trước đón sau, Xuyến bảo: - “Cách đây ba tháng, anh Đoàn Mạnh Phương chuyển đến 4 bản thảo nhờ em ra sách nhưng em từ chối vì mảng đề tài này bên em ra nhiều rồi, e sách sẽ khó bán, nhưng anh Phương nói anh là người bà con của anh ấy nên em đành nhận lời. Nhuận bút em đã chuyển đủ 10 triệu theo đề nghị của anh Phương. Còn sách tác giả thì theo thỏa thuận, mỗi tác phẩm em gửi anh 10 cuốn nhưng đây là 4 tác phẩm đầu tay của anh nên em biếu thêm mỗi tác phẩm 15 cuốn để anh tặng bạn bè cho thoải mái. Nếu anh em mình có duyên cộng tác tiếp thì nhuận bút sẽ thỏa thuận cụ thể theo từng bản thảo.”. Tôi cám ơn Đặng Xuân Xuyến rồi đạp xe đến nhà xuất bản Thanh Niên để nhận nhuận bút. Số tiền nhuận bút (10 triệu), tuy không lớn so với bây giờ nhưng theo mệnh giá tiền lúc bấy giờ thì 10 triệu đó đủ cho tôi trang trải cuộc sống trong vòng 4 hoặc 5 tháng nên tôi rất phấn chấn.
Gặp nhà thơ Đoàn Mạnh Phương ở cổng nhà xuất bản, tôi mừng lắm, chưa kịp rủ anh đi ăn trưa để cám ơn thì nhà thơ đã nói: - “Giờ em có việc đột xuất nên không lên phòng làm việc với anh được. Anh ký xác nhận đã nhận đủ tiền nhuận bút vào tờ giấy biên nhận này. Khi khác rảnh, mời anh đến phòng em nói chuyện nhé.”. Cầm 5 triệu Đoàn Mạnh Phương đưa, tôi thắc mắc: - “Anh thấy cậu Xuyến bảo đã chuyển cho Phương đủ 10 triệu nhuận bút rồi, sao Phương chỉ đưa anh có 5 triệu?”. Đoàn Mạnh Phương cười cười rồi vỗ vai tôi: - “Đúng là cậu ấy có đưa cho em 10 triệu nhưng tiền nhuận bút của anh chỉ có 5 triệu thôi. Còn 5 triệu, em chi cho biên tập viên đọc bài, sửa bài, nhiều khoản phải chi lắm...”. Cầm 5 triệu Đoàn Mạnh Phương đưa, tôi buồn vì niềm vui của mình bị giảm mất một nửa.
Mấy hôm sau, tôi mang tập bản thảo Thiên Nhiên Những Điều Kỳ Bí, số trang tương đương như các bản thảo trước, đến gặp Đặng Xuân Xuyến. Cầm bản thảo, anh cặm cụi đọc khoảng nửa tiếng rồi nhận lời sẽ ra sách giúp tôi. Anh hỏi tôi có cần ứng nhuận bút không? Hay đợi sách ra rồi nhận nhuận bút cả thể. Tôi thật thà hỏi: - “Cuốn này chú cũng lấy giấy phép xuất bản bên chỗ nhà thơ Đoàn Mạnh Phương à?”. Xuyến bảo: -“Vâng!”. Tôi mạnh dạn hỏi: - “Nhuận bút cuốn này anh được bao nhiêu?”. Xuyến cầm tập bản thảo, ngó số trang, bấm máy tính rồi trả lời: - “Cuốn này có thể em để giá bìa 30.000đ. Anh nhân 10% của 1.000 cuốn với giá bìa 30.000, là 3 triệu tiền nhuận bút. Ngoài tiền nhuận bút, anh nhận thêm 15 cuốn sách tác giả.”. Tôi vội hỏi: - “Mấy cuốn trước Xuyến trả nhuận bút cho anh bao nhiêu?”. Xuyến trả lời: - “Em đã chuyển đủ 10 triệu nhuận bút cho anh Đoàn Mạnh Phương khi nhận bản thảo. Anh chưa đến nhận nhuận bút chỗ anh Đoàn Mạnh Phương à?”. Tôi liền hỏi: - “Thế còn tiền chi cho biên tập viên đọc bài, sửa bài và các chi phí khác thì thế nào?”. Xuyến bảo: - “Đọc bài, sửa bài là công việc của biên tập viên, đã có nhà xuất bản trả lương. Còn chế bản, in ấn, nộp quản lý phí xuất bản, nộp lưu chiểu và phát hành là việc của bên em.”. Để chắc chắn, tôi hỏi lại Xuyến tiền nhuận bút 4 cuốn trước của tôi có đúng là 10 triệu không? Xuyến cười, bảo: - “Anh cứ đến gặp anh Đoàn Mạnh Phương. Anh ấy sẽ giao đủ cho anh 10 triệu.”. Cảm giác lúc bấy giờ của tôi thật hẫng hụt, chua xót. Tôi không ngờ Đoàn Mạnh Phương lại cư xử với tôi như thế. Tôi đã thật lòng kể gia cảnh của tôi và nhờ người anh em cùng họ giúp đỡ. Tôi cũng đã rất tin tưởng và cảm thấy mình thật may mắn khi gặp được người anh em cùng họ, sống tình cảm, chân thật và rất thương người như Đoàn Mạnh Phương đã nói, vậy mà sự thật lại bẽ bàng thế này... Thấy thái độ của tôi khác lạ, Xuyến ái ngại: - “Anh bị sao thế? Em thấy thần sắc anh lạ lắm, hình như là anh đang buồn phiền, bực tức một chuyện gì đó?”. Tôi đành kể lại chuyện nhận nhuận bút chỗ nhà thơ Đoàn Mạnh Phương. Xuyến lặng người một lúc rồi hỏi: - “Em thấy anh Phương nói anh với anh ấy là anh em bà con mà?”. Tôi kể cho Xuyến nghe gia cảnh của tôi và mối quan hệ của tôi với Đoàn Mạnh Phương chỉ là người chung họ chứ không có họ hàng. Xuyến không nói gì. Một lúc sau, Xuyến bảo tôi: - “Theo em, chuyện của anh với anh Đoàn Mạnh Phương cũng không nên nhắc lại nữa. Bản thảo này và các bản thảo sau của anh, em sẽ đăng ký ở nhà xuất bản khác cho tiện.”.
Khoảng tháng sau, tôi mang đống bản thảo đã dịch từ dưới Hải Phòng đến nhờ Xuyến ra sách. Nhìn đống bản thảo (15 cuốn), anh lắc đầu, nói mảng đề tài này bên anh ra sách đã nhiều nên giới thiệu tôi đến các nhà sách khác để chào bản thảo. Anh ghi rất cẩn thận địa chỉ, điện thoại từng nhà sách và mong tôi sẽ được những nhà sách đó cộng tác. Lần theo địa chỉ, tôi đến cô Mão ở Đinh Lễ, cô Miên ở Hàn Thuyên, anh Dũng ở Lý Thường Kiệt, anh Dương Tất Thắng ở Hàng Chuối, cô Chung ở Bà Triệu... ai xem bản thảo cũng khen hay nhưng đều lắc đầu vì không hợp với mảng sách nhà sách nên không giúp tôi được. Chán chường, tôi quay lại gặp Xuyến, nói thật sự việc để mong anh giúp ít nhiều. Có lẽ thấy bộ mặt tôi thiểu não quá nên Xuyến nhận lời giúp tôi 5 bản thảo. Anh khuyên tôi nên tóm tắt nội dung cuốn sách sẽ dịch đến chào các nhà sách, khi có khách hàng rồi thì hãy dịch để đỡ tốn công sức, vật chất. Tôi làm theo lời khuyên của anh, và đã dịch cho nhà xuất bản Giáo Dục được 5 bản thảo, dịch cho anh Dương Tất Thắng ở Hàng Chuối 6 bản thảo...
Sau nhiều năm làm việc với Đặng Xuân Xuyến, chúng tôi trở nên thân thiết như anh em. Tôi rất cám ơn Đặng Xuân Xuyến đã giúp tôi xuất bản nhiều (27) đầu sách: Có loại sách phổ biến kiến thức khoa học, sách tham khảo, sách chính trị, sách thâm cung bí sử... có loại sách về văn hóa tâm linh như phong thủy, tướng số... Càng làm việc với Xuyến, tôi càng khâm phục Xuyến. Anh thật sự là một người có vốn kiến thức sâu rộng. Có lần đọc bản thảo về phong thủy tôi soạn, anh góp ý: - “Chỉ vì hướng cửa phòng vệ sinh ở buồng ngủ không tốt cho cung Tử Tức mà anh tư vấn đập bỏ phòng vệ sinh là không ổn. Thứ nhất sẽ ảnh hưởng tới kết cấu ngôi nhà, thứ 2 sẽ gây lãng phí về vật chất, thứ ba sẽ bất tiện cho sinh hoạt hàng ngày. Trường hợp này, anh nên tư vấn treo một bức tranh phong cảnh, che kín phòng vệ sinh là được.” Hay như khi đọc bản thảo về tướng thuật, anh góp ý: - “Theo năm tháng, con người sẽ thay đổi, già đi và khuôn mặt cũng khác đi nhiều nhưng ánh mắt, nụ cười, nhất là ánh mắt thì thay đổi rất ít, cực ít. Để nhận ra người lâu năm mới gặp lại thì phải căn cứ vào ánh mắt, nụ cười chứ không thể căn cứ vào khuôn mặt, giọng nói. Xem bàn tay cũng vậy. Dù có những điểm chung nhưng vẫn có sự khác biệt giữa tay con trai và tay con gái nên khi soạn, anh phải chỉ ra những khác biệt đó, cứ chung chung như thế này thì không được vì sẽ sai, sẽ không chính xác.”
Đáng tiếc, sau này công nghệ thông tin phát triển mạnh, điện thoại thông minh, Aipel, máy tính xách tay... ra đời. Văn hóa đọc bị lấn át, nhiều nhà sách, nhà xuất bản phải đóng cửa. Để bảo toàn đồng vốn, năm 2011, Xuyến quyết định sẽ giã từ nghề sách, từ đó, tôi mất đi nguồn thu “ngân sách” cho tuổi già.
Từ khi từ bỏ công việc phiên dịch, hướng dẫn du lịch (1996) để bước chân vào công việc biên dịch, tôi đã học được nhiều bài học bổ ích. Tôi cứ tưởng đây là công việc đơn giản, quan hệ chỉ cần có giữa tác giả với nhà xuất bản nhưng tôi đã nhầm. Người tạo điều kiện nâng đỡ các tác giả thực ra là các nhà sách, các đối tác quan trọng của các nhà xuất bản chứ không phải là các nhà xuất bản. Cho đến giờ phút này, 2 bản thảo Khí Công Bách Nhật Thông và Hóa Học Thần Kỳ vẫn chưa ra được sách vì nhà thơ Đoàn Mạnh Phương không làm ở nhà xuất bản Thanh Niên nữa, và theo lời anh Phương thì “2 bản thảo đã bị ai đó lấy trộm.”.
Ngay nhà xuất bản Giáo Dục cũng vậy. Cuốn sách Những Chuyện Lý Thú Về Địa Lý Tự Nhiên đã được giám đốc nhà xuất bản ký duyệt giao cho chi nhánh ở Đà Nẵng in, nhưng từ năm 2002 đến nay (2015) cũng không thấy hồi âm, mặc dù tôi đã nhiều lần gọi điện hỏi về bản thảo Những Chuyện Lý Thú Về Địa Lý Tự Nhiên nhưng đều không nhận được câu trả lời thỏa đáng. Trong khi sách đã ra năm 2005 (căn cứ vào cuốn TÁC GIẢ SÁCH NHÀ XUẤT BẢN GIÁO DỤC 1957 - 2007 - xem ảnh minh họa) nhưng tiền nhuận bút thì tác giả vẫn chưa nhận được.

Ngẫm lại quãng thời gian làm dịch giả, tôi cám ơn anh Đặng Xuân Xuyến, anh Dương Tất Thắng, anh Đoàn Mạnh Phương và các Nhà xuất bản: Giáo Dục, Văn Hóa Thông Tin, Văn Hóa Dân Tộc... đã giúp đỡ tôi có được những tác phẩm ra đời, để có được nguồn thu nhập cho cuộc sống của tôi những năm qua.
Tôi vô cùng cảm tạ bạn đọc đã chịu khó đọc bài viết này.
Tôi cũng hy vọng văn hóa đọc sẽ sớm trở lại như ngày xưa để những trang sách sẽ đem lại những niềm vui và kiến thức cho mọi người!

                                                           Hà Nội, Cuối năm 2015
                                                                 Đoàn Mạnh Thế


*Địa chỉ: Số nhà 12 Ngách 32 Ngõ 133 phố Hồng Mai,
quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.


READ MORE - TÔI TRỞ THÀNH DỊCH GIẢ - Đoàn Mạnh Thế

XUÂN - thơ Phạm Hòa Việt




XUÂN

Trăng muộn đêm về lạnh gió đông
Lướt thời gian vạn bước phiêu bồng
Xuân còn le lói bên thềm cuối
Để mạ đơm hoa phủ ruộng đồng...

Năm mới hoa chưa đủ sắc màu
Đợi nàng xuân dẫn tết theo sau
Mai đào tô thắm đêm giao hợp
Cho bước thời gian khỏi vết nhàu...

Ta đón nàng xuân trên quê hương
Ngàn hoa điểm sắc những cung đường
Em xua gió rét vào chăn ấm
Nối trọn vòng tay em yêu thương...


Phạm Hoà Việt
READ MORE - XUÂN - thơ Phạm Hòa Việt

Trao đổi: SỰ TINH TẾ, NÉT HIỆN ĐẠI QUA HAI ĐOẠN TRÍCH «TRUYỆN KIỀU» CỦA NGUYỄN DU - Lê Đức Đồng




TRAO ĐỔI :

                                      
SỰ TINH TẾ, NÉT HIỆN ĐẠI
QUA HAI ĐOẠN TRÍCH «TRUYỆN KIỀU»
CỦA NGUYỄN DU

 Lê Đức Đồng


Đã là công chúng văn học, mỗi chúng ta chắc hẳn đã từng đọc «Truyện Kiều» của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du. Càng đọc Kiều, càng thấy bao điều mới mẻ, hấp dẫn ẩn đằng sau từng trang Kiều mà dòng chảy thời gian làm phát lộ rõ từng vỉa vàng ngữ nghĩa...

Mỗi lứa tuổi đọc Kiều đều có những cảm nhận khác nhau. Tuổi mười tám, tôi đọc Kiều trong rạo rực tuổi xuân; trong tâm thế của một người chuẩn bị bước vào đời. Thuở ấy «Cỏ non xanh rợn chân trời» đã làm xanh ngăn ngắt từng câu thơ lục bát và tâm hồn luôn phơi phới sắc xanh non.

Tuổi ngoài năm mươi, tôi đọc Kiều trong trải nghiệm thế thái nhân tình; trong lắng sâu của chiêm nghiệm. Lật lên từng lớp ngữ nghĩa, hai đoạn Kiều ở hai khoảng thời gian khác nhau; viết về hai con người khác nhau nhưng cùng chung một tâm trạng. Chính sự tinh tế trong tâm hồn và con mắt dõi theo, nhìn thấu cả mấy trăm năm của Tố Như đã bộc lộ nét hiện đại hiếm có trong trang Kiều thế kỷ XIII !

Đó là hai đoạn thơ sau đây:

     Đoạn thứ nhất tả cảnh ngụ tình khi Kiều vừa tiễn đưa Kim Trọng trong buổi chiều Thanh minh bên dòng suối cạnh mộ Đạm Tiên (từ câu 167 đến câu 170):
                              
Bóng tà như giục cơn buồn  
Khách đà lên ngựa, người còn ghé theo.  
Dưới cầu nước chảy trong veo   
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha.

Đoạn thứ hai cũng tả cảnh ngụ tình khi Thúc Sinh được Hoạn Thư “mở lời” khuyên chàng hãy trở về thăm cha sau thời gian khá dài chàng về thăm nhà (từ câu 1601 đến câu 1604):
         
Được lời như cởi tấc son 
Vó câu rong ruổi nước non quê người.
Long lanh đáy nước in trời  
Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng.

Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Du cho đôi trẻ Kim- Kiều gặp nhau trong tiết Thanh minh. Mùa xuân thời điểm này đã tới độ chín, đạt tới độ viên mãn của nó. Mùa xuân là mùa của cây cỏ đâm chồi, nảy lộc, đơm hoa. Mùa xuân khiến lòng người rạo rực, bâng khuâng bởi tiết trời đã ấm áp sau những tháng mùa đông giá lạnh. Chẳng thế mà vạn vật đều dậy tràn sức sống, con chim én “đưa thoi” nhộn nhịp như giục giã lòng người.

Một buổi chiều tiết trời mát mẻ; tiết Thanh minh trong trẻo vô ngần; Thuý Kiều đã gặp Kim Trọng. Tuổi trăng tròn mới lớn, còn e lệ nên Thuý Kiều chẳng dám nhìn thẳng mặt chàng Kim. Nàng thoáng đỏ mặt, cúi đầu e thẹn nên chỉ thoáng thấy đôi giày Kim Trọng “Hài văn lần bước dặm xanh”mà thôi ! Trong câu chuyện, hầu như hai người chẳng nói với nhau một câu nào; một lời chào xã giao cũng không có. Chỉ có Vương Quan là bạn học Kim Trọng nên “Chàng Vương quen mặt ra chào”; còn hai chị em Thuý Kiều và Thuý Vân thì “Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa”.

Nhưng mùa xuân là “bà mối” kỳ diệu, mát tay nên Kim - Kiều đã thầm cảm mến nhau; ngỡ chừng duyên này do “tiền định” tự kiếp nào ! Tục ngữ Việt Nam cũng từng nhận định “Phải duyên phải số, nó vồ lấy nhau” đó sao:
                 
Người quốc sắc, kẻ thiên tài 
Tình trong như đã mặt ngoài còn e.

Một buổi ban đầu thật nên thơ trong tiết Thanh minh đầy tràn cỏ xanh và bầu trời đầy chim én lượn. “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy/ Nghìn năm hồ dễ mấy ai quên” (Thế Lữ) thật đúng trong hoàn cảnh lứa đôi này. Họ không nói với nhau điều gì bởi mùa xuân đã nói tất cả. Cảm giác lâng lâng, ngọt ngào thấm dần vào từng chân tơ kẽ tóc; khiến Thuý Kiều như mê như tỉnh :
                                      
Chập chờn cơn tỉnh cơn mê 
Rốn ngồi chẳng tiện, dứt về chỉn khôn.

Trời đã về chiều, ráng ngồi chút nữa e không ổn mà đột ngột từ giã ra về thì cũng khó lắm thay! Và khi Kim Trọng lên ngựa, Thuý Kiều vẫn kín đáo dõi theo màu áo thanh thiên ấy.
                                                
Bóng tà như giục cơn buồn 
Khách đà lên ngựa, người còn ghé theo.
Dưới cầu nước chảy trong veo
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha.

Vẫn dòng suối bao đời trong xanh ấy, sao chiều nay nó trở nên “trong veo” hơn, dường như róc rách reo vui hơn? Cây liễu bên cầu chiều nay bỗng xanh hơn, thướt tha hơn, duyên dáng hơn đến lạ! Cây cầu ván đơn sơ, dòng suối nhỏ xinh cùng cây liễu xanh rì như mái tóc con gái bỗng trở nên sống động, thân thiết vô cùng… Câu thơ như reo lên cùng nhịp đập trái tim cháy bỏng yêu đương của Thuý Kiều. “Bóng chiều thướt tha” hay dáng đi thướt tha, mềm dịu của Thuý Kiều?

Tất cả đó là tâm trạng khi tình yêu khơi dậy trong lòng Thuý Kiều; một tình yêu trong trẻo, vô tư giữa mùa xuân huyền diệu. Tuổi xuân ấy, mùa xuân ấy như hoà quyện vào nhau; mang đến cho Kiều một buổi ban đầu đầy niềm vui khôn tả; không dễ gì quên được trong đời.

Bên cạnh đó, với Thúc Sinh, trước hết chúng ta có thể khẳng định rằng: tuy chàng có vợ con đề huề nhưng chàng chưa hề có tình yêu ! Tình yêu là sự hoà hợp của hai tâm hồn; là sự rung động của đôi trái tim cùng nhịp đập. Với Thúc Sinh, bà vợ Hoạn Thư có thể do gia đình xếp đặt bởi “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” hoặc do “môn đăng hộ đối” tác thành. Vì thế, Thúc Sinh tuy có vợ nhưng chưa có tình yêu đích thực cũng là điều dễ hiểu!

Trước người đẹp Thuý Kiều, trái tim Thúc Sinh bỗng loạn nhịp (Sinh càng một tỉnh mười mê/ Ngày xuân lắm lúc đi về với xuân). Từ mối tình “Trước là trăng gió sau ra đá vàng”, Thúc Sinh đã có Thuý Kiều, có người tâm đầu ý hợp cùng sẻ chia tâm sự buồn vui:
                                      
Khi gió gác, khi trăng sân 
Bầu tiên chuốc rượu, câu thần nối thơ  
Khi hương sớm, khi trà trưa 
Bàn vây điểm nước, đường tơ hoạ đàn.

Khi Thuý Kiều ngần ngại cho thân phận mình, e ngại cho danh giá chàng thì Thúc Sinh “ra tay nghĩa hiệp”, cứu nàng ra khỏi lầu xanh; đưa nàng về cùng sum họp một nhà:  
                    
Một nhà sum họp trúc mai
Càng sâu nghĩa bể càng dài tình sông
Hương càng đượm, vẻ càng nồng
Càng sôi vẻ ngọc, càng lồng màu sen. 
      
          Hơn thế, cũng vì thương Kiều, vì tình yêu mặn nồng mà Thúc Sinh cam chịu cơn thịnh nộ của cha già. Khi biết Thúc Sinh đón Kiều nơi lầu xanh về làm vợ, Thúc ông đã buộc Thúc Sinh trả Kiều trở lại nơi lầu xanh. Nhưng Thúc Sinh đã kêu nài người cha tha thứ và chấp nhận.
                                                
Rằng:“Con biết tội đã nhiều 
Dẫu rằng sấm sét búa rìu cũng cam 
Trót vì tay đã nhúng chàm 
Dại rồi còn biết khôn làm sao đây”.

          Khi Kiều khuyên Thúc Sinh về thăm Hoạn Thư, chàng bịn rịn chia tay trong tư thế của người … ra trận ! Đây là một mối tình đẹp, lắng sâu nên Nguyễn Du giành cho buổi biệt ly những vần thơ cực hay trong Kiều! (Người lên ngựa, kẻ chia bào/ Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san/ Dặm hồng bụi cuốn chinh an/ Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh/ Người về chiếc bóng năm canh/ Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi/ Vầng trăng ai xẻ làm đôi/Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường).

Sau thời gian ở nhà cùng vợ, Thúc Sinh cũng không dại gì “tự thú trước bình minh” mà bề ngoài vẫn luôn vui vẻ (Những là cười phấn cợt son/ Đèn khuya chung bóng, trăng tròn sánh vai). Nỗi nhớ Kiều càng nhân lên gấp bội khi mùa thu đã sắp tàn (Giếng vàng đã rụng một vài lá ngô). “May mắn” thay, Hoạn Thư dường như “hiểu ý” chàng và khuyên chàng trở về thăm cha…

Mùa thu, mùa của nỗi lòng se sắt, nhớ nhung. Mùa thu, nước xanh trong bởi phù sa đã lắng tận đáy sông sâu.  Mùa thu, lòng người dường như cùng lắng lại trong cái lạnh se se của gió heo may đã về.

Thúc Sinh hồi hương, trở về thăm cha và thăm Thuý Kiều yêu dấu (Có người nói vui rằng: Yêu phải giấu nên có thể gọi là “người yêu dấu”). Có mùa thu nào dẹp hơn mùa thu này trong tâm thức Thúc Sinh ?

Cả ngàn năm qua chắc cũng chưa đẹp bằng, chưa thương bằng mùa thu mà chàng Thúc Sinh trở về đầy tâm trạng khi Hoạn Thư “mở đường hiếu sinh”(Cách năm mây bạc xa xa/ Lâm Tri chàng phải liệu mà thần hôn):
                                                
Được lời như cởi tấc son  
Vó câu rong ruổi nước non quê người.
Long lanh đáy nước in trời 
Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng.

          Cả Thuý Kiều lẫn Thúc Sinh và cả mỗi người đã yêu, đang yêu đều có chung tâm trạng như thế. Tâm trạng của người đang yêu thật buồn vui lẫn lộn; có đợi, có chờ, có hờn có giận, có thương có nhớ… Vạn vật xung quanh bỗng hoá tình người! Vó ngựa dường như bon bon hơn; đáy nước sông mùa thu sao hôm nay trong lành, lung linh đến lạ. Khói biếc bay quanh, núi phơi mình một màu vàng thắm… Tất cả như hoà chung khúc nhạc tình yêu, khúc nhạc lòng của kẻ đang khao khát tình yêu…

          Hai đoạn thơ, hai hoàn cảnh, hai con người và hai mùa khác nhau nhưng cùng chung một ý nghĩa. Đó là TÂM TRẠNG CỦA CON NGƯỜI ĐANG YÊU!

          Với Thuý Kiều, buổi ban đầu và mối tình đầu phải hợp với MÙA XUÂN ! Với Thúc Sinh, con người từng trải; mối tình này phải hợp với MÙA THU ! Mùa Xuân sôi nổi, hào hứng “xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” ; còn mùa thu ơi, hãy lắng lòng trong sâu thẳm dòng thời gian để mà chiêm nghiệm- mùa thu đẹp đến nao lòng nhưng mùa thu cũng báo hiệu một sự chia ly sau đó …

                                                              LÊ ĐỨC ĐỒNG
…………………………………
Tài liệu tham khảo:
-         Danh ngôn tình yêu- NXB TP Hồ Chí Minh, 1994
-         Lý luận văn học-Lê Ngọc Trà, NXB Trẻ, 2005
-         Truyện Kiều- Nguyễn Du- NXB Văn học, 2006 

…………………………………………………………….

Lê Đức Đồng,
Trường  THPT Chuyên NT Minh Khai, 
Sóc Trăng.
leducdongst@gmail.com



           
READ MORE - Trao đổi: SỰ TINH TẾ, NÉT HIỆN ĐẠI QUA HAI ĐOẠN TRÍCH «TRUYỆN KIỀU» CỦA NGUYỄN DU - Lê Đức Đồng

XUÂN THIỀN - chùm thơ Trầm Mặc



Tác giả Trầm Mặc


Thơ Trầm Mặc

XUÂN THIỀN 
              
                   Tặng Côn ngày xưa (HP)         

Xuân về khoe sắc màu tươi
Để tình xuân mãi bên người... thiên thu
Xuân nồng! Từng ngón anh ru ...
Trời khuya một mạnh trăng lu la đà
Dẫu rằng cõi tạm ta bà
Tấm thân cát bụi, mai xa... vô thường...
Đời người như thể giọt sương
Sớm mai lấp lánh..Thoắt buông tan rồi
Xuân sang bước nhẹ trên đồi
Ta về ôm lấy hạt rơi.... Xuân thiền
                                
01 /2015 
Vỹ Dạ Huế
TM


  XIN TRẢ NỢ XUÂN TÌNH

Xuân về lại nợ tình anh
Em còn mắc nợ một vành trăng khuya
Trăng khuya thao thức ngoài kia
Trăm thương ngàn nhớ chia lìa phôi  pha
Tình xưa dẫu có mặn mà
Ngày Xuân chẳng được tuổi già kể chi
Kể từ độ ấy ra đi
Tin tức biền biệt xuân thì đã qua
Ngỡ rằng tình đã chia xa
Xuân đi, xuân đến, biệt xa tháng ngày
Thì thôi chôn chặt kiếp này
Ân tình ngày ấy miệt mài... ai trao
Cũng đành hẹn lại Xuân sau
Em xin trả hết sông sông sâu ân tình
                                  
Vỹ Dạ Huế
TM


READ MORE - XUÂN THIỀN - chùm thơ Trầm Mặc