Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, December 26, 2016

PHAN PHỤNG THẠCH: TÁC PHẨM TÁC GIẢ - M.Loan Hoa Sử& Chu Vương Miện


    


          PHAN PHỤNG THẠCH: TÁC PHẨM TÁC GIẢ

               Người viết: M.Loan Hoa Sử& Chu Vương Miện


Phan Phụng Thạch tên thật là Phan Ngọc Thạch, nguyên quán Xóm Bầu, làng Đạo Đầu, Quận Hải Lăng, Tỉnh Quảng Trị, thân phụ là giáo học, bà con với giáo sư Phan Văn Dật dạy ở Quốc Học Huế, thông gia với Nhạc Sĩ  Nguyễn Hữu Ba, Bà cố nội của Phạn Ngọc Thạch là Công Chúa Tự (Trưởng Công Chúa của vua Thành Thái & và ông nội của Thạch là Phò Mã).
Niên khóa 1958 - 1959 tôi (tức Chu Vương Miện) học lại năm đệ tứ tại trường Nguyễn Hoàng Quảng Trị (còn trước đó thì học đệ tứ ở Trường Trần Quốc Tuấn Quảng Ngãi), tôi học chung với Phan Phụng Thạch hai năm, giữa năm 1960 thì chúng tôi chia tay. Tôi vào học ở Đà Nẵng còn Phan Phụng Thạch thì vào học trường Hoàng Việt ở Sài Gòn.
Chúng tôi vừa là bạn cùng lớp vừa là bạn thơ, trước Thạch Nhân một năm, trước Đặng Sĩ Tịnh hai năm, trước Sương Biên Thùy ba năm, trước Triều Sao Dại (tức Nguyễn Hoàng Đoan bốn năm....)

*

Từ cửa Tả qua làng Tri Bưu qua làng Hạnh Hoa rồi đến Ba Bến, (nhà của Lê Đình Lành) đi dọc theo con kinh khoảng hai cây số, là đến một làng xóm xầm uất trồng toàn là cam sành, đi một đoạn nữa là làng Ngô Xá, rồi đến làng Đạo Đầu của Phan Phụng Thạch, tiếp đến là làng Trung An quê của Nguyễn Đình Long đi tiếp nữa là Chợ Cạn quê của Hạ Thái Trần Quốc Phiệt. Nhà của Thạch là nhà ngói cũ, giống như những ngôi nhà ngói thường thầy ở làng quê, trong vườn thì còn sót lại duy nhất là cây Đào (chính ra là cây Mận trắng, ngoài bắc gọi là cây Roi), cây Mận này cũng thuộc vào lọai đã cỗi, hoa và trái không nhiều, sau năm 1962 thì bị bão đánh gãy mất tiêu luôn. Thạch làm thơ rất sớm nhưng thuộc vào loại thơ cổ điển như thơ của thi sĩ Phan văn Dật, lúc đó thì tôi có làm thơ nhưng không nhiều, nhưng quen biết làm thân với nhiều anh Văn Nghệ mầm non như anh Linh Diệu tức Lê Đình Cương có thơ đăng trên Đời Mới, Mùa Lúa Mới, anh Tuệ Chương Hoàng Long Hải trước tôi 3 năm ở Nguyễn Hoàng có thơ đăng trên tuần báo Rạng Đông của Giáo sư Lê Hữu Mục, thầy Huy Phương Lê Nghiêm Kính lúc đó thì đã thành danh, còn Phan Phụng Thạch thì đăng thơ ở Nhật Báo Công Dân của luật Sư Lê Trọng Quát, còn phần tôi với Nguyễn Lan thì tháng nào cũng có bài ở Nguyệt San Thông Tin Quảng Trị và vài tờ báo ba xu khác. Cuối năm 1962 tôi nhập ngũ, Thạch có đi thăm, sau năm 1963 anh giáo sư Hoàng Xuân Tửu thuộc Đảng Đại Việt làm Tỉnh Trưởng, năm 1964 tôi ra trường về thăm Quảng Trị, thì anh em Nguyễn Hoàng đã ngồi đầy tòa Hành Chánh, làm công chức làm báo (đi lối sau ngay sông Thạch Hãn), nào tờ Mai Lĩnh, Đặng Sĩ Tịnh nói là mai lĩnh lương, nào tờ Khuôn Mặt Thời Gian của Phan Phụng Thạch, nào tờ của Hội Chữ Thập Đỏ.... Thạch vừa là giáo sư Thư Viện Trưởng vừa đứng lớp. Năm 1967 tôi giải ngũ và làm công chức ở Bộ Cựu Chiến Binh thời gian này Thạch bị đau vào Sài gòn chữa bệnh ở luôn với tôi bên Thị Nghè Hàng Xanh (nơi này Thạch Nhân Trần Đình Bé cũng có ở).
Rồi kim kiếm điêu linh, tết Mậu Thân 1968 rồi mùa hè đỏ lửa 1972, gia đình tôi và Thạch đều chạy vào Đà Nẵng trại tạm cư Sơn Chà và sang năm 1973 thì Phan Phục Thạch qua đời, thác vào năm 31 tuổi, không có vợ con.
Gia đình  của Phan Phụng Thạch gồm có :
1 - Chị cả Phan thị... con dâu của giào sư Nguyễn Hữu Ba
2- Anh Phan Ngọc Tịnh y tá.
 3- Anh Phan Ngọc Thọ cán sự y tế .
4- Chị Phan Thị Minh Tâm (cùng lớp với CVM)
5- Phan Phụng Thạch (giáo sư nhà thơ)
6- Phan thị Thu Thanh (cán sự Bưu Điện)
7- Phan Ngọc Bích (em út)

*

Năm nay Chu Vương Miện cũng 76 tuổi, bạn bè cùng lớp kẻ mất người còn, kẻ quê nhà kẻ quê người, ôi sự đời tang thuơng ngẫu lục dâu bể đa đoan, người chết có khi khỏe hơn người còn sống, đây là nén hương lòng trước là tưởng nhớ Phan Phụng Thạch, sau là Thạch Nhân và Đặng Sĩ Tịnh (Tức Vàng Hà Nội).

                                         M.Loan Hoa Sử & Chu Vương Miện 

No comments: