Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, December 23, 2016

"BẮT ĐỀN" - Tạp văn của Hoàng Đằng

                    
                                  Tác giả Hoàng Đằng 



  "BẮT ĐỀN"

Mấy ngày qua, đọc báo, tôi biết ông Hàn Đức Long ở thôn Yên Lý, xã Phúc Sơn, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang vừa được ra tù sau 11 năm bị giam cầm oan sai. Việc là, vàonăm 2005, trong địa phương ông có một bé gái 5 tuổi bị chết do hiếp dâm và ông bị cáo buộc là thủ phạm, ra toà nhiều lần, bị y án tử hình. Vợ ông đội đơn kêu oan, và nay, các cơ quan pháp luật phải trả tự do cho ông vì, qua điều tra đi điều tra lại, thấy ông vô tội.
Được phóng viên Vietnamnet tiếp xúc ngày 21/12/2016, ông nghẹn ngào phát biểu: “Tôi được cơ quan chức năng đưa về từ tối hôm qua (20/12), mừng không ngủ được, giờ vẫn cứ như trên mây ...”.
Người ta nói: “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại” (Một ngày ở tù dài bằng ngàn năm ở ngoài). Ông Hàn Đức Long mừng là phải, mà không riêng gì ông Hàn Đức Long, ai đã từng ở tù, khi được phóng thích, đều mừng.

Tuy nhiên, vẫn có trường hợp sau đây là ngoại lệ.
Ở Monaco – lãnh thổ thuộc Pháp ở Địa Trung Hải, một người đàn ông giết vợ, bị kết án tử hình, nhưng ở đó, dụng cụ thi hành án không có. Hội đồng xử án nghĩ mãi không tìm ra cách. Cuối cùng, chủ tịch hội đồng xử án đề nghị đổi hình phạt tử hình thành hình phạt chung thân; hội đồng nhất trí. Ngặt một nỗi là lúc đó và ở đó, chưa có nhà giam; thành thử chính quyền phải xây dựng một nhà giam và bổ nhiệm một cai ngục để quản lý.
Việc giam giữ diễn ra xuôi ngót được 6 tháng. Tù nhân ngủ cả ngày trên một nệm rơm trong phòng giam và cai ngục cũng nằm trên một chiếc ghế đặt ở cửa ra vào, khi thì ngủ, khi thì nhìn khách qua lại.
Vị lãnh chúa Monaco là người tiết kiệm, thấy ngân sách bị thâm thủng bởi lương trả cho cai ngục và nuôi ăn tù nhân. Ban đầu, ngài cằn nhằn; sau, ngài nghĩ tù nhân này còn trẻ, chi phí cho nhà tù duy nhất ấy còn dài, ngài ra lệnh vị bộ trưởng tư pháp phải tìm cách rút bớt chi phí đi.
Vị bộ trưởng tư pháp hội ý với vị chủ tịch xử án, hai người đồng thuận bỏ cai ngục để tù nhân tự giác quản lý mình, nhưng vẫn có phần lo, như thế, tù nhân sẽ vượt ngục.
Tuy nhiên, phương án này cứ đem ra áp dụng thử xem sao. Cai ngục cho nghỉ việc về nhà với vợ con; một phụ bếp ở cung điện lãnh chúa được giao trách nhiệm là sáng và tối mang phần ăn đến cho tù nhân. Một ngày nọ, người phụ bếp chậm đem phần ăn tới; quá bữa, tù nhân ung dung đến cung điện lãnh chúa khiếu nại. Sau đó, để tiết kiệm công đem cơm của phụ bếp, hàng ngày, tù nhân đến cung điện ăn cơm với các người phục dịch; nhờ thế, dần dần, tù nhân kết bạn với họ và ăn uống diễn ra rất thân mật.
Mỗi lần ăn cơm xong, tù nhân dạo chơi ngoạn cảnh, thỉnh thoảng vô sòng bạc đánh cầu may. Khi nào đánh ăn, tù nhân vào một khách sạn 5 sao, tự thưởng cho mình một bữa thịnh soạn rồi về nhà tù, cẩn thận gài cửa bên trong, ngủ. Tù nhân không trốn trại như các vị có thẩm quyền từng lo.
Tuy nhiên, cơm cho tù nhân vẫn tốn kém ngân quỹ, lãnh chúa Monaco chưa vừa ý, muốn tiết kiệm nữa. Một phiên toà được triệu tập và ra phán quyết tù nhân sẽ được mời ra khỏi lãnh thổ Monaco.
Nghe đọc phán quyết, tù nhân phát biểu tỉnh bơ:
Các ngài buồn cười nhỉ! Ô hay, tôi sẽ thế nào đây. Tôi không còn gia đình; tôi không còn phương tiện sinh sống; các ngài muốn tôi làm gì đây. Tôi bị án tử hình, các ngài không giết tôi, tôi không thèm nói. Các ngài chuyển tôi sang án chung thân, giao cho cai ngục quản lý, rồi các ngài lấy đi người canh gác tôi, tôi lại thêm một lần nữa không thèm nói. Bây giờ, các ngài muốn đuổi tôi ra khỏi xứ. Không được đâu nhé! Tôi là tù nhân, tù nhân của các ngài; xét xử và kết án do các ngài. Tôi thi hành bản án chưa xong. Tôi không đi đâu cả.
Toà bối rối, vị lãnh chúa lệnh phải tìm cho ra một giải pháp chấp nhận được. Toà nghị án lại, rồi ra phán quyết là cấp cho tù nhân một khoản tiền khá để ra sống ở nước ngoài.
Tù nhân mới chấp thuận; ra tù, anh ta thuê một khu đất chỉ cách Monaco 5 phút đi đường. Từ đó, anh ta trồng trọt rau màu ..., sống ung dung, thảnh thơi, tự do như một lãnh chúa (1).

Người tù bên Monaco đã “bắt đền” chính quyền cho anh ra tù trước thời hạn. Ở nước ta, cũng có một số tù nhân “bắt đền” nhà nước khi ra tù. Đều là “bắt đền” về việc chính quyền đã kết án họ, nhưng có điều khác là ở bên Monaco, người tù thật sự phạm tội, còn số tù nhân ở nước ta thì bị kết án oan sai. Một vài ví dụ minh chứng:
- Ông Trần Văn Thêm quê xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, mưu sinh bằng nghề bán dạo thuốc lào với người bà con tên Nguyễn Khắc Văn. Đêm 23/7/1970, đang ngủ trọ ở một quán hớt tóc tại huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú, bị cướp tấn công, hai người đánh trả; trong trận ẩu đả ấy, ông Nguyễn Khắc Văn bị tử thương, còn tên cướp lao xuống sông biến mất. Thế là ông Trần Văn Thêm bị cáo buộc giết ông Nguyễn Khắc Văn để cướp của; tháng 8 năm 1972, ông Trần Văn Thêm bị toà án nhân dân tỉnh Vĩnh Phú tuyên án tử hình; tháng 8 năm 1973, xử phúc thẩm y án. May là năm 1975, ông Phan Thanh Nhàn trú tại huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú nhận đã giết ông Nguyễn Khắc Văn; toà án nhân dân tối cao xử giám đốc thẩm và tạm tha cho ông Trần Văn Thêm; nhưng mãi đến 09/8/2016, các cơ quan tố tụng mới huỷ bản án. Nay, ông Trần Văn Thêm đòi nhà nước bồi thường 12,17 tỷ đồng gồm những tổn thất trong thời gian bị giam, thời gian tại ngoại cộng thêm những chi phí kêu oan, chữa bệnh ...; hiện chưa biết nhà nước sẽ thuận bồi thường bao nhiêu.
- Ông Huỳnh Văn Nén ở thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận; năm 1998, bị cáo buộc giết bà Lê thị Bông và bị kết án chung thân. May là mãi về sau, manh mối vụ án mạng được lần ra, thủ phạm đích thực giết bà Lê thị Bông là Nguyễn Thọ và Hồ Thanh Việt, và hai người này đã nhận tội. Tháng 12 năm 2015, các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận huỷ án. Hiện ông Huỳnh Văn Nén đang đòi bồi thường 14 tỷ đồng, nhà nước hứa là thuận bồi thường 5,2 tỷ, nhưng gia đình ông Huỳnh Văn Nén chưa chịu.
- Ông Nguyễn Thanh Chấn  ở tỉnh Bắc Giang, năm 2003, bị cáo buộc giết cô hàng xóm Nguyễn thị Hoan ở thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên để cướp của. Toà án nhân dân tỉnh Bắc Giang kết án chung thân. May là đến năm 2010, manh mối vụ án mạng giết cô Nguyễn thị Hoan được lần ra và tháng 10 năm 2013, thủ phạm đích thực Lý Nguyễn Chung ra đầu thú. Thế là ngày 06/11/2013, phiên toà tái thẩm huỷ án kết tội ông Nguyễn Thanh Chấn; tháng 3 năm 2015, ông Nguyễn Thanh Chấn được các cơ quan tố tụng tuyên bố sạch tội. Ông đòi nhà nước bồi thường 9,3 tỷ; nhà nước chỉ thuận bồi thường 7,2 tỷ.
Và ông Hàn Đức Long – người được nhắc đến ở đầu bài – chắc chắn sẽ “bắt đền” nhà nước về những thiệt hại trong thời gian dài ông bị giam giữ oan.

Người viết bài này mong sao các cơ quan hành xử pháp luật  đừng gây ra oan sai; oan sai vừa khổ người bị hại vừa phí phạm ngân sách trong việc bồi thường. Ông lãnh chúa tiết kiệm Monaco biết được, cười chết!
                                                            Hoàng Đằng
                                                     23/12/2016 (25/11/Bính Thân)
-----------------------------------------------------------
(1) Phần này phỏng dịch từ bài đọc trong sách Cours de langue et de civilisation françaises II(truyện kể của Guy de Maupassant – nhà văn Pháp 1850 - 1893)

No comments: