Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, November 15, 2016

GƯƠNG SÁNG NHÀ GIÁO - Châu Long

                   GƯƠNG SÁNG NHÀ GIÁO 
                
Nếu có dịp đặt chân đến mảnh đất thuộc xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, hỏi thầy Lê Quang Thái công tác tại trường THCS Chu Văn An thì không ai mà không biết. Thầy được mọi người biết đến không phải vì thầy làm “ông to ông lớn” mà đơn giản gần mấy mươi năm trong nghề, đến cái tuổi nghỉ hưu thầy đã dạy dỗ bao nhiêu thế hệ học trò thành đạt, luôn sống một lối sống gần gũi với bạn bè, đồng nghiệp đặc biệt là những học trò thân yêu. Bên cạnh đó thầy còn là một trong những tấm gương tiêu biểu của nhà trường trong việc thực hiện phong trào: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Tôi gặp thầy với một cái “duyên kỳ ngộ”. Vì sao tôi lại gọi như thế? Bởi lần đầu tiên tôi biết thầy là vào mùa xuân cách đây ba năm về trước, lúc ấy tôi còn là một cô sinh viên được phân công thực tập sư phạm về ngay ngôi trường mà thầy đang công tác. Khi cái không khí sau tết vẫn còn nhộn nhịp, cái cảm giác ấm cúng bên mâm cơm gia đình vẫn vẹn nguyên thì tôi lại phải  tiếp tục con đường đi tìm cái chữ, đi tìm tương lai cho bản thân. Ngày đầu tiên đến trường với biết bao bỡ ngỡ, rất nhiều ánh mắt của các cô cậu học trò nhìn mình một cách lạ lẫm, tôi cảm thấy hơi run. Rất may lúc ấy, từ phòng Hội đồng, thầy bước ra đón chúng tôi với bộ quần áo đã ngã màu, dáng người thấp bé, gương mặt khắc khoải hiền từ, phúc hậu. Có lẽ trải qua nhiều năm tháng gắn bó với nghề nên thầy hiểu được tâm lí của tôi và lũ bạn đi cùng, thầy ôn tồn chỉ dẫn từng li từng tí. Với cuộc gặp gỡ đầu tiên ấy thầy đã nhanh chóng để lại cho tôi cũng như các bạn của tôi một ấn tượng sâu sắc.

Để chuẩn bị cho công tác thực tập - một cuộc hành trình quan trọng nhằm tích góp kinh nghiệm cho bản thân trước khi bước vào nghề, sáng hôm sau tôi đến trường thật sớm và ngỡ ngàng trong niềm vui, sự hạnh phúc vô bờ khi biết tin thầy chính là người hướng dẫn thực tập cho mình. Qua mấy buổi được dự giờ học hỏi, tôi thấy đúng như lời mà mọi người nhận xét về thầy, thầy rất gần gũi, thân thiện, nhiệt tình trong công tác chỉ dẫn. Đặc biệt phong cách giảng dạy của thầy chẳng giống ai. Trong khi các thầy cô khác thì lỉnh kỉnh cặp sách, đồ dùng mỗi khi đến lớp - còn thầy, tay chỉ cầm mỗi cuốn sách giáo khoa. Khi giảng Văn thầy thường giảng nhiều nhưng ghi bảng rất ít, chỉ mấy cái gạch đầu dòng ngắn gọn nhưng lại giúp học sinh nhớ bài lâu. Giọng đọc bài của thầy lên bổng xuống trầm, thay đổi ngữ điệu kết hợp với những điệu bộ, cử chỉ một cách truyền cảm khiến tôi ngồi dưới không khỏi rời mắt. Trong quá trình giảng dạy thầy thường sử dụng những từ ngữ cô đúc để diễn tả một cách ngắn gọn, biểu cảm điều cần truyền đạt. Chính những điều này khiến tôi ngưỡng mộ cách dạy của thầy. Hết một tuần thực tập đầu tiên tôi học được biết bao nhiêu điều từ thầy. Bên cạnh đó tôi cũng biết nhiều điều về thầy qua lời kể của các thầy cô giáo trong trường.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Quảng Trị đầy lửa đạn, hơn ai hết thầy hiểu được hoàn cảnh nước nhà đang trong thời kì chiến tranh ác liệt. Với ý chí của một chàng thanh niên yêu nước, thầy muốn góp một phần nhỏ của mình trong công cuộc xây dựng đất nước bằng cách cố gắng phấn đấu học tập để trở thành một chàng sinh viên trường Cao đẳng sư phạm Đà Nẵng (nay là trường Đại học sư phạm Đà Nẵng) chuyên ngành Ngữ văn. Tốt nghiệp ra trường với thành tích học tập xuất sắc, thầy được phân công công tác về giảng dạy tại xã Tam Trà – một xã miền núi còn nhiều thiếu thốn của huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Trải qua một thời gian cống hiến không ngại khó, không ngại khổ cho mảnh đất và con người Tam Trà, khi Tam kỳ được tách ra làm hai trung tâm hành chính là thành phố Tam Kỳ và huyện Phú Ninh, lúc này thầy được thuyên chuyển công tác về huyện Phú Ninh. Qua lời kể của các thầy cô tại trường, thầy bảo rằng không biết tự bao giờ mảnh đất Quảng Nam đầy nắng và gió này đã trở thành một phần máu thịt, một phần sự sống, một phần hơi thở trong thầy và thầy quyết định gắn bó với nó cho đến hôm nay:

“Tôi như con tàu khởi hành xa bến
Vượt trùng dương vẫn khắc khoải quê nhà
[…]
Biết khởi hành nặng nợ với sông quê
Không gợn sóng sao thấy mình có lỗi
Như Huyền Trân xưa ruột gan vò trăm mối
Giấu niềm riêng về Chiêm quốc làm dâu


Để cuộc đời có nghĩa đến mai sau
Nề hà chi gừng cay muối mặn
Trên hành trình dẫu còn trái đắng
Vẫn nhận ra mùa hạnh phúc ngọt ngào”.
                               (Khởi hành – Lê Quang Thái)

Chính cái tình yêu bao la thầy dành cho đất Quảng, chính sự gần gũi, thân thiện của con người đặc biệt là học trò nơi đây đã níu bước chân của thầy không thể rời xa “miền đất hứa”. Rồi thầy lập gia đình, sinh được hai người con trai khấu khỉnh, thông minh. Cuộc sống của thầy cứ thế trôi qua, thầy vừa phải chăm con vừa phải đến lớp với biết bao vất vả và gian truân. Mặc dầu phải bận bịu lo cho gia đình nhưng thầy vẫn không quên nhiệm vụ đối với “đàn con thơ”. Cứ như vậy cả cuộc đời thầy vẫn cố gắng cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Dường như với thầy ngày nào không được đứng trên bục giảng thì ngày đó thầy cảm thấy cuộc sống của mình trở nên trống vắng. Tôi nhớ rất rõ thầy từng nói với tôi: Con biết không ra trường trong thời kì hòa bình vừa lặp lại, đất nước còn nhiều khó khăn, thời điểm đó lương giáo viên không đủ nuôi gia đình nên nhiều người đã chuyển sang nghề khác để mưu sinh. Nhưng với thầy, thầy luôn quan niệm đất nước lúc nào cũng cần nhân tài mà nhân tài từ đâu ta phát hiện ra? Đó là từ giáo dục. Thầy muốn góp một phần nhỏ của mình trong việc này và hơn nữa thầy yêu cái nghề mà mình đã chọn nên dù khó khăn, dù “Đầu củi đầu con nhòe mờ trang giáo án/Xe đạp tròng trành chở hết nổi truân chuyên”, dù cho cuộc sống có vất vả đến mấy, dù cho một buổi đến lớp một buổi về vừa lo cho con vừa đi bán củi để kiếm thêm thu nhập thầy vẫn quyết tâm gắn bó với nghề. Nghe những lời tâm sự của thầy mà lòng tôi như thắt lại. Nó như động lực khích lệ tôi phải cố gắng nhiều hơn nữa. Có lẽ vì vậy mà trong suốt quá trình giảng dạy mấy chục năm nay thầy không ngừng tiếp thu, nổ lực, tìm tòi phương pháp mới, nghiên cứu nhiều tài liệu nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh một cách tốt nhất. Với những người trẻ tuổi việc tiếp cận công nghệ thông tin thì rất dễ dàng còn với thầy đã mấy mươi năm cống hiến trong nghề, tuổi cao mắt kém, sức khỏe cũng sa sút nên việc tiếp thu có phần hạn chế. Nhưng không vì thế mà thầy buông xuôi, hằng ngày thầy vẫn miệt mài rèn luyện, mò mẫm tập gõ từng chữ cái một. Có những đêm thầy thức trắng cùng trang giáo án của mình. Đáp lại tấm lòng sự kỳ vọng của thầy, biết bao thế hệ được thầy dìu dắt đã thành công. Và tôi cũng là một trong số những người học trò ấy.

Tôi rất may mắn khi có dịp ghé thăm nhà thầy - Một căn nhà cấp bốn nhỏ nhắn nằm sâu ở vùng ven thuộc xã Tam Ngọc - Tp Tam Kỳ - Quảng Nam. Mặc dù nhà cửa đơn sơ nhưng nó được thầy bày trí một cách gọn gàng, sạch sẽ.  Điều khiến tôi ngạc nhiên và thích thú khi bước chân vào nhà đó chính là không gian thầy dành riêng cho ba giá sách lớn. Một giá sách thầy dành cho hai cậu con trai. Hai giá còn lại là “tài sản” của thầy. Những cuốn sách thuộc đủ các lĩnh vực từ khoa học tự nhiên đến khoa học xã hội, từ văn hóa cho đến văn học… được thầy phân loại, đóng tập cẩn thận, xếp ngăn nắp trên giá cùng với những sáng kiến kinh nghiệm trong giảng dạy, những tập thơ, những bài báo viết về thầy cũng được bố trí một cách ngăn nắp. Đến đây tôi mới ngỡ ngàng khi biết thầy không chỉ là nhà giáo, nhà thơ mà còn là một nhà diễn ngâm xuất sắc của Quảng Nam, là hội viên của Hội Văn học nghệ thuật thành phố Tam Kỳ. Có lẽ vì vậy mà trên giá sách của thầy không chỉ chứa toàn là sách mà thầy còn dành riêng một ngăn nhỏ để lưu giữ những chiếc đĩa ngâm thơ xinh xắn với giọng ngâm mượt mà. Thầy tận tình giới thiệu cho tôi từng cuốn sách, từng chiếc đĩa một. Nhìn cách giới thiệu say mê, tôi biết đây là niềm tự hào, là tài sản quý mà thầy đã sưu tầm, tích góp cả cuộc đời và thầy rất trân trọng nó. Lúc ra về tôi cũng không quên mượn một số cuốn sách mình thích về tham khảo, một số đĩa ngâm thơ về nghe để yêu hơn cái làn điệu diễn ngâm độc đáo này và đặc biệt để khơi dậy hơn nữa tinh thần yêu thơ của mình.




Thầy Lê Quang Thái – Trường THCS Chu Văn An
  
Theo tôi được biết ngoài việc sưu tầm sách thầy còn có một sở thích khác mà ai cũng quý đó chính là công tác từ thiện. Mặc dù công tác xa nhà nhưng mỗi khi Hội Văn học nghệ thuật thành phố Tam Kì tổ chức thiện nguyện thầy liền tạm gác công việc, bon bon chạy xe băng đường rừng núi, quanh co hiểm trở để về tham gia. Bên cạnh đó thầy còn cất công vận động thêm nhiều Mạnh Thường Quân cùng làm công tác từ thiện với mình. Thầy không chỉ giúp đỡ trẻ em cơ nhỡ, vô gia cư, nạn nhân chất độc màu da cam...mà còn tận tình giúp đỡ những cô cậu sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bởi hơn ai hết thầy hiểu được cuộc sống của những sinh viên nghèo là như thế nào vì thầy cũng từng là một cậu sinh viên luôn khát khao về mặt tinh thần và “thèm” sự sung túc của vật chất. Thầy là vậy, lúc nào cũng chỉ nghĩ cho người khác mà chưa một lần nghĩ cho bản thân mình. Luôn quan tâm giúp đỡ người khác mà không cần nhận lại bất cứ điều gì. Thầy quan niệm: “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.

Trở lại với kì thực tập sư phạm của tôi, trải qua hai tháng được thầy chỉ dẫn nhiệt tình, tôi tự tin hơn khi đã trang bị cho bản thân một lượng kiến thức cũng như kinh nghiệm. Thầy luôn sát cánh cùng tôi và các bạn trong suốt quá trình thực tập. Thầy tận tình chỉ bảo, giải đáp mọi thắc mắc một cách vui vẻ. Có những lúc lắng lòng thầy trò chúng tôi ngồi trò chuyện, thầy đã chia sẻ nhiều điều bổ ích với tư cách không còn là một người thầy nữa mà là một người đi trước. Thầy tâm sự rất thật lòng:

- Thầy cảm thấy buồn cho xu hướng xã hội bây giờ. Ngày xưa, các thầy cô vì yêu văn chương mà chọn nghề sư phạm, muốn đem lời hay ý đẹp đến học trò nên dù cuộc sống biêt bao vất vả, khó khăn, dù đến được trường phải đi bộ hàng mấy cây số, ăn sắn, ăn khoai nhưng vẫn quyết tâm đứng lớp bằng mọi cách. Còn thế hệ về sau lại chọn văn chương chủ yếu với mục đích mưu sinh. Cũng vì thế mà giáo viên trẻ bây giờ ít ai yêu văn chương thực sự. Đây cũng là điều mà thầy luôn trăn trở.

Nghe thầy tâm sự mà tôi ngẹn lòng. Cách nhìn nhận của thầy rất sâu sắc. Không biết nói gì miệng lí nhí tôi đáp:

- Thầy nói đúng ạ! Rồi thầy tiếp lời tôi:

- Các con muốn dạy văn hay thì không nên đưa bài học vào một khuôn mẫu. Dạy văn là làm sao phải tạo được cảm hứng, phải biết chọn lọc những gì quan trọng, cần thiết để giảng thật sâu, thật kĩ thì học trò mới có hứng thú bởi bây giờ không mấy ai yêu văn chương nữa. Viết văn cũng vậy, chúng ta không nên quy định cho học sinh viết bao nhiêu dòng, bao nhiêu trang hay thậm chí bao nhiêu từ. Cứ để học sinh thỏa sức sáng tạo, tưởng tượng sau đó giáo viên chúng ta sửa bài thì “những đứa con tinh thần” của các em sẽ trở nên “tròn trịa”. Các con nhớ nhé!.

Thầy là vậy đó, luôn sống thật, nói những điều cũng thật và gần gũi. Thầy không ngần ngại chia sẻ với chúng tôi những kinh nghiệm trong giảng dạy mà còn chia sẻ kinh nghiệm trong cuộc sống. Cứ như vậy qua hai tháng thực tập không chỉ tôi mà cả lũ bạn của tôi đã học hỏi ở thầy rất nhiều điều. Giữa chúng tôi dường như không còn là khoảng cách thầy – trò, thay vào đó thầy giống như một người cha, một người cha của biết bao thế hệ trong đó có tôi, luôn ôn tồn dạy bảo mọi điều hay lẽ phải cho con của mình. Có lẽ vì thế mà khi kết thúc chuyến thực tập năm ấy thầy đã thực sự trở thành người cha thứ hai của chúng tôi. Chúng tôi gọi thầy với một cái tên thân mật – ba Thái. Thầy vui vẻ đón nhận và mỉm cười một cách mãn nguyện.

Rồi thời gian trôi qua, mới đó mà chúng tôi cũng đã trở thành những thầy cô giáo được ba năm nay. Trong suốt khoảng thời gian ấy mối quan hệ cha con giữa thầy và chúng tôi ngày càng được bồi đắp qua những lần tôi cùng lũ bạn ghé nhà thăm thầy. Cứ mỗi lần như thế tôi lại cảm nhận thầy như trẻ ra vì niềm vui và sự hạnh phúc.

Cả cuộc đời của thầy đã cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nước nhà nói chung và sự nghiệp giáo dục tỉnh Quảng Nam nói riêng. Vì vậy bây giờ cũng là lúc thầy phải được nghỉ ngơi sau mấy mươi năm cống hiến. Thầy về hưu ở cái tuổi xế chiều. Thầy nghỉ hưu không phải vì hết yêu học trò mà vì vai trò, trách nhiệm với người cha ở quê – Quảng Trị. Bởi mấy mươi năm phục vụ cho sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà thầy không có thời gian để về quê chăm sóc cha già những lúc ốm đau, trái gió trở trời. Chính vì vậy mà giờ đây thầy muốn dành khoảng thời gian ngắn ngủi còn lại để toàn tâm toàn ý lo cho ông. Cùng với đó thầy cũng muốn dành thời gian cho niềm đam mê viết văn, làm thơ và đặc biệt thực hiện những chuyến thiện nguyện của mình cho quãng đời còn lại:

“Những buồn vui cùng lúc bỗng ùa về
Khi tôi biết mình sắp rời bục giảng
Buồn biết mấy khi xa lớp đầu xanh, bè bạn
Và cả tuổi già sức đuối phải về hưu!

Trong nỗi buồn chợt khấp khởi niềm vui
Có chút thảnh thơi bên cháu con đoàn tụ
Được chăm sóc cha già đã bao năm ấp ủ
Phút lắng lòng mài dũa thú văn chương
[…]
Mỗi sớm mai trống trường khua dồn dã
Biết lòng mình cất nỗi nhớ vào đâu…?
                                (Ngày về - Lê Quang Thái)

Và rồi những nguyện vọng của thầy cũng được thực hiện. Thầy xứng đáng là một đứa con hiếu thảo, một người thầy giáo mẫu mực, là tấm gương sáng để nhiều thế hệ học trò noi theo. Xin cho phép tôi được gọi thầy bằng sự tôn kính, bằng cả trái tim một lần nữa– ba Thái!.

Châu Long

Châu Thị Hoàng Long
Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng,
Thôn Dương Trung, xã Trà Dương, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam.
Email: chaulong91@gmail.com














No comments: