Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, October 11, 2016

ƠN VÀ ĐỨC - Truyện ngắn của Hoàng Đằng


          
                             Tác giả Hoàng Đằng 


             ƠN VÀ ĐỨC
                               Truyện ngắn của Hoàng Đằng

Vợ chồng anh Thái - chị Sen bày ra làm nhà.
Anh Thái mất mẹ sớm; thuở nhỏ, anh khổ lắm; bố anh “gà trống nuôi con”, thiếu thốn trăm bề. Dù sao, ông cũng lo gia cư tương đối đàng hoàng cho con cái; ông nghĩ có “an cư” mới “lạc nghiệp”.
Cái nhà cũ do ông làm cho vợ chồng anh Thái, khi mới tách hộ ra riêng, giờ còn chắc chắn, chỉ có điều hơi chật so với số người trong gia đình - hai vợ chồng và bốn đứa con. Lại thêm, khổ là cái nền thấp; trước đây, lụt lớn, nước mới tràn vô nhà; bây giờ mưa to vài giờ, nước đã ngấp nghé bên thềm. Mương thoát nước mà tiền nhân từ đời này qua đời khác dựa theo thực tế trải nghiệm đào nên đã bị dân chúng, tham lam, vô ý thức, lấp để thêm chút đất cơi nới nhà, mở rộng vườn.
Trước kia, khu đất nhà anh Thái tọa lạc là đồng ruộng. Do nhu cầu nhà ở của những cặp vợ chồng trẻ trong làng ra riêng, hợp tác xã nông nghiệp thôi canh tác, phân lô cấp nền nhà.
Những nhà trong khu vực làm một lần với nhà anh Thái + chị Sen nay đã thay mới chỉ còn nhà anh Thái là chưa. Bố anh Thái thấy vậy, buồn cho con và dâu mình trong cuộc sống không đuổi kịp thiên hạ. Trước Tết Bính Thân (2016), vào dịp đại gia đình sum họp cúng Tất Niên, ông nói mà như trách:
Vợ chồng con sống sao mà thua cả xóm rồi, cách đây 20 năm, cái nhà này nhất xóm, chừ  xem trái, xem phải kìa, nhà các con lui chót.
Anh Thái - chị Sen nghe, im lặng, không trả lời.
Từ trước tới giờ, cặp vợ chồng này đặt ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống là việc nuôi dạy con cái. Bốn đứa con đều đi học, quần áo tươm tất, sách vở đầy đủ; hai đứa nhỏ học trường gần, hai đứa lớn học trường xa. Tự dưng, lời đánh giá của bố làm cho vợ chồng ngày đêm ray rứt, xáo trộn quan niệm sống.
Qua năm mới, tháng Giêng rồi tháng Hai lặng lẽ trôi. Đầu tháng Ba, anh Thái qua thông báo với bố đã chọn được ngày lành tháng tốt để phá nhà cũ làm lại nhà mới. Bố anh ngạc nhiên hỏi:
Tiền mô mà làm, rứa con! Đơn giản nhất cũng tốn cả trăm triệu, con nờ!
Rồi, với tâm trạng lo lắng, ông góp ý trong cách làm:
Cái nhà cũ, dù sao, còn ở được, con chỉ nên làm hai phòng ghép thêm phía sau, mong đủ chỗ sinh hoạt cho con cái; gái sắp gả chồng, trai sắp cưới vợ, nhà cửa chật chội cũng cực. Làm chừng đó, có thiếu thì vay mượn, vay mượn ít thì hoàn trả cũng khả thi; con cái lớn rồi, mai mốt, đứa nào cũng có việc; tiết kiệm chút chút, dành dụm trả dần, rồi mô vào nấy thôi.
Anh Thái nghe, cũng không nói gì.
Vợ chồng anh Thái - chị Sen cho đập nhà cũ, mở móng nhà mới và xây dần lên. Móng nhà kết cấu bê-tông cốt thép khá vững chãi, diện tích nhà rộng cả 100 mét vuông. Viễn ảnh một ngôi nhà tầng hiện ra. Xóm giềng, bà con, bạn bè, hễ gặp nhau, thắc mắc:
Vợ chồng thằng Thái mần chi có tiền mà xây nhà to dữ rứa hè!

Dân nông thôn ở đây là vậy, hình như mọi người đều tình nguyện làm kế toán không lương cho sinh hoạt của nhau; mỗi gia đình thu nhập bao nhiêu, chi tiêu bao nhiêu, dư bao nhiêu hay thiếu bao nhiêu; mọi thứ phải nắm được để làm cơ sở cho các cuộc họp bình bầu hộ nghèo, hộ cận nghèo hay phân chia tiền, gạo cứu trợ những lúc giáp hạt hay thiên tai. Nhìn bề ngoài, người ta sống với nhau như thế là thân mật, đáng khen! Nhưng quá thân mật khiến việc riêng tư ít được tôn trọng; nhà này có bữa cơm sướng hơn thường ngày, nhà kia thắc mắc; chị này lần đầu có cái áo đẹp, chị kia thắc mắc … Hễ trong cộng đồng có gì xảy ra khác thường một chút thì người ta tụm năm tụm ba bàn tán, suy đoán tạo ra dư luận xôn xao.
Nhiều người hỏi bố anh Thái:
Rứa ôông cho thằng Thái mấy mà nó bày ra làm nhà!
Bố anh Thái sống một mình; áo quần lòi xòi, nơi ở tuềnh toàng, ăn uống đạm bạc. Chỉ có điều, trước đây, ông là công chức của chế độ cũ, nên có người nghi ông còn có của dư của để từ ngày xưa ấy. Nghi như thế cũng dễ hiểu thôi! Thời nay, ai làm việc Nhà Nước cũng khá giả, người dân, trong tâm trí, ăn sâu ý nghĩ hễ làm công chức là nhiều tiền, ngoài lương chính thức, thế nào cũng chắm mút thêm nhiều khoản khác do mánh mung.
Trước những câu hỏi tò mò của thiên hạ, bố anh Thái chỉ biết đưa hai bàn tay phủi vào nhau, ý muốn nói:
Tui “bô lô chi trợt”, hai bàn tay trắng; tuổi già, chút đau chỗ này, chút nhức chỗ kia; làm gì có tiền mà cho!
Mà thật đúng như thế, hiện tại, bố anh Thái không có thu nhập, còn xưa kia, là công chức quèn, lương ba cọc ba đồng, “tay làm hàm nhai”, “tay bo miệng lủm”, gặp thời buổi chiến tranh, sống qua ngày, qua tháng là may rồi.
Còn hiện tại, thấy ông neo đơn; cách đây mấy tháng, thôn trưởng mới được bầu lên là một phụ nữ trẻ, tốt nghiệp đại học sư phạm không kiếm được việc làm tương xứng, khác làng, về làm dâu trong địa phương, thấy hoàn cảnh ông, có ý định trình với cấp trên cho ông cái sổ hộ nghèo.
Chuyện định cấp sổ hộ nghèo cho ông là do chị thôn trưởng căn cứ vào các tiêu chí gì đó mà Nhà Nước đặt ra. Hộ ông chỉ có mình ông, cái sổ hộ nghèo cũng chẳng đem lại quyền lợi gì. Nghe nói nếu có sổ ấy, ông sẽ được tặng cho thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.
Tính ông kỳ lắm! Ông nói ở tuổi 85 này, mọi bộ phận trong người đã “quá đát”, như trái cây chín, chưa biết rụng ngày nào, người xưa nói “bát thời” (1) nghĩa là từ 80 tuổi trở lên, chuyện sống chết tính bằng giờ - có thể giờ này còn sống mà giờ sau thì chết; thế thì đau cứ nằm ở nhà mà chết cho “sinh thuận tử an”, đi bệnh viện làm chi, lỡ chết ở bệnh viện, chịu tiếng chết đường chết sá, khổ con cháu về sau.
Chuyện anh Thái làm nhà đã trở thành đề tài thời sự nóng trong thôn;  dân bàn tán chỗ này chỗ kia; người ta hỏi nhau rồi đoán: chắc nó trúng số mà giấu, chắc chị em con Sen trong Nam gởi tiền ra cho, chắc nó sẽ bán nửa đất còn chừa lại, chắc nó thế chấp sổ đỏ vay tiền ngân hàng.
Có người, không ngần ngại, hỏi thẳng anh Thái; anh cười, trả lời, không chút do dự:
Tiền ba tui cho, chứ ai nữa!
Thiên hạ rộn lên:
- Ông ấy giàu rứa, mà giả đò cực, chính quyền tưởng cực thiệt, định cấp sổ hộ nghèo, chút nữa thì chính quyền lầm rồi, công nhận hộ nghèo thiếu công bằng, chính xác!
Bố anh Thái chống gậy, tới hỏi anh:
Ba có cho con chi mô mà nói để thiên hạ đồn rầm lên rứa?
Anh Thái mời bố ngồi, rồi phân trần một mạch:
Ba không cho con tiền, của nhưng cho con thân dài vai rộng, sức khỏe tốt, trí não tốt, tâm hồn trong sáng để bươn chải giữa đời. 20 năm nay, vợ chồng con, tuy thu nhập thấp, nhờ không bệnh không hoạn, lại chịu khó tiết kiệm từng đồng, ngày lại ngày, bây giờ cũng đủ tiền làm nhà, “kiến tha lâu cũng đầy tổ”, ba nờ! Trong cuộc sống, vợ chồng con chỉ gặp may mắn không gặp rủi ro là nhờ cái đức của ba; người ta nói “cha ở hiền thì con gặp lành” đó, ba nờ! Cha mẹ sinh ra con cái, nuôi nấng, dạy dỗ, dựng vợ gả chồng, tạo lập gia cư cho con cái, những cái đó gọi là ơn; còn con cái hanh thông, thành đạt trên đời là nhờ cái đức của cha mẹ, cái đức không thấy bằng mắt được mô, ba nờ! Cha mẹ đối nhân xử thế theo lẽ phải, không lừa dối, không hãm hại, không o ép, không nuôi hận thù … ai, ấy là cha mẹ để đức cho con. Con làm được nhà đây, ba không cho con thì ai cho nữa!
Bố anh Thái ngồi nghe xong, nụ cười nở trong bụng, buột miệng:
Thằng con mình biết nghĩ sâu xa, biết hiếu nghĩa. Đó là cái phúc của nhà mình; hơn nữa, mình chưa từng làm được nhà lớn mà con mình bây giờ làm được; “con hơn cha là nhà có phúc”, quá chí lý!

                                                              Hoàng Đằng
                                               10/7/2016 (7/6/Bính Thân)
 ........

1) “Ngũ niên, lục nguyệt, thất nhật, bát thời” nghĩa là: qua tuổi 50, mất còn tính bằng năm; qua tuổi 60, mất còn tính bằng tháng; qua tuổi 70, mất còn tính bằng ngày; qua tuổi 80, mất còn tính bằng giờ.

No comments: