Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, October 30, 2016

CƠM VÀ CÁ - Tùy bút của Hoàng Đằng


                   

                                Tác giả Hoàng Đằng 


          CƠM VÀ CÁ                        
                                                    Tùy bút của Hoàng Đằng

Thuở còn bé, mình ra đường, gặp người bà con, làng xóm; họ tỏ tình thân, xoa đầu  mình rồi hỏi:
- Trưa nay cháu ăn chi?
Những lần đầu, mình thật thà, ăn gì nói nấy:
- Cháu ăn khoai lang chấm muối. Cháu ăn cơm với rau lang luộc chấm nước ruốc.
Thời xưa ấy, cái nghèo tấn công mọi sinh hoạt trong đời sống con người, đặc biệt là bữa ăn. Đâu chỉ gia đình mình ăn vậy mà đa số dân cả làng, cả nước phải ăn vậy để sống, thậm chí có nhà phải đào củ chuối nấu ăn trừ bữa, ăn cám rang trộn với tựa trái muồng phơi khô giã thành bột; cám ăn vào miệng, dù nham nhám, nhờ cái vị ngọt ngọt, cũng nuốt được.
Dân số nước ta trong thập kỷ 1940 mới chỉ trên dưới 20 triệu; đất còn rộng, người còn thưa; mà không đủ ăn, do cách làm ăn còn non kém, chứ lượng lương thực, thực phẩm tiềm tàng trong thiên nhiên lớn lắm; ruộng đồng bao la, tôm cá đầy biển, đầy sông, đầy ao hồ. Trồng trọt thì nhờ trời, không thủy nông, không giống mới, không phân bón … Đánh bắt cá thì phương tiện tối tân nhất !!! chỉ là chiếc thuyền nan với lưới đã to sợi lại đan thưa mắt …
Rồi khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp ở nước ngoài phát triển, du nhập vào nước ta, dân ta bắt chước, áp dụng; nông sản dồi dào lên; bữa ăn no dần về chất và lượng; trẻ ở thế hệ sau mình được người ngoài hỏi:
- Đến bữa, bố mẹ cho cháu ăn chi?
Chúng trả lời không chút suy nghĩ:
- Ăn cơm với cá.
Bữa cơm của người Việt được tạo nên do nhiều thứ: cơm, cá, thịt, rau, củ, quả, gia vị ..., trong đó, cơm và cá được mặc định là hai thứ chính. Bữa cơm có cơm và cá là chỉ dấu một gia đình khá giả.
Tuy có gián đoạn hoặc do  mùa màng thất bát, hoặc do bom đạn khiến ruộng đồng bỏ hoang, hoặc do chiến tranh khiến nông dân bỏ ruộng đồng tản cư, hoặc do nông dân mất hứng thú trong công việc đồng áng trước chính sách tập thể hóa quá mới mẻ của chính quyền, thời gian mà đa số người Việt có cơm có cá ăn kéo dài cũng đã hơn 60 năm rồi (từ khi kết thúc chiến tranh Việt – Pháp 1954). Và hy vọng sẽ mãi như thế!
Tuy nhiên, thời gian gần đây, TV nhà nước cứ loan những tin khiến mình – giờ đã là một ông già có tính gàn – đâm hoảng.
Cơm đến từ gạo, gạo đến từ thóc, thóc đến từ đất đai. Vậy mà đất đai nước mình đang bị thu hẹp. Vựa lúa chủ yếu của nước mình là đồng bằng Nam Bộ; đồng bằng này đã không còn phù sa mấy bồi lợp. Các nước thượng nguồn sông Mê-kông như Trung Quốc, Thái Lan, Lào xây đập thủy điện, thủy nông, đào kênh rạch chia nước khiến nước không về đều đặn; nước không về thì phù sa không có, mà xưa nay, phù sa đã mang lại nhiều lợi ích: trải màu mỡ lên ruộng đồng, bồi lấn biển dần mở rộng đất đai.
Cộng thêm đô thị hóa và hiện đại hóa đất nước đòi hỏi phải xây dựng cơ sở hạ tầng nhiều; một trong những vật liệu cần cho xây dựng là cát. Cát đang ngày đêm được nạo vét từ các dòng sông; dòng sông hẳm thì đất hai bờ phải lở xuống; lở đất thì mất đất.
Với lại khí hậu quả đất ấm lên do khí thải công nghiệp, do rừng bị tàn phá gây hiệu ứng nhà kính làm băng ở địa cực tan nâng nước các đại dương dâng cao tràn vào nhấn chìm những vùng đất thấp và nhiễm mặn những vùng có cao độ hơn. Đồng bằng Nam Bộ chịu tác hại nặng nhất.
Không những thế, nước ta, sau nhiều thế kỷ, nhắm mắt, không chịu phát triển, bây giờ, mở mắt ra, thấy thua kém quá nhiều nước, đặc biệt ở lãnh vực mở mang đô thị và công nghiệp hóa; hoảng hốt, muốn làm “bước nhảy vọt”, bằng cách mở thêm và mở rộng các đô thị, khu vui chơi giải trí, khu công nghiệp … Nhiều vùng đất trồng lúa bị thu hồi, san lấp để lập gia cư, cơ sở hạ tầng … Những diện tích tương đương mất theo để xả thải; đặc biệt các khu công nghiệp. Ôi thôi! Trong công nghiệp nặng, nước ta đang thu dung những công nghệ bẩn – làm ô nhiễm môi trường – mà các nước phát triển tìm cách đưa ra khỏi nước họ qua các dự án đầu tư (Formosa là một minh chứng); trong công nghiệp chế biến, các quy định bảo vệ môi trường không chặt chẽ khiến chủ doanh nghiệp lợi sụng kẽ hở xả thải bừa bãi để bớt chi phí sản xuất.
Diện tích trồng lúa đã không còn màu mỡ lại bị thu hẹp; sản lượng lúa gạo giảm trong khi dân số càng ngày càng đông. Dù thâm canh đến đâu, nông sản có ngày sẽ không đủ cho nhân dân dùng, trừ phi các thực phẩm hóa học: gạo hóa học, thịt hóa học, rau hóa học … được sử dụng.
Cơm thiếu; còn cá thì sao?
Môi trường cho cá sinh sống – nước - đang bị nhiễm bẩn – nhiễm bẩn do chất thải sinh hoạt và công nghiệp quá nhiều; người quá đông rồi mà! Nước đã nhiễm bẩn thì sự sinh sản và sinh trưởng của các loài thủy sản bị hạn chế, thậm chí bị hủy diệt hàng loạt. Điều đó đang xảy ra trên đất nước ta. Chỉ kể vài vụ trong riêng mấy tháng đầu năm 2016 thì rõ:
Đầu tháng 4/2016, nhà máy thép Formosa ở Vũng Áng Hà Tĩnh xả thải chứa nhiều độc chất ra biển làm cá chết khoảng mấy trăm tấn tràn vào bờ 4 tỉnh miền Trung: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế .
Đầu tháng 7/2016, các trại nuôi heo công nghiệp, các nhà máy chế biến mủ cao su, tinh bột sắn ….. ở thượng nguồn sông Sài Gòn xả thải xuống dòng sông; nguồn nước bị ô nhiễm khiến cá chết hàng loạt – nghe nói khoảng 2 tấn - nổi trắng mặt nước.
Đầu tháng 9/2016, dòng nước đen ngòm chảy ở sông Sa Lung huyện Vĩnh Linh tỉnh Quảng Trị làm cá chết hàng loạt nhiều ngày; màu đen ngòm ấy của nước cũng do nhà máy nào đó ??? – hình như nhà máy chế biến mủ cao su - xả thải, nhưng người ta không tìm ra và nắm được chứng cứ để quy tội!!!
Đầu tháng 10/2016, nước thải dân cư ở thủ đô Hà Nội trút xuống Hồ Tây, nước hồ thiếu oxy, cá chết ngạt khoảng 200 tấn.
Đó là cá tự nhiên, còn cá nuôi cũng không thoát khỏi tác hại của nguồn nước ô nhiễm. Mới ngày 13/10/2016, cá nuôi bè tại làng bè Long Sơn, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng chết hàng loạt; cuộc sống của dân nuôi cá khốn đốn.
Cứ đà này, cá có ngày chẳng còn để ăn. Như thế, cơm sẽ thiếu, cá cũng sẽ thiếu.
                                                             
Thời bình, sự trao đổi từ miền này qua miền khác, từ nước này qua nước khác đang trôi chảy thì vấn đề cơm cá cho mọi người dân chưa phải khó giải quyết. Tuy nhiên, “cư an tư nguy” (lúc bình yên phải lo lúc nguy biến); lỡ chiến tranh xảy ra, thì sao?
Nhớ lại nạn đói cuối năm 1944 và năm 1945 làm dân ta chết 2 triệu người ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ (lúc đó dân số cả nước chỉ khoảng 20 triệu người) mà rùng mình! Ngoài thời tiết không thuận lợi khiến mùa màng thất bát, hai nguyên do chính của nạn đói là chiến tranh và chính sách thời chiến của nhà cầm quyền. Chiến tranh cắt đứt giao thông, miền Nam dư gạo mà không chở ra Bắc được; chính quyền Nhật và Pháp đã thu mua hết lúa gạo trong dân để phục vụ chiến tranh, lại bắt nông dân chuyển ruộng trồng lúa sang trồng đay, ngoa ngoạnh tuyên truyền đay có giá cao hơn lúa. Thế là hết gạo trong nhà, hết thóc ngoài đồng, gạo không còn bán ở chợ, người dân chỉ còn con đường chết đói.
Hiện tại, chúng ta đang sống trong hòa bình; nhưng nguy cơ chiến tranh đang rình rập; không phải chiến tranh giữa dân ta với dân ta mà chiến tranh giữa các siêu cường có thể lôi cuốn nước ta vào vòng xoáy và có thể dùng nước ta làm bãi chiến trường do tầm quan trọng của vị thế địa chiến lược. Khi ấy, nguồn lương thực, thực phẩm không có tại chỗ, dân ta sống sao đây!
Nông nghiệp có 2 loại: nông nghiệp sản xuất để dùng (subsistence crop) và nông nghiệp sản xuất để bán (cash crop); ngày xưa, nền nông nghiệp sản xuất để dùng được chú trọng, nó không làm cho nông dân giàu, nhưng nó đem đến cuộc sống bền vững, ổn định cho nông dân từ đời này qua đời khác, nhà minh triết Lê Quý Đôn đã viết: “Phi nông bất ổn” (Không có nông nghiệp thì không ổn), và người xưa dù quan niệm “phi thương bất phú” (không có thương mãi thì không giàu), vẫn cho rằng “dĩ nông vi bổn” (lấy nông nghiệp làm gốc). Thành thử, đừng bỏ rơi nông nghiệp sản xuất để dùng mà chú trọng quá mức vào nông nghiệp sản xuất để bán. Giá nông sản trên thị trường không ổn định, lúc lên lúc xuống, làm cho nông dân, ngay ở thời bình, khi thì hồ hỡi phấn khởi khi thì lao đao lận đận.
Hiện nay, chạy theo nền  nông nghiệp sản xuất để bán, người ta đang muốn ruộng đồng tập trung lại giao cho một ít doanh nghiệp; với kỹ thuật canh tác hiện đại: chọn giống, chọn phân, dùng máy móc trong các khâu gieo trồng, bón phân, thu hoạch …, nông sản sẽ tăng vừa về chất vừa về lượng mà lao động sử dụng ít. Đỡ công mà lời nhiều! Nghe thì sướng tai! Tuy nhiên, mấy chục triệu nông dân sẽ làm gì? Xuất khẩu lao động ư! Những nước nào nhận được hết? Biến nông dân thành công nhân ư! Nhà máy đâu để thu dung được hết! Chỉ còn viễn cảnh trong cộng đồng số “thợ đụng” – gặp việc gì làm việc ấy – đông thêm, ngoài đường phố, số người lang thang không nghề nghiệp ổn định hoặc làm những việc phi pháp nhiều lên. Tình trạng xã hội sẽ rối rắm, lộn xộn ngoài sức kiểm soát.
Người ta đang nôn nóng làm sao tỉ trọng công nghiệp trong nền kinh tế nâng lên mà tỉ trọng nông nghiệp giảm xuống. Các nước hiện đại đều như thế cả. Nhưng hoàn cảnh và điều kiện nước ta không như các nước ấy. Về công nghiệp và dịch vụ, họ đi trước ta hàng trăm năm; muốn kịp họ, nước ta chỉ “nhảy vọt” mà nhảy vọt thì ngã, thêm đau xác! Còn “đi tắt đón đầu” thì e rằng càng đi tắt để đón đầu càng lạc đường!
Mỗi nước phải chọn con đường riêng để đi, để phát triển tuỳ điều kiện, hoàn cảnh và nguồn nhân vật lực của mình. Phát hiện con đường đó là trách nhiệm của những nhà lãnh đạo - những nhà lập chính sách! Chỉ có điều là mọi người “tự thiên tử dĩ chí ư thứ dân” có xem đất nước này là thật sự của mình không hay chỉ là nơi kinh doanh để làm giàu, giàu rồi tìm nước khác để sinh sống!!!
Có đọc sử thì mọi người tin rằng người Việt đủ khôn khéo để tìm được cách phát triển đất nước hài hoà, nước ngoài phải kính nể, chỉ sợ thiếu cái tinh thần “chí công vô tư”.
Viết đến đây, tôi nhớ giai thoại “chọi trâu” (1) do nhà nghiên cứu lịch sử Trương Thái Du kể trong bài “Tiếng trống đồng Mê Linh” (tháng 4 năm 2005):
Tàn quân của Hai Bà Trưng trốn quân Nam Hán, lưu lạc đến tận eo biển Malacca, cập bờ Tây đảo Sumatra, định cư và trở thành một bộ tộc. Bộ tộc này có tranh chấp đất đai với một bộ tộc kế cận. Muốn tránh đổ máu, bộ tộc gốc Việt đề nghị hai bên chọn hai con trâu để đấu, trâu bên nào thắng thì bên ấy thắng. Bộ tộc kia chọn một con trâu đực “nổi”, sừng dài nhọn hoắt, cổ bự to; trong khi đó, bộ tộc gốc Việt tìm một con trâu nghé mới nhú sừng. Con trâu nghé bị cách ly mẹ và bỏ đói nhiều ngày. Trận đấu mở màn, con trâu nghé tưởng con trâu đực “nổi” kia là mẹ, rúc đầu vào giữa hai chân sau trâu đực tìm vú bú; hai sừng mới nhú đâm vào bụng và dái trâu đực “nổi”; con trâu đực vừa nhột vừa đau, vọt chạy. Thế là trâu của bộ tộc gốc Việt thắng; theo giao ước ban đầu, phần đất tranh chấp thuộc về bộ tộc gốc Việt. Do vậy, bộ tộc gốc Việt ở địa phương có tên là Minangkabau – Minang là chiến thắng, kabau là con trâu.
Đọc chuyện xưa mà ngẫm việc nay! Lẽ dĩ nhiên, chuyện xưa ấy không áp dụng vào thời nay được. Người thời nay chỉ thừa kế, vận dụng cái khôn của người xưa, phát huy sáng kiến mà giải quyết việc hiện tại, phóng tầm nhìn về tương lai, làm sao nước ta trở nên tươi đẹp, dân ta trở nên yên vui. Người viết bài này, trước mắt, không thích mục tiêu “nước mạnh, dân giàu” mà giàu và mạnh có được bằng cách kết bè, lập nhóm giành giật quyền và lợi, tạo ra bất công, bất bình. Hãy nhớ lời dạy của cố chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không sợ thiếu mà chỉ sợ không công bằng; không sợ nghèo mà chỉ sợ lòng dân không an

                                                                            Hoàng Đằng
                                                                            13/10/2016 
.......................

1) Chuyện này có người kể là Trạng Quỳnh đem trâu nghé chọi trâu “nổi” của sứ thần Tàu.

No comments: